Tản mạn về World Cup nữ 2023
Nguyễn Văn Lục
Vì thế, bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến những điểm tích cực đến các đội bóng nữ. Kể cả những đội bóng như những “viên gạch lót đường” như trường hợp Việt Nam, cả ba trận đều thua trước những đội giỏi hàng đầu như đội tuyển túc cầu nữ của Mỹ. Họ hơn đội tuyển Việt Nam bất cứ về phương diện nào, từ chiều cao, đến thể lực, về sức chạy, về kỹ thuật chặn banh, lừa bóng, chuyền banh chính xác, chọc khe, chân phải chân trái đều thuận, v.v..
Kinh nghiệm cá nhân về môn bóng tròn
Tôi vốn mê đá bóng ngay từ hồi còn nhỏ ở Hà Nội. Ngày nghỉ học, chừng năm sáu đứa quần nhau một quả bóng bằng nhựa ọp ẹp, chơi cả nửa ngày, đi chân đất, trên sân gạch mà không biết mệt.
Bẵng đi khi di cư vào miền Nam, sân không có, bạn cũng không đành xem “đá banh cọp” hoặc công kênh nhau trèo tường, hay chui qua hàng rào kẽm gai, nhất là khi có các trận cầu Quốc tế đá với Thái Lan, Lào, Nhật. Cách này coi bộ nguy hiểm quá. Tốt hơn hết là ba bốn đứa rình người canh bận bán soát vé khách, rồi hùa nhau chui qua háng ông ta để vào sân Vận động Cộng Hòa. Ông la, ông hét, nhưng không dám đuổi theo vì sợ người khác ùa vào theo.
Hồi ấy, tôi còn nhớ vài cầu thủ nổi tiếng như Đỗ Cầu, Phạm Huỳnh Tam Lang, thủ môn Phạm Văn Rạng. Cầu thủ Tam Lang được coi như thần tượng của giới trẻ. Những trận đấu đều được tường thuật trên những trang Thể thao của báo đăng hàng ngày.
Nhưng, tôi cũng không thể quên mà không thể không nhắc tới ký giả thể thao Huyền Vũ. Ông là người miền Nam, giọng sang sảng và có sức lôi cuốn mãnh liệt, tường thuật các trận đấu trên Radio, phân tích thế trận đôi bên, mặt yếu mạnh, thế tấn công một cách khách quan và rành rẽ.
Nhưng nghe rất hồi hộp, dồn dập, đầy kịch tính và hấp dẫn như thể được coi trận đấu đang diễn ra trước mặt trên sân Vận động Cộng Hòa..Nhất là khi có các trận cầu Quốc tế đá với Thái Lan, Lào, Nhật.. và giải vô địch giải Merdeka.
Thiển nghĩ, chắc khó có thể ai thay thế ông được. Vì dá banh đã trở thành tim óc của ông rồi. Ông sống với nó và chết với nó. Ông trở thành tấm gương cho các thế hệ sau bắt chước và noi gương.
Về phần Tam Lang, ông chính là người mang cúp vô địch trong giải Merdeka, Đông Nam Á về cho bóng đá Việt Nam. Ngưới ta đón ông như đón một người hùng.
Tuy nhiên, lương bổng của ông cũng như đồng đội chỉ đủ sống ít ỏi, vì không người tài trợ, không mạnh thường quân nên cuộc sống các cầu thủ nghèo nàn không giống với bây giờ mà cầu thủ giỏi có thể có máy bay riêng, biệt thự sang trọng, xe hơi đủ kiểu. Mỗi thời mỗi khác.
Thế giới ngày nay với nhiều biến động xã hội không cắt nghĩa được. Nghề đá banh cũng biến đổi theo thời thế cộng với dân số gia tăng, truyền thông rộng rãi, thông tin đa chiều.
Mặc dầu một trái banh vẫn chỉ là một trái banh mà đường kính của nó là 22 cm, nặng khoảng 410 đến 450 grams, nhưng sức mạnh của nó đem miền đam mê, cảm xúc, nỗi vinh nhục có thể cho cả một dân tộc.
Không lạ gì mà nhà văn Albert Camus, bạn đời cùng với J.P. Sartre đã phải thú nhận như thế này: “Tout ce que je sais de plus sûr à propos de la moralité et des obligations des hommes, c’est au football que je le dois.” (Điều mà tôi biết hơn hết về luân lý và trách nhiệm của con người, chính là do đá banh.)
Đúng vậy, mặt trái, mặt phải của của trái banh chỉ là những phản ứng đời thường của con người. Thua được là chuyện bình thường. Sự khen chê, sự phẫn nộ đặt nặng trên vai của hơn 20 cầu thủ có mặt trên sân. Khán giả ngồi trên khán đài hò hét, đánh trống, thổi khèn, kéo chuông. Họ lao ra, phét lác, ngay cả chửi thề, ra lệnh cho cầu thủ phải đá thế này, thế kia theo ý họ. Nếu không được như ý, họ văng tục, chửi thề.
Vậy thì vì lý do gì những cầu thủ như Messi, Ronaldo, Mesut Ozil hay Kylian Mbappé, gánh nặng trên vai họ trái banh như cả ngàn cân? Phải chăng cần đặt đúng vai trò “chơi” và “xem” thể thao cho đúng mực? Chơi là bổn phận, xem chỉ là giải trí hẳn khác nhau chứ? Thúc ép nhau với những đòi hỏi “quá sức người” như K. Mabappé đã chạy với tốc độ 37km/giờ trên sân cỏ. Thế nào là đủ, thế nào là chưa đủ đối với cầu thủ và đối với người hâm mộ?
Tôi thiển nghĩ có một nền “văn hóa xem rất phường chèo”! Xem đá banh, xem đánh Tennis, xem Thế Vận Hội, xem trình diễn hoa hậu, xem lễ như thể xem ciné như một thế giới phi thực?
Nhiều người đã thức cả năm đêm liền, bỏ bê mọi công việc, hoãn mọi công việc, kể cả chuyện giải trí khác như cờ bạc, ăn nhậu, rượu chè. Trưởng cơ quan hoãn việc họp hành, bày kế sách để xem đá banh.
Tất cả cho đá banh, duy nhất vì đá banh. Niềm đam mê coi đá banh đến nỗi có thể đã ru ngủ cả một dân tộc tạo thành những giấc mơ điên cuồng!
Mà thật ra trái banh muôn đời vẫn chỉ là một trái banh. Nó không thể lớn, không thể nhỏ và không thể đặt cược tương lai một đất nước vào nó.
Chưa kể trường hợp một nước Pháp thắng giải vô địch mà có đến 21 cầu thủ gốc Phi Châu. Đó là trường hợp cầu thủ thượng thặng Kylian Mbnappé mặc dầu sinh đẻ ở Pháp, nhưng bố mẹ gốc Cameroune. N’Golo Kanté gốc Mali, Paul Pogba gốc Guinée, Blaise Matuidi gốc Angola, Antoine Griezmann, gốc Sénégal… Và chỉ cần để ý xem lúc họ chào quốc kỳ Pháp mà nhiều người chỉ nhích môi để nhận biết họ là ai.
Vậy thì thử hỏi xem chiến thắng là của nước Pháp hay các nước Phi Châu? Và như ở Marseille, có nhiều khu ổ chuột với dân cư đủ loại quốc tịch và nếu thua đá banh, làm thế nào giải quyết được những rối ren của tinh thần bài ngoại?
Tôi cũng mong muốn bạn nào có thời giờ tham khảo thêm cuốn: “Histoires des Francais venue d’ailleurs de 1850 à nos jours”. (Lịch sử những người Pháp đến từ những nơi khác từ 1850 đến ngày hôm nay) của tác giả Vincent Viet.
Hiểu như thế mới hiểu được nước Pháp là một nước đa chủng tộc đến từ nhiều vùng khác và trở thành một quốc gia đa văn hóa mà lúc nào cũng như một thùng thuốc súng chưa nổ, đầy biến động. Biểu tình, bạo động là chuyện cơm bữa của người Pháp!
Thôi thì đành chịu vậy trước gánh nặng lịch sử mà tổng thống, thủ tướng nước Pháp nào gánh nổi? Sự trì trệ và thiệt hại về kinh tế đè nặng trên dân tộc Pháp mà kẻ chịu trận trước tiên là những người đã tham dự biểu tình?
Và chỉ còn mong mỏi ở thế đường cùng là làm thế nào đạt được điều mà thi hào Goethe khi ông viết:
„Da, wo wir lieben, ist Vaterland.“
Johann Wolfgang von Goethe.
(Ở đó, nơi mà chúng ta yêu mến, là quê cha).
Mong là như vậy.
Đội banh World Cup nữ 2023 phá vỡ nhiều biên cương
Chúng ta không thể ngờ được rằng những rào cản luân lý đã một thời đè nặng trên con người khe khắt đến khó tin; tôi dẫn chứng ở đây như một bằng chứng mang tính biểu tượng. Tôi đọc được một lá thư đăng trên tờ Nam Phong, số 142, tháng 9, năm 1929 của một bà mẹ gửi cho con gái đi du học. Đọc mà sửng sốt.
“Trong lá thư gửi cho mẹ ở Singapore, con có nói ở trên tàu, con có nghe một bà Pháp chơi đàn Piano hay lắm. Tới Paris, thế nào con cũng học. Đờn Tây mẹ không muốn con học. Khiêu vũ, mẹ lại càng không muốn con tập. Một người đàn bà Annam, nhảy đầm trước mắt mẹ, chẳng những là không đẹp mà còn dơ nữa.”
Chết thật. Nhảy đầm như con gái Hà Nội thời ông Hồ nhảy sol,đố, mì chẳng những không đẹp mà còn dơ nữa! Cháu ngoan bác Hồ đâu rồi? Lên tiếng đi.
Cho nên không lạ gì, những cô gái đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup gặp nhiều trở ngại. Nội chỉ chơi đá banh với bọn trẻ trai trong làng đã thấy “dơ” huống hồ còn phải xa nhà lên tỉnh tập luyện. Tạm thời gác mọi truyện ăn quà vặt, truyện giải trí, truyện trai gái, truyện “thân phận đàn bà” như kinh nguyệt, truyện vú ví, truyện phía trên, phía dưới phải che chắn làm sao, chuyện tóc dài tóc ngắn như con trai, chuyện ăn mặc son phấn làm đẹp để chỉ chuyên chú vào tập luyện.
Tất cả phần thân thể đàn bà trong “biện chứng khép mở” qua chiếc áo dài e ấp thời nữ sinh tinh tuyền mà vẫn hấp dẫn gợi phái tính trong tư thế ngồi trên xe đạp khép hai đùi hoặc nhất là một thời con gái trên chiếc xe Solex cong cớn và diệu vợi. Con gái vàng son của một thời- một thời đã qua và đã mất, không bao giờ trở lại nữa. Thật buồn, tôi không thấy có dịp được nhìn những đường cong thân thể trong chiếc áo dài con gái nữ sinh đã một thời mê hoặc.
Tôi cũng rất tiếc là không dễ mấy ai trong số họ hiện nay bầy tỏ góc đời thầm kín này trong “thân phận đàn bà” như kinh nguyệt, vú ví như đã nói trên. Vì thế, nhiều cô đến tuổi lấy chồng vẫn “phòng không lẻ bóng” mà tương lai có thể lỡ làng. Sự hy sinh của các cô gian lao biết là chừng nào. Vì thế, có một trong số các cô ấy cảm thấy hạnh phúc, được đền đáp cha mẹ, khi “lần đầu tiên bố mẹ được đi máy bay”.
Từ đó suy ra các cô gái Phi Châu phải chăng cũng cùng hoàn cảnh! Có thể miễn trừ các cô gái Tây Phương vốn tự do, phóng khoáng và cởi mở trong phạm vi luyến ái?
Ngày nay, mọi người còn đều nhận ra rằng con đường thăng tiến của các cô gái Việt Nam và Phi Luật Tân tham dự World Cup xem ra thuận lợi hơn nhiều. Họ đi những con đường tắt với nhiều lối vào còn thông thoáng, còn nhiều chỗ lồi lõm, ít cạnh tranh và ít tính chuyên nghiêp?
So với các cầu thủ nam mà con đường vào World Cup thật gian nan mà mọi lối vào đều có rào cản, có những đỉnh cao chắn lối với những lực sĩ chuyên nghiệp với bề dày về thể lực, về chiều cao, về kỹ thuật, về tiền bạc, về kinh nghiệm truyền thống lịch sử. Cho nên, con đường vào World Cup của cầu thủ nam của Việt Nam có thể còn xa vời và chưa biết bao giờ đạt được.
Cách phá rào của các đội tuyển nữ ấy còn thể hiện trong các đội tuyển bóng chuyền, bóng rổ, tennis, nhất là bơi lội và thể dục thẩm mỹ với các màn nhào lộn, thân hình uốn éo đẹp mắt mà các đội nam dễ sánh bì. Sự cân tài, ngang sức biểu lộ cá tính và sự hiên ngang trên mỗi khuôn mặt làm cho nhiều người phải cúi đầu kiêng nể.
Phụ nữ vươn lên, phụ nữ vượt trội không phải chỉ bằng sắc đẹp mà còn bằng tài năng và ý chí và sự thành công ở đời trong tư cách một người phụ nữ tự tin vào bản thân mình, độc lập trong đời sống vật chất cũng như tinh thần.
Hết rồi cái thời “ thiếp trong cửa sổ, chàng ngoài chân mây”.
Nhận định vể túc cầu nữ trong World Cup 2023
Trong phần này, tôi sẽ không bàn đến việc ai thắng, ai thua. Đó là việc của chuyên gia không phải việc của tôi.
Chỉ thấy rằng trong bóng tròn nữ ngày hôm nay có nhiều kịch tính bất ngờ, vượt cả những tiên đoán và thống kê đời thường. Có nhiều đội bóng nữ kể như còn chân ướt chân ráo — kể như vô danh –kể như những viên gách lót đường đã tạo nên nhiều bất ngờ, vượt suy đoán của nhiều người.
Chính ở đó làm người hâm mộ bóng đá nữ say mê và theo dõi các trận đấu.
Lại nữa bởi vì trong bóng đá, sự cách biệt giữa thắng — thua khoảng cách không gian chỉ một vài millimet hay một khoảng tích tắc. Một quả banh bật xà ngang đụng xuống đường chỉ vôi có thể là ở ngoài mà cũng có thể ở trong. Mắt trọng tài không thấy rõ, nay cần đến VAR mới quyết định được. Có những trận cầu căng thẳng giữa đôi bên, đá thêm giờ, cả trận dài đến 120 phút vẫn không phân thắng bại, phải thay nhau đá phạt như giữa trường hợp Mỹ-Thụy Điển.. Kết quả Thụy Điển thắng 5-4. Mỹ sau bốn lần vô địch thế giới, phải khăn gói lên đường. về nước.
Thật sự tôi không muốn nhìn thấy cảnh tượng này giữa kẻ thắng-người thua.
Vì thế, bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến những điểm tích cực đến các đội bóng nữ. Kể cả những đội bóng như những “viên gạch lót đường” như trường hợp Việt Nam, cả ba trận đều thua trước những đội giỏi hàng đầu như đội tuyển túc cầu nữ của Mỹ. Họ hơn đội tuyển Việt Nam bất cứ về phương diện nào, từ chiều cao, đến thể lực, về sức chạy, về kỹ thuật chặn banh, lừa bóng, chuyền banh chính xác, chọc khe, chân phải chân trái đều thuận, v.v..
Vì thế, đội banh nữ Việt Nam ngay cả khi thua cũng có thể có quyền ngẩng mặt, niềm hãnh diện riêng của họ, vì đây là lần đầu họ có mặt trong World Cup, nhưng họ vẫn thi đấu hết mình từ một nước nhược tiểu mà nhiều tuyển binh nữ con nhà dân quê, kiếm không đủ ăn, sức vóc đâu mà đọ với các tuyển nữ khác?
Họ sẽ lớn lên như Nhật chẳng hạn. Một ngày không xa?
Nếu có trách ai thì trách cái đất nước mà họ sinh ra và lớn lên theo cái kiểu: Đảng lãnh đạo, nhà nước làm chủ, nhân dân quản lý! Khi thắng thì Đảng chường mặt ra, tuyên bố rùm beng, chụp hình che chắn các tuyển thủ. Khi thua thì thụt vòi, im lặng.
Có một điều mà hình như dư luận cả thế giới không quan tâm, chỉ chú tâm đến kết quả ai thắng, ai thua. Đó là bằng một cách nào đó, gián tiếp cũng được, cho thấy rằng giới phụ nữ với hơn 500 cổ động viên tham dự, đủ các quốc tịch minh định rằng: “Đây là một cuộc giải phóng phụ nữ” khỏi lệ thuộc nam giới và không cần những cuộc biểu tình, xuống đường, hoặc các các bản Tuyên ngôn Nhân quyền về quyền bình đẳng con người.
Không ai bảo ai, họ khẳng định họ là những ngôn sứ cho quyền bình đẳng giới tính. Họ Là Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Gia Nã Đại, Tây Tây Lan, Ba Tây, Đan Mạch, Australia, Tây Ban Nha, Argentina, Ý, Bồ Đào Nha, Norway, hay Nam Phi, Colombia, Nhật, Tàu, Việt Nam, Jamaica, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Haiti, Costa Rica.
Những nước có truyền thống “ vô địch” trong túc cầu Nam như Brazil, Argentina, Đức, Ý giờ này họ đang ở đâu? Phải chăng bóng đá Nam và Nữ khác nhau ở điểm này: Điểm cơ hội dành cho nhiều đội còn son trẻ chưa trưởng thành?
Không hẹn mà gặp, họ cùng đứng lên trong niềm tin vào quyền làm người. Chẳng những trong bộ môn bóng đá mà còn trong các bộ môn khác như quần vợt, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, thể dục thẩm mỹ.
Họ vẫn chứng tỏ họ là ai, họ có mặt trong thế giới loài người mà họ chiếm nửa phần dân số của nhân loại.
Tôi xin cúi chào trước các nữ cầu thủ trong kỳ Wold Cup 2023 mà sức hấp dẫn lôi cuốn chẳng có gì thua kém các kỳ Word Cup của Nam giới.
Khẳng định chỉ một điều là: Chúng tôi có mặt. Chúng tôi đang ở đây lúc này trước mặt toàn thể thế giới.
Điều thứ hai không nói ra, nhưng ai cũng thừa hiểu rằng không có một bóng nữ nào thuần chủng cả. Bất kỳ đội bóng tròn nữ nào, nhất là những đội banh nữ của những nước Tây Phương tiên tiến thì trong đội của họ có pha trộn nhiều sắc tộc. Điều này làm giảm bớt mối căng thẳng da mầu, sắc tộc đem lại không khí hợp tác và chia xẻ. Thắng thì họ ôm nhau bất kể mầu da. Thua thì họ quàng tay nhau như cùng chung số phận. Đây là hai điểm làm nổi bật tính chất đa diện, đa văn hóa của kỳ World Cup nữ năm 2023.
Tôi viết bài này như một lời chia tay, chưa biết ai là kẻ thắng cuộc, ai là kẻ thua cuộc.
Hẹn kỳ World Cup bốn năm tới với nhiều hứa hẹn mới.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả DCVOnline hiệu đính và trình bầy