Một Tập Cận Bình bạo hơn trở lại vũ đài thế giới tại hội nghị thượng đỉnh G20
Tom Mitchell, Sun Yu và James Kynge | DCVOnline
Chủ tịch Trung Hoa đối đầu với sự phản đối của Mỹ vì ngầm ủng hộ Nga xâm lăng Ukraine
Tập Cận Bình trở lại vũ đài quốc tế trong tuần này khi xuất hiện lần đầu tiên tại một hội nghị toàn cầu quan trọng sau gần ba năm, nơi độ tin cậy của những tuyên bố Bắc Kinh trung lập về cuộc chiến Ukraine sẽ bị thử thách.
Ngoài chuyến viếng thăm ngắn tới Trung Á vào tháng 9 để tham dự hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực — nơi Tập chỉ giao lưu với bạn bè và đồng minh kể cả người đồng cấp Nga Vladimir Putin — chủ tịch Trung Hoa đã không mạo hiểm ra nước ngoài kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đây cũng là hoạt động ngoại giao đầu tiên của ông kể từ khi nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba vào tháng trước, ông Tập sẽ gặp tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để đối thoại trực tiếp lần đầu tiên với tư cách là hai người lãnh đạo, trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 một ngày sau đó tại Bali, Indonesia.
Quyết định không tham dự G20 vào phút cuối của Putin sẽ giúp chuyến công du của Tập trở nên dễ dàng hơn bằng cách giảm bớt phần lớn kịch tính đã dự đoán sẽ xảy ra tại “hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên của chiến tranh lạnh lần thứ hai.”
Nhưng việc Nga xâm lăng Ukraine — và việc chính quyền củaTập ngầm ủng hộ Điện Kremlin bất chấp lời tuyên bố trung lập về cuộc xung đột — dù sao cũng sẽ chi phối chương trình nghị sự, đặt chủ tịch Trung Hoa vào một vị trí không thoải mái.
Tập và Putin chính thức ca ngợi mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa hai quốc gia khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh vào tháng 2, chỉ 20 ngày trước khi tổng thống Nga ra lệnh đưa quân xâm lăng Ukraine.
Nhưng theo bốn người được thông báo trong cuộc họp tháng Hai, Tập đã mất cảnh giác trước một cuộc xâm lăng mà Putin không cho biết trước — do đó gây nguy hiểm cho sự an toàn của hàng nghìn công dân Trung Hoa khi đó đang sống ở Ukraine. Một viên chức chính phủ Trung Hoa nói với Financial Times.
“Putin đã không nói với Xi sự thật. Nếu ông ấy nói với chúng tôi, chúng tôi đã không rơi vào tình thế khó xử thế này. Chúng tôi có hơn 6.000 công dân Trung Hoa sống ở Ukraine và một số người ở đó đã chết trong lúc di tản [mặc dù] chúng tôi không thể công khai nói điều đó.”
Trong một bài phát biểu vào tháng trước, Putin nói rằng ông đã không nói với “người bạn thân” Tập của mình về cuộc xâm lăng sắp xảy ra vào tháng Hai. Tổng thống Nga nói thêm rằng mối quan hệ giữa hai nước là sức mạnh của “chưa từng có”.
Tập Cận Bình đã đầu tư quá nhiều vốn liếng chính trị vào mối quan hệ Hoa-Nga để có thể thẳng thắn bày tỏ bất kỳ mối lo ngại nào về cuộc chiến.
Ban lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Hoa, hiện gồm toàn những người trung thành với Tập, đánh giá cao mối quan hệ chiến lược chặt chẽ với Nga trước những gì họ cho là nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này bằng các biện pháp trừng phạt thương mại và kỹ thuật.
Họ cũng đổ lỗi cho Washington vì đã làm thất vọng tham vọng thống nhất Trung Hoa và Đài Loan của Tập Cận Bình, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ có chủ quyền của họ.
Ni Shixiong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết chính phủ Trung Hoa đã làm hết sức có thể để thể hiện sự không hài lòng với những lời đe dọa của Putin liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạch tâm có thể xảy ra ở Ukraine. Ni nói,
“Trung Hoa và Nga tin tưởng lẫn nhau về mặt chiến lược. Trung Hoa đã nhượng bộ bằng cách công khai phản đối việc sử dụng vũ khí hạch tâm. Ở một mức độ nào đó, chúng ta phải đáp ứng yêu cầu của [Mỹ và các đồng minh]. Đã đến lúc xem liệu Mỹ có nhận ra điều đó và hành động thích hợp hay không.”
Ni Shixiong
Bắc Kinh đã yêu cầu Washingtonrút lại những biện pháp trừng phạt thương mại và kỹ thuật, và những tiếp xúc song phương về một loạt vấn đề đã bị đình trệ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8.
Nhưng tổng thống Mỹ đã hạn chế hơn nữa khả năng của các công ty Trung Hoa để mua chất bán dẫn, một lĩnh vực quan trọng trong tham vọng tự cung tự cấp trong nghững ký thuật thế hệ tiếp theo của Tập Cận Bình.
Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Hoa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, người gần đây đã đến thăm Bắc Kinh để thảo luận không chính thức với giới hoạch định chính sách Trung Hoa, cho biết:
“Trách nhiệm thuộc về phía Trung Hoa là thuyết phục Mỹ rằng lập trường của họ đã thay đổi đáng kể từ nghiêng về phía Nga sang lập trường trung lập hơn. Washington nhận thấy những gì Trung Hoa đã làm là quá ít và quá muộn.”
Scott Kennedy
Kể từ khi cuộc xâm lăng Ukraine bắt đầu, Tập đã gọi điện hoặc gặp Putin ít nhất ba lần — nhưng không nói chuyện với Volodymyr Zelenskyy, tổng thống Ukraine.
Zhu Feng, giáo sư tại Đại học Nam Kinh, cho biết Bắc Kinh sẽ tìm những nhượng bộ đối ứng về thương mại và kỹ thuật với Washington trước khi điều chỉnh quan điểm của Hoa lục đối với Ukraine. Scott Kennedy,
“Trung Hoa không thể làm gì nhiều đối với Ukraine. Trung Hoa đã không công nhận việc Nga sáp nhập [2014] Crimea, chưa kể đến miền đông Ukraine.
Đó là mức tối đa mà Trung Hoa có thể làm. Tại sao Trung Hoa phải giúp phương Tây khi Mỹ coi Trung Hoa là mối đe dọa lớn nhất?”
Scott Kennedy
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Emboldened Xi Jinping steps back on to world stage with G20 summit |Tom Mitchell in Singapore, Sun Yu in New York and James Kynge in London · Finacial Times · Posted: Nov 13, 2022