Những khu tự trị của Trung Hoa khác với các tỉnh như thế nào?

The Economist giải thích | DCVOnline

Những khu tự trị có nhiệm vụ bảo vệ các dân tộc thiểu số. Thực tế là không.

Sự khác biệt giữa các tỉnh và khu tự trị của Trung Hoa là gì? Trái ngược với những gì Đảng Cộng sản muốn người ta tin, câu trả lời là rất ít.

Getty Images

SÁU MƯƠI HAI năm trước, cuộc nổi dậy Tây Tạng đã chính thức bị quân đội Trung Hoa dập tắt. Đó là sự kết thúc của gần hai tuần biểu tình ở Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, khi đó những người biểu tình đòi độc lập cho Tây Tạng. Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, đã chạy trốn, phải sống lưu vong. Chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Hoa đã đặt cơ sở cho việc thành lập Khu tự trị Tây Tạng (TAR) vào năm 1965. TAR là khu tự trị thứ năm và cuối cùng của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Hoa cũng đã thành lập các khu tự trị ở Tân Cương (1955), Quảng Tây (1958) và Ninh Hạ (1958) (Nội Mông đã là khu tự trị từ năm 1947). Các khu tự trị là gì và chúng khác với các khu vực khác của Trung Hoa như thế nào?

Hầu hết mọi người nghĩ về việc Trung Hoa bị chia cắt thành các tỉnh, trong một hệ thống tương tự như 50 tiểu bang của Mỹ (mặc dù quyền lực ít bị phân tán hơn nhiều). Nhưng cũng như 22 tỉnh, và hai “khu hành chính đặc biệt” ở Hong Kong và Ma Cao, Trung Hoa có năm khu tự trị và bốn thành phố trực thuộc trung ương (Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải và Thiên Tân). Các loại khu vực hành chính khác nhau này đều có quy chế cấp cao nhất ở Trung Hoa: mỗi khu vực đều có thống đốc hoặc thị trưởng riêng; những nhân vật này là cán bộ trực thuộc bí thư Đảng Cộng sản địa phương. Nhưng theo luật pháp Trung Hoa, các khu tự trị “có quyền xây dựng các quy chế tự quản … tùy theo các điều kiện chính trị, kinh tế và văn hóa cụ thể của nhóm dân tộc trong khu tự trị đó”. Sự khác biệt có vẻ không đáng kể — nhiều người cho rằng Tân Cương và Tây Tạng là các tỉnh giống như bất kỳ tỉnh nào khác — nhưng các quy định được cho là nâng cao quyền tự trị là một phần trong luận điệu của Đảng Cộng sản rằng nó là cơ chế bảo vệ chứ không phải là kẻ áp bức người sắc tộc thiểu số. ĐCSTH thậm chí còn chỉ định hơn 100 quận và quận có dân cư thiểu số ở các tỉnh khác là “tự trị”.

Hơn 90% người Trung Hoa thuộc sắc tộc Hán, nhưng có 56 sắc tộc được chính thức công nhận. Khi Tân Cương trở thành một khu tự trị vào năm 1955, người Uyghuir, một nhóm đa số là người Hồi giáo, chiếm 73% dân số (năm 2010, lần cuối cùng có điều tra dân số, con số này đã giảm xuống còn 46%). Khoảng 90% người dân ở Tây Tạng là người sắc tộc Tây Tạng, theo thống kê chính thức của Trung Hoa. Quảng Tây, Nội Mông và Ninh Hạ đều có người sắc tộc thiểu số nhỏ hơn nhiều. Thống đốc của bất kỳ khu vực tự trị nào cũng là người thuộc sắc tộc chiếm đa số, những người được cho là sẽ bảo vệ lợi ích của ‘khu tự trị’ (mặc dù ông ta phục tùng cán book lãnh đạo địa phương, thường là người Hán). Chính thức, các khu vực tự trị được bảo đảm quyền tự do tôn giáo (cũng được bảo đảm trên toàn quốc) và quyền sử dụng ngôn ngữ địa phương, thay vì tiếng Quan Thoại.

Nhưng những khu vực này, nơi được cho có sự bảo vệ tốt hơn cho các sắc tộc thiểu số, thường được biết đến nhiều hơn do sự đối xử tàn bạo của họ. Vào năm 2020, Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc, ước tính rằng 65% đền Hồi giáo ở Tân Cương đã bị hư hại hoặc phá hủy do các chính sách của chính phủ kể từ năm 2017. Người Tây Tạng sống trong tình trạng bị giám sát, mặc dù không nghiêm trọng như ở Tân Cương, có thể lãnh án tù là những người đăng tin tức trực tuyến về Đạt Lai Lạt Ma. Quan thoại đã thay thế tiếng Tây Tạng trong hầu hết các trường học. Chen Quanguo, bí thư thành ủy Tân Cương, trước đây đã được công tác ở Tây Tạng, nơi ông đã phát triển một số chiến thuật an ninh mạnh tay loại này. Shohrat Zakir, thống đốc người Uyghuir của Tân Cương, người mà ông Chen giám sát, đã làm rất ít để ngăn chặn việc nhắm mục tiêu vào những người Uyghuir trong khu vực của ông — nếu thực sự ông có cơ hội.

Những nhân vật như ông Zakir và Che Dalha, thống đốc Tây Tạng là người sắc tộc Tây Tạng, ủng hộ các tuyên bố của Đảng Cộng sản nhằm tôn vinh sự đa dạng sắc tộc của Trung Hoa. Giống như các phiếu bầu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), quốc hội chỉ là con dấu cao su của Trung Hoa, luôn chứa một hoặc hai người bất đồng quan điểm để giữ vững mặt tiền của cuộc tranh luận, hình ảnh một số ít đại biểu mặc y phục sắc tộc thiểu số truyền thống thể hiện sự đa dạng trong chính trị Trung Hoa điều đó không thể so sánh được với thực tế. Người dân ở các nước phương Tây thường phàn nàn rằng người thiểu số không có đại diện trong hội trường quyền lực của họ. Ở Trung Hoa, có chuyện ngược đời: các sắc tộc thiểu số chiếm 8% dân số, nhưng  chiếm 15% số đại biểu ở NPC. Mức đô được thấy như vậy có lẽ không mấy thoải mái đối với người Kazakh, người Uyghur, người Tây Tạng và các sắc tộc thiểu số khác đang bị giam giữ trong các trại tù. Sự khác biệt giữa các tỉnh và khu tự trị của Trung Hoa là gì? Trái ngược với những gì Đảng Cộng sản muốn người ta tin, câu trả lời là rất ít.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: How do China’s autonomous regions differ from provinces?| The Economist explains | The Economist | Mar. 23, 2021.