Việt Nam là kẻ thắng và cũng là người thua trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

Bac Pham & Bennett Murray | DCVOnline

• Chiến tranh thương mại của Trump đang đẩy các công ty Trung Quốc qua biên giới phía nam.
• Điều đó làm giá lao động gia tăng — một lợi thế cho công nhân Việt Nam, và là một bất lợi cho giới chủ nhân.

Nguồn: scmp.com

Cộng đồng thương mại châu Á ngày càng chấp nhận rằng cuộc chiến mậu dịch giữa Bắc Kinh và Washington sẽ kéo dài, Việt Nam đã được lợi trong việc buôn bán do hàng xóm phía bắc chuyển sang. Gia công tại Việt Nam không có gì mới – Theo thống kê của chính phủ, năm ngoái quốc gia này đã được 35,88 tỷ USD đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) – những công ty Trung Quốc ngày càng dùng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung như một động lực để di chuyển cơ sở sản xuất về phía nam.

Tháng trước, GoerTek, hãng sản xuất Airpods của Apple tại Shandong, tuyên bố sẽ dọn xưởng sản xuất ống nghe không dây sang Việt Nam, và giám đốc điều hành Jiang Bin nói chiến tranh thương mại đã đưa họ đến quyết định đó.

Và hiệu giày Brooks Running của Warren Buffett sẽ làm tương tự, nhưng dọn sang Việt Nam vĩnh viễn. Giám đốc điều hành Jim Weber nói với CNBC, “Chúng tôi không chơi trò chạy vòng quanh trong chuỗi cung ứng.”

Một số công ty Trung Quốc dọn sang Việt Ban để trốn thuế Trump đánh vào hàng xuất cảng sang Hoa Kỳ. Nguồn: AFP

Việt Nam đã được thêm đầu tư trong khi Trung Quốc bị thiệt hại, giới làm kinh tế và doanh nhân Việt Nam có một cái nhìn nhiều mặt về những thay đổi này. Phạm Chi Lan, người đã phục vụ 10 năm như một cố vấn kinh tế cho các cựu thủ tướng Phan Văn Khải và Võ Văn Kiệt, nói “Không rõ giá trị gia tăng của Việt Nam sẽ tăng được bao nhiêu.”

Bà Lan cho biết Việt Nam sẽ có lợi nếu các công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật cao tại đây — Samsung của Nam Hàn, láp rắp đa số điện thoại thông minh ở đây, đã trở thành công ty đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam như việc các xưởng may hàng rẻ tiền của Trung Quốc dọn về đây sẽ ít có lợi hơn.

“Trung Quốc là nguồn cung cấp vật liệu có lợi nhất khi [các công ty của họ] dọn nhà máy của họ đến Việt Nam.” — Phạm Chi Lan

Bà Lan nói tiếp, “Ngành kỹ nghệ này vẫn nhập cảng rất nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc là nguồn cung cấp vật liệu, có lợi nhất khi [các công ty của họ] chuyển nhà máy của họ tại Việt Nam.”

Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May 10-CTCP tại Hà Nội, cho biết cuộc chiến thương mại có lẽ là tình trạng phước lành hỗn hợp “vừa mang lại lợi ích và gây hại cho công việc kinh doanh của chúng tôi”.

Trong khi Việt cho biết công ty may mặc của ông đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ các khách hàng ở Mỹ kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu, ông lo ngại về hậu quả khi một loạt các công ty Trung Quốc chạy sang Việt Nam để trốn thuế nhập cảng. Ông Việt nói,

“Các công ty này sẽ trực tiếp cạnh tranh với chúng tôi trong việc thuê mướn công nhân. Vì vậy, nó sẽ tạo ra áp lực lớn cho chúng tôi. ”

Tháng trước GoerTek, hãng sản xuất Airpods của Apple tại Shandong, đã có lệnh di chuyển xưởng sản xuất ống nghe không dây đến Việt Nam. Ảnh: AP

Phạm Thúy Liễu, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Dệt may Msa-Hapro ở Hà Nội, đã đồng ý.

“Khi sang đây, họ sẽ thu hút công nhân bằng cách tăng lương, vì vậy nhân viên của chúng tôi sẽ bỏ chúng tôi đi làm việc với họ.” Bà Liễu nói thêm rằng bà đã không được lợi lộ gì thêm vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vì khách hàng của bà phần lớn ở châu Âu.

Mức lương tối thiểu của Việt Nam thấp hơn ở Trung Quốc, trong khoảng từ 2,76 triệu đồng (120 đô la Mỹ) đến 3,98 triệu đồng (170 đô la Mỹ) mỗi tháng, tùy khu vực. Ngược lại, mức lương tháng tối thiểu ở Quảng Đông, là 2.200 nhân dân tệ (315 đô la Mỹ), ở Thượng Hải là 2.240 nhân dân tệ (350 đô la Mỹ).

Lê Đăng Doanh, cựu cố vấn kinh tế của năm thủ tướng, cho biết, trong khi các công nhân trong lĩnh vực kỹ thuật và dệt may có thể có lợi, thì một loạt công ty Trung Quốc tràn sang có thể gây bất lợi cho Việt Nam nếu Mỹ quyết định đáng thuế nhập cảng vì nghi ngờ hàng hóa Viet Nam có nguồn gốc Trung Quốc.

Washington trong tháng 5 đã đánh thuế nhập cảng nhôm và thép của Việt Nam với lý do Trung Quốc đang sử dụng quốc gia này để trốn thuế chống bán phá giá.

Ông Doanh nói,

“Nó có thể có lợi cho một phần nhỏ người Việt Nam khi công nhân được lương cao hơn, nhưng nó sẽ gây thiệt hại lớn cho Việt Nam vì nó sẽ nhắc chính phủ Mỹ điều tra nguồn gốc hàng hóa của Việt Nam.”

Bà Lan cho biết các công ty Việt Nam có thể thấy mình năm trong tần ngắm của Washington. Bà Lan nói,

“Trong trường hợp đó, không chỉ các công ty Trung Quốc, mà cả những công ty Việt Nam thực sự, cũng sẽ bị vạ lây.”

Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales và là một chuyên gia về Việt Nam, đồng ý rằng những rủi ro như thế là có thật; ông nói,

“Trong lúc chính quyền Trump tăng thuế nhập cảng thì càng có nhiều quốc gia muốn xuất cảng hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng vì sự trả đũa của Mỹ.”

Thayer cho biết khu vực kỹ thuật dường như tốt hơn so với những khu kỹ nghệ khác trong cuộc chiến thương mại: “Các ngành kỹ nghệ thuộc lãnh vực kỹ thuật cao cho điện thoại di động và thiết bị điện tử đang hoạt động tốt.”

Bà Lan đồng ý rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu các đại công ty kỹ thuật của Bắc Mỹ, Châu Âu và Đông Bắc Á đưa FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và đối tác Việt Nam Ngô Xuân Lịch đang duyệt qua hàng lính danh dự tại Hà Nội. Nguồn: AP

Nhưng bà Lan cho biết ngay cả khi những công ty Trung Quốc không chuyển đến Việt Nam, quốc gia này vẫn dễ bị thiệt hại vì luận điệu bảo vệ nền kỹ nghệ nội hóa của Tổng thống Donald Trump vi thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Bà Lan nói,

“Việt Nam là nước lớn thứ sáu có thặng dư thương mại với Mỹ, khoảng 38,5 tỷ đô la Mỹ năm ngoái, và con số này có thể cao hơn trong năm nay.”

Bên ngoài Việt Nam, giới phân tích ở Mỹ đang lạc quan ,ột cách thận trọng cho rằng Việt Nam có thể thoát không phải nhận những hậu quả nghiêm trọng nhất của cuộc chiến thương mại.

Trước hết, Việt Nam đã thông qua Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định thương mại với 10 quốc gia bao gồm Australia, Canada, Chile, Malaysia và Singapore, và đang trong giai đoạn cuối cùng để đi đến một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu.

Chính phủ Việt Nam cho biết CPTPP có thể làm cho GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32% vào năm 2035, tạo thêm 20.000 đến 26.000 việc làm mỗi năm. Ông Hoàng Văn Cường, Phó chủ tịch Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết,

“Chúng tôi cũng có thể dùng CPTPP để thu hút đầu tư tốt hơn, kéo các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì cuộc chiến thương mại sang mở nhà máy tại Việt Nam.

“CPTPP sẽ là cơ hội của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nếu cơ hội này được thực hiện tốt, Việt Nam sẽ là trung tâm cho các ngành kỹ nghệ chế biến và sản xuất trong khu vực.”

Michael Mazza, một học giả chuyên về chính sách quốc phòng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, cho biết trong khi các tín hiệu lẫn lộn của Trump về thương mại làm người ta khó dự đoán nhưng có lý do để tin rằng chính quyền Mỹ có thể khoan nhượng đối với Việt Nam hơn là đối với Trung Quốc. Michael Mazza nói,

“Tổng thống [Mỹ] tiếp tục nói về thâm hụt thương mại một cách rất tiêu cực và, mức thâm hụt thương Mại của Mỹ với Việt Nam đã vượt mức 38 tỷ USD hồi năm ngoái, và Việt Nam có thể bị nhưng biện pháp trừng phạt của chính quyền ở Washington.”

“Tuy thế, chúng tôi đã thấy chính quyền Mỹ đã hoàn thành các thỏa thuận thương mại với Nam Hàn, với Canada và Mexico, áp dụng một cách ứng xử hợp tác hơn đối với EU và bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản.”

Hồi tháng Năm, Washington đã đánh thuế nhập cảng trên nhôm và thép của Việt Nam với lý do là Trung Quốc đang Việt Nam làm phuong tiện để tránh thuế chống bán phá giá. Ảnh: AFP

Mazza cho biết, không giống như Trung Quốc, quan hệ đối tác an ninh vừa chớm nở giữa Việt Nam với Hoa Kỳ — đặc biệt liên quan đến lợi ích trùng lắp chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông — tạo ra những ưu tiên khác cho chính quyền Trump trong mối quan hệ song phương với Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến thăm Việt Nam hai lần vào năm 2018, trong khi Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao của Mỹ cũng đã cổ xúy cho một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”; đây là một ưu tiên cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Mazza nói,

“Tất cả những điều này để nói rằng việc hoạch định chính sách kinh tế không xảy ra trong chân không tại Tòa Bạch ốc của Trump, và có nhiều lý do để nghĩ rằng quan hệ Mỹ-Việt, trong khi chắc chắn không hoàn toàn miễn nhiễm, không có những căng thẳng thương mại song phương, như sẽ không bị chi phối vì chúng.”

Thayer, của Đại học New South Wales, cho biết, trong khi Việt Nam có thặng dư thương mại lớn hàng thứ sáu với Mỹ, con số này là không đáng kể so với những con số của Trung Quốc và Đức.

Ông nói, Hà Nội đã cho thấy họ sẵn sàng ứng phó trước tham vọng của Trump,

“Tôi nghĩ rằng xác suất Việt Nam bị đánh thuế nhập cảng vì thặng dư mậu dịch khá thấp vì Việt Nam đã cho thấy rằng họ sẵn sàng đàm phán một hiệp định thương mại song phương với Mỹ.”

Thayer nói, một mối quan tâm khác, là biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành kỹ nghệ vũ khí của Nga đã tràn sang Việt Nam. Khi Nga là nguồn cung cấp vũ khí chính của Việt Nam, các biện pháp trừng phạt được Mỹ tung ra hồi đầu năm nay nhắm vào người mua vũ khí Nga có thể được thực hiện chống lại chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, ông nói, xác xuất những việc trừng phạt như vậy là thấp. Thayer nói thêm,

“Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã yêu cầu Quốc hội miễn cho [cho Việt Nam không bị trừng phạt].”

Cuối cùng, Mai Vũ Minh, một nguòi đầu tư và chủ tịch SAPA Thale GmbH của Đức, một tập đoàn hoạt động ở cả hai nước, Việt Nam không thể chỉ phản ứng với ngọn gió đỏi chiều mà còn phải hành động để đổi mới chuỗi cung ứng. Ông nói,

“Giới doanh nhân cần phải thay đổi để thích ứng với ký thuật mới, phong cách quản lý và cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ tư.”■

© 2018 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: HERE’S WHO WINS AND ALSO LOSES IN US-CHINA TRADE WAR: VIETNAM | Bac Pham & Bennett Murray | scmp.com | 18 November 2018.