Những điểm nổi bật của Phúc trình ngày 6 tháng 1
Ryan Goodman và Justin Hendrix | Trà Mi
Sau đây là những điểm nổi bật trong phúc trình cuối cùng của Ủy ban Đặc biệt điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1. Cuộc thảo luận của chúng tôi không giới hạn ở những gì bản phúc trình công bố và cách giải quyết những vấn đề gồm:
- Hành động vi phạm luật hình sự trong cố gắng lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
- Phân biệt chủng tộc là động lực thúc đẩy nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bỏ phiếu phổ thông ở nhiều vùng khác nhau ở Hoa Kỳ và châm dầu cho một số nhóm và cá nhân tổ chức tấn công Điện Capitol.
- Thất bại rõ ràng về hai mặt tình báo cùng thi hành pháp luật và quan điểm của Ủy ban về vấn đề này.
- Chiến dịch gây áp lực buộc nhà chức trách bầu cử tiểu bang đi chệch ra khỏi trách nhiệm pháp lý của họ, và
- Vai trò của mạng xã hội trong việc tuyên truyền sai lệch về cuộc bầu cử và giữ vai trò như một cơ chế lập kế hoạch hành động bạo lực.
Với rất nhiều nguy hiểm cho nền dân chủ Hoa Kỳ, phúc trình ngày 6 tháng 1 mang đến cho công chúng cơ hội để suy ngẫm về những mối đe dọa dai dẳng về mặt pháp trị, bầu cử, công bằng chủng tộc và tự do không bị áp lực của bạo lực chính trị.
1. Những người theo Chủ nghĩa Da trắng Thượng đẳng, Chủ nghĩa Dân tộc của người Da trắng, cộng với những người Cực đoan Chống Chính phủ
Phúc trình ngày 6 tháng 1 đã nêu rõ một trong những động lực thúc đẩy nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử: kỳ thị chủng tộc. Việc đó bao gồm nhưng không giới hạn ở chủ nghĩa dân tộc của người da trắng, một dự án chính trị, sự biểu thị đặc biệt nham hiểm và nguy hiểm của ý thức hệ theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng.
Khía cạnh phân biệt chủng tộc là một chủ đề đã được Chủ tịch Ủy ban Bennie Thompson (D-Miss.) trình bày rõ ràng nhất trong bài phát biểu của ông khi khai mạc và bế mạc những phiên điều trần công khai của Ủy ban.Trong phiên điều trần đầu tiên, dân biểu Thompson cho biết ,
“Tôi là dân ở một vùng của đất nước nơi mọi người biện minh cho những hành động của chế độ nô lệ, Klu Klux Klan và treo cổ. Tôi lại được nhắc về lịch sử đen tối đó khi hôm nay tôi nghe thấy những giọng lưỡi cố gắng biện minh cho hành động của những người bạo loạn nổi dậy vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.”
DB Bennie Thompson (D-Miss.)
Phân biệt chủng tộc đã giúp thúc đẩy những nỗ lực sau bầu cử nhằm tước quyền của cử tri ở các khu vực đô thị lớn ở Georgia, Michigan, Pennsylvania và các nơi khác; đã giúp kích động chiến dịch thông tin sai lệch có phối hợp chống lại những nhân viên thăm dò ý kiến về bầu cử của người da đen là Ruby Freeman và Shaye Moss; và giúp thúc đẩy những nhóm dân quân, Tân Quốc xã (Neonazis) và các nhóm khủng bố trong nước có cùng chí hướng giúp lập kế hoạch và tham gia vào cuộc tấn công vào Điện Capitol.
Bản phúc trình nêu rõ, ví dụ, Giuliani “đã quy chụp bằng một đoạn video quay cảnh Freeman đưa cho Moss một viên kẹo gừng, tuyên bố rằng hai người phụ nữ, đều là người Da đen, đang chuyển lậu ổ USB ‘như thể chúng là những lọ bạch phiến hoặc cocain’… Những tuyên bố của Giuliani về Freeman và Moss không chỉ là liều lĩnh, phân biệt chủng tộc và giả dối, mà chúng còn gây ra những hậu quả trong thế giới thực khiến cuộc sống của cả hai người phụ nữ bị đảo lộn. Và ảnh hưởng đến cá nhân mạnh hơn nữa đến với những cuộc tấn công vô căn cứ này, Tổng thống Trump đã ủng hộ và thậm chí lặp lại chúng, sẽ được mô tả sau.” (trang 280).
Sau khi cung cấp danh sách chi tiết những viên chức chính phủ tiểu bang và địa phương ở một số tiểu bang ttranh cử khít khao phải hứng chịu làn sóng phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và các mối đe dọa bài Do Thái do Trump và Giuliani công khai coi thường họ.
Bản phúc trình sau đó viết,
“Hai mẹ con Ruby Freeman và Shaye Moss đã bị bao vây bằng sự quấy rối và đe dọa liên tục, đáng sợ thường gợi lên bạo lực chủng tộc và treo cổ, do Tổng thống Hoa Kỳ xúi giục và kích động,”
(trang 305)
Phúc trình 6/1 cũng có phần thảo luận về vai trò của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng cực đoan, chẳng hạn như “kẻ khiêu khích trực tuyến” Nick Fuentes và mạng Groypers của anh ta, một mạng lưới lỏng lẻo được tạo thành từ những nhân vật có quan điểm phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Nó cung cấp một cái nhìn sâu sắc về vai trò quan trọng của Proud Boys, “những người theo chủ nghĩa sô vanh phương Tây” được biết đến là những ngườiccoor động “cách giải thích mang tính loại trừ, siêu nam tính về văn hóa phương Tây,” trong việc tổ chức và thực hiện hành động xâm phạm Điện Capitol. Bản phúc trình lưu ý rằng Ethan Nordean, một thủ lĩnh của Proud Boys có liên quan đến vụ tấn công tại Điện Capitol, đã viện dẫn “Ngày của dây thừng” khi thảo luận về ý định bác bỏ kết quả của cuộc bầu cử năm 2020, “đề cập đến một ngày treo cổ hàng loạt ‘những kẻ phản bội chủng tộc’ trong cuốn tiểu thuyết theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng The Turner Diaries.”
Phúc trình 6/1 giải thích: “Những người theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng và những người ủng hộ Liên minh miền Nam nằm trong số những kẻ bạo loạn đầu tiên tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ.
Đồng thời với việc làm cho những tư tưởng phân biệt chủng tộc này được hiểu rộng rãi hơn, bản phúc trình xác định một cách hữu ích chủ nghĩa cực đoan chống chính phủ của cánh hữu — tập trung vào Những người giữ lời thề và Ba phần trăm — là một phong trào có liên quan giải thích những điều kiện dẫn đếnvụ bạo loạn tấn công ngày 6 tháng Giêng. Nó lưu ý rằng những phong trào có liên quan chặt chẽ với nhau đó đã tạo ra thứ có thể được coi là điềm báo trước cho cuộc tấn công vào Điện Capitol, vì “những kẻ cực đoan cánh hữu đã biểu tình tại hoặc bên trong các thủ phủ của Tiểu bang, hoặc tại các tòa nhà chính phủ khác, trong ít nhất 68 trường hợp” từ ngày 1 tháng 1 năm 2020 đến ngày 20 tháng 1 năm 2021.
Chúng ta luôn nghĩ rằng quyền tối cao của người da trắng nên được đặt vào tiền cảnh trong khi phân tích cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 và những nỗ lực tước quyền bầu cử của cử tri theo cách mà Trump và những người cộng sự của ông đã chọn làm. Giới hoạch định chính sách, học giả và công chúng nói chung có thể hưởng lợi đáng kể từ việc nghiên cứu bằng chứng và phân tích do Ủy ban Đặc biệt cung cấp.
2. Đại cử tri giả: Những nhân vật chính
Một trong những phần rất tích cực trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về những nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử liên quan đến kế hoạch lập Đại cử tri giả. Phúc trình ngày 6 tháng 1 cung cấp bằng chứng mới và thuyết phục nêu rõ vai trò trực tiếp của Trump, Meadows và Giuliani trong việc lập kế hoạch thay thế các cử tri hợp pháp vào Cử tri đoàn được xác định bằng kết quả của cuộc bỏ phiếu phổ thông với những cá nhân trung thành với Trump để chứng nhận sai sự thật của ông ấy đã thắng cử ở tiểu bang tương ứng.
Hơn nữa, bằng chứng chống lại Meadows – chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc của Trump – và Giuliani – luật sư riêng của Trump – cũng là bằng chứng chống lại Trump. Meadows và Giuliani dường như đã hành động theo sự chỉ đạo của Trump trong việc dàn dựng kế hoạch. Ngoài ra, phúc trình không gồm tất cả những tin nhắn của Meadows chứng thực thêm cho những phát giác đáng nguyền rủa này.
Những đoạn tin nhắn này nêu bật một số bằng chứng mới:
Vào đầu tháng 12, những cấp cao nhất của Ban vận động tranh cử của Trump đã lưu ý đến kế hoạch lập Đại cử tri giả của Kenneth Chesebro và bắt đầu thực hiện nó. Vào ngày 6 tháng 12, Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows đã chuyển một bản sao bản ghi nhớ ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chesebro tới Cố vấn cao cấp của Ban vận động tranh cử của Trump, Jason Miller, viết rằng: “Hãy thảo luận về vấn đề này vào ngày mai.” Miller trả lời rằng ông ấy vừa làm việc với các phóng viên về chủ đề này, Meadows đã viết: “Nếu ông đang làm việc đó thì đừng bận tâm đến cuộc họp. Chúng tôi chỉ cần có ai đó điều hợp những đại cử tri cho các Tiểu bang.” Miller giải thích rằng ông ấy chỉ đang “làm việc ở mặt PR” và họ vẫn nên gặp nhau, Meadows đã trả lời: “Đã hiểu rồi.” Cuối tuần đó, Miller gửi cho Meadows một bảng tính mà Ban vận động tranh cử của Trump đã tổng hợp. Nó liệt kê thông tin liên lạc của gần như tất cả 79 ứng cử viên GOP vào Cử tri đoàn trên lá phiếu tháng 11 cho Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin. Và vào ngày 8 tháng 12, Meadows đã nhận được một tin nhắn từ một cựu dân biểu của Tiểu bang ở Louisiana đề nghị rằng “các đại cử tri được đề nghị bỏ phiếu cho Trump của AR [sic] MI GA PA WI NV đều gặp nhau vào thứ Hai tới tại thủ phủ của Tiểu bang của họ, chính họ triệu tập, bầu chọn và bỏ phiếu cho Tổng thống. . . . Sau đó, họ xác nhận phiếu bầu của mình và chuyển chứng chỉ bầu cử đó tới Washington.” Meadows trả lời: “Chúng tôi làm như vậy.”
Cassidy Hutchinson, Phụ tá Đặc biệt của Tổng thống và một phụ tá của Chánh Văn phòng Mark Meadows, đã xác nhận sự tham gia đáng kể của Meadows vào kế hoạch. Hutchinson nói với Ủy ban Đặ biệt rằng Meadows đã theo dõi khít khao tiến trình của nỗ lực lạp cử tri đoàn giả và rằng cô ấy “nhớ ông ấy thường xuyên có các cuộc gọi, cuộc họp và gặp gỡ với nhiều cá nhân và đây chỉ là một chủ đề thảo luận nổi bật trong văn phòng của chúng tôi.” Khi được hỏi có bao nhiêu cuộc gọi hoặc cuộc họp của anh ấy đã diễn ra, cô ấy ước tính khoảng “một tá.”
Bằng chứng cho thấy vào ngày 7 hoặc 8 tháng 12, Tổng thống Trump đã quyết định theo đuổi kế hoạch Cử tri đoàn giả và đang lèo lái nó. Phó Cố vấn Ban vận động tranh cử của Trump, Joshua Findlay, được Matthew Morgan, Cố vấn chính Ban vận động tranh cử, giao nhiệm vụ vào khoảng ngày 7 hoặc 8 tháng 12 với việc tìm hiểu tính khả thi của việc tập hợp các nhóm đại cử tri ủng hộ Trump nhưng không được công nhận tại một số Tiểu bang mà Tổng thống Trump đã thua.33 Findlay nói với Ủy ban “Tôi hiểu rằng Tổng thống đã đưa ra quyết định này. . . .” Như Findlay kể lại, Morgan đã truyền đạt rằng thân chủ—Tổng thống Trump—đã chỉ đạo cho những luật sư của Ban vận độngtranh cử “xem xét những đại cử tri ở các Tiểu bang có thể kiện tụng này.” (trang 345-46) (thêm phần nhấn mạnh).
Tổng thống Trump đã đích thân gọi điện cho Chủ tịch RNC Ronna Romney McDaniel vài ngày trước ngày 14 tháng 12 để tranh thủ sự yểm trợ của Uy ban Toàn quốc Đảng Cộng hòa (RNC) trong kế hoạch này. Tổng thống Trump đã mở đầu cuộc gọi bằng cách giới thiệu McDaniel với John Eastman, người đã mô tả “tầm quan trọng của RNC trong việc giúp ban vận động tập hợp những đại cử tri dự phòng này trong trường hợp có bất kỳ thách thức pháp lý nào đang diễn ra làm thay đổi kết quả ở bất kỳ Tiểu bang nào.” Theo McDaniel, bà ấy đã gọi lại cho Tổng thống Trump ngay sau khi cuộc gọi kết thúc, cho ông ấy biết rằng bà ấy đã đồng ý với yêu cầu của ông và một số nhân viên RNC đã hỗ trợ. (tr. 346) (thêm phần nhấn mạnh).
Theo Findlay, mặc dù nhóm luật sư cố vấn cốt lõi của ban vận động đã rút lui khỏi kế hoạch lập Cử tri đoàn giả vào ngày 11 tháng 12, nhưng nó vẫn tiếp tục vì “Rudy chịu trách nhiệm về [vấn đề này]” và “đó là điều ông ấy muốn làm”. Khi Findlay được hỏi liệu quyết định để cho nỗ lực này tiến hành dưới sự chỉ đạo của Giuliani “có phải là từ khách hàng của ông, Tổng thống, hay không,” Findlay trả lời: “Vâng, tôi tin là như vậy. Ý tôi là, ông ấy [Trump] đã nói rõ rằng Rudy đang phụ trách việc này và rằng Rudy đang làm những gì ông ấy [Trump] muốn. (tr. 349) (thêm phần nhấn mạnh)
Với công việc của Ủy ban, danh sách cử tri đoàn giả cuối cùng trở thành kế hoạch trong đó Trump và Meadows có thể phảii đối mặt với nguy cơ pháp lý lớn nhất. Hai người này (và Giuliani) đã đặt dấu vân tay của họ lên khắp kế hoạch và Bộ Tư pháp có lẽ sẽ có thể tìm thêm thông tin để xác định xem có nên tiến hành với cáo trạng hay không.
3. Gây áp lực với giới chức chính quyền – Một kế hoạch quy mô và có tổ chức
Phúc trình ngày 6 tháng 1 cung cấp thông tin mới về quy mô của những nỗ lực của Trump và của những cộng sự viên thân cận nhất của ông nhằm gây áp lực buộc giới chức chính phủ vượt quá thẩm quyền hợp pháp của họ để đảo ngược kết quả bầu cử (Chương Hai). Bản Phúc trình nêu rõ,
“Ủy ban Đặc biệt ước tính rằng trong hai tháng giữa cuộc bầu cử tháng 11 và cuộc nổi dậy ngày 6 tháng 1, Tổng thống Trump hoặc nhóm thân cận của ông đã tham gia vào ít nhất 200 hành động rõ ràng là tiếp cận, gây áp lực hoặc lên án công khai hoặc riêng tư, nhắm vào dân biểu Tiểu bang và giới quản trị bầu cử địa phương hoặc tiểu bang, để lật ngược kết quả bầu cử của Tiểu bang.”
Nói cách khác, những nỗ lực của Trump và những người cộng sự của ông không chỉ được nhằm vào cuộc gọi điện thoại khét tiếng tới Tổng thư ký đảng Cộng hòa Brad Raffensperger của Georgia và trong các cuộc điện đàm với Chủ tịch Hạ viện Rusty Bowers của đảng Cộng hòa ở Arizona, mà còn theo một cách có hệ thống hơn với giới chức tiểu bang và địa phương. trên khắp những tiểu bang tranh cử gắt gao, những nơi Trump thua phiếu phổ thông.
Một mô hình bao quát về hành động như vậy có thể trở thành bằng chứng có giá trị trong việc thiết lập một âm mưu tội phạm nhằm lừa gạt Hoa Kỳ (theo 18 U.S.C. 371) trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp cũng như trong việc thiết lập những tội hình sự theo luật tiểu bang, chẳng hạn như ở Georgia, Quận Fulton (xem phúc trình của Brookings Fulton County, Georgia, ấn bản lần thứ nhì).
Khi theo đuổi các cuộc điều tra tội phạm, các cơ quan thi hành pháp luật và đặc biệt là Bộ Tư pháp có thể có nhiều khả năng hơn để có được người làm chứng. Trường hợp của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Michigan Mike Shirkey cho một ví dụ về một người có câu chuyện rõ ràng để kể nhưng lại miễn cưỡng nói chuyện với Ủy ban:
Tổng thống Trump đã gọi điện cho Lãnh đạo Đa số Thượng viện Michigan Mike Shirkey ba lần sau cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc của họ: ngày 21 tháng 11, ngày 25 tháng 11 và ngày 14 tháng 12. Shirkey không nhớ nhiều chi tiết cụ thể về những cuộc điện đàm đó và tuyên bố rằng ông không nhớ Tổng thống đã áp dụng bất kỳ áp lực cụ thể nào. Tuy nhiên, một ngày sau một trong những cuộc nói chuyện đó, Shirkey đã tweet rằng “quy trình bầu cử của chúng ta PHẢI không có sự đe dọa và dọa dẫm” và “không chính đang để bất kỳ ai gây áp lực với họ.” Từ điều này và các tuyên bố công khai khác, rõ ràng là Shirkey rất nhạy cảm với thế lực bên ngoài thúc ép những người có trách nhiệm trong cuộc bầu cử. Trên thực tế, cùng ngày cử tri đoàn họp và bầu chọn cựu Phó Tổng thống Joe Biden là người thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, Shirkey đã nhận được một cuộc gọi khác từ Tổng thống Trump và đưa ra một tuyên bố công khai khác. Tuyên bố của Shirkey vào ngày hôm đó, ngày 14 tháng 12 năm 2020, có nội dung: “Nhóm đại cử tri Đảng Dân chủ của Michigan phải có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ, không bị đe dọa bằng bạo lực và sự dọa dẫm” và “trách nhiệm của chúng ta với tư cách là những người lãnh đạo là tuân thủ luật pháp ….” (trang 300-301)
4. Cấu trúc của cuộc tấn công – Tìm hiểu ảnh hưởng của Trump và những dấu hiệu của một âm mưu nổi loạn
Một số người ủng hộ Tổng thống Trump đã lập luận rằng cuộc tấn công vào Điện Capitol đã được tiến hành trước khi Trump kết thúc bài phát biểu của mình tại công viên Ellipse. Ngụ ý là lời nói của ông ta do đó không thể được coi là kích động hoặc là nguyên nhân dẫn đến hậu quả là cuộc bạo loạn. Dĩ nhiên, ý tưởng đó không chỉ cần được những người ủng hộ cựu tổng thống tuyên truyền. Đó là một câu hỏi phản gián quan trọng đáng để đặt ra.
Phúc trình ngày 6 tháng 1 trình bày chi tiết chính xác một phân tích về cấu trúc của cuộc tấn công đưa đến hai kết luận rõ ràng.
Đầu tiên, phúc trình cho thấy cuộc tấn công sẽ không thành công nếu không có bài phát biểu nảy lửa của Trump tại Ellipse. Tổng thống Hoa Kỳ vào thời điểm đó đã chỉ đạo cho một số lớn những người theo ông diễn hành đến Điện Capitol. Bối cảnh là quan trọng. Ông ấy đã đặt nền móng: ông ấy nói với đám đông rằng họ cần “lấy lại đất nước của chúng ta” từ một cuộc bầu cử “đã bị đánh cắp của các bạn”. Người lãnh đạo hợp pháp của họ đã bị phế truất trong một cuộc bầu cử gian lận, và cách duy nhất để đưa ông ta trở lại là “chiến đấu đến chết”. Ông nói: “Khi quý vị bắt quả tang ai đó đang lừa đảo, quý vị được phép đi theo những quy tắc rất khác.”
Nhưng đây không chỉ là việc phân tích nội dung bài phát biểu của ông. Bản phúc trình đi sâu và giải thích giai đoạn đầu của cuộc tấn công với Proud Boys như thế nào và những người cộng sự của họ ở mũi tiên phong đã bị Sở Cảnh sát Đô thị DC [MPD] đẩy lùi một cách hiệu quả. Phúc trình viết, “Sau những vi phạm ban đầu, USCP [Cảnh sát Quốc hội Hoa Kỳ] đã có thể đưa đủ nhân viên công lực để ngăn chặn những kẻ bạo loạn tiến qua chân dàn sân khấu lễ nhậm chức. Quan trọng hơn, động lực của nhóm bạo loạn tiếp tục bị chặn lại khi nhóm nhân viên công lực MPD đầu tiên đến hiện trường lúc 1:11 chiều, gần như đúng ngay khi Tổng thống Trump kết thúc bài phát biểu tại Ellipse của mình. Bế tắc xảy ra sau đó.”
Tuy nhiên, các nhân viên công lực đã hoàn toàn bị làn sóng thứ hai áp đảo khi hàng ngàn người biểu tình từ công viên Ellipse kéo đến. Nếu không có bài phát biểu đó, không có đám đông đó, bản phúc trình giải thích bằng những thuật ngữ có thẩm quyền cuộc tấn công vào Điện Capitol sẽ không thể xảy ra.
Thứ hai, phúc trình 6/1 trình bày bằng chứng và phân tích phi thường về một chiến dịch Proud Boys đã lên kế hoạch trước và dường như đã phối hợp đồng bộ với kế hoạch được tổ chức chặt chẽ rằng Trump sẽ chỉ đạo đám đông tiến về Điện Capitol. Bản phúc trình nêu rõ:
“Ngay trước khi phiên họp lưỡng viện Quốc hội bắt đầu lúc 1 giờ chiều, Proud Boys đã xúi giục mở cuộc tấn công áp đảo nhân viên công lực tại Peace Circle, một vị trí quan trọng. Họ nhanh chóng vượt qua các hàng rào an ninh và tiến vào khu vực cấm vào của Điện Capitol Hoa Kỳ. Trong vài giờ tiếp theo, thành viên của Proud Boys đã dẫn đầu cuộc tấn công tại những điểm cấm quan trọng, ngăn cản cơ quan công lực giành quyền kiểm soát đám đông và xúi giục những người khác tiến lên.
Tổng thống Trump kết thúc bài phát biểu tại Ellipse vào khoảng 1:10 chiều. Vào cuối bài phát biểu của mình, Tổng thống đã chỉ đạo những người ủng hộ ông đi xuống Đại lộ Pennsylvania tiến đến Điện Capitol. Lộ trình tự nhiên đưa họ qua Bùng binh Hòa bình (Peace Circle), nơi mà nhóm Proud Boys và những người cộng sự của họ đã phá hủy.” (tr. 638, thêm phần nhấn mạnh)
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy không đủ để buộc tội người nào đó về tội âm mưu nổi loạn, nhưng nó làm tăng viễn cảnh hợp tác đáng sợ giữa kế hoạch của Trump để huy động đám đông và cuộc tấn công theo kế hoạch của Proud Boys.
Phần này của phúc trình là một trong những đoạn gây ấn tượng nhất. Do đó, độc giả nên biết về nguồn và phương pháp đáng chú ý mà Ủy ban đã sử dụng trong cách phân tích của họ:
“Ủy ban Đặc biệt đã xem xét các đoạn phim chi tiết về vụ tấn công, kể cả đoạn phim do camera giám sát của Cảnh sát Quốc hội Hoa Kỳ (USCP), máy ảnh đeo trên người của Sở Cảnh sát Đô thị (MPD), các video có sẵn công khai, cũng như phim tại chỗ do nhân viên làm tài liệu ghi lại. Ủy ban Đặc biệt đã phỏng vấn những kẻ bạo loạn, nhân viên công lực và nhân chứng có mặt vào ngày 6 tháng 1, đồng thời tham khảo hàng nghìn hồ sơ tòa án. Sử dụng những nguồn thông tin này, Ủy ban Đặc biệt đã phát triển một thời biểu diễn ra những sự kiện để hiểu cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ vào Điện Capitol của Hoa Kỳ đã diễn ra như thế nào.” (tr.637-38)
Phần này thảo luận chi tiết về hành động của những người khác như Alex Jones và Ali Alexander trong việc huy động và định hướng đám đông – và trong việc giao tiếp với Proud Boys. “Hồ sơ trong điện thoại của Enrique Tarrio cho thấy rằng trong khi cuộc tấn công vào Điện Capitol đang diễn ra, ông ta đã nhắn tin cho Jones ba lần và [đồng nghiệp của Jones là Owen] Shroyer năm lần,” chỉ là một ví dụ. Bộ Tư pháp sẽ khai thác phần này của vụ án. Ủy ban đã trao cho họ – và các phóng viên điều tra – không chỉ có nhiều đầu mối mà còn cả lộ trình.
5. Một vụ kiện lớn đang diễn ra – phúc trình ngày 6 tháng 1 cho thấy sự lựa chọn dùng Hệ thống bỏ phiếu Dominion chống lại Trump
Trongphần tóm tắt của phúc trình, Ủy ban tuyên bố:
“Trump một lần nữa đưa ra những tuyên bố sai trái và ác ý về Hệ thống bỏ phiếu Dominion.” Tài liệu tham khảo/trích dẫn dùng ở đây là bài phát biểu ngày 6 tháng 1 của cựu tổng thống tại Ellipse và một Bảng liệt kê mà Ủy ban trình bày cho thấy những ví dụ trong đó Trump đưa ra những tuyên bố công khai tương tự về công ty [Dominion]. Chương Một của phúc trình gồm một phần trình bày dài 8 trang về chủ đề này, cung cấp bằng chứng cho thấy “Trump đã thể hiện sự coi thường sự thật một cách có ý thức và tiếp tục bôi nhọ Dominion một cách ác ý.”
Trước đây chúng tôi đã thảo luận về chủ đề này trên Just Security, xuất bản một loạt quan điểm của những chuyên gia hàng đầu. Hãy tìm đọc, Ryan Goodman, 8 chuyên gia hàng đầu về sức mạnh của Dominion kiện Trump vì tội phỉ báng, nếu họ muốn, ngày 19 tháng 7 năm 2022. Phần giới thiệu về quan điểm của họ có đoạn: “Hầu hết mọi chuyên gia đều nói rằng một vụ kiện phỉ báng do Dominion khởi kiện chống lại Trump sẽ rất mạnh, nhưng một chuyên gia bày tỏ lo ngại về tính thực tế của một vụ kiện như vậy và một chuyên gia khác nêu vấn đề về quyền miễn trừ của tổng thống.”
6. Thất bại của tình báo – Ủy ban Đặc biệt từ chối đổ lỗi
Một trong những chủ đề mà phúc trình ngày 6 tháng 1 đề cập là vai trò của những cơ quan công lực và tình báo trong nước kể cả FBI và DHS, và tại sao họ dường như không lường trước được tấm mức của bạo lực có thể xảy ra tại Điện Capitol và chuẩn bị tương xứng cho những cơ quan công lực. Mặc dù phúc trình thừa nhận rằng một số lớn thông tin thu thập trên mạng xã hội, cũng như từ các mẹo và các nguồn thông tin khác, cho thấy các nhóm cực đoan đang công khai lên kế hoạch bạo lực, Ủy ban cố gắng đề đưa lý do cho việc thất bại khi dự tính về mối đe dọa ở mức đầy đủ nhất là sự thiếu hiểu biết sâu sắc về những kế hoạch và suy nghĩ của Tổng thống Trump khi đó.
Trong phần giới thiệu phúc trình, Ủy ban lưu ý rằng:
Cả cộng đồng tình báo và những cơ quan công lực đều không thu được thông tin tình báo trước ngày 6 tháng 1 về toàn bộ kế hoạch đang diễn ra của Tổng thống Trump, John Eastman, Rudolph Giuliani và các cộng sự viên của họ nhằm lật ngược kết quả bầu cử đã được chứng nhận. Những cơ quan đó như vậy rõ ràng đã không (và có thể đã không thể) lường trước được sự khiêu khích mà Tổng thống Trump sẽ kích động đám đông trong bài phát biểu ở công viên Ellipse, rằng Tổng thống Trump sẽ “tự ý” chỉ thị cho đám đông đi đến Điện Capitol, rằng Tổng thống Trump sẽ làm cuộc bạo loạn trầm trọng thêm bằng cách gửi dòng tweet lúc 2:24 chiều lên án Phó Tổng thống Pence, hoặc toàn bộ tầm mức của bạo lực và vô luật pháp sẽ xảy ra sau đó. Cơ quan công lực cũng không lường trước được rằng Tổng thống Trump sẽ từ chối ra lệnh cho những người ủng hộ ông rời Điện Capitol một khi bạo lực bắt đầu. Không có phân tích trước của cộng đồng tình báo dự đoán chính xác Tổng thống Trump sẽ hành xử như thế nào; không có phân tích nào như vậy để nhận ra toàn bộ tầm vóc và mức độ của mối đe dọa đối với Điện Capitol vào ngày 6 tháng Giêng. (tr. 6)
Điểm này được nhấn mạnh một lần nữa sau đó trong phần tóm tắt dài 154 trang, cho thấy rằng kiến thức trực tiếp về ý định thâm độc của Tổng thống Trump là thành phần còn thiếu để hoàn thiện bức tranh tình báo:
Một lần nữa, loại thông tin tình báo này đã được chia sẻ, kể cả những cảnh cáo rõ ràng về việc có thể xảy ra bạo lực trước ngày 6 tháng Giêng. Điều không được chia sẻ và không được các cơ quan tình báo và cơ quan công lực hiểu đầy đủ là Tổng thống Trump sẽ đóng vai trò gì vào ngày 6 tháng 1 trong việc làm trầm trọng thêm cuộc bạo loạn và sau đó trong nhiều giờ đã từ chối không chỉ thị cho những người ủng hộ ông ngừng phá hoại và rời khỏi Điện Capitol. Rõ ràng là không có hoạt động thu thập thông tin tình báo nào được thực hiện đối với những kế hoạch của Tổng thống Trump vào ngày 6 tháng 1, cũng như không có bất kỳ phân tích nào được thực hiện về những gì ông ấy có thể làm để làm trầm trọng thêm cuộc bạo loạn. Một số thành viên Quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa từng làm việc với Trump và nhóm Giuliani có thể đã hiểu rõ về rủi ro cụ thể này, nhưng dường như không ai báo cho Cảnh sát Điện Capitol hoặc bất kỳ cơ quan công lực nào khác. (tr. 66)
Ở lời mở đầu, Dân biểu Thompson lặp lại ý tưởng này:
Nhưng sự thâm hụt về thông tin liên lạc, tình báo và thi hành pháp luật vào khoảng ngày 6 tháng 1 ít hơn nhiều về những gì họ đã làm hoặc không biết. Có nhiều hơn về những gì họ không thể biết. Việc Tổng thống Hoa Kỳ xúi giục một đám đông tuần hành đến tấn công Điện Capitol và cản trở công việc của Quốc hội không phải là một kịch bản mà những cộng đồng tình báo và công lực của chúng ta đã hình dung có thể xẩy ra cho đất nước này. Trước ngày 6 tháng 1, đó là điều không tưởng. Bất kể điểm yếu nào đã có trong các chính sách, quy trình hoặc thể chế, thì chúng cũng không phải là nguyên nhân gây ra những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó. (trang xi)
DB Thompson kết luận rằng ông ấy “quan tâm ít hơn vềi cơ chế thu thập thông tin tình báo và tình hình an ninh, về tầm quan trọng của những câu hỏi đó,” mà đúng hơn “trước hết vẫn là với những người tiếp tục muốn chiếm quyền lực bằng cái giá của nền dân chủ Mỹ.”
Ủy ban đóng khung sự việc khá kỳ lạ, đặc biệt là với mức độ thất bại về tình báo tại nhiều cơ quan đã được ghi lại và mức độ mà chính bản phúc trình cho thấy rõ ràng rằng mối đe dọa của bạo lực có tổ chức rất rõ ràng. Có thực sự không thể tính đến việc Trump có thể cư xử thất thường hoặc đưa ra những tuyên bố sai trái, hoặc tệ hơn, điều đó có thể kích động đám đông tại cuộc biểu tình của ông ở Ellipse hay không? Ba chỉ số này, không được đề cập trong phân tích:
- Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence, Marc Short, lo ngại rằng Trump có thể sẽ gây bất an cho Pence bằng cách công khai đả kích Phó Tổng thống vào ngày 6 tháng 1 — đến mức ông ấy đã thông báo cho người đứng đầu Toán Mật vụ cận vệ của Phó Tổng thống vào ngày hôm trước. Short điều trần: “Mối quan tâm là an ninh của phó tổng thống, và vì vậy tôi muốn bảo đảm rằng người đứng đầu Toán Mật vụ cận vệ của phó tổng thống biết rằng — rất có thể, khi những bất đồng này trở nên công khai hơn, rằng tổng thống sẽ bùng lên đả kích theo một cách nào đó.”
- Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng Trump có thể tìm cách tạo ra cái mà ông gọi là “thời khắc Reichstag” [hậu quả kịch tính sau cuộc bầu cử như vụ đốt tòa nhà quốc hội ở Berlin vào đêm 27 tháng 2 năm 1933] và làm việc trong hậu trường để hạn chế việc Trump có thể cố gắng tận dụng nhóm “áo sơ mi nâu trên đường phố.” [lực lượng dân quân ủng hộ Đức Quốc xã đã đẩy Hitler lên nắm quyền.]
- Như đã ghi lại trên Just Security, ngoài nhiều trường hợp Trump kích động bạo lực trước năm 2020, vào năm trước ngày 6 tháng 1, Trump bằng lời nói và hành động đã truyền cảm hứng cho những nhóm chủ trương bạo động, ủng hộ và hợp pháp hóa những người nổi dậy có vũ trang ở những tiểu bang đã áp đặt những hạn chế về đại dịch, và liên tục từ chối nói rằng ông sẽ bảo đảm việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
- Đọc thêm, “Thời biểu sự kích động: Năm hành động của Trump dẫn đến cuộc tấn công vào Điện Capitol.” Thời biểu đáng chú ý đó bắt đầu bằng việc đề cập đến một bài bình luận vào tháng 1 năm 2020 của cựu phụ tá tổng chưởng lý Hoa Kỳ về an ninh quốc gia Mary McCord, hiện là thành viên của ban biên tập Just Security và là chuyên gia hàng đầu về những nhóm dân quân. McCord đã viết rằng các dòng tweet của Trump vào thời điểm đó đã “kích động nổi dậy” chống lại những chính quyền tiểu bang.
Tóm lại, có lý do để nghi ngờ vị trí của phúc trình về đánh giá của nó, một tập hợp các kết luận chuyển trách nhiệm ra khỏi FBI và những cơ quan tình báo khác về thất bại lịch sử ở mặt tình báo .
Tuy nhiên, phúc trình gồm có một cuộc kiểm tra quan trọng về những gì nên được thực hiện khác đi trong tương lai ở các khía cạnh khác.
Ví dụ: những đề nghị của phúc trình gồm cả một mục về “Chủ nghĩa cực đoan bạo lực”, lưu ý rằng “những Cơ quan Liên bang có nhiệm vụ tình báo và an ninh, gồm cả Cơ quan Mật vụ, nên (a) tiến tới các chiến-lược-toàn-chính-phủ để chống lại mối đe dọa của những hành động bạo lực do tất cả các nhóm cực đoan có thể thực hiện; họ gồm những nhóm người da trắng và các nhóm bạo lực chống chính phủ trong kh vẫn tôn trọng quyền dân sự và quyền tự do dân sự theo Tu chính án thứ nhất của mọi công dân; và (b) duyệt xét những giao thức chia sẻ thông tin tình báo của họ để bảo đảm rằng thông tin tình báo về mối đe dọa được ưu tiên và chia sẻ kịp thời với những cơ quan an ninh và tình báo có trách nhiệm khác nhằm chống lại mối đe dọa của những hoạt động bạo lực nhắm vào các cơ quan lập pháp, hoạt động của chính phủ và các nhóm thiểu số.”
Và trong một đề nghị liên quan đến “Giám sát Cảnh sát Điện Capitol”, phúc trình đề nghị Quốc hội nên tiếp tục theo dõi các cải tiến trong “quy trình tình báo” của cơ quan này và “các giao thức ứng phó biến cố nghiêm trọng” của nó.
Điều quan trọng là, Ủy ban dường như đồng tình với kết quả điều tra của Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Hoa Kỳ (GAO) đã xem xét lý do tại sao, dựa trên thông tin tình báo hiện có cho thấy việc có thể xảy ra bạo lực vào ngày 6 tháng 1, các sự kiện tại Điện Capitol không được coi là Sự kiện An ninh Đặc biệt Quốc gia, điều này sẽ bảo đảm mức độ an ninh cao hơn tại Điện Capitol. Đó là một phần của thất bại tình báo không liên quan gì đến việc dự đoán hành động của Trump. Ủy ban đề nghị rằng “với những gì đã xảy ra vào năm 2021, Quốc hội và Cơ quan Hành pháp nên làm việc với nhau để chỉ định phiên họp chung của Quốc hội diễn ra vào ngày 6 tháng 1 là Sự kiện An ninh Đặc biệt Quốc gia.”
Một Phụ lục dài 30 trang liên quan đến “Sự chuẩn bị và ứng phó của Cơ quan Chính phủ cho ngày 6 tháng 1,” kết luận rằng “có những bước bổ túc cần được thực hiện để giải quyết việc có thể xảy ra bạo lực vào ngày đó.” Phụ lục này đưa ra một số thông tin đáng kể đã thu thập và phổ biến đến toàn chính phủ liên bang và những cơ quan công lực. Nó lưu ý rằng “[a]mặc dù một số thông tin tình báo đó là rời rạc, nhưng đáng lẽ nó đã đủ để có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nhiều cho sự an toàn của phiên họp lưỡng viện Quốc hội. Việc không chia sẻ đủ và hành động không đúng mức dựa trên thông tin tình báo đó đã gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân viên cảnh sát bảo vệ Điện Capitol và mọi người trong đó.”
Vậy thì đâu là những lời giải thích nhân quả cho việc không “chia sẻ đủ và hành động không đúng mức dựa trên thông tin tình báo đó”?
Tuy nhiên, một lần nữa, ngay cả phần này cũng che đậy, trốn tránh việc đổ lỗi cho những cơ quan tình báo và cơ quan công lực. Phụ lục nêu rõ, “Trong khi nguy cơ đối với Điện Capitol do một đám đông giận dữ có vũ trang gây ra là việc có thể thấy trước, việc Tổng thống Hoa Kỳ sẽ là chất xúc tác cho cơn thịnh nộ của họ và tạo điều kiện cho cuộc tấn công là điều chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Nếu chúng ta thiếu trí tưởng tượng để cho rằng một Tổng thống sẽ kích động một cuộc tấn công vào Chính phủ của chính ông ta, thúc giục những người ủng hộ ông ta ‘chiến đấu như điên’, thì nay chúng ta sẽ không còn thiếu cái nhìn sâu sắc đó nữa.”
7. Vai trò của Mạng Xã hội – Chỉ là những suy nghĩ muộn màng
Theo luật thành lập Ủy ban Đặc biệt điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1, thành viên của ủy ban được giao nhiệm vụ duyệt xét “cách thức kỹ thuật, lể cả những Mạng Xã hội” như Facebook, YouTube, Twitter và Reddit “có thể là yếu tố thúc đẩy, tổ chức và thực hiện” cuộc nổi dậy. Gần một năm trước, ủy ban đã tống trát đòi Alphabet (Google), Facebook (nay là Meta), Reddit và Twitter ra điều trần để đòi họ giao nộp những hồ sơ “liên quan đến việc truyền bá thông tin sai lệch, nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020, chủ nghĩa cực đoan bạo động trong nước và ảnh hưởng của nước ngoài đối với cuộc bầu cử năm 2020.”
Dân biểu Thompson vào thời điểm đó đã viết,
“Hai câu hỏi quan trọng đối với Ủy ban Đặc biệt là sự tuyên truyền thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan bạo động đã góp phần vào cuộc tấn công bằng bạo lực vào nền dân chủ của chúng ta như thế nào và những bước nào—nếu có—các công ty truyền thông xã hội đã thực hiện để ngăn chặn Mạng Xã hội của họ trở thành nơi nuôi dưỡng những người cực đoan hóa bạo lực.”
Ông cho biết Quốc hội đưa trát đòi họ ra điều trần vì những công ty nêu trên đã không tự nguyện cung cấp thông tin hữu ích cho cuộc điều tra mà Ủy ban đã yêu cầu.
Bây giờ, trong Lời mở đầu của phúc trình ngày 6 tháng 1, Dân biểu Thompson lưu ý rằng Ủy ban “đã kéo bức màn tại một số công ty truyền thông xã hội lớn lại để xác định xem các chính sách và giao thức của họ có đáp ứng được những thách thức hay không khi Tổng thống tuyên truyền thông điệp bạo lực và những người ủng hộ ông ấy bắt đầu lên kế hoạch và phối hợp hành động của họ ở Washington.”
Đặc biệt, phúc trình đề cập rất nhiều đến vai trò của Twitter như một kênh quan trọng để cựu Tổng thống và những người ủng hộ ông đưa ra những tuyên bố sai sự thật về cuộc bầu cử và cuối cùng là triệu tập đám đông đến Washington D.C. vào ngày 6 tháng 1. Tầm quan trọng của dòng tweet ngày 19 tháng 12 của Trump (“Đến đi, sẽ rất điên cuồng!”) đã chứng minh rõ ràng. Và có một cuộc thảo luận đáng kể về vai trò của các trang ven rìa như TheDonald[.] win và Parler trong việc tổ chức những nhóm cực đoan và lên kế hoạch bạo động,đắc biệt có trích dẫn phúc trình của Just Security, trên TheDonald[.]win. Có một phần nói về vai trò của âm mưu QAnon trong việc kích động những kẻ cực đoan, đề cập đến những người có ảnh hưởng và tổ chức truyền thông xã hội quan trọng như người dẫn chương trình InfoWars Alex Jones và một phụ lục đề cập đến vai trò của những tác nhân chính phủ nước ngoài trong việc cổ động cho việc thông tin sai lệch và các mẩu chuyện nhằm gây ảnh hưởng đến cử tri.
Đã thế, có rất ít trong phúc trình liên quan đến các loại cân nhắc được đề cập trong trát đòi điều trần. Ủy ban không đưa ra đánh giá rõ ràng về việc liệu chính những mạng Xã hội đó có thể làm được nhiều hơn để giải quyết việc tuyên truyền Lời nói dối lớn và chủ nghĩa cực đoan đang bùng phát hay không, trong thời gian sắp tới ngày 6 tháng 1 hoặc trong những năm trước đó, trong thời gian đó những mạng xã hội như QAnon đã xuất hiện. Thay vào đó, Ủy ban đưa vào những đề nghị khuyến khích những ủy ban khác của quốc hội tiếp tục điều tra những câu hỏi sau:
“Cuộc điều tra của Ủy ban đã xác định được nhiều cá nhân liên quan đến ngày 6 tháng 1, những người đã bị kích động để bạo động vì thông tin sai lệch về cuộc bầu cử năm 2020 liên tục được củng cố bằng di sản và mạng xã hội. Ủy ban đồng ý rằng những cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về hành động của chính họ, kể cả hành động tội phạm của chính họ. Nhưng những ủy ban tài phán của quốc hội nên tiếp tục đánh giá những chính sách của các công ty truyền thông có ảnh hưởng đến việc cực đoan hóa người dùng sản phẩm của họ, kể cả bằng cách kích động mọi người tấn công đất nước của chính họ.”
Nếu Ủy ban đã thu thập được thông tin cụ thể hơn từ các mạng kỹ thuật đó, chẳng hạn như đánh giá nội bộ hoặc lời khai khác ngoài lời khai của một cựu nhân viên Twitter được nêu bật trong phiên điều trần công khai lần thứ bảy vào tháng 7, thì điều đó dường như không được đề cập trong phiên bản cuối cùng của phúc trình.
* * *
Ủy ban định sẽ công bố các tài liệu bổ túc, kể cả nhiều bản ghi lời khai của nhân chứng và có lẽ là bằng chứng khác, trước khi bắt đầu Quốc hội lần thứ 118 vào ngày 3 tháng 1 năm 2023. Một số tài liệu căn bản này, đã nằm trong tay các cơ quan công lực, sẽ có thể có giá trị trong các cuộc điều tra đang diễn ra do Bộ Tư pháp, hiện đang dưới sự chỉ đạo của Công tố viên Đặc biệt Jack Smith, và trong cuộc điều tra đang diễn ra do Biện lý quận Fulton, Georgia, Fani Willis, đứng đầu. Phiên tòa xét xử những nhân vật lãnh đạo Proud Boys sẽ bắt đầu vào đầu năm tới và các vụ kiện tụng liên quan đến những lời tuyên bố sai về Hệ thống bỏ phiếu Dominion sẽ được tiến hành ít nhất là chống lại những người cộng sự của Trump. Mặc dù công việc của Ủy ban có thể đã hoàn tất, nhưng nhữung sự kiện của ngày 6 tháng 1 sẽ tiếp tục vang dội trong năm mới và hơn thế nữa. Giống như phúc trình 11/9, phúc trình cuối cùng ngày 6 tháng 1 sẽ đóng vai trò như một nguồn thông tin — và một lời cảnh cáo — trong nhiều chục tới.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Major Highlights of the January 6 Report | Ryan Goodman and Justin Hendrix | Just Security | December 23, 2022.