Chiến sĩ vô danh, cựu danh tướng
Đôi Dòng
“Người ta thà làm ma vô danh Canada hơn làm cựu danh tướng cộng sản Việt Nam.”
Thư gởi bạn
Bạn thân:
Bận bịu của người nhiêu khê như tôi thì không đâu mà kể cho xuể được cả. Định viết thư thăm hỏi, kể chuyện cà kê với bạn từ lâu mà chưa có dịp. Cuối tuần này tự dưng có thì giờ, ngồi vào máy gõ vội vài hàng cho bạn. Montréal bây giờ đang vào cuối hè. Có ở đây thêm vài mươi năm nữa chưa chắc tôi đã khá hơn về mặt quen với thời tiết, khí hậu chớ đừng nói đến chuyện tiên đoán. Cả thập niên cuối thế kỷ vừa rồi là mười năm ấm nhất. Mùa hè này lại nóng ơi là nóng! Mùa đông ấm thì người ta bảo tại gió biển Thái Bình thổi vào chứ không phải gió bấc từ Bắc Cực thổi xuống. Một số khác la làng, báo động “nóng cả địa cầu,” cần phải giảm tiêu dùng xăng nhớt, bớt lái ô tô to tướng ra chợ đầu ngõ mua vài hộp sữa, mấy két bia.
Thôi, để cho các ông bà thông khoa học khí tượng làm việc của người ta. Cứ nắng ấm, cứ bớt đi những làn gió cắt da xẻ thịt là những người châu Á ở Bắc Mỹ mừng rồi. Lo gì cái chuyện tại gió biển hay gió bấc! Như bàn tay ngón dài ngón ngắn, tiết trời khi nóng khi lạnh; năm thì bão đá đổ cây xụp nhà, lạnh cóng, mùa thì nóng đến ngạt thở cũng là chuyện tự nhiên.
Quay về với những chuyện đơn giản hơn, vừa không dẫm chân ai, lại không mang tiếng ấm ớ. Thật ra tôi vừa làm đúng tiêu chuẩn của một người dân Canada đấy bạn ạ! Người ở đây gặp bạn bè mà không kể chuyện thời tiết, chẳng khác gì phở không có nước lèo, bánh canh lại thiếu giò heo. Như thế thiếu cái nét văn hóa lắm.
Thế ở Montréal có gì lạ? có gì đáng kể cho anh em và bạn bè ở “miệt dưới” nghe? Sáng nay, thứ bẩy ở thủ đô Ottawa, mười hai cựu chiến binh và khoảng trăm viên chức chính phủ Canada làm lễ kỷ niệm sáu mươi (60) năm ngày chín trăm bốn mươi bốn (944) chiến sĩ của quốc gia này bỏ mình trên bờ biển Pháp ở vùng Dieppe trong trận chiến thế giới thứ hai. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, góa phụ cô chi là chuyện đời nào chẳng có. Chuyện đáng nói là cái văn hóa ngộ nghĩnh của người Canada. Ngộ nghĩnh vì ở đây người ta kỷ niệm cả ngày thất trận. Đã sáu mươi năm rồi, người ta vẫn cung kính nhớ đến những chiến sĩ đã bỏ mình vì độc lập, tự do cho… đồng minh bên kia bờ đại dương. Các cựu chiến binh, tuổi gần hay đã tám mươi vẫn sụt sùi trước vòng hoa trước đài kỷ niệm các chiến hữu. Thua trận mà vẫn kỷ niệm, vẫn ghi ơn những người đã nằm xuống.
Cái văn hóa chi lạ! chẳng giống tí nào cái chuyện văn hóa bên kia quả địa cầu. Tuần trước, cựu tướng Trần Độ qua đời ở Hà Nội. Ông là danh tướng của cộng sản Việt Nam đã tham gia chiến đấu, chiến thắng Điện Biên. Cả cuộc đời trai trẻ, suốt cuộc chiến Việt Nam, chiến sĩ cộng sản Trần Độ vào sinh ra tử. Tuy ông Trần Độ không gục ngã trong nhà tù, không phơi thây ngoài trận mạc, như mọi người rồi ông cũng chết. Cái chết của Trần Độ lại không phải là một cái chết bình thường.
Gần hai mươi năm sống sau ngày hòa bình, cựu tướng Trần Độ bắt đầu viết rõ chính kiến, gởi cho ban lãnh đạo Đảng qua những bài bút ký “Một cái nhìn trở lại.” Thêm nữa, ông Trần Độ lại viết thư yêu cầu bỏ hẳn việc độc đảng, toàn trị, tự tung, tự tác. Thư của ông gởi đi cứ như gởi vào bóng tối, không một câu trả lời, không một ý kiến khen hay chê. Ông Trần Độ không ngần ngại tiếp tục phê bình việc thiếu dân chủ trong bầu cử, thiếu tự do ngôn luận, báo chí, đảng cử dân bầu và ban Tư tưởng Văn hóa chỉ đạo mọi việc đưa tin, viết văn, viết báo. Như thế thì làm gì có dân chủ, có tự do? Cựu tướng Trần Độ cũng phê bình những thất bại, những tham nhũng trơ tráo trong các công ty quốc doanh, các công ty do Đảng quản lý. Và hơn nữa, ông còn khẳng định “kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ là chuyện huyền hoặc. Dân chủ nói miệng, công bằng nói miệng như đảng cộng sản Việt Nam đang làm là nguồn gốc của xã hội đen, của bất mãn trong lòng dân cả nước. Những người khác tranh đấu cho dân chủ đã vào tù, bị quản thúc rất nhiều lần; riêng ông tướng chưa một lần vô khám, nhưng ông đã bị khai trừ khỏi Đảng. Vợ con ông thường xuyên được nhắn nhủ để khuyên giải ông. Tiếp tục được đảng cũ chiếu cố tận tình, phóng ảnh và nguyên tập bản Nhật Ký Rồng Rắn viết chưa xong của ông đã bị tịch thu.
Sống với quan niệm Nhân, Khoan, Nhẫn, cựu tướng Độ chết đi lại không được đảng cũ của ông đối xử có Nhân, Khoan, Nhẫn tí nào! Không Nhẫn, đảng cộng sản vội vã cho người đến tận tang lễ cắt bỏ điếu từ, biểu ngữ, không cho phép mọi người “vô cùng thương tiếc” ông. Cũng không Khoan, và cũng chẳng Nhân, đảng cộng sản lại hỗn láo, vô văn hóa mắng nhiếc ông ngay trước áo quan “Đáng tiếc là lúc cuối đời, ông đã phạm những lẫm lỗi.” Có lẽ với đảng cộng sản Việt Nam, lầm lỗi to lớn nhất của ông Trần Độ là dám nghĩ cái Cái chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa của Việt Nam hiện nay nó tàn bạo hơn cả chế độ Tần Thủy Hoàng và sự dã man của chủ nghĩa phát xít Hít-le.
Bạn thân, tri tân ôn cố! Đọc tin Ottawa và nghe tin từ Hà Nội, tôi chợt nhớ cụ Trần Bình Trọng và xin láy người anh hùng nước Việt
“Người ta thà làm ma vô danh Canada hơn làm cựu danh tướng cộng sản Việt Nam.”
Tạm thế nhé. Hẹn bạn thư sau.
Montréal một ngày hè oi bức.
17 tháng 8, 2002
© DCVBlogs
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net“
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập và minh họa.