Thăm dò về sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống khiến một số người không thoải mái tại Trung tâm Y tế Đại học McGill (MUHC)

Aaron Derfel | DCVOnline

Ban giám đốc bệnh viện bị cáo buộc là đã can thiệp vào nghiên cứu khiến các tác giả lên tiếng cho biết có “sự khó chịu” vì cuộc thăm dò và bản phúc trình về sự phân biệt đối xử.

Bản phúc trình công bố rộng rãi đã xác nhận có sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống tại MUHC, mạng lưới bệnh viện lớn nhất của Quebec, kể cả  phân biệt đối xử thường xuyên đối với nhân viên và bệnh nhân Da đen, người bản địa, người gốc Á châu và người Hồi giáo đội khăn trùm đầu. Ảnh: ALLEN MCINNIS / Montreal Gazette.

Montreal Gazette được biết giới nghiên cứu đang đúc kết một phúc trình mang tính bước ngoặt về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống tại Trung tâm Y tế Đại học McGill (MUHC) đã bị một nhân viên cao cấp trong ban giám đốc nỗ lực can thiệp vào việc thu thập dữ liệu của họ.

Cuộc thăm dò đưa đến bản phúc trình do hội đồng quản trị MUHC ủy quyền khi công chúng khắp Bắc Mỹ cho rằng có sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống sau vụ một cảnh sát da trắng sát hại George Floyd, một người đàn ông Da đen, ở Minneapolis vào năm 2020.

Bản thảo phúc trình mới công bố đã xác nhận có sự phân biệt chủng tộc có hệ thống trong mạng lưới bệnh viện lớn nhất của Quebec, kể cả phân biệt đối xử thường xuyên đối với nhân viên và bệnh nhân Da đen, người bản địa, những người gốc châu Á và người Hồi giáo đeo khăn trùm đầu, và những người khác.

Bản phúc trình kết luận,

“Những người tham gia (trong cuộc nghiên cứu) đã thuật lại hoàn cảnh và sự việc họ bị phân biệt đối xử liên quan đến ban lãnh đạo/quản lý. Họ mô tả việc bị đối xử một cách thiếu tôn trọng, bị cấp chỉ huy và quản lý cấp cao tại MUHC tấn công bằng lời nói, quấy rối và làm nhục.”

Nhật báo Gazette đã có được một bản dự thảo gần như hoàn chỉnh của bản phúc trình. Trong phần “thảo luận”, những tác giả đã nhấn mạnh đến phản ứng khó chịu của một số thành viên của MUHC đối với cuộc thăm dò về phân biệt đối xử. Bản phúc trình viết,

“Một số thành viên của MUHC và (viện nghiên cứu của cơ sở này) tỏ ra khó chịu trong việc cổ động… cuộc thăm dò giữa các đồng nghiệp của họ. Một số thành viên của MUHC và MUHC-RI đã ứng xử/dùng vị trí đặc quyền của họ theo cách có thể làm thiệt hại đến tính toàn vẹn và tính bảo mật của nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này đã bị ngăn chặn.”

Giới chức lãnh đạo MUHC hôm thứ Tư đã từ chối trả lời những câu hỏi cụ thể cho bài báo này, và đề nghị phóng viên xem một tuyên bố chung về báo cáo đã phát hành một ngày trước đó. Tuyên bố đó không đề cập đến cáo buộc trong bản phúc trình về sự can thiệp của ban giám đốc MUHC.

Vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống ở Quebec đã dầy đặc dư âm chính trị kể từ khi Thủ tướng tỉnh bang François Legault liên tục phủ nhận sự hiện hữu của vấn đề kỳ thị có hệ thống  ở tỉnh bang này và công khai bác bỏ hành động và thái độ của những người nhạy cảm với bất công xã hội và chính trị (wokeism) được một số người trong phong trào Black Lives Matter tán thành. Thật vậy, bản phúc trình có lời chứng thực của một nhân viên MUHC chỉ trích Legault vì miễn cưỡng thừa nhận sự hiện hữu của nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Legault đã nói rằng mặc dù nạn phân biệt chủng tộc có ở Quebec, nhưng nó vẫn chưa tăng lên mức độ của một hệ thống.

Phúc trình của MUHC được một toán đặc nhiệm chống phân biệt chủng tộc giám sát do hai phụ nữ da màu đồng chủ trì: thành viên hội đồng quản trị Seeta Ramdass và Bác sĩ Anita Brown-Johnson, trưởng khoa y học gia đình. Bản phúc trình thu thập lời khai của những nhân viên sắc tộc thiểu số của MUHC, những người nói rằng họ thường xuyên bị đồng nghiệp da trắng có ít kinh nghiệm hơn qua mặt trong những kỳ thăng chức.  Bản phúc trình nêu rõ,

“Những người tham gia cuộc thăm dò cũng chỉ ra sự thiên vị cố hữu trong việc tuyển dụng và lựa chọn người vào cho các ủy ban và những vị trí quản trị.”

“Những người trả lời cuộc thăm dò lưu ý rằng do các nhóm đồng nhất và thiếu sự đại diện đa dạng trong ở nhưng vị trí quản trị cấp trên, nên nhân viên thuộc sắc tộc thiểu số khó có thể đạt đến một mục tiêu nghề nghiệp họ muốn. Những người được hỏi cho biết rằng những người thuộc sắc tộc thiểu số có thể hầu hết được thuê vào làm việc ở nhưng vị trí cấp thấp hơn như quét dọn, vệ sinh, và rất ít được thuê ở những cấp trên của ban quản trị.”

Trong một lời chứng thực, một nhân viên nhận MUHC nói rằng tất cả

“Tất cả (những người mới được thuê) hầu hết đều là người  Québécois gốc Pháp. Điều này khiến tôi tự hỏi tiến trình tuyển dụng thực sự công bằng như thế nào. Có thực tế lắm khômg khi tin rằng tất cả những người đủ tiêu chuẩn đang được việc làm tại MUHC chỉ là người Québécois gốc Pháp. Và không có ai khác ngoài người Québécois gốc Pháp đủ tiêu chuẩn hay sao?

Tôi đã biết rất nhiều người nộp đơn xin việc tại MUHC vượt quá tiêu chuẩn, nhưng vì họ không có tên họ điển hình của người Québécois gốc Pháp, nên hầu như không có được cuộc phỏng vấn thứ hai, chứ chưa nói đến cuộc phỏng vấn đầu tiên. Tôi là người sắc tộc thiểu số và nhận thấy rằng nhiều nhân viên Québécois gốc Pháp mới được thuê này không nói được một chữ tiếng Anh nào. … Như vậy thì công bằng ở chỗ nào khi được tuyển dụng, tôi đã trải qua một tiến  trình phỏng vấn nghiêm ngặt bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh? Cách thức tuyển dụng rất không công bằng và phân biệt đối xử.”

Thật vậy, bản báo cáo thu hút sự chú ý đến những gì dường như là một thông lệ của ban quản trị nhân viên tại MUHC là phân loại các ứng viên xin việc theo họ của họ: “Một trong những vấn đề được đưa ra nhiều nhất là việc phân loại  ứng viên xin việc theo họ (family name) của họ

Trong một lời khai khác, một nhân viên nói tiếng Pháp đã xác nhận có thông lệ này và thúc giục trong tương lai, MUHC “không để cho bộ phận quản lý nhân sự và chính cơ quan thuê nhân viên đánh giá ứng viên dự trên nguồn gốc hay của tên họ.

Ban giám đốc MUHC hôm thứ Tư đã từ chối bình luận về hành động bị cáo buộc là phân loại người xin việc theo tên họ của ứng viên.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Survey on systemic racism made some uneasy at the MUHC | Aaron Derfel  | Montreal Gazette | Sep 08, 2022