Hai Bản Nhạc “Trở Về”
Trịnh Bình An
“Torna a Surriento” (“Trở Lại Surriento”) là một bài hát tiếng Napoli do hai anh em De Curtis sáng tác năm 1902. Em, Ernesto De Curtis, soạn nhạc, và anh, Giambattista, đặt lời.
Torna a Surriento là lời trách móc một chàng trai đang bỏ Sorrento ra đi, bỏ lại biển xanh với những cổ vật dưới đáy, và trên mặt nước những nàng nhân ngư đang đắm đuối nhìn theo, bỏ lại những khu vườn thân thương vương thoảng mùi hoa cam dịu dàng…, cùng với lời nhắn nhủ “Hãy trở lại Sorrento!”
Hãy nhìn mảnh vườn với mùi hương cam,
Mùi hương thơm ngát thấm vào trái tim.
Bạn nói “Ta đi! Tạm biệt.”
Lìa xa tấm lòng này, xa mảnh đất tình ái.
Bạn đành lòng không quay lại?
Nhưng xin đừng xa mãi, đừng làm tôi đau buồn.
Hãy trở lại Sorrento. Để tôi được hồi sinh…
Như những ca khúc nổi tiếng có phần âm nhạc tuyệt đẹp, Torna a Surriento được chuyển thành nhạc không lời cho violon, piano, nhạc thính phòng và cả cho dàn đại hòa tấu. Nhạc sĩ Mạnh Phát và Phạm Duy, mỗi người đặt lời tiếng Việt riêng nhưng đều lấy cùng tựa “Trở Về Mái Nhà Xưa”.
Điệp khúc, nhạc chuyển qua ngọt ngào, êm ái “Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh. Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh…” Kỷ niệm, chợt ùa về, khiến lòng bồi hồi xao xuyến. Nhưng… lữ khách như bừng tỉnh, bàng hoàng, xót xa cho thân phận lạc loài. Nhạc đột ngột chuyển từ âm giai trưởng sang thứ. “Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về. Đang khóc than trên đường não nề …” Ôi ! Quê nhà thật đã ngàn trùng xa …
“Trở Về Mái Nhà Xưa”, Nhạc Ernesto De Curtis, Lời Việt Phạm Duy – Giọng hát Lệ Thu (trước 1975)
***
”Trở Về Mái Nhà Xưa” cũng là tâm tưởng của hàng triệu người Việt tha hương – trong đó có Lê Văn Khoa. Nhạc sĩ đã hướng trái tim về mái nhà xưa qua tác phẩm viết cho đàn piano “On The Way Home” (tạm dịch: “Đường Về Quê”).
Nhưng, trái ngược với âm điệu trầm buồn của khúc hát từ vùng đất Naples, nhạc phẩm của Lê Văn Khoa bắt đầu ngay bằng chuỗi nhạc linh hoạt. Tiếng đàn piano tung tăng như vó ngựa đang rong ruổi trên đường về quê. Những nốt nhạc dồn dập, có khi như quấn vào nhau, như tâm trạng lữ khách với chập chùng cảm xúc.
Đột nhiên, nhạc chậm lại. Những nốt nhạc rời rạc như tâm hồn lãng đãng hồi tưởng về những ngày xưa yêu dấu. Mà, sao nghe như có chút gì đó nghi ngại, có chút gì đó xót xa…
Nhưng, bỗng chuyển hẳn qua một cung điệu khác. Những nốt nhạc tách rời, khi mạnh mẽ, khi nhẹ nhàng, khi như ngưng hẳn lại … Những nốt nhạc thật mong manh như ai đó đang rón rén từng bước, từng bước. Ai đó đang đứng lặng trước thềm nhà, buồn buồn, tủi tủi, dường có, dường không, như tỉnh, như mơ…
Và rồi, những nốt nhạc đột ngột bùng lên như tình cảm vỡ òa. Những nốt nhạc nối nhau liên tiếp, dồn dập như những vòng tay ôm chặt bờ vai. Cảnh trùng phùng đầy nước mắt nhưng sao ngọt ngào đầm ấm, thương yêu.
Không hiểu tại sao mắt tôi luôn đẫm lệ mỗi khi nghe On The Way Home. Một nhạc phẩm không xa vắng như Trở Về Mái Nhà Xưa, không não nề như Đêm Đông, cũng không bàng bạc như Bên Cầu Biên Giới. Phải chăng những nốt nhạc tuy không lời hát nhưng nói lên tâm tình kẻ xa quê?
Và, người nhạc sĩ, phải chăng, đã chất nhung nhớ trọn vẹn vào từng nốt nhạc, khiến vó câu nhẹ nhõm reo vui nhưng khiến lòng người nặng chĩu cảm thương.
Đọc thêm về Lê Văn Khoa tại website này.
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline minh họa.