Các nhà máy của Việt Nam đang mở cửa trở lại. Công nhân đâu?
John Boudreau, Nguyen Dieu Tu Uyen, và Mai Ngoc Chau | DCVOnline
Hãng xưởng sản xuất đang gặp khó khăn trong việc gọi nhân viên trở lại làm việc, và đó là một vấn đề của nền kinh tế toàn cầu.
Trong suốt 5 năm, Lê Thị Kim Dung đã may quần jean cho các thương hiệu Mỹ tại một khu kỹ nghệ liên hợp lớn ở ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh. Khi biến thể Delta của coronavirus tân công khu vực vào mùa hè vừa qua, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa nhà máy nơi bà làm việc — đồng thời áp đặt lệnh cấm đi lại khiến Dung và chồng phải sống trong một căn nhà trọ chật chội với nhà vệ sinh chung ở hành lang. Vào tháng 10, khi chính quyền nới lỏng hạn chế, cả hai bắt đầu dùng xe máy và lái 100 dặm về phía nam trở lại làng quê của họ ở đồng bằng sông Cửu Long — và Dung không chắc họ sẽ quay trở lại. Người công nhân 34 tuổi nói: “Tôi rất sợ. Rất nhiều người đã bị nhiễm bệnh và bị đưa đi cách ly.”
Nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của hàng trăm nghìn người như Dung, những người làm việc ở những nhà máy lớn cỡ sân đá banh, thuộc các công ty đa quốc gia và địa phương. Khi quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa đã sa sút, Việt Nam nổi lên như một điểm nóng về sản xuất, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng gần hai mươi lần trong hai thập kỷ qua, lên đến 283 tỷ USD vào năm 2020. Hãng Samsung Electronics sản xuất tủ lạnh và máy rửa bát ở Việt Nam; các nhà thầu phụ cho Urban Outfitters, Calvin Klein và Gap sản xuất áo phông, quần jean và áo len; và Nike, Adidas và Puma sản xuất hàng trăm triệu đôi giày ở đó.
Ngày nay, nhiều nhà sản xuất đang phải khập khiễng với mức số công nhân 70% hoặc ít hơn vì nhân viên không quay trở lại với máy may và máy ép kim loại của họ. Mặc dù tỷ lệ này là một tiến bộ so với mùa hè vừa qua, khi hàng ngàn nhà máy như xưởng của Dung đã đóng cửa hoàn toàn, hầu hết các công ty vẫn còn vài tháng nữa mới đạt được đủ công suất sản xuất. Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc cho biết:
“Chính phủ nghĩ rằng họ chỉ cần bật lại đèn ở nhà máy, cho máy chạy và công nhân sẽ quay về. Không ai có thể ép buộc họ quay lại.”
Carl Thayer
Với khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam đang trước nguy cơ, chính phủ và các chủ nhà máy đang làm mọi cách để kêu gọi mọi người quay trở lại làm việc. Một hãng cung cấp cho Nike Inc. đang treo tiền thưởng 100 đô la, khoảng một phần tư tiền lương hàng tháng của một công nhân trung bình. Một công ty sản xuất giày thể thao New Balance hứa sẽ đưa đón công nhân miễn phí hàng ngày đến Thành phố Hồ Chí Minh từ các tỉnh lân cận. Quốc hội đang lên kế hoạch cho các cuộc điều trần về tình trạng thiếu nhân công và các giới chức chính phủ đang thiết lập hội chợ việc làm qua Zoom, gửi tin nhắn khẩn cầu trở lại, đồng thời đề nghị giảm tiền thuê nhà và giảm thời gian đợi để chích ngừa cho các công nhân dây chuyền lắp ráp trở lại. Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cựu cố vấn chính phủ tại Hà Nội cho biết:
“Nếu người dân quay lại, họ sẽ muốn được hỗ trợ tiền thuê nhà. Họ muốn được chủng ngừa để an toàn trước đại dịch.”
Lê Đăng Doanh
Ban đầu, Việt Nam đã đạt kết quả tốt khi dịch bùng phát, chỉ có 35 người thiệt mạng được ghi nhận trước tháng 4 năm 2021, để lại cảm giác nhẹ nhõm và tự hào rằng họ đã tránh được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Nhưng khi biến thể Delta đến châu Á vào mùa xuân năm ngoái, quốc gia này — đến nay mới chỉ có 25% dân số được chích ngừa — đã bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là ở phía nam, nơi tập trung các ngành sản xuất cấp thấp hơn. Hiện nay trên toàn quốc đã có hơn 22.000 người chết, gần 17.000 người chết ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát vào mùa hè năm ngoái, nhà chức trách đã áp dụng các biện pháp hà khắc như cấm mạo hiểm ra ngoài ngay cả đi mua hàng tạp hóa. (Chính quyền dùng lính để giao hàng.) Nhà máy sản xuất được thông báo rằng họ chỉ có thể mở cửa nếu cung cấp được chỗ ăn ngủ tại chỗ cho nhân viên, khiến một số hãng dựng các lều ngủ ngay trên sàn nhà máy nhưng nhiều xưởng khác đã đóng cửa.
Với việc xe đò trở lại Thành phố Hồ Chí Minh khan hiếm và đắt đỏ vì sự hạn chế đi lại, Dung không có kế hoạch rời làng của mình, nơi những chiếc sà lan chở đầy chuối, dưa hấu, đu đủ và xoài xuôi ngược bên sông. Dung hạnh phúc khi được đoàn tụ với con gái 6 tuổi, chồng bà đã tìm được công việc bán thời gian cho các dự án xây cất gần đó và em cô cũng đã bỏ việc nhà máy về nhà. Cạnh đó, Dung đã tiêu tiền tiết kiệm để trả tiền thuê nhà và thức ăn khi còn mắc kẹt ở nhà trọ. Bà nói: “Tốt hơn là ở nhà dù kiếm được ít tiền hơn là quay lại và nhìn mọi người bị bệnh và chết. Cha mẹ chúng tôi có thể giúp chúng tôi, chúng tôi tự trồng lúa và không phải trả tiền thuê nhà.”
Tóm lại — Với việc công nhân ở Việt Nam không muốn trở lại xưởng máy và các công ty đang khập khiễng ơt mức 70% nhân viên của họ, hầu hết các nhà sản xuất còn nhiều tháng nữa mới đạt được đủ công suất sản xuất.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Vietnam’s Factories Are Open Again. Where Are the Workers? | John Boudreau, Nguyen Dieu Tu Uyen, and Mai Ngoc Chau | Bloomberg | November 3, 2021.