Trục những kẻ thua cuộc của Tập Cận Bình

Stephen Hadley | DCVOnline

Cách đúng đắn để ngăn chặn sự hội tụ chuyên quyền mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga, tháng 10 năm 2024. Maxim Shemetov / Reuters

Hoa Kỳ đang phải đối phó với tình hình quốc tế đầy thách thức nhất kể từ ít nhất là Chiến tranh Lạnh và có lẽ là kể từ Thế chiến II. Một trong những đặc điểm đáng lo ngại nhất của môi trường này là sự hợp tác đang phát triển giữa Trung Hoa, Iran, Bắc Hàn và Nga. Một số trong giới hoạch định chính sách và bình luận coi sự hợp tác này là khởi đầu của một trục thế kỷ XXI, giống như trục Đức-Ý-Nhật ở thế kỷ XX, sẽ đẩy thế giới vào một cuộc chiến tranh toàn cầu. Những người khác không thấy trước Thế chiến III mà là một loạt những cuộc xung đột riêng biệt rải rác trên toàn cầu. Dù thế nào đi nữa, kết quả là một thế giới đang trong chiến tranh—tình hình nghiêm trọng đến vậy.

Những gì cần làm về sự hợp tác này lại là một vấn đề khác. Một số trong giới chiến lược cho rằng nên ưu tiên một cách tàn nhẫn, tập trung vào những thành viên của trục đại diện cho những mối đe dọa lớn nhất. Những người khác tin rằng chỉ có một nỗ lực toàn diện mới thành công. Nhưng chiến lược tốt nhất sẽ vay mượn những yếu tố của cả hai chọn lựa đó, xác nhận rằng Trung Hoa là mối quan tâm dài hạn chính đối với chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ – “mối đe dọa đang diễn ra”, theo cách định hình của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ – nhưng cũng là một loại tác nhân toàn cầu khác so với những đối tác là những quốc gia không tôn trọng luật lệ quốc tế đồng minh của Hoa lục. Theo đó, mục tiêu của Washington là phải cho Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình thấy rõ rằng những mối quan hệ mới này sẽ phản tác dụng và tai hại như thế nào đối với lợi ích của Bắc Kinh. Điều đó có nghĩa là phải chống lại Iran, Bắc Hàn và Nga một cách hiệu quả trong khu vực của họ, như thế sẽ chứng minh với Trung Hoa rằng việc ràng buộc mình với một nhóm những kẻ thua cuộc khó có thể là con đường dẫn đến ảnh hưởng toàn cầu.

CHIẾN HỮU

Sự hợp tác giữa những thành viên của trục thế kỷ 21 này tập trung vào viện trợ quân sự, kỹ nghệ và kinh tế cho Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine, không thể duy trì cuộc xâm lăng nếu không có sự giúp đỡ như vậy. Hợp tác kỹ nghệ quốc phòng và sự hội nhập mới chớm nở có thể sẽ vượt xa những gì đã có giữa những đối tác trục thế kỷ XX. Bắc Hàn đang cung cấp đại pháo, những loại đạn dược khác, quân nhân và công nhân kỹ nghệ cho Nga và đổi lại là dầu mỏ, hoả tiễn và kỹ thuật vũ trụ. Iran cũng đang cung cấp hoả tiễn và máy bay không người lái được sản xuất tại những nhà máy quốc phòng của mình, đồng thời giúp xây dựng những nhà máy như vậy tại Nga và nhận được sự hỗ trợ cho những chương trình hoả tiễn, máy bay không người lái và vũ trụ của riêng mình và có lẽ là cả năng lượng hạch tâm dân sự. Cho đến nay, Trung Hoa đang cung cấp mọi thứ trừ vũ khí thực tế: tăng đáng kể thương mại và mua dầu hoả, khí đốt và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; kỹ thuật sử dụng kép đang được tích hợp vào hệ thống phòng không, tác chiến điện tử, máy bay không người lái và những hệ thống vũ khí và thông tin liên lạc khác của Nga; và gần đây là những bộ phận cấu thành cho vũ khí của Nga. Thậm chí còn có cuộc nói chuyện về việc sản xuất hệ thống máy bay không người lái và vũ khí cho Nga tại những xưởng máy của Trung Hoa. Những gì Trung Hoa nhận được để đổi lại vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng tại thời điểm này, ngoài việc giảm giá năng lượng—và có thể có ảnh hưởng vô song đối với Nga. Ngoài cuộc chiến ở Ukraine, Trung Hoa và Nga cùng những đối tác trục của họ đã tăng cường huấn luyện và hoạt động chung, kể cả oanh tạc cơ, tàu và thậm chí cả lục quân.

Những đối tác trục cũng đã đẩy nhanh sự phối hợp ngoại giao của họ, với Bắc Kinh và Moscow dùng quyền phủ quyết của họ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ lẫn nhau và bảo vệ Tehran và Bình Nhưỡng khỏi những nghị quyết bất lợi. Những chuyến thăm cao cấp qua lại của những nhân vật lãnh đạo và giới chức cao cấp đã tạo ra một loạt những thỏa thuận hợp tác trong những lãnh vực kinh tế, kỹ thuật và những lãnh vực khác

Trục thế kỷ 21 này có thể không phải là một liên minh chính thức, nhưng dù sao thì nó vẫn đại diện cho sự liên kết lợi ích ngày càng chặt chẽ, hiểu quả cao và linh hoạt mà không cần phải trở thành một liên minh để thúc đẩy mục tiêu của những thành viên hoặc làm suy yếu lợi ích của Hoa Kỳ và những đồng minh của nước này ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Á. Ngay cả khi không có sự tương đồng về ý thức hệ, vẫn có sự đồg thuận về chủ nghĩa bài phương Tây, phản dân chủ và chấp nhận những giải pháp thay thế độc đoán. Điều thực sự gắn kết trục không phải là ý thức hệ mà là sự cùng chống lại quyền lực của Hoa Kỳ và hệ thống quốc tế mà nó duy trì – với động cơ là niềm tin rằng quyền lực này đại diện cho mối đe dọa chết người đối với lợi ích, nguyện vọng và thậm chí là sự tồn tại của chế độ của họ.

Mối liên hệ giữa Trung Hoa và Nga đặc biệt quan trọng. Nó được xây dựng dựa trên mối quan hệ cá nhân bền chặt giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hình thành qua hơn 60 cuộc gặp gỡ trong thời gian họ tại nhiệm. Tất nhiên, có cả những nguồn gốc căng thẳng lịch sử và đương đại giữa Trung Hoa và Nga: một đường biên giới chung dài với nhiều khoảng trống ở phía Nga và một dân số lớn ở phía Trung Quốc; Bắc Kinh nghi ngờ sự hồi sinh của mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Hàn, và Moscow nghi ngờ về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Trung Á; và sự bài ngoại đáng kể ở cả hai quốc gia. Nhưng những căng thẳng này, mặc dù là có thật, không có thể được phép phá vỡ mối quan hệ giữa hai chính phủ miễn là Putin và Tập vẫn nắm quyền.

LÁ BÀI TRUNG HOA

Mặc dù một số người bình luận đã đề nghị ráng tách những thành viên của trục ra xa nhau, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice lại nghiêng về hướng ngược lại, đề nghị với giới hoạch định chính sách tìm cách gộp họ lại với nhau và khiến họ phải giải quyết hậu quả của thực tế là họ thực sự không có nhiều điểm chung.” Có nhiều điểm để nói về cách giải quyết này. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tách Putin ra khỏi trục chắc chắn sẽ thất bại; ông ta quá phụ thuộc vào những đối tác này để được yểm trợ ở Ukraine. Việc cố gắng tách Bắc Hàn hoặc Iran khỏi trục sẽ đòi phải có những nhượng bộ mà không chính quyền Hoa Kỳ nào sẵn sàng thực hiện.

Nhưng Trung Hoa có thể là một vấn đề khác. Không giống như những đối tác trục của mình, Trung Hoa đã hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Viễn cảnh về những lệnh trừng phạt thứ cấp toàn diện – đã bị hạn chế và nhắm mục tiêu cho đến nay – nếu Trung Hoa vượt qua những lằn ranh đỏ của Tây phương bằng cách cung cấp vũ khí cho Nga có thể đe dọa đến cái giá kinh tế thực sự phải trả. Trong khi đó, cuộc chiến chống lại Israel do Iran và những lực lượng ủy nhiệm của nước này tiến hành đe dọa làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu quan trọng của Trung Hoa và những hoạt động thương mại khác với Trung Đông. Và thái độ ngày càng hiếu chiến của Bắc Hàn đối với những nước láng giềng đã làm xáo trộn quan hệ ngoại giao và kinh tế của Trung Hoa với Nam Hàn và Nhật Bản.

Về cơ bản hơn, Trung Hoa đã biến uy tín của mình thành con tin cho sự thành công của những đối tác trong phe trục. Nếu họ bị coi là thất bại trong nỗ lực áp đặt ý chí lên những nước láng giềng bằng vũ lực, thì thế giới sẽ thấy rõ rằng Bắc Kinh đã đi với những kẻ thua cuộc. Điều đó không chỉ làm suy yếu nỗ lực của Trung Hoa nhằm chứng tỏ mình là nước lãnh đạo toàn cầu của một loại trật tự quốc tế mới mà còn làm thiệt hại đến vị thế cá nhân của Tập Cận Bình, cả trong và ngoài nước.

Làm thế nào để đạt được mục tiêu này? Đối với Nga, điều này có nghĩa là ngăn Putin đạt được những mục tiêu chiến lược của họ ở Ukraine. Điều này sẽ đòi hỏi sự yểm trợ ngoại giao, kinh tế và quân sự liên tục của phương Tây để cho phép quân đội Ukraine ngăn chặn bước tiến hiện tại của Nga và nếu không giành lại được lãnh thổ bị chiếm đóng, ít nhất là thiết lập một đường liên lạc ổn định giữa quân đội Ukraine và Nga. Một kết quả như vậy sẽ cho phép Kyiv tiếp tục công việc xây dựng một nhà nước có chủ quyền, thịnh vượng, không tham nhũng và dân chủ ngày càng hội nhập với những thể chế kinh tế và an ninh của châu Âu.

Đối với Iran, điều này có nghĩa là dập tắt tham vọng bá quyền của Tehran ở Trung Đông. Một phần, điều này có thể được thực hiện bằng cách yểm trợ Israel giáng những đòn mạnh vào cả Iran và những lực lượng ủy nhiệm của nước này—Hamas, Hezbollah, Houthis, v.v.—để tái lập sự răn đe và mở đường cho một Trung Đông ổn định hơn. Sự ổn định sẽ cho phép tiếp tục hòa giải giữa Israel và những nướcẢ Rập láng giềng, khởi đầu cho một tương lai đầy hứa hẹn hơn cho người Palestine và cơ hội để người dân Lebanon giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của Hezbollah.

Và đối với Bắc Hàn, điều đó có nghĩa là chứng minh rằng sự tập trung của Bình Nhưỡng vào vũ khí hạch tâm và những phương tiện để sử dụng chúng sẽ không mang lại an ninh cho đất nước hoặc đòn bẩy đối với những nước láng giềng. Điều đó sẽ đòi hỏi phải tăng cường năng lực ngoại giao, kinh tế và quân sự của Úc, Nhật Bản, Nam Hàn và những đồng minh và đối tác khu vực khác để hợp tác với Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn Bắc Hàn và bảo vệ chống lại bất kỳ hành động quân sự nào mà nước này có thể thực hiện—tất cả đều nhằm mục đích tiếp tục tiến triển hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hòa bình.

CÂN NHẮC LẠI SỰ SỐNG CÒN

Mỗi trong số những bước này sẽ thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ và những nước bạn bè và đồng minh, bỏ qua một bên thông điệp mà họ sẽ gửi đến Trung Hoa. Nhưng nếu theo đuổi thành công, chúng có thể khiến Bắc Kinh hạn chế và cuối cùng là giảm cam kết với chủ nghĩa phiêu lưu đang thất bại của những những quốc gia đối tác không tôn trọng luật lệ quốc tế.

Có lý do chính đáng để nghĩ rằng việc xét lại như vậy là khả thi, vì Tập đã từng điều chỉnh lộ trình dưới áp lực trước đây. Trước những cuộc biểu tình trên đường phố và những biểu hiện rõ ràng khác về sự bất mãn của công chúng, ông đã đột ngột từ bỏ chính sách “không COVID” của mình. Để đáp lại chiến lược Trung Hoa được hình thành trong suốt nhiệm kỳ của chính quyền Trump và Biden, ông đã thay đổi cách đối xử với Hoa Kỳ. Vào đầu nhiệm kỳ của mình, Tập dường như đã kết luận rằng Hoa Kỳ và Tây phương nói chung đang trong giai đoạn suy thoái nghiêm trọng, tạo cơ hội cho Trung Hoa khẳng định mình trên trường quốc tế; một phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ được sự đồng thuận rõ ràng của lưỡng đảng hậu thuẫn, đầu tư chiến lược thực sự và mặt trận chung với bạn bè và đồng minh đã khiến Tập Cận Bình phải xét lại. Kết quả là quyết định tái hợp tác với Hoa Kỳ, kể cả cuộc họp với Tổng thống Joe Biden tại San Francisco vào tháng 11 năm ngoái, trong nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Hoa.

Bằng cách kiên quyết kiềm chế chủ nghĩa phiêu lưu của những đối tác trục của Tập Cận Bình, Washington có thể khiến ông thay đổi hướng đi một lần nữa. Chắc chắn ông sẽ có lợi khi làm như vậy. Bởi vì nếu sự liều lĩnh của những đối tác của ông gây ra bất ổn và xung đột toàn cầu kéo dài, thì chính Tập Cận Bình sẽ phải chịu phần lớn trách nhiệm vì đã ngăn cản Đảng Cộng sản thực hiện những cam kết đưa Trung Hoa trở thành “nền kinh tế phát triển vừa phải” vào năm 2035 và trở thành “quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại” vào năm 2049. Chiến lược đúng đắn của Hoa Kỳ có thể khiến Tập Cận Bình hiểu rằng ông có thể phục vụ tốt nhất cho lợi ích của chính mình bằng cách phá vỡ trục của những kẻ thua cuộc.

© 2024 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

________________________

Nguồn: Xi Jinping’s Axis of Losers | Stephen Hadley | Foreign Affairs | November 1, 2024