Nói dối, nói láo, và Tucker Carlson

Timothy Caulfield | Trà Mi

Rõ ràng là Carlson bị bắt quả tang là kẻ dối trá. Nhưng khán thính giả của ông ta không quan tâm


Tucker Carlson phát biểu tại Arizona vào tháng 12 năm 2023. Brian Cahn / ZUMA Press Wire / Alamy

NGAY TRƯỚC KHI bị đuổi việc ở Fox News vào mùa xuân năm ngoái, người dẫn chương trình Tucker Carlson đã sắp sửa phát hành một cuốn phim tài liệu tên O, Canada! Đoạn phim giới thiệu dường như gợi ý một cách mỉa mai rằng quốc gia này cần được giải phóng (nghĩa là: bị Hoa Kỳ xâm lăng) để cứu Canada ra khỏi sự cai trị độc tài của Thủ tướng Justin Trudeau. Tucker ngụ ý rằng thái độ này sẽ phù hợp với “chính sách chính thức” của Hoa Kỳ về việc phản đối những chế độ độc tài áp bức. Quảng cáo cho cuốn phim tài liệu có cả tranh vẽ Trudeau theo phong cách Liên Xô. Trong đoạn phim quảng cáo Tucker hỏi “Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu chế độ chuyên chế đến ngay bên cạnh?Và chính phủ của chúng ta sẽ làm gì để đối phó?”

Tucker hoặc nhóm của ông sẽ không cần phải tìm tòi nhiều để nhận ra sự thật rằng Trudeau là lãnh đạo của một chính phủ thiểu số trung dung về mặt chính trị trong một thể chế đại nghị. Với tất cả những lỗi lầm và sai sót chính trị của mình, Trudeau không phải là một người cộng sản độc tài đáng để quân đội Hoa Kỳ mở cuộc xâm lăng trên bộ. (Và, nhân tiện đây, Canada ở bậc cao hơn Hoa Kỳ trên thang đo tự do con người và kinh tế trong bảng xếp hạng của những tổ chức tư vấn như Freedom House và những viện nghiên cứu thiên về bảo thủ như Cato và Fraser. Hoa Kỳ thậm chí còn không lọt vào 20 nước đứng đầu! Hmmm, Canada có nên là nước đi giải phóng không?)

Thủ tướng tỉnh bang Alberta Danielle Smith chụp ảnh cùng Jordan Peterson, Tucker Carlson và Conrad Black tại một buổi diễn thuyết ở Calgary hôm thứ Tư. Liệu bà ấy có sống để hối hận về quyết định này không — còn chúng ta thì sao? Ảnh trên Twitter / Danielle Smith

Hôm qua, Tucker đã quyết định một mình đi xâm lăng Canada, cuộc tấn công phần lớn liên quan đến hai cuộc diễn thuyết ở Alberta: ở Calgary, bắt đầu vở tuồng là phần thảo luận với Thủ tướng tỉnh bang Alberta Danielle Smith trước hơn 4.000 khán giả và một cuộc diễn thuyết ở Edmonton, được cho là đã có số khán giả đông gấp hai. Buổi diễn thuyết thứ hai mà tôi đã tham dự, Thủ tướng tỉnh bang Alberta Smith nồng nhiệt giới thiệu Tucker. Bà Thủ tướng bắt đầu với một vài lời diễu cợt chống năng lượng tái tạo (khán giả ở sân vận động gần như chật kín lớn tiếng cười) và những lời cường điệu về tệ nạn của hủy bỏ văn hóa (cổ vũ lớn) và chính trị tỉnh thức (cổ vũ lớn). Ngay sau đó, Tucker bước ra khán đài (vỗ tay nhiệt liệt).

Sau bài diễn văn của ông là cuộc thảo luận với Conrad Black và Jordan Peterson, chỉ là một chuỗi những câu chuyện dè bỉu Trudeau, những khẳng định sai lệch về y tế của Canada trong chính sách hỗ trợ bệnh nhân không muốn tiếp tục sốngvà tấn công người chuyển giới như một phong trào nhằm “làm nhục bạn theo nghi lễ.” Xuyên suốt buổi diễn tuồng, thường xuyên có những đề cập đến tầm quan trọng của sự thật: “Đây là điều đang bị đe doạ, đây là sự thật, tôi sẽ đứng về phía sự thật.” Từ miệng một người đã xây dựng sự nghiệp bằng cách bóp méo thực tế, nghe nó như một sự châm biếm.

Có lẽ tốt nhất là chúng ta ngừng lại, không nghĩ đến Tucker Carlson như một nhà báo hoặc thậm chí là một trí thức quần chúng với những quan điểm nóng bỏng có bằng chứng về những sự kiện hiện tại. Tucker là một sự rung cảm. Một vật tổ cực hữu. Một lá cờ để chào.

Những tuyên bố phần lớn phi sự thật của Tucker đã đề cập đến (và nâng cao) mọi vấn đề phân cực và nóng bỏng mà bạn đọc có thể nghĩ đến. Và ông ấy trình bày những kết luận của mình như thể chúng là những sự thật hiển nhiên được hậu thuẫn bằng hàng loạt bằng chứng và phân tích mạch lạc. Thực ra nó toàn những điều vô lý, chiến lược tu từ của ông ta mời gọi chúng ta kết luận, không đồng ý với những suy luận hiển nhiên và đôi mày nhíu chặt vĩnh viễn của ông ta.

Nhưng nhiều suy nghĩ của Tucker thậm chí không thể được phân loại là những quan điểm ngoài lề đáng phải miễn cưỡng xem xét. Những suy nghĩ đó sai như khi cho rằng Trái đất phẳng là sai. Với tầm mức xuyên tạc sự thật của ông ấy, việc chọn ra những điểm nổi bật trong sự nghiệp dối trá của ông ấy có thể là một thách thức. Rốt cuộc, đây là một kẻ đã gọi người chuyển giới là “căn bệnh ung thư của đất nước”, tiếp tục đứng lên và ca ngợi kẻ cổ động hận thù Alex Jones, cho rằng phần lớn những người liên quan đến vụ tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol Hoa Kỳ “là những người có trật tự và hiền lành” “khách đi xem cảnh” và khuyên đàn ông nên phơi nắng tinh hoàn để tăng lượng testosterone (chớ mà làm việc này).

Nhưng điều quan trọng là phải hiểu được cách hiệu chỉnh máy đo sự thật của Tucker. Vì vậy, hãy duyệt xem mức độ phù hợp của một số tuên bố khét tiếng của Tucker ngược với thực tế.

Quan điểm của Tucker: Quyền lực tối cao của người da trắng là “tin vịt”.

Thực tế: Tội ác do thù hận gây ra tiếp tục gia tăng. Từ năm 1999 đến năm 2018, theo Southern Poverty Law Center, con số những nhóm thù hận ở Mỹ đã tăng hơn 100%. Liên đoàn Chống phỉ báng (Anti-Defamation League) ước tính khối quyền lực tối cao của người da trắng dính líu đến hơn 80% những vụ giết người và xả súng hàng loạt có liên quan với chủ nghĩa cực đoan ở Hoa Kỳ vào năm 2022. Những tu từ về quyền lực tối cao của người da trắng trên internet và trong văn hóa quần chúng đã góp phần tạo ra một diễn ngôn chính trị phân cực. Và rõ ràng là nó có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của những nhóm người mà chúng nhắm tới. Ngoài ra, Tucker sống ở một đất nước có lịch sử lâu đời về quyền lực tối cao của người da trắng, kể cả nội chiến.

Quan điểm của Tucker: Thuốc chủng ngừa COVID-19 “vô hiệu.”

Thực tế: Nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng những loại thuốc chủng ngừa—là thành công về mặt khoa học được Giải Nobel Y khoa năm 2023—đã cứu sống hàng triệu người, giảm tỷ lệ người bệnh vào bệnh viện cũng như giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Thuốc chủng ngừa cũng có thể đã giảm nguy cơ nhiễm bệnh và độ nghiêm trọng của Covid kéo dài. Chắc chắn, có phàn nàn về những chi tiết xung quanh việc chích ngừa, phân phối không công bằng và quan điểm chính trị liên quan đến thuốc chủng ngừa, nhưng rõ ràng là chúng đã “có hiệu quả” (hay còn gọi là: cứu sống và giảm bớt đau khổ cho con người).

Quan điểm của Tucker: Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin vì sự hiện hữu của những phòng thí nghiệm sinh học bí mật của Hoa Kỳ.

Thực tế: Không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ có hoặc tài trợ cho những phòng thí nghiệm sinh học bí mật ở Ukraine. Ngược lại, đây là một ví dụ điển hình về cách Tucker có thể bình thường hóa một thuyết âm mưu rất vớ vẩn và biến nó thành một điểm thảo luận về chính sách, được giới truyền thông cả ở Mỹ và Nga lập lại. Quả thực, sau cuộc xâm lăng Ukraine, Tucker và Fox News theo New York Times ngày càng được giới truyền thông Nga nhắc đến nhiều hơn. Tôi tự hỏi tại sao.

Quan điểm của Tucker: Người da trắng “xây dựng nền văn minh.”

Thực tế: Hết biết luôn; suy nghĩ này thậm chí còn không đáng để được điều chỉnh đúng theo thực tế nữa. Chỉ cần nói: không.

Việc chế nhạo Tucker là một điều quá dễ. Nhưng đó chính là vấn đề. Tại sao ông ta lại dối trá? Tư lợi? Quyền lực? Hay để cổ xuý một nghị trình chính trị cụ thể nào đó? Có lẽ là sự kết hợp của tất cả những điều kể trên? Tuy nhiên, chúng ta có thể khá chắc chắn rằng ông ta biết rõ và hoài nghi về những gì ông ấy đang làm.

Để bào chữa cho Tucker trong vụ kiện vu khống năm 2020, những luật sư của Fox News lập luận rằng bất kỳ người biết điều nào cũng sẽ biết ông ta đầy tội lỗi và do đó,không thể tin lời của ông ta được. Chiến lược “Rõ ràng là Tucker không nói sự thật” đã có hiệu quả. Như thẩm phán đã kết luận, những tuyên bố của Tucker “không phải là thực tế” và dựa trên “‘luận điệu chung’ của chương trình,” khán giả nên biết “rằng ông ấy không ‘trình bày sự thật thực tế’ về những chủ đề mà ông ấy thảo luận.”

Ông ta đã công nhận rằng mình đã nói dối trên đài. Tucker nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2021, “Tôi không thích dối trá [nhưng] chắc chắn tôi làm điều đó. Quý vị biết đấy, vì yếu đuối hay bất cứ lý do gì.

Những hồ sơ pháp lý liên quan đến vụ kiện của Hệ thống bỏ phiếu Dominion đã cho thấy khá rõ rằng Tucker không gặp vấn đề gì khi cố tình nói sai sự thật. Có thông tin cho rằng Tucker đã lưu ý đằng sau hậu trường rằng những tuyên bố gian lận bầu cử — một phần quan trọng trong Lời nói dối lớn của Donald Trump — là “vô lý” và đồng ý rằng chúng bị “những kẻ mị dân liều lĩnh” thúc đẩy. Nhóm của Tucker cũng biết điều này. Theo New York Times, khi ý tưởng cho rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bị đánh cắp lần đầu tiên xuất hiện, Tucker đã nhắn tin cho người sản xuất chương trình của mình, Alex Pfeiffer, “Phần mềm quá dở [tức là ý tưởng máy tính bỏ phiếu của Dominion gian lận] là chuyện vô lý,” và Pfeiffer trả lời, “Tôi không nghĩ có bằng chứng về việc gian lận bầu cử đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.” Trong khi đó trên đài, Tucker lại đang trầm ngâm với thế giới rằng “chúng ta không biết có bao nhiêu phiếu bầu đã bị đánh cắp vào tối thứ Ba” và “thực ra ở mức cao nhất, hệ thống [bỏ phiếu] của chúng ta không [tốt] như chúng ta nghĩ.”

Đây không chỉ là một ví dụ rõ ràng về trò hai mang của Tucker mà còn có thể góp phần khiến anh ta bị sa thải và Fox News cần phải chi gần 800 triệu đô la (Mỹ) để giải quyết ổn thoả vụ kiện của Dominion.

Và chuyện này đưa chúng ta đến Nghịch lý Tucker. Mọi người chắc hẳn thấy rõ anh chàng này là kẻ dối trá. Nhưng khán giả của ông ấy không quan tâm và dường như vẫn tin tưởng và bị ảnh hưởng vì bình luận của ông ấy. Những nghiên cứu đã liên tục cho thấy mối tương quan giữa việc tiêu thụ xem/nghe tin trên Fox News và việc tiếp nhận thông tin sai lệch cũng như những thuyết âm mưu. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2023 đã khám phá ảnh hưởng của tất cả những đài đưa tin truyền hình cáp phổ thông ở Hoa Kỳ đối với tư duy âm mưu và phát hiện ra rằng “chỉ Fox News mới nuôi dưỡng tâm lý âm mưu trong khối khán giả của họ.” Nghiên cứu cũng tìm thấy rằng xem Fox News có liên quan đến việc gia tăng sự lưỡng lự về thuốc chủng ngừa (có thể dẫn đến việc thiệt mạng), áp dụng những liệu pháp chưa được chứng minh (cũng có thể chết), giảm sự tuân thủ những biện pháp y tế công cộng (cũng có thể chết) và niềm tin vào Lời nói dối lớn của Trump về Cuộc bầu cử năm 2020 (làm xói mòn niềm tin vào những thể chế dân chủ). Thật vậy, vào tháng 8 năm ngoái, một cuộc thăm dò của CNN cho thấy con số đáng kinh ngạc là 69% đảng viên Đảng Cộng hòa vẫn tin rằng Biden đã đánh cắp cuộc bầu cử.

Chuyện gì đang xẩy ra vậy? Tại sao còn có những người ôm ấp và chấp nhận thông tin sai lệch là một hiện tượng phức tạp vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Nó liên quan đến mọi thứ, từ buồng dội âm trên mạng xã hội đến việc thiếu khả năng tư duy phê phán cho đến những tổn thương do sợ hãi, tức giận, thách thức về sức khỏe tâm thần và/hoặc căng thẳng kinh tế tạo ra. Và tất nhiên, những thành kiến rõ ràng do ý thức hệ thúc đẩy có một vai trò quan trọng. Tất cả chúng ta đều muốn “phe của mình” giành được chiến thắng.

Nhưng với những lời dối trá trắng trợn, làm sao một người như Tucker Carlson lại có thể tiếp tục được nhiều người coi trọng như vậy? (Và, vâng, câu hỏi này áp dụng cho những tiếng nói dối trá để mưu sinh khác.) Một nghiên cứu khác năm 2023 cho thấy, trong mười năm qua, khái niệm về sự trung thực, đặc biệt đối với những người xác định là Đảng Cộng hòa, đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ, tôi chuyển từ việc trình bày những sự kiện bắt nguồn từ bằng chứng sang cái mà giới nghiên cứu gọi là “lời nói bằng niềm tin,” tập trung nhiều hơn vào niềm tin rõ ràng của người nói. Với cách nói bằng niềm tin, sự thật không quan trọng — đặc biệt là khi có thể tạo ra “sự thật (khác) thay thế” — bằng sự chân thành của người đưa tin. Như Stephan Lewandowsky, giáo sư tại Đại học Bristol và đồng tác giả của nghiên cứu, đã nói với tôi: “Bất kỳ ai có thể thuyết phục mọi người về sự chân thành trong niềm tin của họ đều có thể được coi là trung thực, ngay cả khi những gì họ nói là sai hoặc gây hiểu nhầm.” Và Tucker chắc chắn là diễn viên giỏi khi vào vai là người chân thành, trung thực. Đó là đôi mày nhăn vĩnh viễn!

Đôi mày nhíu chặt vĩnh viễn của Tucker Carlson. Nguồn: OntheNet

Tất nhiên, một yếu tố quan trọng khác là Tucker đang cho khán giả của mình ăn những món gây thịnh nộ mà họ muốn ăn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy điều đó—một lần nữa, đặc biệt là với “Những người Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa có quan hệ mật thiết với Trump” (thị trường chính của Tucker)—khi một chủ đề liên quan đến những giá trị thiêng liêng và những vấn đề quan trọng về mặt ý thức hệ, thông tin sai lệch sẽ có thể được nhiều người tin tưởng và chia sẻ hơn. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy “những người theo đảng cực hữu lãnh đạm với việc rà soát so sánh với thực tế và những thúc đẩy tìm sự thật.” Điều này là do, giới nghiên cứu suy đoán, về “khía cạnh xác nhận căn cước” của thông tin sai lệch. Nói cách khác, đây là điều mà ‘phe ta’ tin tưởng, mặc kệ sự thật có là gì đi nữa.

Tucker là hình ảnh của bích chương hậu sự thật. Hãy dùng di sản đó vào mục đích xây dựng. Ông ấy nên nhắc nhở tất cả chúng ta—kể cả những chính khách Canada—đặc biệt thận trọng và hoài nghi khi xem nội dung ảnh hưởng đến cảm xúc, niềm tin định kiến ​​​​và niềm tin ý thức hệ của chúng ta.

Thật vậy, việc kết giao với những người như Tucker Carlson cần được xem như một thử thách sự khoan dung của một chính khách đối với những lời dối trá trắng trợn, việc lợi dụng và lợi dụng sự chia rẽ cũng như tán dương thịnh nộ và hận thù.

Trong một trong những câu chuyện mỉa mai lan man về Trudeau (một trong số đó, trờ ạ, có cả câu kết “Hãy quay về Cuba đi”), ông đã hỏi khán giả làm sao có ai có thể tin được thủ tướng vì ông ta “quá giả tạo”. Lời nhận xét thật mỉa mai—một lời buộc tội trực tiếp—đến nỗi, chỉ trong giây lát, tôi đã nghĩ anh ấy đang chế nhạo khán giả của chsinh ông ta. Không. Đây là người theo ông ấy. Và ông ấy đang xây dựng một thương hiệu.


Tác giả | Timothy Caulfield là giáo sư tại Đại học Alberta và là tác giả của cuốn Relax: A Guide to Everyday Health Decisions with More Facts and Less Worry, do Penguin Random House Canada xuất bản năm 2022.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Lies, Damn Lies, and Tucker Carlson | Timothy Caulfield | The Walrus | January 25, 2024.