Liệu Pierre Poilievre có thể đưa thông điệp của mình lên trên sự tức giận hay không?
Lawrence Martin | DCVOnline
Allan Gotlieb, cố đại sứ vĩ đại của chúng ta ở Washington, nói, “Là một quốc gia, chúng tôi có khuynh hướng tránh xa những điều cực đoan. Như một số người đã nói một cách dí dỏm, người Canada giống như vichyssoise; chúng tôi lạnh lùng, lai Pháp và khó khuấy động.”
Vậy tại sao Pierre Poilievre lại cố làm chúng ta phát điên lên như vậy? Tại sao tức giận rỉ ra từ tất cả lỗ chân lông của ông ấy? Tại sao người lãnh đạo Đảng Bảo thủ lại khăng khăng muốn trở thành – mượn một cụm từ của cựu phó tổng thống Hoa Kỳ Spiro Agnew – “kẻ hay càm ràm một cách tiêu cực?”
Giới lãnh đạo đối lập tất nhiên phải đối lập. Nhưng đã bao giờ có một người lãnh đạo phe đối lập Bảo thủ nào lại cứ lao đầu theo loại chính trị hủy diệt một cách điên cuồng đến như thế chưa? Brian Mulroney, Bob Stanfield, Joe Clark không như vậy. Stephen Harper rất cay đắng nhưng ông ấy không tham gia vào những cuộc tấn công đối thủ như Pierre, học trò của mình. John Diefenbaker có thể vung rìu nhưng nó thường chỉ để dọa. Đa số chỉ là đóng kịch.
Với Pierre, người phân cực, chỉ có một bài trong cẩm nang. Thế tấn công. Chạy khắp cùng đất nước và đổ tất cả những tai ương của nó là lỗi của Justin Trudeau. Thủ tướng có “quan điểm đê hèn và phân biệt chủng tộc.” Ông ta phải chịu trách nhiệm về tỷ lệ giết người gia tăng. Việc heroin tràn ngập đường phố British Columbia cũng là một phần là lỗi của ông ta. Chúa ơi! Còn gì tiếp theo? Bệnh cây du Hà Lan? Ông ấy cũng sẽ đổ cho “Justin” luôn chứ? Còn sự giảm sĩ số những đàn trâu một thời dũng mãnh trên vùng thảo nguyên nữa?
Nhưng ông Poilievre có thể phải kiềm chế về việc lạm phát. Nó đã tăng lên tới 8,1 phần trăm. Tất nhiên, đây là lỗi của Trudeau. Nhưng hiện tại nó đã giảm xuống còn 4,3% và đang trên đà giảm xuống thấp hơn nữa. Có phải đó là tại Trudeau nữa hay không?
Ông Poilievre là một chính khách chuyên nghiệp với ít kinh nghiệm quý giá trong thế giới thực. Có một vấn đề với nhiều người trong số những người này. Họ đã đắm chìm trong đấu tranh chính trị kể từ ngày đầu tiên. Đó là về tất cả những gì họ biết. Họ không thể suy nghĩ bên ngoài cái hộp bởi vì họ đã luôn luôn ở trong hộp.
Thủ lĩnh đang Bảo thủ khôn ngoan, tài giỏi, ăn nói lưu loát. Nhưng dưới sự dàn dựng của cố vấn Jenni Byrne, người chuyên về chính trị vớ vẩn, ông ta cố tình hạ thấp trí tuệ của mình để nhắm mục tiêu vi mô và kích động cơ sở dân túy cực hữu của mình.
Đó là một màn kịch. Ông ấy có thể vươn cao hơn nữa. Ông ấy mới 43 tuổi. Thay vì làm bất cứ điều gì hơi giống với chính trị của Donald Trump đã chia rẽ nước Mỹ một cách tàn nhẫn, ông Poilievre nên ủng hộ một chủ nghĩa bảo thủ thống nhất. Ông ấy nên quan tâm đến chính trị mới, và ông ấy nên có một chút tự trọng, trí tưởng tượng, và sự khiêm tốn.
Chính phủ Trudeau cũng có thể bị coi là mệt mỏi, tập trung quá mức và mất định hướng. Sự nguy hiểm của thông minh nhân tạo ly khai, việc tạo ra những kẻ chủ mưu vĩ đại hơn chính chúng ta, đang trở thành vấn đề của thời đại của chúng ta. Nhưng chính phủ Trudeau hầu như không nói một lời nào về các bot biến hình như ChatGPT.
Và ông Poilievre đang nói về cái gì? Đắm mình trong suy nghĩ cũ rích, ông ấy đang than vãn về việc CBC – vừa tiết lộ câu chuyện về việc ông Trudeau đi nghỉ ở Jamaica với một nhà tài trợ giàu có cho Quỹ Trudeau (cha) – là một cơ sở tuyên truyền của Đảng Tự do. Như người lãnh đạo NDP Jagmeet Singh lưu ý, mạng thông tin công cộng đã trở thành “nỗi ám ảnh cá nhân” của ông Poilievre, người mà theo ông, đã cáo buộc “sai trái” là những nhà báo đã thiên vị.
Về chủ đề truyền thông do nhà nước tài trợ, chúng tôi chưa từng nghe ông Poilievre đề cập đến chuỗi báo Postmedia bảo thủ, trong đó gồm cả những tờ báo cực kỳ chống Trudeau như Sun. Postmedia đã nhận được hàng chục triệu đô la tài trợ của chính phủ Trudeau trong vài năm qua, các khoản trợ cấp mà Giám đốc điều hành Andrew MacLeod của Sun đã nói với các cổ đông là rất quan trọng đối với lợi nhuận của nó.
Postmedia là cơ sở truyền thông thống trị trong nước. Nó dùng phần lớn nhàn báo trong giới bình luận chính trị của Canada, những người hầu như không mềm mỏng với ông Trudeau. Ông Poilievre có vấn đề với điều đó không? Hoặc ở Quebec, nơi Quebecor của Pierre Karl Péladeau theo đường lối trung hữu là cơ sở báo chí lớn nhất.
Bao nhiêu lý do cho sự thù địch của người đàn ông tức giận đó là chính đáng? Có thực sự ông ấy bị xử ép như vậy hay không?
Ông Poilievre và đảng của ông có lợi thế khi đối mặt với một chính phủ của Trudeau đang ngày càng già nua, mệt mỏi. Lập luận về thời điểm thay đổi có thể có lợi cho ông Poilievre. Nhưng nếu người lãnh đạo đảng Bảo thủ muốn tận dụng lợi thế, ông ta phải thoát khỏi cơn giận dữ và chứng tỏ rằng ông có một số phẩm chất của một chính khách. Người Canada muốn nhiều hơn một người vô địch về việc cố ý xúi giục xung đột, thù địch hoặc tranh cãi.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Will Pierre Poilievre ever move his message beyond anger? | Lawrence Martin | G&M | April 19, 2023.