Cuộc đấu đá trong đảng Cộng sản Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến ASEAN

Kornelius Purba | DCVOnline

Một Việt Nam ổn định chính trị quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Vẫy tay chào: Điềm mât chức: Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vẫy tay chào khi ông đến dự Hội nghị giới lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 trong hội nghị thượng đỉnh tại Bangkok vào ngày 18 tháng 11 năm 2022. Phúc đã từ chức chủ tịch nước Việt Nam vào ngày 17 tháng Giêng năm 2023 trong lúc chiến dịch truy quét tham nhũng đang dấy lên. Ảnh: AFP/Pool/Diego Azubel

JAKARTA – Với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, Indonesia sẽ cần chú ý nhiều hơn đến những diễn biến chính trị đang diễn ra ở Việt Nam, sự ổn định chính trị ở quốc gia này rất quan trọng đối với khu vực do nền kinh tế đang phát triển đều đặn và tầm vóc quân sự quốc tế. Cho đến nay, ít nhất là đối với những người bên ngoài, không có dấu hiệu đáng lo ngại nào từ Hà Nội trong cuộc tranh giành quyền lực chính trị nội bộ.

ASEAN đã rất ngạc nhiên trước việc Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đột ngột từ chức vào tuần trước, trong lúc nước này đang tăng cường truy quét tham nhũng. Chỉ một tháng trước khi từ chức, Phúc đã hội đàm với Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo tại Dinh Bogor ở Tây Java để ký kết thỏa thuận lịch sử về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Natuna vùng biển giữa hai nước. Phúc mong muốn để lại một di sản có thể dùng làm hình mẫu cho việc giải quyết tranh chấp biên giới một cách hòa bình trong ASEAN.

Thỏa thuận  mang tính lịch sử này, đạt được sau 12 năm đàm phán. Trước khi đi đến giai đoạn cuối cùng, hai nước đã thống nhất về ranh giới thềm lục địa vào năm 2003, cũng sau các cuộc đàm phán song phương kéo dài hàng chục năm. Ngư dân của cả hai quốc gia thường đụng độ nhau ở vùng biển có tranh chấp vì những tuyên bố chủ quyền tròng chéo.

Trung Hoa cũng khẳng định họ có quyền đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế, dựa trên “đường chín đoạn” mà cộng đồng quốc tế không công nhận.

Trong chuyến thăm cấp chính phủ kéo dài ba ngày, Phúc và Jokowi cũng cam kết tăng thương mại song phương từ 12 tỷ USD hiện nay lên 15 tỷ USD trong 5 năm tới. Đối với Indonesia, Việt Nam là đối thủ cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài mạnh nhất.

Xét về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Indonesia là nền kinh tế lớn nhất ASEAN và lớn thứ 16 trên thế giới. Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực, sau Thái Lan.

Việc thay thế chủ tịch Phúc bằng nữ chính khách trẻ hơn nhiều tuổi Võ Thị Ánh Xuân làm chủ tịch lâm thời đã gay sốc và cho thấy một nỗ lực nhằm tích lũy quyền lực trong giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuân, 53 tuổi, sẽ giữ chức quyền chủ tịch cho đến khi cuộc bầu chọn được tổ chức vào tháng Năm. Dưới thời Phúc, Xuân làm phó chủ tịch. Tuy nhiên, khó có khả năng Xuân sẽ giành được chiếc ghế chủ tịch vào tháng Năm trong giới chính trị do phái nam thống trị ở Việt Nam.

Việc ông Phúc mất ghế sớm diễn ra trong lúc  đảng CSVN đang nỗ lực loại bỏ tham nhũng ở mọi tầng lớp. Nhưng ở các quốc gia phi dân chủ, nơi quyền lực chính trị do một số ít người kiểm soát, những chiến dịch chống tham nhũng thường  dùng để thanh toán đối thủ, giành quyền lực chính trị.

Năm 2022 những hãng thông tấn quốc tế đưa tin  có 539 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam bị thanh trừng hoặc “kỷ luật” vì tham nhũng hoặc “cố ý sai trái”, trong đó có cả cấp bộ trưởng, cán bộ cao cấp và giới chức ngoại giao. Cppng an cũng đã điều tra  453 vụ án tham nhũng, môt con số kỷ lục.

Về kinh tế, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Indonesia nên học Việt Nam về khả năng tạo môi trường thuận lợi cho giới đầu tư, về ưu đãi, cơ sở hạ tầng và thuế thấp, bằng cách loại bỏ càng nhiều rào cản càng tốt.

Năm ngoái, GDP của Việt Nam đã tăng 8%, đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ lạm phát của là 3,85 %. Việt Nam thặng dư tài khoản thương mại là 11,2 tỷ USD và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Những nước đầu tư chính vào Việt Nam là  Nhật Bản, Trung Hoa và Nam Hàn, tương tự như Indonesia.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã dự đoán rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ vào khoảng 6,3% trong năm nay, với lạm phát dưới 5%, trong khi toàn cầu lo ngại về suy thoái kinh tế.

Trong khối ASEAN, Thái Lan có thể tự hào là quốc gia duy nhất chưa bao giờ bị đô hộ, trong khi Indonesia là thuộc địa của Hòa Lan 350 năm và dưới sự đô hộ của Nhật Bản 3,5 năm trước khi tuyên bố độc lập vào ngày 17 tháng 8, 1945.

Tuy nhiên, Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể tuyên bố đã đánh bại ba cường quốc: Pháp, Hoa Kỳ và Trung Hoa. Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam vào  năm 1973 sau nhiều năm chiến tranh đẫm máu.

Sau chiến tranh, Việt Nam thống nhất vào ngày 2 tháng 7 năm 1976. Sài Gòn trở thành Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trở thành thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới.

Trung Hoa và Việt Nam đã có chiến tranh biên giới vào đầu năm 1979.

Năm 1978, Việt Nam xâm lăng Campuchia để lật đổ Khmer Đỏ do Trung Hoa hậu thuẫn và đưa Hun Sen lên làm người lãnh đạo bù nhìn của Việt Nam tại Campuchia. Với sự hỗ trợ hoàn toàn của Việt Nam, Indonesia đã tổ chức các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm giữa một bên là Hun Sen và một bên là Khmer Đỏ, Quốc vương Sihanouk với một nhóm quốc gia khác ở Jakarta và Bogor.

Sau khi Trung Hoa bảo đảm với Indonesia rằng họ đã không còn hỗ trợ cho Khmer Đỏ, Indonesia và Pháp đã tổ chức một cuộc họp dẫn đến Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991. Nếu không có sự hậu thuẫn mạnh từ phía Việt Nam và những thay đổi trong quan điểm của Trung Hoa, cuộc nội chiến kéo dài ở Campuchia có thể xảy ra và chưa kết thúc.

Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995. Các thành viên sáng lập của khối thành lập vào ngày 08 tháng 8 năm 8, 1967, là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines. Năm nay, Timor Leste sẽ trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN.

Quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống Pháp, Mỹ, Trung Hoa và sau đó là những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế khẳng định ASEAN cần Việt Nam như một nguồn cảm hứng và sức mạnh để xây dựng khả năng tự cường và đoàn kết trước các cường quốc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á.

Một Việt Nam ổn định về chính trị có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Tất cả chúng ta đều mong rằng giới tinh hoa của đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi vì lợi ích của người dân Việt Nam, ASEAN và thế giới.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Vietnam’s national leadership struggle will impact ASEAN | Kornelius Purba | The Jakarta Post | February 1, 2023