Pierre Poilievre không thể trốn tránh mãi
Chantal Hébert | DCVOnline
Khi cuộc vận động bầu cử liên bang tiếp theo diễn ra, Poilievre là người sẽ phải giải thích cho những thủ tướng bảo thủ ở tỉnh bang của Canada.
MONTREAL — Hiện tại, những thủ tướng tỉnh bang là vấn đề của Thủ tướng Justin Trudeau của Canada. Và những đổ vỡ trong các cuộc đàm phán về tài chính cho hệ thống y tế đã chứng minh trong tuần này là không có sự hợp tác liên bang-tỉnh bang trong giai đoạn hiện tại.
Nhưng khi cuộc vận động bầu cử liên bang tiếp theo diễn ra, chính Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Pierre Poilievre sẽ phải trả lời cho những người bạn đồng hành ở nhiều tỉnh bang của ông.
Dưới đây là một cái nhìn về những vấn đề không dễ cho Pierre Poilievre:
- Người lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ phải nói với những cử tri nói tiếng Pháp ở Quebec và những nơi khác trong nước liệu ông có đồng ý với sự không ủng hộ của Thủ tướng New Brunswick (NB) Blaine Higgs về chính sách song ngữ chính thức hay không.
Mới mùa thu năm nay, Higgs đã mất bộ trưởng giáo dục vì ông muốn bỏ các lớp học hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Gần đây hơn, ông đã bổ nhiệm Kris Austin, một dân biểu tỉnh bang từng ủng hộ việc xóa bỏ chính sách song ngữ chính thức của NB, vào nội các và một ủy ban có nhiệm vụ duyệt xét chính sách ngôn ngữ của chính phủ.
Gần bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi Brian Mulroney, ở vai trò lãnh đạo của phe đối lập vào đầu những năm 1980, đã đối đầu với chính phủ Bảo thủ của tỉnh bang Manitoba (MB) vì quyền ngôn ngữ của người thiểu số, nhưng vấn đề đối với cử tri nói tiếng Pháp ngày nay cũng không kém phần nhạy cảm so với hồi đó.
Lập trường của Poilievre về quyền ngôn ngữ của dân Acadian thiểu số nói tiếng Pháp ở NB và về sự bảo vệ hiến định của họ có thể trở thành một cuộc thí nghiêm trọng về cam kết của ông đối với tính song ngữ của Canada.·
- Về Quebec và quyền của người thiểu số: Hai người tiền nhiệm của Poilievre đã hết lòng tán tỉnh Thủ tướng tỉnh bang Quebec (QC) François Legault với hy vọng (vô ích) là sẽ củng cố được vị thế của họ ở QC.
Lãnh đạo đảng Bảo thủ mới nhất đã bỏ cách tiếp cận của đảng là không động đến những thách thức đang diễn ra ở tòa án đối với luật về chủ nghĩa thế tục đang gây tranh cãi của Quebec. Chính phủ Bảo thủ Canada (CPC) sẽ tham gia vào một cuộc kháng cáo lên Tối cao Pháp viện.
Nhưng quan điểm của Poilievre sẽ như thế nào đối với yêu cầu của Quebec đòi nhiều quyền về di dân hơn và lập trường đó sẽ phù hợp thế nào với nhu cầu của CPC nhằm lấy được phiếu của cử tri ở những vùng ngoại ô đa nguyên của Toronto và ở Vancouver như thế nào?·
- Trong suốt cuộc vận động tranh ghế lãnh đạo CPC và trong hai tháng kể từ khi đắc cử vai trò lãnh đạo, Poilievre đã tự coi mình là người đấu tranh cho giai cấp công nhân, đẩy mạnh luận điệu cho rằng Đảng Tự do chỉ lo cho giai cấp thượng lưu những người được gọi là giới tinh hoa.
Nhưng cách tuyên truyền đó sẽ ảnh hưởng đến những thành viên nghiệp đoàn ra sao khi thủ tướng Bảo thủ của tỉnh bang lớn nhất Canada đã dùng Hiến pháp để loại bỏ lợi thế của công nhân tại bàn đàm phán?
Trong trường hợp có xung đột lao động ở cấp liên bang, liệu chính phủ CPC có nghĩ đến chuyện bất chấp Hiến chương Tự do và Dân quyền để áp đặt ý chí của chính phủ lên một nhóm công nhân viên hay không?
Và nếu không ở mặt trận đối đầu với công nhân, thì liệu có chính sách nào mà Poilievre sẽ theo đuổi ngay cả khi nó có nghĩa là bất chấp Hiến chương Tự do và Dân quyền hay không?
Chẳng hạn như gần đây, ông ấy lại chống lại việc có những địa điểm tiêm an toàn (cho những người dân nghiện ma túy). Một chụ năm trước, Tối cao háp viện đã ra án lệnh rằng việc liên bang từ chối miễn tố những địa điểm như vậy khỏi việc áp dụng luật hình sự về ma túy sẽ vi phạm Hiến chương Tự do và Dân quyền. Liệu một chính phủ CPC có đi theo bước chân của chính phủ Quebec và Ontario hiện tại và sử dụng điều khoản bất chấp để áp đặt quan điểm của mình hay không?
- Trong suốt đại dịch, hầu hết người dân Canada đã ủng hộ những biện pháp hạn chế do chính phủ liên bang và tỉnh bang đưa ra đểgiới hạn sự lây lan của COVID-19. Thủ tướng hiện tại của Alberta, Danielle Smith, có một quan điểm khác. Bà ấy đang chạy theo những thuyết chống chích ngừa và / hoặc thuyết âm mưu.
Tuần này, đảng Bảo thủ của Poilievre đã bổ nhiệm một giám đốc truyền thông, người chia sẻ thế giới quan của Smith. Đây có phải là loại triết lý mà chính phủ liên bang CPC sẽ chấp nhận và / hoặc tích hợp vào cách ứng xử của đối với các hồ sơ chính sách về kinh tế và xã hội hay không?·
- Tổng quát hơn, chính phủ CPC sẽ giải quyết thế nào trước sự tranh chấp của những đồng minh Alberta và Saskatchewan cho rằng họ có thể bỏ qua các luật liên bang mà họ không thích?
Và tương tự, liệu một chính phủ Poilievre có đàm phán những thỏa thuận với các tỉnh bang, chẳng hạn như Alberta, sẽ theo Quebec trong việc thực hiện một quỹ hưu bổng công tách biệt với Quỹ Hưu trí Canada? Nếu vậy, việc bảo vệ quyền tự do đi lại của người dân Canada sẽ diễn ra như thế nào?
Cho đến nay, Poilievre hầu như vẫn im lặng trước những thái độ gây tranh cãi của một loạt những thủ tướng thân thiện với phe bảo thủ. Một phần không nhỏ, ông ta đã làm như vậy bằng cách tránh giao tiếp với báo giới có trách nhiệm đưa tin mỗi ngày về Quốc hội.
Ở Vancouver tuần này, Poilievre đã mô tả nhóm nhà báo ở quốc hội (mà tôi không phải là thành viên) như một tổ chức có mục đích đưa ra các điều khoản cho cuộc đối thoại chính trị.
Nhưng đó không chỉ là một sự trốn tránh để cho phép lãnh đạo đảng CPC tránh xa những cuộc thảo luận chính sách có thể cho thấy ông đang đối đầu với một số chính khách bảo thủ ở tỉnh bang hoặc với các cử tri dòng chính.
Có thể đến một lúc, quyết tâm tránh né của Poilievre thay vì lên tiếng trước những hành động của đồng minh ở những tỉnh bang sẽ bị coi là trốn trách nhiệm lãnh đạo quốc gia của khối Bảo thủ.
Tác giả | Chantal Hébert là một nhà báo tự do tại Montreal viết chuyên mục về chính trị cho nhật báo The Star. Liên lạc qua email: [email protected] hoặc trên Twitter: @ChantalHbert
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Pierre Poilievre can’t look the other way forever|Chantal Hébert | The Star | Nov. 13, 2022.