PETRUS KEY VÀ PETRUS KÝ
CHUYỆN MỘT LÁ THƯ MẠO DANH TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀO THẾ KỶ 19
Winston Phan Đào Nguyên
Để kết thúc bài viết khá dài này, người viết chỉ xin yêu cầu các bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ, một điều: đừng tin những lời xưng tụng ông Petrus Ký lên tận mây xanh, cũng như đừng tin những lời hằn học kết tội ông ta. Hãy bình tĩnh tự suy xét, và nếu có thời giờ, hãy đọc thật kỹ những gì ông Petrus Ký viết. Từ đó, bạn hãy tự rút ra một kết luận cho chính mình về nhân vật lịch sử đặc biệt có một không hai này của Việt Nam.
Trong một thời gian dài hơn hai mươi năm, từ khi nhà văn Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu tuyên bố đã tìm ra một lá thư do chính Petrus Trương Vĩnh Ký (“Petrus Ký”) viết, bằng tiếng Pháp, với chữ ký là Petrus Key (“lá thư Petrus Key”), nhằm cầu khẩn quân Pháp đến giải cứu cho những người An Nam theo đạo Thiên Chúa ở Nam Kỳ, mỗi khi có bất cứ một nghiên cứu mới nào về Petrus Ký thì lá thư này lại được nhắc đến, như là một phần phải có trong cuộc đời Petrus Ký. Tùy theo trường hợp và quan điểm của tác giả, nó có thể được dùng để chứng minh rằng Petrus Ký đã “bán nước”, đã “góp phần trong cuộc xâm lăng Việt Nam của Pháp”, hay ít nữa, cũng là một lỗi lầm thời còn trẻ của ông. Nhưng điều chắc chắn là lá thư Petrus Key đã được gắn liền với bất kỳ nghiên cứu mới nào về Petrus Ký trong thời gian gần đây, cho dù tác giả của bài nghiên cứu không hề nhắc đến nó đi nữa.
Điển hình là vào đầu năm 2017, lá thư Petrus Key đã được đem ra bàn luận rất sôi nổi trên mạng, khi cuốn sách nghiên cứu mới nhất về Petrus Ký, “Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ”(1), của học giả Nguyễn Đình Đầu, bị cấm lưu hành ở Việt Nam. Cho dù trong mấy trăm trang sách gồm những sưu tập về Petrus Ký không hề có một dòng nào về lá thư trên, nó vẫn được đem ra để phê bình tác giả Nguyễn Đình Đầu là đã không nói đến lá thư này. Trong trang facebook của mình, Phó Giáo Sư Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn Học và Ngôn Ngữ, Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, đã viết như sau về cuốn “Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ”:
“1) Công trình này sưu tập rất ít công trình và tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, các công trình được sưu tập phần nhiều là công trình quen thuộc đã được xuất bản … Nói chung còn thiếu rất nhiều công trình, tác phẩm quan trọng, thiếu nhiều bức thư thân Pháp, yêu cầu quân Pháp đến để cứu giáo dân … Nói chung là thiếu rất nhiều tư liệu bất lợi cho việc đánh giá TVK.”(2)
Và trong một bài viết kế tiếp cũng trên facebook, giáo sư Đoàn Lê Giang nói rõ ra rằng đó chính là lá thư Petrus Key do ông Nguyên Vũ tức tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu khám phá:
“TS. Vũ Ngự Chiêu, một học giả ở hải ngoại nổi lên gần đây như một nhà nghiên cứu lịch sử nghiêm cẩn vì tính công phu, xác thực về tư liệu của ông. Một hai chục năm trước ông đã cất công tìm tư liệu về Trương Vĩnh Ký ở các kho lưu trữ ở hải ngoại và trong nước và đã công bố nhiều tư liệu rất quý về Trương Vĩnh Ký. Trong các tài liệu đó, có bức thư “Petrus Key viết thư ra mắt Đại Nguyên Soái (Grand Chef) Pháp, van nài hạm đội Pháp hãy tấn công ngay các thành trì miền Nam để giải phóng giáo dân Ki-tô và dân tộc Việt dưới ách cai trị chuyên chế, bạc đãi giáo dân của nhà Nguyễn” (VNC) …
TS. Vũ Ngự Chiêu khảo cứu công phu từng chi tiết một trước khi đưa ra kết luận, chứ không chỉ nghe nói rồi tuyên bố bốc đồng. Tôi lấy làm lạ, tại sao những tư liệu này lại không được đưa vào công trình “Petrus Ký – nỗi oan thế kỷ” của GS Nguyễn Đình Đầu để mọi người cùng suy nghĩ (dù những bài này được in ấn trên nhiều báo chí và nhiều trang mạng, chỉ cần gõ Google là có)?”(3)
Ngoài sự kiện trên, một thí dụ khác về việc lá thư Petrus Key đã được đem ra để chất vấn các tác giả nghiên cứu về Petrus Ký xảy ra vào khoảng tháng 4 năm 2017, khi người viết bài này cho đăng lên mạng bài “Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký Về Câu Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”.(4) Một trong những trang websites thường phê phán Petrus Ký, trang giaodiemonline, đã cho đăng lại bài này, và kèm theo ý kiến của người phê bình bài viết, ông Kevin Trần, như sau:
“(1) Không “ở với họ” và “không theo họ”, chỉ “muốn có ích cho xã hội” Việt Nam nhưng tại sao Pétrus Ký lại: Khẩn cầu quân Pháp hãy xâm lăng Việt Nam trong lá thư gửi cho Trung tá Hải quân Jean Bernard Jauréguiberry cuối tháng 3 năm 1859 (Văn khố Hải quân Pháp, Paris: SUM Vincennes. Vũ Ngự Chiêu sưu tập).”(5)
Như vậy, có thể thấy rằng lá thư Petrus Key đã được dùng như một thứ vũ khí mới và hữu hiệu nhất để phê bình Petrus Ký. Với những độc giả không có thiên kiến hoặc không biết nhiều về nhân vật lịch sử này, sự hiện hữu của lá thư Petrus Key chắc chắn sẽ tạo ra ác cảm với ông Petrus Ký, nhất là sau khi họ đọc được những ý kiến như trên đây của giáo sư Đoàn Lê Giang và ông Kevin Trần.
Và với những ý kiến như trên, người đọc có thể sẽ tin rằng lá thư Petrus Key rất dễ tìm ra trên mạng. Thế nhưng, có lẽ là rất ít người đã có cơ hội được đọc nguyên văn toàn thể lá thư này, trừ người đã “công bố” ra nó, là nhà văn Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu, và các “thân hữu” của ông. Phần lớn, kể cả những người đã và đang sử dụng, hay trích dẫn tài liệu này, từ ông Nguyên Vũ, đều không có được nguyên bản lá thư. Cái mà họ sử dụng và trích dẫn, thật ra chỉ là một bản dịch của lá thư, do ông Nguyên Vũ cung cấp, hoặc chỉ là vài dòng nguyên văn tiếng Pháp của lá thư, cũng do ông Nguyên Vũ cung cấp.
Không hiểu do vô tình hay cố ý, dường như có một bức màn che phủ lên lá thư Petrus Key trong suốt hai mươi năm qua, làm cho người đọc không biết thực hư ra sao. Với một người hiếu kỳ muốn được đọc nguyên văn lá thư để đi đến kết luận cho riêng mình, đó là cả một sự thất vọng lớn lao. Trong số đó, có người viết bài này.
Và vì muốn tìm trả lời cho những câu hỏi chung quanh lá thư Petrus Key nói trên, cụ thể là:
- lá thư Petrus Key đã được ông Nguyên Vũ “công bố” thế nào, và lá thư thật sự nói gì?
- có phải lá thư đó do Petrus Ký viết hay không?
- nếu không phải Petrus Ký, thì ai là tác giả lá thư?
Nên người viết bài này đã cố công tìm kiếm bản gốc của lá thư. May mắn nhờ được sự giúp đỡ của ông Gilbert Trương Vĩnh Tống là cháu cố của ông Petrus Ký, và một cựu học sinh trường Petrus Ký là ông Trương Quí Hoàng Phương, người viết bài này đã tìm được nguyên văn lá thư Petrus Key bí ẩn nói trên trong thời gian gần đây.
Và do đó, trong bài viết khá dài này, người viết xin trình bày những nghiên cứu và suy luận của mình về lá thư Petrus Key, để trả lời ba câu hỏi nêu ra bên trên. Bài viết vì vậy sẽ được chia ra làm ba phần, để tương ứng với ba câu hỏi nêu trên.
Phần 1, với tựa đề “Lá Thư Petrus Key”, sẽ xem xét đến quá trình lá thư Petrus Key được giới thiệu với độc giả bởi nhà văn Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu qua các bài viết của ông trong hai mươi năm nay ra sao, cũng như cách thức ông Nguyên Vũ đã “công bố” và thêu dệt những chi tiết chung quanh lá thư thế nào – nhằm kết luận rằng Petrus Ký chính là tác giả lá thư Petrus Key. Kế đến, người viết sẽ giới thiệu nguyên văn bản chính bằng tiếng Pháp và nội dung của lá thư Petrus Key để bạn đọc có thể thấy được lá thư thật sự nói gì, và ông Nguyên Vũ đã bóp méo nội dung lá thư này bằng cách dịch sai lầm ra sao. Tiếp theo, người viết sẽ trình bày những điểm bất hợp lý trong nội dung lá thư Petrus Key, và cho thấy tại sao chính những sự vô lý này sẽ cho ta thấy tác giả lá thư Petrus Key không thể nào là một người Việt ở Nam Kỳ như Petrus Ký. Sau cùng, người viết sẽ so sánh hình thức lá thư Petrus Key với vài văn kiện khác do chính tay Petrus Ký viết vào thập niên 1870 để cho thấy Petrus Ký khó có thể là tác giả lá thư Petrus Key.
Phần 2, với tựa đề “Lá Thư Penang”, sẽ trả lời dứt khoát câu hỏi Petrus Ký có phải là tác giả lá thư Petrus Key hay không, bằng cách so sánh nội dung và hình thức của lá thư Petrus Key với một tài liệu chính yếu của bài viết này – lá thư của Petrus Ký gởi cho các bạn học ở đại chủng viện Penang vào ngày 4 tháng 2 năm 1859 (“lá thư Penang”), cùng khoảng thời gian với lá thư Petrus Key. Nội dung lá thư Penang sẽ cho ta thấy hành trình trốn thoát quan quân nhà Nguyễn từ Cái Nhum lên Sài Gòn của Petrus Ký hoàn toàn trái ngược với hành trình được thuật lại trong lá thư Petrus Key. Đồng thời, lá thư Penang cũng sẽ cho thấy rằng quan điểm của Petrus Ký về sự bắt đạo và về cuộc chiến Pháp-Việt trái ngược hoàn toàn với quan điểm trong lá thư Petrus Key. Sau cùng, một sự so sánh về hình thức của hai lá thư – từ nét chữ, chữ ký, cho tới những ký hiệu đặc biệt trong thư – sẽ cho thấy rằng hai lá thư không thể có cùng một tác giả, vì hình thức của chúng hoàn toàn khác nhau. Từ đó, người viết chỉ có thể đi đến một kết luận duy nhất: Petrus Ký không phải là tác giả lá thư Petrus Key.
Phần 3, với tựa đề “Tác Giả Lá Thư Petrus Key”, sẽ trình bày quá trình người viết đi tìm tác giả thật sự của lá thư Petrus Key. Bắt đầu từ mối liên hệ mật thiết giữa hai lá thư Petrus Key và Penang, đặc biệt qua hai chữ “Kéy” và “Key”, người viết sẽ cho thấy rằng tác giả lá thư Petrus Key đã cố tình giả mạo tên của Petrus Ký. Và lý do cho sự giả mạo này là để mượn danh một người giáo dân Nam Kỳ cầu xin quân Pháp hãy giải thoát các giáo dân Việt ở Gia Định, những người lúc đó đang bị bức hại bởi nhà Nguyễn trong một cuộc bắt đạo với qui mô lớn chưa từng có. Với những điều kiện phải có để có thể là tác giả lá thư Petrus Key như ý muốn được giải thoát, khả năng viết tiếng Pháp lưu loát, và sự không am hiểu về địa lý xứ Nam Kỳ, người viết sẽ áp dụng phương pháp loại trừ để gạt bỏ bớt những nhóm người không có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key. Sự loại trừ này dẫn người viết đến một nhóm người và đặc biệt là một nhân vật nổi bật trong nhóm người đó – như những người với nhiều khả năng là tác giả lá thư Petrus Key nhất. Vì ngoài các điều kiện cần phải có nói trên, nhân vật đặc biệt đó còn có một cách hành văn đặc biệt có một không hai, mà ta sẽ thấy trong lá thư Petrus Key, cũng như trong những tác phẩm khác của nhân vật đó.
Phần 1
Lá Thư Petrus Key
Chương I.
Chương II.
Chương III.
Tiểu Sử Petrus Ký Và Bối Cảnh Lịch Sử An Nam – Nam Kỳ Trong Giai Đoạn 1859-1861
Chương IV.
Nguyên Văn Lá Thư Petrus Key Bằng Tiếng Pháp Và Bản Dịch Của Winston Phan Đào Nguyên
Chương V.
Những Sai Lầm Trong Bản Dịch Lá Thư Petrus Key Của Ông Nguyên Vũ
Chương VI.
Chương VII.
Tóm Tắt Phần 1
Tóm lại, trong Phần 1 của bài viết, với tựa đề “Lá Thư Petrus Key”, gồm từ chương I tới chương VII, người viết đã trình bày cho bạn đọc như sau:
Trong chương I, quá trình ông Nguyên Vũ đã “công bố” lá thư Petrus Key và khẳng định tác giả của nó là Petrus Ký như thế nào trong suốt 20 năm qua.
Trong chương II, cách thức ông Nguyên Vũ đã cố tình không tiết lộ nguyên văn bằng tiếng Pháp của lá thư Petrus Key, trong khi lại thêu dệt thêm những chi tiết chung quanh lá thư, ra sao.
Trong chương III, tiểu sử Petrus Ký và bối cảnh lịch sử của lá thư Petrus Key.
Trong chương IV, nguyên văn tiếng Pháp của lá thư Petrus Key và bản dịch tiếng Việt của Winston Phan Đào Nguyên.
Trong chương V, những sai lầm của ông Nguyên Vũ trong bản dịch lá thư Petrus Key của ông ta.
Trong chương VI, những điều vô lý trong chính nội dung lá thư Petrus Key qua nguyên văn bằng tiếng Pháp cho thấy tác giả lá thư không thể là một người Nam Kỳ như Petrus Ký.
Trong chương VII, một sự so sánh hình thức lá thư Petrus Key qua nét chữ viết và chữ ký với ba văn kiện được viết bởi chính Petrus Ký trong thập niên 1870s cho thấy chúng không giống nhau, và do đó, khẳng định rằng Petrus Ký không phải tác giả lá thư Petrus Key.
Như vậy, Phần 1 của bài viết, như đã tóm tắt bên trên, cho người đọc một cái nhìn về quá trình lá thư Petrus Key đã được ông Nguyên Vũ dùng để đả kích Petrus Ký ra sao, và nội dung thực thụ của lá thư trái ngược hẳn với bản dịch và những gì ông Nguyên Vũ đã trình bày như thế nào. Chẳng những vậy, chỉ cần chính nội dung của lá thư Petrus Key cũng đã cho thấy tác giả của nó không thể là một người Việt ở Nam Kỳ như Petrus Ký. Bởi với những lỗi lầm đầy dẫy trong lá thư về xứ Nam Kỳ, một người Nam Kỳ chính gốc như Petrus Ký không thể nào mắc phải. Và khi so sánh hình thức của lá thư với các văn kiện khác sau này của Petrus Ký, có thể thấy rằng Petrus Ký không phải là tác giả lá thư Petrus Key.
Do đó, chỉ cần có nguyên bản lá thư Petrus Key, thì câu hỏi phải chăng Petrus Ký là tác giả của nó đã có thể được giải quyết thỏa đáng.
Tuy vậy, để có thể chứng minh một cách chắc chắn mà không còn nghi ngờ gì nữa (beyond a reasonable doubt) rằng Petrus Ký không phải tác giả lá thư Petrus Key, người viết xin đi tiếp vào Phần 2 của bài viết.
Trong Phần 2 này, lá thư Petrus Key sẽ được đem ra so sánh với một lá thư do chính tay Petrus Ký viết trong cùng khoảng thời gian với lá thư Petrus Key. Đó là lá thư ông viết cho các bạn học ở Penang vào ngày 4 tháng 2 năm 1859 bằng tiếng Latin (“lá thư Penang”).
Phần 2
Lá Thư Penang
Chương VIII.
Giới Thiệu Về Xuất Xứ Và Những Điểm Chính Của Lá Thư Penang
Chương IX.
Chương X.
So Sánh Nội Dung Lá Thư Penang Và Lá Thư Petrus Key Về Quan Điểm Của Petrus Ký Đối Với Sự Xâm Lăng Của Pháp Và Việc Bắt Đạo Của Nhà Nguyễn
Chương XI.
Tóm Tắt Phần 2
Như vậy, trong Phần 2 của bài viết này, gồm từ chương VIII tới chương XI, người viết đã giới thiệu với bạn đọc một lá thư dài do chính tay Petrus Ký viết và ký tên vào ngày 4 tháng 2 năm 1859 để gởi cho các bạn học ở đại chủng viện Penang. Đó là lá thư Penang. Lá thư này được viết ngay sau khi Petrus Ký vừa từ Penang về Việt Nam và suýt bị bắt bởi quan quân nhà Nguyễn nhằm ngăn ngừa những giáo dân theo Pháp, lúc đó đang chiếm giữ Đà Nẵng.
Lá thư Penang này rất gần ngày tháng với lá thư Petrus Key, và do đó là một tài liệu hợp lý nhất có thể được dùng để chứng minh rằng lá thư Petrus Key có phải cùng một tác giả là Petrus Ký hay không. Và trong Phần 2 này, người viết đã so sánh cả nội dung và hình thức của lá thư Penang và lá thư Petrus Key để đi đến kết luận: Petrus Ký chắc chắn không phải là người viết lá thư Petrus Key.
Trong chương VIII, người viết giới thiệu xuất xứ và những điểm chính của lá thư Penang để bạn đọc có một khái niệm về lá thư này của Petrus Ký.
Trong chương IX, khi người viết so sánh nội dung lá thư Petrus Key với lá thư Penang về hành trình trốn thoát của Petrus Ký, ta có thể thấy rằng hai cuộc hành trình hoàn toàn khác nhau và đối nghịch nhau từ phương tiện di chuyển cho đến lộ trình. Lá thư Petrus Key rất mơ hồ về hành trình đi tìm Grand Chef để cầu cứu, và tác giả cho biết đã dùng đường bộ với ngựa và người, rồi lại vượt qua những núi non thung lũng là những thứ không có thật ở Nam Kỳ. Trong khi đó, lá thư Penang của Petrus Ký lại rất chi tiết với lộ trình trốn thoát, từ Cái Nhum ngang qua Ba Giồng để lên Chợ Quán ở Sài Gòn bằng đường sông.
Trong chương IX, khi người viết so sánh nội dung của hai lá thư Petrus Key và Penang về quan điểm của tác giả đối với cuộc xâm lăng của Pháp và việc bắt đạo, một lần nữa có thể thấy rằng hai lá thư hoàn toàn đối nghịch. Trong khi Petrus Ký qua lá thư Penang phản đối sự can thiệp của Pháp và chấp nhận mọi gian khổ đang phải trải qua như là sự thử thách của Chúa, thì Petrus Key lại khẩn thiết kêu gọi quân Pháp hãy dùng những vũ khí vô địch của họ để tiến đánh nhà Nguyễn và giải phóng các giáo dân.
Trong chương X, khi so sánh hình thức của hai lá thư qua nét chữ, chữ ký, những biểu hiệu tôn giáo và nhất là ký hiệu đặc biệt Pet. Kéy, ta có thể thấy rằng hai lá thư hoàn toàn khác nhau trong tất cả các phương diện kể trên, và do đó, không thể nào có cùng một tác giả. Như vậy, sau khi đi từ chỗ đơn giản nhất là xem xét chính nội dung và hình thức lá thư Petrus Key trong Phần 1, đến việc so sánh nó với một lá thư thật sự của Petrus Ký là lá thư Penang, qua cả nội dung và hình thức, trong Phần 2 – người viết bài này đã đi đến kết luận mà không có một nghi ngờ gì nữa (beyond a reasonable doubt), rằng: Petrus Ký chắc chắn không phải là tác giả lá thư Petrus Key.
Để nhắc lại với các bạn đọc: qua hai Phần 1 và 2 bên trên, sau khi xem xét nội dung và hình thức của chính lá thư Petrus Key và so sánh nó với lá thư Penang, người viết đã đi đến một kết luận duy nhất: Petrus Ký không phải là tác giả lá thư Petrus Key.
Kết luận này cho thấy rằng ông Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu đã sai lầm khi tuyên bố và khẳng định rằng Petrus Ký chính là tác giả lá thư Petrus Key. Cho dù ông Nguyên Vũ có thêu dệt thêm những chi tiết chung quanh lá thư, có cố tình dịch sai lá thư, có cố tình trình bày lá thư với những chi tiết xấu nhất để tạo ác cảm cho người đọc về tác giả của nó, những việc này chẳng có tác dụng gì, khi tác giả lá thư rõ ràng không phải là Petrus Ký.
Nếu mục đích của người viết bài này chỉ để chứng minh ông Petrus Ký không phải là tác giả lá thư Petrus Key mà thôi, thì người viết có thể ngừng lại nơi đây.
Nhưng, như đã nói ở phần nhập đề, mục đích của người viết là tìm hiểu và trả lời những câu hỏi chung quanh lá thư bí ẩn này. Sau khi trả lời được câu hỏi chính yếu rằng có phải Petrus Ký là tác giả lá thư Petrus Key hay không, vẫn còn có những câu hỏi tiếp theo với lá thư.
Những câu hỏi đó là:
- i) có phải đây là một lá thư giả danh Petrus Ký, hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?
- ii) tại sao lại có lá thư, và mục đích của người viết thư là gì? Và
- iii) ai là tác giả lá thư Petrus Key?
Trái với nhận xét của ông Nguyên Vũ và thân hữu của ông là Luật Sư Trần Thanh Hiệp, người viết bài này không nghĩ rằng đây là một lá thư mà “văn chương trong thư tầm thường, tư tưởng hời hợt, nông cạn“. Ngược lại, người viết nghĩ rằng đây là một lá thư có lối hành văn cầu kỳ, và là một tài liệu lịch sử thuộc loại primary source quí giá cho sự tìm hiểu về lịch sử Việt Nam và cuộc xâm lược của Pháp.
Và người viết cũng nghĩ rằng lá thư Petrus Key là một lá thư có thật chứ không phải là một tài liệu do người đời sau ngụy tạo nhằm mục đích hạ bệ Petrus Ký. Trước nhất, đây là một tài liệu chính thức được lưu trữ trong văn khố Pháp, trong hồ sơ của Jauréguiberry là người chỉ huy liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Sài Gòn từ tháng 4 năm 1859 đến tháng 4 năm 1860. Thêm nữa, như có thể thấy trong ảnh chụp, đây là một lá thư nhìn rất xưa với những tờ giấy vàng úa. Sau cùng, nếu người đời sau có ác ý muốn cáo buộc tội trạng cho Petrus Ký bằng cách ngụy tạo các văn kiện tài liệu như lá thư này, thì có lẽ họ sẽ dùng ngay cái tên thật là Petrus Trương Vĩnh Ký, chứ chẳng cần dùng cái tên lạ lùng Petrus Key làm gì, cho vấn đề trở nên thêm rắc rối!
Do đó, trong Phần 3 này, gồm chương XII đến chương XVII, người viết sẽ lần lượt tìm hiểu và trả lời ba câu hỏi nêu trên.
Phần 3
Tác Giả Lá Thư Petrus Key
Chương XII.
Lá Thư Petrus Key Là Một Lá Thư Cố Tình Mạo Danh Petrus Ký
Chương XIII
Tại Sao Lại Có Lá Thư Petrus Key – Cuộc Đàn Áp Giáo Dân Khốc Liệt Của Nhà Nguyễn Sau Khi Mất Thành Gia Định
Chương XIV.
Loại Trừ Những Nhóm Người Có Khả Năng Là Tác Giả Lá Thư Petrus Key
Chương XV.
Chương XVI.
Chương XVII.
Có Phải Bà Pauline Jaricot – Người Sáng Lập Ra Hội Truyền Bá Đức Tin – Là Tác Giả Lá Thư Petrus Key?
Tóm Tắt Phần 3
Phần 3 của bài viết này, với tựa đề “Tác Giả Lá Thư Petrus Key”, gồm từ chương XII đến chương XVII, là phần người viết trình bày quá trình đi tìm tác giả thật sự của lá thư Petrus Key.
Trong Chương XII, người viết cho thấy lá thư Petrus Key là một lá thư mạo danh Petrus Ký, nhưng không phải là một lá thư giả mạo. Tác giả lá thư Petrus Key đã cố tình làm cho lá thư Petrus Key giống như lá thư Penang, vì giữa hai lá thư Petrus Key và Penang có quá nhiều điểm tương tự để có thể cho rằng đó là một trùng hợp ngẫu nhiên. Và điểm đặc biệt nhất liên kết hai lá thư chính là cái tên lạ lùng Petrus Key và cái ký hiệu Pet. Kéy. Ngoài ra, những sự thiếu sót sơ đẳng trong lá thư Petrus Key càng cho thấy tác giả lá thư đã cố tình làm ra như vậy, để tạo cho lá thư cái vẻ là đã được viết bởi chính một người Nam Kỳ là Petrus Ký.
Trong Chương XIII, người viết xem xét lý do tại sao có sự ra đời của lá thư Petrus Key. Và đó là vì cuộc đàn áp bắt đạo ở Gia Định với qui mô chưa từng có của nhà Nguyễn vào năm 1859, đã làm cho tác giả lá thư Petrus Key phải nóng lòng kêu cứu với quân Pháp hãy giải phóng cho các giáo dân này. Cuộc đàn áp nói trên đã được ghi lại trong sử nhà Nguyễn, và có thể được phối kiểm với chính nội dung lá thư Petrus Key, qua những chi tiết trong thư.
Trong Chương XIV, người viết dùng phương pháp loại trừ để giải thích tại sao những người được lợi trực tiếp từ lá thư này là những giáo dân Việt và những giáo sĩ Pháp ở Việt Nam lại không phải là tác giả lá thư Petrus Key. Vì tuy có thể có ý muốn kêu gọi quân Pháp, những giáo dân Việt lại không có đủ khả năng tiếng Pháp để viết lá thư Penang. Và tuy có ý muốn và có cả khả năng tiếng Pháp để viết thư, những giáo sĩ người Pháp lại không thể phạm những lỗi lầm ấu trĩ về Nam Kỳ như trong lá thư Petrus Key.
Trong chương XV, người viết từ đó suy ra chỉ còn một nhóm người duy nhất có thể là tác giả lá thư Petrus Key, và đó là những giáo sĩ và giáo dân người Pháp có quan hệ với việc truyền giáo ở Việt Nam. Những người này thuộc về hai tổ chức tôn giáo của Pháp, nhưng lại dưới quyền Bộ Truyền Giáo của Vatican. Đó là Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, tổ chức đào tạo giáo sĩ cho Việt Nam, và Hội Truyền Bá Đức Tin, cơ quan gây quỹ và tuyên truyền cho việc truyền giáo.
Trong chương XVI, người viết thu ngắn lại danh sách những ai có thể là tác giả lá thư Petrus Key bằng cách xem xét đến kỹ thuật hành văn đặc thù của lá thư Petrus Key: parallelism. Và người viết đã tìm ra một lá thư của Hội Truyền Bá Đức Tin với cách dùng parallelism dày đặc y như lá thư Petrus Key. Điều này cho thấy những thành viên của Hội Truyền Bá Đức Tin chính là những người có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key hơn cả.
Sau cùng, trong chương XVII, cũng chính cách hành văn với parallelism đã dẫn người viết đến một nhân vật có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key nhiều nhất: đó là bà Pauline Jaricot, người sáng lập ra Hội Truyền Bá Đức Tin. Và đó là vì cách hành văn trong những đoản văn của bà Jaricot dùng toàn parallelism, giống y như trong lá thư Petrus Key. Thêm nữa, nét chữ trong một lá thư viết tay năm 1833 của bà Jaricot cho thấy có nhiều chỗ rất giống với nét chữ trong lá thư Petrus Key. Vì những lý do trên, người viết đã đi đến kết luận sau cùng: người có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key nhiều nhất, cũng chính là người phụ nữ Pháp đã sáng lập ra Hội Truyền Bá Đức Tin, bà Pauline Jaricot.
Kết Luận
Petrus Trương Vĩnh Ký, một chủng sinh người Nam Kỳ tại Đại Chủng Viện Penang, một trường đào tạo linh mục bản xứ được lập ra và trực thuộc Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, trở về quê nhà tại Cái Nhum, Nam Kỳ vào cuối năm 1858, sau sáu năm học tập tại nơi đó.
Và đây cũng là thời gian liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, làm cho triều đình nhà Nguyễn gia tăng việc bắt đạo ở Nam Kỳ. Đầu tháng 12 năm 1858, quan quân nhà Nguyễn lùng bắt các cố đạo Pháp và các linh mục, thầy giảng người Việt tại Nam Kỳ. Petrus Ký và linh mục Borelle, người cai quản giáo dân các tỉnh miền Tây Nam Kỳ, may mắn thoát được cuộc lùng bắt này tại Cái Nhum.
Sau đó, Petrus Ký phải chạy lên Sài Gòn để nương tựa với Giám Mục Lefèbvre, người lãnh đạo tất cả các giáo dân ở Nam Kỳ. Bằng đường sông, Petrus Ký đã dùng ghe thuyền để lên Sài Gòn, và đã đi ngang qua các giáo xứ Ba Giồng ở Mỹ Tho và Chợ Quán ở Sài Gòn.
Ngày 4 tháng 2 năm 1859, Petrus Ký đã tới được một nơi an toàn ở khu vực Sài Gòn và viết một lá thư dài 13 trang bằng chữ Latin cho các bạn học tại Penang để thông báo về tình hình bắt đạo tại Nam Kỳ. Trong thư, Petrus Ký ký đầy đủ tên họ, và còn kèm theo một ký hiệu đặc biệt là “Pet. Kéy”. Lá thư này (lá thư Penang), không biết từ lúc nào, đã có mặt tại văn khố Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris, cho đến ngày hôm nay.
Ngày 18 tháng 2 năm 1859, quân Pháp tấn công và chiếm thành Gia Định. Sau đó, ngày 8 tháng 3, họ đốt thành Gia Định và rút đại quân về Đà Nẵng, chỉ để lại một lực lượng nhỏ trấn thủ Sài Gòn do Jean Bernard Jauréguiberry chỉ huy. Ông này trấn thủ tại Sài Gòn từ khoảng tháng 4 năm 1859 đến tháng 4 năm 1860.
Hơn một trăm năm sau, vào năm 1996, nhà văn Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu tìm được “lá thư Petrus Key” trong những thùng hồ sơ thuộc về Jauréguiberry tại Văn Khố Bộ Hải Quân Pháp. Đây là một lá thư viết tay không có ngày tháng, gởi cho “Grand Chef” và các sĩ quan Hải Quân Pháp, và nhân danh một người đại diện cho các giáo dân An Nam kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh quân Nguyễn để giải phóng các giáo dân. Lá thư được ký với cái tên khá kỳ lạ là “Petrus Key”.
Với lá thư kỳ lạ này, ông Nguyên Vũ tức sử gia Vũ Ngự Chiêu đã tuyên bố rằng tác giả lá thư chính là Petrus Trương Vĩnh Ký. Từ đó (1996-7) cho đến hơn hai mươi năm sau, lá thư này thường được đem ra để kết tội Petrus Ký là đã kêu gọi quân Pháp tấn công Việt Nam.
Nhưng mặc dù tuyên bố như vậy, ông Nguyên Vũ chưa bao giờ chứng minh được tác giả lá thư là Petrus Ký. Cũng như ông chưa bao giờ thật tình “công bố” nguyên văn lá thư, hoặc bản sao, hay ảnh chụp của lá thư. Mà ông chỉ trưng bày ra một hình chụp gồm vài dòng của lá thư, cái mà ông gọi là “phóng ảnh” của “phần nào” lá thư. Và một thời gian rất lâu sau khi tuyên bố là đã khám phá ra lá thư Petrus Key, ông Nguyên Vũ mới cho đăng một bản dịch của lá thư, nhưng với đầy dẫy những sai lầm trong đó.
Bên cạnh những sai lạc trong việc dịch thuật lá thư Petrus Key, ông Nguyên Vũ còn thêm thắt, thêu dệt thêm những chi tiết chung quanh lá thư, để tạo cho người đọc một ác cảm với tác giả lá thư mà ông khẳng định nhưng chưa bao giờ chứng minh được là Petrus Ký. Nhưng ông đã khá thành công, vì cho đến ngày hôm nay, đã có rất nhiều người tin tưởng rằng chính Petrus Ký đã viết lá thư này, kể cả những người vốn ủng hộ ông Petrus Ký.
Nhằm tìm hiểu xem tác giả lá thư Petrus Key có phải là Petrus Ký hay không, cũng như để tìm hiểu xem ai là tác giả lá thư, người viết bài này đã nghiên cứu bản chính lá thư Petrus Key. Và chỉ cần đọc kỹ lá thư Petrus Key qua nguyên văn bằng tiếng Pháp, những lỗi lầm, những điểm vô lý trong chính nội dung lá thư cho thấy rõ rằng tác giả của nó không thể là một người Nam Kỳ như Petrus Ký.
Tuy vậy, để chắc chắn hơn nữa, người viết đã so sánh nội dung cũng như hình thức lá thư Petrus Key với một lá thư viết tay của chính Petrus Ký vào thời gian đó, lá thư Penang.
Và sau khi so sánh hai lá thư thì người viết đã đi tới một kết luận chắc chắn mà không có chút nghi ngờ nào nữa, là Petrus Ký nhất quyết KHÔNG PHẢI là tác giả lá thư Petrus Key. Bởi bên cạnh những nét chữ và chữ ký hoàn toàn khác nhau, những điều miêu tả về cuộc hành trình trốn thoát cuộc lùng bắt của nhà Nguyễn trái ngược nhau, những tư tưởng và quan điểm của Petrus Ký về cuộc xâm lược của quân Pháp với chiêu bài giải phóng giáo dân cũng hoàn toàn khác hẳn, nếu không nói là đối nghịch, với lá thư Petrus Key. Những điều này cho thấy tác giả của hai lá thư là hai người khác nhau. Và người viết lá thư Penang mới chính là Petrus Ký.
Nhưng người viết cũng nhận thấy rằng giữa hai lá thư, Penang và Petrus Key, có một sự quan hệ mật thiết, nhất là với cái tên đặc biệt Petrus Key. Từ đó, người viết đã dùng phương pháp loại trừ, để đi đến kết luận rằng tác giả lá thư Petrus Key chính là một, hay những người Pháp thuộc về Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris hoặc Hội Truyền Bá Đức Tin ở Pháp, là hai tổ chức Thiên Chúa Giáo có mối liên quan sâu đậm với các giáo dân Việt.
Sau cùng, người viết nhận thấy rằng lá thư Petrus Key là một lá thư với cách hành văn đặc biệt có một không hai qua nghệ thuật parallelism dầy đặc trong thư. Từ đó, người viết tìm thấy một người cũng có cách hành văn bằng parallelism giống y như vậy. Và người đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là người đã sáng lập ra Hội Truyền Bá Đức Tin ở Pháp, bà Pauline Jaricot.
Sở dĩ có sự mạo danh Petrus Ký cho lá thư Petrus Key như vậy, là vì trước đó Petrus Ký đã từng viết lá thư Penang và có kèm theo ký hiệu “Pet. Kéy”, ký hiệu mà sau này đã được sửa ra thành Petrus Key trong lá thư Petrus Key. Lá thư Penang này đã được gởi về Pháp và chắc chắn đã được Hội Truyền Bá Đức Tin của bà Jaricot xem qua. Từ đó, có thể một thành viên của hội này, mà người có khả năng đứng đầu là bà Jaricot, đã viết ra lá thư Petrus Key để khẩn cầu quân Pháp hãy mau tấn công nhà Nguyễn để giải thoát cho các giáo dân Việt đang bị giam cầm. Lá thư Petrus Key, do đó, có lối hành văn đặc thù của bà Jaricot, – lối hành văn với nghệ thuật parallelism một cách áp đảo. Và với lối hành văn đặc biệt này, bà Jaricot chính là người có khả năng là tác giả lá thư Petrus Key nhiều nhất.
Ông Petrus Ký có lẽ là một nhà bác học đúng nghĩa nhất của Việt Nam. Việc ông là một kỳ tài thông thạo nhiều thứ tiếng, hiểu biết nhiều vấn đề, tiên phong trong những lãnh vực mới lạ, là điều nhiều người biết đến về con người này. Ông cũng được biết đến như là một vị thầy của cả người Việt lẫn người Pháp.
Thế nhưng ít ai biết được cái nhân phẩm cao quí của ông, trừ khi họ đọc và đọc kỹ những gì ông viết. Từ con người này toát ra một vẻ điềm đạm, an nhiên, một sự thăng bằng và tự tin, nhưng đồng thời cũng là một sự khiêm tốn tuyệt vời. Tài cao như vậy, học rộng như vậy, nhưng suốt đời ông chỉ nhận mình là một người thầy mà thôi. Và ông cũng chỉ tự nhận là ông cố gắng làm cho xong vai tuồng người thầy đó trong cuộc đời của ông mà thôi.
Chính cái nhân phẩm này, chứ không phải sự thông thái, bác học của ông Petrus Ký, đã làm cho người Việt, đặc biệt là người Nam Kỳ, hết lòng yêu mến ông Petrus Ký.
Chính cái nhân phẩm này đã làm cho những người thoạt đầu đả kích ông, dần dần trở thành những người yêu mến ông nhất. Một trường hợp điển hình là trường hợp của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung. Giáo sư Trung là một người Bắc di cư vào Nam năm 1954, và là một nhà khoa bảng và mô phạm nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam. Ông là một trí thức Thiên Chúa Giáo cấp tiến tốt nghiệp tiến sĩ tại Âu Châu và giảng dạy lâu năm tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ông là tác giả rất nhiều cuốn sách giá trị và đã hướng dẫn cho nhiều thế hệ sinh viên tại miền Nam.
Chính giáo sư Trung là một trong những người, nếu không phải là người lãnh đạo, phong trào đả kích ông Petrus Ký tại miền Nam trước 1975. Trong cuốn “Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc”, giáo sư Trung đã lên tiếng phê phán Petrus Ký nặng nề vì “tội” lãnh lương Pháp để làm văn hóa Việt.(117)
Chẳng những vậy, giáo sư Trung còn là người đề tựa, và có lẽ là người hướng dẫn cho tác phẩm “Cuốn Sổ Bình Sanh Của Trương Vĩnh Ký” của Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Điền, một cuốn sách lên án Petrus Ký đã làm tay sai trong “quỷ đạo” Pháp.
Thế nhưng, ngay trong lúc đả kích Petrus Ký nặng nề nhất, giáo sư Trung cũng vẫn phải nhìn nhận cái tư cách đáng quí của Petrus Ký.
Và chính từ đó, giáo sư Trung, một người Bắc di cư, đã thắc mắc và muốn tìm hiểu tại sao người Nam Kỳ lại yêu mến ông Petrus Ký như vậy.
Từ đó, giáo sư Trung bắt đầu nghiên cứu về Petrus Ký, bắt đầu tìm hiểu thêm về con người này, sau khi đã nặng lời lên án ông ta. Và kết quả là giáo sư Trung trở thành một người hiểu biết về Petrus Ký nhất và yêu mến ông nhất, không thua gì những người Nam Kỳ chính hiệu. Giáo sư Trung đã dành ra trọn một cuốn sách để viết về Petrus Ký. Đó là cuốn “Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa”. Và sau đó, trong một tác phẩm khá đồ sộ về miền Nam với tựa đề “Hồ Sơ Lục Châu Học”, giáo sư Trung cũng đã dành cả một chương trong cuốn sách và những lời ưu ái nhất cho Petrus Ký.(118)
Khác với giáo sư Trung, người viết bài này trước năm 1975 là một cậu bé ở Sài Gòn. Thi đậu và học được một năm ở trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, nhưng người viết không bao giờ coi ông Petrus Ký là thần tượng. Lý do thi vào trường Petrus Ký chỉ vì đó là trường trung học công lập giỏi nhất và gần nhà nhất. Và sau năm 1975 thì trường Petrus Ký bị đổi tên thành trường Lê Hồng Phong. Học được thêm vài năm, người viết qua Mỹ . Và trong ba mươi mấy năm không hề có ấn tượng gì nhiều, cả tốt lẫn xấu, về nhân vật Petrus Ký.
Thế nhưng khoảng một hai năm trước đây, sau khi cuốn sách “Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” của Nguyễn Đình Đầu bị cấm ở Việt Nam, thì người viết mới bắt đầu nghiên cứu về Petrus Ký. Với những tài liệu ngày xưa hiếm hoi nhưng nay dễ dàng tìm được trên mạng, người viết đã có cơ hội đọc được rất nhiều những tác phẩm của Petrus Ký cũng như những tác phẩm về Petrus Ký. Và người viết cũng đã viết một bài về câu “Sic Vos Non Vobis” của Petrus Ký, một câu nói đã bị người đời sau hiểu lầm từ bao nhiêu năm nay.
Rồi như đã nói trong phần nhập đề của bài viết này, người viết đã bị chất vấn về lá thư Petrus Key, cũng như được đọc những ý kiến trên mạng, đặc biệt là từ Việt Nam, về lá thư này. Nhận thấy đây là một đề tài rất thú vị, người viết đã tìm hiểu thêm về lá thư Petrus Key và nhân vật Petrus Ký trong suốt mấy tháng qua. Kết quả là bài viết mà các bạn đang đọc.
Để kết thúc bài viết khá dài này, người viết chỉ xin yêu cầu các bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ, một điều: đừng tin những lời xưng tụng ông Petrus Ký lên tận mây xanh, cũng như đừng tin những lời hằn học kết tội ông ta. Hãy bình tĩnh tự suy xét, và nếu có thời giờ, hãy đọc thật kỹ những gì ông Petrus Ký viết. Từ đó, bạn hãy tự rút ra một kết luận cho chính mình về nhân vật lịch sử đặc biệt có một không hai này của Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã làm như vậy, và đã dũng cảm nhìn nhận những sai lầm ban đầu của mình về Petrus Ký. Theo thiển ý của người viết, đó chính là việc làm của một người “trí thức lương thiện” đúng nghĩa.
© 2018 by Winston Phan. All Rights Reserved
1 Nguyễn Đình Đầu, Petrus Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ, Nhà Xuất Bản Tri Thức, Nhã Nam, Hà Nội, 2016
2 Đoàn Lê Giang, “Petrus Ký – Nỗi Oan Thế Kỷ, Một Quyển Sách Nên Đọc, Nhưng Vẫn Còn Xa So Với Kỳ Vọng Của Độc Giả”, January 6, 2017. Chỗ in đậm do người viết bài này muốn nhấn mạnh.
https://anhbasam.wordpress.com/2017/01/07/11-252-petrus-ky-noi-oan-the-ky-mot-quyen-sach-nen-doc-nhung-van-con-xa-so-voi-ky-vong-cua-doc-gia/
3 Đoàn Lê Giang, “Ứng Xử Thời Cuộc Của Trương Vĩnh Ký Có Hoàn Toàn Đúng Đắn Không?”, January 7, 2017. Chỗ in đậm do người viết bài này muốn nhấn mạnh.
http://bon-phuong.blogspot.com/2017/01/petrus-ky-noi-oan-ky-mot-quyen-sach-nen.html
4 Winston Phan Đào Nguyên,“Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký Về Câu Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”, April 2107,
http://www.viet-studies.net/PhanDaoNguyen_PetrusKy.htm
hay
https://nghiencuulichsu.com/2017/04/13/minh-hoa-cho-petrus-truong-vinh-ky-ve-cau-o-voi-ho-ma-khong-theo-ho/
5 Sưu tầm và tản mạn thêm của Kevin Trần về bài “Minh Oan Cho Petrus Trương Vĩnh Ký Về Câu Ở Với Họ Mà Không Theo Họ”. http://giaodiemonline.com/2017/04/minhoanTVK.htm
117 Nguyễn Văn Trung, Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc, NXB Nam Sơn, Sài Gòn, 1974, pp. 113-116
118 Trong cuốn Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hoá, NXB Hội Nhà Văn, TPHCM, 1993, pp. 44-49, giáo sư Trung đã giải thích lý do tại sao ông hoàn toàn thay đổi thái độ đối với Petrus Ký: “Sau 20 năm, nhìn lại những gì đã viết để phê phán Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, chúng tôi thấy không thay đổi những lối nhìn phê phán đối với Phạm Quỳnh. Nhưng về Trương Vĩnh Ký, chúng tôi nhìn nhận phải duyệt lại. Một trong những lý do buộc chúng tôi duyệt lại, chính là việc đánh giá của những người đương thời, chống Pháp …, dựa trên phản ảnh khá trung thực thái độ của ‘cả và Nam Kỳ đối với Trương Vĩnh Ký’ … Điểm nhất trí về Trương Vĩnh Ký: đánh giá cao tư cách con người Trương Vĩnh Ký về mặt đạo đức và đó là điều được kể là cốt yếu nhất.”
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Kỷ Yếu Triển Lãm Và Hội Thảo Petrus Trương Vĩnh Ký 8 tháng 12, 2018 tại Nam California. Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu. DCVOnline trình bày bổ túc.