Về một thứ chủ nghĩa dân tộc sô vanh (2b)

Nguyễn Văn Lục

rongTrong một cuốn sách mỏng nhan đề Un village de la Chine populaire, (Một làng thời chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Một gia đình nông dân, có 11 người con, ở một làng có tên là Henghan. Những đứa trẻ trong gia đình cứ lần lượt chết hết từ lúc 7–8 tuổi vì đói khát và bệnh tật.

(Tiếp theo phần 2a)

Khi có được một mảnh đất nhỏ để trồng trọt. Người cha đã dặn con là:

“Sois reconnaissant envers les communistes. Sans eux, tu n’aurais jamais eu cette terre.”(21)

Con phải biết nhớ ơn người cộng sản. Nếu không có họ, mày sẽ không bao giờ có được mảnh đất này.

Lịch sử dân tộc là lịch sử đảng. Công trạng là đảng. Phải nhớ ơn bác Hồ, nhớ ơn đảng ta mới có ngày hôm nay.

Vì thế, sách vở, tài liệu từ Nguyễn Khắc Viện đến Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Trần Thanh Mại, Văn Tân đều nói chung một thứ tiếng. Những người như Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh cũng cố gắng bỏ tiếng người để bập bẹ tiếng Đảng.

Mấy người dám nói lên tiếng người như một Văn Cao:

Giữa sự sống và sự chết
Tôi chọn sự sống
Để bảo vệ sự sống
Tôi chọn sự chết”

Chọn (26/8/1957)(22)

Trong các số Tập san Văn Sử Địa miền Bắc, Trần Huy Liệu và Tố Hữu là những người đi hàng đầu trong việc truy chụp đánh phá các nhà văn nhà báo phản động.(22)

Tôi chỉ xin đưa ra đây một bài tiêu biểu của Trần Huy Liệu đánh nhà sử học Trần Trọng Kim nhan đề “Bóc trần quan điểm thực dân và phong kiến trong quyển: Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim”.(24)

Trong phần này của bài viết, chúng tôi xin đưa ra một thông tin liên quan đến sử học giữa hai miền Nam–Bắc.

Một trong những đề tài được cả hai miền Nam và Bắc quan tâm nhiều hơn cả là Giai đoạn Nhà Tây Sơn. Trong 29 số báo, Tập san sử địa miền Nam, đã dành ra ba số về chủ đề Nhà Tây Sơn. Cả ba số đều có sự hưởng ứng của một số cây viết có uy tín như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Chí Đại Trường, Đặng Phương Nghi, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Toại, Lý Văn Hùng, Phan Khoang, Hồ Hữu Tường, Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, v.v.(25)

Ở ngoài Bắc, cũng có một số bài viết đề cao vai trò Tây Sơn như, Tìm hiểu thiên tài Tây Sơn của Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng dựa trên sử Tầu trong cuốn Quân Doanh Kỷ lược. Văn Tân với Nguyễn Huệ, con người và sự nghiệp.
Thật chưa có khi nào hai chiến tuyến Nam–Bắc lại có một sự đồng thuận như thế!

Tuy nhiên, ngày nay có điều kiện nhìn lại thì sự thể có thể không đơn giản như vậy. Ông Nguyễn Nhã, người trách nhiệm chủ nhiệm Tập San Sử Địa miền Nam. Thoạt đầu vai trò chủ nhiệm được trao cho giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ nhưng ông này đã bị chính quyền miền Nam trao trả cho miền Bắc. Từ đó, Nguyễn Nhã lên thay thế và đến sau 1975, ông Nhã xác nhận có liên hệ với cộng sản. (Xin xem chi tiết ở đoạn sau)

Phải chăng vì thế Tập San Sử Địa của miền Nam đã ra được ba số chủ đề về Quang Trung theo chỉ thị của ngoài Bắc?

Tuy nhiên, trong số giáo sư Sử Địa miền Nam lúc bấy giờ, có trường hợp giáo sư Nguyễn Phương, tốt nghiệp ở Mỹ về và giảng dạy tại Đại học Huế. Ông đã không được nhắc nhở tới và cũng không được giới sử học miền Nam đánh giá đúng mức. Các biên khảo về sử của ông chỉ được đăng một bài trong các số đầu tiên của Tập san Sử Địa.

Nguyễn Phương – một nhà sử học bị bỏ quên

Để mở đầu cho phần tìm hiểu một số nan đề lịch sử do giáo sư Nguyễn Phương đề ra và trở thành đối tượng phê phán của các sử gia Hà Nội, cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi xin được trích dẫn hai sử gia người Mỹ nhận định về giáo sư Nguyễn Phương như thế nào.

Một là Lê Minh Khải. Trong phần trả lời dưới bài “Localizing the Nation in Early Twentieth Century Vietnam”, 2011, Lê Minh Khải viết:

Nguyễn Phương tại St-John's islan, Singapore (Thờii tị nạn cộng sản sau 1975). Nguồn LMK
Nguyễn Phương tại St-John’s island, Singapore (Thời tị nạn cộng sản sau 1975). Nguồn LMK

“I think the biggest moments were the early 20th century and the 1960s. The early 20th century is when Western ideas were adopted. In the 1960s, the scholarship which was created to serve the American War had an enormous impact and is what people are still living with. If it wasn’t for the War, for instance, I doubt that we would have Hung Vuong today. There were scholars in the South, like Nguyen Phuong, who didn’t believe in them, and people like Dao Duy Anh doubted this too, but during the War the government in the North needed “proof” that Vietnam had been a nation since the beginning of time so that people would be inspired to fight to defend it.”(26)

“Tôi nghĩ rằng giai đoạn quan trọng nhất là đầu thế kỷ thứ 20 và những năm 1960. Đầu thế kỷ thứ 20 là khi những tư tưởng phương Tây được tiếp nhận [ở Việt Nam]. Trong những năm 1960, học thuật [lịch sử] được kiến tạo để phục vụ chiến tranh [chống] Mỹ đã gây ảnh hưởng to lớn và vẫn là những gì người ta còn tin vào. Ví dụ, nếu không có chiến tranh, tôi ngờ rằng Hùng Vương còn có thể tồn tại đến ngày nay. Có những học giả miền Nam, như Nguyễn Phương, không tin vào thuyết vua Hùng, và những người như Đào Duy Anh cũng nghi ngờ, nhưng trong suốt cuộc chiến, chính quyền miền Bắc cần “bằng chứng” Việt Nam đã là một quốc gia từ thời thượng cổ để người dân nức lòng chiến đấu bảo vệ tổ quốc.”

Đến 2013, Lê Minh Khải lại một lần nữa viết về Nguyễn Phương, Lần này ông viết về một công trình sử học bị thất lạc của Nguyễn Phương. Trong bài “Nguyễn Phương’s Lost History”(27), Le Minh Khải viết,

Nguồn: Nguyễn Phương
Nguồn: Nguyễn Phương

“Nguyễn Phương đã xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Việt ở Huế trong những năm 1960 tựa là “Việt Nam thời khai sinh” [Vietnam at the Time of its Birth] (Huế: Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế, 1965).
[…]
Hơn mười năm sau khi xuất bản công trình đó, Nguyễn  Phương viết một cuốn sách với chủ đề tương tự bằng tiếng Anh tựa là “Cổ sử Việt Nam: một nghiên cứu mới” (“The Ancient History of Việt-Nam: A New Study”). Tuy nhiên, tác phẩm này này chưa bao giờ được xuất bản.
[…]
“Cổ sử Việt Nam” khá khác với “Việt Nam thời khai sinh”. Công trình sau sau không chỉ là là bản dịch sang tiếng Anh của tác phẩm trước.

Tuy nhiên, lập luận chính [của hai cuốn sách] giống nhau – rằng “thực dân Trung Hoa” đã sinh sôi nảy nở và qua mặt “người bản xứ” hay thổ dân và đến thế kỷ thứ 10 sau dương lịch, đã trở thành người Việt Nam.”

Lê Minh Khải là bút danh viết blog SEAsian History của Liam Christopher Kelley, giáo sư Khoa sử, Đại học Hawaii tại Manoa.

Hai là Keith Weller Taylor. Trong Bình luận của Taylor(28) về bài ““Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại” của Liam Kelley do Hoa Quốc Văn dịch(29), Taylor viết:

“Một người có liên quan đến sự thảo luận này bị bỏ quên là Nguyễn Phương (1921 – 1982), một vị linh mục và học giả vốn là giáo sư về lịch sử của Trường Đại học Huế và là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo ở thập kỉ 1950s – 1960s. Điều đáng ngạc nhiên nhưng là sự thật là tôi chưa bao giờ nghe nói đến ông cho đến gần 20 năm sau khi ông mất. Tôi đã học hỏi và nhận ra rằng sự diễn giải của ông về lịch sử Việt Nam thời cổ đúng hơn những gì tôi viết trong cuốn sách năm 1983 của mình(*). Nguyễn Phương viết đầy đủ chi tiết về cùng các vấn đề đã chiếm sự quan tâm của Kelley, và nếu tác phẩm của ông được biết nhiều hơn ngày hôm nay, tiểu luận của Kelley hẳn đã có một tiền lệ, bởi ông về cơ bản đã đưa ra những lập luận giống với Kelley.”

K.W. Taylor là Giáo sư Khoa Châu Á học ở Đại học Cornell.

Sự nhìn nhận công khai về sự thiếu sót kiến thức sử học này của giáo sư Taylor đáng là một tấm gương cho những người đang viết sử.

Viết sai, 30 năm ngồi viết lại. Một thái độ trí thức đáng nể.

Trong số những bài viết của giáo sư Nguyễn Phương, có hai đề tài gây sôi nổi và tranh cãi chẳng những đối với giới viết sử trong Nam và cả ngoài Bắc.

Đề tài thứ nhất, ông đặt nghi vấn về sự hiện hữu của 18 đời Hùng Vương vốn được coi như tổ tiên và nguồn gốc lịch sử 4000 năm của dân tộc Việt Nam. Trong đó có bài tham luận của ông nhan đề Tiền sử và lịch sử Lạc Việt, đăng trên Tập San Đại Học Huế năm 1964.

Trong đó, ông nhìn nhận những khám phá khai quật ra các di tich đồ dùng ở Đông Sơn là quan trọng. Nhưng nó mới chỉ là sự kiện. Nhưng điều quan trọng là giải thích được các sự kiện đó. Và ông kết luận:

“Chúng ta cũng không khỏi ghi nhận rằng, nếu người Đông Sơn (chỉ về cả nền văn minh Đông Sơn) đã cao bay xa chạy về mặt nghệ thuật, họ còn có thể rất bán khai về mặt văn hóa. Họ còn ở truồng, họ chỉ mới biết đóng khố, chỉ có cái mũ của họ là vĩ đại. Phải chăng, họ là điển hình cho hiện tượng những dân ‘mình ở lỗ, cổ đeo hoa?’

Hiện tượng đó, thiết tưởng không lạ gì với đối với một giống người như người thuộc văn minh Đông Sơn, vì ngày nay vẫn còn gặp được những thứ người như thế.

Những kiến thức tổng quát này sẽ được đào sâu trong phần sau về ý nghĩa của văn minh Đông Sơn.”(30)

Vào năm 1965, ông lại tiếp tục khai triển đề tài này và đã dành hẳn một cuốn sách nhan đề:, Việt Nam Thời Khai sinh.(31) Công trình sưu khảo này do tổ chức Văn Hóa Á Châu tài trợ.

Theo tôi hiểu ý của tác giả Nguyễn Phương, thời khai sinh của lịch sử Việt Nam là L’Ombre d’un doute, thời của bóng tối lịch sử với nhiều huyền thoại, hư ảo. Giáo sư Nguyễn Phương đã có can đảm đi tìm một hừng đông sử Việt – trong cái tranh tối, tranh sáng mà phần chắc chắn là một nguồn gốc bất minh – trong sự ngờ vực cần đươc giải mã. Trong đó, ông dành chương đầu trong cuốn “Việt Nam thời khai sinh” để đi tìm những người sống đầu tiên trên đất Việt. 4, 5 chương sau, ông dành tìm hiểu Tiền sử và Lịch sử Lạc Việt.

Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Phương còn có hai bài quan trọng là Những sai lầm của Đại Việt Sử ký Toàn thư, năm 1962. Và bài Phương pháp sử của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên, số 30, năm 1962 cũng đăng trên tập san Đại Học Huế.
Hai bài sưu khảo này củng cố thêm cho quan điểm sử học của ông về thời kỳ tiền sử – một giai đoạn bất minh – cần được nhìn lại.

Thao thức về thời Tiền sử Việt nên sau 1975, ở Hải Ngoại ông lại có dịp đề cập đến vấn đề này một lần nữa viết bằng tiếng Mỹ trong “The ancient History of Việt-Nam – A New Study” (1976).(32)

Nguồn: Nguyễn Phương
Nguồn: Nguyễn Phương

Trong chương hai của tập tài liệu này, ông đề cập đến The dynasty of Hong Bang: a series of tales poorly connected. Trong phần này, ông cho rằng Ngô Sĩ Liên không phải là người đầu tiên nói về Hùng Vương. (Một tác giả vô danh trong Việt Sử Lược vào năm 1377 đã nói xa gần đến thời kỳ trước Triệu Đà).

Nhưng ông khẳng định: “But to tell the story of Hung Vương as they were in the tales, Ngo si Lien had no precedent.”

Quan điểm này đặt gánh nặng lịch sử trách nhiệm lên sử gia Ngô Sĩ Liên về thời Hùng Vương – ở một giai đoạn lịch sử mà Việt Nam chưa có những bằng cớ khách quan về sự khai quật được các dụng cụ thời đồ đá đã tinh xảo đã có đẽo, gọt, bào nhẫn, trước thời kỳ đồ đồng còn sơ khai của khoa Khảo cổ học.

Sử gia Ngô Sĩ Liên dựa trên sự kiện sử nào để xác minh 18 đời Hùng Vương kéo dài trên 2000 năm lịch sử?

Và sau đó, ông cho rằng Hà Nội đã xử dụng tài liệu của Ngô Sĩ Liên và gọi đó là Epoch of Hùng Vương. Ông viết:

“Recently, the social scientists of North Vietnam professed the same belief. Publications like epoch of Hung Vuong, establishment of the nation by Hung Vuong, and History of Vietnam are obviously intended to instill more deeply in the minds of the Vietnamese the idea of a national distant past.”

Và ông đã đưa ra một kết luận chắc nịch khỏi cần bàn cãi.

“But history has a way to express itself. Historical truth cannot bear pressure, from whatsoever source this pressure might come.”

Nhưng lịch sử có một cách để tự biểu lộ. Sự thật lịch sử không chịu áp lực, bất kể nguồn áp lực từ đâu đến.”

Có một sự thật lịch sử của nhà sử học. Và cũng có một sự thật lịch sử của người làm chính trị – của người cộng sản. Nhưng sử học có cái cách để trình bày sử học của chính nó mà không có thể bị chi phối vì bất cứ áp lực nào.

Đề tài thứ hai, ông đặt ra câu hỏi: Ai là người có công thống nhất đất nước. Tây Sơn Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh, Gia Long. Và sự chọn lựa của ông là công ấy là của Nguyễn Ánh Gia Long.

Chính thức nhan đề bài viết là Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? Và tác giả đã kết luận rằng “Nguyễn Ánh đã hoàn thành công việc thống nhất.”

Nội dung bài viết nhằm phê phán những người đi trước về vấn đề thống nhất Việt Nam. Trong đó, tác giả có nêu trường hợp ông Văn Tân, viết trong tập san Nghiên cứu lịch sử, xuất bản tại Hà Nội. Ông Văn Tân chủ trương rằng người đã thống nhất Việt Nam, không phải Nguyễn Ánh mà Nguyễn Huệ.

Sau khi đọc bài của giáo sư Nguyễn Phương, ông Văn Tân đã mau mắn có bài trả lời lấy cùng nhan đề và thêm dòng Trả lời cho ông Nguyễn Phương, báo Bách Khoa Saigon: Văn Tân, “Ai đã thống nhất Việt nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? Trả lời cho ông Nguyễn Phương, Bách khoa Sài gòn”, Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, số tháng 9 năm 1959.

Bài Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh? sau đó đã đăng trên Bách Khoa các số 148, 149, tháng 3, 1963.

Bài Nguyễn Phương trả lời cho Văn Tân về vấn đề ai thống nhất Việt Nam tựa đề, “Chung quanh vấn đề: Ai đã thống nhất Việt Nam: Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh?” đến hơn 4 năm sau, kể từ tháng 9, 1959, mới đăng trên Tạp chí Đại Học số 35-36, Tháng 10 & 12, năm 1963.

Nguồn: TC Đại Học
Nguồn: TC Đại Học
Nguồn: TC Đại Học
Nguồn: TC Đại Học

Đề tài này – măc dù tầm cỡ nhỏ hơn – nhưng nó đã gây ra tranh luận cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, liên hệ cả đến việc cầm bút của ông.

Thoạt đầu, linh mục Thanh Lãng, chủ tịch Hội Văn Bút lên tiếng chính thức trên tờ Đại Học với bài: Nhận định một việc suy tôn và hạ bệ.(33)13 Bài báo của Thanh Lãng thật ra chỉ nhằm đáp lại một bài viết trên Sáng Tạo số 20, tháng 5, 1958, trang 29-30, trong đó tác giả trên tờ Sáng Tạo đã phủ nhận toàn bộ Nam Phong của Phạm Quỳnh.

Thanh Lãng chỉ muốn nhấn mạnh việc cần tách biệt lãnh vực chính trị ra khỏi Văn Học.

Bài của Phạm Việt Tuyền với nhan đề Một vài ý kiến về sự nghiệp Gia Long,(34)14 tiếp ngay sau đó là bài của Bửu Kế, Đám tang vua Gia Long.

Riêng giáo sư Nguyễn Phương đã có các bài sau, Những bước đầu của anh em Tây Sơn, Tây Sơn lấy Nam Hà, v.v. cũng đăng trên tập san Đại Học.

Ở đề tài thứ hai, theo tôi, giáo sư Nguyễn Phương đã đụng đầu với cả Tập san Sử Địa cả miền Nam và miền Bắc.

Hãy đọc trả lời của Nguyễn Nhã, Chủ nhiệm Tập San Sử Địa 29 số (22 tập), phát hành từ năm 1966 cho tới 1975, với Tạp chí Xưa và Nay năm 1997.(35)

Trong mục Lá Thư Tòa soạn số 21 (tháng 1-3 năm 1971), Nguyễn Nhã viết,

“Năm năm đã qua, sự đóng góp của TSSĐ chưa có là bao so với sự mong đợi của mọi người, cũng như đối với những người chủ trương tập san này. Dù sao, tuy hoàn cảnh khó khăn của đất nước, chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn tài liệu, thiếu tài chính, thiếu nhân sự (chỉ có 3 người thường trực), rất ít khích lệ…TSSĐ đã nói lên lòng yêu mến sử học cũng như địa lý nước nhà. Sử địa đã gióng tiếng chuông thúc dục Đại học Việt Nam sớm làm tròn nhiệm vụ phát triển văn hóa dân tộc.”

Nguyễn Nhã dường như cũng rất hãnh diện vì những nhận xét của cán bộ cộng sản lãnh đạo Tp HCM sau năm 1975 về TSSĐ.

“Chúng ta còn sử dụng khả năng hoạt động công khai, hợp pháp đưa nội dung tiến bộ và cách mạng vào các tờ báo Tia Sáng, Tiếng Nói Dân Tộc, Đất Tổ, và các tạp chí đối diện, TSSĐ.”– Lê Quang Chánh Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp HCM , 10/10/1982.

“Một số nhà nghiên cứu khoa học đã có đóng góp quan trọng: Dịch thuật các tư liệu lịch sử, xuất bản TSSĐ, các công trình đề cao tự hào về văn hóa dân tộc…” – Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy Tp HCM viêt trong cuốn “Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm”.

Và đặc biêt Nguyễn Nhã “rất tâm đắc ba số đặc khảo dành cho Nguyễn Huệ (số 9 và số 10 “Quang Trung”, số 13 “Chiến thắng Đống Đa”, số 21 “200 năm phong trào Tây Sơn”)

Số 21 - Tháng 1, 2, 3 - 1971[sửa | sửa mã nguồn] 200 năm phong trào Tây Sơn Lá thư tòa soạn Phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc với tập "Lữ Trung Ngâm" - Hoàng Xuân Hãn Công chúa Ngọc Hân Bắc Cung Hoàng Hậu triều Quang Trung - Nhất Thanh Cuộc khởi dấy và chiến tranh của Tây Sơn - Phù Lang Trương Bá Phát Việc mất đất sáu châu Hưng Hóa - Nguyễn Toại Thái độ "kẻ sĩ" triều Quang Trung - Nguyễn Đăng Thục Kẻ sĩ đời Lê mạt (Giai đoạn Tây Sơn đánh Bắc Hà) - Phạm Văn Sơn Nguồn động lực Nam Tiến với vùng đất Tây Sơn - Lý Văn Hùng Chuyện còn truyền lại từ khi nhà Nguyễn Tây Sơn mất ngôi - Thúy Sơn Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt của giáo sĩ Tây Phương - Nguyễn Ngọc Cư Sử học Tây phương sau Đệ nhị Thế chiến - Hoàng Ngọc Thành Giới thiệu sách báo. Nguồn: OntheNet
Số 21 – Tháng 1, 2, 3 – 1971. 200 năm phong trào Tây Sơn Lá thư tòa soạn Phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc với tập “Lữ Trung Ngâm” – Hoàng Xuân Hãn Công chúa Ngọc Hân Bắc Cung Hoàng Hậu triều Quang Trung – Nhất Thanh Cuộc khởi dấy và chiến tranh của Tây Sơn – Phù Lang Trương Bá Phát Việc mất đất sáu châu Hưng Hóa – Nguyễn Toại Thái độ “kẻ sĩ” triều Quang Trung – Nguyễn Đăng Thục Kẻ sĩ đời Lê mạt (Giai đoạn Tây Sơn đánh Bắc Hà) – Phạm Văn Sơn Nguồn động lực Nam Tiến với vùng đất Tây Sơn – Lý Văn Hùng Chuyện còn truyền lại từ khi nhà Nguyễn Tây Sơn mất ngôi – Thúy Sơn Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt của giáo sĩ Tây Phương – Nguyễn Ngọc Cư Sử học Tây phương sau Đệ nhị Thế chiến – Hoàng Ngọc Thành Giới thiệu sách báo. Nguồn: OntheNet
Tập san Sử địa do Nguyễn Nhã chủ trương đã trả lời gián tiếp giáo sư Nguyễn Phương bằng ba số đặc biệt về Quang Trung như trên?

Tuy nhiên, câu hỏi then chốt ai là người có công thống nhất đất nước đã không được đặt ra và trả lời trong số kỷ niệm 200 năm Tây Sơn. Sự tránh né ấy mang ý nghĩa gì? Và đến ngày hôm nay thì câu trả lời xem ra không còn có gì khó khăn với bất cứ ai muốn có câu trả lời dứt khoát.

Nếu đúng như những gì Nguyễn Nhã khoe khoang thì không biết hằng trăm tác giả có uy tín, có lý tưởng, có lập trường chính trị đứng đắn đã cộng tác với TSSĐ suốt 9 năm, 1966-1975, sẽ nghĩ gì khi Nguyễn Nhã hãnh diện vì được cán bộ cộng sản khen và cho rằng họ đã “sử dụng khả năng hoạt động công khai, hợp pháp đưa nội dung tiến bộ và cách mạng vào … Tập san Sử địa” đồng thời quẳng TSSĐ vào cùng rọ với những tờ báo như Tia Sáng, Tiếng Nói Dân Tộc, Đất Tổ, và tạp chí Đối Diện!

Vấn đề còn lại cho người Việt hải ngoại là đằng sau khung cửa hẹp, chúng ta cần thức tỉnh để đừng bị cộng sản sỏ mũi thêm một lần nữa!

Đối với Hà Nội, họ căn cứ trên hai sử liệu của Tầu là Quân Doanh Kỉ LượcThánh Vũ Ký để viết bài. Xét về mặt tài liệu thì như thế là quá yếu, vì không có điều kiện xử dụng nguồn tài liệu ngoại quốc như Các Lá thư thừa sai Ba Lê, vốn là những nhân chứng tại chỗ. Mặc dầu các thừa sai có thiên về Nguyễn Ánh Gia Long. Nhưng thật ra, nhiều điều họ biết được là do giáo dân kể lại. Chính giáo dân hay nông dân đã không đứng về phe Tây Sơn và họ còn oán hận binh lính Tây Sơn đi đến đâu thì vơ vét của cải, hà hiếp dân chúng. Các thừa sai chắc cũng chẳng có lý do gì phải viết bịa ra, bôi nhọ thêm cho Tây Sơn cả.

Tôi định sẽ trích dẫn quan điểm của giáo sư Nguyễn Phương và ông Văn Tân. Nhưng suy nghĩ lại, tôi cho là một công việc làm tốn công sức một cách vô ích.

Giáo sư Nguyễn Phương cùng với học trò của ông, ông Nguyễn Đức Cung, đều dựa trên những bằng chứng sử học để trình bày một nghi án sử. Phần ông Văn Tân, dựa trên quan điểm chính tri áp đặt để viết sử mà mục đích dùng sử học như một công cụ phục vụ chính trị.

Như vậy, tốt hơn hết là không nên rơi vào trò chơi chính trị của miền Bắc. Chấm dứt tranh cãi.

Đôi dòng kết luận

Tôi xin được phép dừng bài viết ở đây và xin tiếp tục trong chuỗi suy nghĩ về mối liên hệ hữu cơ giữa nước ta và nước Tầu trong các bài về sau.

Mối quan hệ giữa Trung Hoa – Việt Mam trong suốt hơn 2000 năm lịch sử để lại nhiều dấu vết thù địch. Người Việt Nam trong những năm tháng ấy vẫn để lại một ký ức lịch sử đau thương và hận uất: 1000 năm nô lệ giặc Tầu.

Nội hàm của con số 1000 năm liệu có phản ảnh trung thực thực trạng của Việt Nam hay không?

Đó là những đề tài cần được khai triển thêm. Dù sao đi nữa thì tâm tư này cũng vẫn cần được chia xẻ theo nhiều cách nhìn.

Theo tôi, cách nhìn của học giả Nguyễn Phương là một cái nhìn viễn kiến về mối quan hệ Ta–Tầu, rất gần sự thật và phản ánh trung thực của thực tế Việt Nam.

Việc thứ nhất

Một người Trung Hoa rất dễ trở thành một người Việt Nam về vóc dáng, vì cùng một gốc. Nguyễn Phương viết: (36)

“Rồi khuynh hướng muốn bành trướng đó lại được gia tăng bởi sự kiện nhân chủng. Dầu muốn dầu không, người Việt Nam giống người Trung Hoa, và nói cho đúng hơn, thuộc về cùng một gốc với người Trung Hoa. Nhờ đó Người Trung Hoa rất dễ dàng trở thành người Việt Nam. Chỉ cần họ bằng lòng làm dân Việt Nam và nói được tiếng Việt, là rất khó mà phân biệt được họ với những người Việt Nam chính cống khác.”

Học giả Nguyễn Phương đã trích dẫn ĐVSKTT, trường hợp đời nhà Trần. Ông tổ của Trần Cảnh vốn gốc Trung Hoa ở Phúc Kiến, sau mới di cư sang làng Tức Mặc. Ông tên là Kinh, “Kinh sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, là cha của Trần Thái Tổ.”(37)

Từ chỗ đó, người Tầu nghĩ rằng nếu đã có người Tầu dễ trở thành Việt Nam thì ngược lại tại sao không biến một người Việt Nam trở thành người Tầu? Tham vọng đồng hóa bắt nguồn từ yếu tố chủng tộc và cộng thêm cái tinh thần cá lớn nuốt cá bé!

Việc thứ hai

Cũng theo Nguyễn Phương, trong thời gian Việt Nam được độc lập, tôi đề nghị gọi là “thời tự chủ”, cứ một khoảng thời gian khá dài, tới hai ba trăm năm, Trung Hoa lại sang xâm lăng Việt Nam một lần.

  • Lần thứ nhất xẩy ra dưới thời nhà Tống, năm 981.
  • Lần thứ hai dưới thời nhà Nguyên, năm 1285-1288 (cách nhau 301 năm).
  • Lần thứ ba dưới thời nhà Minh năm 1407-1427 (cách nhau 119)
  • Lần thứ tư dưới thời nhà Thanh, năm 1788-1789 (cách nhau 381).(38)

Những khoảng cách thời gian dài 2, 3 trăm năm, người Tầu mới sang xâm lấn nước ta một lần. Và mỗi lần chỉ ở lại một thời gian ngắn, một đến hai ba năm là cùng, rồi lại bị quân ta đánh đuổi phải rút về.

Hằng 2, 3 trăm năm mới bi xâm chiếm một lần, hay 4 lần Tầu xâm lăng trong suốt cả ngàn năm thì phỏng có nghĩa lý gì? Có đáng để đem ra phô trương như thành tích chống ngoại xâm?

Trong khi đó, thời gian dành cho những cuộc tranh dành, chiếm ngôi, đoạt vị kéo dài hàng thế kỷ, bao nhiêu sinh linh đã khốn khổ, điêu linh vì các cuộc ‘nội chiến’ này?

“1000 năm giặc Tầu đô hộ” có phản ảnh trung thực không?

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh họa

(21) Jan Myrdal, Un village populaire, Paris 1964. Ed. Galimard, trang 128–129
(22) Nguyễn Thanh Giang, Tản mạn về người viết Tiến Quân ca, Hợp Lưu, số 80, tháng 12–2004 và tháng 1–2005, trang 14
(23) Nguyễn Văn Lục, “Giới thiệu và nhận xét về Tập San sử địa của hai miền Nam Bắc”, Tân Văn, số 12, tháng 7, 2008, trang 9
(24) Tập san nghiên cứu Văn–Sử–Địa, số 6,, tháng 3–4, năm 1965.
(25) Ông Hoàng Xuân Hãn viết nhiều nhất và có mặt thường xuyên trên mỗi số báo. Ông định cư ở Pháp và gửi bài về. Mặc dầu ông tỏ ra thân với phía Hà Nội một cách không dấu diếm, nhưng tôi đã không thấy có bất cứ bài biên khảo nào của ông đươc đăng tải trong suốt 20 năm miền Nam.
(26) Le Minh Khai, “Localizing the Nation in Early Twentieth Century Vietnam”, Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, 09 dec 11
(27) Le Minh Khai, “Nguyễn Phương’s Lost History”, Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, 01 may 13
(28) Keith Weller Taylor, “Comments on ‘The Biography of the Hong Bang Clan as a Medieval Vietnamese Invented Tradition’ by Liam Kelly,” Journal of Vietnamese Studies 7, 2 (summer 2012):131-138. (*) The Birth of Vietnam, University of California Press, 1983.
(29) Keith Weller Taylor | Người dịch: Hoa Quốc Văn, Bình luận về bài ““Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại” của Liam Kelley. Blog LeMinKhaiViet, 29 Sep 13.
(30) Nguyễn Phương, Tiền sử và lịch sử Lạc Việt, 346–371, năm thứ VII, số 39, 1964
(31) Nguyễn Phương, Việt Nam Thời khai sinh, Phòng Ngiên cứu sử Viện Đại Học Huế, 1965. Trong đó, ông đã dành ra 337 trang đẻ trình bày Người Việt đàu tiên và nguồn gốc tiền sử Lạc Việt.
(32) Những tập tài liệu chưa in này còn đươc giữ lại do môn sinh của ông là Nguyễn Đức Cung trách nhiệm
(33) Thanh Lãng, Nhân một việc suy tôn và hạ bệ, 1959, số 9, trang 13–17
(34) Phạm Việt Tuyền, 1959, số 8, trang 58–78
(35) “Đề cao lòng tự hào về văn hóa dân tộc”, Phỏng Vấn ông Nguyễn Nhã – Nguyên Chủ Nhiệm Tập San Sử Địa (Sài Gòn), Tạp chí Xưa và Nay, số 40, 6/1997, trang 7-8. Ghi lại trên CD-ROM “29 số tập san Sử địa” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp thực hiện với sự đồng ý của Nguyễn Nhã (cựu Chủ nhiệm Tập san Sử địa).
(36) Nguyễn Phương, Đà lịch sử…, Tập san Sử Địa, Số 1, tháng 1,2,3, năm 1966, trang 191
(37) Nguyễn Phương, Ibid.
(38) Nguyễn Phương, Ibid.