Cám dỗ cuối cùng của Chúa
Nguyễn Văn Lục
Thật ra sự cám dỗ của Chúa đã được ghi nhận chính thức trong các Phúc âm của Thánh Mát thêu, thánh Mát cô và thánh Luca. Theo các sách phúc âm này ghi lại, sau khi nhận phép rửa bởi thánh Gioan tiền hô, Chúa Jesus đã vào sa mạc ở Giu Đê và nhịn ăn trong vòng 40 ngày.
Nikos Kazantzakis, “La dernière tentation du Christ”(1)
Cũng chính trong thời gian này, quỷ đã đến cám dỗ Ngài. Chúa đã từ chối ba lần lời quyến dụ của quỷ. Theo phúc âm thánh Mát thêu còn ghi rõ nội dung lời đáp trả của Chúa khi bị quỷ cám dỗ như sau,
“Người ta không phải chỉ sống bằng bánh mì mà còn sống bằng lời xuất phát từ miệng của Chúa.”
Quỷ thất bại và đã bỏ đi. Chúa đã trở về xứ Galilê và bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Ngài. Ngài chưa hề viết một cuốn sách. Cùng lắm có lần được biết Ngài lấy tay viết loằng ngoằng trên cát mà người đời sau kể lại:
“Ai trong các người cảm thấy mình vô tội thì hãy lấy đá mà ném người đàn bà này.”
Đối với tôi đây là câu nói thời danh mà giá trị thực dụng của nó con nguyên vẹn. Sau đó Ngài đã rời bỏ nơi làng quê của Ngài và đi rao giảng trong một khu vực với bán kính 160 kilô mét. Lời giảng của Ngài đã lôi kéo theo một đám đông, có khi lên đến vài ngàn người; bị sức hút của những lời rao giảng của Ngài và một số hành vi của Ngài làm cho nhiều người ngạc nhiên tự hỏi, ‘Ông này là ai? Ngài có phải là một Messie (Đấng Cứu Thế) không?’ Trong cái không khí lúc bấy giờ, rõ ràng dân chúng đang khát vọng một Đấng mà có khả năng giải thoát họ. Một Messie. Một Messie mà các nhà Tiên tri trong Cựu ước đã tiên đoán một con người sẽ đến để giải thoát dân Israel.
Mà nói cho cùng, thời nào cũng cần một Messie như thế. Ngay cả bây giờ. Lúc này.
Tất cả những gì còn ghi lại đều tóm tắt trong ba phúc âm kể trên cộng với Phúc Âm của thánh Jean. (Không nói rõ chi tiết về sự cám dỗ của quỷ). Và chỉ có vậy.
Nhưng người đời sau có vẻ không bằng lòng với những câu chuyện kể tóm tắt vắn gọn. Họ đã dựng nên thành nhiều truyện suy đoán về cuộc đời của Chúa. Nhất là cuộc đời mặc lấy xác phàm.
Nikos Kazantzakis chỉ là một trong những nhà văn lớn của hậu bán thế kỷ19 viết về Chúa. Tác phẩm của ông bao trùm nhiều mặt. Nhưng đặc biệt về các mặt tôn giáo. Ảnh hưởng khá rõ rệt thấy được là hướng đi hành trình của Chúa trong cuộc đời ở dương thế đã ảnh hưởng trên ngòi bút của ông. Một cuộc hành trình tinh thần đi tìm hiểu tính cách Nhị Nguyên tính nơi bản tính Chúa — vừa là Cha trên Trời, vừa là Con Người tại thế, mặc lấy một xác phàm với đầy đủ cá tính..
Đây là mối xung đột thường xuyên trong truyền thống triết lý Hy Lạp đối đầu giữa “thân xác-và tinh thần”. Một bên là tình yêu xác thịt của đời sống, nguồn vui không cạn như lẽ sống ở đời. Và phần khác là sư phản kháng lại sự đau khổ và cái chết. Muốn thế, cần phải đánh hạ cái thân xác xuống để vinh thăng cái tinh thần.
Nhưng Nikos Kazantzakis, như nhiều nhà sử học, nhiều nhà thần học muốn nhấn mạnh đến khía cạnh con người tại thế của Chúa. Từ đó đặt ra nhiều vấn đề tìm hiểu cội nguồn cuộc đời của Đấng Cứu Thế. Đó là một con người thật bằng xương bằng thịt.
- Thứ nhất, ám ảnh về con người lịch sử của Chúa, một Chúa Jésus hiện hữu bằng xương bằng thịt. Nghĩa là đặt vấn đề đi tìm một Jésus có thực sự sinh ra ở Nazareth hay không? Điều này có thể tóm gọn trong cái thuyết lý Théorie du mythe de Christ. (Lý thuyết về huyền thoại đấng Christ) từ 18 thế kỷ nay. Họ đi tìm dấu vết một con người rong ruổi trên những ngọn đồi đá của xứ Judée.
- Đó cũng là vấn đề “lưỡng tính” nơi Chúa Giê su. Chúa vừa là Chúa, nhưng lại mặc thêm xác phàm và tác giả chỉ muốn nhìn nơi Chúa như mội con người và để cho Ngài phải chịu qua những cơn cám dỗ. Và qua những cơn thử thách ấy, Chúa trước khi tắt thở đã nói: ‘Thế là đã hoàn tất.’ Hoàn tất, một câu nói thời danh khác của Chúa, vì sứ mạng đã làm xong ở trần thế này. Nhiều người muốn đi tìm một Thiên Chúa xét về mặt lịch sử là có thật hay không. Hoặc họ dựa vào Thánh Kinh, hoặc dựa vào Phúc Âm của Thomas, hoặc dựa vào một Biểu Nhất Lãm toàn diện, tổng hợp nhiều mặt để vẽ lại cuộc đời của Chúa. Nói cho cùng, đó là công việc của những nhà nghiên cứu, không phải công việc của một tín hữu. Người tín hữu có thể không cần những thứ “xa xỉ phẩm như thế”!
- Trong trường hợp nhà văn Nikos Kazantzakis có thể khác. Mặc dầu ông là người nhìn lại khuôn diện của Chúa của ông trong cái đau đáu khát vọng tìm ra khuôn mặt Chúa trong khuôn mặt người, trong dằn vặt suy tưởng về thiện ác, về cám dỗ và hướng thiện, về nhát sợ và can đảm, về hy sinh và nỗi đau khổ, về ham muốn đời thường, về vui buồn, về đau khổ và hạnh phúc, về hướng thương và vượt lên. Thiện chí ấy ông chỉ nhằm chú trọng Thiên Chúa ở bình diện con người, nghĩa là có vui buồn, đau khổ, sợ hải và cả bị cám dỗ bởi ham muốn xác thịt ngay cả khi hấp hối trên Thập giá. Cách nhìn đó có thể coi là nghiêm chỉnh, “nhân loại” chăng?
Nhưng đây vẫn là một đề tài gây rất nhiều dị ứng và tranh cãi đụng chạm đến uy tín và sự xác tín của đạo Chúa. Chúa là toàn năng, toàn bích, toàn diện, hằng hữu làm sao lại có những nét phôi pha trộn tính người vốn yếu đuối. Căn cứ vào tài liệu nào để suy đoán và đưa ra kết luận?
Và phải chăng đã có những kẽ hở để lọt vào lòng ty tiện, bôi nhọ, lợi dụng? Phải nhìn nhận đã có những tính toán “đời thường” như tính thương mại, tính ham danh, tính áp đặt, tính chủ quan đem những tố tính của bản tính người áp đặt hoàn toàn vào Chúa? Người viết viết một, người cố cấp cho thêm củi vào lửa làm cho ngọn lửa bùng cháy tạo ra một xi căng đan.
Vì thế, người ta sẽ càng không lạ gì ở Việt Nam, chính quyền cộng sản đã cho phép in và bày bán bản dịch “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa” do Bích Phượng dịch từ bản tiếng Anh The last temptation of Christ và nhà xuất bản Tổng Hợp Đồng Nai phát hành vào tháng 8-1989. Cái mục đích tôn giáo hẳn là không. Nhưng mục đích đen tối chính trị là có. Cái mục địch đen tối ấy trước đây nhà nước XHCN cũng đã cho in cuốn “Tây Dương Gia Tô Bí Lục” (Được ghi chép lại là những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương). Ngoài nước, Talawas đã cho in lại toàn bộ cuốn sách. Rồi Lê Trọng Văn cho xuất bản năm 1992 tại Hoa Kỳ. Và cũng chẳng lạ gì, như thường lệ, như chỉ chờ có thế, Trần Chung Ngọc, một kiện tướng của nhóm Giao Điểm thừa dịp này cũng tiếp tay đánh hôi. Nhưng rồi nay hầu như không còn một ai muốn nhắc tới cuốn sách này nữa. Và ai còn tìm đọc Trần Chung Ngọc?
Đã đọc cuốn Tây Dương Gia Tô Bí Lục, người viết cho rằng đây chỉ là một cuốn sách nhảm nhí. Nhảm nhí đến độ chỉ có những ai mất lương tri mới tìm đọc.
Dĩ nhiên là chính quyền cộng sản, người ta không thừa giấy in để làm việc nhảm nhí đó. Nếu nó không đem lại một lợi ích gì cho họ. Người ta thường nói, “Không ai thừa giấy vẽ voi”.
Một xi căng đan khác như trường hợp The Da Vinci Code của Dan Brown sau này. Theo đó, Chúa chỉ là một nhân vật được tạo dựng ra bởi vì ngay cả Jesus đến các môn đồ của Ngài cũng đã không ai dạy rằng Ngài chính là Thiên Chúa. Cuốn sách Le Code de Vinci được coi như khám phá ra bí mật vĩ đại ấy, trở thành cuốn sách bán chạy, thời thượng nhất. (Xin coi “Le sourire de Mona Lisa”.)
Nhưng nếu người Thiên Chúa giáo hoặc những người bàng quang chỉ dựa trên Tin Mừng thì không có chỗ nào cho phép ta mường tượng hoặc đưa ra một giả thuyết về một quan hệ ái tình dù chỉ là trong cơn mơ, trong cơn hấp hối của Chúa trên Thập giá. Quá hơn nữa cơn mơ ấy lại chuyển sang hành dộng với Maria, người Magdala. Tất cả những ma trận viết lách này – cho dù là một nhà văn có thế giá – chỉ cho thấy một óc tưởng tượng quá mẫn, hoặc quá phong phú của tác giả.
Sự thiện chí của tác giả chưa đủ để thuyết phục người đọc về những gì ông đã phô diến ra?
Người ta tự đặt câu hỏi đó là Chúa của ai? Chúa của con người? Chúa – còn gọi là Đấng Cứu Thế – thuộc về Cha trên Trời?
Tất cả những tra hỏi đó thuộc về đời sống tâm linh, siêu hình, thuộc thế giới bên kia – không còn là một Chúa mang những thuộc tính con người với những diễn biến “tâm lý” theo lẽ thường.
Đây tất cả chỉ là một chuỗi suy tưởng diễn dịch ảo tưởng, mang tính chất ngụy thư và coi những cám dỗ ấy là từ Chúa mà thực sự là những ám ảnh và ảo ảnh từ chính tác giả.
Chính đầu óc người viết, tác giả và những thuộc tính mang bản tính người đã được chuyển dịch sang cho Chúa.
Điều ấy cũng đã được Daniel Marguerat vạch mặt về sự che đậy dối trá như sau:
“Toutes reconstructions du Jésus de l’histoire sont imprégnées de l’idéologie du chercheur. Toutes correspondent à la vision que l’historien a de la société. Et toutes se basent sur des éléments historiques qui ne sont pas des faits nus, mais des témoignages, des faits déjà interprétés.”
(Tất cả sự tái tạo lại cuộc đời của Chúa Jésus thật ra chỉ là sản phẩm của tư tưởng của chính tác giá. Tất cả sự tái xây dựng chỉ là làm thế nào cho nó phù hợp với tầm nhìn của nhà sử học có được về xã hội. Và tất cả sự tái tạo lại ấy không phải là những sự thật chân truyền mà chỉ là những bằng chứng và những sự kiện đã được diễn dịch sẵn rồi.)
(Xem Quête du Jésus historique (sauter à la navigation. Sauter à la recherche)
Khi viết về vấn đề này bắt tôi liên tưởng đến một truyện ngắn của nhà văn Trần Vũ, Truyện “Giáo sĩ” (2002); tôi không biết nhà văn Trần Vũ có cơ hội xa gần nào tiếp cận với cuốn “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa” hay không. Nhưng trong truyện giáo sĩ, có một phần tác giả muốn đề cập đến phần bản tinh người của Chúa. Xin trích đoạn:
“Lúc đó, phép màu xẩy đến mà không một ai có thể ngờ. Tất cả mọi đám cháy đều tắt ngấm khi Jésus Christ đi qua, trận pháo kích cũng trệch ra khỏi pháo đài, tất cả những quả đạn đều rơi vãi xuống sông Hiểm. Các đống gạch đá vỡ nát bỗng dưng nguyên vẹn xếp ngay ngắn chờ đợi tái thiết, dẫy mái tôn bị pháo xụp ở phố Chả Cá thốt nhiên lợp mới trở lại có dằn bao cát chống đỡ cho trận pháo kích kế tiếp, và đất ở đâu đùn lên các nắp hầm lính Pháp dầy thêm nhiều thước. Tuyết chứng kiến rõ rệt người đàn ông đứng ở giữa quảng trường và vạn vật chung quanh trôi đến. Không phải Jésus Christ đi đến, nhưng sự vật trôi đến trước chân đấng Kitô. Từ những đám mây trong trôi ào ạt đến quảng trường xua đuổi khói than mù mịt, những tia nắng bị hút hết vào trong mái tóc Jésus sáng rỡ, những đứa bé mắc chứng trừu run chân bu đến và cả nhà thờ chính tòa đồ sộ nguy nga sập mái cũng trôi đến dần dần. Mặt đất thu hẹp lại và vạn vật thu về một hướng. Chính Tuyết cũng trôi đến trước chân chúa, dù nàng không hề cử động hay nhúc nhích, nhưng vẫn chuyển dịch chậm rãi cho đến khi người đàn ông nắm lấy tay nàng.
– Lạy chúa tôi! Danh Cha cả sáng!
Tuyết thốt lên lời kinh ấy. Nàng quỳ gập người, không hiểu vì sao bài kinh La ngữ Alexandre truyền dạy cho nàng trổi lên lúc đó. Như máu huyết từ huyết quản dồn lên tim, dâng lên môi và Tuyết không thể nói lời nào khác hơn những giọt máu đang chảy trong tim nàng. Lúc ngửng lên, Tuyết bắt gặp ánh mắt đấng Christ toát ngời những hình ảnh khủng khiếp của muôn kiếp người. Khác với Alexandre de Rhodes, đôi mắt của Jésus không chỉ phản chiếu quá khứ, nhưng cả tương lai, và của cả nhân loại trong cùng một lúc. Tuyết đã bàng hoàng trông thấy cơn mưa sáng gai góc sắc buốt nhểu xuống khu vườn lan rũ úa bên suối Đa Mê, đã sửng sốt chứng kiến Nhất Linh già đi, ốm yếu, uống từng giọt độc dược đắng, đen, như những giọt mực anh đã dùng viết tiểu thuyết. Nhất Linh đã uống cạn ve thuốc độc như muốn nuốt trôi hết tất cả chữ nghĩa đã viết. Tuyết cũng trông thấy Trần Khánh Dư bị thủ tiêu bắn chết ở một miền quê hẻo lánh. Anh Dư khi chết đã cười thật tươi như anh đã luôn xem cuộc sống chỉ là những tình cảm nhẹ nhàng. Anh Dư chết như anh đã muốn đi tìm một kết thúc tiểu thuyết bí hiểm mà người đời không một ai rõ. Tuyết còn trông thấy ngày Cao Bằng thất thủ, bộ đội Việt Minh vào tiếp quản, vong thiếu tá Rivière và đại úy Garnier ra trình diện học tập ở ủy ban quân quản thị xã. Tuyết đã hét lên lúc trông thấy Alexandre bị tập trung cải tạo rồi hình ảnh biến mất, trống rỗng.
Tuyết đã khóc ngất trong buổi sáng có lửa Satan và phép màu cùng xẩy đến. Khóc cho thân phận một nhân vật tiểu thuyết, không có quá khứ, tương lai, trong đôi mắt đấng Christ. Về sau tòa thánh La Mã không chứng nhận, không xác chứng Jésus Christ đã tái thế, chỉ vì nhân chứng duy nhất, dì Louise bị tước phép thông công do đánh mất phẩm hạnh. Nhưng sáng đó, buổi sáng có mây trong và những khóm dâu đỏ huyết đan kín các lối đi ven rừng, các họ đạo đã khắc ghi vĩnh viễn hình ảnh nhà thờ bốc cháy. Nhiều năm sau, Tuyết cũng không còn nhớ rõ đấng Christ đã xuất hiện trước hay sau trận pháo kích. Tuyết chỉ nhớ đã khẩn khoản van nài thiên chúa cứu chuộc linh hồn nàng. Sáng đó đã xẩy ra hiện tượng thần bí. Những trang giấy to bản chép đầy chữ Hébreu, ở đâu bay đến sáng lóa và vây lấy Jésus. Từng trang đặc chữ Do Thái cổ óng ánh giát vàng lần lượt xuất hiện trước đấng cứu thế rồi biến đi, cứ tiếp tục bay đến, trang này sau trang khác, rợp trời rồi mất hút. Trên không chỉ còn lại dư âm của gió và thứ bụi vàng rây rắc gieo xuống những khóm mai yếu ớt, vừa hé nở, thắm thiết, mà không ai rõ vì sao ở cuối tháng năm khi những trận bão rừng bắt đầu đổ về miền biên giới. Tuyết hiểu nàng không có tên trên danh sách loài người khi Jésus Christ gỡ tay. Vì sao thiên chúa ngôi hai với đôi mắt chứa chan nhân ái đã im lặng, không thể cứu rỗi. Sáng đó, gương mặt Jésus buồn đắm. Sáng đó Tuyết đã khóc thật nhiều vì vụt hiểu ra nàng chỉ có thể hiện hữu bằng tình yêu khai hoá duy nhất của Alexandre Lucien Abel de Rhodes.”
Tôi là một người đọc quý mến đặc biệt Trần Vũ trong một số truyện ngắn của ông. Nhưng trong truyện “Giáo sĩ” thì hình như mọi trật tự đều đảo lộn từ thứ tự thời gian, con người, nhân vật và vai trò của họ, kết cấu câu truyện, mục đích truyện. Tôi tự hỏi ở một mức độ vô thức nào đó, tác giả có làm chủ được ngòi bút của mình nữa không? Hay sự hoang tưởng tưởng rằng đó là sáng suốt, đó là sáng tạo mà thực sự chỉ là những cơn mê điên cuồng? Tôi vẫn nhìn nhận truyện ngắn “Mưa mùa gai sắc” là những tuyệt tác. Nhưng tôi không khỏi cảm thấy thất vọng với truyện “Giáo sĩ”.
Tôi đặt ra với ông vấn đề nhận thức, tri thức, vấn đề “bon sens” của tác giả, vấn đề thái độ cầm bút, vấn đề làm chủ ngòi bút hơn là một vài điều “bôi bác” về tôn giáo. Cũng cùng một quan điểm của tôi mà trước đây tôi đã viết về trường hợp Bùi Giáng trong bài “Bùi Giáng giữa chúng ta”. Có thực sự Bùi Giáng còn ở giữa chúng ta hay ông thuộc về một thế giới nào khác mà chính bản thân ông cũng không nhận ra mình, không nhận ra những “vóc dáng” những câu thơ xuất thần mà nhiều câu thơ tối tăm đến vô nghĩa, đến không hiểu được. Đã có nhiều người trân trọng ông coi cõi thơ ông như “cõi Trời”. Nhưng khi còn sinh tiền, đã mấy người sẵn sàng cưu mang ông cho đến ngay cả người em trai ông? Số phận ông cũng như số phận của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, sống vất vưởng không nhà không cửa, không tiền bạc, không người thân. Đến lúc leo lên bàn thờ ngồi thì không thiếu kẻ bái lậy sùy sụp. Cho hay thói đời là vậy.
Truyện “Giáo sĩ” của Trần Vũ sau đó đã bị nhiều người phản đối. Sự phản đối ấy hiểu được chỉ vì lẽ công bằng như thể: Trả cho đế quốc La Mã César của họ. Cũng một lẽ ấy đối với người Thiên Chúa giáo là: Hãy trả cho César cái gì thuộc về César, nhưng cần trả cho Chúa cái gì thuộc về Chúa. Còn đối với người Hồi giáo thì tiên tri và sứ giả của họ là Muhammad.
Và Người ta đặt ra giả thuyết nếu một ai đó viết về đạo Hồi trong một cung cách tương tự thì liệu tác giả có được bảo toàn tính mệnh hay không? Phản ứng của giáo chủ Iran đối với Salman Rushdie như thế nào đối với cuốn “Những vần thơ của quỷ Satan” của ông? Chúng ta cần hiểu rằng đối với người Hồi giáo, họ có một sự sùng kính, tôn thờ các thi văn cũng như các lời kinh nguyện trong kinh Coran. Nó mang tính cách thiêng liêng, thần thánh, là mẫu mực, là kinh diển, là không thể bắt chước được mà bổn phận người Hồi Giáo là phải học. Trong kinh đó có cái rõ ràng minh bạch, cái cao thượng, cái tinh quyết định thuyết phục, cái tinh thu hút huyền bí trong ngôn từ, cái nhịp điệu mà như thể không bao giờ múc cạn hết. (Xem bài “La tradition littéraire” của Charles Pellat, trang 168, trong cuốn “L’Islam d’hier à aujourd’hui” của Bernard Lewwis.)
Hiểu như thế nên một sự xúc phạm nào đó là không thể tha thứ được. Tội là phải chết thôi.
Đôi lời kết luận
Cuốn sách Cám dỗ cuối cùng của Chúa của Nikos Kazantzakis sau này còn được dựng thành film “The Last Temptation of Christ” do Martin Scorsese thực hiện (1988) càng gây nên ồn ào một thời. Tôi đã chịu khó xem film này và chỉ thấy sự giàn dựng giả tạo và sự hư cấu một cách quá trớn. Có vậy thôi.
Đó chỉ là trò thương mại mà họ có thể dàn dựng lên bất cứ điều gì. Chắc có nhiều người đọc truyện, nhất là xem film không dằn được sự tức giận. Nó cũng chỉ là một thứ hư cấu hay bịa đăt rẻ tiền như một số các cuốn phim khác. Xem để giải trí.
Cái vấn đề là hư cấu một truyện bằng cách hài danh tính, thân phân, tên tuổi một con người là điều không chấp nhận được. Nếu những nhân vật ấy còn sống đương thời sẽ đưa đến nhũng vị kiện không tránh được.
Nhưng Chúa không kiện ai cả.
Bài học bên lề Chúa để lại cho tôi, Chúa đã bị phỉ báng, bị chết đóng đinh ngay trong phiên tòa xử án do Pilate ngồi ghế chánh án. Bản án kết tội Ngài là đã mạo danh! Ngài không phải là Đấng cứu thế được sai đến. Mặc dầu Chúa đã phủ nhận nước của Ngài không ở trần thế này.
Vậy thì bây giờ, Ngài một lần nữa, nếu bị bôi báng thì chỉ là một chuyện lịch sử lặp lại.
Vấn đề là chúng ta nhớ những điều Ngài giảng dạy và những việc Ngài làm. Bài viết này chỉ nhằm nhắn với độc giả nếu đã đọc hoặc xem phim thì xin cứ bình thản. Truyện đâu còn đó.
Việc của Chúa làm và việc của con người là hai chuyện khác biệt. Amen.
© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
DCVOnline : (1) The Last Temptation of Christ or The Last Temptation (Greek: Ο Τελευταίος Πειρασμός, O Teleftéos Pirasmós) là một tiểu thuyết lịch sử của Nikos Kazantzakis, và Athenai: Diphros xuất bản lần đầu tiên năm 1955. Bản Anh ngữ do Peter A. Bien (US) dịch và New York: Simon Schuster Inc. xuất bản lần đầu năm 1960. Bản tiếng Pháp do Michel Saunier dịch, Nxb Pocket phát hành ngày 01/11/1988.
Đức Thánh Linh của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp ở Athens muốn cuốn sách này bị cấm ở Hy Lạp nói rằng:
“Cuốn tiểu thuyết này, bắt nguồn từ cảm hứng của các lý thuyết về Freud và chủ nghĩa duy vật lịch sử, hư hỏng và làm tổn thương Tin Mừng và tính cách Chúa-Người của Chúa Giêsu Kitô một cách thô lỗ, thô tục và bổ báng.”
Nhưng chính tác giả Nikos Kazantzakis viết:
“In order to mount to the Cross, the summit of sacrifice, and to God, the summit of immateriality, Christ passed through all the stages which the man who struggles passes through. That is why his suffering is so familiar to us; that is why we share it, and why his final victory seems to us so much our own future victory. That part of Christ’s nature which was profoundly human helps us to understand him and love him and to pursue his Passion as though it were our own. If he had not within him this warm human element, he would never be able to touch our hearts with such assurance and tenderness; he would not be able to become a model for our lives.”
“Để bị đóng đinh trên Thập giá, đỉnh cao của sự hy sinh, và với Thượng đế, đỉnh của sự phi vật chất, Chúa Ki-tô đã trải qua tất cả các giai đoạn mà một con người đấu tranh đi qua. Đó là lý do tại sao đau khổ của ngài rất quen thuộc với chúng ta; đó là lý do tại sao chúng ta chia sẻ nó, và tại sao chiến thắng cuối cùng của ngài lại dường như là chiến thắng tương lai của chính chúng ta. Đó là một phần của bản chất của Chúa Kitô, bản chất con người một cách thâm thúy giúp chúng ta hiểu và yêu và theo đuổi niềm đam mê của ngài như thể nó là của chính chúng ta. Nếu không có yếu tố con người nồng nàn này, ngài sẽ không bao giờ có thể làm trái tim chúng ta rung động một cách tự tin và dịu dàng như vậy; ngài sẽ không thể trở thành người mẫu mực cho cuộc sống của chúng ta.”