Việc Colin Powell đi quân dịch tại Việt Nam đã định hình vai trò lãnh đạo của ông như thế nào
Dave Roos | DCVOnline
Colin Powell đã hai lần đi quân dịch tham chiến trong chiến tranh Việt Nam và nhận ba huy chương.
Vào ngày 16 tháng 11 năm 1968, Thiếu tá Colin Luther Powell đang trong chuyến công tác thứ hai tại Việt Nam, lần này là phụ tá Tham mưu trưởng cho vị Tư lệnh Sư đoàn Sư đoàn bộ binh 23. Với trách nhiệm đó, ông hầu như chỉ làm việc ở văn phòng, nhưng hôm đó Powell đang đi trực thăng cùng sĩ quan chỉ huy của mình, Thiếu tướng Charles M. Gettys, để thị sát một trại lính Bắc Việt vừa chiếm được khi chiếc trực thăng rơi vì tông vào một cây rừng trong khi đáp.
Powell bị gãy mắt cá chân, nhưng vết thương không ngăn được ông lao vào chiếc trực thăng rơi, hết lần này đến lần khác, để cứu mạng Gettys, tham mưu trưởng của ông và một trong những phi công. Có lúc, Powell dùng tay không phá trực thăng, dù biết rằng nó có thể nổ bất cứ lúc nào, để giải thoát một đồng đội vẫn bị kẹt.
Powell đã nhận được Huân chương Chiến sĩ vì lòng can đảm của ông hôm ấy, thêm vào hay huân chương Ngôi sao đồng và Trái tim tím mà ông đã nhận được trong hai lần công tác tại Việt Nam.
Nhiều chục năm sau, Colin Powell trở thành cố vấn an ninh quốc gia da đen đầu tiên của Mỹ, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân trẻ nhất lịch sử quân đội Mỹ và là Ngoại trưởng da đen đầu tiên. Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Powell quyết tâm không lặp lại những sai lầm đã phải trả giá quá đắt của cuộc chiến thất bại của Mỹ ở Việt Nam và phô trương lực lượng một cách áp đảo mà ngày nay gọi là Học thuyết Powell.
Jeffrey J. Matthews, giáo sư kinh doanh và lãnh đạo tại Đại học Puget Sound và là tác giả của cuốn tiểu sử Colin Powell: Người yêu nước không hoàn hảo (Colin Powell: Imperfect Patriot), cho biết những phẩm chất sau này khiến Powell trở thành một cố vấn quân sự hiệu quả lần đầu tiên “nở rộ” trong thời gian ông phục vụ tại Việt Nam.
Matthews nói:
“Những vị chỉ huy của Powell đã nhận xét như nhau về sự tận tụy, làm việc chăm chỉ, cam kết và khả năng của ông ấy như một sĩ quan trong lĩnh vực này và với tư cách là một thành viên của toán sĩ quan chỉ huy. Nếu muốn hiểu về sự lỗi lạc cuối cùng của Powell, đó là vì ông ấy đã dùng những đức tính đó để trở thành người hỗ trợ, cấp dưới và cố vấn tuyệt vời cho giới lãnh đạo quân sự và dân sự dầy quyền lực.”
Jeffrey J. Matthews
Chuyến công tác đầu tiên của Powell Cố vấn cho các tướng Việt Nam Cộng hòa
Powell đến Việt Nam vào ngày lễ Giáng sinh năm 1962. Đó là những ngày đầu của sự can dự của quân đội Mỹ vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa cộng sản miền Bắc chống lại chính phủ thân phương Tây của miền Nam.
Trong một nỗ lực nhằm tăng cường đáp trả của quân đội miền Nam trước các cuộc tấn công của du kích quân miền Bắc, Tổng thống John F. Kennedy đã cử hàng ngàn “cố vấn quân sự” đến Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1963. Powell, một đại úy chính quy 25 tuổi, cũng nằm trong số đó.
Matthews viết, trong chuyến công tác kéo dài một năm, Powell là cố vấn chiến thuật cho ba vị chỉ huy khác nhau của quân đội Việt Nam Cộng hòa, và ông đã điều chỉnh vai trò hỗ trợ để phù hợp với tính cách của mỗi người. Khi chỉ huy có hiệu lực, Powell quay trở lại làm lính, thường đích thân chỉ huy các cuộc đột kích chống du kích nguy hiểm. Nhưng khi một chỉ huy của Việt Nam thiếu sự hậu thuẫn của binh lính, viên cố vấn trẻ Powell đã bước tới để giành được sự tin tưởng của 400 binh sĩ.
Powell viết trong cuốn hồi ký My American Journey năm 1995:
“Tôi có nhiệm vụ của một cố vấn, không phải người lãnh đạo. Tuy nhiên, hai chúng tôi đã thông đồng trong im lặng. Lãnh đạo, như bản tính, ghê tởm một khoảng không. Và tôi đã bị lôi kéo để lấp đầy khoảng chân không.”
Colin Powell
Matthews viết, là một người lính trung thành và không nghi ngờ, Powell đã không ngần ngại tham gia cùng với những người lính miền Nam Việt Nam đốt phá làng mạc của kẻ thù, giết gia súc và đốt ruộng, nhưng ông ta đã vạch lằn ranh đỏ về việc cắt xẻo xác người, cấm binh lính cắt phần thân thể của kẻ thù làm chiến tích.
Chuyến công tác đầu tiên của Powell tại Việt Nam đã bị cắt ngắn khi ông ta giẫm phải một hầm chông (punji spike) của quân miền Bắc. Chông tre hay gỗ vuốt nhọn, bôi phân trâu để tăng khả năng nhiễm trùng giết người.
Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, Powell nói:
“Các bác sĩ của Lực lượng Đặc biệt đã cắt giày trận của tôi, và lúc đó họ thấy chân tôi đã tím bầm. Mũi chông đã đi xuyên từ dưới lên trên, và sau đó lập tức được rút ra từ trên xuống dưới, lây nhiễm cho toàn bộ vết thương.”
Colin Powell
Chuyến công tác thứ hai và Sự che đậy vụ thảm sát Mỹ Lai
Giữa chuyến công tác đầu tiên và lần thứ hai của Powell tại Việt Nam, viên sĩ quan chính quy đã ghi danh theo học một loạt các chương trình huấn luyện sĩ quan danh tiếng và nhiều lần tốt nghiệp với hạng xuất sắc nhất lớp.
Powell trở lại Việt Nam năm 1968 như một sĩ quan tham mưu cấp tiểu đoàn của Sư đoàn 23 Bộ binh của Mỹ đóng tại Đức Phổ (Quảng Ngãi), một sào huyệt của Việt Cộng nơi lính Mỹ bị thương vong nặng nề.
Powell đã chóng gây ấn tượng với cấp trên của mình, gồm cả Thiếu tướng Gettys. Chỉ sau ba tháng làm việc, thay cho làm công việc của một sĩ quan văn phòng, Powell đã trở thành sĩ quan kế hoạch và hành quân lâm thời của Getty, một công việc thường dành cho những sĩ quan giàu kinh nghiệm nhất. Powell viết trong hồi ký,
“Qua đêm, tôi đã đi từ việc trông nom tám trăm người sang lập kế hoạch hành quân cho gần mười tám ngàn binh sĩ, các đơn vị pháo binh, các tiểu đoàn không lực và một phi đội 450 máy bay trực thăng.”
Colin Powell
Matthews cho biết Powell đã thể hiện sự can đảm và tinh thần trách nhiệm trong cuộc giải cứu đồng độ khi trực thăng rơi vào tháng 11 năm 1968, nhưng ông cũng cho thấy một số khuyết điểm hiếm thấy trong chuyến công tác lần thứ hai tại Việt Nam.
Nhiều tháng trước khi Powell được bổ nhiệm vào Sư đoàn 23 Bộ binh Mỹ, các thành viên của một lữ đoàn bộ binh thuộc sư đoàn này đã gây ra tội ác kinh hoàng nhất đối với thường dân Việt Nam trong suốt cuộc chiến. Sự kiện gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai, giết hại khoảng 500 thường dân không vũ trang — gồm cả phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh — tại thôn Mỹ Lai xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Khi những tin đồn bắt đầu lan truyền về một hành động tàn bạo có thể xảy ra do binh lính Mỹ gây ra, quân đội đã mở một cuộc điều tra nội bộ và Powell là một trong những sĩ quan được giao nhiệm vụ duyệt xét những cáo buộc.
Matthews nói:
“Lúc đó vẫn còn sớm trong sự che đậy của Quân đội về những gì đã xảy ra, nhưng Powell đã viết một bản phúc trình tổng quan khá đơn giản và bóng bẩy nói rằng không có bằng chứng về bất kỳ loại thảm sát nào. Ông ấy nói, theo nghĩa đen, rằng quan hệ giữa binh lĩnh Mỹ và nhân dân miền Nam Việt Nam là ‘tuyệt vời’, điều này không phải là sự thật.”
Jeffrey J. Matthews
Matthews nói rằng sau đó Powell công nhận vì tham vọng binh nghiệp và mong muốn giữ thanh danh như một sĩ quan trung thành có thể đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông trong chiến tranh, nhưng ông ta cũng đổ lỗi cho những hành động tàn bạo của tất cả mọi bên về thực tế khủng khiếp của chiến tranh.
Từ ‘Hội chứng Việt Nam’ đến Học thuyết Powell
Hơn 58.000 quân nhân Hoa Kỳ đã chết trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ ở Việt Nam. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1973, giới lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ buộc phải đánh giá lại quyết định can thiệp vào các cuộc nội chiến của các nước khác. Christopher O’Sullivan, giáo sư lịch sử tại Đại học San Francisco và là tác giả cuốn Colin Powell: A Political Biography, cho biết sự đồng thuận nổi lên gọi là “Hội chứng Việt Nam”. O’Sullivan nói,
“Sau Việt Nam, nỗi sợ hãi là mọi hoạt động đưa quân ra nước ngoài sẽ trở thành một Việt Nam khác. Điều này đã ảnh hưởng mạnh đến Caspar Weinberger, Bộ trưởng Quốc phòng của Reagan, người muốn đặt tiêu chuẩn khó khăn hơn nhiều để có thể đưa quân đội ra nước ngoài.”
Christopher O’Sullivan
Matthews nói, trong một bài phát biểu năm 1984, Weinberger đã đưa ra cái được gọi là “Học thuyết Weinberger”, một tiêu chuẩn gồm sáu phần để có thể dùng vũ lực quân sự nhằm giải quyết một cuộc xung đột quốc tế. Powell làm việc dưới trướng Weinberger và hai người có “mối quan hệ như cha con”. Họ có chung niềm tin về việc dùng vũ lực quân sự như một phương sách cuối cùng. Nhưng một khi cầ dùng đến lực lượng quân sự thì nó phải áp đảo và quyết đoán.
Matthews nói,
“Chúng ta không thể tham gia một cuộc chiến tranh khác như Việt Nam với những mục tiêu không rõ ràng, và không có sự ủng hộ đủ của người dân Mỹ và Mỹ đã không gửi đi một lực lượng áp đảo quyết định khi chiến tranh bùng nổ ra.”
Jeffrey J. Matthews
Khi Powell là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, ông đã đánh bóng các nguyên lý của Weinberger vào “Học thuyết Powell” và sử dụng nó với hiệu quả ngoạn mục, đầu tiên là lật đổ chế độ của Manuel Noriega ở Panama vào năm 1990 và sau đó nhanh chóng đánh bại lực lượng của Saddam Hussein trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.
Matthews nói, một trong những bài học quan trọng nhất mà Powell học được từ Việt Nam là các cố vấn quân sự cao cấp cần phải đứng lên và không đồng ý với tổng thống, “điều mà Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã không làm trong Chiến tranh Việt Nam.”
Khi lên kế hoạch cho Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, Tổng thống Bush và Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney muốn tấn công gần như hoàn toàn bằng sức mạnh không quân, nhưng Powell phản đối gay gắt.
Matthews nói,
“Powell nói rằng đây sẽ là một bài học đã bỏ lỡ khác của Việt Nam. Chúng ta cần phải vào cuộc với một lực lượng bộ binh áp đảo có tính quyết định, điều mà cuối cùng họ đã làm được. Và sau Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, Tổng thống Bush tuyên bố rằng Hội chứng Việt Nam đã kết thúc.”
Jeffrey J. Matthews
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: How Colin Powell’s Service in Vietnam Shaped His Leadership | Dave Roos | History.com | October 19, 2021