Một cái nhìn từ bên ngoài của người Tây phương và người Việt về nước Tầu (1a)
Nguyễn Văn Lục
Tội của họ là tội bán nước? Công của họ là công nô bộc cho một chủ nghĩa ngoại lai. Họ vẫn tiếp tục con đường họ đã chọn.
Hiện nay, nước Tầu là cường quốc thứ nhì trên thế giới. Nước Tầu hầu như có mặt ở khắp nơi.
Thế giới như thu nhỏ lại còn nước Tầu thì phình lớn ra.
Trong cuốn sách của Ted Fishman, “La Chine, Première entreprise mondiale”, xuất bản năm 2005, đã gọi nước Tầu là xí nghiệp hàng đầu của thế giới. Và trong chương 11 của cuốn sách, tác giả đã không ngần ngại gọi đây là Thế kỷ của nước Tầu.
Vì thế, việc tìm hiểu về nước Tàu là điều không thể không làm.
Trong bài viết này, tác giả cố gắng có cái nhìn phác họa về nước Tầu trong suốt chiều dài lịch sử của nó dựa trên một số sử liệu đọc được.
Cái cảm thức của người viết bài này khi có dịp tiếp cận với vô số tài liệu viết về nước Tầu từ thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19 là sự kinh ngạc. Làm sao mà những người như Hegel, Montesquieu, Napoléon đệ nhất và nhiều người lại có cơ hội tìm hiểu về nước Tầu như thế! Người viết có cảm tưởng mình đang đi trên mây mà ở dưới là thế giới đang có thực.
Hay nói một cách bình dân là mình đang tiếp cận với một biển học trong khi chính bản thân người viết còn đang lội bì bõm ở một con rạch nào đó!
Nói chung thì các tác giả viết về nước Tầu có khuynh hướng trái chiều: khen có, chê cũng không thiếu, tùy theo hoàn cảnh chính trị và đặc biệt vào thời kỳ cuối thế kỷ 18, đầu 19.
Cái nhìn của người phương Tây về nước Tầu
Kể từ chuyến hải hành huyền thoại của Marco Polo, nước Tàu trở thành điểm đến của nhiều chuyến viễn du. Nhưng trước thế kỷ 18 thì thường chỉ có những thương buôn, những nhà thám hiểm và nhất là các nhà truyền giáo đến nước Tàu. Nhưng từ thế kỷ 18 sang 19 thì các đội thương thuyền đã được cải tiến nhiều về kỹ thuật hàng hải- nhất là nước Anh- nên đã có rất nhiều tác giả có cơ hội và phương tiện đến tìm hiểu về nước Tàu.
Phần còn lại là do sự phổ biến rộng rãi tài liệu của Tàu do các thừa sai dòng Tên truyền đạt tại các nước như Anh, Pháp.
Nói chung thì trước thế kỷ 18, có nhiều tài liệu sách vở phương Tây nhìn nước Tàu với thái độ thán phục.
Đó là sự thích thú của họ khi khám phá ra cái lạ, cái mới như thể họ khám phá ra Tân Thế Giới. Và nó có tác dụng thỏa mãn óc phiêu lưu, mạo hiểm của họ.
Điều nhận xét trên trùng hợp với lý tưởng của Alexandre de Rhodes khi ông chọn gia nhập Dòng Tên để được gửi đi truyền giáo. Ông viết:
“Đó là lý do chính khiến tôi chọn Dòng này hơn các Dòng khác. Tôi chi thích đi tới những miền đất xa xôi tốt đẹp […]”
Và khi nhận được lệnh đi truyền giáo, ông viết:
‘Tôi hằng nhớ đến niềm vui tôi cảm thấy lúc đó, tâm hồn tôi tràn đày sung sướng: Tôi đã nhận lời bằng cặp mắt và giòng châu lệ mừng rỡ tràn trề. Tôi sấp mình dưới chân ngài (vị bề trên của ông), hết lòng cảm tạ về ơn ngài ban cho tôi. Thế là tôi sửa soạn khởi hành vào tháng chín.”(1)
Alexandre De Rhodes khi ở nước Tầu đã ngạc nhiên không ít khi thấy người Tầu còn sống ở trên sông, hay người Tầu không uống nước lạnh như người Tây Phương – mà uống nước đun sôi – nhất là uống trà – nhờ đó họ tránh được nhiều bệnh tật.
Chẳng hạn, họ dã không thể nào nghĩ rằng nước Tầu chẳng những đã có một nền văn minh và nền văn minh ấy còn đi trước cả người phương Tây nữa. Họ ngạc nhiên nhận thấy rằng:
- Người Tầu đã có thể chế tạo ra thuốc súng tượng trưng cho sức mạnh quân sự mà kết quả là sự triệt tiêu chế độ phong kiến.
- Người Tầu cũng có thế tạo ra máy in và bột giấy đã mở đường cho sự phát triển văn hóa. Kỹ thuật in của người Trung Hoa bắt đầu thế kỷ 8 bằng Xilography (Khắc chữ/hình) trên khối gỗ, bôi mực rồi ép trên giấy hay vải.(2)
- Người Tầu cũng là người tiền phong trong sự phát minh ra Kim địa bàn để đi biển, tượng trưng cho sức mạnh thương mại mở đường cho con đường tơ lụa, giao thương vừa trên đất liền vừa trên biển. Và nhờ đó sau này người ta đã phát hiện ra Châu Mỹ.
Sự thán phục của phương Tây về nước Tầu thật sự không có gì khó hiểu.
Ấy là chúng ta chưa nói tới về mặt tư tưởng. Nước Tầu có một nhà tư tưởng lớn, chói sáng bầu trời nhân loại mà di sản tư tưởng của ông sau này còn được truyền thừa bởi nhiều nhà tư tưởng khác. Sau Khổng Tử còn có Đổng Trọng Thư, Cáo Tử, Mạnh Tử, Vương Tứ (Tiết Tín), Vương Mãn (Cự Quân), Tuân Huống, v.v.
Rồi trường phái của Trần Đoàn, Cát Hồng, Lão Tử, v.v., trường phái thiên nhiên của Trần Diễn; rồi Triều Thác, Hàn Phi Tử, v.v., những nhà tư tưởng về pháp lý cùng những nhà tư tưởng về Lô gic, nông nghiệp, ngoại giao, quân sự.
Hơn 2000 năm sau Triết gia người Đức Karl Jaspers (1863-1969) đã nói tới một Thời Trục (Période axiale). Thời trục là thời kỳ được cho rằng trước công nguyên có một sự xuất hiện gần như đồng thời những nhà tư tưởng lớn mà sự tác động ảnh hưởng của họ bao trùm lên cả nhân loại.
Nó tạo ra một khúc quanh lịch sử nhân loại hướng tới một tư tưởng đồng quy như một điểm Oméga hội tụ.
- Từ Ấn Độ, khoảng 800 trước công nguyên với kinh Upanishads – (World sacred book) ra đời.
- Từ Hy Lạp góp mặt với Aristote.
- Từ nước Tàu đại diện với Khổng Tử.
- Và từ Do Thái nhỏ bé xuất hiện với Jesus.
Sau Khổng Tử, đã có biết bao nhà tư tưởng khác tiếp nối dòng chảy tư tưởng ấy như một kế thừa? Đó phải chăng là sức mạnh đích thực của người tầu?
Và cho đến tận bây giờ, ảnh hưởng của Khổng Tử – đối với nước Tầu – chưa hẳn đã chấm dứt. Gần đây nhất, vào tháng giêng, 2011, một bức tượng khổng lồ của Khổng Tử đã được dựng lên tại Thiên An Môn bên cạnh lăng Mao Trạch Đông. Ba tháng sau, bức tượng này đã bị gỡ bỏ xuống.(3) Trong một chủ trương bành trướng và phát triển, người Tầu đang có những nỗ lực dùng Khổng Tử- bằng cách thiếp lập các Viện Khổng Tử- cho nhu cầu bang giao với các nước.
Muốn hiểu rõ vai trò của Khổng Tử như thế nào chẳng những đối với người Tầu mà còn cả người Việt Nam nữa. Lại xin đọc đôi dòng nhận xét của Alexandre De Rhodes như sau:
“Một trong những thần của họ là Khổng Tử. Vị này như tôi đã nói trong cuốn Lịch sử Đang Ngoài, là người quy định lễ giáo, luật pháp và sáng lập ra Kinh Sách. Không thể tưởng tượng được họ sùng kính vị này như thế nào. Chúng tôi mất nhiều công thuyết phục giáo hữu tân tòng là chớ nên bái phục trước ảnh tượng mà họ đặt hầu hết ở các nhà.”(4)
Nhưng thế giới Tây Phương được biết nhiều đến nước Tầu – ngoài giới thương buôn và các nhà hàng hải – rõ nét nhất là các nhà truyền giáo. Chẳng hạn như của Hội Thừa sai Ba Lê, tại Pháp và nhất là các vị linh mục dòng tên (Jesuites – dòng này không đơn giản là chỉ có người Pháp mà còn có người Bồ, người Tây Ban Nha, Hòa Lan và cả người Pháp) đã viết hoặc dịch các tài liệu của Tàu hoặc viết lại trong các hồi ký của họ.
Người đầu tiên thuộc thế giới Tây Phương được chấp nhận cho vào Tử Cấm Thành – nơi chứa các tài liệu được gọi là Cổ Cung Bác vật Viện – là nhà truyền giáo Matteo Ricci- một học giả thuộc tu Hội Jesuites vào năm 1603.
Trong một bài viết lý thú của Guido Abbattista(5), đại học Tríesta, ông cũng nhìn nhận sự đóng góp quan trọng của dòng tên như Du Halde đã cổ súy cho việc dịch các tài liệu, sách vở của người Tầu về các bộ môn lịch sử, âm nhạc, nghệ thuật, ngôn ngữ, triết học, xã hội, thể chế, phong tục, kiến trúc mà người ta có thể so sánh coi nước Tầu như thời kỳ Khai sáng (Enlightenment age) của phương Tây.
Đây quả thực là một so sánh và nhận xét mới lạ và táo bạo.
Nói chung, thái độ của các thừa sai cũng như của người phương Tây có thể tóm tắt là lúc ban đầu là một thái độ sùng bái Tàu. Đó là một thái độ gọi là sinophilie.
Hay chữ dùng riêng của Alain Peyrefitte là Europe enchinoisée.
Nước Tàu đóng vai trò trung tâm điểm của những tranh luận, bàn thảo với sự tham dự của nhiều người như Montesquieu, Hume, Smith, Condorcet, Reinhardt Koselleck, John Pocock.
Tuy nhiên, do những thất bại ngoại giao không tìm được những thỏa thuận giữa các nước phương Tây – nhất là với nước Anh qua đại sứ Anh Macartney – với triều đình nhà Thanh mà tình hình giữa đôi bên trở nên tồi tệ.
Có những việc nhỏ như theo thông lệ – một protocole de la Cour – là bất cứ ai đến chầu Hoàng đế nhà Thanh cũng phải bái lậy sát đất 9 lậy.(6)
Đại sứ Anh đã từ chối không chịu bái lậy.
Alain Peyrefitte đã kể lại giai thoại ngoại giao này và dẫn chứng một nhận xét của Montesquieu.(7)
Nhân việc này, Montesquieu đã lấy trường hợp cái chết của César chỉ vì bất cẩn là đã không đứng dậy trước Viện Nguyên lão (Sénat). Người ta không nên bao giờ xúc phạm đến người khác bằng cách súc phạm đến lễ nghi của họ.
Điều đó chứng tỏ một sự khinh miệt họ.
Triều đình nhà Thanh cảm thấy bị nhục mạ. Vua cho bãi triều.
Và sau đây là câu nói đanh thép của vua Càn Long (Qianlong): “Nous n’avons besoin de personne. Retournez chez vous. Reprenez vos cadeaux.” (Ta không cần bất cứ người nào. Hãy về xứ của các ông đi. Mang đi luôn các lễ vật của các ông.)
Riêng Napoléon khi biết rõ sự rắc rối ngoại giao đã gián tiếp ‘dạy’ cho đại sứ Anh một bài học về ngoại giao như sau:
“C’ét une erreur de croire que les ambassadeurs sont les équivalents de leur souverain: aucun accord conclu par eux ne peut être considéré comme valide, qu’autant qu’il a été ratifié par l’autorité qui les envoie. Jamais un monarque n’a traité un ambassadeur comme son égal.”(8)
(Thật là một sự sai lầm khi tin rằng những vị đại sứ thì ngang hàng với một quân vương: bất cứ một thỏa thuận được ký kết bởi họ chỉ có giá trị khi được phê chuẩn bởi thẩm quyền đã gửi họ đi. Không bao giờ có chuyện một quân vương coi một vị đại sứ là ngang hàng với họ).
Napoléon còn cho rằng việc gây chiến với nước Tàu là một sụ ngu ngốc với một xứ sở rộng mênh mông và nguồn tài nguyên vô tận.
Nước Anh đã tự mình cắt đứt một thị trường thương mại đầy triển vọng mà dưới triều đại Victoria, các thương buôn Anh có tham vọng bán cho mỗi gia đình người Tầu một chiếc đèn đốt bằng dầu hỏa.
Hiểu điều này, ta mới hiểu tại sao Napoléon có câu nói thời danh: Khi nước tàu thức tỉnh thì thế giới sẽ run rẩy.
Tôi thật sự lấy làm lý thú khi đọc nhận xét của Napoléon trong trường hợp này. Nhưng nên hiểu rằng, Napoléon có một số nhận thức sắc bén về nước Tàu vì ông đã có cơ hội tiếp xúc với các tài liệu từ các linh mục Dòng Tên.
Vào giữa thế kỷ 18 những thừa sai Jesuites như Amyot, Castiglione, etc. Đã có mặt ở Trung Hoa và đang là quan lớn củaTriều Nhà Thanh. Hầu hết những bản dịch sách văn học của Trung Hoa (Tứ thư Ngũ kinh, Đạo đức kinh, Binh thư chiến pháp của Tôn Tử, v.v.) đều là những bản tiếng Pháp và tiếng Latin của giới thừa sai. Rất có thể Napoleon đã đọc bản dịch Binh thư Chiến Pháp (và nhiều tập binh thư khác) do Amyot dịch vì thế nhận thức của Napoleon về Trung Hoa là một nhận thức rất thời thượng của giới trí thức trẻ người Pháp vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 về Trung Hoa.
Phần Mao Trạch Đông lại là người học kỹ bài học lịch sử này hơn bất cứ ai.(9) Ông đã từng trả về các cố vấn và chuyên viên Liên Xô và tuyên bố: Chúng ta chỉ nên trông cậy vào sức của chính mình.
Tinh thần tự chủ và tình tự dân tộc còn được thể hiện rõ ràng sau khi Mao Trạch Đông cùng các đồng chí của ông tiến vào Bắc Kinh ngày 9 tháng 9-năm 1949. Trước đám đông dân chúng, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Dân tộc Trung Hoa đã đứng dậy… Kể từ nay, không còn một ai có thể làm nhục chúng ta được nữa.”(10)
Sự việc trên của viên đại sứ Anh mở đầu cho một chuỗi biến cố khác: Đó là cú sốc về khác biệt văn hóa. Kéo theo sự sụp đổ triều đình nhà Thanh đưa đến sự chế ngự của nước Anh vào thế kỷ 19. Đồng thời tạo ra một một mối hận oán giữa Tây Phương và các nước thứ ba ở thế kỷ 19.
Phía triều đình Mãn Thanh càng tỏ ra cực đoan hơn nữa nghi ngờ mọi thứ trong các cuộc thương thảo, tẩy chay mua bán. Mọi việc buôn bán trao đổi tắc nghẽn.
Phía Anh thì coi nước Tàu như một xã hội khép kín, bướng binh, bảo hộ.
Từ đó họ chuyển sang thái độ bài Tàu, sinophobie.
Tiếp đến là cuộc chiến tranh nha phiến xảy ra năm 1840(11),11 vào giữa thế kỷ 19 thì từ đây người phương Tây đã đổi hẳn thái độ. Một thái độ được coi như bài tàu với sự khinh miệt. Liệt cường sâu xé Trung Hoa!
Nước Tàu vẫn thường quen được gọi là Empire du Milieu – Trung Quốc. Người Tây Phương đánh giá nước Tàu bấy giờ là L’empire Immobile – Một Trung Quốc bất động và khép kín. Huyền thoại Họa da vàng (Péril Jaune) lại được nhiều người nhắc tới.
Sự man rợ trong áp dụng luật lệ, trong những hình phạt áp dụng dưới triều nhà Nguyên( xuất phát tư xứ Mông Cổ) như xẻo tai, cắt tay chân tội nhân biến hình ảnh nước Tàu thành một xứ sở man di mọi rợ,..
Một đế quốc nay chẳng khác gì một con sư tử ngủ.
Theo Alain Peyrefitte nhận xét rất lý thú khi viết:
“Lịch sử nước Tầu đã diễn ra trong 4000 năm lịch sử mà giả dụ nếu ta có thể thu gọn lại chỉ trong một ngày. Thì sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản Mao Trạch Đông có thể chỉ diễn ra trong 8 phút chót của ngày hôm đó.”(12)
Cho đến bây giờ, nhiều điều Mao Trạch Đông thực hiện vẵn đem lại sự kinh ngạc hoặc sự ghê sợ chưa có lời giải đáp: Mao Trạch Đông đã dám xóa bỏ cái quá khứ 4000 năm lịch sử nước Tàu – xóa bỏ phong kiến, dẹp nho học và tầng lớp quan lại – đưa giới nông dân ít học lên hàng lãnh đạo đất nước.
Nếu ông giữ lại điều gì của Nho Giáo, chỉ còn duy nhất một điều: Đó là chữ Hiếu. Ông viết gián tiếp về mẹ mình, “Người đàn bà mang trên đôi vai mình một nửa bầu trời. Nghĩa là họ đảm đương trách nhiêm của một nửa vũ trụ.”(13)
Thứ hai dùng chủ nghĩa Marxism từ Liên Xô và biến đổi chủ nghĩa Mác Xít thành Maoism (Mao Ít)?
Chủ nghĩa Mác Xít ngày nay gắn nhãn hiệu Tàu.
Có thể nói, nước tàu là một đất nước vĩ đại. Vĩ đại trong cái tương phản, mâu thuẫn biện chứng giữa những điều cực xấu và cực vĩ đại. Tốt xấu đan chen. Tần Thủy Hoàng là cực điểm của điều xấu, dã man tàn bạo bên cạnh một Vạn lý trường thành- một kỳ quan thế giới..
Một kỳ quan của thế giới, nhưng đã biết bao xương máu đã bị chôn vùi và đổ ra ở đó?
Một đất nước với những nhân vật vĩ đại – Tôn Dật Tiên, Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Binh.
Mỗi nhân vật ấy là một hằng số.
Tôn Dật Tiên với cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911, lật đổ triều đình Mãn Thanh năm 1911 mở ra một vận hội mới cho nước tàu.
Một Tưởng Giới Thạch xây dựng một Đài Loan trở thành kiểu mẫu điển hình của một Quốc Gia tự do ngoài Trung Quốc, đặt ra câu hỏi tại sao ông đã thất bại trước đây?
Mao dưới mắt một số người Tầu vẫn là một thứ thần tượng. Ông có thể làm thay đổi số phận của hàng trăm triệu người chỉ bằng một cái gật đầu!
Chỉ nghĩ tới một điều như thế thôi đủ làm tôi run sợ trước viễn ảnh sức mạnh của quyền lực! Thật vậy, làm sao có thể hiểu được chủ nghĩa Maoism mà không đếm xỉa đến hàng triệu nạn nhân đã chết cho chính sách ấy?
Mao vĩ đại ở chỗ nào khi chỉ kể từ năm 1958-1962, trong kế hoạch Bước nhảy vĩ đại về phía trước đã giết hại 45 triệu người Tầu vì bị lao lực, vì bị đói khát và bị hành hạ đánh đập?
Tác giả Frank Dikotter đã viết một cuốn sách về trận đói đã tàn phá nước Tàu như thế nào?(14)
Đó là một ảo tưởng vĩ đại. Thay vì đi theo Liên Xô chú trọng vào sự phát triển kỹ nghệ nặng. Mao Trạch Đông chủ trương phát triển đất nước Tàu bằng hai chân. Người nông dân đã được kêu gọi vừa khuyến khích nông nghiệp, vừa phát triển kỹ nghệ, đồng thời vừa chủ trương tập thể hóa cùng một lúc. Và với cơn sốt luyện kim đã đưa đất nước Tàu đến tình trạng kiệt quệ như chưa bao giờ xảy ra, hủy diệt hàng triệu sinh linh.
Trả lời cho những oan hồn chết oan và những tiếng rên xiết của những người người dân còn sống sót. Mao Trạch Đông chỉ lạnh lùng nói vắn gọn:
“Một cuộc cách mạng thì không phải là một bữa tiệc.”
Vào năm 1971, tướng Lâm Bưu là người được chỉ định kế vị thay Mao Trạch Đông, ông cũng là người được Mao tin tưởng và cũng là kẻ phát động cuốn sách đỏ của Mao Trạch Đông. Vậy mà cuối cùng Lâm Bưu phải tìm kế hoạch trốn thoát ra khỏi nước Tàu bằng cách dùng máy bay sang Nga. Máy bay của ông đã bị Mao Trạch Đông cho tay chân bắn hạ trên đường đi Moscova.
Gớm thay cho sự tàn độc của Mao Trạch Đông! Nếu cần nói thêm là trường hợp thanh trừng Lưu Thiếu Kỳ – chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân dân Trung hoa – trong cuộc Cách Mạng văn hóa. Mao đã để cho bọn Hồng Vệ Binh bắt nhốt và sau đó họ Lưu đã bị chết trong tù.
Người may mắn thoát chết là Đặng Tiểu Bình, sau này làm nên chuyện lớn.15
Đó phải chăng là những kỳ tích của Mao Trạch Đông! Mao là nhân tài vĩ đại hay con quỷ vĩ đại?
Và câu hỏi mà Alain Peyrefitte đặt ra cho đến nay có thể chưa có lời giải đáp thỏa đáng:
“Pourquoi la Chine était-elle, jusqu’au XVI ou au XVII siècle, le pays le plus évolué du monde, dépassant l’Europe occidentale à la fécondité des inventions et le raffinement de la civilisation? Pourquoi s’est-elle laissé ensuite rejoindre, puis distancer, au point d’être colonisé au XIX sìècle en certains portions de son territoire, tout comme si elles étaient habitées par des peuplades demeurées à l’âge de pierre au point de devenir, au XX siècle, un des pays les plus attardés et les plus pauvres du monde? Pourquoi comment certains pays se sont-ils ‘éveillés‘ et d’autres- ou les même ensuite- ‘endormis’? Le sort qui fut hier celui de la Chine ne risque-t-il pas d’être un jour le nôtre?”(16)
(Tại sao nước Tầu cho đến thế kỷ 16-17, một trong những nước tiến bộ nhất thế giới, vượt cả các nước phương tây về sự phong phú cũng như sự tinh tế của nền văn minh? Và tại sao nó đã để các nước khác bắt kịp, rồi vượt qua mặt đến độ trở thành một nước bị đô hộ vào thế kỷ 19 và mất một phần lãnh thổ như thể đó là một sắc dân của thời kỳ đồ đá đến nỗi đến đầu thế kỷ 20, nó trở thành một trong những nước chậm tiến nhất và cũng là một trong những nước nghèo nhất thế giới? Tại sao một số nước đã kịp thức tỉnh và một số nước khác thì không? Số phận dành cho nước Tàu trước đây phải chăng có thể sẽ xảy ra cho chúng ta?)
Đó là những thắc mắc cần có một lời giải đáp thỏa đáng nhờ đó hiểu được một cách sâu xa về nước Tàu.
Câu hỏi của Peyrefitte có thể đào sâu thêm, nếu chúng ta hiểu rằng, trước khi bị liệt cường sâu xé. Nước Tàu đã nhiều lần bị các láng giềng xâm chiếm.
Trung Hoa đã bị Mông Cổ xâm chiếm/đô hộ suốt hơn 100 năm trong thế kỷ 13 Sau khi diệt nhà Kim, diệt Đại Lý Quốc, khuất phục nhà Tây Hạ, thiết lập Nguyên triều. Đó là lần đầu Trung Hoa bị chinh phục.
Vài thế kỷ sau đó, Trung Hoa lại bị Mãn Châu thanh toán, lập Thanh Triều. Trung Hoa theo thực tế lịch sử không phải là một quốc gia thống nhất đồng chủng, vĩ đại, hùng mạnh tiến bộ liên tục từ ngày lập quốc đến hiện đại.
Và về mặt địa lý cũng thế. Trung Hoa thế kỷ 21 không phải là Trung Hoa ở thời tiền Chiến Quốc (chỉ có Trung Nguyên của nhà Hán). Những khu gọi là “tự trị” như dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Tân Cương, Tây Tạng, dân tộc Hồi Ninh Hạ, Nội Mông Cổ, và ngay cả Khu tự trị của dân tộc Choang ở Quảng Tây có phải là đất của Trung Hoa hay không? Đại khái như thế để thấy rằng có nhiều cái nhìn về Trung Hoa rất khác nhau tùy theo quan diểm chính trị của tác giả.
Dĩ nhiên theo chủ nghĩa Đại Hán ngày nay thì tất cả đều là Trung Quốc, nhưng dân những vùng “tự trị” không đồng ý như vậy!
Câu hỏi tại sao TQ là nước yếu bị sức mạnh quân sự Nhật bản khuất phục một thời gian dài thì câu trả lời thật là không khó nếu xét về đia chính trị, lãnh đạo của Trung Hoa sau Tôn Dật Tiên, lực lượng quân sự, và đồng minh chiến lược – điểm chót lại liên quan đếncái văn hóa “thiên triều”
Họ, nước Tầu, đã ngủ như thế trong bao nhiêu năm? Một giấc ngủ trên dưới ngàn năm chứ không ít!
Câu hỏi quan trọng nhất về nước Tàu là: Ai là người đánh thức nước Tàu thức tỉnh sau ngàn năm? Các cường quốc Tây Phương, Tôn Dật Tiên hay Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình?
Lịch sử Trung Quốc cho dù nó có nhiều thăng trầm, dù đã có nhiều lần thay đổi thể chế, triều đại.Nhưng mỗi lần thay đổi là mỗi lần có những chuyển biến tác động sâu xa đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Cần nhìn nhận rằng lịch sử chính trị, xã hội nước Tầu như những lớp sóng phế hưng, thịnh suy với những âm mưu soán đoạt, thủ đoạn hết triều đại này sang triều đại khác.
Nhưng mỗi triều đại để lại những dấu ấn lịch sử làm nên triều đại ấy.
Và nhìn ở góc cạnh tổng thể, ngay cả những triều đại được tiếng là tàn độc, hung hiểm cũng có những mặt tích cực.
Chẳng hạn 215 năm, trước công nguyên, một Tần Thuỷ Hoàng – nổi tiếng hung bạo – đã nối tiếp công trình xây dựng được tuyến phòng ngự Vạn Lý Trường Thành mà trước đây các nước Hàn, Triệu, Tấn đã xây dựng. Nhờ đó đã ngăn chặn được các rợ Hung nô tràn xuống từ Phương Bắc.
Nhờ sự xây dựng củng cố bức tường thành từ phía Tây sang phía Đông nhờ đó ngăn chặn và bảo đảm được an ninh khu vực biên giới phía Bắc.
Thời kỳ chiến Quốc đã có những nhân tài như Mạnh Tử và Tuân Tử.
Thời Tần Hán đã có công đại thống nhất Quốc Gia củng cố vững chắc đường biên giới phía Bắc.
Thời Đường với chế độ khoa cử chọn lựa ra nhiều nhân tài. Thời Đường cũng là thời kỳ mở cửa, giao lưu vói nhiều nước ngoài qua con đường tơ lụa. Thời Đường cũng là thời kỳ Hoàng kim của thơ văn, nhất là thơ văn đời Đường.
Đến thời Tống, ngành hàng hải phát triên đến cao độ, chế tạo ra nhiều tầu viễn dương.(17)
Vì thế lịch sử – con người-địa lý-văn minh của Trung Quốc phải nhìn nhận rằng chúng đều đa dạng, nhiều mặt.
Và nếu nói theo chu kỳ lịch sử thì lấy gì để bảo đảm cho một trật tự và một sức mạnh trường tồn?
Lịch sử nhân loại cho thấy bao nhiêu lớp sóng phế hưng? Bao nhiêu triều đại, bao nhiêu đế quốc, bao nhiêu nền văn minh đã suy tàn?
Câu trả lời thật không thiếu!
Theo nhận xét của Pol Quentin-Radles,(18), chúng ta nên lưu ý đến yếu tố con người của người Tầu.
Thế nào là một người Tầu?
Người Tầu có cá tính vừa lý thuyết và thực tiễn. Nhưng xem ra nghiêng về tính thực tiễn. Bề ngoài tỏ ra nhỏ bé, tầm thường, nhưng bên trong lại cao ngạo. Họ che dấu cái ‘tẩy’ của họ.
Có tài liệu dựa trên con số để nói về sức mạnh của Tầu.
Chảng hạn họ cho rằng dân số năm 1953 nước Tầu có 513 triệu dân. Năm 2015 là một tỷ 316 triệu dân với 56 sắc dân và người Hán chiếm đa số đén 92% dân số.
Tuy nhiên, con số này là tổng cộng tất cả các sắc dân như Mông Cổ, Mãn Châu, Tân Cương, Tây Tạng cộng lại.
Tiếp đến về diện tích đất đai.
Về diện tích đất đai, ngay vào thế kỷ 2, sau kỷ nguyên, diện tích nước Tàu là 7 triệu cây số vuông. Dưới đời nhà Nguyên (Yuan), lên đến 33 triệu cây số vuông. Và hiện nay là 9.596.961 cây số vuông – đứng hàng thứ ba thế giới chỉ sau nước Nga và Canada.(19)
Về diện tích nước Tàu như vừa nêu lên ở trên cũng bao gồm các vùng tự trị như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, ngoại Mông.
Tham vọng một nước đại Hán đưa đén kết quả muốn thu gom tất cả thành một khối!
Dù sao đi nữa thì nay nước Tầu được coi là đã thức dậy sau giấc ngủ dài ngàn năm!
Sự thức đạy ấy trở thành sự thách thức cho cả thế giới và trở thành mối đe dọa cho các nước lân bang. Nhất là Việt Nam! Câu hỏi thêm là Việt Nam đang thức hay đang ngủ? Hay đang ngủ với một mắt nhắm, một mắt mở?
Câu hỏi là người cộng sản Việt Nam liệu có ý thức được trọn vẹn điều đó không?
Góc nhìn của người Việt nói chung về người Tầu
Nói chung, theo tôi, người Việt Nam thường nhìn người Tầu một cách không mấy có thiện cảm, nếu không nói là ác cảm và diễu cợt. Như gọi người Tầu là Chệc, Ba Tầu – chữ mà ngày nay ít ai còn dùng nữa.
Thật ra nhiều chữ theo từ nguyên của nó chưa hẳn là có nghĩa xấu! Chẳng hạn, chữ An-Nam theo nguyên ngữ gốc chỉ có nghĩa tốt đẹp là: nghỉ yên (an) ở phía Nam.
Nghĩa trở thành xấu theo dụng ý người dùng.
Nhưng cái tâm lý chống đối ấy cũng có thể hiểu được đối với một nước nhược tiểu thường bị xâm lăng và lấn lướt. Tôi xin đưa ra một vài chứng bài Tàu (sinophobie) của người dân.
Trong cuốn Histoire du Royaume de TunQuin,(20) Alexandre De Rhodes có nhận xét như sau:
“Nước này bắt đằu thoát ly khỏi đế chế Trung Quốc từ hơn 800 năm nay, khi người Đàng Ngoài không thẻ chịu được cái nhục đô hộ Tàu, thì họ vùng lên sau khi giết quan Trấn Thủ. Vừa để truyền cho hậu lai kỷ niệm chiến thắng đó vừa để ghi muôn đời cuộc khởi nghĩa bằng một vài sự việc khi họ ra lệnh từ nay dân Đàng Ngoài không kết tóc bọc trong lưới trên đầu như người Tầu, và để tỏ ra độc lập, họ bỏ tóc dài tỏa trên vai. Hơn nữa, họ không đi giày như đã quen, vì đất rất lầy lội thường xuyên trên toàn cõi, họ luôn luôn đi chân không ở miền quê, không có giày để được tự do chạy nhảy và chiến đáu với người Tầu khi cần.”
Người dân Đàng Ngoài là láng giềng gần của Tàu, sự chống đối Tàu là điều dễ hiểu. nhưng ngay cả dân Đàng Trong – xa xôi- vẫn có sự kỳ thị trong việc làm ăn buôn bán với người Tầu.
Trong tờ báo Nam Kỳ địa phận (Semaine religieuse).(21)
Có những lá thư của bạn đọc gửi đến tòa báo bày tỏ sự bất bình với người Tầu như sau:
Nhưng đặc biệt có một số bài của độc giả gửi tới lên án gắt gao người Chệc vì làm ăn điêu xảo và còn có bài kêu gọi người Annam tẩy chay, không mua bán làm ăn với người Tầu
Xin trích dẫn một đoạn về lề lối cầm đồ của người Chệc:
“Kính xin ông chủ bút làm ơn ấn hành bài nầy cho chư vị trong lục châu rõ, mà trừ ba anh Chệc ở tiệm cầm đồ cho hết lường gạt mấy chị đờn bà. Vậy nếu muốn cho khỏi lầm tay mấy anh Chệc đó thì phải lời nghị ngày 25 tháng Novembre 1905 của quan Nguyên Soái Nam Kỳ đã định điều lệ cho công ty cầm đồ như sau này: Những đồ cầm 100 đồng bạc, tiệm đặng lời 2 đồng trong một tháng, là 30 ngày,, nghĩa là kể từ ngày cầm mà cho đến ngày mình chuộc, cho đúng 30 ngày, ví dụ mình cầm ngày 28 tháng 2 tây, cho đến ngày 29 tháng 3 tây mình chuộc, thì đúng là 30 ngày, thì trọn một tháng lời, vì tháng 2 tây thiếu ngày.( Trích trang 541, JB Xuân).”
Ở một chỗ khác, người ta chỉ cho độc giả biết cách cân gian, cách gạt thóc gian. Chẳng hạn:
“Người Tầu dùng cái gạt hình thoi, ở giữa phình ra, hai đầu nhọn, thì mỗi lần gạt thùng thóc vơi đi ở giữa và người mua thiệt mỗi thùng là 40 gr. Chẳng hạn, bài của Madame X cho thấy các chú khách làm hai thứ lường: một thứ để khi quan xét thì đem ra, còn một thứ để bán gạo thường ngày. Cái lường này nó dộng đưới dáy lường cho nẩy lên. Và sau đó kêu gọi chị em chú ý, đừng để bị gạt.”
Cho hay cái tâm lý ác cảm với người Tầu đã có gốc rễ từ lâu, mãi cho đến thời ông Diệm thì lại có thêm sắc lệnh cấm người Tầu không được làm một số nghề.(22)
Theo một tác giả khác là Christopher E. Goscha cũng ghi nhận như sau:
“Vào năm 1919, có hai tiệm cà phê của người Tầu ở Sài Gòn tăng giá một ly cà phê thêm một xu. Thế là khách hàng bảo nhau tẩy chay toàn bộ hàng hóa của người Hoa. Báo chí đã biến một sự kiện nhỏ bé ấy thành một cuộc “thánh chiến” quyết liệt chống lại sự đè nén bấy lâu của người Hoa đối với nền kinh tế Việt Nam, thực ra là với cả dân tộc Việt Nam.”(23)
Tuy nhiên, phải nhìn nhận tài liệu, sách vở, hồi ký viết về nước Táu so với người Tây Phương- ngoài một số sách sử- thì quá nghèo nàn và hiếm hoi.
Về mặt chính trị, trong cuốn sách Chính Đề Việt Nam của Tùng Phong-Ngô Đình Nhu(24). Tác giả Tùng Phong nhiều lần nhắc đến cái mối đe dọa của người Tầu. Nội dung tác phẩm Chính Đề Việt Nam cũng dành một mối ưu tư hàng đầu trong kế sách mà Việt Nam một nước nhỏ phải đối đầu với Trung Quốc.
Tác giả khẳng định ta không thể chiến thắng cộng sản Tàu bằng quân sự và võ lực được. Bảy lần đánh đuổi quân xâm lược do có một lãnh đạo tốt bằng cách vận động được quần chúng và bằng cách lợi dụng được giữa các nước với nhau.
Nhưng nhận xét thời danh nhất của tác giả như một lời tiên tri về tinh hình chính trị trong mối quan hệ thế lực giữa hai bên nằm trong nhận xét sau đây hơn 50 năm về trước:
Sở dĩ sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép. Và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây Phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả dụ mà Nam Việt Nam bị Bắc Việt thôn tính thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian’(25).
Đoạn văn trên cho thấy có sự trùng hợp giữa lời cảnh cáo của Napoléon đệ nhất và Tùng Phong-Ngô Đình Nhu mà khoảng cách thời gian là một thế kỷ rưỡi- trong một khung cảnh địa lý-chính trị hoàn toàn khác biệt!
Trong khi đó, những Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và đám kế thừa hiện nay như TBT Nguyễn Phú Trọng: Phải chăng họ đã ngủ quên ngay bên cạnh con sư tử Tàu đã thức dậy mà không biết?
Hồ Chính Minh cũng như các đồng chí của ông đã không đọc sử hay cố tinh gạt ra khỏi sử công của tiền nhân đã giữ nước và dựng nước. Và đã nhận người láng giềng phương Bắc làm anh em, môi hở răng lạnh!
Tội của họ là tội bán nước? Công của họ là công nô bộc cho một chủ nghĩa ngoại lai. Họ vẫn tiếp tục con đường họ đã chọn.
Xin trích đoạn đối thoại giữa Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng để làm rõ vai trò tay sai cho cộng sản Tàu như sau:
“-Zhou: For a long time, The United States has been half-encircling China. Now the So Viet Union is also encircling China. The circling is getting complete, except (the part o f Viet Nam.
-Pham: We are all the more determined to defeat the Us imperialist in all of Vietnamese territory.
-Zhou: That is why we support you.
-Pham: That we are victorious will have a positive impact in Asia, Our victory will bring about unforeseeable out-comes.
-Zhou: You should think that way.”(26)
Và nay thì xem ra đã quá muộn cho họ!
Trong cuốn sách China and the Viet Nam wars – 1950-1975, giáo sư Qiang Zhai đại học North Carolina còn vạch trần ra lý do gì Mao Trạch Đông đã nhận giúp đỡ viện trợ quân sự và gửi hơn 100.000 nhân viên sang giúp cộng sản Việt Nam:
“Why was Mao so eager to aid Ho Chi Minh in 1950?
Mao’s decision was motivated by a completed blend of geopolityical, ideological, and historical factors. First of all, Indochina constituted one of three fronts (The others being Korea and Taiwan) that Mao perceived as vulnerable to an invasion by imperialist countries headed by the United States.”(27)
Và việc tìm hiểu này gợi hướng nhìn của chúng ta là cần đào sâu thêm để biết chính sách của người Tầu từ xưa là gì? Chính sách ấy đều dựa trên hai yếu tố không thể thiếu được: Đó là yếu tố địa lý chinh trị, Geo-politique. Nhờ đó sẽ giúp giải mã được các sự kiện lịch sử bang giao giữa hai nước.
(Còn tiếp phần 1b)
© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: DCVOnline hiệu đính và minh họa
(1) Alexandre De Rhodes, “Hành Trình và truyền giáo” – Divers voyages et Misions. Bản dịch của Hồng Nhuệ, Tủ sach Đại Kết, trang 5-6 Xuất bản ở Paris năm 1631. Khởi hành từ Lisbon ngày 4-4-1619
(2) Sau nữa thì in trên gỗ, đất nung, đồ sứ rồi kim lọai ở thế kỷ thứ 12. Kỹ thuật này chỉ dùng mực in được trên một mặt giấy. Nhưng máy in đã được Johanes Gutenberg cơ khí hóa ở Âu Châu (Thần thánh La Mã Đế quốc, tên cũ của Đức, khoảng năm 1440, in được cả trên hai mặt giấy bằng mực dầu. Ở Đông á vẫn dùng tay và thủ cụ ép giấy vào mặt chữ cho đến cuối thế kỷ 19 (1881-3), máy in Gutenberg mới đến Đại Hàn và đến Nhật Bản vào năm 1848 (Nếu không kể sự xuất hiện ngắn ngủi vào năm 1590.)
(3) Les Cahiers Science &Vie, Chine : au-delà des mythes, N°154, paru le 9 juin 2015, trang 32
(4) Alexandre De Rhodes, Ibid., trang 41
(5) Guido Abbattista, “Europe, China and the family of Nations: Commercial, Enlightenment in the Sattaizeit ( 1780-1840)”
(6) Nghi thức này được gọi là Koưtow (khấu đầu) với ba lần quỳ gối, mỗi lần quỳ gối thì ba lần vái, trán phải đụng mặt đất. Như vậy tất cả là 9 lần. Đại sứ Anh chỉ quỳ một gối, mặc dầu biết rõ nghi thức, ông cho việc quỳ lạy như thế là một xỉ nhục đối vơi một cường quốc trên biển như xứ sở của ông. Ông nghĩ rằng việc làm của ông là một cử chỉ đầu tiên của một sứ thần bên cạnh Thiên triều như một sự bình đẳng giữa hai nước.
(7) Alain Peyrefitte, Ibid., trang VIII.
(8) Alain Peyrefitte, Ibid., trang 444
(9) Mao trạch Đông trong cuộc vạn lý trường chinh, vẫn có một thư viện lưu động đẻ ông đọc sách. Đi đến đâu, có sách là thu tập.
(10) Han Suyin, Le déluge du matin, Club Livres pour Vous (1972), trang 534.
(11) Xem Tào Đại Vi – Tôn Yến Khanh – Dịch giả Đặng Thuy Thúy, Lịch sử Trung Quốc, nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2011. Trong năm 1840, lượng nha phiến nhập vào Trung Quốc là hơn 4 vạn thùng mỗi năm.
(12) Alain Peyrefiitte, Ibid., trang 299
(13) Han Suyin, Ibid.,trang 33
(14) Frank Dikotter, Mao’s Great Famine, Walker Books (Oct. 11 2011)
(15) Maomao, Đặng Tiểu Bình: Cha tôi, BasicBooks, 1995
(16) Alian Peyrefitte,Ibid., trang XV-XVI
(17) Tào Đại Vi- Tôn Yến Kinh, Ibid., trang 57
(18) Pol Quentin-Radlé, La Chine, Demain, Bilan d’une esconomie socialiste, nxb Calmann-Levy
(19) Les cahiers Science &Vie, số đặc biệt Chine, Ibid., trang 8.
(20) Alexandre De Rhodes, Histoire du Royaume de TunQuin, bản dịch Hồng Nhuệ,nxb Ủy Ban Đoàn Kết thành phố HCM, 1994 trang 4.
(21) Nguyễn Văn Lục: Kỷ niệm 100 năm tờ báo Nam Kỳ địa phận, báo Tân Văn, số 8 – 2008
(22) Nguyễn Văn Lục, Ibid, Tân Văn, số 8
(23) Christopher E. Goscha, “Widening the Colonial Encounter: AsianConnections Inside French Indochina During the Interwar Period,” đăng trên Modern Asian Studies , Vol., No. 05, September 2009. Đông Hiến dịch “Cấu trúc các mối quan hệ thời thuộc địa”, tạp chí Talawas, số mùa thu 2009.
(24) Cuốn sách của tác Tùng Phong, nhiều người trong giớ lãnh đạo của đảng Cần Lao quả quyết rằng cuốn sách do ông Ngô Đinh Nhu viết bằng tiếng Pháp. Nhưng hiện nay văn bản tiếng Pháp chưa đuợc công bố chính thức. Xin đọc thêm bài viết cùng tác giả: “Ai là tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam? Ông Ngô Đình Nhu hay ông Lê Văn Đồng” được in trong cuốn: Nguyễn Văn Lục, “Một thời để nhớ”, trang 113-171.
(25)Tùng Phong, Ibid., Phần II, vị trí của Việt Nam trong khung cảnh thế giới.
(26) Henry Kissinger, On China, Penguin Books; Reprint edition (April 24, 2012), trang 342
(27) Qiang Zhai, China &The Vietnamese wars – 1950-1975, trang 20, May, 1999
DCVOnline: Cho đến nay (2/2016) chưa có một chứng cớ thuyết phục nào xác định Ngô Đình Nhu là tác giả cuốn “Chính đề Việt Nam”, sách viết bằng tiếng Việt, do nhà xuất bản Đồng Nai Saigon phát hành năm 1965, tên tác giả là Tùng Phong. Những nhận định xung quanh việc tìm kiếm tên thật của Tùng Phong đều đồng ý rằng “sách” của Ngô Đình Nhu [nếu đã] viết [phải] bằng tiếng Pháp và tựa đề là dấu hỏi lớn vì không ai có nguyên bản [thảo] của tác giả Ngô Đình Nhu. Theo Phạm Đình (Thông Luận) thì Tùng Phong là bút hiệu của Lê Văn Đồng, cựu Đổng Lý văn phòng Bộ trưởng Canh nông và có mặt trong bộ tham mưu chính trị của ông Diệm (cho đến năm 1957). Tác giả Lê Văn Đồng xuất bản sách “Chính đề Việt Nam” năm 1965, sau khi ông Diệm bị lật đổ và bị giết cùng với ông Nhu. 1975, Lê Văn Đồng đi tị nạn cộng sản và qua đời năm 1992 tại Mỹ. Gia đình ông Lê Văn Đồng khẳng định Lê Văn Đồng là tên thật của tác giả cuốn “Chính đề Việt Nam”, Tùng Phong.
Đến khi có thông tin mới hơn, đây vẫn là chú thích mẫu của DCVOnline dưới tất cả những bài viết đề cập hay liên quan đến tác giả cuốn “Chính đề Việt Nam” như “Ai là tác giả cuốn “Chính Đề Việt Nam?””, “Đúc kết hồ sơ Nghi án văn học: Ai là tác giả cuốn Chính Đề Việt Nam?”, Nguyễn Văn Lục, © DCVOnline 2010, “Ngô Đình Nhu và luận văn tốt nghiệp trường École Nationale des Chartes”, 5xu, DCVOnline 2013.
Theo 5xu, tác giả “Ngô Đình Nhu và luận văn tốt nghiệp trường École Nationale des Chartes” thì Ngô Đình Nhu là tác giả của hai ấn phẩm bằng tiếng Pháp là
1. Ngo Dinh Nhu, “La Fête de l’ouverture du Printemps a Hanoi”, 1945 [Có nguồn cho rằng tên của tập biên khảo này là “La Fête de l’ouverture du Printemps a Hanoi sous les Postérieurs”.] DCVOnline chưa truy cập được tài liệu này.
2. Dinh-Nhu NGÔ, “Les moeurs et les coutumes des Annamites du Tonkin au xviie siècle”, 1938. École des chartes » thèses. Nguồn: theses.enc.sorbonne.fr/titres?de=1938.