Câu chuyện có thật về một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong Chiến tranh Việt Nam

Daniel Johnson | Trà Mi

Watson Baldwin, ở giữa bãi trống, nhìn lên trời và dang rộng cánh tay ra dấu cho trực thăng vào để máy bay hạ cánh.

Ảnh chụp tháng 4 năm 1968 này cho thấy Watson Baldwin, trung sĩ nhất của Đại đội A, Sư đoàn Dù 101, hướng dẫn một chiếc trực thăng yểm trợ qua tán lá rừng để di tản binh sĩ bị thương trong cuộc hành quân kéo dài 5 ngày gần Huế, tháng 4 năm 1968. Hai người lính trong ảnh, Dallas Brown, ở tiền cảnh, và Tim Wintenburg, ngoài cùng bên phải, gần đây đã gặp lại nhau để nói chuyện với Associated Press về bức ảnh mang tính biểu tượng và cuộc chiến. (Ảnh AP /Art Greenspon, ảnh lưu trữ).

Tôi là phóng viên đầu tiên được nghe câu chuyện của Watson Baldwin, người lính Mỹ gốc châu Phi có hình ghi lại ở một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về Chiến tranh Việt Nam. Với giọng nói như đã trút được gánh nặng, Trung sĩ Tim Wintenburg cho biết,

“Tôi phải đợi rất lâu mới nói về câu chuyện này. Watson Baldwin là trung sĩ giỏi nhất của trung đội mà tôi từng sát cánh… Chính anh ấy là chủ đề của bức ảnh, những người khác đã nhận là mình; nhìn hình đi và quý vị có thể thấy anh ấy là người Mỹ gốc châu Phi. Không phải người da trắng.”

Tim Wintenburg

Help From Above” là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất về Chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh đã được đề nghị được giải Pulitzer và là nguồn cảm hứng cho bích chương của cuốn phim Chiến tranh Việt Nam “Trung đội”. Nó đã hiện trên bìa của vô số sách và được in đi in lại trên những trang nhất của báo chí trên khắp thế giới. Không ai — kể cả hãng tin AP — trong suốt 50 năm qua, nghĩ đến việc hỏi về trường hợp cụ thể quanh bức ảnh. Năm 2017, tôi là người đầu tiên làm như vậy.

Bích chương quảng cáo phim Platoon. Nguồn: Hemdale, Cinema ’84, Cinema 86

Tấm hình là tác phẩm của Art Greenspon, một nhiếp ảnh gia tự do, cộng tác với AP vào thời điểm đó, đối tượng của nhiếp ảnh gia, Trung sĩ Nhất Watson Baldwin, đứng giơ tay lên trời, ra hiệu cho máy bay đang bay tới. Trên mặt đất là Spc. 4 Dallas Brown, đang quằn quại vì vết thương ở sau lưng. Ngoài cùng bên phải, một người lính không đội nón sắt, Trung sĩ Tim Wintenburg, nhìn máy ảnh khi anh ấy đang bồng một đồng đội bị thương. Hình ảnh này đã truyền cảm hứng cho các bích chương quảng cáo phim, bìa sách và ảnh nhái.

Và không ai biết tên của Baldwin — hay sắc tộc của ông.

Giống như rất nhiều người Mỹ gốc châu Phi trước ông, chẳng hạn như những người sống sót sau Thảm sát Tulsa, hoặc những binh sĩ người Mỹ gốc châu Phi, đã giữ vai trò quan trọng trong việc chống giữ New Orleans trong Chiến tranh năm 1812, Trung sĩ nhất Watson Baldwin đã qua đời trước khi cả thế giới biết về ông. Cũng giống như trường hợp của tất cả những người Mỹ gốc Phi khác, câu chuyện của ông là một phần không thể thiếu để hiểu Hoa Kỳ ngày nay.

Vào mùa hè năm 2017, tôi là trung úy Lục quân Hoa Kỳ thuộc Sư đoàn Dù 101 tại Fort Campbell, Kentucky. Tôi vừa  từ Iraq trở về và đang làm việc với các cựu chiến binh Việt Nam đã phục vụ vào năm 1968. Chúng tôi đang xây dựng lại đài tưởng niệm những người đã mất, hàng nghìn thanh niên đã hy sinh ở xa quê hương nửa vòng trái đất. Khi chúng tôi đến thăm địa điểm tổ chức buổi lễ, một trong những cựu chiến binh thấy tôi đang nhìn vào bức ảnh nổi tiếng “Help From Above” trên điện thoại của tôi. Ông ta đột ngột nói,

“Tôi biết đích xác cách tìm ra những người có mặt trong bức ảnh đó. Hãy gọi cho Hội của Sư đoàn.”

Ông ấy ấy và tôi thường nói chuyện về lịch sử, và tôi rất thích học lịch sử; đó là một trong những lý do tôi thực sự thích làm việc với các cựu chiến binh. Ông ấy cho tôi một số điện thoại, và tôi đã gọi. Cuộc gọi đưa tôi đến với Dallas Brown, người lính nằm trên mặt đất, đang nhăn mặt vì đau đớn, ở tiền cảnh trong bức hình, .

Dallas Brown, một cựu chiến binh Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam từng phục vụ trong Đại đội A, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh 327, Lữ đoàn 1 [Biệt phái], Sư đoàn Dù 101 đứng bên Lá cờ Đại bàng Gào thét, ngày 8 tháng 8 năm 2017, tại Fort Campbell, Kentucky. Brown, cùng với Tim Winterburg, Watson Baldwin và Jay Cope, là những người lính trong bức ảnh Chiến tranh Việt Nam nổi tiếng “Help from Above” của Art Greenspon. Khi nhiếp ảnh gia chụp ảnh thì Brown đang nằm trên mặt đất nhăn mặt vì đau đớn vì bị thương trong một cuộc chạm súng với Cộng quân. (Ảnh Quân đội Hoa Kỳ của Trung sĩ William White)

Khi tôi gọi cho ông ấy tại nhà riêng ở Kentucky, Brown rất háo hức nói chuyện, vui mừng chia sẻ những gì ông và những chiến hữu đã trải qua. Tôi hỏi về những người sống sót khác trong bức ảnh. Brown đã giới thiệu để tôi liên lạc với Wintenburg, hiện sống ở Arizona. Brown đã gọi trước cho ông ấy biết rằng tôi muốn nói chuyện; Wintenburg gọi cho tôi ngay khi tôi trở về văn phòng và ông bắt đầu kể chuyện.

Đó là tháng 4 năm 1968. Ở Mỹ, sau vụ ám sát Tiến sĩ Martin Luther King, Jr. ngày 4 tháng 4, khắp nước Mỹ đang có những cuộc biểu tình lan rộng ở Memphis. Washington D.C., Baltimore, Chicago, New York và nhiều thành phố khác chìm trong những cuộc biểu tình đông nghẹt. Nhà chức trách liên bang và tiểu bang đã được cầu cứu để ứng phó với tình trạng bất ổn, và những chính khách bảo thủ còn gây thêm nỗi sợ hãi của người da trắng trên toàn quốc, dẫn đến tình trạng người da trắng bỏ chạy — hiện tượng một số lớn những gia đình da trắng rời khỏi các trung tâm đô thị — và làm tăng sự cách biệt. Vào ngày 11 tháng 4, Tổng thống Lyndon B Johnson đã ký thành luật Đạo luật Dân quyền năm 1968, trong đó gồm những điều khoản về việc chính phủ liên bang truy tố tội ác thù hận; trong khi đó, cựu thống đốc tiểu bang Alabama George Wallace đã vận động tranh cử tổng thống bằng cách tập trung vào những đạo luật và trật tự theo chủ nghĩa cách biệt.

Ông ấy đã thắng một cách đáng kinh ngạc ở năm tiểu bang vào mùa thu năm đó.

Vào tháng 1 năm 1968, Quân Bắc Việt (NVA) đã mở cuộc tấn công lớn nhất trong chiến tranh vào quân đội Mỹ, bắt đầu cuộc tấn công vào 30 tháng 1, thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ Tết của Việt Nam, sau gọi là cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Hơn 84.000 quân cộng sản Bắc Việt đã tấn công hơn 100 thành phố và căn cứ của Hoa Kỳ, dẫn đến trận chiến lịch sử tại Khe Sanh, Huế, và thậm chí đe dọa cả Sài Gòn, trung tâm quyền lực của miền Nam Việt Nam. Phim ảnh về trận chiến bảo vệ toà đại sứ Hoa Kỳ đã được phát hình trên khắp nước Mỹ. Cuộc giao tranh ác liệt đã vạch trần bản chất thực sự của chiến tranh Việt Nam và cách giới lãnh đạo quân sự và dân sự đã đánh lừa công chúng, và nhanh chóng dẫn đến những cuộc biểu tình phản chiến lớn trên khắp nơi ở Mỹ. Áp lực dư luận chống lại Chiến tranh Việt Nam đã khiến Lyndon B. Johnson không muốn tái tranh cử vào mùa thu, tạo cơ hội cho các ứng cử viên như Robert Kennedy và Đảng viên Cộng hòa Richard M. Nixon, đang vận động trên một chương trình chống tội phạm cứng rắn, bảo vệ lợi ích của “đa số thầm lặng”, trong khi cũng tuyên bố ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến.

Một đơn vị của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 5 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, nằm dọc theo bức tường thành bị đánh sập của hoàng cung Huế sau trận đánh vào Hoàng thành vào tháng 2 năm 1968, trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Thủy quân lục chiến báo cáo tổn thất nặng nề trong các cuộc giao tranh trên đường phố ở thủ đô cổ của Việt Nam. (Ảnh AP)

Tuy nhiên, Nixon nhận thấy rằng một thỏa thuận hòa bình có thể đánh bay khát vọng tổng thống của ông, đã lập kế hoạch gây áp lực để chính phủ miền Nam Việt Nam từ chối hòa đàm khiến người Mỹ quay sang với Đảng Cộng hòa chấm dứt chiến tranh. Vụ Chennault, như được biết sau này, đã thành công. Nixon đã giữ quân đội Mỹ ở lại Việt Nam cho đến năm 1972, với cái giá phải trả là hàng chục ngàn sinh mạng người Mỹ và người Việt Nam trong một cuộc chiến mà ông biết là không thể thắng được.

Trong bối cảnh chính trị và xã hội này vào tháng 4 năm 1968, tại Thung lũng A Shau của Việt Nam, gần biên giới Lào, nhiếp ảnh gia Art Greenspon của Associated Press đã chụp hình những binh sĩ thuộc Đại đội A, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bộ binh 327, Sư đoàn 101 Nhảy dù. Trung đội 1 của Trung úy Tom Sewell đang dẫn đầu một nhiệm vụ lùng và diệt khi họ quyết định dừng lại và nghỉ ngơi trong một chút. Dallas Brown đang ngồi nghỉ gần một gốc cây thì ông thấy, theo cách nói của ông, một “cây đang di động”. Đó là một cuộc phục kích. Một cuộc chạm súng xuyên qua tán lá xảy ra ngay sau đó; một cuộc hỗn chiến hỗn loạn, tiêu biểu cho cuộc xung đột lớn hơn ở Việt Nam. Một số binh sĩ bị thương, và trung đội của Trung úy Sewell đã lập một bãi đáp khẩn cấp để di tản thương binh. Watson Baldwin, ở giữa bãi đất trống, nhìn lên trời và dang rộng cánh tay hướng dẫn trực thăng vào để máy bay hạ cánh.

Greenspon đã ghi lại hình ảnh đó. Khi ông ấy bán tấm ảnh cho AP, và hình ảnh đó đã tức thì lan rộng ra khắp thế giới. Tuy nhiên, khi AP đăng bức hình, thông báo duy nhất mà những người trong bức ảnh nhận được là một bức thư gửi ở nhà gởi sang với những mẩu báo đính kèm. Gia đình đã nhận ra họ, ngay cả khi chú thích của bức ảnh không ghi tên của họ. Không ai ngoài Greenspon từng nghĩ sẽ hỏi họ về bức ảnh, và vì Baldwin đã qua đời vào năm 2005 nên ông ấy không bao giờ có cơ hội để kể lại câu chuyện của chính mình.

Bản sao bức ảnh “Help From Above” treo tại trụ sở Tiểu đoàn 2, Trung đoàn bộ binh 327, Sư đoàn Dù 101 (Xung kích). Bức ảnh được Art Greenspon tặng cho Sư đoàn 101 khi ông được phong là thành viên danh dự của Trung đoàn bộ binh 327 vào năm 2014. Greenspon đã xác định tên và cấp bậc của những người lính trong bức ảnh. Trung sĩ Nhất Watson Baldwin đứng giơ tay ra hiệu cho một chiếc trực thăng. Spc. 4 Dallas Brown nằm trên mặt đất nhăn nhó vì đau đớn. Trung sĩ Tim Wintenburg, không đội nó sắt ở ngoài cùng bên phải, nhìn về phía máy ảnh. (Ảnh của Daniel Johnson, Ảnh gốc của Art Greenspon, Associated Press, tháng 4 năm 1968.)

Tuy thế, hình ảnh của Baldwin đã truyền cảm hứng cho những hình ảnh và suy nghĩ trong suốt nhiều năm. Bằng chứng cụ thể duy nhất về vai trò của ông ấy hôm đó là bức ảnh treo trên tường tại bộ chỉ huy tiểu đoàn 2/327 tại căn cứ Fort Campbell, do Art Greenspon tặng; nhiếp ảnh gia đã giữ liên lạc với những người lính đó trong suốt nhiều năm. Khi nghiên cứu, tôi đã liên lạc với Greenspon và ông đã chỉ vị trí của từng người trong tấm ảnh.

Dù Baldwin là một người da đen, sự mô tả nổi tiếng nhất về tư thế biểu tượng của ông trong phim Platoon, lại do Willem Dafoe, người da trắng, thủ diễn (không phải để đổ lỗi cho đạo diễn Oliver Stone của cuốn phim, chính ông cũng là một lính bộ binh chiến đấu ở Việt Nam vào tháng 4 năm 1968 ). Sắc tộc của Baldwin đã bị xóa sổ; tẩy trắng nếu do vô tình, vì nước Mỹ cùng lúc phải vật lộn với các mối quan hệ sắc tộc và cách người Mỹ gốc  châu Phi được gới sang Việt Nam để đấu tranh cho tự do trong khi không được bình quyền ở quê nhà.

Wintenburg nói với tôi:

“Anh ấy là mẫu người lãnh đạo làm gương, luôn đi trước dẫn đường và bảo đảm rằng chúng tôi đang làm đúng. Baldwin cũng rất nhân từ. Anh đã  thi hành quân dịch hai lần tại Việt Nam và nghỉ hưu với quân hàm Trung sĩ Nhất. Sau chiến tranh, anh ấy đã lái xe vận tải trước khi chết.”

Tim Wintenburg
Cựu chiến binh Việt Nam Dallas Brown, bên trái, chỉ vào mình trong bức ảnh thời Chiến tranh Việt Nam ở Fort Campbell, Kentucky. Cựu binh Tim Wintenburg ở ngoài cùng bên phải trong bức ảnh chiến tranh mang tính biểu tượng, do phóng viên tự do Art Greenspon của Associated Press chụp vào ngày 1 tháng 4 , 1968, gần 50 năm trước. Bức ảnh đã lên trang nhất của New York Times và được đề cử giải Pulitzer. Brown và Wintenburg gần đây đã đến thăm Fort Campbell để nói về bức ảnh và cuộc chiến. (Ảnh AP / Dylan Lovan)

Những gì mọi người đã không hiểu vào thời đó nhưng bây giờ hiểu hơn là chúng tôi là những người lính đang làm nhiệm vụ của mình.” Đó là lời của Wintenburg, một điệp khúc thường nghe thấy trong suốt những cuộc chiến trong lịch sử, giữa nhiều người quốc tịch khác nhau.

“Rất nhiều thứ trong ‘thế giới’ như chúng ta đã gọi không thành vấn đề ở ngoài mặt trận. Điều quan trọng là sự sống và cái chết, và điều quan trọng là giữ cho nhau sống sót. Lòng trung thành mà chúng tôi dành cho nhau thật thắm thiết.”

Lòng trung thành của những chiến hữu dành cho nhau trên chiến trường vẫn tiếp tục trong nhiều chục năm sau; ngay cả 50 năm sau, họ vẫn thường liên lạc với nhau. Khi tôi ngồi đó lắng nghe, tôi bắt đầu hiểu rằng câu chuyện này cần được kể lại. Baldwin, giống như hàng ngàn binh sĩ người Mỹ gốc châu Phi trong Lịch sử Hoa Kỳ, đã chiến đấu cho đất nước và dù thất bại, họ vẫn xứng đáng được bảo vệ, che chở. Ngay cả khi người Mỹ ở Mỹ bỏ phiếu cho George Wallace hoặc các chính khách khác ủng hộ những chính sách kỳ thị chủng tộc, ngay cả khi đất nước phải vật lộn với sự công bằng chủng tộc, ông đã chăm lo những người lính của mình, da trắng và da đen, trong một số những cuộc giao tranh tồi tệ nhất của Chiến tranh Việt Nam.

Đối với tôi nó vang dội. Năm 2016, trong cuộc bầu cử tổng thống, tôi đang ở Iraq. Tôi đã tức giận khi chứng kiến cảnh nhiều người trên khắp đất nước ăn mừng kết quả bầu cử bằng cách chạy qua các hành lang ký túc xá đại học la hét rằng nước Mỹ chỉ dành cho người da trắng, hoặc bằng cách sơn xịt những thông điệp bài Do Thái lên những giáo đường Do Thái. Ngay cả gần 50 năm trôi qua, thực tế mà Baldwin phải đối diện khi trở về sau thời gian phục vụ đất nước của mình là một thực tế mà bản thân tôi và những chiến hữu của tôi phải trực diện.

Thứ Sáu, ngày 27 tháng 10 năm 2017 bức ảnh chụp cựu binh Việt Nam Dallas Brown (bên phải) khi ông nói về phần lương thực trong chiến tranh với Tom Hara (bên trái) của Viện Lịch sử Fort Campbell, ở Fort Campbell, và cựu chiến binh Việt Nam, Tim Wintenburg (ở giữa) lắng nghe. Brown và Wintenburg gần đây đã đến thăm Fort Campbell để ckể lại những câu chuyện của họ về bức ảnh Chiến tranh Việt Nam mang tính biểu tượng mà họ đã được chụp vào năm nay tròn 50 năm. (Ảnh AP / Dylan Lovan)

Tôi đã đăng một bài báo về Baldwin và những người lính của ông cho Quân đội, và cuối cùng, AP đã viết một một bài tiếp theo. Ông Wintenburg sau đó đã nói với tôi rằng tiến trình này đã giúp ông ấy chữa lành, và ông ấy rất vui được bày tỏ lòng kính trọng đối với tký ức về Baldwin. Việc chữa lành diễn ra ở cả hai chiều.

Tác giả | Daniel Johnson là một cựu sĩ quan bộ binh và nhà báo từng phục vụ cho Quân đội Hoa Kỳ tại Iraq, và hiện là thành viên Roy H. Park của Trường Báo chí và Truyền thông Hussman tại UNC – Chapel Hill. Ông là tác giả của #Inults Resolve, một cuốn sách về kinh nghiệm của đơn vị của ông trong cuộc chiến chống ISIS.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The true story behind one of the Vietnam War’s most famous photographs | Daniel Johnson  | Task & Purpose | February 23, 2022