Người Ukraine đang dạy hai bài học về dân chủ mà người Mỹ đã quên
John Blake | DCVOnline
Bức tượng người Dân Quân này ở Concord, Massachusetts, ghi dấu nơi người Mỹ nổ phát súng đầu tiên vào binh lính Anh năm 1775, bắt đầu Chiến tranh Cách mạng.
(CNN) Hôm nay, ông ấy đứng gác trên một bệ đá hoa cương gần bờ sông ở Concord, Massachusetts — một người nông dân đẹp trai, can đảm tay cầm khẩu súng hỏa mai mắt nhìn về tận chân trời để tìm bóng kẻ thù đang tiến tới.
Ông là bức tượng “Dân Quân” mang tính biểu tượng, một bức tượng bằng đồng dựng lên để kỷ niệm trận chiến đầu tiên trong cuộc Chiến tranh Cách mạng. Đó là khi những người yêu nước nổ “tiếng súng vang dội khắp thế giới,” tham gia vào đội quân hùng mạnh nhất trong thời đại của họ để bảo tồn sự ra đời của nền dân chủ ở Mỹ.
Người Ukraine hiện đang dựng tượng đài dân chủ bằng máu của chính họ. Trong hơn một tuần qua, thế giới bị chấn động vì cuộc kháng chiến của họ để đẩy lùi quân đội Nga hùng mạnh và bảo tồn sự ra đời của nền dân chủ trên quê hương của họ.
Trong những ngày gần đây, những câu chuyện về lòng can đảm của người Ukraine cũng đã được nghe thấy trên khắp thế giới: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không nhận lời đề nghị di tản ông ra khỏi đất nước bằng câu nói, “Cuộc chiến ở đây; Tôi cần đạn dược, không cần di tản”; những người giữ Đảo Rắn đang bị bao vây đã nói với một tàu chiến Nga “Về đù m_ tụi bay đi”; hình ảnh thường dân Ukraine làm bom xăng Molotov và vai vác súng trường đi ra tiền tuyến. Tác giả kiêm sử gia Yuval Noah Harari cho biết trong một luận văn gần đây
“Mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều câu chuyện mà người Ukraine sẽ kể không những chỉ trong những ngày đen tối trước mắt mà còn trong nhiều chục năm và cả thế hệ sau. Đây là chất liệu xây dựng quốc gia. Về lâu dài, những câu chuyện này còn đáng kể hơn cả xe tăng.”
Yuval Noah Harari
Nhưng còn một lý do khác khiến cuộc đấu tranh ở Ukraine đầy cảm hứng:
Đây cũng là chất liệu dựng nên nước Mỹ.
Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ là một cuộc đấu tranh địa chính trị — đó là một tiếng gọi cần ghi nhớ. Lòng can đảm của người dân Ukraine là một lời nhắc nhở về những gì Hoa Kỳ từng là — một “ngọn hải đăng của tự do”, nơi mà hầu như mọi học sinh đều thuộc lòng bài thơ “Concord Hymn” khắc ở chân bức tượng Minute Man.
Người Ukraine đang dạy cho người Mỹ hai bài học về dân chủ mà nhiều người trong chúng ta đã quên.
Bài học số 1: Những người bảo vệ nền dân chủ kiên cường nhất là những người đã không có dân chủ
Thoạt nhìn, truyền thống dân chủ của Ukraine không mấy giống với Mỹ. Đất nước này độc lập mới được 31 năm.
Và không chắc rằng tất cả những ai phản đối Nga đều đấu tranh cho nền dân chủ tự do ở Ukraine. Có bằng chứng cho thấy những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các nhóm cực hữu là một thành phần trong cuộc kháng chiến vũ trang Ukraine.
Ukraine cũng có cùng biên giới với Nga, một chế độ áp bức đã cài đặt những chính phủ bù nhìn ở nước này trước đây. Quốc gia này đã quen thuộc với những nhân vật lãnh đạo tàn bạo áp đặt ý chí của họ lên người dân. Nhân vật độc tài người Nga Joseph Stalin đã gây ra cái chết của gần 4 triệu người Ukraine trong những năm 1930 bằng một nạn đói nhân tạo. Cuộc xâm lăng của Đức vào Ukraine trong Thế chiến thứ hai đã dẫn đến cái chết của khoảng bảy triệu người.
Nhưng lịch sử tàn bạo đó một phần là lý do tại sao rất nhiều người Ukraine sẵn sàng chiến đấu hết mình cho nền dân chủ.
Tự do ngọt hơn đối với những ai chưa từng có tự do.
Đây là động lực tương tự đã giúp tạo ra Hoa Kỳ.
Những người tin tưởng nhiệt thành nhất vào nền dân chủ Hoa Kỳ có khuynh hướng là những người của những nhóm bị từ chối quyền tự do và bình đẳng — ở Hoa Kỳ hoặc từ quốc gia xuất xứ của họ.
Người hy sinh đầu tiên trong cuộc chiến giành độc lập của Mỹ là một người nô lệ bỏ trốn tên là Crispus Attucks, bị những người lính áo đỏ của Anh bắn chết trong Cuộc thảm sát ở Boston.
Đơn vị được huân chương nhiều nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ là một trung đoàn lính Mỹ gốc Nhật đã chiến đấu trong Thế chiến thứ hai. Những người lính “Nisei” (“thế hệ thứ hai”) này tình nguyện tham gia chiến đấu mặc dù họ là con cháu của những gia đình bị tịch thu tài sản và bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào trại giam.
Những người đầu tiên khiến nền dân chủ thực sự thành hiện thực ở Hoa Kỳ là những người tuần hành vì quyền công dân của người da đen ở Selma, Alabama và các thành phố miền Nam khác. Họ buộc Hoa Kỳ từ bỏ hệ thống chính trị phân biệt chủng tộc mới bằng cách thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn Đạo luật Quyền bỏ phiếu năm 1965.
Chúng ta không thể nói về sự loại trừ ở Mỹ mà không đề cập đến người di cư. Lịch sử của đất nước đầy rẫy những hành động không khoan dung và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trực tiếp nhắm vào người nhập cư. Tuy nhiên, nhiều người di cư đã nỗ lực, vượt qua và đánh bại nhiều người Mỹ gốc bản địa ở thùng phiếu.
Một trong năm người được Huân chương Danh dự là người di cư. Người nhập cư có tỉ lệ mở công ty kinh doanh cao gần gấp đôi so với người Mỹ gốc bản địa. Gần một nửa tất cả những công ty trong danh sách Fortune 500 — kể cả Apple, Google và Amazon — do những người nhập cư hoặc con cái của họ thành lập.
Nhiều người dân di cư này đã rời khỏi những quốc gia do các nhân vật độc tài cai trị và chao đảo do những cuộc nội chiến và bạo lực chính trị vì một đặc điểm của Mỹ: Lý tưởng dân chủ của chúng ta.
Marie Yovanovitch, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây:
“Kể từ Thế chiến II, đó là động lực quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ”. Đúng, chúng ta có một quân đội lớn. Đúng vậy, chúng ta có một nền kinh tế mạnh. Nhưng chính những lý tưởng của chúng ta lại thu hút người khác. Nước Nga dưới thời Putin không thực sự có sức hút đó. Ông ta chỉ có sức mạnh cưỡng bức, và bây giờ chúng ta đang thấy đang diễn ra ở Ukraine một cách tàn bạo.”
Marie Yovanovitch
Bài học số 2: Người dân bình thường là anh hùng thực sự của nền dân chủ
Khi một nhóm phóng viên của CNN gần đây phỏng vấn Tổng thống Ukraine Zelensky trong một hầm trú ẩn ở Kyiv, thủ đô của Ukraine, ông ấy đã nói một điều thú vị.
Một nhà báo đã hỏi ông ấy có cảm thấy thế nào khi từ một diễn viên khôi hài trở thành một nhân vật lãnh đạo thời chiến được hoan nghênh khắp thế giới. Nhưng Zelensky không quan tâm đến việc phương Tây ca ngợi khả năng lãnh đạo lôi cuốn của ông. Ông nói,
“Tôi không phải là biểu tượng. Tôi nghĩ Ukraine là biểu tượng.”
Volodymyr Zelensky
Đó là kiểu tuyên bố sẽ khiến “những người nông dân ra trận” từng chiến đấu tại Concord trong Chiến tranh Cách mạng phải gật đầu công nhận. Những người bình thường, không phải những người lãnh đạo có sức lôi cuốn, giữ vững nền dân chủ. Đây là một niềm tin vĩnh cửu trong suốt lịch sử Hoa Kỳ.
Đã có một thời hầu hết thanh niên được chờ đợi nhập ngũ hay tham gia chính phủ như một phần của những hình thức công dân vụ. Kỳ vọng này cũng được áp dụng cho những người giàu có và nổi tiếng. Đó là một phần lý do tại sao cựu tổng thống George H.W. Bush, cháu nội của một nhà kỹ nghệ thép và con của một gia đình giàu có, đã nhập ngũ làm phi công chiến đấu trong Thế chiến thứ hai.
Diễn viên Jimmy Stewart đã từ chối lời đề nghị ở lại trong nước làm là huấn luyện viên lái máy bay và tình nguyện tham gia chiến đấu với như một phi công của Lực lượng Phòng không của Lục quân Hoa Kỳ. Ông đã bay 20 phi vụ ném bom trong điều kiện chiến đấu khó khăn, một kinh nghiệm mà ông hiếm khi nói đến sau chiến tranh.
Tuy nhiên, thái độ này không chỉ giới hạn trong Thế chiến II. Nó đã ở từ thời mới lập quốc. Chính Nathan Hale, một sĩ quan trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ, người nổi tiếng đã nói câu: “Tôi tiếc rằng tôi chỉ có một mạng sống để hy sinh cho đất nước của tôi.”
Và nó không chỉ giới hạn trong quân đội. Có một thế hệ người Mỹ gia nhập Quân đoàn Hòa bình vì những gì Tổng thống John F. Kennedy đã tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức năm 1960:
“Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho mình — hãy hỏi những gì mình có thể làm cho đất nước.”
J.F. Kennedy
Khi được hỏi ông học được gì từ việc nghiên cứu lịch sử Hoa Kỳ, sử gia Howard Zinn từng nói, “Dân chủ không phải là những gì chính phủ làm; mà là những gì nhân dân làm.”
Thông điệp của ông ấy: Đừng lệ thuộc vào những vị cứu tinh. Zinn nói,
“Đừng lệ thuộc vào những người lập quốc như Andrew Jackson, Theodore Roosevelt, hay Lyndon Johnson, Obama. Đừng lệ thuộc vào giới lãnh đạo của chúng ta để làm những gì cần phải làm, bởi vì bất cứ khi nào chính phủ làm bất cứ điều gì để đem lại sự thay đổi, nó được làm như vậy chỉ vì nó được đẩy và thúc do những phong trào xã hội, do những người bình thường tổ chức.
Lincoln đã bị phong trào chống chế độ nô lệ thúc đẩy. Johnson và Kennedy bị hong trào Người da đen miền Nam thúc đẩy …”
Howard Zinn
Sức mạnh của những người bình thường này là những gì Zelensky đã gợi lên khi ông phát hành một bản ghi âm lời kêu gọi người dân Nga và Ukraine trước cuộc xâm lăng của Nga. Ông nói rằng có một nhóm cuối cùng có thể ngăn chặn chiến tranh: “Những người bình thường. Những người bình thường, bình thường.”
Đó là một bài học mà nhiều người Mỹ đương đại dường như đã quên. Diễn ngôn chính trị của chúng ta được thúc đẩy bằng những cuộc tìm kiếm một vị cứu tinh: một nhà lãnh đạo thuyết phục, người sẽ đánh bại phe kia; một bổ nhiệm quan trọng thay đổi hướng của Tối cao Pháp viện cuối cùng sẽ “lấy lại” đất nước, một bình luận viên sẽ “tiêu diệt” đối thủ trên TV.
Nhiều người đã ngừng tin rằng những người bình thường có thể thay đổi bất cứ điều gì vì bế tắc chính trị.
Tinh thần dân chủ ở Mỹ giống như đang bị kẹt trong vòng vây
Nhiều người Mỹ thậm chí còn nghi ngờ sức mạnh của những ý tưởng dân chủ của họ. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 64% người Mỹ tin rằng nền dân chủ của họ đang “khủng hoảng và có nguy cơ thất bại.” Một cuộc thăm dò khác gần đây cho thấy 72% người Mỹ nói rằng Mỹ từng là hình mẫu dân chủ tốt để các nước khác noi theo nhưng đã không còn như vậy trong những năm gần đây.
Nó không phải như thể tinh thần Dân chủ đã bị dập tắt ở Mỹ. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 được tổ chức trong thời kỳ đại dịch nhưng đã có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong một thế kỷ. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc sau vụ sát hại George Floyd cùng năm đã được mô tả là phong trào lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Và có một hy vọng rõ ràng vào đầu năm 2020 rằng đại dịch sẽ kéo người Mỹ lại gần nhau.
Nhưng sự kiện 19 tiểu bang thông qua luật hạn chế cử tri đã theo sau đuôi sự bùng nổ tham gia của người dân. Đại dịch đã trở thành một vấn đề để chia rẽ chính trị. Và Mỹ vẫn đứng sau hầu hết các quốc gia phát triển về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu.
Ngày nay, chính những người Ukraine — không phải người Mỹ — đang thể hiện lời hô hào của Kennedy: Họ đang hỏi những gì họ có thể làm cho đất nước của họ, chứ không phải ngược lại.
Công dân Ukraine đang chặn xe tăng Nga bằng thân người của họ. Người Ukraine đang rời bỏ công việc an toàn và được trả lương cao ở châu Âu để chiến đấu cho quê hương của họ. Những nhân vật nổi tiếng như võ sĩ người Ukraine Vasiliy Lomachenko, người từng hai lần đoạt huy chương vàng Olympic, đang từ bỏ những đồng lương hậu hĩnh để về quê gia nhập một tiểu đoàn phòng thủ. Ngôi sao quần vợt người Ukraine, Sergiy Stakhovsky để vợ và ba đứa con nhỏ của họ ở lại Hungary để tham gia cuộc chiến ở quê nhà.
Và bây giờ người Mỹ và các chiến binh nước ngoài khác đang đến Ukraine để bảo vệ đất nước này.
Những câu chuyện này không chỉ truyền cảm hứng mà còn buộc mọi người ở phương Tây phải xem xét lại chủ nghĩa hoài nghi của chúng ta, Tom McTague đã viết trong một luận văn gần đây trên tạp chí Đại Tây Dương.
McTague cho biết Mỹ và Tây Âu đã đánh mất ý thức trở thành lực lượng vì đạo đức tốt và thực hiện các cuộc đấu tranh anh dũng vì mục tiêu tự do. Ông nói, thay vào đó, chúng ta đi theo những kẻ cơ hội hoài nghi trong các chương trình như “Thừa kế” và “Tỷ phú” và ngững người lãnh đạo thực dụng, thận trọng, thiếu bất kỳ lý tưởng công khai nào.
McTague nói Ukraine thay đổi điều đó. Một trong những lý do khiến Zelensky khiến các chính trị gia cứng rắn — và thậm chí cả một thông dịch viên — rơi nước mắt trước lời kêu gọi tự do của ông là bởi vì “những nước phương Tây không còn kiểu lãnh đạo này nữa: một niềm tin bất chấp và không bối rối vào một chính nghĩa.”
Để đứng lên chống Putin, McTague viết,
“Ukraine đang nêu rõ một ý tưởng nào đó của mình là chính nghĩa, nhân phẩm và anh hùng — những đức tính mà chúng ta từ lâu đã coi là lỗi thời. Thật bi thảm biết bao khi lý tưởng của Zelensky phải bị tấn công để chúng ta được nhắc nhở về lý tưởng của chúng ta.”
Tom McTague
Sẽ là bi kịch hơn nếu người Mỹ không còn nhớ được những lý tưởng mà chúng ta ủng hộ.
Lịch sử của đất nước chúng ta chứa đầy sự tàn bạo. Nó cũng đầy rẫy những thói đạo đức giả. Tuy nhiên, đó là lý do tại sao những tượng đài như Minute Man vẫn đứng vững. Chúng nhắc nhở chúng ta về con người tốt nhất của chúng ta, rằng nền dân chủ là thứ đáng để chiến đấu và chết vì nó.
Người Ukraine biết điều đó. Chúng ta đã từng biết điều đó.
Câu chuyện của họ lặp lại câu chuyện của chúng ta.
Hãy nhớ.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Ukrainians are giving two lessons in democracy that Americans have forgotten | John Blake | CNN | Mar. 06, 2022