Cảnh sát Hong Kong thi hành lệnh cấm tập họp tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn

Zen Soo | DCVOnline

HONG KONG (AP) — Hôm thứ Bảy, cảnh sát canh gác gắt gao tại Công viên Victoria ở Hong Kong sau khi chính quyền ba năm liên tiếp cấm công chúng tổ chức kỷ niệm vụ đàn áp, thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989, với những đêm canh thức ở nước ngoài là nơi duy nhất đánh dấu sự kiện này.

Trong nhiều chục năm, Hong Kong và Macao gần đó là hai địa điểm duy nhất ở Trung Hoa được phép tổ chức tưởng niệm cuộc đàn áp dã man của Giải phóng quân Nhân dân khi sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6 năm 1989. Hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn người đã thiệt mạng.

Lệnh cấm này được coi là một phần của hành động nhằm loại bỏ bất đồng chính kiếnvà là dấu hiệu cho thấy Hong Kong đang mất quyền tự do vì Bắc Kinh thắt chặt sự kìm kẹp đối với thành phố bán tự trị của Trung Hoa.

Ban tổ chức canh thức, Liên minh Hong Kong Ủng hộ  Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Hoa, đã giải tán vào năm ngoái sau khi nhiều nhan vật lãnh đạo của tổ chức này bị bắt vì nghi ngờ vi phạm luật an ninh quốc gia áp dụng sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn vào năm 2019.

Nhà chức trách Hong Kong đã viện dẫn những rủi ro vì Coronavirus khi cấm tổ chức lễ tưởng niệm công khai trong ba năm qua. Những người chỉ trích nói rằng đại dịch được dùng như một cái cớ để xâm phạm quyền tập họp.

Một tuyên bố của chính phủ Hong Kong hôm thứ Sáu cho biết  khu vực Công viên Victoria, nơi theo truyền thống là địa điểm tổ chức lễ thắp nến, sẽ đóng cửa vì nó có thể được dùng cho “những hoạt động bất hợp pháp”. Quyết định này nhằm “ngăn chặn bất kỳ sự tập hợp trái phép nào” trong công viên và giảm xác suất lây lan COVID-19.

Hồi đầu tuần, một giám đốc cảnh sát đã cảnh báo rằng bất kỳ ai tụ tập thành một nhóm “tại cùng một địa điểm, cùng thời gian và với mục đích chung là bày tỏ quan điểm nhất định” đều có thể bị coi là thành phần của một nhóm trái phép. Donald Tam, một người dân đang mua sắm ở khu Causeway Bay, nơi có công viên, cho biết,

“Tôi thất vọng vì mặc dù không có ai tổ chức bất kỳ buổi kỷ niệm nào, nhưng nhà chức trách đã cảnh giác cao độ.”

Donald Tam

Kể từ khi người Anh giao Hong Kong lại cho Trung Hoa vào năm 1997, thành phố này đã được quản lý theo khuôn khổ “một quốc gia, hai hệ thống” cho nó những quyền tự do không có ở đại lục, kể cả quyền tự do ngôn luận và hội họp. Điều đó có nghĩa là Hong Kong và Macao gần đó, lãnh thổ bán tự trị khác, được phép kỷ niệm cuộc đàn áp năm 1989. Ở những nơi khác ở Trung Hoa, các từ khóa như “thảm sát Thiên An Môn” và “ngày 4 tháng 6” bị kiểm duyệt chặt chẽ trên mạng và mọi người không được phép công khai kỷ niệm sự kiện này.

Ở bên ngoài Trung Hoa, các buổi cầu nguyện đã được tổ chức để tưởng nhớ các nạn nhân Thiên An Môn.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết mặc dù Trung Hoa và Hong Kong đang cố gắng dập tắt những ký ức về cuộc đàn áp, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục lên tiếng và thúc đẩy trách nhiệm của Hoa lục để giải trình về các hành động vi phạm nhân quyền của Trung Hoa, kể cả những vi phạm ở Hong Kong, chống lại các nhóm thiểu số Hồi giáo ở khu vực phía tây Tân Cương cũng như ở Tây Tạng.

Ông nói:

“Đối với người dân Trung Hoa và những người tiếp tục chống lại bất công và tìm tự do, chúng tôi sẽ không quên ngày 4 tháng 6.”  

Antony Blinken

Tại Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của họ, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Trung Hoa  đã viết trên Facebook rằng “khi đến ngày này hàng năm, có rất nhiều điều người ta không thể nói, rất nhiều điều người ta không thể viết, và rất nhiều người thậm chí không thể tra cứu trên internet.”

Năm 2019, tác phẩm điêu khắc ‘người xe tăng’ bơm hơi trưng bày trước Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc để kỷ niệm 30 năm Thảm sát Thiên An Môn. Ảnh: PTT

Bài đăng của Bộ Ngoai giao khuyến khích công dân Trung Hoa dùng Mạng riêng ảo (VPN) để vào Facebook, bị chặn ở Trung Hoa và tìm thông tin về vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn “để xem đất nước của họ đang che giấu chuyện gì”.

Người hoạt động dân chủ Đài Loan Lee Ming-che cho biết:

“Đài Loan đã tưởng niệm vụ thảm sát ngày 4 tháng 6 trước Hong Kong, và những nơi khác (trên thế giới) tổ chức sự kiện này diễn giải theo cách riêng của họ. Chúng ta phải nhận thức được các mối đe dọa của Trung Hoa và bảo vệ các giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do của Đài Loan.”

Lee Ming-che

Nghiên cứu sinh Joanna Chen nói rằng việc tưởng niệm vụ thảm sát ngày 4 tháng 6 rất quan trọng vì Đài Loan là một trong số ít những nơi gần Hoa Lục công khai tưởng niệm một sự kiện như vậy. Bà nói:

“Chúng ta phải nhắc nhở người dân Đài Loan rằng không nên coi dân chủ là điều hiển nhiên.”

Joanna Chen

Tại Sydney, khoảng 50 người ủng hộ dân chủ đã thắp nến bên ngoài Tòa Lãnh sự Trung Hoa để đánh dấu vụ thảm sát, với một số cảnh sát canh chừng.

Những người ủng hộ dân chủ thắp nến bên ngoài Tòa Lãnh sự Trung Hoa ở Sydney, Úc, Thứ Bảy, ngày 4 tháng 6 năm 2022. Thứ Bảy đánh dấu kỷ niệm năm 1989 đẫm máu của Trung Quốc đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. (Ảnh AP / Mark Baker)

Tại thành phố Dharmsala ở Ấn Độ, quê hương của người lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma, giới hoạt động đã tổ chức một ban kịch đường phố để đánh dấu lễ kỷ niệm Thiên An Môn. Họ đã dùng bìa cứng hình một chiếc xe tăng Trung Hoa để diễn lại cảnh “người đàn ông dứng trước xe tăng”, một hình ảnh mang tính biểu tượng được hãng tin AP chụp về một sinh viên đứng trước một chiếc xe tăng, biểu tượng cho lòng dũng cảm khi đối mặt với sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc đối với cuộc biểu tình.

Một thiếu nữ Tây Tạng lưu vong đứng trước tấm bìa cứng hình một chiếc xe tăng diễn lại cảnh ‘người đứng trước xe tăng’, một khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ở Dharmsala, Ấn Độ, Thứ Bảy, ngày 4 tháng 6 năm 2022. Thứ Bảy đánh dấu kỷ niệm cuộc đàn áp đẫm máu năm 1989 của Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. (Ảnh AP / Ashwini Bhatia)

Lần đầu tiên sau 30 năm, các nhà thờ Thiên chúa giáo ở Hong Kong cũng bỏ qua Thánh lễ cho các nạn nhân Thiên An Môn, sau khi giáo phận bày tỏ lo ngại rằng những sự kiện như vậy có thể vi phạm luật an ninh quốc gia.

Nhà chức trách Hong Kong đã dùng luật pháp để đàn áp phe đối lập, với hơn 150 những người bị bắt vì nghi ngờ phạm các tội kể cả tội lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với nước ngoài để can thiệp vào công việc của thành phố.

Cuộc đàn áp cũng xẩy ra ở những đại học. Vào tháng 12 năm 2021, một tác phẩm điêu khắc tên “Pillar of Shame”, mô tả những cơ thể bị thương tích và xoắn vào nhau tượng trưng cho những sinh mạng đã mất trong cuộc thảm sát, đã bị dỡ khỏi  Đại học Hong Kong. Chính phủ Hong Kong nói rằng đại học không có giấy phép nào để trưng bày tác phẩm điêu khắc đó.

Một ngày sau, hai trường đại học khác trong thành phố đã dỡ bỏ các tượng đài liên quan đến việc tưởng niệm.

Phó bản cùng cỡ của nức tượng Pillar of Shame tại Đại học Oslo, Na Uy và nghệ sĩ Jens Galschiot. Ảnh: Leanna Lunde / The Oslo Desk. Nguồn: Hong Kong Free Press

Jens Galschioet, nghệ sĩ đã dựng tượng “Pillar of Shame”, tuần trước đã trưng bày một phó bản cùng cỡ của tác phẩm nghệ thuật cao 8 mét (26 foot) tại Đại học Oslo ở Na Uy.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Police patrol Hong Kong park to enforce Tiananmen vigil ban | Zen Soo | The Associated Press | June 4, 2022

___

Những phóng viên của Associated Press Alice Fung ở Hong Kong, Taijing Wu ở Đài Bắc, Đài Loan, Mark Baker ở Sydney và Ashwini Bhatia ở Dharmsala, Ấn Độ, đã đóng góp cho bản tin này. DCVOnline minh họa bổ túc.