Lý do gì khiến Việt Nam đang vất vả đối phó với dịch COVID-19 hiện nay?

Zachary Abuza | DCVOnline

Từng được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc đối phó với COVID-19, Việt Nam hiện đang vất vả chống chọi với tình trạng lây nhiễm đang tăng và chiến dịch chủng ngừa không hiệu quả.

Phật tử đeo mặt nạ viếng chùa Vạn Phật ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vào Tết Trung thu, ngày 31 tháng 8 năm 2020. Nguồn: Depositphotos

Việt Nam hiện đang ở trong tình thế khó khăn bất thường, với sự gia tăng số người nhiễm COVID-19 mới và tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong tất cả các nước Đông Nam Á. Cách đây vài tháng, Việt Nam đã được coi là tiêu chuẩn vàng về cách đối phó với COVID-19. Việt Nam có tỷ lệ số người lây nhiễm và chết thấp nhất thế giới, mặc dù có đường biên giới dài 1.300 km với Trung Hoa và thương mại song phương phát triển mạnh mẽ. Kết quả là, bất chấp lo ngại về sự suy thoái kinh tế lớn hơn, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á có mức tăng trưởng tích cực vào năm 2020, mặc dù chỉ được 2%, khác xa so với mức tăng trưởng 6-7% mà nó đã có trong 5 năm qua.

Nhiều nghiên cứu đã trình bày chi tiết lý do thành công của Việt Nam, nhưng đáng đề cập đến một vài nguyên nhân ỏ đây. Có lẽ hệ thống chính trị của Việt Nam, được mô phỏng gần như của Trung Hoa, đã mang lại cho giới lãnh đạo Việt Nam những hiểu biết sâu sắc. Các ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi những người đồng cấp Trung Hoa họp khẩn vào giữa Tết Nguyên đán. Các hoạt động tình báo mạng của Việt Nam cũng có thể đã cấp cho giới lãnh đạo thêm thông tin tình báo về mức dộ của vấn đề. Nếu không có gì khác, thì sự nghi ngờ thâm căn cố đế đối với Trung Hoa và sự hiểu biết về cách hoạt động của Bắc Kinh, đã định hình phản ứng của Hà Nội.

Bất chấp điều đó, Hà Nội đã hành động một cách nhanh nhẩu đáng kinh ngạc. Phong tỏa biên giới, áp đặt mạnh mẽ việc cách ly trong các trại lính. Nhưng chiến dịch thông tin cho công chúng rất bùi tai và đúng với thông điệp. Và chính phủ đã có thể khai thác chủ nghĩa dân tộc của quần chúng, và chuyển sang những gì có vẻ giống như một cuộc cổ động thời chiến, phổ biến khắp nơi  những bích chương và loa tuyên truyền chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Nhưng điều thực sự có ích về mặt nào đó là một hệ thống y tế công cộng rất tốt, tập trung vào việc phòng ngừa chứ không phải chữa bệnh tốn kém. Hệ thống y tế công cộng của Việt Nam đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đối phó với SARS, bệnh cúm gia cầm và các loại virus lây truyền từ động vật sang người khác, và ban lãnh đạo y tế công cộng đã đưa ra các thể chế và quy trình hiệu quả, kiểm dịch và truy tìm người đã tiếp xúc với bệnh nhân nghiêm ngặt.

Ban lãnh đạo Việt Nam đã rất tự hào về phản ứng thực dụng, phi chính trị hóa và rõ ràng đã đạt được tính chính danh với quần chúng vì những thành công của họ.

Tuy nhiên, hôm nay, Việt Nam đang gửi tin nhắn xin tiền mua thuốc chủng ngừa, và có tỷ lệ tiêm chủng đứng dưới cả hai quốc gia nghèo khó, Lào và Myanmar, và Myanmar còn đang trong tình trạng bất an và nội chiến. Với tốc độ tiêm chủng hiện nay, Việt Nam sẽ không có thể có miễn dịch cộng đồng trong mười năm.

Nguyên nhân nào đã gây ra sự đảo ngược này? Không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam là nạn nhân của chính thành công của mình. Với tỷ lệ lây nhiễm thấp, Việt Nam đã không chuẩn bị mua thuốc chủng ngừa với bất kỳ sự khẩn cấp nào. Họ đã ký hợp đồng mua thuốc chủng ngừa, nhưng đã làm như vậy tương đối quá muộn với những nước khác và đứng tuốt phía sau trong hàng đợi.

Với các biến thể mới và nền kinh tế đang trong giai đoạn mở cửa trở lại, một nửa trong số 8.000 người nhiễm COVID-19 của Việt Nam — nhìn chung vẫn là một con số rất thấp — đã có kể từ tháng Tư. Những đợt bùng phát mới này đã thúc đẩy chính phủ ký hợp đồng vào đầu tháng 6 để mua 31 triệu liều thuốc chủng ngừa Pfizer vào cuối năm; 38,9 triệu liều AstraZeneca từ COVAX (viện trợ), và mua thêm 30 triệu liều; và đạt được thỏa thuận mua 50-150 triệu liều Sputnik V của Russia. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán với Medigen của Đài Loan để mua 3-10 triệu liều và với Moderna để mua một số liều không xác định.

Tổng cộng, Việt Nam đã đặt mua và được viện trợ hơn 170 triệu liều, đủ để đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhưng số thuốc chủng ngừa đó đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 mới đến Việt Nam. Vì lý do này, chính phủ hiện đã cho phép thuốc chủng ngừa Sinopharm của Trung Hoa và hiện đang bị áp lực bắt đầu nhập cảng ngay lập tức, bất chấp phản ứng dữ dội do chủ nghĩa dân tộc vốn có và sự nghi ngờ nói chung của công chúng Việt Nam.

Một phần nguyên nhân khiến Việt Nam không đạt được các thỏa thuận mua thuốc là vì nước này quan tâm đến việc phát triển thuốc chủng ngừa nội hóa. Việt Nam hiện có 4 loại thuốc chủng ngừa nội hóa khác nhau đang nghiên cứu: Nanogen, Vabiotech, Polyvac và Viện thuốc chủng ngừa và sinh phẩm y tế (IVAC). Họ trễ trong giai đoạn thí nghiệm thứ hai và thứ ba vì có rất ít người lây nhiễm trong nước để thí nghiệm lâm sàng và không có công ty nào có nhiều kinh nghiệm trong việc thí nghiệm ở các quốc gia khác.

Mặc dù có ý muốn rõ ràng trong việc dùng đại dịch để bắt đầu lĩnh vực kỹ thuật sinh học, nhưng một hướng hành động tốt hơn nhiều là có một hoặc hai trong số các công ty dược phẩm cấp phép sản xuất một trong các loại thuốc chủng ngừa mRNA.

Ví dụ: một công ty ở Thái Lan do Quốc vương làm chủ, không có kinh nghiệm sản xuất thuốc chủng ngừa, đang sản xuất thuốc chủng ngừa của AstraZeneca và đã chậm trễ trong việc sản xuất, không chỉ ảnh hưởng đến Thái Lan mà còn cả Malaysia và Philippines. Đây là khoảng trống mà Việt Nam đáng lẽ phải lấp đầy, đặc biệt là khi nền kinh tế của nước này đang hoạt động hiệu quả khi rất nhiều quốc gia trên thế giới đang ở trong tình trạng bế tắc.

Việt Nam hiện đang cố gắng lấp đầy khoảng trống này, nhưng đã muộn. Vào tháng 6 năm 2021, Bộ Y tế đã liên lạc với chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới về việc thành lập một cơ sở sản xuất tại Việt Nam để được nhượng quyền các loại thuốc chủng ngừa khác nhau cho việc sản xuất trong nước và cung cấp cho COVAX. Và trong các cuộc đàm phán gần đây với Johnson & Johnson, Việt Nam không chỉ đồng ý mua thuốc chủng ngừa mà còn xin cấp phép sản xuất thuốc chủng ngừa này.

Bỏ qua sự thất bại trong việc ký hợp đồng, chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm trên thực tế là cho đến nay họ mới chỉ phân bổ 630 triệu đô la trong số 1,1 tỷ đô la cần thiết để đảm bảo sẽ có 150 triệu liều thuốc trong năm nay nhằm têm chủng cho khảong 70% dân số nước này. Trong khi đó, một quỹ do giới tài trợ tư nhân và doanh nghiệp đã huy động được khoảng 329 triệu đô la để mua thuốc chủng ngừa.

Vậy chính quyền có đáng trách không? Ở một mức độ, có. Ở mức căn bản nhất, việc phê duyệt thuốc chủng ngừa còn chậm. Cho đến nay, chỉ có ba loại thuốc chủng ngừa (AstraZeneca, Sputnik V và Sinopharm) được các nhà chức trách của Việt Nam phê duyệt.

Vào tháng 1, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 13, cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo mỗi 5 năm. Tiếp đó là vào tháng 5 bằng cuộc bầu cử chính phủ mới. Rõ ràng, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, không giống như nhiều người tiền nhiệm chưa từng làm phó thủ tướng, đã nao núng.

Trong một cuộc điện đàm vào đầu tháng 6 với người đồng cấp Trung Hoa Lý Khắc Cường, Phạm Minh Chính đã yêu cầu Trung Hoa “hợp tác và hỗ trợ Việt Nam để có được thuốc chủng ngừa COVID”. Một số người ở Việt Nam lo lắng rằng điều này sẽ tạo thêm đòn bẩy cho Trung Hoa khi đề cập đến các vấn đề như Biển Đông.

Và trên thực tế, một số người nghĩ rằng đó chính xác là ý định của chính phủ: Điều này sẽ tạo ra không gian để chấp nhận những nhượng bộ đau đớn về mặt chủ quyền đất nước mà chính phủ biết rằng họ trước sau cũng phải chấp nhận. Đó là một cách để chính phủ ngăn chặn và định hình phản ứng dữ dội chống Trung Hoa mà họ biết là sẽ lan tràn trên mạng xã hội. Tinh thần Trung Hoa có thể biến đổi rất nhanh thành tinh thần chống chế độ, đặc biệt nếu công chúng cảm nhận được rằng chính phủ đã bán rẻ lợi ích quốc gia cho Trung Hoa.

Không có ích gì khi tâm chấn của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay của Việt Nam là tỉnh Bắc Giang, nơi mà thủ tướng từng là nhân vật đứng đầu, và bị ràng buộc cứng ngắc trong chuỗi cung ứng của Trung Hoa. Nhiều người chỉ trích chính phủ từ lâu đã coi Phạm Minh Chính, một cựu viên chức Bộ Công an, là  người quá thân thiết với Trung Hoa.

Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch. Nó đã bị một cú vấp ngã đáng ngạc nhiên. Nhưng nó có một chính phủ hiệu quả, một hệ thống y tế công cộng tốt và những người dân yêu nước sẽ tập hợp. Quan trọng nhất là ở Việt Nam có một sự khao khát để phát triển kinh tế, và không bị mắc vào bẫy thu nhập trung bình. Thoát khỏi đại dịch càng nhanh càng tốt là chìa khóa cho tương lai đó.

Nhưng đối với một chế độ đã dùng đại dịch để củng cố tính hợp pháp của mình, đợi dịch bùng phát lần này và bất tài trong việc tiêm chủng cho dân chúng đã làm hoen ố danh tiếng của họ. Và với một cộng đồng dân mạng tích cực, chính phủ sẽ phải nghe những lời chỉ trích dồn dập. Chính phủ đang trong một cuộc đàn áp tàn bạo đối với nhưng người làm báo độc lập và những người bất đồng chính kiến, nhưng việc nhắm vào các người phê bình chính phủ về vấn đề đối phó với đại dịch này có thể là phản ứng tồi nhất đối với việc tiêm chúng đáng thất vọng của Việt Nam.

Tác giả mời của Diplomat | Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, D.C.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  What Explains Vietnam’s Current COVID-19 Struggles? | Zachary Abuza  | The Diplomat | June 15, 2021