Đài tưởng niệm chiến tranh của Canada là một lời nhắc nhở về sự hy sinh quên mình, chứ không phải là một sân khấu cho những kẻ ngu dốt to mồm làm trò hề
Adrienne Clarkson | Trà Mi
Kể từ năm 2007, tôi được vinh dự là Đại tá Chỉ huy trưởng Trung đoàn Bộ binh khinh trang Canada của Công chúa Patricia.
Tôi rất vinh dự được phục vụ trung đoàn huyền thoại này, đơn vị giữ phương châm “First in the Field”, do Hamilton Gault đề xướng trong ba tuần sau khi tuyên chiến năm 1914. Đầu tháng này, PPCLI đã tổ chức lễ kỷ niệm 108 năm ngày thành lập.
Cảnh tượng xúc phạm Đài tưởng niệm Chiến tranh ở Ottawa gần đây và việc làm ô uế của Ngôi mộ Chiến sĩ Vô danh tốt nhất là việc biểu hiện sự ngu dốt và tồi nhất là sự ngu ngốc.
Đài tưởng niệm sự hy sinh quên mình của hơn 100.000 người Canada trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Đại Hàn, Balkan và Afghanistan đã bị dùng làm một sân khấu làm trò hề cho những kẻ ngu dốt to mồm lạm dụng hai chữ “tự do”, khi họ thực sự cướp đi tự do của đồng bào bằng cách chiếm đóng và làm bẩn không gian chung của thủ đô, là điều đáng ghê tởm.
Đài tưởng niệm, theo hướng dẫn về cuộc thi sáng tạo năm 1924, đã tìm cách thể hiện “tinh thần anh hùng, tinh thần hy sinh quên mình, tinh thần của tất cả những gì cao quý và vĩ đại và điều đó đã được minh chứng trong cuộc sống của những người đó. đã hy sinh trong cuộc Đại chiến… [và những người] đã chiến đấu ở nước ngoài. ”
Người tạc tượng Vernon March cho biết ông nhằm tới mục tiêu “tránh sự tôn vinh chiến tranh” bằng cách mô tả không phải “thái độ chiến đấu” trên khuôn mặt của các tượng đồng, mà là “sự háo hức và nhiệt tình của người dân” và “phản ứng tự phát của lương tâm đất nước.”
Trong sáu năm, với tư cách là Toàn quyền và Tổng tư lệnh Quân đội Canada, vào ngày 11 tháng 11 hàng năm tôi đứng tại Đài tưởng niệm Chiến tranh với bà Mẹ Chữ Thập Bạc và những người khác trong một buổi lễ luôn được Hội Cựu Chiến binh Hoàng gia Canada tiến hành một cách trang nghiêm và cảm động. Vòng hoa đã đặt, Quân hiệu vang lên.
Và vào ngày 28 tháng 5 năm 2000, chúng ta đã có một buổi lễ đặc biệt khi chúng ta, với tư cách là một quốc gia, khánh thành Mộ của Chiến sĩ Vô danh. Hội Cựu Chiến binh nhân trách nhiệm kiên trì theo đuổi dự án này. Chính phủ đã tiếp nhận đề nghị này. Mộ của một người lính vô danh, trong số 1.603 ngôi mộ của những người lính vô danh, được chọn từ Vimy Ridge, chiến trường năm 1917. Ba ngày trước buổi lễ ở Ottawa, hài cốt đã được khai quật, đặt trong quan tài và đưa về Ottawa, với sự hộ tống của đội Vệ binh Danh dự gồm 45 người, một tuyên úy quân đội và những cựu chiến binh Hoàng gia Canada. Quan tài bạc đặt ba ngày trong Phòng Danh dự của Quốc hội của chúng ta.
Tại buổi lễ cách đây 22 năm, thủ tướng Jean Chrétien, chồng tôi John Ralston Saul và tôi đã đi qua thành phố trong một lễ tang hướng về Đài tưởng niệm chiến tranh nơi đặt ngôi mộ Chiến sĩ vô danh.
Ngày này có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với John và tôi. Cha của ông đã đổ bộ trên Bãi biển Juno vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, với khẩu súng trường Royal Winnipeg trong đợt đổ bộ D-Day đầu tiên. Và cha tôi đã được Anh Quốc trao tặng Huân chương Quân công trong vai trò là hạ sĩ truyền tin cùng với Lực lượng Tình nguyện Hoàng gia Hong Kong trong Trận chiến Hong Kong. Lễ khánh thành là một kết nối cá nhân mãnh liệt, cảm động với sự hy sinh của những đồng đội của cha ông chúng ta.
Khi chúng tôi đến Mộ, ở đó đã có 20.000 người, và áo quan chứa hài cốt của người lính đã được hạ xuống mộ và đóng kín.
Diễn văn tôi đọc ngày hôm đó là phát biểu quan trọng nhất trong nhiệm vụ Toàn quyền của tôi.
Các cuộc chiến đã cũ như lịch sử. Hơn hai ngàn năm trước, Herodotus đã viết,
“Trong hòa bình, những người con trai chôn cha thì trong chiến tranh, những người cha chôn con trai của họ.”
Hôm nay, chúng ta tập hợp lại thành một, để an táng con trai của ai đó. Điều chắc chắn duy nhất về ông ấy là ông còn trẻ. Nếu cái chết là một món nợ mà tất cả chúng ta phải trả, thì ông ấy đã trả trước khi mắc nợ.
Chúng ta không biết ông là con trai của ai. Chúng ta không biết tên của ông. Chúng ta không biết anh ta là MacPherson hay Chartrand. Ông có thể là một Kaminski hoặc Swiftarrow. Chúng ta không biết liệu ông ấy có phải đã là một người cha hay không. Chúng ta không biết liệu mẹ hoặc vợ của ông có nhận được bức điện tín với dòng chữ “Mất tích trong chiến tranh” được đánh máy rõ ràng chữ đen trên mảnh giấy trắng nặc danh hay không. Chúng ta không biết liệu ông ấy đã bắt đầu thực sự sống cuộc đời của mình như một tài xế xe vận tải hay một khoa học mgia, một thợ mỏ hay một giáo viên, một nông dân hay một sinh viên. Chúng ta không biết ông đã từ đâu đến.
Đó có phải là Thảo nguyên, nơi có những đường cong uốn lượn, gợi lại như một hình ảnh vĩnh hằng nào đó không?
Ông ấy có phải là người yêu thích những hồ nước của chúng ta và bơi trên đó với một chiếc ca nô không?
Ông ta có phải là người đã nhìn thấy cá voi ở miệng sông Saguenay không?
Ông ta có phải là khách bộ hành ở Rockies, hoặc đi thuyền ở Đại Tây Dương hoặc ở Vịnh Islands?
Ông ta có đôi mắt nâu?
Ông ấy liệu đã biết yêu một người và được yêu lại là như thế nào không?
Ông ấy có phải là một người cha đã không nhìn thấy con mình?
Ông ấy có thích hockey không? Ông ấy đã chơi ở hàng hậu vệ?
Ông ấy có chơi banh bầu dục không? Ông ta có thể đá vào khung thành?
Ông ấy có thích sửa xe không? Ông ấy có mơ có một chiếc xe Buick không?
Ông ấy có đọc thơ không?
Ông ta có đánh nhau không?
Ông ấy có tàn nhang không?
Ông ta nghĩ rằng không ai hiểu ông ta?
Có phải ông ấy chỉ muốn ra ngoài và vui chơi với bè bạn?
Chúng ta sẽ không bao giờ biếtt câu trả lời cho những câu hỏi trên đây. Chúng ta sẽ không bao giờ biết ông ta. Nhưng hôm nay chúng ta đến để vinh danh ông ấy như một người có thể có được tất cả những điều này và bây giờ không còn nữa. Chúng ta, những người còn sống có đủ loại câu hỏi mà chỉ có ông ấy mới có thể trả lời. Và chúng ta, bằng hành động này ngày hôm nay, đang thừa nhận với kết cục khủng khiếp là chúng ta sẽ không bao giờ biết những câu trả lời đó.
Chúng ta không thể biết ông ta. Và không có vinh dự nào mà chúng ta dành cho ông có thể mang lại cho ông ta tương lai đã bị hủy diệt khi ông bị giết. Dù cuộc đời ông có thể thế nào đi nữa, bất cứ lựa chọn nào ông có thể làm đều bị cướp đi. Đã kết thúc. Chúng ta đang tôn vinh điều không thể chấp nhận được — kết thúc một cuộc sống bằng cách làm nhiệm vụ của một con người. Đó là sự kết thúc của một tương lai, cái chết của những giấc mơ.
Tuy nhiên, chúng ta cảm ơn những người đã sẵn sàng hy sinh bản thân và những người đã cống hiến tuổi thanh xuân và tương lai của họ để chúng ta được sống trong hòa bình. Với mạng sống của họ, họ đã chuộc lại tương lai cho chúng ta.
Chúng ta có vô số nhân chứng ở Canada để mô tả lại cho chúng ta biết sự kinh hoàng không thể diễn tả được và sự hoang tàn đáng sợ mà chiến tranh để lại. Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra như thế nào đã được mô tả trong thơ ca, tiểu thuyết và tranh vẽ của chúng ta. Một số nghệ sĩ vĩ đại nhất của chúng ta đã thoát ra khỏi cuộc xung đột đó, có thể tạo ra vẻ đẹp từ địa ngục mà họ đã thấy. Họa sĩ nổi tiếng của Nhóm Bảy người, F. H. Varley, là một trong những nghệ sĩ đó. Viết vào tháng 4 năm 1918, ông nói,
“Các bạn ở Canada… hoàn toàn không thể cảm nhận được chiến tranh là như thế nào. Bạn phải nhìn thấy nó và sống nó. Bạn phải chứng kiến cuộc chiến một sa mạc cằn cỗi mà chiến tranh đã tạo nên tại một đất nước từng màu mỡ… nhìn thấy những ngôi mộ bị đào xới, nhìn thấy những người chết trên cánh đồng, bị cắt xẻo một cách quái đản — không đầu, không chân, không bụng, một cơ thể hoàn hảo và một khuôn mặt thụ động và một hộp sọ trống rỗng — nhìn thấy những đồng bào của bạn, không rõ danh tính, bị ném vào một chiếc xe đẩy, áo khoác trùm lên xác người, những cậu bé đang đào mộ trong một vùng đất đầy bùn nhầy màu vàng và những vũng nước xanh dưới bầu trời mưa như trời khóc. Bạn hẳn đã nghe thấy tiếng đạn pháo kích và mảnh đạn rơi xung quanh bạn, tiếng đanh bay ngang đầu của bạn — đã xem kết quả của nó, thấy nhiều con ngựa, những con ngựa nằm la liệt ngoài trời — trên đường phố và những người lính diễn hành qua những cảnh này như thể họ không bao giờ biết về sự hiện diện của họ. Cho đến khi bạn sống như thế này… thì bạn không thể biết được chiến tranh là như thế nào.”
F. H. Varley
Thật là một điều đáng sợ đối với con người khi nghĩ rằng chúng ta có thể chết và không ai có thể biết để đánh dấu phần mộ của chúng ta, cho biết chúng ta từ đâu đến, nói chúng ta sinh ra và chết chính xác khi nào. Để vinh danh người lính vô danh này ngày hôm nay, bằng buổi tang lễ và an táng này, chúng ta đang ôm ấp sự thật về sự ẩn danh và nói rằng bởi vì chúng ta không biết ông ấy và chúng ta không biết ông ấy có thể trở thành người thế nào, ông ấy đã trở thành nhiều hơn một cơ thể, nhiều hơn một ngôi mộ. Ông ấy là một lý tưởng. Ông ấy là biểu tượng của tất cả sự hy sinh. Ông ấy là mọi người lính trong tất cả các cuộc chiến của chúng ta.
Những cựu chiến binh của chúng ta, những người có mặt ở đây với chúng ta ngày hôm nay, biết cảm giác đã phải trải qua trong trận chiến và chứng kiến những người bạn của họ bị bắn gục khi còn trẻ. Đó là lý do tại sao việc tưởng niệm lại rất cần thiết nhưng lại rất khó khăn. Nó cần thiết vì chúng ta không được quên và khó vì nỗi đau không bao giờ quên được.
Và cảm giác mất mát, những gì gia đình người lính này có lẽ đã cảm nhận được ghi lại trong một bài thơ của Jacques Brault, nhà thơ Quebec, đã mất người anh ở Sicily trong Thế chiến thứ hai, và đã viết bài thơ
“Suite Fraternelle,
Tôi nhớ anh, anh tôi, Gilles, nằm xuống bị lãng quên ở vùng đất Sicily…
Bây giờ tôi biết rằng anh đã chết, một cục sợ hãi cứng lạnh trong cổ họng nằm đầy trong bụng của anh Tôi vẫn nghe thấy hai mươi năm đời anh đung đưa trong đám cỏ dại tháng bảy …
Chỉ có một cái tên trên môi tôi, và nó là tên của anh, Gilles
Anh đã không chết một cách vô ích Gilles và anh vẫn sống qua những mùa thay đổi của chúng ta
Và chúng tôi, chúng tôi cũng tiếp tục, như tiếng cười của những con sóng lướt qua từng vịnh nhỏ đầy nước mắt…
Cái chết của anh mang lại ánh sáng Gilles và thắp sáng ký ức của một người em…
Cỏ mọc trên mộ anh Gilles và cát tràn lên
Và biển gần đó cảm nhận được sức kéo của cái chết của anh
Anh sống trong chúng tôi như anh không bao giờ có thể sống trong chính mình
Anh là nơi chúng tôi sẽ là anh mở đường cho chúng tôi.
Khi nghe thấy một chữ như Sicily, nó sẽ vang vọng với tất cả các quốc gia xa xôi nơi thanh niên của chúng ta đã chết. Khi nghe Normandy, Vimy, Hong Kong, chúng ta biết rằng những gì đã xảy ra ở rất xa, thật nghịch lý, đã tạo nên đất nước của chúng ta và tương lai của xã hội chúng ta. Những người trẻ tuổi và những người lính đã mua tương lai cho chúng tôi. Và vì điều đó, chúng tôi vĩnh viễn biết ơn.”
Jacques Brault
Dù chúng ta có ước mơ gì đi chăng nữa, chúng đều được người thanh niên này chia sẻ ở một khía cạnh nào đó; một người chỉ không được biết tên nhưng được biết đến trong trái tim của tất cả người dân Canada vì tất cả những đức tính mà chúng ta tôn trọng — lòng vị tha, danh dự, lòng can đảm và sự cam kết.
Bây giờ chúng ta có thể hiểu những gì cháu trai của Louis-Joseph Papineau, Thiếu tá Talbot Papineau, đã viết vào năm 1916, người tử trận hai năm sau đó:
“Sự hy sinh của họ không để lại gì hay nó sẽ xây nền tảng cho một nước Canada chân chính, một quốc gia Canada độc lập về tư tưởng, độc lập trong hành động, độc lập ngay cả trong tổ chức chính trị của mình — nhưng trên tinh thần đoàn kết vì những mục đích nhân đạo và quốc tế cao cả… ”
Thiếu tá Talbot Mercer Papineau
Những cuộc chiến của người Canada trong thế kỷ 20 không phải vì mục đích thống nhất Canada, mà đất nước này thanh hình khi đã được tôi luyện trong lò rèn hy sinh. Chúng ta sẽ không quên điều đó.
Người lính không tên này đã không thể sống hết tuổi thọ của ông để đóng góp cho đất nước của mình. Nhưng khi hiến thân tất cả cho nhiệm vụ, cam kết, tình yêu và danh dự, ông đã trở thành một phần của chúng ta mãi mãi. Cũng như chúng ta là một phần của ông ấy, Người Chiến sĩ Vô danh.
Tác giả | The Right Honourable Adrienne Clarkson là Đại tá Chỉ huy Trưởng Trung đoàn Bộ binh khinh trang Canada của Công chúa Patricia. Bà là Toàn quyền thứ 26 của Canada (1999-2005).
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Canada’s War Memorial is a reminder of selfless sacrifice, not a vaudeville stage for loud-mouthed ignoramuses |Adrienne Clarkson | The Globe And Mail | August 13, 2022.