Joe Biden đi Hà Nội là tín hiệu nhắn với Trung Hoa

Banyan

Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích trong việc kiềm chế xâm lược trên biển

Đi dây. Tranh: Lan Truong

Bỏ buổi nói chuyện với ASEAN tại Jakarta và ngay sau cuộc họp G20 ở Delhi, Joe Biden có chuyến công du cấp nhà nước tới Việt Nam vào ngày 10 tháng 9. Ông là tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ năm tới nước cựu thù. Tuy nhiên, chuyến công du của ông chắc chắn là quan trọng nhất kể từ khi Bill Clinton đên Hà Nội vào năm 2000, sau khi tái lập quan hệ ngoại giao và quyết tâm không nói đến quá khứ đẫm máu và cay đắng.

Kể từ đó, mối quan hệ giữa nước đứng đầu thế giới tự do và quốc gia theo chế độ độc tài Lênin lớn thứ hai thế giới, cai trị gần 100 triệu người, luôn luôn tiến bộ. Việc đó được thể hiện rõ qua việc Mỹ leo thang trong hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao và chính trị được xây dựng cẩn thận của Việt Nam đối với nước ngoài. Trong một mười năm qua, mối quan hệ giữa hai nước được xác định là “đối tác toàn diện”. Khi ông Biden gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, nước Mỹ có vẻ sẽ đi đến cấp hiếm có, lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Quả là một thay đổi lớn của cả hai bên.

Giới vận động nhân quyền trong nước sẽ cáo buộc ông Biden đã củng cố một chế độ vi phạm nhân quyền tồi tệ. Nhưng ông đang có ý định chống lại ảnh hưởng của Trung Hoa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chuyến đi này là một phần của chiến lược trong đó các sáng kiến an ninh chồng chéo tạo ra một mạng lưới lan rộng ở ngoại vi Trung Hoa. Mối lo ngại an ninh lớn nhất của Việt Nam là sự xâm lấn của Trung Hoa ở Biển Đông và việc quấy rối các tàu đánh cá và tàu thăm dò dầu mỏ trong vùng biển Việt Nam. Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào năm 2016 và kể từ đó đã bán cho Việt Nam hai tàu tuần duyên. Nhiều sáng kiến quốc phòng hơn có thể được thảo luận  trong chuyến đi này. Sau khi tăng cường mối quan hệ quân sự với Philippines, Mỹ có thể đang lên kế hoạch thách thức Trung Hoa một cách mạnh mẽ hơn ở Biển Đông.

Đối với Mỹ, an ninh kinh tế, một lần nữa luôn để mắt đến Trung Hoa, cũng sẽ là mục tiêu ở Hà Nội. Giới hoạch định chính sách Mỹ đã biến việc “giảm thiểu rủi ro” thành một chính sách đối ngoại quan trọng. Chúng có nghĩa là định hình lại chuỗi cung ứng và thương mại để đưa hoạt động sản xuất tại Trung Hoa về nước hoặc chuyển đến những nước thân thiện, cũng như cắt đứt sự đầu tư của Trung Hoa và kiến thức của Mỹ trong những lĩnh vực kỹ thuật cao, kể cả điện toán lượng tử, AI và chip tiên tiến.

Việt Nam, một khu vực sản xuất đang phát triển với lực lượng công nhân trẻ, linh hoạt, là ứng cử viên hàng đầu cho mô hình “đưa về cho bạn” (“friendshoring”). Đầu tư nhiều hơn của Mỹ cũng sẽ tăng thêm trọng lượng cho những lời hứa chính thức cũ mèm về việc tham gia kinh tế nhiều hơn vào khu vực.

Đối với Việt Nam, rất nhiều lợi ích trong việc nâng cấp quan hệ vơi Mỹ. Nước này đã trở thành trụ cột trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mỹ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam. Như Lê Hồng Hiệp của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho thấy, Mỹ được coi là nguồn đầu tư phẩm chất cao. Intel, công ty sản xuất chip lớn, đã đem hơn 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Mỹ cũng có thể cung cấp rất nhiều kỹ thuật xanh. Điều đó quan trọng ở một quốc gia có những mục tiêu đầy tham vọng để đáp ứng với sự biến đổi khí hậu, muốn thoát khỏi các ngành dùng nhiều nhân công hoặc tài nguyên. Tham gia quốc phòng nhiều hơn với Mỹ không chỉ giúp cho Việt Nam ở Biển Đông mà còn mang lại những lựa chọn thay thế cho sự phụ thuộc của Việt Nam vào vũ khí của Nga. Vốn đã có phẩm chất đáng ngờ, và đã thiếu hụt kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine. Việt Nam muốn giúp xây dựng ngành kỹ nghệ vũ khí của riêng mình.

Không có gì ngạc nhiên khi Trung Hoa không hài lòng. Họ lên án việc ông Biden tăng cường quan hệ với Việt Nam là bằng chứng rõ ràng hơn về “tâm lý chiến tranh lạnh” của Mỹ. Người ta cũng sẽ cảm thấy khó chịu rằng, với việc nâng cấp ngoại giao, Mỹ sẽ gia nhập một câu lạc bộ chọn lọc chỉ có Trung Hoa, nước láng giềng phía bắc không thể tránh khỏi của Việt Nam, và Nga, nước ủng hộ nước này trong cuộc chiến chống Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trọng và đồng chí đã đánh giá rằng Trung Hoa sẽ không làm gì hơn ngoài việc tằng hắng. Việt Nam đã có kinh nghiệm hàng ngàn năm về việc phải đối phó với người hàng xóm đôi khi thù địch của mình. Mối quan hệ anh em giữa hai Đảng Cộng sản giúp điều chỉnh quan hệ. Giới lãnh đạo Việt Nam đã nỗ lực trấn an Trung Hoa về chuyến thăm của Biden. Họ biết Việt Nam có giá trị như thế nào đối với Trung Hoa: ASEAN là thị trường xuất cảng lớn nhất của Trung Hoa và Việt Nam là thị trường lớn nhất trong những thành viên ASEAN. Ông Hiệp nói, nếu Trung Hoa tỏ ra không hài lòng bằng cách cứ quấy rối nhiều hơn ở Biển Đông thì điều đó không có gì mới.

Một số người ở Mỹ nghĩ rằng Việt Nam có thể bị cuốn vào phe của mình. Đó là sự mong muốn hão huyền. Tính toán của chế độ cộng sản Việt Nam chưa bao giờ đứng về phía Mỹ. Có thể đó chi là cách để cân bằng một cách khéo léo giữa Mỹ và Trung Hoa. Bây giờ tốt hơn là cố gắng đi theo con đường trung lập hơn là rời bỏ nó cho đến khi mối quan hệ giữa hai cường quốc càng đi xuống một cách nguy hiểm hơn.

© 2023 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Joe Biden’s visit to Hanoi is a signal to China | Banyan | The Economist | September 7, 2023.