Đảng CSVN thanh trừng nội bộ, đuổi Nguyễn Xuân Phúc khỏi ghế Chủ tịch nước
Trần Giao Thủy
Trong bầu không khí còn sôi nổi sau Giải túc cầu Thế giới và phần đầu trận chung kết mới đây giữa Việt Nam và Thái Lan trong giải Vô địch Liên đoàn Túc cầu Đông Nam Á, Lê Hồng Hiệp, viện sĩ tại viện Yusof Ishak ở Singapore bình luận việc Chủ tịch nước CHXHCNVN mất chức là “bị thẻ đỏ” theo ngôn ngữ của Lê Nguyễn Hương Trà trong lời tường thuật một trận bóng tròn, “[Trong một trận đấu] căng thẳng và sôi nổi đến những phút cuối cùng, ngôi sao của Đội Quảng Nam FC đã bị thẻ đỏ. Ông ấy sắp bị đuổi khỏi sân, kết thúc sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp của mình.”
Phóng viên David Hutt của Deutsche Welle, hãng truyền thông công cộng quốc tế của Đức, thực tế hơn. Hutt viết Phúc “bị đối thủ trong đảng lật đổ”.
Maria Siow của Nam Hoa Tảo Báo viết là Nguyễn Xuân Phúc “từ chức trong đợt sóng đánh phủ đầu khối lãnh đạo” Đảng CSVN.
Trong khi đó Agence France-Presse đưa tin Phúc đã “bỏ cuộc”, ra khỏi chính trường.
Nhưng bâng quơ nhất là báo Việt Nam, Thu Hằng của tờ VietnamNet viết Phúc “thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước”. Độc giả báo Việt Nam phải tự phiên dịch “thôi chức” là gì cũng như khi những họ viết về “nước lạ”. Tóm lại, Phúc vừa bị mất ghế trong BCT đảng CSVN vừa bị đá bay khỏi vai trò Chủ tịch nước trong chính phủ CHXHCNVN.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị. Trong một cuộc họp kín ngày 13 tháng 1, 2023, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam lặng lẽ bỏ phiếu bãi nhiệm ông.
Phúc, với khuynh hướng thân phương Tây đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước, phần lớn mang tính nghi thức, vào năm 2021 sau 5 năm làm thủ tướng. Khả năng ông bị thanh trừng sau khi một số chuyên viên ngoại giao nhiều kinh nghiệm và bộ trưởng đã bị Đảng Cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi đảng vì bị cáo buộc là tham nhũng.
Không rõ Phúc sẽ viện dẫn lý do gì để từ chức, nhưng Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, coi đó là một “đòn bạo lực” của những kẻ thù của ông trong đảng. Abuza nói thêm, việc thay đổi đang xẩy ra không thể thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại của Việt Nam, mặc dù chúng “có lợi cho Trung Hoa và Nga”.
Lê hồng Hiệp nói với DW,
“Tất cả những thay đổi nhân sự này đều liên quan nhiều hơn đến động lực chính trị trong nước của Việt Nam. Tôi không nghĩ chúng có liên quan gì đến chính sách đối ngoại của Việt Nam.”
Lê hồng Hiệp
Theo một bài báo đăng trên tờ Fulcrum, tham nhũng có thể là lý do khiến ông Phúc bị đuổi việc.
Từ lâu đã có tin đồn vợ chủ tịch nước dính líu đến cái gọi là vụ bê bối tham nhũng Việt Á khiến ông Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và Chu Ngọc Anh, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, cựu Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.
Lập trường của Việt Nam đối với Trung Hoa và phương Tây là gì?
Trung Hoa vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng những căng thẳng lịch sử và địa chính trị, đặc biệt là về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, có nghĩa là Hà Nội sẽ tiếp tục coi Bắc Kinh là một mối đe dọa.
Ngoài ra, quan hệ kinh doanh và chính trị của Việt Nam với các quốc gia phương Tây đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Vào tháng 11, Olaf Scholz trở thành thủ tướng Đức đầu tiên thăm Việt Nam trong 11 năm.
Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam vẫn hoài nghi về ý định của phương Tây. Nhiều đảng viên cộng sản sợ rằng những nền dân chủ phương Tây đang nhắm đến việc thay đổi chế độ độc đảng ở đây và lại rất giống như Trung Hoa, họ day dứt những tổ chức nước ngoài lên lớp chính phủ về nhân quyền.
Những động lực đó không thay đổi tức thì nhưng giới phân tích nói rằng những chính phủ và giới đầu tư nước ngoài không nên kỳ vọng nhiều vào một tình hình chính trị hướng nội hơn và kém ổn định hơn ở Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết Phúc bị buộc phải chịu trách nhiệm về những “vi phạm, sai phạm” của những cán bộ thừa hành. Phúc đã “Nhận thức rõ trách nhiệm với đảng và nhân dân, ông đã làm đơn xin từ chức đã được giao phó, và về hưu.”
Như vậy, ông Phúc là chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên bị thanh trừng khi còn đương nhiệm. Cựu Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho đến nay là cán bộ cao cấp nhất dính vào vụ án lớn vì tham nhũng và gian lận đấu thầu. Vụ tham nhũng đã dẫn đến việc truy tố 40 viên chức chính phủ, những nhân viên ngoại giao cao cấp và một số doanh nhân. Một vụ án nổi tiếng khác liên quan đến Công ty Cổ phần Quốc tế Advance và Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch công ty. Một ứng cử viên hàng đầu có thể thay thế Phúc là là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Những chính khách cao cấp khác như Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, là một người có thể được đảng xét đến.
Theo Phan Hồng Hiệp, việc thanh trừng những lãnh đạo tham nhũng có thể mở đường cho những lãnh đạo trong sạch hơn và có năng lực vươn lên, giúp Đảng chống tham nhũng tốt hơn. Miễn là sự xáo trộn lãnh đạo không dẫn đến những thay đổi chính sách triệt để, ảnh hưởng của việc thay đổi lãnh đạo cũng hạn chế về mặt kinh tế.
Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP 8% vào năm 2022, vận tốc nhanh nhất trong 25 năm qua. Một cán bộ cao cấp khác như Vương Đình Huệ có thể nổi lên như ứng cử viên duy nhất có thể thay thế Nguyễn Phú Trọng vì Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng có tham vọng TBT.
Lê Hồng Hiệp nói thêm rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính, người khó có thể được thăng chức trong thời gian tới, cũng có thể gặp rủi ro.
Theo Hiệp, Chính có thể gặp rắc rối vì bị cáo buộc có quan hệ với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch của Advance International Corporation, một công ty đang là tâm điểm của một vụ tham nhũng. Nhàn, người đang bỏ trốn, tháng trước đã bị kết án khiếm diện 30 năm tù và đang đào tẩu.
Carlyle Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Canberra, cho biết việc từ chức của Phúc trong những ngày gần đây đã trở thành một “kết luận đã được định trước”, đồng thời lưu ý rằng đã có ba ứng cử viên hàng đầu có thể thay thế ông.
Carl Thayer nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể kiêm nhiệm Chủ tịch nước và giữ hai chức vụ, như trường hợp năm 2018 khi nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời tại chức. Thayer nói thêm, “Có ý kiến cho rằng đương kim Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang sẽ được thăng chức. Ông Tô Lâm, đương kim Bộ trưởng Bộ Công an, cũng được coi như một ứng cử viên có thể thay Phúc.”
Ban đầu Lâm dự định sẽ còn là bộ trưởng Công An vào tháng 4 do giới hạn nhiệm kỳ không chính thức đối với bộ trưởng.
Abuza cho rằng việc Lâm thăng chức thành Chủ tịch nước sẽ cho phép ông ta duy trì quyền lực đồng thời cố giữ quyền kiểm soát đối với bộ công từ văn phòng Chủ tịch nước phần lớn mang tính nghi lễ.
Hunter Marston, một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết có vẻ như “Trọng và Bộ Công an của ông ta đang thanh trừng những cán bộ cao cấp, cấp tiến hơn hoặc có đầu óc quốc tế, những người đã cổ xúy cho mối quan hệ Việt – Mỹ.”
Sự thay đổi chủ tịch nước bên trong một chính đảng được kiểm soát chặt chẽ theo đề nghị của BCT, việc ‘từ chức’ của Phúc có thể gây hoang mang cho công chúng, những người hiếm khi chứng kiến những mưu đồ chính trị ở cấp cao nhất.
Nguyễn Hải Hồng, một chuyên gia nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Chính sách Tương lai của Đại học Queensland, cho biết,
“Phiên họp bất thường và sự ra đi của chủ tịch nước sẽ là một cú sốc đối với công chúng, họ sẽ tự hỏi điều gì đang xảy ra trong nền chính trị Việt Nam ở cấp cao nhất.”
Nguyễn Hải Hồng
Linh Nguyễn, chuyên gia phân tích hàng đầu về Đông Nam Á tại Control Risks cho biết,
“Đối với một quốc gia mà lợi thế để so sánh hấp dẫn nhất là sự ổn định chính trị… có quá nhiều cải tổ (thanh trừng) chỉ trong một tháng không phải là chuyện hay. Những cuộc thanh trừng này là chỉ dấu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam sẽ đi vào gia đoạn nghiêm trọng hơn trong năm nay.
Việc chống tham nhũng thường được giới đầu tư nước ngoài cổ vũ, với lý do chính đáng: đó là nhằm cải thiện nền pháp trị và tạo ra một sân chơi bình đẳng. Nhưng bản chất chính trị hóa của chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam sẽ khiến giới đầu tư tạm khựng lại.”
Linh Nguyễn
Nguyễn Khắc Giang, chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, cho biết diễn biến này “đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong nền chính trị Việt Nam, nơi đấu đá nội bộ sẽ gia tăng dẫn đến Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2026 và sự nghiệp chính trị của ông Phúc đã ‘chính thức kết thúc’.”
Bộ máy công an được cho là đang cảnh giác nhiều nhất đối với sự hợp tác với các nền dân chủ phương Tây. Đồng thời, giới ngoại giao nước ngoài đang nhanh chóng mất đi nhiều đầu mối liên lạc đáng tin cậy nhất của họ trong đảng CSVN; đó là những người cộng sản cung cấp thông tin và yểm trợ phương Tây một cách không chính thức.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Tham khảo:
- Vietnam’s President Phuc reportedly ousted by party rivals | David Hutt | DW | Jan 17, 2023
- “Red Card” for the President? Vietnam’s Biggest Political Drama in Decades | LE HONG HIEP | https://fulcrum.sg/ |17 JAN 2023
- Vietnam’s President Nguyen Xuan Phuc resigns as scandal engulfs top leaders | Maria Siow | SCMP | Jan 17, 2023
- Vietnam president quits amid anti-corruption drive | Alice Philipson | Agence France-Presse | Jan 17, 2023
- Vietnam President Phuc resigns amid ministers’ corruption scandal | AL JAZEERA AND NEWS AGENCIES | Jan 17, 2023
- Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước | Thu Hằng | VietnamNet | Jan 17, 2023
- Arirang News | @arirangtvnews | Vietnam’s president resigns amid anti-corruption push | Jan 17, 2023