Bùng nổ xã hội Trung Hoa vì nỗi đau dồn nén

Rebecca E. Karl | DCVOnline

Sự tức giận ở Trung Hoa không bắt nguồn ở các giai cấp tư bản đô thị mà vì sự tích lũy của cải,  quyền lực chính trị, và bóc lột sức lao động của chế độ.

Một người biểu tình ở Hong Kong giơ một tấm biển và một tờ giấy trắng để bày tỏ tình đoàn kết với những người phản đối chính sách ‘không Covid’ ở Hoa lục. Sau khi hô vang “không muốn chế độ độc tài, không muốn chế độ quân chủ”, người Hong Kong dó đã bị tấn công và đánh gục xuống đất. (Ben Marans / Hình ảnh SOPA / Sipa qua Hình ảnh AP)

Không thể nói rõ ràng hơn về những cuộc biểu tình ở Trung Hoa. Thông tin tùy thuộc vào vòng  bạn bè và nguồn dữ liệu mạng xã hội của mỗi người; diễn giải thông tin. Dữ liệu dựa trên suy nghĩ mong muốn hoặc dự đoán trừu tượng. Hai tuần trước, sau Đại hội Đảng lần thứ 20, mọi người đã bình luận về việc tập trung quyền lực chính trị vào tay Tập Cận Bình, ghi công ông ta đã toàn quyền kiểm soát việc tạo ra sự đồng ý, và nhiều thứ khác. Cảnh cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị lôi ra khỏi phiên họp cuối ở đại hội đảng CSTH đã khẳng định với nhiều người rằng Tập Cận Bình đầy quyền lực đến nguy hiểm. Đến nay, đây là những gì chúng ta biết: Có một số vụ bùng nổ xã hội đồng loạt nhưng chưa được phối hợp của sự thất vọng, giận dữ, thống khổ và nỗi đau bị dồn nén. Đây là những điều tự phát nhưng không ngẫu nhiên; chúng xảy ra trên toàn quốc và không chỉ giới hạn ở một thành phố hay một nhóm người. Một số người biểu tình bay tỏ quan điểm chính trị — “Tập Cận Bình, hãy từ chức,” “Đảng Cộng sản, hãy từ chức” ở trung tâm thành phố Thượng Hải; “quyền tự do ngôn luận” tại các trường đại học — trong khi tất cả những cuộc biểu tình đều cho thấy sự kiệt quệ về mặt cảm xúc và xã hội với chính sách “không covid linh động” đang quét qua cuộc sống của mọi người.

Chính sách ‘zero Covid’ quy định rằng ngay cả đợt bùng phát virus nhỏ nhất cũng phải được ngăn chặn ngay lập tức, trước khi nó xâm nhập vào cộng đồng nói chung. Dynamic zero-Covid nhằm mục đích cho phép những người không bị nhiễm bệnh — vì đã được xác địng bằng chính sách xét nghiệm và ghi kết quả trong những ứng dụng sức khỏe được đánh dấu bằng màu — hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, khi chính sách này bước sang năm thứ ba, mọi người đã chán ngấy với việc xét nghiệm liên tục, kiểm soát ứng dụng trên điện thoại, được thông báo về trường hợp nghi ngờ dương tính và phong tỏa lúc có lúc không.

Chúng ta nên nhớ rằng đợt giận dữ tập thể này bắt đầu từ tình trạng xáo động của công nhân tại một nhà máy của Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nơi điều kiện làm việc rất tồi tệ trong thời gian bình thường và với hệ thống “vòng khép kín” áp dụng gần đây, khiến công nhân không thể chịu đựng được. (“Vòng khép kín” đề cập đến quỹ đạo nhà máy-ký túc xá làm giảm hoạt động không cân thiết có thể gây lây nhiễm, điều đó có nghĩa là công nhân thường không thể rời khỏi khu vực sản xuất mà không được phép, hoàn toàn không thể rời khỏi khuôn viên nhà máy hoặc giao tiếp với những người không làm việc trực tiếp với họ hoặc là người sinh hoạt trong đời sông hàng ngày.) Giáo sư Eli Friedman của Đại học Cornell, trong các cuộc phỏng vấn của ông với Jacobin và về Democracy Now! cho biết việc những video cho thấy công nhân chạy thoát khỏi nhà máy bằng cách trèo hàng rào và tường bao quanh cho thấy rằng đã có một tình trạng giống như nhà tù tại xưởng máy khổng lồ sản xuất iPhone. Foxconn, một tập đoàn khổng lồ của Đài Loan và chính phủ Trung Hoa đều đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất (khoảng thời gian ngay trước Giáng sinh là mùa cao điểm xản suất iPhone); đại diện của công ty đã đi khắp nước và đưa ra những khoản hối lộ ngày càng tăng cho công nhân để giữ cho dây chuyền lắp ráp hoạt động và dự trữ nguồn cung cho toàn cầu. Tuy nhiên, với điều kiện làm việc tại nhà máy, ngay cả những khoản hối lộ đó cũng đã trở nên như ăn xin ở một quốc gia có nền kinh tế hiện đang suy sụp dưới sức nặng vì những hạn chế sinh hoạt bằng chính sách ‘zero Covid’.

Tôi để những người khác nói rõ ràng hơn về thời biểu sự kiện: Những cuộc biểu tình bùng nổ ở đau theo thứ tự nào? (Bình luận gần đây trên trang ChinaFile đã cho biết một ít về vấn đề này.) Tôi muốn đưa ra một quan điểm khác. Đối với, như với tất cả ghi chép về niên đại, lúc người ta bắt đầu là điểm quan trọng. Tôi chọn điểm khởi đầu với những công nhân tại Foxconn, để nhấn mạnh điều mà những người bình luận dòng chính của chúng ta hiện nay rất có thể sẽ bỏ qua: là sự tức giận không thể được coi là một hiện tượng thuần túy ở thành thị hay chỉ trong tầng lớp có học mà bắt nguồn từ sự tàn bạo tích lũy của cải, quyền lực chính trị, và bóc lột sức lao động toàn cầu trong nước đã lan rộng trong vài chục năm qua.

Như Giáo sư Bill Hurst của Đại học Cambridge đã phân tích đại lược qua Twitter của ông, tình trạng bất ổn đã có ở nhiều tầng lớp kể từ năm 1989: ở những ngôi làng nơi những người nông dân bị tham lạm chiếm đoạt đất đai; trong các nhà máy, hầm mỏ và trên những mạng kỹ thuật số nơi chế độ lao động bóc lột một cách tàn nhẫn; giữa những người dân đô thị nghèo hơn và những người di cư bị lừa vì những mối quan tâm về xây dựng, bất động sản và ngân hàng được hỗ trợ hoặc bắt nguồn từ chính quyền thành phố; giữa những người vận động cho nữ quyền và những người từ chối tuân theo các phương thức tổ chức xã hội gia trưởng. Những cơn bất ổn tập thể nhưng cục bộ này mang tính địa phương, nhưng hầu hết đã bỏ qua những giai cấp tư bản và tiểu tư sản thành thị, những người đã được hưởng lợi từ những hệ thống áp bức hình thành cuộc sống thoải mái của họ. Trong gần ba năm xảy ra đại dịch, sự gia tăng gián đoạn đời sống của những người đó hiện đã được đến mức không thể chịu đựng được nữa.

Không phải là giai cấp giàu có ở thành thị đã im lặng trong nhiều chục năm kể từ biến động đô thị cuối cùng vào năm 1989: Thiên An Môn. Đúng hơn, phương thức bày tỏ sự bất bình của giai cấp giàu có ở thành thị khác với tình trạng bất ổn của giới lao động và nông dân trong những chục năm gần đây. Vì những thành phố hạng nhất và cư dân hợp pháp của họ đã thấy vận may của chính họ tăng vọt về giá trị tuyệt đối và so với những người nghèo của đất nước, khả năng có thể cạnh tranh để có được dịch vụ và hàng hóa như ý muốn đã gây ra nhiều lời phàn nàn và nhiều cuộc phản đối tạm thời mang tính cá nhân, sự thích ứng đặc biệt sáng tạo về mặt ngôn ngữ và cách diễn đạt tràn lan trên Internet để tránh bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy hiện nay là một phần mở rộng và khác với những hình thức này. Biểu tượng được mọi người dùng là tờ giấy trắng A4, để trống hoặc có viết một vài chữ kỷ niệm, đã lan truyền qua những cuộc biểu tình, mang lại cho họ cảm giác đoàn kết mà họ gần như chắc chắn thiếu trong thực tế. Hiện có những nỗ lực để đặt tên cho các cuộc biểu tình là “Phong trào Sách trắng” (白纸运动) hoặc “Cách mạng A4” (A4 革命). Không rõ liệu những nỗ lực xác định và đặt tên đó đến từ bên trong Trung Hoa hay từ cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài.

Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là những người thành thị can đảm, thuộc mọi tầng lớp xã hội, bước ra khỏi nhà của họ để phản đối điều kiện của đời sống của họ bị giám sát, kiểm tra quá mức và bị phong tỏa. Có lẽ họ đã không liên kết những khó khăn của họ với cuộc sống của những đồng bào nghèo hơn bị bóc lột nhiều hơn ở Trịnh Châu và ở những làng mạc thôn quê; trên thực tế, đó là một sự đánh cược công bằng mà nhiều người không có. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chất xúc tác ngay lập tức cho vòng xả giận công khai này dường như là cái chết của 10 người Uyghur (hoặc có thể nhiều hơn) trong một địa ngục ở Urumqi — những cái chết được cho là do các quy định của ‘zero Covid’ đã ngăn cản lính cứu hỏa đến cứu nhà đang cháy; Người Uyghur và Tân Cương đã được che giấu cẩn thận không xuất hiện trong các cuộc thảo luận công khai ở Trung Hoa vì khu vục này đã trở thành một phức thể AI/kỹ nghệ-nhà tù. Sau thảm kịch Urumqi hiện đã có thêm một vụ tai nạn xe buýt trước đó gần Quý Dương khiến 27 người di tản khỏi vùng Covid thiệt mạng và 20 người khác bị thương, và một đứa trẻ Lan Châu đã chết do hít phải khí đốt trong ngôi nhà đang bị phong tỏa, cùng nhiều thảm kịch cá nhân và công cộng khác và hành trình gian khổ của thảm kịch thời đại dịch này. Thiệt hại con người vẫn tăng. Và những cách phản đối vì bị phong tỏa hiện đang làm cho mọi người biết đến.

Nhưng tại sao lại bây giờ?

Chúng ta không thể biết chắc. Nhưng một phần, có lẽ, là do dân thành thị được giới truyền thông quốc tế nhìn thấy. Họ có khả năng tránh bị kiểm duyệt và đăng tải thông tin lên các trang mạngg xã hội toàn cầu, khiến khán giả toàn cầu và cộng đồng những người trẻ tuổi giận dữ ở nước ngoài có thể thấy họ, những người đó lại có thể khuếch đại và nói lên sự tuyệt vọng chính trị của chính họ để cộng hưởng với bạn bè và gia đình của họ ở quê nhà. Một lần nữa, chúng ta nên nhớ lại rằng sau Đại hội Đảng lần thứ 20, những chiến dịch dán bích chương trên khắp các trường đại học Hoa Kỳ (và những nơi khác) đã bùng nổ, lên án nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình và việc ông ta thanh trừng những người không ủng hộ; những chiến dịch này đã bị những “bé hồng”, những người đóng vai trò là người phát ngôn tại các trường ở nước ngoài cho Đảng Cộng sản Trung Hoa, tranh chấp gay gắt và mở những cuộc đối đầu ở khuôn viên đại học về những cách quản trị và hệ thống chính trị cạnh tranh. Những phần tử hải ngoại và tầng lớp trí thức thành thị giàu có ở Trung Hoa nói thông thạo ngôn ngữ “dân chủ” Âu-Mỹ. Họ có thể làm cho họ được cả thế giới bên ngoài nhìn thấy và nghe thấy.

Liệu nhà nước THCS có tiến hành đàn áp và sau đó mua chuộc những cư dân thành thị này, để họ trở lại cuộc sống “bình thường” trước Covid, để xoa dịu tình trạng bất ổn trong khi tiếp tục tiến hành tập trung quyền lực, của cải và năng lực giám sát nhanh chóng? Đó là những gì đã xảy ra sau cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 đối với các phong trào xã hội đô thị. Hiện nay, đại học đang bỏ trống khuôn viên. Sau nhiều tháng giam cầm học sinh trong những bức tường của trường học để ngăn chặn sự lây nhiễm, giới lãnh đạo hiện đang cho học sinh “lựa chọn” trở về nhà sớm và kết thúc học kỳ trên mạng. Với bóng ma của năm 1989 hiện ra lờ mờ, phá vỡ mật độ cao của sinh viên là một mục tiêu rõ ràng. Trong khi đó, các cuộc truy quét giám sát đang tóm gọn mọi người và đưa họ vào nhữngnhà tù và trung tâm giam giữ. Liệu nỗi sợ hãi có dập tắt được nhữngc cuộc biểu tình công khai và đẩy họ trở lại lĩnh vực riêng tư hay không? Hay những hành động này sẽ biến thành một thứ gì đó mà chúng ta vẫn chưa có tên? Chúng ta sẽ thấy.

Tác giả | Rebecca E. Karl dạy lịch sử tại Đại học New York. Tác phẩm gần đây của bà có cuốn Những cuộc cách mạng của Trung Hoa trong thế giới hiện đại: Lược sử (Verso 2020) | China’s Revolutions in the Modern World: A Brief History (Verso 2020).

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: The Social Explosion of China’s Pent-up Pain | Rebecca E. Karl | The Nation | Dec 1 , 2022