Chính chúng ta có kỳ thị chủng tộc không?
Phạm Hồng-Lam
Ra nước ngoài làm một công việc mà khách hàng đa số là người “ngoại quốc”, mà theo định nghĩa của người Mỹ, đều được gọi là “da màu”, thân thiết với rất nhiều người từ Ghana, Sénégal, Nigeria, Zaire, Côte d’Ivoire, Ethiopien, Palestin, Iraq, Afghanistan, Ấn-độ, Pakistan… Vẫn nghĩ rằng, mình có thiện cảm với mọi người bất luận thuộc màu da hay chủng tộc nào. Vậy mà kết quả trắc nghiệm IAT của tôi vẫn bị coi là có khuynh hướng kỳ thị.
Sau khi xẩy ra vụ ông cảnh sát da trắng Derek Chauvin giết ông thường dân da đen George Floyd, trên mạng truyền thông diễn ra một cuộc tranh luận về chuyện có hay không có chủ trương kỳ thị chủng tộc tại nước Mỹ. Một số người Việt khẳng định, ở Mỹ dứt khoát không có chính sách kỳ thị, là vì không có bất cứ một điều khoản nào trong luật pháp từ trung ương đến địa phương cho phép hay chấp nhận điều này. Do đó, theo họ, những cuộc biểu tình chống đối kỳ thị của người da đen tại Mỹ, sự tái nhập cuộc của Black Life Matter, cũng như những đợt biểu tình phản đối trên khắp thế giới sau đó chỉ là những phản ứng thuần cảm tính hoặc do hiểu lầm hay bị lợi dụng.
Không có chuyện kỳ thị mang tính hệ thống, vì không có luật pháp nào cho phép! Luận chứng này đúng về mặt pháp lý. Với „Civil Rights Act“ đóng lại những cánh cửa kỳ thị còn lại, trả quyền công dân cho người da đen, được Thượng Viện Mỹ thông qua sau 57 ngày chống đối bằng phương tiện nói dai (Filibuster) của những đại biểu miền Nam muốn giữ lại chính sách kỳ thị, và được tổng thống L.B. Johnson ký ngày 02.07.1964, nước Mỹ trên danh nghĩa đã giã từ giai đoạn mông muội đầy máu và nước măt trong lịch sử của mình. Luật đó cũng là kết quả của 125 năm đấu tranh của người da đen, kể từ cuộc nổi loạn của nhóm nô lệ trên con tàu Amistad năm 1839.
Từ đấy, từng bước nước Mỹ đã có nhiều tiến bộ. Đa số người dân da trắng đã có cái nhìn tích cực về đồng bào da đen của mình. Các sắc dân đen trắng đã có thể kết hôn với nhau; đất nước này đã có được một vị tổng thống da đen, và hiện nay lại có một vị phó tổng thống da đen…
Đó là một sự thật. Nhưng cũng còn có một sự thật khác.
Nước Mỹ năm 2021: người da đen thu nhập ít hơn người da trắng, dễ vào tù hơn, khó vay mượn tiền ngân hàng hơn, khó mua được xe hay nhà với những điều kiện tốt như người da trắng, khó tìm được việc làm hơn, nghèo hơn, ít học thức hơn, tội phạm nhiều hơn, bị chứng phì nộn nhiều hơn …
Tôi có một người bạn. Gia đình anh rốt cuộc cũng tới được Mỹ giữa thập niên 1990‘ qua diện con lai. Anh mong ra đi „để số phận những người con tật nguyền bớt hẩm hiu, để chúng hy vọng có được một kiếp sống như một con người“. Để anh chị ổn định sau một thời gian, tôi có dịp sang thăm. Gặp nhau, câu chuyện đầu tiên là gia đình và công ăn việc làm. Anh kể: con anh đã ổn định trong trường dành cho những người khuyết tật; vợ anh xin được việc trong một nhà hàng; còn anh cũng vừa mới được một chỗ trong Bưu Điện, sau nhiều tháng nhận chạy ném báo. Tôi hỏi, chỗ làm ra sao? – Không ra răng cả. Chúng coi mình chẳng ra chi! Ngừng một lát, anh tâm sự: Nhưng mà tau vẫn còn hơn bọn Xì, mi ạ! Còn các cậu da đen? Anh cười cười lắc đầu: Mấy cu đen còn tệ hơn. Bọn họ không ai coi ra chi!
Anh bạn nói lên trường hợp riêng của anh. Nhưng không biết chỗ làm và nhận định đó có mang tính phổ quát cho cả xã hội Mỹ hay không. Không lâu sau đó, anh đột tử vì trầm cảm, có lẽ phần vì do hậu quả tinh thần gia đình, phần vì do hoàn cảnh xã hội mới. Vì thế tôi đã không còn dịp, để tìm hiểu, rồi đến lượt mình, anh có bị con vi khuẩn kỳ thị kia lây nhiễm không, để chính anh lại trở thành một người kỳ thị trong guồng máy chỗ làm của anh.
Không có khác biệt chủng tộc
Câu chuyện cho thấy, dù chẳng còn luật cản, nhưng xã hội Mỹ vẫn còn một thứ kỳ thị nào đó. Nó không nằm nơi hệ thống pháp luật. Nhưng nằm ở đâu?
Nhưng trước hết, cần dứt khoát với nhau về một sự thật nền tảng này: Không có sự khác biệt giữa các chủng tộc. Chẳng có sự khác biệt nào, xét về mặt di truyền học, giữa những cộng đồng con người mà chúng ta vẫn gọi là dân da đen, da đỏ, da trắng, da vàng hay da nâu gì cả! Tất cả đều xuất phát từ một chủng tộc, cùng có chung một tổ, một tộc người định hình cách đây khoảng 70 ngàn năm ở vùng Ethiopien, phía đông Phi Châu, sau đó toả ra các miền đất thế giới. Tuỳ vào môi trường sống mà nước da và cơ thể của họ có những đổi thay nhỏ hầu giúp họ thích ứng. Ở Phi Châu, nơi ánh nắng mặt trời dư dả, da người sậm lại để chịu nắng. Ở Âu Châu ít mặt trời, da họ sáng hơn để có thể hấp thụ sinh tố D. Ở Đông Nam Á, dân biển du mục Bajau có lá lách lớn, để giữ cân bằng lượng dưỡng khí trong máu khi phải lặn lâu dưới nước. Dân miền núi Anden ở Nam Mỹ có phổi lớn hơn để thở dễ hơn. v.v.
Những yếu tố màu da, màu tóc, cơ thể trên đây nhiều thế kỷ dài đã được con người dùng để đặt nền tảng cho thuyết ưu thế chủng tộc, cho chế độ thực dân, cho việc cướp bóc, truy diệt và tàn sát những dân tộc khác. Chế độ Quốc xã (NaZi[1]) ở Đức đã tiêu diệt bao nhiêu sinh mạng cho việc nghiên cứu, để tìm chứng minh cho sự ưu thế của chủng tộc Arien của họ. Và hôm nay cũng chính quốc gia này đang xem xét đề nghị loại bỏ chữ „chủng tộc“ (Rasse) ra khỏi hiến pháp của họ.
Không có khác biệt chủng tộc, vì con người, bất luận thuộc sắc tộc hay vùng đất nào trên địa cầu, đều mang trong mình 99,9% yếu tố di truyền như nhau. Sự khác nhau giữa hai người cùng màu da còn cao hơn giữa hai người khác màu da. Về mặt di truyền, một bầy chim Pinguin có nhiều khác biệt hơn so với tập thể nhân loại. Đó là kết quả của hơn một ngàn nhà khoa hoc đã làm việc với nhau nhiều năm trong một dự án giải mã toàn bộ cấu trúc di truyền của loài người. Họ đã xếp các vần trong chuỗi DNA với ba tỉ cặp nền tảng bên nhau để so sánh, và đã đi tới kết quả đó. Và kết quả này đã được tổng thống Clinton long trọng nói lên trong buổi họp báo trang trọng tại Phòng Đông của Toà Nhà Trắng ngày 26.06.2000.
Óc kỳ thị xuất phát từ đâu?
Như vậy, về di truyền học, chẳng còn lý do gì để người Mỹ da trắng kỳ thị người Mỹ da màu. Nước Mỹ cũng chẳng còn luật phân biệt hay gây bất lợi cho các nhóm dân da màu. Vậy thì sự kỳ thị chủng tộc. mà ta thấy đang tiếp tục diễn ra hiện nay tại Mỹ, xuất phát từ đâu?
Thưa nó đang nằm trong vùng vô thức của 73% người Mỹ da trắng.
Đấy là kết quả lượng giá hơn ba triệu người Mỹ da trắng – cho tới nay – đã tham gia bản thử nghiệm IAT (Implizit Association Test) trên trang mạng của Đại Học Harvard. Hầu hết những người này trước đó đều khẳng định, họ không mang đầu óc kỳ thị, không chủ trương kỳ thị người da đen. Nhưng những phản xạ vô thức của họ qua các câu trả lời cho thấy tinh thần kỳ thị vẫn tiềm tàng trong tâm trí họ. Bài trắc nghiệm đơn giản, kéo dài chưa tới 10 phút, được dịch ra nhiều thứ tiếng (tiếc rằng chưa có tiếng Việt); ai muốn, có thể vào địa chỉ https/implizit.harvard.edu để thử.
Dựa trên dữ liệu từ Implicit Association Test, có vẻ như người da trắng ở một số tiểu bang có thể biểu lộ độ thành kiến ngầm cao hơn so với những người ở các tiểu bang khác. Bản đồ sau đây, của Project Implicit, cho thấy những tiểu bang có mức độ thiên vị ngầm cao nhất (số cao, màu đỏ) và mức độ thiên vị ngầm thấp nhất (số thấp, màu xanh lam). Màu xám đại diện cho các tiểu bang có độ thiên vị ngầm trung bình; Michigan là tiểu bang trung bình. Nhìn chung, bản đồ phản ảnh điểm số của 1,51 triệu người Mỹ, từ mức cao là 99.660 người tự thử làm nghiệm ở California đến mức thấp là 1.722 người tự thử nghiệm ở Hawaii. Nguồn hình: Project Implicit .
Cũng đã có 50 ngàn người Đức da trắng thử nghiệm, và kết quả có tới 80% mang khuynh hướng kỳ thị. Tỉ lệ của người Việt là bao nhiêu, nêu tự thử nghiệm? Theo tôi, chắc chắn phải hơn 90%! Nếu muốn, có thể hỏi và nhờ ban quản trị bản thử nghiệm làm tổng kết dùm.
Những tham dự viên trên đây hẳn là những người bình thường như tôi và bạn, những người đang đọc bài này, những người vẫn đang vui vẻ ngồi học hay làm việc bên các đồng bạn hay đồng nghiệp da đen, những „con chiên“ ngoan đạo ngày ngày vẫn sốt sắng đọc kinh cầu nguyện, vẫn siêng năng chia sẻ Tin Mừng, vẫn hô hào phải yêu thương mọi người, vì tất cả đều là con cùng một Chúa.
Như vậy thì tinh thần kỳ thị của họ đến từ đâu?
Trước hết, hãy tìm hiểu sơ qua một chút về hệ thống thần kinh não bộ, nơi xuất phát và điều động các thái độ và hành vi con người.
Chúng ta vốn được học và vẫn thường nói, lý trí điều khiển mọi thái độ và hành động của con người. Thông thường, mọi sự khởi đầu từ một cảm nhận giác quan: mắt ta thấy một vật cong cong di động dưới đất, tai ta nghe một tiếng động trong bụi cây xa xa, mũi ta thoáng ngửi một mùi hương dễ chịu… Thần kinh thị giác, thính giác, khứu giác lập tức chuyển những cảm nhận đó lên Thalamus – một thứ hộp phân phối, và hộp này chuyển tiếp tới vỏ não (cortex) – bản doanh của trí suy nghĩ. Khi cortex nhận ra được vật cong kia là con rắn, tiếng động kia do con hổ thoát chạy, mùi hương kia là nước hoa mắc tiền của một cô gái đang tiến gần, nó chuyển những kết quả này tới Hạch hạnh nhân (Amygdala) – trung tâm cảm giác. Amygdala ra lệnh cho cơ thể có những phản ứng thích hợp: nhảy tránh con rắn, coi chừng cảnh giác chú hổ, chuẩn bị đối diện với người đẹp.
Nhưng cũng có lúc – và nhiều lúc – hệ thống thông tin không vận hành theo lối thông thường đó. Cảm nhận được chuyển đi theo đường tắt, từ Đồi thị (Thalamus) trực tiếp chuyển ngay tới Amygdala, bỏ qua bộ máy suy nghĩ Cortex. Điểm này có cái lợi, là nó giúp ta tiết kiệm được thời gian; đôi khi chỉ cần một tíc-tắc cũng đủ cứu mạng sống của ta. Các cảm nhận trong trường hợp này không phải là do tưởng tượng, mà đó là những cảm nhận lặp đi lặp lại và đã được ta biến thành kinh nghiệm cụ thể và đã đọng lại từ lâu trong tiềm thức ta. Gặp vật cong di động dưới đất, người ta nhảy lên tránh ngay chẳng cần phải suy nghĩ, vì biết đó là con rắn. Nghe tiếng nổ từ xa, người ta nhảy ngay xuống giao thông hào tránh đạn, vì đã quen với những vụ pháo kích của cộng quân. Đây là những phản ứng do tình cảm, nghĩa là từ Ý Chí, chứ không phải do lý trí, điều động.
Jonathan Haidt, một nhà tâm lý xã hội người Mỹ, dùng hình ảnh con voi và người quản, để ví von phần Tình Cảm thuộc vô thức (Ý Chí) và phần lý trí thuộc ý thức của con người. Con voi khổng lồ lực lưỡng là Tình Cảm. Người quản bé nhỏ ngồi trên cổ voi tay thường cầm thanh cây ngắn có móc sắt để điều khiển là lý trí. Thường thì người quản có thể sai khiến, ngăn cản voi. Nhưng nhiều khi voi bất chấp lệnh của người quản. Thoảng thấy mùi lạ, biết là có loài mãnh thú nào đó ở gần, voi khựng lại, không chịu bước đi nữa, trong khi người quản chưa phân định được sự gì và vì thế cứ mổ móc sắt vào vành tai của voi kéo giục đi tiếp. Tôi đã thấy có những thớt voi với hai vành tai bị rách bươm vì móc sắt của người quản. Hậu quả của sự không tuân phục.
Thuyết Ý Chí hành động trước quyết định của lý trí là chuyện không lạ. Điểm này trước đây triết gia Arthur Schopenhauer (1788-1860), người Đức, đã gây náo động cho thế giới triết học qua một câu hỏi vốn là đề tài tranh luận nảy lửa nhất cho mãi tới nay: Tôi có thể muốn điều tôi muốn không? Qua một thí nghiệm thô sơ, ông nhận ra rằng, đôi khi hành động của Ý Chí diễn ra trước quyết định của lý trí. Hơn 100 năm sau ngày mất của Schopenhauer, luận điểm trên đây lại được xác nhận qua một thí nghiệm não bộ nổi tiếng, được gọi là Thí Nghiệm Libet (Benjamin Libet, 1916-2007). Điều này đối với chúng ta có lẽ chẳng là gì cả. Nhưng hệ quả của nó vô cùng kinh khủng. Là vì, nếu lý trí không sai khiến được Ý Chí, thì con người đâu có tự do hành động. Mà đã không có tự do hành động, thì đâu là tội của một hành động đó? Cả toà nhà đạo đức như vậy sẽ bị sập đổ!
Song tiếc rằng ông Schopenhauer không phải là người Việt Nam và ông không sống ở Á Đông. Bởi người Việt chỉ quan tâm tới con voi và xem nhẹ người quản. Họ vẫn sống và chủ trương: một trăm cái lý không bằng một tí cái tình! Vấn nạn triết học của tây phương đối với họ chẳng quan trọng gì!
Chúng ta trở lại với con đường tắt trên đây, từ trạm tập trung Thalamus chuyển thẳng tới bộ chỉ huy tình cảm Amygdala, bỏ qua tổng hành dinh lý trí Cortex.
Chúng ta mê đọc truyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Ly cà-phê ta uống hàng ngày. Chúng ta thích thú theo dõi những phóng sự về người mẫu chân dài của tây phương trên truyền hình. Chúng ta xem đi xem lại những câu truyện rắn độc qua YouTube. Suốt ngày suốt năm chúng ta quen thuộc với những khuôn mặt da vàng mũi tẹt chung quanh mình. Tất thảy những thứ đó, mỗi lần gặp, mỗi lần xem là mỗi lần chúng được thu nhận vào tiềm thức như những kinh nghiệm. Từ tiềm thức lắng dần xuống vô thức. Lâu ngày thành quen, Và rồi ta có được kinh nghiệm vô thức: hễ vật cong đi động dưới đất là rắn; gái đẹp là phải có đùi dài, mắt xanh, tóc vàng, mũi cao, da trắng; rắn là loài nguy hiểm; nghe đến Tự Lực Văn Đoàn là nghĩ tới văn hay cú pháp gãy gọn; cà-phê đương nhiên là thứ quyến rũ; da vàng mũi tẹt là „người minh“: tốt…
Nhưng đồng thời ta cũng thu nhận vào mình những kinh nghiệm này: Dân Tàu là Virus Corona; dân Mễ là bọn chuyên buôn lậu ma tuý; dân da đen chỉ rặt là đám tội phạm và lười biếng. Vì lãnh tụ của chúng ta suốt năm tháng vẫn cứ nhắc đi nhắc lại và dạy cho ta như thế. Hễ trắng là tốt, đen là xấu. Ngôn ngữ hàng ngày vẫn gieo vào đầu ta điều đó: chợ đen, đi tàu đen (chui), làm đen (làm chui), tiền đen, cừu đen, số (phận) đen (đủi), dân đen, thế lực đen, tình đời đen bạc, dân ngu khu đen, địa ngục đen tối trái với thiên đàng sáng láng, đức Giê-su là người tốt thì phải dân da trắng (dù Người là dân nhọ nồi) v.v.
Chúng ta sinh ra và lớn lên giữa một thế giới đã định hình với ngôn ngữ và khái niệm như thế. Ngôn ngữ ấn dấu trên nếp nghĩ. Nếp nghĩ ảnh hưởng lên thái độ và hành động. Những ấn dấu, ảnh hưởng, kinh nghiệm đó căng sẵn dây cung, nạp sẵn đạn hành động trong ta, để rồi trong giây phút chớp nhoáng quyết định, ta thả dây cung hay nhả đạn một cách vô thức.
Stephon Clark, 22 tuổi, đứng trong vườn của bà nội mình, tay cầm chiếc điện thoại. Anh bị cảnh sát bắn chết. Người cảnh sát bảo, Clark đang cầm khẩu súng trên tay. Thanh niên Clark là da đen.
Tamir Rice, 12 tuổi, đang chơi trong một công viên ở Cleverland với cây súng bắn bi. Anh cảnh sát bắn em trong vòng hai giây vừa khi gặp em. Cảnh sát nói, Rice đang cầm súng thật. Rice là cháu bé da đen.
Amadou Diallo, 23 tuổi ở New York, bị cảnh sát khám xét. Anh đang rút ví giấy tờ từ túi áo khoác ra thì bị bắn chết ngay. Cảnh sát bảo, Diallo đang rút súng. Cậu Diallo là da đen.
Những thí dụ như thế ở Mỹ, cho tới nay, vẫn đều đều xẩy ra. Có thể không hẳn tất cả những cảnh sát giết người trên là những tay kỳ thị, bởi trong số đó cũng có cảnh sát da đen. Nhưng con voi trong họ đã hành động quá nhanh. Có thể họ bấm cò một cách vô thức theo kinh nghiệm vô thức đã thu thập: hễ đen đương nhiên là mục tiêu xấu, nguy hiểm, phải coi chừng, cần phải phản ứng nhanh.
Đó, nước Mỹ chẳng còn luật lệ nào cổ xuý hay cho phép kỳ thị nữa, nhưng thực tế kỳ thị vẫn có, là vậy.
Tôi từ bé sống trong một ngôi làng chung quanh là các bản người thượng E-đê “đen thui”. Chiều chiều nhìn những người đàn ông đóng khố ngồi trên cổ những con voi kéo những cây gỗ hay những bè tre đi ngang qua trước cửa nhà mình. Gặp gỡ quen biết họ nơi nương rẫy và trong các dịp cúng Yàng uống rượu tại bản làng. Lớn lên đi học cũng trong một địa hạt nhiều người dân Bha-na “đen đủi”, với ý nghĩ là về sau sẽ sống giữa họ. Ra nước ngoài làm một công việc mà khách hàng đa số là người “ngoại quốc”, mà theo định nghĩa của người Mỹ, đều được gọi là “da màu”, thân thiết với rất nhiều người từ Ghana, Sénégal, Nigeria, Zaire, Côte d’Ivoire, Ethiopien, Palestin, Iraq, Afghanistan, Ấn-độ, Pakistan… Vẫn nghĩ rằng, mình có thiện cảm với mọi người bất luận thuộc màu da hay chủng tộc nào. Vậy mà kết quả trắc nghiệm IAT của tôi vẫn bị coi là có khuynh hướng kỳ thị. Có lẽ tôi đã làm không đúng bài trắc nghiệm. Hy vọng trong những lần thử lại sẽ khá hơn.
Các biện pháp cải thiện
Như vậy, có cách nào để có thể tẩy dần đi những định kiến về chủng tộc, để có thể làm chủ con voi nơi mình không?
Định kiến hay kinh nghiệm vô thức đi vào ta qua ngã giác quan, thì nó cũng có thể phai mờ dần bởi kinh nghiệm giác quan.
Một bà giáo sư tâm lý ở Harvard kể, bà có một sinh viên ngày nào cũng vào làm bản trắc nghiệm, để hy vọng mình có được tiến bộ hơn, nhưng kết quả trước sau vẫn không đổi. Rồi bỗng ngày nọ anh có được kết quả tốt. Số là buổi sáng hôm đó anh theo dõi cuộc đua thế vận hội điền kinh suốt nhiều giờ, và đã mục kích những chiến thắng ngoạn mục của các nam nữ lực sĩ da đen. Thế là đủ. Về sau, một nữ sinh viên của bà nảy ra sáng kiến, trước khi để các ứng viên trắc nghiệm, chiếu cho họ coi hình ảnh của những nhân vật da đen anh hùng như M. Luther King, Michael Jordan, Eddie Murphy, đồng thời cũng chiếu hình ảnh của những tội phạm da trắng như tay giết người hàng loạt Ted Bundy, Charles Manson… Và kết quả: những người trắc nghiệm đạt kết quả ít kỳ thị người da đen hơn.
Nhìn nhiều thành quen. Nghe nhiều đâm tin. Một nội các nhiều màu sắc của Joe Biden chắc chắn tạo ấn tượng bao dung chủng tộc nhiều hơn một nội các trắng hếu của Donald Trump. Nhà thờ nào có sự tham dự đều đặn của nhiều sắc dân, các tín hữu ở đó chắc chắn thông thoáng và ít kỳ thị hơn. Những đội banh đa chủng, những lớp học đủ màu sắc, những xí nghiệp đa sắc tộc… chắc chắn không khí ở những nơi đó ít kỳ thị hơn.
Còn đối với người Việt chúng ta? Với tầng lớp trẻ, tôi nghĩ họ ít rơi vào kỳ thị, vì họ có dịp hàng ngày tiếp xúc, học hành, vui chơi và làm việc với các bạn bè khác màu da, và nhất là họ học theo người Âu Mỹ sử dụng (cả) lý trí để xem xét sự việc. Còn việc tẩy xoá dấu vết kỳ thị nơi lớp người lớn tuổi thì khó hơn. Phần vì tiên kiến của họ đã quá sâu đậm, phần vì họ ít có dịp tiếp xúc với các cộng đồng sắc dân khác, và nhất là vì con voi nơi họ quá mạnh, trong lúc người quản chẳng mấy ai quan tâm. Cũng vì để mặc cho con voi điều khiển, nên thời gian qua chúng ta bị Facebook và YouTube dẫn vào một mê hồn trận mang tính phá sản. Nhưng dù vậy, khi chúng ta ý thức được thế lực của con voi trong ta và khi khẳng định được cho mình về sự thật này: mọi sắc dân hiện nay đều xuất phát từ một tổ duy nhất, và vì thế chẳng có sự khác biệt chủng tộc nào cả – đó là chân lý của khoa học chứ chẳng cần giáo huấn của tôn giáo nào cả – thì chắc chắn chúng ta sẽ có tiến bộ.
Để tạm kết thúc, tôi muốn gởi tới quý độc giả, đặc biệt ở Mỹ, bài thơ “Poème à mon frère blanc” (Bài thơ cho người bạn da trắng của tôi), được cho là của nhà thơ nổi tiếng Léopold Sédar Senghor (1906-2001), từ 1960 tới 1980 là tổng thống đầu tiên của Sénégal.
Poème à mon frère blanc
Léopold Sédar Senghor (1906-2001)
Cher frère blanc,
Quand je suis né, j’étais noir,
Quand j’ai grandi, j’étais noir,
Quand je suis au soleil, je suis noir,
Quand je suis malade, je suis noir,
Quand je mourrai, je serai noir.
Tandis que toi, homme blanc,
Quand tu es né, tu étais rose,
Quand tu as grandi, tu étais blanc,
Quand tu vas au soleil, tu es rouge,
Quand tu as froid, tu es bleu,
Quand tu as peur, tu es vert,
Quand tu es malade, tu es jaune,
Quand tu mourras, tu seras gris.
Alors, de nous deux,
Qui est l’homme de couleur?
Bai thơ cho người bạn da trắng tôi ơi
Léopold Sédar Senghor (1906-2001)
Này người bạn da trắng thân mến của tôi ơi,
Khi sinh ra, tôi đã đen,
Khi lớn lên, tôi đã đen,
Khi ra dưới mặt trời, tôi vẫn đen,
Khi tôi bệnh, tôi vẫn đen,
Rồi khi tôi chết, tôi sẽ vẫn đen.
Còn anh, người bạn da trắng?
Khi sinh ra, anh đỏ hồng,
Khi lớn lên, anh đã trắng,
Khi ra dưới mặt trời, anh đỏ au,
Khi gặp lạnh, anh tái xanh,
Khi sợ hãi, anh xanh lè,
Khi lâm bệnh, anh vàng lẹt,
Và khi chết, anh trở nên xám ngắt.
Như vậy giữa hai chúng ta,
Ai là người da màu?
Augsburg, 15.04.2021
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net“
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, minh họa và phụ chú.
Tham khảo:
- Thí nghiệm Libet. Trong R.D. Precht, Tôi là ai? Và nếu vậy thì bao nhiêu? Nhà sách Nhã Nam, Hà Nội 2012.
- Bastian Bernbner, Wie rassistisch sind Sie? Die Zeit Nr. 30, ngày 16.07.2020
- https://de.wikipedia.org/wiki/Civil_Rights_Act_von_1964
- http://www.unjourunpoeme.fr/poeme/poeme-a-mon-frere-blanc
[1] Nazi hay Nazism viết tắt của National Socialism (tiếng Đức: Nationalsozialismus): Chủ nghĩa quốc xã