Canada của Poilievre trong cơn mộng mị

Isabelle Hachey | DVOnline

Sau ba phút, bài thuyết trình của Pierre Poilievre đã lên đến đỉnh điểm. Trong ba phút trình bầy trên nền nhạc kịch tính, người lãnh đạo Đảng Bảo thủ Canada đã vẽ nên bức chân dung một đất nước ông mơ có được, một Canada nhất định kỳ ảo, nơi mọi người có quyền lạ thường để săn bắn, tranh luận tại trường đại học và còn đưa con đến trường bằng xe bán tải.

Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Pierre Poilievre vẫy tay chào đám đông trong cuộc diễn hành ở Calgary Stampede, Alberta, vào ngày 5 tháng 7. Ảnh: Jeff Mcintosh, Kho ảnh của Canadian Press

Tôi biết, phải có rất nhiều trí tưởng tượng để tin vào những hình ảnh đó.

Như vậy là đã hết ba phút của giấc mơ yêu nước giữa ban ngày. Những người Canada tốt bụng, vào cuối một ngày tuyệt vời, một ngày điển hình của Canada, đã nhìn khắp cảnh trời. Họ thấy đồng lúa mì, những ngọn đồi, dẫy núi Rocky, và bầu trời xanh ngắt vào buổi hoàng hôn. Vì vậy, họ nhìn vào mắt nhau và nói, “MÌNH ĐÃ ĐẾN NHÀ.”

Có một chuyện nhỏ mà người dùng internet đã nhanh chóng phát giác: lúa mì mà chúng ta nhìn thấy, để minh họa cho lời lẽ hùng hồn của Poilievre, là của Mỹ. Chân đồi là của Indonesia. Và dãy núi Rocky, niềm tự hào lớn nhất của Canada, là núi của Utah.

Những hình ảnh Piere Poilierevre cho là ở Canada trong cơn mộng mị. Ảnh do DCVOnline phối hợp.

Giấc mơ Canada của Poilievre không có gì là Canada cả. Ngay cả “bầu trời xanh ngắt trong buổi hoàng hôn”, được cho là sẽ mang đến cho mọi người Canada cảm giác an bình sâu sắc như đang ở nhà, cũng được quay… ở Venezuela!

Không ai có thể bịa ra được. Ở Venezuela, nơi bảy triệu người đã chạy trốn, bỏ nhà đi tị nạn để tránh khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế ở một nơi mà chế độ bám chặt lấy quyền lực, kiểm soát các thể chế, kiểm duyệt phương tiện truyền thông và bịt miệng phe đối lập. Và đây sẽ là đất nước trong mơ của Thủ tướng tương lai của Canada hay sao? Chúng ta đã thấy tất cả.

Chúng ta đã thấy tấ cả, nhưng giờ đây chúng ta không thể thấy bất cứ thứ gì nữa: nhận ra lỗi của mình, đảng Bảo thủ đã xóa video quảng cáo ngay sau khi đăng trên mạng hôm thứ Bẩy. Thật không may, một bài học vỡ lòng về chính trị, không có gì biến mất trên Internet. Đây là lý do tại sao phần hợp tuyển nhạc cảnh đó đi kèm với bài viết này, tôi còn dịch phụ đề sang tiếng Pháp nữa, đừng cảm ơn tôi.

Đáng để xem lại video này, vì nó thật điên khùng. Khi chúng ta cũng biết nguồn gốc của những hình ảnh được cho là đại diện cho tinh túy của Canada thì cả 3 phút video truyên truyền chìm vào vô lý.

Đội mũ cao bồi và mặc áo phông trắng bó sát, trước đám đông say mê tại Calgary Stampede, Pierre Poilievre bắt đầu, “Thật dễ dàng để quên mất quê hương và niềm hy vọng trông như thế nào.

Dễ quên vì, như chúng ta đều biết, Canada đã tan vỡ. Poilievre liên tục nhắc lại điều đó. Hãy tưởng tượng: đất nước chết tiệt này quá hỗn loạn đến nỗi nhóm truyền thông của người lãnh đạo Đảng Bảo thủ buộc phải dựa vào những kho hình ảnh nước ngoài để minh họa cho thế giới lý tưởng của Canada!

Nước mắt đoanh tròng, Poilievre tưởng tượng ra một người cha, sau khi đưa con đến trường (Serbia), lái xe bán tải qua một vùng ngoại ô (Mỹ) điển hình. Qua cửa sổ mở, ông nghe thấy “tiếng búa lạch cạch đóng đinh tuyệt vời vào gỗ Canada” trên một công trường xây dựng (Slovenia).

Người cha lái xe trên đường đến vùng nông thôn (ở Bắc Dakota), trước khi nhìn thấy đàn gia súc gặm cỏ ở đằng xa (ở California), theo Poilievre thì đó là nơi sản xuất ra “thực phẩm ngon nhất do ​​những người nông dân giỏi nhất trên thế giới”. Xin cúi đầu, ngả nón phục California hết mình!

Sau đó, người Poilievre ngẩng nhìn lên và thấy một máy bay chiến đấu (Nga). “Họ đang tập trận trên bầu trời”, Poilievre nói, “chuẩn bị để bảo vệ đất nước và quê hương của chúng ta”. Cảm ơn, Putin!

Cùng một chiếc máy bay, Poilievre tiếp tục, sớm được nhìn thấy trên một khuôn viên trường (của Đại học Bách khoa Kyiv). Chưa bao giờ một sinh viên Ukraine lại vui mừng đến thế khi nhìn thấy một chiến đấu cơ của Nga bay qua đầu.

Poilievre nói, những sinh viên nán lại trong khuôn viên trường biết rằng “khi đến lớp, họ sẽ có cơ hội tranh luận tự do và không sợ bị kiểm duyệt”. Sự tự do này sẽ không còn nữa nếu Putin đạt được mục đích xâm lăng ở Ukraine, nhưng đó là một câu chuyện khác.

Sau đó, gia đình của sinh viên sẽ tụ họp để dự tiệc (ở Tuscany). Poilievre giải thích rằng đây sẽ là cơ hội để ăn mừng mười năm cai nghiện của một trong những đứa con đã trưởng thành (và để nâng ly chúc mừng nồng nhiệt). Chúc mừng, con!

Trong thực đơn: “thịt thú rừng tuyệt vời” được giết mổ (ở Hoa Kỳ) bằng súng hợp pháp hoàn toàn của Canada.

Cuối bữa ăn, ông bà sẽ đưa những đứa cháu trở lại xe (qua Công viên Richmond, London). Đường về xấu, tất cả cũng thế. Chưa kể họ vẫn phải đi qua Utah, Indonesia và Venezuela để đến cuối video…

Tôi biết, dùng kho hình ảnh của nước ngoài như thấy trong video này chỉ là một sai lầm. Một sự vụng về rất ngu ngốc khiến chúng ta phải bật cười – và tệ nhất là nó lại phơi bày lòng yêu nước loại hàng nhái của Pierre Poilievre. Không đủ để làm to chuyện, hoặc viết thành cả một bài.

Ngoại trừ thông điệp mà người lãnh đạo Đảng Bảo thủ muốn tuyên truyền bằng bài phát biểu này không phải là lỗi. Trong ba phút, ông ấy trình bày một ngày khá tầm thường của người dân Canada bình thường như thể đó là một câu chuyện hư cấu không thể tưởng tượng được ở đất nước đang gặp khó khăn này.

Như thể người dân Canada không còn có thể cho con cái họ đến trường, đi xe bán tải, đi săn hoặc tranh luận ở trường đại học. Như thể họ hài lòng với việc sống sót trong một thế giới phản địa đàng, hy vọng vào những ngày tốt đẹp hơn (dưới sự lãnh đạo của một chính phủ bảo thủ)…

Canada tan vỡ? Không phải vì Pierre Poilievre cố hết sức nhắc đi nhắc lại điều đó mà nó sẽ trở thành sự thật. Bất kể chỉ số nào được đo lường trên phạm vi quốc tế – hạnh phúc, tự do, thịnh vượng, v.v. – Canada thường xuyên đứng đầu danh sách. Có lẽ đứng sau các quốc gia Scandinavia, nhưng hãy thanh thật công nhận rằng đây vẫn không phải là quốc gia tồi tệ nhất để sống.

Canada có thể được mô tả theo nhiều cách, nhưng tan vỡ? Rõ ràng là không tồi tàn bằng nhóm truyền thông của Pierre Poilievre.

Tác giả | Isabelle Hachey làm việc với nhật báo La Presse từ năm 1997, là phóng viên ở London, sau đó là nhà báo điều tra trước khi trở thành người phụ trách chuyên mục vào năm 2019. Bà đã giành được một số giải thưởng cho việc đưa tin ở Quebec và nước ngoài.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Le Canada rêvé de Poilievre | Isabelle Hachey | La Presse | August 21 2024.