Mặt trận của Bắc Kinh để nghiền nát tự do cuối cùng của Hong Kong
Nathan Law | DCVOnline
“Báo chí tự do là con đường sau cùng đến với sự thật của người Hong Kong, và sự thật là động cơ để phản kháng. Không được để nó bị lấy đi một cách dễ dàng.”
Tờ Apple Daily ra đời vào ngày 20 tháng 6 năm 1995. Bài xã luận đầu tiên của tờ báo là một tuyên bố về ý định, mở cửa chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra sau đó. Tờ báo viết:
“Chúng tôi thuộc về Hong Kong. Chúng tôi là một tờ báo dành cho người Hong Kong … Nếu Hong Kong thất thủ, chúng tôi sẽ không tồn tại được.”
Apple Daily
Từ khởi đầu táo bạo này, ít ai có thể ngờ rằng tờ báo có thể sẽ phải đóng cửa chỉ hai mươi lăm năm sau đó. Thứ sáu tuần này, hội đồng quản trị của Next Digital Limited, công ty mẹ của Apple Daily, sẽ quyết định có đóng cửa, ngưng hoạt động của tờ báo hay không sau khi hứng chịu toàn bộ sức mạnh đồng tiền của Bắc Kinh.
Dấu hiệu cho thấy không có gì khích lệ. Jimmy Lai, chủ tờ báo đã bị bắt hồi tháng 4 vì được cho là thông đồng với các thế lực nước ngoài chiếu theo luật an ninh quốc gia do Trung Quốc áp đặt. Tuần trước, 5 giám đốc của Next Digital Limited đã bị bắt và tạm giam — gồm cả Ryan Law, chủ biên của tờ báo. Khoảng 500 cảnh sát – đồng phục và thường phục — đã đột kích tòa soạn của tờ báo lần thứ hai trong những tháng gần đây, tịch thu máy tính và tài liệu lưu trữ làm “bằng chứng”. Tệ nhất, tài sản trị giá 1,64 triệu bảng Anh — 18 triệu đô la Hong Kong — của công ty bị đóng băng, khiến công ty không thể trả lương cho ký giả của họ. (Cố vấn thân cận của Jimmy Lai, Mark Simon đã nói rằng còn nhiều tiền hơn thế nữa trong trương mục đã bị khóa của công ty.)
Nhân viên tòa báo đã nộp đơn yêu cầu dỡ bỏ những chế tài đó, dù rất khó để chính phủ rút lại quyết định này. Trong một tuyên bố, Apple Daily cho biết:
“Việc đóng băng tài sản không chỉ ảnh hưởng đến sổ lương mà còn cả hoạt động bình thường của tờ báo. Các ngân hàng lo ngại không dám giúp đỡ, tờ báo đã công bố hôm Chủ nhật rằng họ chỉ có đủ tiền mặt để tiếp tục hoạt động bình thường trong ‘vài tuần.’
Apple Daily
Và vì tội gì mà Apple Daily lại bị áp lực tài chính như vậy? Họ đã đănng tải khoảng ba chục bài báo gồm những lời kêu gọi nước ngoài trừng phạt chính phủ Hong Kong. Theo luật an ninh quốc gia, công ty này đang bị truy tố về tội thông đồng với nước ngoài. Đạo Luật đó dường như đang được áp dụng hồi tố, vì một số điều khoản được ghi vào năm 2019, trước khi luật có hiệu lực vào năm 2020. Cảnh sát cho đến nay (không ngạc nhiên) đã từ chối cho biết chi tiết về những điều khoản nào vi phạm luật. Nhà chức trách được cho là hiện đang sàng lọc khoảng 100 bài báo để tìm bằng chứng rằng tờ báo đã trở thành ‘công cụ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia’ và nhưng ký giả của họ đã ‘kích động nước ngoài áp đặt các biện pháp trừng phạt.’
Đó là một lời nhắc nhở rõ ràng khác rằng, khoảng 24 năm kể từ khi kết thúc sự cai trị của người Anh, sự tự do mà chúng tôi từng được hưởng ở Hong Kong đã hoàn toàn bị xói mòn do sự cai trị côn đồ của Bắc Kinh.
Là một cựu nghị viên của Hong Kong (đang sống lưu vong ở bên Anh), Tôi đã làm việc với Apple Daily trong nhiều năm. Tôi biết rõ các phóng viên và biên tập viên của tờ báo. Vì vậy, thật không quá lời khi nói tôi rất đau lòng trước những gì đang xảy ra. Những nhà báo của Apple Daily là những cá nhân nhiệt tình và tận tâm, cam kết buộc giới quyền lực phải chịu trách nhiệm trả lời. Họ chưa bao giờ coi công việc của họ là phục vụ chế độ một cách nhu mì, và luôn lên tiếng chỉ ra những sai trái và hành động sai trái của chính khách.
Khi Ryan Law ra trước tòa dưới sau khi bị cảnh sát tạm giữ vài ngày trước, phòng xử án chật kín những nhà báo của Apple Daily. Khi họ chứng kiến cấp trên của họ bị từ chối không được tại ngoại hầu tra, một số người đã khóc.
Là một trong số rất ít những tờ báo ở Hong Kong có can đảm chỉ trích chính phủ và ủng hộ phong trào dân chủ, Apple Daily gần như đơn độc trong việc hoàn thành trác nhiệm căn bản của Đệ tứ quyền và buộc chính quyền phải có trách nhiệm. Hầu như tất cả các tờ báo và hãng truyền thông khác ở Hong Kong đều là tài sản của vô số doanh nghiệp Trung Hoa có chương trình nghị sự chính trị. Khi Trung Hoa tiếp tục kìm kẹp, các công ty truyền thông nhỏ và độc lập khác, như Stand News và Hong Kong Freedom, sẽ bị đe dọa cùng số phận.
Những kinh nghiệm của Apple Daily phản ảnh những nỗ lực của chính phủ Trung Hoa trong việc tái tạo môi trường truyền thông của đại lục trên hòn đảo này. Điều này đã được thể hiện rõ ràng trong Chỉ số Tự do Báo chí năm 2021, trong đó Hong Kong đã giảm từ 54 xuống hạng 80 trên toàn cầu. Còn phải nói thêm rằng: không có báo chí độc lập ở Trung Hoa đại lục, tất cả các phương tiện truyền thông đều bị Đảng kiểm duyệt và mọi hình thức chỉ trích đều bị cấm (so sánh, Trung Quốc xếp thứ 177 trong bảng xếp hạng).
Nhưng sự xói mòn của tự do truyền thông chỉ là một phần của sự sụp đổ của xã hội dân sự ở Hong Kong. Luật an ninh quốc gia đang được sử dụng để biện minh cho việc sửa đổi chương trình giảng dạy của trường học; việc bỏ đi bất kỳ cuốn sách nào khỏi các thư viện công cộng và sự đàn áp tất cả nhưng người hoạt động ủng hộ dân chủ đều có thể ‘gây tranh cãi’. Với luật an ninh quốc gia, chính phủ TrungHoa đã phá vỡ những lời hứa với người dân Hong Kong khi hòn đảo này được Anh giao lại. Bằng cách tập trung quyền lực ở Hong Kong như ở Trung Hoa đại lục, Bắc Kinh đã phá vỡ khuôn mẫu ban đầu của chính sách ‘Một quốc gia, hai hệ thống’ đã được thỏa thuận với Anh vào đầu những năm 1980, nhằm bảo đảm cho Hong Kong sẽ vẫn tự do, dân chủ. và tự chủ.
Cách tấn công hung hăng của Trung Hoa đang nhanh chóng xóa mờ những khác biệt đó. Hong Kong ngày càng giống một thành phố điển hình của Trung Hoa, với một Đảng toàn năng và không dung thứ cho bất kỳ bất đồng chính kiến náo.
Sự thay đổi này không chỉ đơn giản là một cuộc tấn công vào một tờ báo. Cuộc tấn công của Trung Hoac vào Apple Daily thể hiện một cuộc tấn công vào bản sắc và phong cách của Hong Kong. Với phương tiện truyền thông và tin tức bị chính phủ kiểm soát, những người Hong Kong trung bình ngày càng thấy họ bị mất kết nối với đất nước xung quanh họ. Việc chống lại các cuộc tấn công tiếp theo của Trung Hoa nhằm vào quyền tự do sẽ trở nên vô ích, vì ý chí đấu tranh cho xã hội dân sự của Hong Kong ngày càng sụp đổ.
Rõ ràng sự tồn tại của một nền báo chí độc lập và công bằng ở Hong Kong đang trở nên không bền vững. Sự tồn tại của bất kỳ nền tảng tự do truyền thông nào ở Hong Kong hiện nay đều dựa vào sự can thiệp từ bên ngoài. Những người Hong Kong sống lưu vong cần đưa ra những tin tức đáng tin cậy và đưa tin cho những người ở quê nhà. Cộng đồng quốc tế cũng cần sự trợ giúp — có quá nhiều giá trị đang bị đe dọa xóa sổ ở Hong Kong để thế giới có thể nhắm mắt làm ngơ.
Báo chí tự do là con đường cuối cùng mà người Hong Kong có thể đến với sự thật, và sự thật là động cơ phản kháng. Không được để nó bị lấy đi một cách dễ dàng.
Tác giả | Nathan Law (La Quán Thông) là một nhân vật hoạt động sống lưu vong, là cựu lãnh đạo của đảng ủng hộ dân chủ Demosistō và là Đại sứ của MLI về chính sách Canada-Hong Kong.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Beijing’s Battle To Crush Hong Kong’s Final Freedoms | Nathan Law | The Spectator/ The Spectator | June 23, 2021.