Trần Thiện Khiêm, 95 tuổi, Qua đời

Robert D. McFadden | DCVOnline

Trong sáu năm, ông là chỉ huy thứ hai của Việt Nam Cộng Hòa, một bậc thầy về mưu đồ chính trị, người đã âm mưu tổ chức và ngăn chặn các cuộc đảo chính trước khi chạy trốn khi Công sản thắng vào năm 1975.

Trần Thiện Khiêm tại Washington vào tháng 12 năm 1964, khi ông là đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Là một sĩ quan chuyên nghiệp, ông là một thế lực giấu mặt trong suốt hai mươi năm người Mỹ tham gia vào Chiến tranh Việt Nam. Ảnh Harvey Georges/Associated Press

Một người đầy quyền lực ở miền Nam Việt Nam trước khi sụp đổ

Tướng Trần Thiện Khiêm, người chỉ huy thứ hai sau Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của miền Nam Việt Nam trong sáu năm cuối của Chiến tranh Việt Nam và chạy sang Hoa Kỳ ngay trước khi Sài Gòn thất thủ vào tay quân Cộng sản năm 1975, qua đời vào ngày 24 tháng 6. ở Santa Ana, Calif. Ông 95 tuổi.

Một đồng nghiệp thân cận của Tướng Khiêm, cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, đã xác nhận ông qua đời trong một viện dưỡng lão, nơi ông đang hồi phục sau khi bị ngã. Tướng Khiêm đã gần như biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng kể từ sau chiến tranh và đang sống ở San Jose.

Là một bậc thầy về mưu đồ chính trị, Tướng Khiêm là thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1969 cho đến những ngày tàn của chế độ, một sĩ quan quân đội chuyên nghiệp và là một người nắm quyền lực trong nhiều chục năm Mỹ tham chiến. Ông đã giúp tổ chức hoặc ngăn chặn một số cuộc đảo chính quân sự ở Việt Nam trong những năm 1960.

Với sự chấp thuận ngầm của Tổng thống John F. Kennedy và Cục Tình báo Trung ương Mỹ, Tướng Khiêm miễn cưỡng giúp dàn xếp cuộc đảo chính quân sự năm 1963 kết thúc bằng vụ ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm, một người chuyên quyền nhưng cũng là một người bạn cũ của ông và đã thất bại dù cố gắng không để ông bị giết như ông và chính quyền Kennedy mong đợi một cuộc đảo chính không đổ máu.

Tướng Khiêm, người có cách cư xử ra vẻ khiêm tốn, từng là đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ và Đài Loan trong bốn năm. Sau đó ông đã giữ vị trí kiểm soát cảnh sát; cơ quan anh ninh dân sự; một luc lượng phụ trách nội an gồm 1,5 triệu nhân viên; và một “chương trình bình định” của Mỹ-Việt Nam Cọng hòa nhằm thu phục “tim óc” của người dân sống trong các ấp được cho là do du kích địch kiểm soát.

Là cánh tay phải của Tổng thống Thiệu, Tướng Khiêm đã thẳng tay đàn áp các đối thủ của chế độ và gạt sang một bên về mặt chính trị những người ủng hộ đối thủ không đội trời chung của ông Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, một cựu tư lệnh không quân. Tướng Khiêm là người thực thi chính sách cứng rắn nhất của chính phủ và là con cưng của Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Năm 1969, ông được Tổng thống Thiệu, một cựu tướng, một người bạn thân khác của ông, khen thưởng với hai lần thăng cấp — vào tháng Ba lên Phó Thủ tướng, và vào tháng Tám lên Thủ tướng. Là một tướng bốn sao, ông cũng là sĩ quan quân đội cấp cao nhất của đất nước.

Việc ông được bổ nhiệm làm thủ tướng đã đưa một quân nhân khác vào tam đầu chế quân đội cầm quyền, một chế độ quân đội cai trị dùng dân sự như tấm bình phong, và củng cố sức đề kháng của Sài Gòn trước bất kỳ sự đàm phán hòa bình nào.

Thủ tướng Khiêm, bên phải, với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ở giữa, tại Sài Gòn vào tháng 9 năm 1970. Bên phải TT Thiệu là chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Lương (1967-1971). Thủ tướng Khiêm là cánh tay phải của Tổng thống Thiệu, ông đã lãnh đạo một cuộc đàn áp đối với các đối thủ của chế độ. Ảnh: Bettmann, via Getty Images

Trong vài năm tiếp theo, Hoa Kỳ, dưới áp lực phản chiến tại Mỹ, bắt đầu rút quân và viện trợ tài chính khỏi miền Nam Việt Nam. Bắc Việt nói rằng họ sẽ không bao giờ đàm phán với chế độ Thiệu, và Miền Nam ngày càng mất chỗ dựa trong cuộc chiến. Nhưng ông Khiêm sôi nổi đã ở bên cạnh ông Thiệu để chào đón giới chức Mỹ đến thăm như Tổng thống Richard M. Nixon và các thành viên trong nội các của ông.

Khi nạn tham nhũng phát triển mạnh ở miền Nam Việt Nam, ông Khiêm đã đưa họ hàng vào những công việc béo bở trong cơ quan hành chính dân sự. Như giới điều tra và báo chí Mỹ đưa tin, ông đã bổ nhiệm hai anh vào các cơ quan trách nhiệm về quan thuế để họ kiếm lợi từ việc buôn lậu ma túy và các loại hàng lậu khác tại sân bay Tân Sơn Nhứt của Sài Gòn và các hải cảng ở Miền Nam[1]. Một người em rể trở thành Đô trưởng Sài Gòn[2]; một người bà con khác trở thành giám đốc cảnh sát quốc gia[3].

Khi lạm phát tăng cao, ông Khiêm đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng về kinh tế và các nỗ lực bình định lớn hơn. Năm 1971, ôngkhẳng định rằng 90 phần trăm dân số đang sống trong tình trạng an ninh tương đối. Nhưng trong vòng một năm, đối diện với sự phản kháng ngày càng tăng của dân chúng, chính phủ đã bãi bỏ hầu hết các cuộc bầu cử và nói rằng giới chức địa phương, từ lãnh đạo tỉnh đến trưởng ấp, sẽ được chế độ bổ nhiệm.

Đến năm 1973, các vấn đề lớn hơn đã xuất hiện. Một hiệp định hòa bình đã được ký kết tại Paris giữa Bắc Việt, Hoa Kỳ và, một cách miễn cưỡng, Tổng thống Thiệu, người coi hiệp định này là sự phản bội của Hoa Kỳ đối với lời hứa viện trợ của họ. Sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến đã kết thúc. Nhưng sau khi ngừng bắn, giao tranh giữa Bắc và Nam lại tiếp tục. Ông Thiệu bám quyền dù đã giao nhiều nhiệm vụ cho ông Khiêm vào năm 1974.

Bắc Việt chuẩn bị cho một cuộc tấn công xâm lăng cuối cùng vào miền Nam. Họ bắt đầu vào đầu năm 1975. Đến cuối tháng 3, quân đội VNCH vượt trội quân cộng sản về số lượng nhưng đã mất tinh thần hoặc đã rút lui hoặc đã đầu hàng. Quân xâm lược tràn ngập hầu hết miền Nam và tiếng về Sài Gòn.

Trong bài phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình ngày 2 tháng 4 năm 1975, ông Khiêm nói với quốc dân:

“Trong hai tuần qua, chúng ta đã bị thương vong nặng nề chỉ vì chúng ta mất tự chủ và không giữ trật tự. Tôi khẳng định quyết tâm của chính phủ trong việc bảo vệ phần lãnh thổ còn lại của miền Nam Việt Nam và cuối cùng sẽ chiếm lại toàn bộ lãnh thổ gần đây đã mất vào tay Cộng sản.”

Nhưng hai ngày sau, ông Thiệu thông báo rằng ông Khiêm đã bị sa thải. Ông Khiêm biến mất vào một thành phố nhường chỗ cho sự hoảng hốt và hỗn loạn khi người dân tranh nhau rời bỏ Việt Nam. Ông Thiệu từ chức vào ngày 21 tháng 4, dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng 9 ngày sau đó, khi giới chức Mỹ và Việt Nam cuối cùng được di tản và xe tăng Bắc Việt Nam lăn bánh vào thành phố.

Không rõ ông Khiêm trốn thoát bằng cách nào[4], nhưng nhiều viên chức chính phủ và quân đội, nhà ngoại giao, nhà báo và thường dân quan trọng đã được vận chuyển từ Sài Gòn lên hàng không mẫu hạm Mỹ ở Biển Đông hoặc bay đến các căn cứ của đồng minh ở Đông Nam Á.

Sau khi dừng chân ở Đài Loan, ông Khiêm đến Hoa Kỳ, một trong những người giàu nhất trong số 200.000 người Việt tị nạn. Tờ Chicago Tribune viết vào năm 1979,

“Khiêm, người sẽ không bao giờ phải làm việc nữa, sống với vợ trong một ngôi nhà sang trọng ở ngoại ô Virginia, và họ có một ngôi nhà thứ hai ở miền nam nước Pháp.”

Sau đó, ông dọn nhà từ McLean, Va., đến California. Cựu Tổng thống Thiệu định cư tại Luân Đôn, Boston và Pháp. Cựu Phó Tổng thống Kỳ điều hành một cửa hàng rượu ở Newark, California.

Tướng Khiêm, thứ hai từ phải trên khán đài, là Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa khi ông gặp giới chức Mỹ tại Sài Gòn vào tháng 3 năm 1964. Đứng với ông từ trái là Tướng Maxwell D. Taylor, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân; Bộ trưởng Quốc phòng Robert F. McNamara; và Henry Cabot Lodge, đại sứ Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam. Ảnh: Associated Press

Trần Thiện Khiêm sinh ngày 15 tháng 12 năm 1925, tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Ông là một trong 12 người con của Trần Thành và Địch Võ, chủ ruộng ở Long An, một tỉnh ngay phía nam Sài Gòn. Mặc dù cha mẹ ông là Phật tử, ông đã tốt nghiệp một trường trung học Công giáo La Mã ở Sài Gòn và sau đó nói với một người phỏng vấn rằng ông “đã bị cuốn hút vào Công giáo từ khi còn nhỏ.”

Ông lớn lên khi Việt Nam bị người Pháp đô hộ vào thế kỷ 19 và bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Sau cuộc chiến đó, khi Hồ Chí Minh đòi độc lập theo chủ nghĩa Mác cho Việt Nam và Pháp cố gắng khẳng định lại chính quyền thực dân của mình, ông Khiêm đã theo học[5] tại nơi sẽ trở thành Trường Võ Bị Quốc gia tại Đà Lạt.

Năm 1948, ông trở thành thiếu úy trong Quân đội Việt Nam chiến đấu bên cạnh lực lượng Pháp chống lại Việt Minh của Hồ Chí Minh trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Ông được phong là thiếu tá vào năm 1954 trong trận Điện Biên Phủ, thất bại của quân Pháp, kết thúc chiến tranh và dẫn đến hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam thành một nước Cộng sản miền Bắc và một nước Cộng hòa miền Nam. Năm 1957 và 1958, mang cấp bậc đại tá, ông Khiêm theo học tại trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu ở Leavenworth, Kan.

Ông kết hôn với bà Đinh Thùy Yến năm 1950, và họ có một con gái. Người vợ đầu tiên của ông mất năm 2004, và năm 2005 ông kết hôn với Ann Chastain, ở Eureka, Calif. Họ đã ly hôn vào năm 2012. Ông còn sống với con gái của mình, Yên Khánh, và một người con nuôi, Trần Khẩn, cùng như một cháu gái (gọi bằng ông).

Cuối những năm 1950 và đầu những năm 60 là thời kỳ cai trị chuyên quyền và độc tài của tổng thống Ngô Đình Diệm, thiên vị người Công giáo ở nhiều tầng lớp xã hội; tổrng thống Diệm được người Mỹ ủng hộ tại miền Nam Việt Nam, phần lớn là người Phật giáo. Việc ông từ chối không tổ chức bầu cử vào năm 1956 (theo hiệp định Geneva 1974) là một yếu tố hàng đầu dẫn đến Chiến tranh Việt Nam. Năm 1960, Đại tá Khiêm dẹp tan cuộc đảo chính chống lại ông Diệm, cha đỡ đầu của ông, và được thăng cấp tướng.

Nhưng vào năm 1963, trong sự kiện mà chính quyền Kennedy và Tướng Khiêm dự tính ​​là một cuộc đảo chính bất bạo động, các âm mưu quân sự khác của Việt Nam đã dàn xếp để Tổng thống Diệm bị lật đổ và bị bắn chết trong một chiếc xe bọc thép trên đường đến sân bay và một cuộc sống lưu vong ở nước ngoài.

Trong những âm mưu sau vụ ám sát, những chính phủ quân đội ngắn ngủi đã kết thúc bằng những cuộc đảo chính. Tướng Khiêm có một thời gian ngắn tham gia chính phủ quân đội cầm quyền trước khi bị đưa đi lưu vong chính trị với tư cách đại sứ tại Hoa Kỳ vào năm 1964. Từ Washington, ông đã âm mưu với các tướng lĩnh ở Sài Gòn để giành chính quyền. Nhưng vào ngày có kế hoạch đảo chính, ông quên đặt đồng hồ báo thức và ngủ quên. Cuộc đảo chính diễn ra mà không có ông và đã thất bại.

Năm 1965, một chính quyền quan nhân khác, có cả Tướng Thiệu và Tướng Kỳ, bổ nhiệm ông Khiêm làm đại sứ tại Đài Loan. Ông được đưa trở lại Sài Gòn năm 1968 và cam kết trung thành với Tổng thống Thiệu mới đắc cử. Một năm sau, ông được bổ nhiệm làm thủ tướng và ông đã giữ chức vụ quyền lực đó cho đến những ngày cuối cùng của chế độ.

Tướng Khiêm sống yên tĩnh trong thời kỳ hưu trí tại San Jose, cùng với một số cựu sĩ quan cao cấp khác của Nam Việt Nam. (Cuối cùng ông ấy đã được rửa tội trở thành một người Công giáo ở đó vào năm 2018.)

Cộng đồng người Việt hải ngoại tại Hoa Kỳ chia rẽ thanh nhiều mảnh, với các cựu sĩ quan giữ khuynh hướng chống Cộng kiên định nhất. Tướng Khiêm tránh tranh cãi bằng cách giữ thái độ khiêm tốn và hầu như không trả lời phỏng vấn.

Tác giả | Robert D. McFadden (19377-) là một cây bút thâm niên viết mục Cáo phó và đã đoạt giải Pulitzer năm 1996 mục tin tức thời sự. Ông làm việc với New York Times từ tháng 5 năm 1961 và cũng là đồng tác giả của hai cuốn sách.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn:  Tran Thien Khiem, 95, Dies; a Power in South Vietnam Before Its Fall | Robert D. McFadden | TNYT| July 2, 2021. Seth Mydans góp phần viết bản tin. Chú thích của DCVOnline.

[1] Trần Thiện Khởi, sinh năm 1918 tại Sài Gòn. Nguyên là Tổng Giám đốc Quan thuế Việt Nam Cộng hòa và Trần Thiện Phương, sinh năm 1920 tại Sài Gòn, tốt nghiệp trường Võ bị Địa phương Nam Việt Vũng Tàu. Nguyên là Đại tá Giám đốc Thương cảng Sài Gòn. Giải ngũ năm 1970.
[2] Đại tá Đỗ Kiến Nhiễu (1931-1996).
[3] Người bà con của bà Trần Thiện Khiêm (Đinh Thùy Yến, 1934-2004) là tướng Trần Thanh Phong làm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia.
[4] Ông đã cùng với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi Việt Nam vào chiều tối ngày 25 tháng 4 năm 1975 để đến Đài Loan và sau đó sang Mỹ.
[5] Khóa đầu tiên ở trường Võ bị Liên quân Viễn Đông do Quân đội Thuộc địa Pháp thành lập