Hoa lục: Khủng hoảng vì thiếu nước
Gabriel Collins và Gopal Reddy | Trà Mi
Hạn hán ở Trung Hoa sẽ là một thảm họa toàn cầu
Trung Hoa đang đứng trên bờ vực thảm họa vì thiếu nước. Hạn hán kéo dài nhiều năm có thể dứt khoát đẩy Hoa lục vào cuộc khủng hoảng nước. Kết quả như vậy sẽ không chỉ có ảnh hưởng đáng kể đến việc sản xuất ngũ cốc và điện của Trung Hoa; nó cũng có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực và nguyên liệu kỹ nghệ toàn cầu ở mức hơn nhiều so với tình trạng thiếu hụt do đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine. Với tầm quan trọng quá lớn của Trung Hoa đối với nền kinh tế toàn cầu, những gián đoạn tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng do thiếu nước bắt đầu ở Trung Hoa sẽ nhanh chóng gây ảnh hưởng trên những thị trường thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu trên khắp thế giới và tạo ra bất ổn kinh tế và chính trị trong nhiều năm tới.
Không giống như các loại hàng hóa khác, không có bất kỳ chất nào có thể thay thế nước. Nước rất cần cho việc trồng thực phẩm, tạo ra năng lượng và nuôi sống loài người. Đối với Trung Hoa, nước cũng rất quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng: hiện tại, Trung Hoa tiêu thụ 10 tỷ thùng nước mỗi ngày — gấp khoảng 700 lần dung tích dầu tiêu thụ hàng ngày. Bốn mươi năm tăng trưởng kinh tế bùng nổ, kết hợp với những chính sách an ninh lương thực nhằm mục tiêu tự cung tự cấp, đã đẩy hệ thống nước của miền Bắc Trung Hoa vượt quá mức bền vững và chúng cũng đe dọa những ở các khu vực miền Nam Trung Hoa. Tính đến năm 2020, nguồn cung cấp nước sẵn có bình quân đầu người xung quanh Đồng bằng Hoa Bắc là 253 mét khối hoặc thấp hơn gần 50% so với định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về tình trạng khan hiếm nước gay gắt. Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và các thành phố lớn khác ở mức tương tự — hoặc thấp hơn. Nguồn nước ngọt của Hong Kong khan hiếm đến mức thành phố này đã phải dùng nước biển trong nhiều chục năm để dội nhà vệ sinh. Tính đến năm 2019, ngay cả khi bị căng thẳng về nước, Ai Cập có nguồn nước ngọt bình quân đầu người là 570 mét khối cho mỗi người và nước này không cần phải hỗ trợ một cơ sở sản xuất lớn như của Trung Hoa.
Hơn nữa, một phần đáng kể nguồn cung cấp nước của Trung Hoa không thích hợp cho nhu cầu tiêu dùng của con người. Một phân tích năm 2018 về nước bề mặt của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Hoa cho thấy rằng mặc dù phẩm chất đã được cải thiện so với những năm trước, nhưng 19% vẫn bị xếp vào loại không thích hợp cho con người và khoảng 7% là không thích hợp để dùng cho bất kỳ mục đích nào. Phẩm chất nước ngầm — vốn rất quan trọng để bảo đảm nguồn cung cấp nước trong thời kỳ hạn hán — tồi tệ hơn, với khoảng 30 phần trăm được coi là không thích hợp cho sự tiêu dùng của con người và 16 phần trăm được coi là không thích hợp để dùng cho bất kỳ mục đích nào. Trung Hoa có thể dùng nguồn nước bị suy giảm trong tương lai, nhưng chỉ khi có đầu tư bổ túc lớn vào cơ sở lọc nước hạ tầng và tăng đáng kể việc dùng điện để cung cấp năng lượng cho những hệ thống lọc nước. Trong khi đó, hóa chất nông nghiệp và kỹ nghệ tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của quốc gia này, tạo tiền đề cho việc có thể sẽ bị giảm nguồn nước thứ cấp trong nhiều chục năm. Dữ liệu từ Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc cho thấy Trung Hoa dùng trọng lượng phân bón gấp gần 2,5 lần và thuốc trừ sâu gấp 4 lần Hoa Kỳ mặc dù có diện tích đất canh tác ít hơn 25%.
Trong nhiều chục năm, Bắc Kinh thường chọn cách che giấu toàn bộ những vấn đề môi trường của Trung Hoa để hạn chế phản ứng dữ dội tiềm tàng của công chúng và tránh những câu hỏi về khả năng và trình độ của Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH). Sự thiếu minh bạch này cho thấy rằng việc leo thang đến tình trạng kiệt quệ cấp nước có thể gần hơn nhiều so với những gì mà hầu hết giới quan sát bên ngoài nhận ra — làm tăng việc thế giới có thể sẽ rơi vào thế không sắp sẵn cho một thảm họa như vậy.
KHỦNG HOẢNG MIỀN BẮC
Vì bơm nước quá mức của các tầng ngậm nước ở Đồng bằng Bắc Trung Hoa là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến cuộc khủng hoảng nước đang đến tại Trung Hoa. Theo dữ liệu từ vệ tinh GRACE của NASA, dung tích nước ngầm của Đồng bằng Hoa Bắc bị bơm đi nhiều hơn so với tầng ngậm nước Ogallala dưới Great Plains của Hoa Kỳ, một trong những nguồn nước nông nghiệp quan trọng đang lâm vào tình trạng hiểm nghèo nhất trên thế giới. Những dữ liệu này tiếp tục cho thấy rằng phần đông dân nhất của Trung Hoa ở phía bắc sông Dương Tử — một khu vực từ phía đông Tứ Xuyên đến miền nam Cát Lâm, nơi sinh sống của hơn một tỷ người — mà nước hồ, sông và các tầng ngậm nước của khu vực đã sụt giảm đều đặn trong 15 năm qua.
Tại các khu vực của miền Bắc Trung Hoa, mực nước ngầm đã giảm một mét mỗi năm, khiến các tầng chứa nước dưới đất tự nhiên bị sụp đổ, gây ra hiện tượng sụt lún đất và làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi trong tương lai của các tầng chứa nước này. Năm 2003, nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề, chính phủ Trung Hoa đã có Dự án Chuyển nước Nam-Bắc trị giá 60 tỷ đô la, lấy nước từ các nhánh của sông Dương Tử để cấp nước cho miền bắc khô hạn. Để làm mưa nhân tạo (và đôi khi thay đổi thời tiết tốt hơn, chẳng hạn cho các buổi lễ Thế vận hội và các lễ kỷ niệm của đảng), Trung Hoa cũng đã cho máy bay và hỏa tiễn gieo mưa bằng cách thả silver iodide hoặc nitrogen lỏng vào mây.
Trung Hoa cũng đã dời những ngành kỹ nghệ nặng ra khỏi các khu vực đang thiếu nước nhất và đang đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng quản lý nước. Vào tháng 4 năm 2022, thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Wei Shanzhong ước tính rằng đầu tư hàng năm vào những dự án liên quan đến nước có thể lên đến 100 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể không đủ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng. Mặc dù có các chương trình rất sáng tạo để cải thiện nguồn nước sẵn có, một số học giả ước tính nguồn nước có thể giảm 25% so với nhu cầu vào năm 2030 — một tình trạng mà theo định nghĩa sẽ buộc phải có sự điều chỉnh lớn trong xã hội. Kinh nghiệm cho đến nay cho thấy ở Đồng bằng Hoa Bắc đang quan tâm nhiều hơn cho thấy cần có thêm biện pháp điều chỉnh nguồn nước. Bất chấp gần một chục năm dẫn nước từ thung lũng Dương Tử đến những khu vực quá thiếu nước như Bắc Kinh, tình trạng cạn nguồn nước ngầm vẫn tiếp diễn ở các khu vực lân cận khác, chẳng hạn như Hà Bắc và Thiên Tân.
ÍT NƯỚC, ÍT THỰC PHẨM
Giới lãnh đạo Trung Hoa hiểu rất rõ rằng nạn đói do hạn hán gây ra đã lật đổ ít nhất 5 trong 17 triều đại. Do đó, trong nhiều thế kỷ, giới lãnh đạo Hoa lục đã nhấn mạnh việc tối đa hóa sản xuất ngũ cốc để bảo đảm an ninh lương thực, một chính sách mà nghị trình phát triển của ĐCSTH đã tiếp tục. Chính sách này trở nên đặc biệt quan trọng từ những năm đầu của thế kỷ XXI khi sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng. Trong 20 năm qua, chính sách của chính phủ Trung Hoa đã khuyến khích nông dân sản xuất tối đa ngô, gạo và lúa mì để đạt được mức “tự cung tự cấp” (mức sản xuất được xác định theo tỷ lệ phần trăm tiêu dùng) thường vượt quá 90 phần trăm. Khai thác nước ngầm giữ vai trò lớn trong thành tựu này và biến Đồng bằng Hoa Bắc khô cằn thành vựa thực phẩm của Trung Hoa. Nông trại trên đồng bằng Hoa Bắc sản xuất khoảng 60% lúa mì, 45% ngô (bắp), 35% gòn và 64% đậu phộng của Trung Hoa. Sản lượng hơn 80 triệu tấn lúa mì của khu vực này bằng với sản lượng hàng năm của Nga và gần 125 triệu tấn bắp của khu vực này gần gấp ba lần sản lượng của Ukraine trước chiến tranh.
Nhưng để duy trì mực gặt hái này, nông trại và thành phố đang dùng nước nhiều hơn lượng nước tự nhiên có thể cung cấp. Dữ liệu vệ tinh cho thấy mỗi năm từ năm 2003 đến 2010, miền Bắc Trung Hoa mất một lượng nước ngầm bằng hơn hai lần số nước mà Bắc Kinh tiêu thụ hàng năm. Khi mực nước ngầm giảm xuống, nhiều nông dân đang phải vật lộn để tìm nguồn nước mới. Một số đang đào những giếng lớn hơn, sâu hơn, thường phải trả giá rất đắt; nhưng việc thấu chi liên tục có thể khiến không còn nước để bơm bất kể việc sẵn sàng chi để đào giếng sâu hơn và có kỹ thuật bơm mới hay không.
Nếu Đồng bằng Hoa Bắc bị mất mùa 33% vì thiếu nước, thì Trung Hoa có thể cần bù đắp bằng cách nhập cảng khoảng 20% bắp và 13% lúa mì trên thị trường của thế giới. Một kịch bản như vậy vẫn có thể xảy ra. Hãy xét rằng một đợt hạn hán vào đầu năm 2022 đã làm giảm sản lượng ngô dự kiến của Argentina xuống 33%. Hơn nữa, nếu một đợt hạn hán làm giảm lượng lúa gạo gặt được ở miền nam Trung Hoa hoặc Hắc Long Giang (ở vùng Đông Bắc màu mỡ của Trung Hoa), thì có thể tạo ra những cú sốc thị trường còn lớn hơn nữa vì mức tiêu thụ gạo quá lớn của Trung Hoa. Cả ba loại ngũ cốc chính đều rất quan trọng đối với hàng trăm triệu người tiêu thụ có thu nhập thấp trên toàn thế giới, trong đó bắp là lương thực chính ở châu Mỹ Latinh, lúa mì quan trọng ở Trung Đông và Bắc Phi, và gạo là thực phẩm chính ở châu Á.
Mặc dù Trung Hoa đã tích trữ lượng ngũ cốc lớn nhất thế giới, nhưng nước này không tránh khỏi tình trạng mất hoa mầu nhiều năm liên tiếp. Việc này có thể sẽ buộc giới kinh doanh thực phẩm của Trung Hoa, kể cả những công ty quốc doanh lớn như COFCO và Sinograin, phải khẩn cấp mua ở thị trường toàn cầu để bảo đảm có thêm nguồn thực phẩm. Như vậy có thể làm giá lương thực tăng vọt ở các nước thu nhập cao, đồng thời khiến hàng trăm triệu người ở các nước nghèo không thể có lương thực. Ảnh hưởng tiêu cực vì thiếu lương thực do tình trạng thiếu nước này có thể còn tệ hơn nhiều so với tình trạng bất ổn liên quan đến lương thực đã tra tại những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2007 và 2008, đồng thời sẽ đưa đên việc di cư và làm trầm trọng thêm tình trạng phân cực chính trị đã có ở châu Âu và Hoa Kỳ.
VẤN ĐỀ NĂNG LƯỢNG
Những vấn đề do thiếu nước của Trung Hoa vượt ra ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Ngành năng lượng của Trung Hoa — lớn nhất thế giới — cũng phải đối phó với những rủi ro đáng kể vì thiếu nước. Bất chấp những khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, gần 90% nguồn điện của Trung Hoa vẫn cần có nguồn nước dồi dào, đặc biệt là thủy điện, than đá và thậm chí là nguyên tử năng, vốn cần nguồn nước lớn và ổn định cho những bình ngưng hơi và để làm mát nòng lò phản ứng và các thanh nhiên liệu đã dùng. (Điều đáng chú ý là tất cả những lò nguyên tử năng của Trung Hoa hiện đang hoạt động hoặc đang được xây dựng đều được đặt gần bờ biển và có thể dùng nước biển để làm mát.)
Quản lý những ảnh hưởng phân tầng của sự thiếu hụt từ bất kỳ nguồn điện nào cũng là sự thử thách. Nếu Trung Hoa mất 15% sản lượng thủy điện trong một năm vì mực nước thấp ở những con đập — một kịch bản hợp lý dựa trên kinh nghiệm thực tế ở Brazil — thì họ sẽ phải tăng sản lượng điện bằng với những gì Ai Cập tạo ra trong một năm. Trong hệ thống năng lượng của Trung Hoa, chỉ có các nhà máy đốt than mới có khả năng tăng sản lượng lên hàng trăm terawatt giờ trong thời gian ngắn.
Không may, việc khai thác và chuẩn bị than để có thể dùng được thường cần đến rất nhiều nước, và nếu Trung Hoa bị buộc phải tăng mức sản xuất than thì sẽ gây căng thẳng thêm cho nguồn nước ngầm ở địa phương. Hơn nữa, trong khi có thể dùng nước biển để làm mát ở vùng duyên hải, nhưng nhiều nhà máy nhiệt điện chạy bằng than của Trung Hoa lại nằm sâu trong đất liền và dựa vào nước sông, hồ hoặc mạch nước ngầm. Những nhà máy điện có thể buộc phải ngừng hoạt động nếu đã cạn nguồn nước làm mát hoặc nếu nông dân và thành phố được ưu tiên cấp nước ttừ những nguồn cung còn lại. Phân tích của chúng tôi về khoảng 2.000 đơn vị máy phát điện chạy bằng than (công suất cỡ 300 megawatt hoặc lớn hơn) của Trung Hoa và các phương thức làm mát đã biết hoặc có khả năng của chúng cho thấy công suất khoảng 500 gigawatt — nhiều hơn tổng số công suất điện than của Ấn Độ và Hoa Kỳ — phải đối phó với mức rủi ro cao hơn nếu hạn hán kéo dài.
Ngành năng lượng của Trung Hoa – lớn nhất thế giới – đứng trước những rủi ro đáng kể vì thiếu nước.
Giảm khả năng vận tải than bằng đường sông cũng có thể hạn chế việc sản xuất điện. Tại những hệ thống sông Ohio và Mississippi của Hoa Kỳ, việc mất đi dù chỉ một inch mực nước sông cũng có thể làm giảm sức chở của một đoàn sà lan hàng trăm tấn. Hệ thống thủy lợi của Trung Hoa có thể gặp phải những hạn chế tương tự. Nhân lên trong một khu vực với hàng trăm nhà máy than và hàng ngàn dặm đường thủy, mực nước thấp hơn có thể nhanh chóng làm căng thẳng nguồn cung cấp than. Nếu những nhà máy dọc theo một số đường thủy này cần tăng sản lượng điện để bù đắp cho sự tổn thất sản lượng thủy điện ở những nơi khác, thì nguy cơ thực sự là than không thể đến nơi cần chúng và đủ số lượng để duy trì nguồn cung cấp điện ổn định.
Tình trạng thiếu điện của Trung Hoa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu(1), vì những cơ sở kỹ nghệ chiếm hơn 65% số điện dùng ở Trung Hoa. Để làm giảm ảnh hưởng trực tiếp đến con người trong tình trạng mất điện khắp nơi, không kiểm soát được, cán bộ đảng có thể sẽ phải đóng cửa các cơ sở kỹ nghệ để giảm mực tiêu thụ lưới điện — như họ đã làm trong thời gian thiếu điện vào năm 2021.
Cắt điện theo nghị định sẽ làm gián đoạn một số nguồn cung cấp vật liệu chính. Cho đến nay, Trung Hoa là nước sản xuất nhôm, ferro-silicon, chì, manganese, magnesium, kẽm, hầu hết các kim loại đất hiếm và nhiều kim loại và vật liệu đặc biệt khác trên thế giới. Tình trạng mất điện ở ngay cả một khu vực cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu — như những công ty sản xuất xe hơi châu Âu đã thấy vào cuối năm 2021 khi tình trạng thiếu điện làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy luyện magnesium ở tỉnh Thiểm Tây, chiếm khoảng 50% sản lượng toàn cầu. Khi magnesium tồn kho giảm mạnh, giá đã tăng vọt lên gấp bảy lần so với mức tăng hồi đầu năm và người tiêu dùng kỹ nghệ châu Âu đã kêu gọi chính phủ hành động để bảo đảm nguồn cung.
Các vấn đề vì thiếu nước và điện kéo dài ở Trung Hoa cũng có thể cản trở tiến trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch. Trung Hoa sản xuất một phần lớn polysilicon dùng làm pin mặt trời và kim loại đất hiếm dùng trong quạ gió trên khắp thế giới. Nước này cũng thống trị lĩnh vực tinh chế nguyên liệu thô và sản xuất tế bào cho pin xe điện.
HẾT SỰ LỰA CHỌN
Như cựu viên chức ngoại giao Anh và chuyên gia về Trung Hoa Charlie Parton đã lưu ý vào năm 2018: “Trung Hoa có thể in tiền, nhưng không thể in nước.” Con đường Trung Hoa có thể đi để thoát khỏi tình trạng khó khăn này bị ràng buộc vì thực tế kinh tế, vật chất và chính trị khắc nghiệt. Có lẽ đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nhất sẽ là khuyến khích hiệu quả bằng cách làm cho nước đắt hơn. Nhưng điều này không phải là chuyện dễ dàng, vì cơ sở kỹ nghệ nặng thâm dụng nguyên liệu của Trung Hoa và nông dân ở vùng nông thôn của họ đã quen với nước giá rẻ. Mặc dù nông nghiệp chiếm hơn 60% lượng nước tiêu thụ của Trung Hoa, nhưng phần lớn những nông trại đều có diện tích dưới 3 mẫu Anh. Những nông trại cỡ vừa và nhỏ hoạt động với tỷ suất lợi nhuận thấp có thể không đủ khả năng mua các dụng cụ để tiết kiệm nước như hệ thống tưới nhỏ giọt. Hơn nữa, việc hợp nhất quyền làm chủ nông trại là việc nhạy cảm về mặt chính trị và có thể vẫn chưa đủ; phản ứng mặc định của nông dân miền Bắc Trung Hoa khi mực nước ngầm giảm thì chỉ cần đào giếng sâu hơn và lắp đặt máy bơm mạnh hơn — những phản ứng như vậy chỉ đẩy nhanh cuộc khủng hoảng.
Chính phủ cũng có thể thay đổi thói quen của người tiêu dùng bằng cách thuyết phục. Kể từ năm 2016, Bắc Kinh đã khuyến khích người dân chuyển từ ăn gạo cần nhiều nước, lương thực truyền thống, sang ăn khoai tây, loại cần ít nước hơn để sản xuất. Nhưng giới chức chính phủ đã làm rất ít để thực thi những chiến dịch như vậy, vì như thế là nói ngược lại luận điệu thông thường của ĐCSTH về tiến bộ kinh tế và mức sống ngày càng tăng phản ảnh bằng mức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng. Cũng đúng là chính phủ dễ dàng ngăn cản công dân làm những việc mà họ không muốn hơn là bắt dân làm những điều họ muốn, chẳng hạn như sinh thêm con, theo đuổi tham vọng của người tiêu thụ và ăn nhiều khoai tây tiết kiệm nước hơn.
Trung Hoa có thể in tiền, nhưng họ không thể in nước
Charlie Parton
Giới lãnh đạo trung ương và địa phương của Trung Hoa có thể hướng tới các giải pháp từ phía cung, nhưng những giải pháp này có thể không đủ để giải quyết thách thức về việc thiếu nước khó khăn của đất nước. Công trình thủy lợi Dujiangyan 2.200 tuổi vẫn đang hoạt động ở Tứ Xuyên là minh chứng cho lịch sử lâu đời của Trung Hoa với tư cách là một siêu cường kỹ thuật thủy lực toàn cầu và cho thấy có khả năng tập trung vào các biện pháp từ phía cung để giải quyết tình trạng thiếu nước từ cấu trúc. Dự án Chuyển hướng nước từ Nam lên Bắc nhằm mục đích chuyển tới 21 tỷ mét khối nước hàng năm từ lưu vực sông Dương Tử vào năm 2030 và cuối cùng dự kiến sẽ chuyển gấp đôi lượng nước đó. Tuy nhiên, dự án này không giải quyết được thiếu hụt nguồn cung ở miền bắc Trung Hoa, bằng chứng là các kế hoạch chuyển nước từ đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc sang Bắc Kinh được công bố gần đây.
Tương tự như vậy, việc chuyển nước từ những vùng xa hơn, chẳng hạn như Cao nguyên Tây Tạng hoặc Hồ Baikal ở Nga, dường như là khó khăn về mặt địa chất, tốn kém nghiêm trọng và không khả thi về mặt chính trị.
Khử muối là một giải pháp tiềm năng khác từ phía cung. Nhưng mở rộng khả năng khử muối đến mức cần thiết để thu hẹp khoảng cách cung cấp nước của Trung Hoa sẽ là một dự án khổng lồ. Khoảng 20.000 nhà máy khử muối đang hoạt động trên toàn thế giới có thể sản xuất khoảng 36,5 tỷ mét khối nước mỗi năm. Con số này chỉ chiếm 6% lượng nước tiêu thụ hàng năm của Trung Hoa, làm nổi bật khó khăn của việc phụ thuộc vào quá trình khử muối để thu hẹp khoảng cách cung cấp nước ước tính 25% của Trung Hoa. Hơn nữa, quá trình khử muối tiêu tốn nhiều năng lượng — vào thời điểm lưới điện của Trung Hoa đang căng thẳng để duy trì sản lượng. Cường độ năng lượng cao của quá trình khử muối cũng có nghĩa là nước khử muối sẽ đắt hơn nhiều so với các nguồn cung cấp khác, có khả năng gấp 10 lần. Cán bộ Đảng khi đó sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn hoặc trợ cấp giá nước hoặc chấp nhận các điều chỉnh lớn (và có thể gây rối loạn về mặt chính trị) cho đến những kỳ vọng của người tiêu dùng và kỹ nghệ lâu đời hàng chục năm dựa trên khả năng có nước dùng ở giá thấp.
Chuỗi cung ứng tập trung vào Trung Hoa đã mất nhiều chục năm để xây dựng và không thể dễ dàng hoặc nhanh chóng chuyển đi nơi khác. Đây là tất cả những lý do khác nữa để những chính phủ hành động ngay bây giờ để chuẩn bị cho thị trường toàn cầu chủ chốt đối phó với một cuộc khủng hoảng nước kéo dài ở Trung Hoa. Kinh nghiệm trong quá khứ cũng không phải là chỉ dấu: khi Trung Hoa hứng chịu những đợt hạn hán kéo dài nhiều năm ở Hoa lục vào năm 1876 và 1928, nó không phải là “công xưởng của thế giới”. Chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay đang không được chuẩn bị cho một đợt hạn hán ở Trung Hoa có thể làm gián đoạn các mô hình buôn bán ngũ cốc và sản xuất nguyên liệu kỹ nghệ quan trọng trên nhiều lục địa. Khi Trung Hoa tiếp tục khai thác quá mức nguồn nước ngầm trong tình trạng thời tiết ngày càng biến động mạnh, mỗi năm nước này lại tiến gần đến một sự kiện thảm khốc về nước và phải thực hiện những bước mạnh khi vẫn còn thời gian.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: China’s Growing Water Crisis | Gabriel Collins and Gopal Reddy | Foreign Affairs| August 23, 2022.
(1) Trà Mi | Kết quả quan trọng nhất trong phúc trình năm 2020 “BẰNG CHỨNG MỚI: Cách Trung Quốc chặn nước ở thượng nguồn sông Mekong” (“NEW EVIDENCE: How China Turned Off the Tap on the Mekong River” của Brian Eyler, Courtney Weatherby, Regan Kwan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Stimson là suốt năm 2019, phần lớn vùng thượng nguồn sông Mekong của Trung Hoa nhận được lượng mưa từ mức trung bình đến cao, tuy nhiên những con đập ở đây đã chặn hoặc hạn chế nước chảy xuống hạ lưu nhiều hơn bao giờ hết, gây ra một đợt hạn hán ngay trong mùa mưa chưa từng có cho những quốc gia ở vùng này. Trung Hoa chặn và hạn chế nước xuống hạ lưu sau khi những đập ở thượng nguồn ở Hoa lục xả gần hết nước từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019 để sản xuất một lượng thủy điện nhiều chưa từng thấy, bán cho thị trường nội địa.
Nước mưa và nước do tuyết tan ở Trung Hoa đủ để giữ mực nước ở phần lớn hạ lưu sông Mekong trên mức trung bình trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020 nếu các con đập của Trung Quốc không hạn chế lượng nước đó.