Tôi xem truyền hình Nga giùm bạn
Olga Khazan | Trà Mi
Theo đài truyền hình chính phủ Nga, Putin là một người tốt. Nhiều người Nga tin như vậy.
Trong chiến tranh hiện nay theo phiên bản của Nga thì người Nga là đoàn quân giải phóng, người Ukraine là Quốc xã, và phương Tây đầy rẫy những kẻ đạo đức giả xảo quyệt. Bật đài, xem tin tức trên truyền hình của Nga là bước vào một vũ trụ song song, một vũ trụ mà ngay cả chữ chiến tranh cũng bị cấm. Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đã chặn hoặc hạn chế bất kỳ nguồn thông tin nào khác, vì vậy đây là phiên bản duy nhất trên thế giới mà hầu hết người Nga nghe và nhìn thấy.
Để hiểu những gì người Nga được kể về cuộc chiến, tôi đã xem TV chính phủ Nga vài giờ mỗi ngày trên máy tính xách tay của mình. Mặc dù đài thông tin do chính phủ Nga điều hành gồm cả những bản tin có chủ đích ở hiện trường, nhưng phần lớn và đámg kể là những trao đổi trên các chương trình trò chuyện. Sarah Oates, một chuyên gia truyền thông chính trị tại Đại học Maryland, nói với tôi, đó là “nơi phổ biến những bài tường thuật cực đoan hơn hoặc chủ nghĩa dân tộc hơn.”
Những người dẫn chương trình và tham luận viên đi sát với quan điểm tuyên truyền của Điện Kremlin, cho phép các chương trình phát sóng vào vòng lặp lại vô tận, ngay cả theo tiêu chuẩn truyền hình cáp. Một nhóm gồm những người da trắng yêu Putin hoà tan thành một nhóm khác, rồi lại một nhóm khác. Bakhti Nishanov, cố vấn cao cấp về chính sách tại Ủy ban An ninh và Hợp tác Châu Âu của Hoa Kỳ cho biết: “Mỗi chữ thứ ba đều là Ukraina, Mỹ, NATO. Ngay cả khi bạn không chú ý … nó đã nằm trong tiềm thức của bạn.”
Trên TV của Nga, người, tường và sàn nhà được trang trí bằng chữ “Z” mà quân đội Nga vẽ trên xe tăng của họ. Tôi thấy nó từng có nghĩa là za pobedu (nghĩa là “chiến thắng”) và za mir (nghĩa là “hòa bình”), mặc dù đó không phải là cách người ta viết chữ ‘Z’ trong tiếng Nga (З з). Trong suốt thời gian đó, tôi đã nghe đề cập đến việc các vùng của Ukraine được “dọn sạch” và “được đưa vào trật tự”, và rằng người Ukraine “sẽ chỉ hiểu sự thật về đất nước của họ khi Ukraine được giải phóng.” Hình phạt với việc bất đồng quan điểm rất lớn, và những khách mời của chương trình trò chuyện luôn đồng ý với nhau. Tuy nhiên, họ thường xuyên la hét, nói những phụ âm ngoằn ngoèo vào nhau cho đến khi người dẫn chương trình giới thiệu một cách mới trong đó luận điệu của chính phủ là chính xác.
Vào ngày 1 tháng 3, tôi đã theo dõi Perviy Kanal (Đài Một), do nhà nước điều hành có ảnh hưởng nhất, để nghe một phúc trình thực địa từ Ukraine. Nó phát hình một người phụ nữ nói tiếng Nga, “Chúng tôi đã chờ đợi các bạn từ nhiều năm nay,” ngụ ý bà ấy đang chờ người Nga xâm lăng. Sau đó, phóng viên đã phỏng vấn những chiến binh Ukraine, những người được cho là đã buông súng. Những người lính Nga bắt tù binh tỏ ra rất ngọt ngào với họ, cho họ thuốc lá, thức ăn nóng và để cho họ gọi về cho mẹ. Không thể biết liệu đây có phải là sự thật hay không; Người Nga có thể đang phản biện một đoạn video lan truyền khắp nơi trong đó các binh sĩ Ukraine mời một người Nga bị bắt một ít trà và để cho tù binh gọi điện thoại.
Tiếp theo trên Đài Một: tai họa của “tin giả” trên Facebook. Cuối cùng, một nhân vật phản diện mà hai quốc gia của chúng ta đều có! Tuy nhiên, “tin giả” mà người Nga lo lắng là những bản tin về cuộc chiến khác với bản tường thuật chính thức của chính phủ Nga. Thật vậy, tuần trước Putin đã ký một đạo luật hình sự hóa việc tung tin “giả mạo” về chiến tranh — gồm cả việc gọi đây là một cuộc chiến — và chặn quyền truy cập vào Facebook ở Nga. Nếu không tuân theo tuyên truyền chiến tranh của Nga có thể bị 15 năm tù và kết quả là các tổ chức thông tấn phương Tây đã rút khỏi nước này. Sau đó trong chương trình truyền hình, một người phụ nữ xinh đẹp với đôi mắt trống rỗng xuất hiện trên màn hình để cho tôi biết rằng các khách sạn ở miền nam nước Nga vẫn đang hoạt động. Vậy thì tốt.
Cynthia Hooper, một chuyên gia về Nga tại Đại học Holy Cross, ở Massachusetts, người đang theo dõi chương trình, nói với tôi: “Mọi người có vẻ lo lắng về việc không theo kịch bản hoặc thậm chí về những gì, chính xác, kịch bản của họ được cho là như thế nào.” Hooper nói, trong khi trước đây Channel One có thể đã làm việc được, nếu không phải là xoàng, so với nhà báo Nga, thì
“Bây giờ những vị trí tương tự đó thực sự không còn gì hết trừ sự đồng lõa thiết tha với việc chế tạo những câu chuyện được dựng lên để ủng hộ chế độ Putin, thúc đẩy sự căm ghét của dân chúng chống lại những kẻ thù địch nước ngoài, đồng thời truyền tải sự ủng hộ những chính sách của chính phủ về tội phạm và phá hoại.”
Cynthia Hooper
Khi không có nhiều tin tức tốt từ chiến trường thì một góc phổ biến khác trên truyền hình là lên án Mỹ và châu Âu đang đối xử bất công với Nga như thế nào. On Time Will Tell, một chương trình trò chuyện trên Channel One, những bình luận gia phàn nàn rằng mọi người đang phân biệt đối xử với người Nga ở nước ngoài, một phần bằng chứng là bức ảnh Phòng trà Nga vắng tanh ở New York. Có người hỏi, “Những người bảo vệ dân quyền đang ở đâu?” 60 Minutes, một chương trình trò chuyện khác, phát một đoạn clip về Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham kêu gọi ám sát Putin, nói rằng ai đó nên “xử gã này cho xong”. Một tham luận viên nói, “Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đề nghị giết Biden! Bạn.Có thể. Tưởng tượng. Chuyện gì. Sẽ. Xảy ra.” Trong một chương trình trò chuyện khác, The Great Game, các chuyên gia về chiến tranh đã nói về sự điên cuồng của cuộc xâm lược Iraq — một loại chủ nghĩa thế còn… thì sao, tiêu biểu cho thông điệp thời Liên Xô.
Trong phạm vi những chương trình truyền hình của Nga thảo luận về thương vong, họ quy lỗi cho người Ukraine, những người, theo truyền hình nhà nước của Nga, sử dụng “người làm lá chắn” và ngăn cản không cho dân của họ tản cư qua các hành lang nhân đạo. (Những nhà báo nước ngoài và các giới chức chính phủ Ukraine nói rằng cả hai tuyên bố đều không đúng).
Một cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo Anh bên ngoài Kyiv — mà chính các nhà báo này nói rằng kẻ tấn công là lính của Nga — cũng bị đổ lỗi cho người Ukraine. Theo một bình luận gia truyền hình Nga, nếu bạn đang tự hỏi tại sao bạn chưa nghe về một số chuyện này, thì “không ai nói về điều này ở phương Tây bởi vì phương Tây tôn vinh Quốc xã”. (Tuyên bố “Quốc xã” có vẻ nhắm đến những người Nga lớn tuổi, những người tôn thờ vai trò của Liên Xô trong việc giành chiến thắng trong Thế chiến thứ 2.) Nhìn chung, truyền hình Nga tạo ra ấn tượng sai lầm rằng người Ukraine đang tự bắn vào mình, Alexey Kovalev, biên tập viên điều tra của Meduza, cho biết. một trang tin tức độc lập của Nga phản đối luận điệu này và đã bị Nga chặn. Kovalev gần đây đã trốn khỏi Nga và nói chuyện với tôi từ một quốc gia vùng Baltic.
Và người Nga, với lựa chọn tin tức ngày càng giảm, có khuynh hướng tin vào những gì mà chính phủ của họ và những đồng minh truyền thông của chính phủ đang rao bán. Người Nga có người thân Ukraine cũng tin như vậy. Những người quen của Kovalev cũng thế. Giải thích khác — rằng cuộc xâm lăng không thể biện minh, rằng người Nga là kẻ xâm lăng — là những chuyện quá khủng khiếp có thể xẩy ra. Một loạt các cuộc phỏng vấn người dân thường ở phố gần đây từ tờ báo độc lập Current Time cho thấy những người Nga hàng ngày nói rằng cuộc xâm lăng là để bảo vệ người Nga hoặc họ không tin rằng Kyiv đang bị pháo kích. Một phụ nữ nói trong khi rời khỏi máy thu hình: “Tôi ủng hộ Putin. Trong tất cả mọi chuyện, tôi ủng hộ ông ấy.”
Theo những cuộc thăm dò độc lập, hầu hết người Nga vẫn ủng hộ cuộc chiến và chỉ có 3% đổ lỗi cho Putin về điều đó. Tỉ lệ ủng hộ lớn nhất là ở khối người tin vào phương tiện truyền thông nhà nước. Oates nói,
“Niềm tin của bạn quan trọng hơn sự thật, và tôi nghĩ [Channel One] rất giỏi trong việc giúp mọi người tin tưởng vào niềm tin của họ. Đây là câu chuyện mà mọi người muốn trở thành sự thật.”
Sarah Oates
Tin tức Nga che phủ sự khác biệt giữa sự thật và dối trá, giữa anh hùng và nhân vật phản diện. Theo thời gian, sự không chắc chắn trở thành sự hoài nghi và cam chịu. Maria Repnikova, một giáo sư truyền thông toàn cầu tại Đại học Georgia State, nói với tôi:
“Ở Hoa Kỳ có rất nhiều lời kêu gọi người Nga xuống đường phản đối và truất phế Putin. Nhưng yếu tố hoài nghi là một điều rất, rất mạnh đối với việc không thể xuống đường hoặc không phản kháng.”
Maria Repnikova
Chủ nghĩa hoài nghi tạo ra cảm giác rằng “không có gì là sự thật và mọi thứ đều có thể xảy ra”, mượn tựa đề cuốn sách của nhà báo Peter Pomerantsev về nước Nga hiện đại.
Bất chấp những gì tin tức của Nga đang tuyên truyền, người Ukraine là nạn nhân thực sự trong cuộc chiến của Putin. Nhưng những người Nga hàng ngày là nạn nhân của cuộc chiến tuyên truyền của ông ta. Họ giống như những người Mỹ ủng hộ Lời nói dối lớn (Big Lie) vì tất cả những gì họ xem là trên báo đài Newsmax, hoặc những người lao vào, tin theo những lời cảnh cáo trên Facebook và đứng vững với niềm tin vào QAnon.
Putin biết rằng nếu có thể kiểm soát thông tin, thì người ta có thể kiểm soát người dân của mình.
Có lẽ sự thật đáng buồn nhất là người Nga — hiện đã bị cắt đứt về kinh tế, địa lý và văn hóa với thế giới — có thể không biết họ đang đi về đâu. Xem các đài truyền hình của riêng họ, họ có quan điểm lạc quan rằng chiến thắng đã gần kề, và họ sẽ là người chiến thắng. Theo lời của một bình luận gia trong chương trình trò chuyện mà tôi đã xem trên truyền hình Nga tuần trước, “Mọi chuyện rồi sẽ trôi qua. Không có Nga, châu Âu không phải là châu Âu, và thế giới không phải là thế giới.”
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: I Watched Russian TV So You Don’t Have To | Olga Khazan | The Atlantic | Mar. 10, 2022