Tòa án Đức kết án người thứ hai trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
RFA Vietnamese | DCVOnline
Lê Anh Tú sẽ vào tù 5 năm vì cộng tác bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Tòa Thượng thẩm Berlin đã kết án Lê Anh Tú 5 năm tù vì đã cộng tác bắt cóc một cựu cán bộ cấp tỉnh của Việt Nam.
Tú, 32 tuổi, đã sống ở Praha trước khi cộng tác bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7 năm 2017 tại một công viên ở Berlin. Ông đã trốn về Việt Nam và bị bắt 5 năm sau, khi trở lại Cộng hòa Czech.
Sau phiên tòa tuyên án hôm thứ Hai, phóng viên tự do Hiếu Bá Linh ở Berlin nói với RFA,
“Phiên tòa này kéo dài ba tháng. Tòa tuyên phạt bị cáo Lê Anh Tú 5 năm tù về 2 tội danh. Tội đầu tiên là gián điệp. Thứ hai là tội tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.”
Hiếu Bá Linh
Phóng viên Linh đã theo dõi toàn bộ phiên tòa tại phòng xử án và cho biết bên công tố đã đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh bị cáo đã tham gia vào vụ bắt cóc. Bằng chứng cho thấy Tú đã theo dõi Trịnh Xuân Thanh và người tình là Đỗ Thị Minh Phương khi bà từ Hà Nội sang Đức gặp ông ta. Tú cũng là người lái xe đưa hai bị bắt cóc đến tòa Đại sứ CHXHCN Việt Nam sau khi họ bị mật vụ Việt Nam bắt cóc.
Bên công tố cho biết Tú còn lái một chiếc xe khác trong đoàn xe đưa hai người từ Brno ở Cộng hòa Czech đến khách sạn Borik ở Bratislava.
Tòa án cho biết Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đang đợi Tú tại thủ đô Slovakia.
Phóng viên Linh nói
“Khách sạn Borik là tài sản thuộc Chính phủ Slovakia. Tại đây, phái đoàn của Tô Lâm đã gặp Bộ Nội vụ Slovakia để nói chuyện. Thực ra cuộc nói chuyện này chỉ là một bước để bắt và đưa Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Tô Lâm mượn máy bay của Slovakia để ra khỏi khu vực Schengen và bay đi Moscow. Cuộc gặp với Bộ Nội vụ Slovakia là nhằm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.”
Lê Anh Tú là bị cáo thứ hai bị tòa án Đức kết tội tham gia vụ bắt cóc. Bị cáo đầu tiên là Nguyễn Hải Long, đã bị kết án ba năm 10 tháng tù vào năm 2018.
Phóng viên Hiếu Bá Linh cho biết Long bị kết án nhẹ hơn vì đã nhận tội “tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và thừa nhận “làm việc cho cơ quan tình báo Việt Nam,” trong khi Lê Anh Tú và luật sư của ông ta chối tội. Linh nói,
“Trường hợp bị cáo Lê Anh Tú, ngay từ đầu tòa đã đề nghị ông nhận tội và tòa cũng cho biết sẽ xem xét tuyên án thấp hơn nếu nhận tội. Tuy nhiên, Lê Anh Tú không đồng ý nhận tội.”
Luật sư của Lê Anh Tú cho rằng Tú đóng vai trò bị động trong vụ bắt cóc vì ông ta chỉ là người tài xế lái xe.
Tuy nhiên, bên công tố đã đưa ra bằng chứng cho thấy Tú đã liên lạc trực tiếp với Trung tướng Đường Minh Hưng của công an Việt Nam, người từ Việt Nam sang Berlin cầm đầu vụ bắt cóc.
Thanh là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang của Việt Nam trước khi bị điều tra vào năm 2016 về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Thanh đã trốn sang Đức và xin tị nạn trước khi bị truy tố.
Một năm sau, Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam nói rằng ông ta đã trở lại Việt Nam để tự thú. Chính quyền Việt Nam không bao giờ cho biết Thanh trở về từ Đức bằng cách nào.
Hiếu Bá Linh cho biết, mặc dù hai người đã bị kết tội bắt cóc Thanh nhưng rất có thể ông Thanh sẽ không được nhà chức trách Việt Nam trả tự do và trở về Đức.
Linh cho biết trong phiên tòa xét xử Tú, tòa án đã viết một công văn yêu cầu Bộ Ngoại giao Đức cập nhật về tình trạng của Thanh tại Việt Nam. Bộ này cho biết một trong những công chức của họ đã gặp riêng Trịnh Xuân Thanh bên lề một phiên tòa ở Hà Nội mà ông ta là nhân chứng, nhưng cho tòa án biết không có nhiều t hy vọng.
Linh nói, “Bộ Ngoại giao cho biết đến nay chưa có dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh.”
Tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra vấn đề này trong phiên họp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội nhưng các cuộc đàm phán không đạt được kết quả gì.
RFA đã gửi email cho Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư riêng của Trịnh Xuân Thanh, để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được hồi âm.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: German court sentences second person in Vietnam kidnapping case | RFA Việt ngữ dịch. Mike Firn biên tập · RFFA Vietnamese · JANUARY 31, 2023