Tại sao không có chiến dịch ‘thịnh vượng chung’ ở Trung Hoa
Wei Cui | Trà Mi
Sau cuộc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì vào tháng 8 năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Hoa đã công bố một bản tóm tắt trên phương tiện truyền thông nói lên một phần ý tưởng về “sự thịnh vượng chung”.
Ngay bản thông cáo cũng có đôi chút mới mẻ, nhắc lại thông điệp bảo đảm sự chia sẻ rộng rãi của cải của Trung Hoa giữa người dân Trung Hoa là điều rất quan trọng đối với sự cầm quyền lâu dài của đảng.
Bản thông cáo này thừa nhận rằng chia sẻ thịnh vượng là một nhiệm vụ “lâu dài, khó khăn và phức tạp” và chỉ có thể mong đợi có sự tiến bộ dần dần. Và nó ngụ ý nói đến một số chính sách chi tiêu công mang lại lợi ích cho người nghèo và tầng lớp trung lưu, nhưng chỉ đơn thuần là thúc giục các chính phủ cấp địa phương làm “thí nghiệm” các chính sách như vậy trong khi không cam kết có biện pháp quốc gia nào mới.
Tuy nhiên, “thịnh vượng chung” đã là những hàng tít tin tức lớn ở phương Tây trong những tháng gần đây. Giới bình luận cho rằng Trung Hoa đang “đàn áp người giàu”, “kìm hãm nguồn vốn” và chuyển các ưu tiên chính trị từ tăng trưởng kinh tế sang tái phân phối.
Báo chí về kinh doanh đã đi quá đà khi cố gắng giải mã chủ nghĩa dân túy được cho là của ông Tập có ý nghĩa như thế nào đối với giới đầu tư vào chứng khoán Trung Hoa. Cảnh tượng những công ty kỹ thuật khổng lồ đã được thuần hóa như Alibaba và Tencent cam kết quyên góp hàng chục tỷ USD cho các quỹ “thịnh vượng chung” của chính phủ dường như là bằng chứng về sự xoay chuyển tư tưởng của ông Tập.
Doanh thu từ thuế tiết lộ sự thật
Tuy nhiên, thực tế tài khóa của Trung Hoa đã phủ nhận những tiên lượng này. Xem xét diễn biến của tỷ lệ thu thuế trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Trung Hoa.
Số liệu thống kê này rất quan trọng bởi vì, để theo đuổi các chính sách tái phân phối, dù là xóa đói giảm nghèo, tạo mạng lưới an sinh xã hội hay hỗ trợ sự dịch chuyển kinh tế – chính phủ phải tăng doanh thu từ thuế.
Tập Cận Bình có kỷ lục gì trong việc thu thuế?
Tỷ lệ thuế trên GDP của Trung Hoa tăng liên tục từ năm 1996 đến năm 2012, nhưng đã ngừng từ đó – chính xác là vào thời Tập Cận Bình.
Nếu doanh thu từ thuế tiếp tục tăng như trước năm 2012, thì Trung Hoa sẽ có nhiều nguồn tài nguyên hơn để phân phối lại so với bây giờ. Thay vào đó, dưới thời của ông Tập cho đến nay đã mang lại những đợt cắt giảm thuế lâu dài nhất và lớn nhất ở Trung Hoa kể từ năm 1994.
Nhiều đợt cắt giảm thuế này đã mang lại những lợi ích đặc biệt cho những người giàu có ở thành thị của Trung Hoa. Ví dụ, sửa đổi năm 2018 của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đã tăng đáng kể các khoản miễn thuế, mở rộng khung tỷ lệ và đưa ra các khoản khấu trừ hào phóng.
Kết quả là nhiều người sung túc thuộc nhóm 1% những người có thu nhập cao nhất Trung Hoa chịu mức thuế cận biên chỉ 10 phần trăm.
Việc cắt giảm thuế TNCN năm 2018 đã xóa sổ hoàn toàn lợi nhuận trong phần chia sẻ thuế TNCN trong tổng doanh thu đã tăng trong sáu năm trước đó.
Lưu ý rằng năm 2018 là sau khi ông Tập lên nắm quyền tại Đại hội Đảng lần thứ 19 và tập trung nhiều vào việc hoạch định chính sách kinh tế. Điều này có nghĩa là việc cắt giảm thuế TNCN không thể được áp dụng cho bất kỳ ai khác – quyết định cắt giảm thuế cho người giàu được đưa ra bởi một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo chính trị do ông Tập đứng đầu.
Lợi ích hằn sâu trong hệ thống
Khi đưa tin rằng ông Tập đã thực hiện chiến dịch “thịnh vượng chung”, các phương tiện truyền thông phương Tây đôi khi đề cập đến việc có thể áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở cá nhân.
Trên thực tế, ngay cả biện pháp “đánh thuế người giàu” được đề nghị này cũng mang lại lợi ích hằn sâu cho người giàu: các đề xuất thuế tài sản được thảo luận trong thập kỷ qua đều miễn thuế nhà ở chính.
Nhưng có một cái khác còn thú vị hơn. Việc cắt giảm thuế TNCN lớn của Trung Hoa có lợi cho người giàu vào năm 2018. Chính phủ Trung Hoa đã thực hiện các đợt cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lớn kể từ năm 2019. Chính phủ đã liên tục cắt giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ năm 2016 đến năm 2019. Và đã thực hiện một đợt cắt giảm lớn thuế biên chế vào năm 2020.
Rất có thể, không nhiều người bên ngoài Trung Hoa biết rằng những đợt cắt giảm thuế này thậm chí đã xảy ra. Vậy thì làm thế nào mà chúng ta biết nhiều về nỗ lực tăng thuế tài sản của Trung Hoa? Để xem điều này kỳ quặc như thế nào, hãy tưởng tượng đề nghị của Joe Biden về việc tăng thuế ở Hoa Kỳ được chào đón với sự chú ý hết mực và không ai đề cập đến việc Donald Trump đã cắt giảm đáng kể những mức thuế tương tự.
Cách giải thích cho việc đưa tin sai lệch này là do thông tin công khai về việc tái phân phối ở Trung Hoa phụ thuộc vào hai nguồn không đáng tin cậy.
Đầu tiên là phương tiện truyền thông phục vụ cho giới giàu có. Bất kỳ mức tăng thuế nào có thể xảy ra sẽ đi đến những cuộc tranh luận. Ngược lại, cắt giảm thuế hoặc các chính sách góp phần gây ra bất bình đẳng, ít có thể được đưa tin.
Nguồn thứ hai, tất nhiên, là chính phủ Trung Hoa. Vào năm 2021, hai nguồn tin này đang khuếch đại lẫn nhau: khi ông Tập tuyên bố quan tâm đến việc phân phối lại nhiều hơn, bất kể ông có thực sự làm như vậy hay không, các phương tiện truyền thông dành cho giới thượng lưu kinh tế Trung Hoa và tầng lớp nhà đầu tư toàn cầu sẽ bàn tán về vấn đề này.
Kỹ thuật Trung Hoa sinh lợi
Rốt cuộc, các nhà tài chính toàn cầu say mê với lợi nhuận vượt trội của các công ty kỹ thuật Trung Hoa; Bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ có nguy cơ tước đi những cơn gió như vậy đều cường điệu đến mức địa chính trị.
Do đó, phần lớn các phương tiện truyền thông thổi phồng về “sự thịnh vượng chung”, hoàn toàn không phải về chính sách tái phân phối ở Trung Hoa. Tuy nhiên, nó có thể phản ảnh việc tìm kiếm ngững thông tin hợp lý hóa các hành động điều tiết của chính phủ Trung Hoa đối với một số công ty niêm yết công khai lớn của họ.
Yếu tố có công lớn nhất trong việc đưa hàng trăm triệu công dân Trung Hoa thoát khỏi đói nghèo có lẽ là toàn cầu hóa – vốn cũng làm giảm bất bình đẳng toàn cầu nhưng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở một số nền kinh tế tiên tiến.
Sự bất mãn nảy sinh từ “cú sốc Trung Hoa” – ảnh hưởng kinh tế của việc gia tăng xuất cảng của Trung Hoa đối với phương Tây – đã dẫn đến phản ứng chính trị ở Hoa Kỳ.
Có sự đồng tình rộng rãi trong lưỡng đảng rằng sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ.
Tuy nhiên, chìm trong đám mây mù của tình cảm này là sự công nhận rằng phúc lợi của 1,4 tỷ người Trung Hoa cũng có thể phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế của Trung Hoa.
Trên thực tế, tầng lớp trung lưu và nghèo của Trung Hoa cũng muốn những thứ giống như công dân ở các nước giàu có như Mỹ và Canada: nhà ở rẻ hơn và dịch vụ chăm sóc trẻ em ít tốn kém hơn, phân phối tài nguyên giáo dục đồng đều hơn và sự giúp đỡ cho người thất nghiệp, bệnh tật và người già.
Tuy nhiên, những mong muốn như vậy của người Trung Hoa lại bị phương Tây nhìn với sự nghi ngờ. Việc công chúng kêu gọi các chính sách như vậy thường được coi là một thách thức đối giới chuyên quyền của Trung Hoa hơn là một đòi hỏi xứng đáng để tiến bộ.
Sự tin cậy vào chủ nghĩa công bình của ông Tập yếu hơn nhiều so với sự giả vờ của phương Tây. Nhưng nếu những người nghèo khó của Trung Hoa nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, thì họ không còn ai khác để tìm đến.
Tác giả | Wei Cui là Giáo sư Luật, Đại học British Columbia. Wei Cui được tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn của Canada.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Why there’s no real ‘common prosperity’ campaign in China | Wei Cui | The Conversation | November 24, 2021.