Sinh viên VNCH du học Montréal (Kết)

Nguyễn Phát Quang

Với thời gian, qua tài liệu cùng ký ức, lời kể của các bậc đàn anh đàn chị U80, U90, U100, tôi đã ghi chép lại những sự kiện xẩy ra hơn nửa thế kỷ trước. Dù cố gắng hết sức để viết chính xác song chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, mong bạn đọc vui lòng thông cảm và bổ túc thêm.

3) Chuyện ma tại 2935 Maple wood (Edouard Montpetit)

Đây không phải là truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn mà là chuyện có thật; hình như báo ở Montreal đã đăng tin về trong một vụ án mà người mướn nhà đã thắng kiện vì bị ma quỷ quấy phá. Đó là toà nhà số 2935 đường Edouard Montpetit. Toà nhà toạ lạc ở gần góc Edouard Montpetit và Louis Collins, trước khi lên đại học Montreal, khi xưa ở phía trước có 2 bánh xe ngựa đỏ. Toà nhà 3 tầng, xây năm 1931, khá xưa trong vùng và tới bây giờ vẫn còn.

Toà nhà số 2935 đường Edouard Montpetit hiện nay không còn hai bánh xe ngựa sơn đỏ nữa. Nguồn: CoronetProperties

Khoảng năm 1963 khi 2 sinh viên đại học Montreal, trường École Polytechnique de Montreal, Lê Duy Cấn và Lê Mạnh Cương mướn appartement ở chung. Đó là appartement số 6, 5 ½ gồm 3 phòng ngủ; mỗi người có phòng riêng. Tối đến anh Cương thường bị ma nữ đè… ‘quấy nhiễu’ bậy bạ, kéo chăn xuống, và anh còn nghe tiếng khua động nồi chảo, chén dĩa ở nhà bếp hay tiếng nước chảy trong phòng tắm. Anh Cương cũng run sợ lắm, mở đèn phòng ngủ và cắn răng chịu trận vì mới qua, điều kiện tài chánh không có gì nhiều. Mướn 2 năm liền mới được giá 80$/tháng thay vì 90$. Điều kỳ diệu là sau đó vài bài thi được điểm cao hơn nhờ trúng tủ, v.v..

Anh Cấn thì ngồi học hay đọc sách trên ghế sofa đêm khuya mơ mơ màng màng thì cũng thấy bóng trắng nữ nhân lảng vảng xung quanh nhiều lần. Anh Nguyễn Cao Thuận thì ở chung với anh Nguyễn Quang Học tầng trệt, appartement số 1, 4 1/2 nhưng không bị ma phá gì hết. Anh Thuận cũng lên ngủ thử 1 đêm ở phòng anh Cương nhưng không có chuyện gì xẩy ra.

Theo báo Montreal sau này đưa tin là có 3 cô sinh viên Khoa Điều dưỡng ở trong phòng này tử thương vì tai nạn xe cộ khi đi nghỉ hè ở Florida.

Vài sinh viên Việt Nam ở đường Edouard Montpetit sát bên đại học cũng bị ma nhát và phá phách; có 2 cô sinh viên Poly còn bị ma hù nhát ở cầu thang khi đi học về khuya năm 1974 (rất có thể là ma kỹ sư đực rựa?) Phía sau đại học Montreal là nghĩa trang Mont Royal mà lắm lúc sinh viên ‘nhứt quỷ nhì thứ ba học trò’ cũng đến đó cầu cơ hỏi đề thi.

4) Một vụ án buồn

Anh Phùng Ngọc Nh. học trường Trần Quí Cáp, Hội An, Việt Nam. Trong một gia đình giáo chức nề nếp. Anh học ở Polytechnique năm 1967, tính tình dễ thương, người vừa tầm thước, giỏi võ Bình Định cũng như môn vũ cầu. Anh phụ trách ban thể thao của hội sinh viên Việt Nam năm 1970.

Sau những chuyện buồn về học vấn, chuyện tình ở Việt Nam với thư từ bị bạn dấu, bạn thân đi thiết giáp tử trận, xích mích tranh cãi chính trị với bạn ‘phía bên kia’, bị trùm mền đánh hội đồng lúc ngủ khi đi trại chung, v.v.. Anh bị khủng hoảng nặng về tinh thần và có hồ sơ cảnh sát khi đi taxi từ Montreal tới Moncton.

Nguồn: Chuyện chém bay đầu trong nhóm sinh viên thân cộng tại Montreal, Trà Mi, DCVOnline. Tin trên The Montreal Gazette ngày 26 tháng 5, 1973

Tuy nhiên, sau cơn mưa trời lại sáng. Thời gian sau, anh có mái ấm gia đình với hai người con trai và cuộc sống bình yên bên cửa hàng dịch vụ.

5) Văn Nghệ

Ở Montreal thì giới sinh viên điều biết tài nghệ cải lương của anh Lê văn Ngàn. Gia đình anh có gánh hát ở Tây Ninh (Long Hoa) vì hưởng tinh hoa nghệ sĩ nên anh biết đờn ca. Anh biết đàn Lục huyền cầm, (guitar sửa đổi cần cầm đàn), nhưng thường dùng cassette làm phần nhạc và anh thường hát 6 câu vọng cổ. ‘Tình anh bán chiếu’ là bài ruột của anh.


Anh Lê Văn Ngàn trong buổi Họp mắt cựu sinh viên Đại học Laval và bằng hữu năm 2017: “Có ai hiểu được tấm lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy. Sông sâu bên lở, bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai.” Nguồn: HM2017 – Văn nghệ

Những anh sinh viên Huỳnh Công Hiển và chị Nguyễn Hồng Vân đều tham gia hát vọng cổ vào dịp Tết.

Anh Trần Thanh Toàn ở đại học Laval, ngoài tài đá banh, hát, đàn mà còn ‘Giao duyên tân cổ’ nữa với bài ‘Mấy dặm sơn khê’ của soạn giả Viễn Châu, nhạc Nguyễn văn Đông.

Những ca sĩ ở Montreal cũng khá nhiều:

  • Võ Anh Tuấn nổi tiếng với bài Mexico, Đêm đông …cùng với vài bạn lên Đài phát thanh Radio Canada hát được vài chục dollars, rồi về ăn phố tàu đầy kỷ niệm.
  • Chung Duy Minh với bài ‘Vọng ngày xanh’ (1956) của Khánh Băng kết thúc với câu cuối đầy ấn tượng: ‘Trời gió ooo… Trời gió ooo… Trời gió ooooooooo…’
  • Nguyễn Văn Sĩ: Lean on me, Unchained Melody với bộ đồ da đen, phong cách như Elvis Presley. Anh đàn cũng tuyệt nên có nickname ‘Sỹ Đờn’, lập ban nhạc khi làm ở Mỹ và có đứa con đậu tiến sĩ về piano.
  • Trần Bạch Liên: Tình hoài hương?
  • Trần thị Bích Khê

Đánh đàn (trình diễn):

  • Lê văn Hoàng Nam: piano
  • Trịnh Minh Ánh: guitar bass
  • Lê Phan Lân: guitar
  • Nguyễn Trung Lang: trống
  • Trịnh Quang Thạch: guitar
  • Võ Văn Lượng: thổi sáo
  • Trịnh Bá Tài: guitar
  • Nguyên văn Quế: guitar
Anh Lê Phan Lân (bìa phải) trong ban tứ ca thời đi học Ottawa (1975). Từ trái: Nguyễn Hữu Lâm, Nguyễn Hữu Lang, Nguyễn Huy Giang. Nguồn: DCVOnline

Anh Lâm Chấn Thọ lúc còn sinh viên có đóng vài clips quảng cáo trên TV trắng đen, trong vai M. Wong, đầu bếp ở nhà hàng tàu. Anh được nhận làm con nuôi của bà Jeanne Sauve, Toàn Quyền Canada (gouverneure generale), nên hội sinh viên Montreal có mời b à tham dự vài lần dịp Tết. Anh làm phó chủ tịch ngoại vụ (niên kháo 1973-74) cho hội khi còn sinh viên kỹ sư. Rồi sau đó cộng tác với Cộng đồng quốc gia vùng Montreal khi trở thành luật sư.


Mém làm tài tử xi-nê-ma: hai cựu sinh viên Polytechnique 1973 (giữa) và Polytechnique 1969 (bìa phải) thủ vai người Nhật tại phim trường của phim Midway khi quay ở Montreal (Trung tuần tháng 8- đầu tháng 9, 2019). Nguồn: DCVOnline

6) Võ thuật

Anh Trần Quang Bá từ Pháp qua học tiến sĩ Sciences politiques và giảng dậy một thời gian ở U.Montreal và sau đó đi dạy học ở Đại học Moncton. Ở Montreal anh có bằng huấn luyện viên (2e Dan) và mở lớp Karate cho sinh viên Việt Nam và sau anh thì ‘đệ tử’ Châu Trần Trung Chánh tiếp nối. Lớp học của anh Chánh có nhiều nữ sinh quebecoise khả ái…

Từ trái: Trần Đức Hoàng, Trần Quang Bá, Nguyễn Duy Khiêm.

Anh Trần Triệu Quân du học ở đại học Laval, Quebec năm 1970 ngành Cơ khí và thiệt mạng trong trận động đất ở Haiti năm 2010. Anh mở lớp Taekwon-Do tại đây Quebec, và là huấn luyện viên trưởng đội Canada để đoạt vô địch thế giới năm 1984. Anh huấn luyện viên huyền đai 9 đẳng Taekwon-Do, Grand Master.

Tưởng Nhớ Võ Sư Trần Triệu Quân | Ngày 12/01/2020 đánh dấu 10 năm ngày mất Võ Sư Trần Triệu Quân. Võ Sư Trần sẽ luôn được nhớ đến như một người lãnh đạo, hình mẫu, huấn luyện viên và người bạn xuất sắc đối với mọi người ở Canada và Liên đoàn Tae Kwon Do Quốc tế (ITF). Chúng tôi giữ hình ảnh Võ sư Trần trong ký ức và trong tim không chỉ hôm nay mà còn hàng ngày. Cầu mong di sản của Võ sư sẽ tiếp tục sống mãi qua tất cả các thành viên của chúng tôi. Nguồn: Canadian Tae Kwon Do, CTFI

Trong giới sinh viên Việt Nam cũng có nhiều anh ‘nhỏ nhưng có võ’ với dây đai khá cao Taekwon-Do 4th đẳng (Seoul) như anh Phạm Xuân Quốc, Judo như anh Nguyễn Anh Bình (Phương), anh Lã Mạnh Hùng; Võ Bình Định Sa Long Cương có hai anh Nguyễn Châu Thiện và Vũ Ngọc Hùng, v.v..

Lạc đề một chút nhe quý vị. Có vài anh là ‘cao thủ’ kể truyện Kim Dung nhớ thuộc lòng các môn võ, kiếm khách, giai nhân, v.v.. Có anh là ‘cao thủ’ song kiếm hợp nhứt, vừa đánh Phé hay và đánh ‘Mạt chược’ giỏi.

7) Báo chí

Những anh sinh viên Montreal thấy báo ‘Tiếng Chuông Việt’ do những sinh viên Thiên Chúa giáo ở Mỹ thực hiện không cùng ý thích (goût) nên phát hành tờ báo ‘Cảm Thông’ vào năm 1957. Lúc đầu, khi rảnh rỗi thì viết tay, và chuyền cho nhau xem những tin tức, kỷ niệm và không viết về quan điểm chính trị. Sau 2 năm thì ngừng vì hết sức và hết can đảm!


Trái qua phải: Trịnh Ngọc Quỳnh, Nguyễn Kim Hiền, Phạm Viết Bảng (ngồi), Đỗ Vỹ, Tôn Thất Côn. Nguồn: Ảnh Gia đình Nguyễn Kim Hiền

Theo bài ‘Báo chí người Việt ở Canada’ của Nguyễn Vy Khanh (2013), tài liệu do anh Lã Mạnh Hùng cung cấp, tác giả trích ra như sau:

“Sau tháng 4, 1975, tờ Chân Trời Mới (Lam Khê) rồi Dân Quyền (Trương trí Vũ).

Một trong số những tờ báo đầu tiên khác xuất phát từ Montréal là tờ Dân Tộc, “cơ quan biên-khảo nghị-luận; tiếng nói của sinh viên Việt-Nam tại Canada”, số 1 ra tháng 3-1976 do Phan Nguyên (Nguyễn Văn Sơn) chủ-nhiệm cùng Lã Mạnh Hùng, Đàm Quang Long thay nhau điều khiển duy trì tờ báo, mỗi số khổ tabloid giá 25 cents. Từ năm 1979, tờ báo đổi khổ 8×11 giá $1.25/7.00 f.f., chủ-nhiệm Đàm Quang Long, chủ-bút Hoàng Cao Chuy (LMH), Phan Nguyên phụ trách phần Nghiên cứu và tăng cường thêm các cây viết biên-khảo nghị luận như Nguyễn Khắc Ngữ, nhà văn như Minh-Đức Hoài-Trinh, … và báo cũng là nơi xuất hiện những văn thơ bước đầu của Vy Hùng, Bắc Phong, …”

Nguồn: Bom nổ trong hàng ngũ Việt kiều Cộng sản tại Gia Nã Đại, Dân Tộc số 18, tháng 7-8, 1979. DCVOnline, May 29, 2015

Đuốc Thiêng: “tiếng nói Cộng đồng người Việt tại Canada vùng Montréal”, thay thế Bản Tin lúc đầu của Hội Việt Kiều tai Canada vùng Montreal – thành lập từ tháng 3-1976, chủ tịch Trần Xuân Đức, ra báo Giai phẩm Xuân.

Bọt Biển, tập san do một nhóm sinh viên ĐH Ottawa chủ trương và phát hành tháng 2, 1975.

Nếu sinh-viên đại học ở thủ đô Ottawa từng có những tờ Vùng Đất Cao, Bọt Biển (trước tháng 4, 1975), rồi Tin Báo, Tấc Đất (sau tháng 4 1975) thì thủ đô tỉnh bang Québec có tờ đặc san Đất Lạnh / Terre Froide của Hội Việt kiều Québec bất định kỳ từ thập niên 1960, lúc đầu là tiếng nói sinh viên VNCH theo học tại đại học Laval gồm “quốc-gia” và “thân Cộng, phản chiến” lúc lằn ranh chưa rõ (trong Ban biên tập từng có Lương Châu Phước), sau trở thành tiếng nói của Việt kiều (từ biến cố tháng Tư 1975) và cựu sinh-viên “quốc-gia”. Một số báo có thời được cơ quan thông tin của chính phủ Québec giúp phần ấn loát.

9) Đặc san Đất Lạnh, Số đầu tiên, do Hội sinh viên ĐH Laval phát hàng tháng 2, 1962

Tóm lược ‘Sinh hoạt Báo chí’, Bọt Biển, tháng 2, 1975, trang 23-27

Chỉ một thoáng nhìn chúng ta cùng nhận thấy có những tờ báo phát hành thật đều và cũng có báo chỉ có số ra mắt hay một vài kỳ rồi biến mấ hoặc thay đổi hình thức.

Những tờ báo có số phận ngắn ngủi

  • 1970-72: Quật Cường, (Montréal), Trở Về, 1971-72 (Ottawa)
  • 1973-74 | Montréal: Về Nguồn, 1973, Niềm Tin 73-74; London: Nhận Định 1973; Ottawa: Vùng Đất Cao 1974, Đồi Cát 1974; Toronto: Bạn Việt 1974.

Quật Cường do một nhóm sinh viên Montreal chủ trương với nội dung là những bài nhận định, ý kiến, phê bình, không có tính văn nghệ. Quật Cường đình bản sau 3 số.

Trở Về do Hội Việt Kiều Ottawa phát hành, nội dung văn nghệ và đình bản sau hai số.

Về Nguồn là giai phẩm Tết của Hội Việt Kiều Montréal phát hành 1 số, nội dung văn nghệ và thông tin.

Nhận Định do Hội Việt Kiều London (Ontario) phát hành năm 1973, nội dung gồm tản văn, truyện ngắn, và một số bình luận.

Sau Về Nguồn, Hội Việt Kiều Montréal phát hành tờ Niềm Tin, gồm những bài nhận xét, khảo cứu, v.v., không mang màu sắ văn nghệ. Niềm tin số 2 phát hành vào tháng 9, 1974.

Sau một năm vắng bóng Trở Về, Hội Việt Kiều Ottawa phát hành tờ Vùng Đất Cao vào năm 1974 với vài thay đổi nhỏ so với nhóm chủ trương tờ Trở Về. Cả hai đều là báo do Hội Việt Kiều Ottawa phát hành. Vùng Đất Cao là tờ báo thuần văn nghệ. Sau Vùng Đất Cao, Đồi Cát cũng là báo với mục đích thông tin do Hội Việt Kiều Ottawa phát hành số đâu tiên vào tháng 9, 1974.

Hội Ái hữu Sinh viên Việt Kiều Toronto phát hành tờ Bạn Việt nhân dịp Giáng sinh 1974 nhằm thông tin nội bộ và vài tiểu mục văn nghệ.

Những tờ báo phát hành đều đặn

  • Quebec: Đất Lạnh, Thế Hệ
  • Montréal: Gió, Tiền Phong
  • Washington, D.C.: Tin Việt Nam

Đất Lạnh được xem là tờ báo do hội Việt Kiều tại Québec phát hành, có lịch sử lâu dài nhất. Nội dung Đất lạnh gồm thơ, truyện ngắn bên cạnh những bài nhận định và phê bình. Sau 1973, Đất Lạnh trở thành tờ báo thông tin nội bộ với vài bài ký sự. Cạnh đó, Thế Hệ là tờ báo của một nhóm sinh viên phát hành trong một khoảng thời gian khá dài.

Tương tự như Đất Lạnh, tại Montréal, Gió có thể xem là tờ báo phát hành liên tục lâu dài, nội dung tương tự như Đất Lạnh trước trước khi thay đổi. Gió đình bản năm 1973.

Tiền Phong, báo của Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Canada, và Tin Việt Nam là hai tờ báo phát hành đều và phổ biến sâu rộng.

Tương tự như Thế Hệ, nội dung tờ Tiền Phong ủng hộ chính phủ Cộng sản Bắc Việt và những cơ cấu lệ thuộc. Tiền Phong lập lại một cách trung thành chính sách và đường lối tuyên truyền của Cộng sản Bắc Việt.

Tin Việt nam, không phải báo của sinh viên hay hội Việt kiều, do trung tâm thông tin tại Hoa Thịnh Đốn phát hành chỉ là bản in lại của tờ Tin Quê Hương do ông Phan Như Mỹ của Toà Lãnh sự Việt Nam Cộng hoà tại Pháp chủ trương. Không kể những khác biệt nhỏ giữa Tin Quê Hương và Tin Việt Nam, với một số tin tức ở Bắc Mỹ, Tin Việt Nam nội dung nghèo nàn, tin nhỏ giọt về Việt Nam, với một vài bài trích từ báo ở Sài Gòn. Tóm lại Tin Việt Nam bất xứng là một phương tiện phục vụ sinh viên, Việt kiều.

9) Chuyện Tình

Viết lại chuyện xưa tuổi học trò mà không có chuyện ái tình thì quá khô khan mà viết ra thì đụng chạm rổn rảng. Biết rằng các buổi họp mặt bạn bè mà không ai nhắc tới chuyện tình năm xưa hay chuyện tục thì coi như các U70/U80 sức khỏe hơi yếu, trí nhớ kém chứ không phải không thích chuyện vui cười!

Nghe vài bà chị thì kể lại chuyện cũ một cách kiêu hãnh, nhắc tới thời “‘Tao như cô gái hãy còn xuân’, ông X, ông Y chạy theo tao chết luôn!” Còn mấy ông anh thì kể lại chuyện lén nhìn em học bài ở thư viện Sciences Sociales mà chẳng dám nói một câu, hay lấy hết can đảm đưa cho em tờ giấy trắng tinh nhân dịp Valentine hoặc bi đát hơn nữa là ‘Tao bị mọc xừng liên miên, đi cua đầm sướng hơn.

Tác giả bài này không phải là nhà văn mà độc giả thì bây chừ đã U70, U80 và cả U90 rồi, tứ chi đã mềm nhũn, đâu còn mơ mộng chi nữa! Biết yêu là đủ rồi chứ không biết gì hơn; người viết đã tự dặn lòng, chớ dại mà viết kể lại chuyện ngày xưa… sẽ đụng chạm, xích mích, tự ái, thanh minh, thanh nga, đâm ra phức tạp lắm.

Tình yêu thời sinh viên si mê ở tuổi đôi mươi lúc nào cũng đẹp, lãng mạn như hay hơn cả chuyện tình tiểu thuyết Love story thời đó.

Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui/Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi/Ngồi viết tâm sự nhớ ngược về quá khứ/Chợt lên nét suy tư bao năm thầm kín trót thương tà áo tím/Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rớt vào tim”

(Trả lại thời gian-Thanh Sơn)

Thành ra tóm tắt cho vui cả làng thôi. Tác giả không phải là nhà văn mà do bị xúi dục và thúc đẩy nên trở thành ‘cụ viết văn bất đắc dĩ’. Nữ sinh viên trước 1975 rất ít, chỉ 1/10 so với nam sinh viên. Các chị thì chuyển ngân eo hẹp, chưng diện bị giới hạn, các anh thì thường nhỏ con, ốm yếu, chỉ lo học với kính cận dày cộm. Học càng học giỏi thì ăn nói càng vô duyên.

  • Quen nhau và học ở thư viện của trường
  • Đàn anh kèm mấy em học
  • Đi nhảy đầm centre social tối thứ bảy để tìm đầm quebecoise
  • Sinh hoạt trong hội sinh viên (anh đàn em hát, thể thao, nấu bánh chưng, v.v..)

Đối với mấy cô Việt Nam thì có bản nhạc:

Em muốn yêu anh dài lâu
Anh muốn yêu em đậm sâu
Anh đã thương em từ lâu
Anh muốn yêu em dài lâu

Đối với Quebecoise:

L’amour, c’est pour rien
Tu ne peux pas le prendre
L’amour, c’est pour rien
Mais tu peux le donner

Nên biết ‘cua’ đầm thì nhanh lẹ, đơn giản và khỏe re, như mì ăn liền; lại có cơ hội thực tập sinh ngữ và ít bị mang tiếng ‘dại gái’! Trái lại những ông anh Việt Nam chạy theo mấy bà chị Việt Nam đã mệt rồi. Nhưng chơi với các bạn Quebecois còn bị ‘banh xác’ luôn. Chị nào đi chơi với tây là bị lời ra tiếng vào, đồn đãi, chê bai, bị tẩy chay rất tội nghiệp và không công bằng.

10) Sinh Hoạt Cộng Đồng

a) Văn nghệ

Nhóm Du Ca – Đại học Laval, trước và sau 50 năm, với ca khúc: Nhìn những mùa thu đi. Từ trái: Trần Thanh Toàn, Tô Xuân Kỷ, Bùi Văn Tâm, Võ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Duy Vinh (2023)

Anh Vinh tâm sự:

Tấm hình đó lịch sử (coi dưới đây) là vì nó được chụp ở Expo 67, sau buổi trình diễn văn nghệ của sinh viên Việt Nam, đại diện Việt Nam Cộng Hòa tại Expo 67 (vì nhà nước VNCH quyết định không gửi phái đoàn VN sang trình diễn). Hôm đó trước khoảng 800 người ở Pavillon Chrétien, phái đoàn sinh viên VN của đại học Laval đã ra quân với hai bài hát. Bài hát đầu tiên là do chị Tô Thu Hà trình bày có tên là Vọng Ngày Xanh (của Khánh Băng). Giọng chị Hà lên cao vút làm cả căn phòng im phăng phắc. Bài số hai là do nhóm Du Ca của Laval gồm các anh: Võ Ngọc Đỉnh, Trần Thanh Toàn (ông này cũng đá banh rất giỏi, có mặt trong hội tuyển Laval ở ĐHTTBM năm 1974, có nickname là Toàn sáo sậu), Tô Xuân Kỷ và Nguyễn Duy Vinh (tức Vinh dài) và ông bầu Bùi Văn Tâm (gõ trống). Bài hát này là bài Tiếng Dân Chài (của Phạm Đình Chương). Người speaker trình bày và giới thiệu các bản hát và người hát trước công chúng hôm đó là chị Hoàng Thị Lan. Phần trình diễn của nhóm sinh viên Laval thành công rực rỡ vì được các phóng viên của Radio Canada cho tin hôm sau trên TV Radio Canada (TV trắng đen). Một kỷ niệm rất đẹp và cũng nói lên sự đóng góp của du học sinh VNCH!”


Từ trái: Bùi văn Tâm, Võ Ngọc Đỉnh, Trần Thanh Toàn, Nguyễn Duy Vinh, Đặng Ngọc Sơn, Tô Thu Hà, Nguyễn Thúy Hạnh, Hoàng Thị Lan, Lưu Quang Trung
Sinh viên ĐH Ottawa trong những hoạt cảnh và hợp ca cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung (Circa 1974-75). Nguồn DCVOnline

b) Georges Etienne Gauthier

Georges Etienne Gauthier, theo học tại École Supérieure de Musique Vincent d’Indy, Universite de Montreal ở Montreal.

Trong khi nghiên cứu nhạc Việt, Gauthier đã “gặp” nhạc Phạm Duy và nảy sinh lòng cảm mến sâu xa đối với người nhạc sĩ Việt nam, trong ba mươi năm, đã sáng tác trên 400 bản nhạc đủ loại. Cũng do đó mà Gauthier đã viết một loạt bài về nghệ thuật của Phạm Duy: ‘Một Người Gia Nã Đại Với Nghệ Thuật Phạm Duy, đăng trên tập chí Bách Khoa từ 1970-1972’.

Ông đã sinh hoạt và giúp đỡ rất nhiều sinh viên VNCH. Trước 1975, ông thường tới trụ sở sinh viên, có cảm tình với vài cô Việt Nam nhưng không thành!

Georges Etienne Gauthier và Phạm Duy. Nguồn: Georges Etienne Gauthier

Ông nghe những băng nhạc cassette Thái Thanh hát những bài của Phạm Duy và viết những bài nghiên cứu nhận xét về âm nhạc của Phạm Duy. Không rõ ông gặp Phạm Duy khi nào. Trong Hồi ký của Phạm Duy, nhạc sĩ tài ba này có nêu lên là ‘người Việt Nam có vài người nhận xét về âm nhạc của tôi, nhưng mà nhiệt tình và công phu lại là nhạc học gia người Gia Nã Đại, Georges Etienne Gauthier’, điển hình là về dân ca và nhạc phổ thơ đầu tay ‘Cô hái mơ’ (1942).

c) Hội Họa

Nguyễn Thanh Cảnh: tranh sơn dầu (giải ville Brossard), anh cũng sáng tác nhạc.

Dương Tâm Chí: vẽ logo, poster cho đại hội thể thao, và đại hội gia đình mũ đỏ.

d) Tôn giáo

Có vài bạn sinh viên chọn con đường cư sĩ, xã hội sau khi việc làm được ổn định như:

Uông Chánh Nghĩa, Polytechnique, đạo Tinh Lành (mất fev 2024), phục vụ cho trại tỵ nạn HongKong.

Trịnh Đình Tấn (Chân Cơ), Polytechnique, tụng kinh chùa Tây Tạng, Giáo thọ cư sĩ at Làng Cây Phong – Thiền Viện

Trần Minh Dũng (Chân Huy), Laval, thuyết pháp về thiền theo thiền sư Thích Nhất Hạnh.

10) Linh tinh

a) Hydro Quebec

Hydro Quebec là công ty điện lực của chính phủ tỉnh bang Quebec, một trong 10 công ty điện lực lớn ở Bắc Mỹ chuyên sản xuất, bán, xuất cảng thủy điện của tỉnh bang. Công ty đem lại niềm tự hào của dân ở đây, tạo doanh thu rất lớn cho chính phủ với giá điện rẻ nhất ở Canada cũng như đã giúp phát triển nhiều công ty cố vấn công trình (Ingenieurs Conseils). Nhân viên Việt Nam của Hydro Quebec năm 2000 có hơn 100 người, ở Montreal; khoảng 60% tốt nghiệp kỹ sư từ trường Polytechnique. Tôi không biết có hãng nào trên thế giới, ngoài Việt Nam, có nhiều kỹ sư Việt Nam như vậy không? Hãng trọng dụng 1200 kỹ sư có nghiệp đoàn (boite d’ingenieurs); đây là một xếp đặt rất hiếm thấy. Ở đây tôi muốn nhắc tới những sinh viên kỹ sư Việt Nam du học ở Canada năm xưa thì ngày nay họ đã đóng góp xây cất đập thủy điện, đường giây điện cao thế, v.v..

Ảnh chụp trên không của đập Daniel‑Johnson và hồ chứa trên sông Manicouagan

Hydro-Quebec được xếp hạng 7/300 hãng tốt nhất của Canada theo tập chí Forbes năm 2023.

b) Lịch sử Phật giáo qua tem bưu chính

Anh Trần Thanh Lý, kỹ sư Poly Montreal say mê tem thơ và sưu tầm từ nhỏ ở Việt nam. Bộ sưu tầm của anh có rất nhiều tem thơ quí giá. Anh đã bỏ ra nhiều năm sau nghỉ hưu để công phu soạn cuốn sách này.

Nguồn: Trần Thanh Lý

c) Tượng Nguyễn Trãi tại ville de Quebec

Tượng được đặt tại Parc De l’Esplanade, đường D’Auteuil, thành phố Quebec, khoảng 500 m trên đường tới trung tâm, Château Frontenac.

Ông Nguyễn Trãi được UNESCO công nhận là nhân vật chính trị và văn chương tiêu biểu của văn hóa Việt Nam. Ông có công lớn giúp anh hùng áo vải Lê Lợi đánh đuổi nhà Minh năm 1428. Ông mất năm 1442 trong vụ án Lệ Chi Viên, bị tru di tam tộc.

Thầy Nguyễn Ngọc Định một kỹ sư đàn anh lâu đời ở Đại học Laval/Quebec và là hậu duệ đời thứ 17 đã thiết kế và xúc tiến dự án với chính phủ. Tượng là tác phẩm của điêu khắc gia Trương Chánh Trung.

Tác giả bên cạnh tượng cụ Nguyễn Trãi.

11) Bổ túc

a) Bác Đỗ Thị Soi

Bác Đỗ thị Soi và Bác Đinh thị Thái đi du học tự túc từ Hà Nội qua Montreal năm 1953, không có sự giúp đỡ của Giám mục Lê Hữu Từ, địa phận Phát Diệm. Năm 1954 Lm Cao văn Luận có tới thăm tại trường và khuyến khích ráng học giỏi để khi học xong thì về nước phụ giúp thành lập trường y tá ở Huế.

Khi học hai Bác phải ở nội trú, nhà trường và nhà thương ‘Sacre-Coeur’ tọa lạc cùng một nơi thuộc quận Cartierville, thành phố Montreal, cho tiện việc thực tập. Sau khi học xong 3 tháng đầu, tháng 9,10,11 năm 1953, thì phải thi để được nhận chính thức vào trường. Mỗi tuần được 4$ canadien. Bác Thái và thầy Tường lấy nhau năm 1956.

Thêm nữa, bác Đinh Bảo Lĩnh học pharmacie, dạy ở đại học Laval, faculté medicine, là anh của bác Thái, anh Đinh Công Bản và Đinh Công Thanh.

b) Bác Phạm Nam Trường

    Bà Phạm Nam Trường (khuê danh Trương Thi Bảo Thư) học trường Công giáo và theo đạo Công giáo. Bà qua Canada năm 1957 muốn học y tá nhưng gặp ông Trường và trở về Việt Nam năm 1958, cùng đứa con gái. Bà mất tháng 7 năm 2023.

    c) Sinh Viên Quân Y du học

    Trong bài ‘Hoa đăng dưới bóng quân kỳ cũ’ cuủa tác giả Phan Bảo Thư đăng trên trang Hội Ngộ Sinh Viên Quân Y ngày 15 tháng 4 năm 2012 tại miền Nam California có ghi:

    “Giáo sư Nguyễn Khắc Minh kể những kỷ niệm khi đi du học, vì ghét tiếng Anh nên được trường Đại học Mỹ gửi sang Gia-nã-đại học những năm đầu trước khi trở lại Mỹ hoàn tất chương trình chuyên môn. Rất hiếm khi được nghe Giáo sư Minh kể những câu chuyện vui như chuyện gọi nước uống “cô-ca cô-la” và những câu chuyện “học khôn” với Giáo sư Đào Hữu Anh, người có điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển chọn Nhân viên Giảng huấn năm ấy.”

    Theo Bs. Vũ Văn Dũng, “GS Nguyễn Khắc Minh là một cựu nội trú của BVBD, đi du học về Anesthégiologie tại Canada và Hoa Kỳ mới về nước năm 1965.

    Lời Kết

    Bài này chỉ là hoài niệm về những sinh hoạt, những đóng góp của những sinh viên trẻ VNCH năm sáu chục năm trước, không có mục đích nâng cao hay hạ thấp bất kỳ cá nhân nào; tác giả chỉ làm việc ghi chép lại chặng đường du học, và cuộc sống của những sinh viên đó ở tỉnh bang Quebec, nhất là thành phố Montreal, Canada.

    Quý Bác, những bậc đàn anh chị, bạn bè không những đã cung cấp tài liệu mà còn khuyến khích tôi biên soạn bài này từ nhiều tháng qua.

    Tác giả vô cùng cảm ơn những niên trưởng: Đỗ thi Soi, Nguyễn Duy Khiêm, Lê Duy Cấn, Nguyễn Duy Vinh, Vũ Thiện Hùng, Nguyễn Minh Đức, Dương Tâm Nghiêm, v.v. đã cung cấp tài liệu. Đặc biệt bạn học thời niên thiếu Nguyễn Kim Nguyên đã chỉnh sửa cho bài gọn gàng sáng sủa hơn.

    Dịp này tôi cũng biết thêm bạn mới, gặp lại bạn cũ. Sung sướng khi biết được trí nhớ của mình còn khá tốt nhớ những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Rồi đến vui mừng khi khả năng viết ‘tiếng nước tôi’ càng lưu loát trôi chảy. Hai ngón tay gõ bàn phiếm máy tính cũng nhanh hơn!

    Với thời gian, qua tài liệu cùng ký ức, lời kể của các bậc đàn anh đàn chị U80, U90, U100, tôi đã ghi chép lại những sự kiện xẩy ra hơn nửa thế kỷ trước. Dù cố gắng hết sức để viết chính xác song chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, mong bạn đọc vui lòng thông cảm và bổ túc thêm.

    Mong bài viết có ích lợi và đem niềm vui cho những bạn già. Biết rằng còn nhiều khuyết điểm về nội dung lẫn hình thức, nhưng nó vẫn được các bạn khuyến khích, tặng hình ảnh và thông tin để ghi lại cho thế hệ sau.

    Lễ Phục Sinh 2024

    Đọc Sinh viên VNCH du học Montréal (1)
    Sinh viên VNCH du học Montréal (2)
    Sinh viên VNCH du học Montréal (3)
    Sinh viên VNCH du học Montréal (4)

    © 2024 DCVOnline

    Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

    ________________________

    Nguồn: Bài của tác giả | DCVOnline hiệu đính, hoàn chỉnh hình ảnh, trình bầy và phụ chú. Liên lạc với tác giả qua Email: [email protected]