Cuộc nhào lộn ngoại giao của Việt Nam trong thời hậu Mỹ
Thomas Jandl | DCVOnline
Sau cuộc bầu cử năm 2016, Hà Nội vẫn hy vọng rằng Tổng thống Trump khi nhậm chức sẽ đổi từ người bảo vệ doanh nghiệp quốc gia thành một người lãnh đạo chấp nhận giá trị của thương mại tự do – đó cũng là lý do chính để chính phủ Việt Nam đầu tư rất nhiều, chuẩn bị cho việc gia nhập Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Những hy vọng này đã để lại dư vị khó chịu.
Nay thì rõ ràng là Trump sẽ lãnh đạo như khi vận động tranh cử: không có chiến lược dài hạn và không quan tâm đến bất kỳ một sự đo lường hậu quả nào. Không có gì đáng ngạc nhiên, khoảng 60% nhân viên ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã từ chức và những ghế quan trọng để lập chính sách đối ngoại vẫn chưa có người nhận. Rõ ràng, Washington không có một lộ trình rõ ràng cho những mối quan hệ chính của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.
Chính sách không liên kết của Việt Nam – theo đó Hà Nội đã khai thác khéo léo các cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn để cân bằng lợi ích kinh tế và chính trị – nay cần được tu chỉnh và cập nhật. Trong hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Trump đã đứng trước giới lãnh đạo của các tổ chức đa phương quan trọng nhất trong khu vực và ca ngợi về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mở rộng và tự do, đồng thời lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa thương mại đa phương. Trump sẵn sàng có thoả thuận song phương với bất kỳ nước nào nhưng cho biết trước rằng ông muốn Hoa Kỳ “thắng” trong một cuộc chơi có “người thua kẻ thắng”. Với thỏa thuận loại này ít có khả năng Trump sẽ tìm được đối tác thương mại song phương.
Không giống như Trump, Xi Jinping có kế hoạch làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại. Phát biểu tại APEC sau Trump, chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra một cái nhìn về những lợi ích chung của một khu vực kinh doanh tự do. Giới chức Việt Nam đã bị Xi đánh bại bằng việc sẵn sàng từ bỏ nghi thức ngoại giao tại diễn đàn APEC. Trong bài phát biểu của mình, với một cú hích sang phía Hoa Kỳ, Xi đã đưa ra một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên, trong đó thương mại và đầu tư không phải là trò chơi có bên thắng bên thua và đã đảm nhận vai trò lãnh đạo sự cởi mở kinh tế ở Châu Á. Trong khi Trump lập lại chính sách đã không thành công của Trung Quốc khi o ép các nước nhỏ vào những thoả thuận thương mại song phương, thì Xi lại đang xúc tiến một chương trình nghị sự đa phương.
Trong khi Trung Quốc rõ ràng đang nổi lên như một nước lãnh đạo ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa thì Việt Nam có thể là một cửa thoát cho Trump. Giới ngoại giao Việt Nam nhanh chóng tuyên bố Hà Nội sẽ theo đuổi thoả thuận song phương với Washington, vì lợi ích kinh tế thì ít mà vì giá trị tượng trưng của nó thì nhiều. Thặng dư thương mại trị giá 32 tỷ USD của Việt Nam với Hoa Kỳ khiến cho Việt Nam dễ bị thương tổn trong cuộc chiến thương mại của Trump. Tuy nhiên, Hà Nội hy vọng có thể ve vuốt được sự tự tôn của Trump: nếu Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia nhận lời đề nghị của Trump, thì có thể sẽ được khen thưởng chỉ vì đã cho cho Trump có cơ hội để hả hê. Và sau đó là biểu tượng của việc hợp tác với Washington cùng lúc với Bắc Kinh đang nhắm đến việc lãnh đạo ở khu vực.
Nhưng chiến lược này của Việt Nam đầy rủi ro. Bất kỳ thỏa thuận nào có được với Trump chắc chắn sẽ hay thay đổi. Nếu đảng Cộng hòa thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2018, giới lãnh đạo đảng Cộng hoà ở Quốc hội và chính quyền Trump có thể đi vào những lộ trình rất khác nhau. Hơn nữa, vì không có chiến lược dài hạn, bất cứ sự thay đổi nào về tình hình trong nước – hoặc trong tâm trạng cá nhân của ông – có thể khiến Trump quay mặt chống lại Việt Nam ngay lập tức.
Theo truyền thống, Việt Nam thích các lộ trình đa phương, nơi không ai có thể đơn phương quyết định. Đó là lý do tại sao bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào với Washington cũng nên được xem như là con cờ thương lượng cho các thoả thuận RCEP và TPP-11, mà Việt Nam vẫn cam kết gia nhập. Có càng nhiều bạn càng tốt là một nước cờ thương lượng quan trọng cho một quốc gia như Việt Nam, thường cạnh tranh với kẻ mạnh hơn mình, đặc biệt là đối với nước láng giềng lớn phía Bắc, mà tính bá quyền bất chợt và các tuyên bố chủ quyền trên vùng biển của Việt Nam là điều đáng lo ngại.
TPP sẽ giúp Việt Nam dễ dàng thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc hơn nhưng con tàu đó đã rời bến [hay đã đắm], ít nhất là ngay lúc này. Trong thời gian chờ đợi, Việt Nam đang cố gắng cải thiện sức mạnh đàm phán với một vị trí trong quỹ đạo của Trung Quốc. Thỏa thuận với Trump là hữu ích hoặc đáng tin cậy là một nước cờ nhiều rủi ro mà Hà Nội buộc lòng phải thực hiện lục này.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
Nguồn: Vietnam’s diplomatic acrobatics in the post-American era.Thomas Jandl, TJMR Asia Consulting, East Asia Forum, 14 January 2018.
Thomas Jandl là một thành viên sáng lập của TJMR Asia Consulting và là một ho giả tại khao Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Việt Nam (VNU).
Bài viết này là một phần của loạt bài đặc biệt của EAF đánh giá năm 2017 và năm tới.