5 điểm đáng lưu ý trong chuyến công du của Joe Biden đến G20 và Việt Nam

Kevin Liptak | DCVOnline

New Delhi (CNN) — Tổng thống Joe Biden sắp kết thúc chuyến công du chớp nhoáng tới Ấn Độ và Việt Nam để tham dự một loạt cuộc họp thượng đỉnh nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Hoa tại những nước đang phát triển.

Tại G20 ở New Delhi và một lần nữa ở Hà Nội, Biden đã dùng sự có mặt của mình ở châu Á để chứng tỏ rằng Mỹ là đối tác đáng tin cậy và đáng tin cậy hơn Bắc Kinh, mặc dù ông nhấn mạnh rằng ông không muốn có Chiến tranh Lạnh mới với Trung Hoa. Biden nói,

“Tôi không muốn be bờ Trung Hoa, tôi chỉ muốn bảo đảm rằng chúng tôi có mối quan hệ thẳng thắn với Trung Hoa và mọi người đều biết nó là gì . Chúng ta có cơ hội củng cố liên minh trên toàn thế giới để duy trì sự ổn định. Đó chính là mục đích của chuyến đi này, giúp Ấn Độ hợp tác nhiều hơn với Hoa Kỳ, gần gũi hơn với Hoa Kỳ, Việt Nam gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Đó không phải là việc kiềm chế Trung Hoa. Đó là về việc có một căn cứ ổn định – một căn cứ ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Joe Biden

Khi nói chuyện với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm Chủ nhật, ông Biden đã nhấn mạnh điểm này:

Joe Biden và Nguyễn Phú trọng trên khán đài trước Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, 10 tháng 9, 2023. Nguồn: https://www.agenzianova.com/

 “Tôi nghĩ chúng ta có một cơ hội thật lớn. Việt Nam và Hoa Kỳ là những đối tác quan trọng vào thời điểm mà tôi cho là rất quan trọng. Tôi không nói như thế vì lịch sự. Tôi nói như vậy vì tôi nói từ tận đáy lòng mình.”

Joe Biden

Ông đề cập đến chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu, đồng thời ca ngợi “khát vọng về một tương lai hòa bình hơn, an ninh tốt hơn và thịnh vượng hơn.”

“Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được điều đó. Đây có thể là bước khởi đầu cho một kỷ nguyên hợp tác thậm chí còn lớn hơn.”

Joe Biden

Nhưng bất chấp hy vọng của Biden, vẫn có những dấu hiệu rạn nứt đang diễn ra trong địa chính trị hiện tại, cả tại hội nghị thượng đỉnh G20 và ở Hà Nội. Dưới đây là năm điểm cần lưu ý trong chuyến đi của tổng thống Mỹ tới New Delhi và Hà Nội.

Mỹ ca ngợi tuyên bố của G20 về Ukraine dù nhẹ nhàng hơn mong đợi

Giới lãnh đạo đã cố đồng ý với một tuyên bố chung, đưa ra những quan điểm chung về biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế nhưng đã cho thấy những rạn nứt trong khối G20 như không rõ ràng lên án việc Nga xâm lăng Ukraine.

Giới ngoại giao đã làm việc cật lực để soạn thảo một tuyên bố chung cuối cùng trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh nhưng gặp trở ngại về ngôn ngữ để mô tả cuộc chiến Ukraine. Giới chức của G20 cho biết họ đã họp suốt 300 giờ và duyệt qua 15 bản dự thảo để đi đến thống nhất cuối cùng.

Tuyên bố thỏa hiệp cuối cùng giống như một cuộc đảo chính đối với người chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhưng vẫn phản ảnh một quan điểm mềm mỏng hơn nhiều so với quan điểm mà Hoa Kỳ và những đồng minh phương Tây của Ấn Độ đã tự họ áp dụng.

Bản tuyên bố viết: “Tất cả những quốc gia phải kìm lại đe dọa hoặc dùng vũ lực để giành được lãnh thổ”, mà không nói rõ Nga là kẻ xâm lăng. Bản tuyên bố đó cũng nêu rõ G20 phản đối việc sử dụng vũ khí hạch tâm và nhấn mạnh những hậu quả về kinh tế vì chiến tranh.

Phản ảnh sự rạn nứt sâu đậm giữa những quốc gia G20, tuyên bố thừa nhận “có những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình.”

Tuyên bố này đã nhận được Hoa Kỳ ca ngợi. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan gọi tuyên bố này là một “cột mốc quan trọng với vai trò chủ tịch của Ấn Độ và là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm rằng G20 có thể cùng nhau giải quyết một loạt vấn đề cấp bách.” Sullivan nói

“Tuyên bố của G20 gồm một loạt những đoạn văn do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine. Và theo quan điểm của chúng tôi, họ đã làm rất tốt việc ủng hộ nguyên tắc những quốc gia không thể dùng vũ lực để chiếm lãnh thổ.” 

Jake Sullivan

Tuy nhiên, ngôn ngữ này khác với tuyên bố của G20 năm ngoái, trong đó tuyên bố “hầu hết những thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine.”

Nga, một thành viên của G20, sẽ phải đồng ý về bất kỳ tuyên bố đồng thuận nào về Ukraine. Nga và Trung Hoa đã phản đối ngôn từ mạnh hơn trong tuyên bố cuối cùng, khiến bất kỳ thỏa thuận nào cũng trở nên khó khăn. Không có hội nghị thượng đỉnh G20 nào kết thúc mà không có một tuyên bố chung nào đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko chỉ trích tuyên bố này. Ông viết trên Facebook:

Ukraine rất biết ơn những đối tác đã cố gắng đưa ngôn ngữ mạnh vào bản tuyên bố. Đồng thời, G20 không có gì đáng tự hào ở phần Nga gây hấn với Ukraine. Rõ ràng, sự tham gia của phía Ukraine sẽ giúp những bên tham gia hiểu rõ hơn về tình hình. Nguyên tắc ‘không có gì về Ukraine mà không có Ukraine’ vẫn là vấn đề then chốt hơn bao giờ hết.” 

Oleg Nikolenko

Biden đưa ra giải pháp thay thế cho Một Vành đai Một Con đường của Trung Hoa

Biden hy vọng dùng những thông báo mới về cơ sở hạ tầng và đầu tư mới để thể hiện cam kết của Hoa Kỳ với thế giới đang phát triển và là một lựa chọn hợp tác tốt hơn Trung Hoa. Ông tuyên bố mở một hành lang kinh tế mới sẽ kết nối Ấn Độ, Trung Đông và Châu Âu vào thứ Bẩy.

Những kế hoạch này có thể biến đổi thương mại toàn cầu và thách thức trực tiếp sức mạnh của Trung Hoa.

Sáng kiến phát triển rộng lớn ở nước ngoài, được gọi là Một Vành đai Một Con đường, đã đổ hàng tỷ đô la vào những dự án cơ sở hạ tầng mỗi năm.

Mặc dù dự án gồm có việc xây dựng cơ sở hạ tầng tích hợp, nhưng tổng thống Mỹ cho biết nó “không chỉ đơn thuần là đặt đường rầy”, khi nói chuyện với một nhóm trong giới lãnh đạo toàn cầu  gồm Vương quốc Anh, Nhật Bản và những Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Biden nói

“Đó là về việc tạo việc làm, mở mang thương mại, củng cố chuỗi cung ứng, thắt chặt liên hệ, đặt nền móng giúp củng có thương mại và an ninh lương thực cho người dân ở nhiều quốc gia. Đây là một quyết địnhthay đổi hoạt động đầu tư trong khu vực và… những bước tiến lớn về phía trước.” 

Joe Biden

Mỹ cho biết sáng kiến Một Vành đai Một Con đường dùng những biện pháp cưỡng chế cho vay đối với những dự án cơ sở hạ tầng ở những nước đang phát triển, một cáo buộc mà Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận. Tương tự, những đề nghị của Biden về cải cách Ngân hàng Thế giới cũng nhằm mục đích mang lại một thỏa thuận tốt hơn cho những nền kinh tế mới nổi.

Nước chủ trì hội nghi G20 thất vọng vì sự vắng mặt của Tập và Putin

Giới chức Toà Bạch Ốc nói đó là một “sự thất vọng” đôi với Ấn Độ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình không tham gia hội nghị thượng đỉnh, nhưng nói thêm rằng Hoa Kỳ dự định coi đây là cơ hội để củng cố quan hệ với những quốc gia còn lại đã tham dự. Phó phụ tá tổng thống và điều hợp viên của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell nói với những phóng viên ngay sau cuộc gặp của Biden với Modi,

“Tôi nói rằng tôi nghĩ đối với đối tác Ấn Độ của chúng tôi, họ rất thất vọng vì họ (Nga Hoa) không có mặt ở đây và rất biết ơn vì chúng tôi có mặt ở đây.”  

Kurt Campbell

Đây là lần đầu tiên Tập bỏ lỡ một hội nghị G20 kể từ khi nhậm chức vào năm 2012. Mặc dù về mặt nào đó, cơ hội đó đã mất – Biden và Tập đã gặp nhau hàng giờ tại G20 năm ngoái ở Bali – điều đó cũng tạo điều kiện cho Mỹ đưa ra lập luận của mình cho quan hệ đối tác của Mỹ.

Vào thời điểm mà tình trạng rất mong manh của nền kinh tế Trung Hoa đang gây ra mối lo ngại sâu đậm về những ảnh hưởng lan tỏa toàn cầu, Biden hy vọng có thể dùng sức mạnh tương đối của thị trường Mỹ để chào hàng của mình. Campbell cho biết có “những cơ hội không thể phủ nhận” đối với Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh với những nhân vật lãnh đạo đang tham dự – và những người không tham dự.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi hoàn toàn có ý định củng cố và thắt chặt thêm mối quan hệ của mình, và chúng tôi đặc biệt để Trung Hoa thảo luận và giải thích lý do tại sao họ không có mặt ở đây. Đó thực sự là việc của họ.”

Kurt Campbell

Biden cố kéo Việt Nam lại gần Mỹ

Chuyến đi của Biden tới Hà Nội là cố gắng mới nhất của ông nhằm kéo một trong những nước láng giềng khác của Trung Hoa lại gần Hoa Kỳ hơn. Chỉ trong 5 tháng qua, Biden đã tiếp đón tổng thống Philippines tại Toà Bạch Ốc lần đầu tiên sau hơn mười năm; ông đã đãi thủ tướng Ấn Độ một bữa quốc yến xa hoa; và ông đã đón tiếp những người đồng cấp Nhật Bản và Nam Hàn tham dự một hội nghị thượng đỉnh chín muồi mang tính biểu tượng tại khu nghỉ mát của tổng thống ở Trại David.

Theo những giới chức chính phủ Mỹ quen thuộc với vấn đề này, trang mới nhất trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sẽ đến từ việc thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, đưa Hoa Kỳ ngang hàng với những đối tác cấp cao nhất của Việt Nam, bao gồm cả Trung Hoa.

Ở Việt Nam, không chỉ Trung Hoa mới có ảnh hưởng mà Biden đang cạnh tranh. Khi ông đến, có tin cho rằng Hà Nội đang chuẩn bị bí mật mua vũ khí từ Nga, nước cung cấp vũ khí lâu năm cho Hà Nội. Một viên chức chính quyền cao cấp cho biết hôm thứ Hai, Biden có kế hoạch công bố những bước giúp Việt Nam đa dạng hóa, thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào vũ khí của Nga.

Việc nâng cao quan hệ Mỹ-Việt mang ý nghĩa to lớn do lịch sử phức tạp của Washington với Hà Nội. Hai nước đã đi từ chỗ là kẻ thù không đội trời chung trong một cuộc chiến tàn khốc trở thành  đối tác ngày càng thân thiết, ngay cả khi Việt Nam vẫn dưới sự cai trị của đảng Cộng sản — phe chiếm ưu thế trong cuộc chiến và khiến quân đội Hoa Kỳ phải rút lui khỏi đây.

Khi nền kinh tế Trung Hoa chậm lại và lãnh đạo nước này thúc đẩy những hoạt động gây hấn quân sự, Biden hy vọng những điều đó sẽ khiến Hoa Kỳ trở thành một đối tác hấp dẫn và đáng tin cậy hơn. Tại New Delhi, ông đã làm như vậy bằng cách đưa ra những đề nghị nhằm thúc đẩy những chương trình phát triển và cơ sở hạ tầng toàn cầu như một đối trọng với Trung Hoa.

Việt Nam cũng đã tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Hoa. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Hoa là người lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến gặp ông Tập tại Bắc Kinh sau khi người lãnh đạo Trung Hoa giành được nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba chưa từng có vào tháng 10 năm ngoái. Vào tháng 6, thủ tướng Việt Nam đã gặp ông Tập trong chuyến công du cấp nhà nước tới Trung Hoa.

Nhưng ngay cả khi tìm cách tránh cơn thịnh nộ của Trung Hoa, Việt Nam ngày càng bị lôi kéo về phía Mỹ vì lợi ích kinh tế – thương mại của nước này với Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây và Việt Nam mong được hưởng lợi từ những nỗ lực của Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Hoa – cũng như mối quan ngại về việc Trung Hoa xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Khoảnh khắc lúng túng tại cuộc họp báo

Tuỳ viên báo chí Toà Bạch Ốc Karine Jean-Pierre hôm Chủ nhật đột ngột kết thúc cuộc họp báo với Biden ở Hà Nội, có lúc đã cầm micro và thông báo cuộc họp báo đã kết thúc ngay cả khi tổng thống vẫn đang trả lời câu hỏi của phóng viên trong phòng.

Tổng thống Mỹ Je Biden tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 10 thang 9, 2023. Nguồn: https://www.post-gazette.com/

Khi tổng thống đang trả lời những câu hỏi nói lớn của báo giới, tuỳ viên báo chí cầm micro thông báo: “Cảm ơn mọi người – cuộc họp báo kết thúc.” Biden vẫn ở trên sân khấu một thời gian ngắn sau thông báo của Jean-Pierre, trả lời một câu hỏi bổ túc, mặc dù không thể nghe được cả câu trả lời  của ông.

Lúc đó, Biden đã trả lời năm câu hỏi của phóng viên trong phòng mà ông ấy nói rằng anh ấy sẽ trả lời, trước khi tuyên bố, “Tôi nói cho quý vị biết, tôi không biết quý vị làm gì, nhưng tôi sẽ đi ngủ.” Khi bắt đầu cuộc họp báo nhân viên Toà Bạch Ốc thông báo  Biden dự định nhận câu hỏi từ 5 phóng viên.

Tuy nhiên, tổng thống vẫn nán lại trên sân khấu, trả lời những câu hỏi bổ túc về những gì ông đã nói với Thủ tướng Trung Hoa Li Qiang trước khi bị tuỳ viên báo chí cắt ngang.

Suốt buổi họp báo, Biden công nhận đòi hỏi của chuyến đi vòng quanh thế giới, có lúc nói đùa: “Những chuyến đi vòng quanh thế giới kéo dài 5 ngày này không có vấn đề gì cả.” Vài phút trước khi Jean-Pierre kết thúc cuộc họp báo, Biden đã đưa ra một câu trả lời dài gồm lời giải thích lan man về lý do tại sao ông dùng cụm từ “người lính mặt chó, nói dối” nhằm giải thích cảm xúc của mình về những chính khách phủ nhận thực tế của biến đổi khí hậu.

Thời điểm này diễn ra vài ngày sau khi cuộc thăm dò của CNN cho thấy khoảng 3/4 người Mỹ nói rằng họ lo ngại tuổi tác của Biden có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất và tinh thần hiện tại cũng như khả năng phục vụ đủ nhiệm kỳ nữa nếu tái đắc cử. Những người bảo vệ Biden gạt bỏ những lo ngại về tuổi tác của ông và Toà Bạch Ốc thường xuyên nói đến sức chịu đựng của ông trong những chuyến công du quốc tế mệt mỏi như chuyến đi hiện tại như một bằng chứng cho thấy tuổi tác của ông không phải là vấn đề.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: 5 takeaways from Joe Biden’s trip to the G20 and Vietnam | Kevin Liptak | CNN | September 11, 2023. Donald Judd, Nikki Carvajal và Jeremy Diamond của CNN đã đóng góp cho bản tin này.