Quân sử không nói những gì giới phê bình Ukraine nghĩ
Eliot A. Cohen | Trà Mi
Nhận thức sâu sắc về các trận chiến ngày nay nằm ở chính sự khác biệt với các cuộc chiến trong quá khứ đó.
Giới bình luận về cuộc chiến Ukraine cho rằng sự yểm trợ của Mỹ dành cho Ukraine là vô nghĩa hoặc nguy hiểm thường viện đến quân sử. Họ không chỉ thường xuyên hiểu sai mà còn thường xuyên hiểu ngược lại, giải thích trang sử đó thành một trường hợp để Nga có thể thành công.
Christopher Caldwell, chẳng hạn, viết rằng viện trợ của Mỹ nhằm mục đích “quay nhanh lịch sử, từ các trận chiến giành đất trong Thế chiến thứ nhất đến các trận chiến di chuyển trong Thế chiến thứ hai,” và cho rằng dự án này chắc chắn sẽ thất bại. Theo quan điểm của ông, cả Nga và Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu trong một cuộc chiến đặc trưng là những đám binh lính quần áo đầy bùn đất tụ tập trong các chiến hào lạnh cóng trước khi hàng ngàn người thiệt mạng vì những trận bão lửa trên đầu, và một số những chuyến đưa xe tăng của phương Tây đến Ukraine sẽ không chặn được tình trạng đó. Do đó, không kết thúc được cuộc chiến vô ích này bằng cách làm áp lực với Ukraine và éo le thay là lỗi của Mỹ.
Suy diễn này sai chỗ nào? Đầu tiên, việc lính Nga và Ukraine ngồi sát bên đồng đội trong hầm trú ẩn vì phải tránh tình trạng hạ thân nhiệt (lính Nga được trang bị tốt hơn lính Ukraine) là điểm chung của họ với những người lính trong nhiều cuộc chiến khác. Chiến tranh chiến hào không phải là một sự đổi mới của Đại thế chiến, khi nhìn lại các chiến trường Nội chiến ở Cold Harbor và Petersburg sẽ thấy rõ. Sự ra đời của súng trường bắn tầm xa vào giữa thế kỷ 19 đã nhanh chóng dậy cho những người lính biết rằng bắt buộc phải đào giao thông hào càng sớm càng tốt. Họ đã làm như vậy kể từ đó.
Tuy nhiên,tuy nhiên, những đề cập đến Chiến tranh thế giới thứ nhất như của Caldwell thực sự sụp đổ, thực tế là những trận chiến trong Thế chiến thứ nhất, ở giai đoạn kết thúc, không có những cuộc tấn công bàng những làn sóng biển người quen thuộc với chúng ta trong các cuộn phim chiến tranh. Các cuộc tấn công của Đức gần như đã phá vỡ quân Đồng minh vào mùa xuân năm 1918 dựa vào hỏa lực đại bác tầm xa, chính xác, sau đó là các binh đoàn tấn công mở đường xâm nhập để đạt được những bước đột phá về phía trước lên đến 40 dặm. Mùa hè và mùa thu năm đó, các cuộc tấn công của quân Đồng minh đã đập tan hệ thống phòng thủ của Đức, buộc nước Đức phải khởi kiện để đạt được hòa bình. Đây là những cuộc tấn công vũ trang tổng hợp có phương pháp, trong đó bộ binh được xe tăng và máy bay yểm trợ trong các cuộc tấn công đã phối hợp cẩn thận để chiếm đất, từng mảnh một. Họ đã thành công thậm chí còn dứt khoát hơn so với người Đức chỉ sáu tháng trước đó. Các cuộc hành quân này, đối với cả hai bên, đã định hình các chiến thuật dùng trong Thế chiến thứ hai trong các trận chiến như El Alamein, do Bernard Montgomery, một trong những người lãnh đạo trẻ đầy triển vọng của Thế chiến thứ nhất, chỉ huy.
Trận El Alamein lần thứ hai (October 23, 1942 đến November 5, 1942)
Ngược lại, nhiều cuộc tấn công trực diện nhỏ thiệt hại lớn do quân đội Nga chủ động hiện nay kém tinh vi hơn rất nhiều so với các cuộc tấn công của quân Đức hoặc quân Đồng minh năm 1918. Thật vậy, với tất cả bằng chứng, quân đội Nga ngày nay gần như không có khả năng mở những cuộc tấn công kết hợp chiến tranh vũ trang hiện đại ở mức quy mô.
Trên một số phương diện, quân đội Nga hiện nay là quân đội trước năm 1918. Những lệnh bắt được và cách hành quân của Nga cho thấy một đội quân xâm lăng đang cố làm nhiều việc hơn là ồ ạt tiền pháo rồi hậu xung tấn công kẻ thù và sau đó tiến lên, thường chỉ là những cuộc tấn công từng phần, đi vào một máy xay thịt. Hoạt động trinh sát có hệ thống, phối hợp pháo binh và yểm trợ của không quân khi di chuyển, áp dụng hỏa lực chính xác sâu, dùng chiến thuật vũ trang kết hợp và đồng bộ hóa việc điều động các đơn vị lớn dường như nằm ngoài tầm với của phần lớn quân đội Nga. Mặc dù Ukraine không có khả năng phối hợp và điều động theo cách của Quân đội Hoa Kỳ, nhưng họ giỏi hơn lính Nga rất nhiều. Sự thất bại của những đơn vị lính Nga bên ngoài Kyiv, Kharkiv và Kherson tiết lộ nhiều điều.
Nếu lịch sử thực tế của Chiến tranh thế giới thứ nhất không đưa ra lý cớ để bỏ rơi Ukraine, còn Thế chiến thứ hai thì sao? Xét cho cùng, một số cán bộ tuyên truyền của Nga và những người bi quan phương Tây dùng Thế chiến thứ hai là bằng chứng cho thấy hy vọng đánh bại những người kế thừa Hồng quân hùng mạnh là vô ích. Theo quan điểm này, Nga, giống như Liên Xô, là một quốc gia có nguồn lực gần như vô hạn, có khả năng động viên và sắp xếp các ngành kỹ nghệ của họ để làm suy yếu đối thủ. Người Nga, vì dân số đông và chịu được thương vong, tin rằng họ có lợi thế quyết định ngay cả khi họ không tinh vi về mặt chiến thuật. Những người bi quan phương Tây đồng ý.
Nhưng sự so sánh đó cũng không chính xác.
Liên Xô còn sống sót sau Thế chiến II một phần nhờ phương Tây cung cấp nhiều nguyên liệu và quân cụ (gồm 11.000 toa tàu chở hàng đường sắt) mà nước này cần. Nhưng nền kinh tế chiến tranh của Liên Xô tương đối mạnh. Đến cuối năm 1941, ngành kỹ nghệ chiến tranh của Nga đã sản xuất vượt trội so với Đức. Ngày nay, nền kinh tế Nga đang chỉ bằng kích thước của một quốc gia bậc trung châu Âu. Nhà máy kỹ nghệ quân sự của Nga bị hạn chế vì ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đầy rẫy tham nhũng và không thể trang bị đầy đủ cho quân đội ở mặt trận. Trong khi đó, ngành kỹ nghệ quân sự của phương Tây, một doanh nghiệp lớn hơn và phức tạp hơn nhiều, mặc dù huy động quá chậm, đang nâng đỡ, duy trì Ukraine.
Sở dĩ quân đội Liên Xô chiến đấu ác liệt trong Thế chiến thứ hai (và hãy nhớ rằng trong số đó có nhiều người Ukraine), đó là vì họ đang chiến đấu trong một cuộc chiến sinh tồn, phần lớn là trên chính mảnh đất của họ cho đến cuối năm 1944. Nếu một điều không thay đổi trong chiến tranh, đó là tầm quan trọng của ý chí chiến đấu. Sự mất cân bằng trong cuộc chiến này, trái ngược với cuộc chiến năm 1941–45, hoàn toàn có lợi cho Ukraine, vì hàng trăm ngàn người Nga đang trốn quân dịch khi bị động viên cho thấy rõ điểm đó.
Liên Xô đã có thể tái thiết quân đội sau những tổn thất lớn vào năm 1941 một phần vì Đức đang gặp khó khăn do bành trướng quá mức, nhưng chính yếu là do nước này đã có một nền tảng tổ chức khổng lồ để hoạt động. Quân đội của Joseph Stalin có gần 3 triệu người dưới quyền chỉ ở các quân khu phía tây của Liên Xô, cộng với một số nhỏ hơn ở phía đông, hàng trăm ngàn người trong số họ sau đó đã được đưa trở lại phía tây vào cuối năm 1941 và 1942.
Ngược lại, quân đội Nga vào tháng 2 năm 2022 có lẽ có tổng cộng 300.000 binh sĩ, với khoảng 100.000 người khác trong các đơn vị tinh nhuệ hoặc đặc biệt khác nhau—400.000 lính cho cả nước và không có hệ thống trừ bị có tổ chức như cách hiểu của quân đội phương Tây đối với thuật ngữ này. Nói cách khác, quân đội Nga vào năm 2022 có tầm mức nhỏ hơn so với năm 1941 và không có bất kỳ hệ thống động viên hiệu quả nào. Một khi lực lượng đó đã tổn thất tới 100.000 thương vong trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, thì việc xây dựng lại nó chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn. Và sau khi phải gánh chịu thêm 100.000 người sau cuộc “động viên” hỗn loạn trên báo chí trong sáu tháng qua, nó sẽ còn phải đối phó với nhiều trở ngại hơn nữa trong việc tái tạo một đội quân hiện đại.
Bất chấp những cuộc thanh trừng vào cuối những năm 1930, quân đội Nga năm 1941 gồm toàn những thanh niên rắn rỏi từng làm việc lao động trong nhà máy hoặc ở đồng ruộng và thích hợp với các nhiệm vụ quân sự. Họ được các sĩ quan trẻ đang phục vụ trong một nghề danh giá lãnh đạo. Đó không phải là trường hợp của năm 2022. Trong Thế chiến thứ hai, con trai của Stalin phục vụ đât nước trong quân phục và bị bắt. Ngày nay, con trai của giới thượng lưu Nga chạy ra khỏi đất nước hoặc trốn nghĩa vụ quân sự theo những cách ít thơm tho hơn.
Và cuối cùng, Stalin là một nhân vật dân sự lãnh đạo chiến tranh có năng lực hơn nhiều so với Vladimir Putin; Stalin hợp tác chặt chẽ với một bộ tham mưu gồm các sĩ quan có khả năng ngoại hạng. Stalin không bắt họ ngồi cách ông ấy 30 feet.
Chiến tranh thế giới thứ nhất và Thế chiến thứ hai đưa ra những phép loại suy và phép ẩn dụ cho những phản ảnh về cuộc chiến Ukraine, nhưng không phải là khuôn mẫu để hiểu một cuộc xung đột đặc trưng bằng những đám mây máy bay không người lái, hệ thống chỉ huy và kiểm soát tinh vi, hỏa lực tầm xa chính xác và sự trinh sát khắp nơi dựa trên vệ tinh, trong số các hiện tượng đáng chú ý khác—hầu hết tất cả đều có lợi cho người Ukraine. Cuộc chiến này phải được hiểu theo cách riêng của nó, và việc rỏ ra hiểu biết giả tạo về lịch sử chỉ cản trở điều đó.
Như Carl von Clausewitz, lý thuyết gia chiến tranh lỗi lạc và cũng không phải là chuyên gia quân sự tầm thường, đã nói: “Mỗi cuộc chiến đều có nhiều tình tiết độc đáo. Mỗi nơi là một vùng biển chưa được khám phá, đầy đá ngầm.” Chính trong sự khác biệt, cũng như những điểm tương đồng, với các cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ trước, cái nhìn sâu sắc về các trận chiến ngày nay nằm ở đó. Và nhìn chung, những khác biệt đó có lợi cho Ukraine.
Bài báo này trước đây đã nói rằng phương Tây đã cung cấp 11.000 xe vận tải cho Liên Xô trong Thế chiến II. Trên thực tế, đó là số toa xe chở hàng đường sắt đã cung cấp.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Military History Doesn’t Say What Ukraine’s Critics Think | Eliot A. Cohen · The Atlantic | February 15, 2023.