Benedict là giáo hoàng của nước Mỹ

David Von Drehle | DCVOnine

Trong hơn một thế kỷ, kể từ khi nạn đói khoai tây ở Ireland đã tạo thành một con sóng người Ireland di cư đến Hoa Kỳ, những người theo chủ nghĩa bản địa đã lo sợ Thiên Chúa giáo La Mã sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người Mỹ. Tâm lý bài Thiên Chúa giáo đã góp phần thúc đẩy phong trào Không biết gì vào những năm 1840 và 1850.

Định kiến đã đầu độc cuộc vận đdộng tranh cử tổng thống năm 1884 với cáo buộc “rượu rum, Chủ nghĩa La Mã và nổi loạn” chống lại Đảng Dân chủ. Nó đã biểu tình cùng với những người phân biệt chủng tộc trong các cuộc xuống đường của Ku Klux Klan vào những năm 1920 và phá vỡ cuộc tranh cử tổng thống của ứng cử viên Đảng Dân chủ Alfred E. Smith vào năm 1928. Chiến thắng khít khao của John F. Kennedy vào năm 1960 được cho là cây cọc xuyên qua trái tim của hận thù.

Giáo hoàng Benedict XVI trong chuyến thăm Đức năm 2011. (Johannes Simon/Getty Images)

Trớ trêu thay, ảnh hưởng ở Mỹ lại xẩy ra theo hướng ngược lại. Giáo hoàng tương đối ít có ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức và văn hóa Mỹ so với những thay đổi to lớn ở Vatican do quyền lực hiện đại hóa của Mỹ. Quyết định lịch sử của Giáo hoàng John XXIII kêu gọi Hội đồng Vatican II bắt đầu nhóm họp vào năm 1962, theo nhiều nghĩa, là sự công nhận rằng Giáo hội Thiên Chúa giáo phải tham gia vào thế giới tự do và theo chủ nghĩa cá nhân mà Hoa Kỳ thời hậu chiến đang tạo ra.

Hai linh mục từng là chuyên gia thần học tại Vatican II sẽ tiếp tục thay đổi động lực đó và đưa Thiên Chúa giáo La Mã lên một vị trí nổi bật trong đời sống Hoa Kỳ chưa từng có trong suốt lịch sử của người Mỹ. Một người Ba Lan là Karol Wojtyla, lúc đó là giám mục phụ tá của Krakow, trở thành Giáo hoàng John Paul II. Người kia, một giáo sư trẻ xuất sắc từ Đại học Bonn, là Joseph Ratzinger, người đã phục vụ trong triều của GH John Paul II như là người gìn giữ đức tin chính và kế vị GH với tư cách là Giáo hoàng Benedict XVI.

GH Benedict qua đời ở tuổi 95 hôm thứ Bảy tại Rome, kết quả việc làm của hai vị cựu GH này đã hiển hiện trong sự chuyển đổi mạnh mẽ của Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ sang quyền văn hóa. Từ khi John Paul được bầu làm giáo hoàng vào năm 1978 cho đến khi Benedict từ chức bất thường vào năm 2013, mọi giám mục được phong chức ở Hoa Kỳ (và trên toàn thế giới) đều được một trong hai GH này chấp thuận và mọi giáo sư được cấp phép giảng dạy thần học Thiên Chúa giáo theo giáo lý của giáo hội đều tùy thuộc vào đánh giá tiềm năng của hai vị GH nói trên.

Quan điểm của họ về Vatican II không phải là quan điểm thịnh hành ở Hoa Kỳ ngay sau khi cộng đồng này kết thúc vào năm 1965. Hầu hết những người trong giới quan sát kỳ vọng rằng sự ràng buộc với thế giới hiện đại sẽ tự do hóa Thiên Chúa giáo và nhanh chóng dẫn đến các chính sách mới về kiểm soát sinh sản, phá thai, hôn nhân cho linh mục và vân vân.

Hoạt động chống cộng mạnh mẽ của John Paul ở Ba Lan, cùng với bề ngoài như một minh tinh màn bạc và nụ cười thân thiện của ông, đã khiến nhiều người Mỹ lầm tưởng rằng ông sẽ liên kết nhà thờ với nền văn hóa phương Tây hiện đại. Nhưng họ đã không đọc tác phẩm thần học của ông, đặc biệt là loạt bài suy niệm đã nâng ông lên vị trí xuất sắc ở Rome và được xuất bản với tựa đề “Dấu hiệu của sự mâu thuẫn”.

Viết cho một cuộc tĩnh tâm năm 1976 do Giáo hoàng Paul VI kêu gọi cho Giáo triều Roma, những bài tiểu luận này giải thích quan điểm của John Paul II rằng sự can dự của thời hậu Vatican II với tính hiện đại không nhằm mục đích thay đổi giáo hội nhiều như nó nhằm mục đích thay đổi thế giới hiện đại. Thiên Chúa giáo sẽ mâu thuẫn với những khuynh hướng tự do trong xã hội, đưa ra các học thuyết không thay đổi của nó như một giải pháp thay thế cho một thế giới đang phát triển theo hướng tồi tệ hơn.

John Paul đã đem nụ cười lên đường đi thuyết giảng khắp thế giới như chưa từng có giáo hoàng nào đã làm trước đây. Ông đã bổ nhiệm Ratzinger, khi đó là tổng giám mục và hồng y, làm trưởng bộ Giáo lý Đức tin đầy quyền lực — Tòa án dị giáo cũ — và ở đó, ông làm cái búa trong chiếc găng tay nhung, thanh trừng tu sĩ trong giới thần học tự do, cắt cánh của những giám mục thiên tả và nâng cao văn hóa bảo thủ vào những vị trí quyền lực.

Công việc của họ vẫn tiếp tục sau cái chết của John Paul vào năm 2005 khi Ratzinger trở thành Giáo hoàng Benedict XVI và tiếp tục đà phản văn hóa. Những cơn bão xì-căng-đan về lạm dụng tình dục của linh mục đã khiến một số lý thuyết gia đặt câu hỏi liệu lý tưởng giới lãnh đạo đàn ông độc thân trong giáo hội có nuôi dưỡng văn hóa dối trá hay không. Nhưng đối với Benedict và những người cùng chí hướng với ông, sự chung chạ bừa bãi thời hiện đại là điều đáng trách. Giải pháp của họ: sàng lọc chặt chẽ hơn các chủng sinh về sức khỏe tâm thần và cam kết chính thống.

Sự tham gia định hình trong chính trị Hoa Kỳ là về vấn đề phá thai. Với tư cách là cái búa của John Paul, Ratzinger đã dạy rằng “không phải mọi vấn đề đạo đức đều có cùng sức nặng đạo đức như việc phá thai.

Dưới ảnh hưởng của ông, việc phản đối phá thai đã trở thành một khía cạnh xác định bản sắc Thiên Chúa giáo ở đây: trường Thiên Chúa giáo đưa học sinh đến các cuộc biểu tình phản đối. Bệnh viện Thiên Chúa giáo từ chối cung cấp một số điều trị y tế. Nhà thờ Thiên Chúa giáo quyên tiền để tài trợ cho các chiến dịch chống phá thai.

Vào ngày 24 tháng 6, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã mâu thuẫn với luật pháp đã thực thi gần 50 năm của chính họ bằng cách cho rằng Hiến pháp không bảo vệ quyền lựa chọn phá thai của phụ nữ. Năm trong số sáu thẩm phán đã bỏ phiếu hủy bỏ án lệnh Roe v. Wade là người Thiên Chúa giáo La Mã bảo thủ. (Người thứ sáu là một sinh viên hậu đại học dưới sự lãnh đạo của chuyên gia về triết học Giáo luật Thiên Chúa giáo.)

Giới lãnh đạo Thiên Chúa giáo ca ngợi quyết định này — điều có thể không bao giờ xảy ra nếu không có sứ vụ của Giáo hoàng Benedict XVI.

Tác giả | David Von Drehle là Phó Chủ biên chuyên mục Quan điểm của The Washington Post

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Benedict was America’s pope | David Von Drehle | The Washington Post | December 31, 2022.