Tại sao tôi ra khỏi Twitter

David Frum | DCVOnline

Bất cứ điều gì Elon Musk làm, người dùng Twitter sẽ bị liên lụy về những gì xảy ra với mạng xã hội đó. Đó là trách nhiệm mà tất cả chúng ta phải chấp nhận một cách nghiêm túc.

Getty / The Atlantic

Hãy coi Twitter như một thành phố.

Nó rộng lớn, dày đặc và mang tính quốc tế ly kỳ. Những đường phố và ngõ hẻm của nó đông đúc đầy những nhân vật hấp dẫn, với những kho tàng kiến thức và văn hóa.

Nhưng giống như bất kỳ tập hợp lớn nào của loài người, Twitter cũng thu hút những kẻ săn mồi: kẻ gian, kẻ cuồng tín và kẻ bắt nạt, những kẻ lừa dối và lạm dụng mọi người vì lợi nhuận, quyền lực hoặc trò vui đồi bại.

Thành phố chưa bao giờ tốt về mặt an ninh. Có lẽ không bao giờ có thể kiểm soát nó một cách hiệu quả. Nhưng bây giờ thành phố có một thị trưởng mới — và cứ như thể Oswald Cobblepot (còn gọi là Chim cánh cụt) đã tiếp quản Gotham.

Chỉ vài giờ sau khi Elon Musk mua lại Twitter, hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã bị lung lay vì một tội ác tàn nhẫn. Tin tức cho biết một người mắc chứng hoang tưởng kiểu QAnon đã vào nhà ở San Francisco của chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Được biết y hy vọng bắt cóc bà chủ tịch Hạ viện, đồng thời tra khảo và tra tấn bà. Bà ấy không có nhà, nhưng chồng bà thì ở đó. Kẻ đột nhập đã đập vỡ sọ của Paul Pelosi bằng một cái búa.

Sự việc khủng khiếp này lẽ ra phải khiến tất cả người Mỹ cùng lên án. Nhưng việc đó không đã không xảy ra. Một số đảng viên Cộng hòa nổi bật đã lên tiếng: cựu Phó Tổng thống Mike Pence; Thượng nghị sĩ và cựu ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mitt Romney; thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện của đảng Cộng hòa, Mitch McConnell. Nhưng chính ba người này lại là mục tiêu của sự căm thù tàn sát của những người ủng hộ Trump, gần giống như chính Chủ tịch Hạ viện Pelosi.

Những đảng viên Cộng hòa đồng tình với Trump và phong trào MAGA của ông hoặc đã giữ im lặng, như Thống đốc tiểu bang Florida Ron DeSantis đã làm, hoặc tìm cách cho rằng Paul Pelosi không phải là nạn nhân vô tội, rằng bằng cách nào đó ông ta phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công.

Các lý thuyết độc hại bắt đầu lan truyền. Và nhờ Twitter, họ đã nhanh chóng chuyển từ rìa QAnon cực hữu sang khuynh hướng chính của GOP. Một thành viên của Hạ viện, có khả năng là chủ tịch tiểu ban trong Quốc hội sắp tới, đã chia sẻ chúng trên một danh khoản mạng xã hội cá nhân. Thượng nghị sĩ Ted Cruz nháy mắt với họ. Cựu Tổng thống Donald Trump đã tán thành chúng.

Và một người đã tung ra một trong những lý thuyết độc hại này trên mạng xã hội khổng lồ (hơn 100 triệu người theo dõi) của ông ta: thị trưởng mới của Twittertown.

Tôi tình cờ đang ở cách xa một đại dương và một lục địa khi đọc được dòng tweet khét tiếng của Musk về Paul Pelosi. Anh ta trả lời lại một tweet của Hillary Clinton bằng cách chia sẻ một đường dẫn đến một mẩu tin giả mạo về Pelosi từ một nguồn nổi tiếng không đáng tin cậy — một nguồn tin đã đưa tin vào năm 2016 rằng Clinton đã qua đời và các đảng viên Đảng Dân chủ đã thay thế bà trên đường vận động tranh cử bằng một người giả hình.

Tôi không theo dõi Musk, nhưng tôi ngay lập tức nhận ra sự náo động mà ông ấy đã tạo ra với dòng tweet đó. Tôi tự hỏi liệu nhiều người có thực sự tin câu chuyện mà Musk đã công bố hay không. Điều đó có vẻ quá xa vời và ngớ ngẩn, nhưng những kẻ cố tình xúi giục xung đột, thù địch hoặc tranh cãi trong cộng đồng mạng xã hội không quan tâm đến tính chính đáng — họ thích gây sốc và phẫn nộ và đau khổ về tình cảm. Câu chuyện mà Musk khuếch đại đã đánh dấu vào tất cả những ô đó.

Cho đến thời điểm đó, tôi vẫn chưa có quan điểm rõ ràng hay chắc chắn về việc Musk mua lại Twitter. Có nhiều điều để ngưỡng mộ về ông ấy với tư cách là một doanh nhân và người sáng tạo. Bất cứ điều gì tôi ngưỡng mộ ít hơn về anh ấy dường như không phải là vấn đề mà tôi cần phải quan tâm. Musk có những ý tưởng sai lầm về Ukraine và Trung Hoa? Thì sao, có lẽ, nhiều CEO khác của các công ty lớn cũng thế thôi, ngay cả khi họ cẩn thận hơn khi họ tweet.

Nhưng những gì đang diễn ra ở đây không chỉ là một ý kiến sai lầm. Đây là sự cố tình thông tin sai lệch. Giống như nhiều người khác, tôi đã tweet sự ghê tởm của mình về dòng tweet đó.

Và sau đó tôi đã ra khỏi Twitter trong ba ngày để suy nghĩ về những gì khác, nếu có, tôi cần phải làm.

Vào Twitter từ năm 2009 và nó nhanh chóng trở thành một trong những công cụ có giá trị nhất trong hành trang của người cầm viết như tôi.

Twitter là một diễn đàn quan trọng cung cấp thông tin cập nhật từng phút, một nguồn tin tức nóng hổi, một diễn đàn liên tục hoạt động về các sự kiện gần đây. Twitter là cách tôi theo dõi các cuộc biểu tình ở Iran, những trận chiến ở Ukraine, sự suy thoái của nền kinh tế Trung Hoa và các cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi.

Twitter cung cấp chiều sâu, cũng như tốc độ của thông tin. Đó là cách tôi tiếp cận mọi thứ, từ những cuộc thảo luận mặt kỹ thuật của lạm phát đến tranh chấp về cách viết sử. Và đó là nơi tôi tìm thấy những chuyên gia và khám phá xem ai đang tranh cãi với ai, về vấn đề gì.

Tôi cũng dùng Twitter như một loại sổ tay: một nơi để thí nghiệm các ý tưởng, hoặc đôi khi kể chuyện cười. Sự rút gọn có hiệu lực của Twitter có thể là kỷ luật tốt đối với một người cầm bút.

Và, như một trong những món quà không rõ ràng hơn của nó, Twitter cung cấp một cộng đồng ảo: thường là một cộng đồng lạnh lùng, nhưng cũng cởi mở và bình đẳng một cách đáng ngạc nhiên. Tôi đã nghe nhiều ý tưởng độc đáo hơn từ những người mà trước đây tôi không biết, chỉ trong một ngày trên Twitter hơn là trong nhiều hội nghị kéo dài một tháng ở Washington.

Đồng thời, Twitter luôn có những khía cạnh xấu xa và nguy hiểm của nó: chế độ độc tài, tư tưởng nhóm, làm y theo, cố ý tuyên truyền thông tin sai lệch. Mọi người bị thiệt hại về mặt tâm linh dưới cơn bão đặc lợi của sự xúc phạm hàng loạt có thể tăng đột ngột trên Twitter — và những người lớn tiếng chửi bới cũng bị vùi dập lại khi tham gia vào các cuộc lên đồng phẫn nộ này. Twitter cũng cho phép lan truyền nhanh chóng những tin đồn và lời nói dối, như trong trường hợp Pelosi. Mạng xã hội đó có thể đánh lừa người đọc về cách thức và những gì người khác nghĩ.

Như một cá nhân, chúng ta có thể bù đắp những nguy cơ này bằng cách quản lý danh khoản của chính mình một cách thận trọng: lựa chọn cẩn thận người để theo dõi ngay từ đầu, không theo dõi những người có hành động sai hoặc không đúng, hạn chế nhắn tin trực tiếp để không nó thể sử dụng bị lợi dụng dùng đẻ đe dọa và quấy rối, đặt thông báo để tránh không nhận tương tác không muốn.

Nhưng cá nhân không thể tự mình làm mọi thứ. Họ cần sự hỗ trợ ở một mức độ nào đó của thể chế. Đó chưa bao giờ là một điểm xuất sắc của Twitter và Musk đang đưa ra lý do để lo sợ rằng ông ta sẽ làm suy giảm mạng xã hội này thêm nữa. Musk muốn có doanh thu từ Twitter — đó là một kỳ vọng hợp lý; mạng xã hội là một doanh nghiệp — nhưng ý tưởng đầu tiên của ông ấy là một ý tưởng rất tệ: tính giá phải trả để xác minh tài khoản. Musk dường như nghĩ về việc xác minh như một biểu tượng của giai cấp, giống như một biển số xe được cá nhân hóa. Nó không thể như vậy. Đây là một công cụ quan trọng chống lại việc lạm dụng trang web.

Hãy duyệt xét điểu này: Một cơn bão đang ập đến. Tweet bắt đầu bay với thông tin và tuyên truyền sai lệch. Tin vào cái nào? Ngay bây giờ, bạn có thể kiểm tra  những danh khoản đã được xác minh của các cơ quan liên bang và tiểu bang, và biết chắc chắn rằng họ là những người như họ nói. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một số kẻ chơi khăm có thể tạo một danh khoản trông có vẻ chính thức, trả 20 đô la một tháng hoặc 8 đô la một tháng hoặc bất cứ giá nào để xác minh nó, và sau đó chỉ tung tin đồn để đánh lừa những người đang sợ hãi?

Bạn thắc mắc loại người bệnh hoạn nào sẽ làm chuyện như vậy? Chà, nó đã xảy ra trong cơn bão Sandy: một danh khoản có số lớn người theo dõi sau đó đã gây hoảng loạn một cách vô trách nhiệm — và cho đến ngày hôm nay, danh khoản đó vẫn còn hoạt động.

Cùng một cách, lấy gì để ngăn chặn những kẻ xấu khác, thậm chí cả mật vụ của chính phủ, tạo danh khoản gắn cờ giả và xác minh chúng, sau đó sử dụng chúng cho mục đích xấu? Chuẩn bị chứng kiến những danh khoản giả mạo đã được xác minh có nội dung bóng gió về tuyên truyền của Nga, Trung Hoa hoặc Ả Rập Saudi; bán băng sex bịa đặt của người nổi tiếng, thuốc lang băm, dầu rắn và các kế hoạch đầu tư lừa đảo.

Mọi người rất dễ bị lừa vì những lời ngon ngọt hợp với thành kiến của họ. Đó cũng có thể là cách chính Musk bị lừa dối bằng câu chuyện vô lý quái đản về việc Paul Pelosi bị hành hung: Ông ấy muốn tin điều đó và bỏ qua tất cả những dấu hiệu cảnh cáo là nó không đáng tin cậy. Giờ đây, ông ấy đã rao bán cho bất kỳ ai có một vài đô la tính năng kiểm soát phẩm chất quan trọng nhất của mạng xã hội đó.

Trong những năm qua, tôi cảm thấy rằng tôi có thể nói trên Twitter những gì Christopher Hitchens (trích lời Winston Churchill) đã từng nói về rượu: “Tôi đã đã thu nhận nhiều hơn là nó đã lấy từ tôi.” Tuy nhiên, mối quan hệ của tôi với Twitter vẫn là một mối quan hệ phức tạp và nó sắp trở nên phức tạp hơn. Theo quan điểm của Twitter, tất cả chúng ta, những người viết ý kiến trên tmạng xã hội đó đều là nhân viên không lương — những người viết ý kiến có những tương tác tạo ra doanh thu giúp mạng xã hội trở thành một doanh nghiệp. Chúng ta không chỉ là “người dùng” vì chúng ta còn là người tham gia và đồng sáng tạo. Điều đó khiến chúng ta, ở một mặt nào đó, trở thành những người có trách nhiệm đối với bất cứ điều gì Twitter trở thành. Vì vậy, nếu Musk điều chỉnh Twitter theo cách phục vụ lợi ích của các thế lực chống dân chủ, điều đó sẽ liên quan đến chúng ta, những người đăng bài trên mạng xã hội của ông ấy. Cuối cùng chúng ta có thể trở thành những người cộng tác trong việc lật đổ những lý tưởng cao nhất của chúng ta về chính quyền tự quản, phẩm giá cá nhân và sự thật.

Rất ít trong số những hậu quả xấu này đã xảy ra. Có thể không có điều gì tồi tệ hơn sẽ xảy ra. Có thể tuần lễ khởi đầu này sẽ giúp Musk thoát khỏi những xung động tồi tệ nhất của ông ta — ông dường như đã cảm thấy bị trừng phạt đủ trước câu trả lời của ông với Clinton để xóa nó đi. Ông ấy đã xây dựng những công ty vĩ đại trong quá khứ; có thể anh ấy sẽ xây dựng Twitter thành một công ty lớn hơn.

Kết luận của tôi, sau ba ngày ngẫm nghĩ, Twitter, nếu thận trọng hơn trước. Nhưng sẽ không phải lúc nào cũng quá sớm để quyết định. Tôi đang có kế hoạch về cách tôi sẽ thay nó, nếu cần những đặc điểm của Twitter mà tôi bỏ lỡ: luồng thông tin nhanh chóng, chuyên môn sâu, thí nghiệm với các ý tưởng chưa chín chắn đủ để gửi cho người biên tập. Sẽ không có một giải pháp thay thế duy nhất cho Twitter, mà là  nhiều giải pháp cho những nhu cầu khác nhau.

Tôi vẫn chưa sẵn sàng để cắt dây chuông. Tôi vẫn hy vọng điều tốt nhất — nhưng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Bạn đọc có thể cân nhắc làm chuyện tương tự.

Tác giả | David Frum là một nhà báo, nhân viên của The Atlantic.

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Why I Logged Off Twitter | David Frum · The Atlantic · Nov 03, 2022