Thương tiếc Nữ hoàng, không tiếc nuối gì đế quốc Anh

Thương tiếc Nữ hoàng, không tiếc nuối gì đế quốc Anh
Họa sĩ Montreal Lilias Torrance Newton đã vẽ bức chân dung Nữ hoàng Elizabeth II năm 1957 này; bức chân dung này trong Bộ sưu tập của Chính phủ thuộc Ủy ban Thủ đô Quốc gia cho mượn và treo ở lối vào chính của Thượng viện Canada. (Ảnh: Ủy ban Thủ đô quốc gia cho phép sử dụng)

Maya Jasanoff | DCVOnline

“Kết thúc của một kỷ nguyên” trở thành một điệp khúc khi giới bình luận đánh giá triều đại kỷ lục của Nữ hoàng Elizabeth II. Giống như tất cả những quốc vương, bà vừa là một cá nhân vừa là một thể chế.

Nữ hoàng Elizabet Đệ II. Pool photo by Frank Augstein

Bà có những sinh nhật khác nhau cho mỗi vai trò — ngày sinh thực sự vào tháng 4 cộng với ngày sinh chính thức vào tháng 6 — và mặc dù vẫn giữ tên riêng khi là nữ hoàng, nhưng lại giữ các chức danh khác nhau tùy vào vị trí bà đang ở đâu. Bà ấy không có ý kiến và cảm xúc trước công chúng như những ví xách tay của bà được cho là để đựng vật dụng hàng ngày như ví, chìa khóa và điện thoại. Về đời sống nội tâm của bà ấy, chúng ta được biết rất ít chuyện ngoài tình yêu của bà đối với ngựa và chó — điều này đã khiến cho Helen Mirren, Olivia Colman và Claire Foy khiến khán giả say mê vì những hiểu biết mà họ đã trình diễn.

Nữ hoàng là hiện thân của sự cam kết sâu sắc, chân thành đối với nhiệm vụ  — nhiệm vụ cuối cùng của bà là bổ nhiệm thủ tướng thứ 15 của Anh quốc — và vì việc làm tròn trách nhiệm xuất sắc, bà sẽ được thương tiếc một cách xứng đáng. Bà ấy là một vật cố định của sự ổn định, và cái chết của bà trong thời điểm đang đầy biến động sẽ mang đến những gợn sóng đau buồn trên khắp thế giới. Nhưng chúng ta không nên lãng mạn hóa thời đại của bà ấy. Vì nữ hoàng cũng là một hình ảnh: bộ mặt của một quốc gia mà trong suốt thời gian bà trị vì, đã chứng kiến sự tan rã của gần như toàn bộ Đế quốc Anh thành khoảng 50 quốc gia độc lập và làm giảm đáng kể ảnh hưởng của Anh quốc trên thế giới. Vì cố tính xếp đặt hay là sự tình cờ như cuộc đời trường thọ, sự hiện diện của bà như một nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Khối thịnh vượng chung, một liên hiệp giữa Anh và những thuộc địa cũ, đã giữ vững một mặt trận truyền thống qua nhiều chục năm đầy biến động bạo lực. Do đó, nữ hoàng đã giúp làm mờ đi một lịch sử phi thực dân hóa đẫm máu mà độ lớn và di sản vẫn chưa được thừa nhận một cách thỏa đáng.

Elizabeth trở thành nữ hoàng của nước Anh thời hậu chiến, khi đường vẫn còn phân phối hạn chế và đống đổ nát do bom đạn  vẫn còn đang được dọn dẹp. Báo giới và những bỉnh bút đã nhanh chóng ví thiếu nữ 25 tuổi này như một con chim phượng hoàng bay vào thời đại Elizabeth mới. Có lẽ, một sự tương tự không thể tránh được và một so sánh sắc bén. Triều đại Elizabeth đệ nhất, ở hạ bán thế kỷ 16, đánh dấu sự trỗi dậy của nước Anh từ một quốc gia châu Âu hạng hai thành một cường quốc đầy tham vọng ở nước ngoài. Elizabeth I đã phát triển hải quân, khuyến khích tư nhân hóa và cấp giấy phép cho những công ty thương mại đặt nền móng cho một đế chế xuyên lục địa.

Sau khi đăng quang tại Giáo đường Westminster vào năm 1953, báo giới và những bỉnh bút đã nhanh chóng ví thiếu nữ 25 tuổi này như một con chim phượng hoàng bay vào thời đại Elizabeth mới. Ảnh Associated Press

Elizabeth II lớn lên trong một gia đình hoàng tộc có tầm quan trọng đối với Đế quốc Anh đã tăng lên ngay cả khi quyền lực chính trị đã bị thu hẹp ở trong nước. Chế độ quân chủ cai trị một danh sách ngày càng dài những thuộc địa của Vương quốc, gồm cả Hong Kong (1842), Ấn Độ (1858) và Jamaica (1866). Nữ hoàng Victoria, được tuyên bố là nữ hoàng của Ấn Độ vào năm 1876, đã chủ trì những buổi lễ kỷ niệm rực rỡ về lòng yêu đế quốc; Ngày sinh của bà được ghi nhận là Ngày Đế quốc từ năm 1902. Thành viên của gia đình hoàng tộc đã thực hiện những chuyến thăm viếng theo nghi lễ xa hoa đến những thuộc địa, ban tặng cho giới cai trị bản địa châu Á và châu Phi một loạt những mệnh lệnh và đồ trang trí. Năm 1947, Công chúa Elizabeth khi đó đã tổ chức sinh nhật lần thứ 21 của mình trong một chuyến công du của hoàng gia ở Nam Phi, với một bài phát biểu được trích dẫn nhiều lần trong đó bà hứa rằng “cả cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, sẽ cống hiến để phục vụ thần dân và phục vụ gia đình hoàng tộc vĩ đại của tất cả chúng ta.” Đang trong một chuyến du lịch  khác ở Kenya thì bà biết tin cha mình qua đời.

Vào Ngày Đăng quang của Nữ hoàng năm 1953, tờ The Times of London đã hãnh diện đăng tin tức về cuộc chinh phục thành công đỉnh Everest lần đầu tiên của Sherpa Tenzing Norgay và Edmund Hillary, người New Zealand, gọi đây là “sự kiện sung sướng và một điềm báo đầy khí lực cho một kỷ nguyên Elizabeth khác.” Mặc dù vậy, nữ hoàng Elizabeth II sẽ không bao giờ là nữ hoàng trên danh nghĩa — nền độc lập của Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947 đã tước bỏ danh hiệu đó — nhưng bà đã kế thừa và duy trì chế độ quân chủ đế quốc bằng cách đảm nhận chức danh người đứng đầu Khối thịnh vượng chung. “Khối Thịnh vượng chung không có gì giống với những đế quốc trong quá khứ”, bà nhấn mạnh trong thông điệp Ngày Giáng sinh năm 1953. Lịch sử của nó cho thấy không phải như vậy. Ban đầu được hình dung như một tập hợp những thuộc địa của người di cư “da trắng” (do Thủ tướng Nam Phi Jan Smuts cổn xúy), Khối Thịnh vượng chung bắt nguồn từ quan niệm phân biệt chủng tộc và gia trưởng về sự cai trị của người Anh như một hình thức dạy kèm, giáo dục những thuộc địa trở thanh những quốc gia trưởng thành có trách nhiệm tự trị. Được tái cấu hình vào năm 1949 để phù hợp với những quốc gia cộng hòa châu Á mới độc lập, Khối thịnh vượng chung là phần tiếp theo của đế chế và là phương tiện để duy trì ảnh hưởng trên trường quốc tế của Anh.

Nữ hoàng Elizabeth II với lãnh đạo của những nước trong Khối thịnh vượng chung vào năm 1953. Với tư cách là người đứng đầu nhà nước, bà đã giữ một mặt trận truyền thống vững chắc trong nhiều chục năm đầy biến động bạo lực. Ảnh: Hulton Archive, via Getty Images

Trong những bức ảnh chụp tại những hội nghị của giới lãnh đạo Khối thịnh vượng chung, nữ hoàng da trắng ngồi trước và ở giữa hàng chục thủ tướng hầu hết không phải người da trắng, giống như một bà chúa của gia đình được con cháu vây quanh. Bà rất coi trọng vai trò của mình, thậm chí đôi khi xung đột với những bộ trưởng của Anh quốc để bênh vực những lợi ích của Khối thịnh vượng chung hơn là lợi ích chính trị hẹp hơn, như khi bà ủng hộ những buổi lễ đa tông giáo trong Ngày thịnh vượng chung vào những năm 1960 và khuyến khích một đường lối cứng rắn hơn đối với chính sách phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Điều mà người ta sẽ không bao giờ biết được từ những bức ảnh — một phần là mục đích của chúng — là bạo lực ẩn chứa đằng sau. Năm 1948, thống đốc thuộc địa Malaya ban bố tình trạng khẩn trương để chống lại du kích quân cộng sản, và quân đội Anh đã sử dụng chiến thuật chống phản loạn mà người Mỹ sẽ bắt chước ở Việt Nam. Năm 1952, thống đốc Kenya ban hành tình trạng khẩn trương để trấn áp một phong trào chống thực dân có tên là Mau Mau, mà người Anh bắt hàng chục ngàn người Kenya vào các trại giam và tra tấn họ dã man, một cách có hệ thống. Tại Cyprus năm 1955 và Aden, Yemen, năm 1963, những thống đốc Anh một lần nữa tuyên bố tình trạng khẩn trương để đối phó với những cuộc tấn công chống thực dân; một lần nữa họ tra tấn thường dân. Trong khi đó, ở Ireland, nhóm Troubles đã đem tình trạng khẩn trương đến Vương quốc Anh. Như một sự quả báo, Quân đội Cộng hòa Ireland đã ám sát thân nhân của nữ hoàng, Lord Louis Mountbatten, phó vương cuối cùng của Ấn Độ (và là kiến trúc sư của cuộc hôn nhân giữa Elizabeth với cháu trai của ông, Hoàng thân Philip), vào năm 1979.

Chúng ta có thể không bao giờ biết được những gì nữ hoàng đã làm hoặc không biết về những tội ác nhân danh bà đã gây ra. (Những gì diễn ra trong các cuộc họp hàng tuần của Nữ hoàng với thủ tướng vẫn là một hộp đen ở trung tâm của chính phủ Anh.) Những thần dân của bà ấy cũng không nhất thiết đã biết được hết câu chuyện. Giới chức thuộc địa đã phá hủy nhiều hồ sơ mà theo một công văn của ngoại trưởng cho những thuộc địa, “có thể làm xấu mặt chính phủ của Nữ hoàng” và cố tình giấu những hồ sơ khác trong một kho lưu trữ bí mật mà sự hiện hữu chỉ được tiết lộ vào năm 2011. Mặc dù một số nhà hoạt động như dân biểu Lao động Barbara Castle đã công bố và tố cáo những hành động tàn bạo của người Anh; chúng đã không khiến công chúng quan tâm một cách rộng rãi.

Nữ hoàng ở Ghana. Ảnh: Bettmann Archive, via Getty Images
Công du Ấn Độ năm 1961. Ảnh: Popperfoto, qua Getty Images

Và luôn có nhiều chuyến công du của hoàng gia hơn nữa để báo chí đưa tin. Gần như hàng năm cho đến những năm 2000, nữ hoàng đã đi thăm những quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung — chắc chắc sẽ có đám đông cổ vũ và những cảnh quay tâng bốc, số km lộ trình bà đi qua được ghi lại và các quốc gia đến thăm đều tăng lên như thể họ đã anh dũng đạt được bằng chân chứ không phải bằng du thuyền và Rolls—Royce : 44.000 dặm và 13 vùng lãnh thổ để đánh dấu ngày đăng quang của bà; 56.000 dặm và 14 quốc gia kỷ niêm 25 năm đăng quang vào năm 1977; thêm 40.000 dặm đi qua Jamaica, Úc, New Zealand và Canada nhân dịp kỷ niệm 50 năm trên ngai vàng. Đế quốc Anh phần lớn đã phi thực dân hóa, nhưng chế độ quân chủ thì vẫn đứng vững.

Trong những chục năm cuối cùng của triều đại, nữ hoàng ER II đã nhìn nước Anh — và hoàng gia — phải phấn đấu để chấp nhận vị trí mới thời hậu đế chế. Tony Blair cổ động chính sách đa văn hóa và sự ủy quyền cho xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland, nhưng ông cũng làm sống lại luận điệu của đế quốc Victoria khi tham gia vào những cuộc xâm lăng Afghanistan và Iraq do Hoa Kỳ lãnh đạo. Bất bình đẳng xã hội và khu vực ngày càng gia tăng, và London trở thành thiên đường của giới tài phiệt giàu nứt đố đổ vách. Mặc dù độ nổi tiếng cá nhân của nữ hoàng đã phục hồi từ mức thấp sau cái chết của Công nương Diana, nhưng gia đình hoàng tộc vẫn chia rẽ vì những cáo buộc  của Harry và Meghan về sự phân biệt chủng tộc. Năm 1997, nữ hoàng đã gây tiếng vang khi rơi lệ  lúc chiếc Du thuyền Hoàng gia Britannia thuế của dân tài trợ ngừng hoạt động, vài tháng sau khi hộ tống vị thống đốc cuối cùng của Anh từ Hong Kong về nước. Boris Johnson đã đề nghị đóng một một du thuyền mới.

Nữ hoàng trong buổi lễ cho Du thuyền Hoàng gia Britannia ngừng hoạt độn. Tuổi thọ của bà khiến những tưởng tượng về thời đại Elizabeth thứ hai như sẽ còn mãi. Ảnh: Tim Graham Photo Library, via Getty Images

Trong những năm gần đây, áp lực của công chúng đã tăng lên khiến nhà nước Anh và những thể chế phải thừa nhận và sửa chữa những di sản của đế quốc, chế độ nô lệ và bạo lực thuộc địa. Vào năm 2013, trước một vụ kiện do các nạn nhân bị tra tấn ở Kenya thời thuộc địa, chính phủ Anh đã đồng ý bồi thường gần 20 triệu bảng Anh tiền bồi thường thiệt hại cho những người sống sót; một khoản bồi thường khác đã trả  cho những người sống sót ở Cyprus vào năm 2019. Có những nỗ lực đang được tiến hành để đổi mới chương trình giảng dạy ở trường học, xóa bỏ các di tích công cộng tôn vinh đế chế và thay đổi cách trình bày các di tích lịch sử có liên quan đến chủ nghĩa đế quốc.

Tuy nhiên, chủ nghĩa bài ngoại và phân biệt chủng tộc đang gia tăng, được thúc đẩy do chính trị độc hại của vụ Brexit. Nhận đầu tư lâu dài vào Khối thịnh vượng chung giữa những người châu Âu (cả bên trái và bên phải) như một giải pháp thay thế do Anh dẫn đầu cho sự hội nhập châu Âu, chính phủ của ông Johnson (với Thủ tướng hiện là Liz Truss làm ngoại trưởng) nghiêng về tầm nhìn một “Nước Anh toàn cầu” chìm ngập trong sự thật nửa vời và nỗi nhớ về thời đế quốc.

Tuổi trường thọ của nữ hoàng khiến những tưởng tượng lỗi thời về thời đại Elizabeth thứ hai sẽ còn mãi. Bà đại diện cho mối liên hệ sống động với Thế chiến thứ hai và một huyền thoại yêu nước rằng một mình nước Anh đã cứu thế giới khỏi chủ nghĩa phát xít. Bà có mối quan hệ cá nhân với Winston Churchill, thủ tướng đầu tiên trong số 15 thủ tướng của bà, người mà ông Johnson gay gắt bảo vệ trước những lời chỉ trích có cơ sở về chủ nghĩa đế quốc thoái hóa của ông. Và tất nhiên, bà là gương mặt người da trắng trên tất cả các đồng xu, tiền giấy và tem lưu hành trong một quốc gia đã đa dạng hóa nhanh chóng: Có lẽ từ một người da màu trong 200 người Anh khi bà mới đăng quang, điều tra dân số năm 2011 cho thấy có một phần bảy dân Anh quốc là người da màu.

Bây giờ bà không còn nữa, đế chế cũng phải chấm dứt. Chẳng hạn, đã quá hạn thực hiện các lời kêu gọi đổi tên thành huy chương Order of the British Empire, một danh dự mà nữ hoàng đã ban tặng cho hàng trăm người Anh mỗi năm vì những hoạt động phục vụ cộng đồng và đóng góp cho đời sống công cộng. Nữ hoàng từng là nguyên thủ quốc gia của hơn một chục vương quốc thuộc Khối thịnh vượng chung, nhiều quốc gia trong số đó hiện có thể theo gương của Barbados, nước đã quyết định “bỏ hoàn toàn quá khứ thuộc địa của chúng tôi lại phía sau” và trở thành một nước cộng hòa vào năm 2021. Cái chết của nữ hoàng cũng có thể yểm trợ một cuộc vận động mới cho nền độc lập của Scotland, mà được biết là bà sẽ phản đối. Mặc dù giới lãnh đạo của Khối thịnh vượng chung đã quyết định vào năm 2018 để thực hiện “mong muốn chân thành” của nữ hoàng và công nhận Thái tử Charles là người đứng đầu khối thịnh vượng chung tiếp theo, tổ chức này nhấn mạnh rằng vai trò này không phải cha truyền con nối.

Ngay cả khi thế giới biến đổi xung quanh nữ hoàng, huyền thoại về lòng nhân từ của đế quốc vẫn hiện hữu. Ảnh: Pool photo by Suzanne Plunkett

Những sứ giả của thời đại Elizabeth thứ hai hy vọng Elizabeth II sẽ duy trì sự vĩ đại của nước Anh; nhưng không, đó là kỷ nguyên sụp đổ của đế chế. Bà sẽ được ghi nhớ vì sự cống hiến không mệt mỏi vì nhiệm vụ của mình, công việc mà Nữ hoàng đã cố bảo đảm cho tương lai bằng cách tước bỏ vai trò của Hoàng tử Andrew ô nhục và giải quyết câu hỏi về tước hiệu của Hoàng hậu Camilla. Tuy nhiên, đó là một vị trí liên kết chặt chẽ với Đế quốc Anh đến nỗi ngay cả khi thế giới biến đổi xung quanh, huyền thoại về lòng nhân từ của đế chế vẫn tồn tại. Vị vua mới hiện có cơ hội tạo ra một ảnh hưởng lịch sử thực sự bằng cách thu hẹp lại sự hào nhoáng của hoàng gia và cập nhật chế độ quân chủ của Anh cho giống với chế độ của Scandinavia hơn. Đó sẽ là một kết thúc đáng ăn mừng.

Tác giả | Maya Jasanoff, giáo sư lịch sử tại Harvard, là tác giả của ba cuốn sách về Đế chế Anh và các chủ đề của nó, gần đây nhất là cuốn “The Dawn Watch: Joseph Conrad in a Global World”.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Mourn the Queen, Not Her Empire  | Maya Jasanoff | The New York Times | Sep 08, 2022