Những người phụ nữ Afghanistan khác
Anand Gopal | Trần Giao Thủy dịch
Những vụ giết hại thường dân không ngừng ở vùng thôn dã khiến phụ nữ chống lại quân chiếm đóng, những người tuyên bố đến giúp họ.
Vào một buổi chiều cuối tháng 8 vừa qua, Shakira nghe thấy tiếng đập cửa ngoài cổng nhà. Ở thung lũng Sangin, thuộc tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan, phụ nữ không được để cho những người đàn ông không có quan hệ họ hàng với họ nhìn thấy, vì vậy Ahmed, cậu con trai mười chín tuổi của Shakira, đã phải ra cổng xem ai gọi. Bên ngoài là hai người đàn ông mặc áo choàng và đội khăn đen, mang súng trường. Họ là thành viên của Taliban, những người đang tái chiếm vùng nông thôn dưới sự kiểm soát của Quân đội Quốc gia Afghanistan. Một trong những người đàn ông lên tiếng cảnh cáo, “Nếu anh không rời đi ngay lập tức, mọi người sẽ chết.”
Shakira, độ ngoài bốn mươi, đã lập gia đình; chồng bà, một người buôn thuốc phiện, đang ngủ say, do sự cám dỗ của chính sản phẩm của ông ấy. Tám đứa con của bà, kể cả đứa lớn nhất, hai mươi tuổi Nilofar – cùng tuổi như chính cuộc chiến – người mà Shakira gọi là “phó tướng”, vì Nilofar đã chăm sóc những đứa em nhỏ hơn. Cả nhà Shakira băng qua một cây cầu cũ bắc ngang một con kênh, sau đó len lỏi qua những đám lau sậy và những mảnh đất trồng đậu và hành không có hàng lối, đi qua những ngôi nhà tối tăm và vắng vẻ. Những người hàng xóm của họ cũng đã được cảnh cáo, và trừ những con gà lang thang và đàn thú nuôi bị bỏ lại, xóm làng vắng tanh.
Gia đình Shakira đi bộ hàng giờ dưới cái nắng chói chang. Bà bắt đầu nghe thấy tiếng lách cách từ xa, và thấy một dòng người từ những ngôi làng ven sông đổ về: những người đàn ông oằn cả lưng dưới những tay nải nhét đầy tất cả những gì họ không chịu bỏ lại; những người phụ nữ đi nhanh hết mức mà bộ áo choàng của họ cho phép.
Tiếng đại bác nổ vang trời, báo cho mọi người biết cuộc tấn công của Taliban vào một tiền đồn của Quân đội Afghanistan đã bắt đầu. Shakira bế, đứa con út và một em bé hai tuổi, hai bên hông giữa bầu trời lóe sáng, vang tiếng súng. Khi màn đêm buông xuống, họ đã đến chợ cái ở giữa lũng. Phần lớn mặt tiền bằng tôn của những cửa hàng đã bị phá hủy trong chiến tranh. Shakira tìm thấy một cửa tiệm có một phòng với mái còn nguyên vẹn, và gia đình bà đã ngủ lại đó qua đêm. Bà đã làm một lố búp bê bằng vải – một trong số những trò tiêu khiển mà bà ấy đã giữ trong những năm chạy tản cư vì chiến tranh – cho những đứa con nhỏ. Khi Shakira cầm những con búp bê đó dưới ánh sáng của que diêm, mặt đất rung chuyển.
Vào lúc bình minh, Shakira bước ra ngoài, và thấy vài chục gia đình đã tạm trú trong khu chợ bỏ hoang. Nó từng là khu chợ phát triển mạnh nhất ở phía bắc Helmand, với những người chủ tiệm bán nghệ tây và thìa là, những chiếc xe chở đầy áo choàng của phụ nữ và mặt tiền cửa hàng chuyên bán thuốc phiện. Giờ đây, những cột trụ hoang nhô lên, và không khí hôi mùi xác động vật thối rữa và nhựa cháy.
Ở phía xa xa, mặt đất đột nhiên nổ tung lên những vòi bùn đất. Máy bay trực thăng của Quân đội Afghanistan lao vun vút trên đầu, gia đình thường dân trốn sau những cửa hàng, theo dõi hành động tiếp theo. Đã có giao tranh dọc theo các thành lũy bằng đá ở phía bắc và bờ sông ở phía tây. Ở phía đông là sa mạc cát đỏ xa như những gì Shakira có thể nhìn thấy ở chân trời. Lựa chọn duy nhất là đi về phía nam, hướng tới thành phố Lashkar Gah đầy cây lá, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Afghanistan.
Cuộc hành trình đòi phải cắt qua một đồng bằng cằn cỗi với những căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và Anh đã bỏ hoang – đó cũng là ổ của những tay súng bắn tỉa – và băng qua những đường mương có thể đã cài chất nổ. Một vài gia đình bắt đầu lên đường. Ngay cả khi đến được Lashkar Gah, họ cũng không thể chắc chắn sẽ tìm được gì ở đó. Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của Taliban, các binh sĩ Quân đội Afghanistan đã đầu hàng hàng loạt, xin cho được về nhà an toàn. Rõ ràng là Taliban sẽ sớm chiếm được Kabul, và hai mươi năm, cùng hàng nghìn tỷ đô la dành để đánh bại họ đã trở thành vô ích. Gia đình Shakira đứng trên sa mạc, bàn tán về tình hình. Tiếng súng gần hơn. Shakira thấy xe của Taliban đang chạy về phía chợ – và bà quyết định ở lại. Mệt thấu xương và thần kinh bà rệu rã. Bà sẽ đối mặt với bất cứ điều gì xảy đến sau đó, chấp nhận nó như một bản án, Shakira nói với tôi, “Chúng tôi đã chạy suốt cuộc đời. Tôi sẽ chẳng đi đâu cả.”
Cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ kết thúc vào ngày 15 tháng 8, khi Taliban chiếm Kabul, không bắn một phát súng nào. Những người đàn ông râu ria xồm xoàm với những chiếc khăn đen trên đầu đã nắm quyền kiểm soát dinh Tổng thống, và xung quanh thủ đô, những lá cờ trắng giản dị một cách khắc khổ của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan[1] đã kéo lên. Sự hoảng loạn xảy ra sau đó. Một số phụ nữ đã đốt sách vở, học bạ và đi trốn, lo sợ sẽ quay trở lại những năm một ngàn chin trăm chín mươi, khi Taliban cấm họ ra ngoài một mình và cấm trẻ em gái đi học. Đối với người Mỹ, có thể thực rằng những thành quả đạt được trong hai mươi năm qua sẽ bị xóa bỏ dường như đặt ra một lựa chọn đáng sợ: trở lại cuộc chiến dường như bất tận, hoặc bỏ rơi phụ nữ Afghanistan.
Mùa hè này, tôi đã đến vùng thôn dã của Afghanistan để gặp những phụ nữ đang sống dưới thời Taliban, để lắng nghe suy nghĩ của họ về tình thế tiến thoái lưỡng nan đang rình rập. Hơn 70% người Afghanistan không sống ở thành phố, và trong mười năm trước, nhóm nổi dậy đã nuốt chửng những vùng quê rộng lớn. Không giống như ở Kabul tương đối tự do, việc đi thăm phụ nữ ở những vùng nội địa này không dễ dàng: ngay cả khi không có sự cai trị của Taliban, phụ nữ theo truyền thống không nói chuyện với những người đàn ông không có liên hệ. Thế giới công và tư phân chia rõ rệt, và khi phụ nữ ra khỏi nhà họ vẫn giữ một cuộc sống kín đáo dưới tấm áo choàng Burqa, có trước Taliban hàng thế kỷ, trùm kín thân người. Thiếu nữ, nói chung, biến mất trong nhà của họ khi đến tuổi dậy thì, chỉ lộ dạng khi đã là bà nội, bà ngoại, nếu đã lập gia đình và có con, có cháu. Chính nhờ những người bà – đi kiếm từng người qua sự giới thiệu và nói chuyện với nhiều người mà không cần nhìn mặt họ – mà tôi đã có thể gặp hàng chục phụ nữ, ở mọi lứa tuổi. Nhiều người sống trong những căn lều giữa sa mạc hoặc những cửa hàng trống rỗng, như Shakira; khi Taliban bắt gặp gia đình bà đang trốn ở chợ, những chiến binh đã khuyên họ và những người khác không nên trở về nhà cho đến khi có người quét sạch mìn. Lần đầu tiên tôi gặp bà ấy trong một ngôi nhà an toàn ở Helmand; bà ngại ngùng nói,
“Tôi chưa từng gặp một người nước ngoài nào trước đây. Lại là một người nước ngoài không có súng.”
Shakira
Shakira có sở trường thấy được hài hước trong sự khổ đau, và trước sự phi lý tuyệt đối của những người đàn ông trong cuộc đời bà: vào những năm 90, Taliban đã đề nghị dẫn điện đến cho xóm làng, và những bô lão địa phương ban đầu từ chối vì sợ đó là ma thuật. Cười khúc khích, kéo khăn choàng lên mặt, chỉ để hở đôi mắt, Shakira nói, “Tất nhiên, phụ nữ chúng tôi biết điện là tốt.”
Tôi nói với bà ấy rằng bà ấy có cùng tên với một ngôi sao nhạc pop nổi tiếng thế giới, và đôi mắt của bà ấy mở to. Shakira hỏi người bạn đã đi cùng cô đến ngôi nhà an toàn, “Có thật không? Có thể như vậy sao?”
Shakira, giống như những người phụ nữ khác mà tôi gặp, lớn lên ở Thung lũng Sangin, một mảng xanh giữa những mỏm núi nhọn. Thung lũng được con sông Helmand và một con kênh mà người Mỹ đã xây dựng vào những năm mười chín chín mươi vun tưới. Người ta có thể đi bộ theo chiều rộng của thung lũng trong vòng một giờ, băng qua hàng chục ngôi làng nhỏ, những cây cầu ọp ẹp và những bức tường đất bùn. Khi còn là một thiếu nữ, Shakira đã nghe những câu chuyện mẹ kể ngày xưa ở ngôi làng của cô, Pan Killay, có khoảng 80 gia đình sinh sống: trẻ con bơi trong kênh dưới ánh nắng ấm áp, phụ nữ thì giã thóc trong cối đá. Vào mùa đông, làn khói thoảng qua từ lò sưởi bằng đất sét; vào mùa xuân, những cánh đồng là tấm thảm đầy hoa anh túc.
Năm 1979, khi Shakira còn là một trẻ sơ sinh, những người Cộng sản nắm chính quyền ở Kabul và cố gắng mở một chương trình xóa nạn mù chữ cho phụ nữ ở Helmand – một tỉnh có diện tích bằng tiểu bang Tây Virginia, với một vài trường học dành cho nữ sinh. Những bô lão của bộ lạc và địa chủ không chấp thuận. Theo lời kể lại của dân làng, lối sống truyền thống ở Sangin đã bị phá bỏ chỉ sau một đêm, vì những người bên ngoài khăng khăng đòi đem quyền phụ nữ đến thung lũng. Shakira nhớ lại,
Khi chính quyền bắt đầu ép buộc thiếu nữ đi học dưới họng súng, một cuộc nổi loạn đã bùng lên, dẫn đầu là những người đàn ông có vũ trang tự xưng là Mujahideen. Trong chiến dịch đầu tiên, họ đã bắt cóc tất cả giáo viên trong thung lũng, nhiều người trong số họ ủng hộ việc học của những bé gái, và cắt cổ giáo viên. Ngày hôm sau, chính quyền bắt các bô lão và địa chủ của bộ lạc vì nghi ngờ rằng họ đang đã thuê đám Mujahideen. Không ai còn thấy những người lãnh đạo cộng đồng này nữa.
Xe tăng Liên Xô đã vượt biên giới để tăng viện cho chính quyền Cộng sản – và giải phóng phụ nữ. Chẳng bao lâu sau, Afghanistan bị chia đôi. Ở vùng quê, thanh niên sẵn sàng chết để chống lại sự áp đặt của những cách sống mới – gồm cả trường học cho nữ sinh và cải cách ruộng đất – và không ai thấy bóng dáng những những người phụ nữ trẻ. Ở thành phố, chính phủ do Liên Xô hậu thuẫn đã cấm tục tảo hôn và cho phụ nữ quyền lựa chọn bạn đời. Thiếu nữ ghi tên đi học ở mọi bậc và cả ở đại học với con số kỷ lục, và vào đầu những năm 80, phụ nữ đã giữ một số ghế trong quốc hội và thậm chí cả chức vụ Phó Tổng thống.
Bạo lực ở thôn quê tiếp tục lan tràn. Vào một buổi sớm lúc Shakira mới lên năm, dì của cô đã vội vàng đánh thức cô bé dậy. Người lớn trong làng dẫn những đứa trẻ đi trốn trong một động đá trên núi , chúng co ro nhiều giờ ở đó. Về đêm, Shakira nhìn những vệt đạn đại bác soi sáng cả bầu trời. Khi gia đình trở lại Pan Killay, những cánh đồng lúa mì đã cháy đen và chằng chịt vết hằn của xe tăng Liên Xô. Những con bò đã bị bắn gục bằng súng máy. Bất cứ nhìn đâu cô gái đều thấy những người hàng xóm – những người đàn ông mà cô thường gọi là “chú” – nằm trên vũng máu. Ông của Shakira không đi trốn với cô, và cô không tìm thấy ông trong làng. Khi lớn lên, Shakira biết rằng ông của mình đã đi trốn ở một hang đá khác, bị quân Liên Xô bắt và hành quyết.
Những cuộc di tản vào ban đêm đã trở nên thường xuyên và đối với Shakira, đó là một nguồn hứng khởi: những góc tối của hang động, những nhóm trẻ em ồn ào. Bà kể lại: “Chúng tôi chơi trò tìm máy bay trực thăng của Nga. Nó giống như tìm được những con chim lạ. Đôi khi, những con chim đó sà xuống thấp, đất nổ tung, lũ trẻ lao vào bãi kiếm sắt vụn, có thể bán được giá. Thỉnh thoảng bà nhặt những mảnh kim loại để có thể xây một ngôi nhà cho búp bê. Một lần, bà cho mẹ xem một bức ảnh trên tạp chí của một con búp bê nhựa có hình hình dáng phụ nữ; mẹ cô giật lấy tờ báo, nói là nó là không thích hợp. Vì vậy, Shakira đã học cách làm búp bê bằng vải và que gỗ.
Khi mười một tuổi, cô gái không đi ra ngoài nữa. Thế giới của Shakira thu nhỏ trong ba căn phòng trong nhà và sân trong; ở nhà cô học may vá, nướng bánh mì trong lò đất và vắt sữa bò. Một ngày nọ, máy bay phản lực bay ngang, cô chạy vào trốn trong tủ. Bên dưới đống quần áo, cô tìm được một cuốn sách chữ cái của một đứa trẻ của ông nội – người cuối cùng trong gia đình được đi học. Vào những buổi chiều, khi bố mẹ ngủ trưa, Shakira bắt đầu ghép các chữ Pashto vào hình ảnh. Cô nhớ lại, “Tôi đã có kế hoạch tự học thêm mỗi ngày một chút.”
Năm 1989, Liên Xô rút lui trong thất bại, nhưng Shakira tiếp tục nghe tiếng súng cối bên ngoài bức tường đất của ngôi nhà. Các phe phái Mujahideen cạnh tranh đang cố gắng xây dựng đất nước cho riêng họ. Những ngôi làng như Pan Killay là mục tiêu béo bở: có nông dân để đánh thuế, xe tăng Liên Xô rỉ sét để bán sắt vụn, thuốc phiện để xuất cảng. Pazaro, một phụ nữ ở một ngôi làng gần đó, nhớ lại, “Chúng tôi không có một đêm yên bình nào. Nỗi kinh hoàng của chúng tôi có một cái tên, và đó là Amir Dado[2].”
Lần đầu tiên Shakira nhìn thấy Dado, qua cổng trước nhà của cha mẹ, cô thấy ông ta đang ở trong một chiếc xe bán tải, có hàng chục người đàn ông vũ trang theo sau, diễn hành qua làng “như thể ông ta là Tổng thống.” Dado, một người bán trái cây giàu có đã trở thành người chỉ huy của Mujahideen, với bộ râu đen nhánh và cái bụng to kềnh, đã bắt đầu tấn công đối thủ ngay cả trước khi Liên Xô thất bại. Ông là dân từ Thung lũng Sangin phía trên, nơi bộ tộc của ông, người Alikozais, đã nắm giữ các đồn điền thời phong kiến mênh mông trong nhiều thế kỷ. Thung lũng thấp hơn là quê hương của Ishaqzais, bộ tộc nghèo của Shakira. Shakira thấy đám tay chân của Dado đi từng nhà, đòi “thuế” và lục soát. Vài tuần sau, các tay súng quay trở lại, lục soát phòng khách của gia đình cô trong khi cô thu mình trong một góc. Chưa bao giờ người lạ xâm phạm sự tôn nghiêm của nhà cô, và Shakira cảm thấy như thể mình bị lột trần và ném ra đường.
Vào đầu những năm 90, chính phủ Cộng sản Afghanistan, đã mất viện trợ của Liên Xô, đang sụp đổ. Năm 1992, Lashkar Gah rơi vào phe của Mujahideen. Shakira có một người chú sống ở đó, một người Cộng sản không màng đến nhà thờ Hồi giáo hay những các giai điệu Pashtun. Gần đây ông ta đã kết hôn với một phụ nữ trẻ, Sana, người đã thoát khỏi cuộc hôn nhân cưỡng bức với một người đàn ông tuổi gấp bốn lần cô. Hai người đã bắt đầu cuộc sống mới ở Little Moscow, một khu phố ở Lashkar Gah mà Sana gọi là “vùng đất mà phụ nữ có tự do” – nhưng khi Mujahideen tiếp quản, họ buộc phải chạy trốn đến Pan Killay.
Shakira đang chăn bò vào một buổi tối khi người của Dado dùng súng bao vây cô. Một người trong số họ hét lên, “Cậu của cô đâu?” Các chiến binh xông vào nhà – theo sau là vị hôn phu bị hắt hủi của Sana, ông ấy nói, “Chính là cô ấy!” Các tay súng kéo Sana đi. Khi những người chú khác của Shakira cố gắng can thiệp, họ đã bị bắt. Ngày hôm sau, chồng của Sana đã đến nạp mạng cho lực lượng của Dado, cầu xin được thay thế cho vợ. Cả hai đều bị đưa ra tòa án tôn giáo của kẻ mạnh và bị kết án tử hình.
Không lâu sau đó, Mujahideen đã lật đổ những người Cộng sản ở Kabul, và họ mang theo tính nhà quê của họ nhiều hơn. Tại thủ đô, giới lãnh đạo của Mujahideen – những người đã nhận được số tiền béo bở do U.S. tài trợ – đã ban hành một sắc lệnh tuyên bố rằng “phụ nữ không được rời khỏi nhà, trừ khi thực sự cần thiết, trong trường hợp đó, họ phải che phủ toàn thân.” Tương tự như vậy, phụ nữ bị cấm “đi lại một cách duyên dáng hoặc kiêu hãnh.” Cảnh sát tôn giáo bắt đầu đi khắp đường phố, bắt giữ phụ nữ và đốt hết băng ghi âm và băng thu hình ảnh.
Tuy nhiên, chính phủ Mujahideen mới đã chóng tan rã, và Afghanistan lâm vào cuộc nội chiến. Về đêm ở Pan Killay, Shakira nghe thấy tiếng súng và đôi khi là tiếng la hét của những người đàn ông. Đến sáng, khi đang chăn đàn bò, cô thấy những người hàng xóm mang những xác người đã được quấn lại. Gia đình cô tụ tập trong sân, và thấp giọng bàn về cách họ có thể trốn thoát. Nhưng các con đường đều đầy những trạm kiểm soát thuộc các nhóm Mujahideen khác nhau. Ở phía nam của ngôi làng, ở thị trấn Gereshk, một lực lượng dân quân gọi là Sư đoàn 93 đã duy trì một chướng ngại vật đặc biệt khét tiếng trên một cây cầu; có những câu chuyện về đàn ông bị cướp hoặc bị giết, về việc phụ nữ và trẻ em trai bị hãm hiếp. Cha của Shakira đôi khi băng qua cầu để bán rau cải ở chợ Gereshk, và mẹ cô bắt đầu cầu xin ông ở lại nhà.
Gia đình Shakira, nằm giữa Amir Dado ở phía bắc và Sư đoàn 93 ở phía nam, đang ngày càng trở nên tuyệt vọng. Rồi một buổi chiều kia, khi Shakira mười sáu tuổi, cô nghe thấy tiếng hét ngoài đường phố: “Taliban đến rồi!” Cô nhìn thấy một đoàn xe Toyota Hilux màu trắng chở đầy những chiến binh, đầu quấn khăn đen mang cờ trắng. Shakira chưa bao giờ nghe nói về Taliban, nhưng cha cô giải thích rằng thành viên của nó giống như những sinh viên tôn giáo nghèo mà cô đã thấy cả đời đi khất thực. Nhiều người đã chiến đấu dưới ngọn cờ của Mujahideen nhưng đã bỏ cuộc sau khi Liên Xô rút quân; giờ đây, họ cho biết, họ đang tái phối trí để chấm dứt sự xáo trộn. Chẳng bao lâu, họ đã tấn công cây cầu Gereshk, phá hủy Sư đoàn Chín mươi ba, và dân tình nguyện đã đổ xô theo họ đổ xuống Sangin. Anh trai cô về nhà báo tin rằng Taliban cũng đã tấn công các vị trí của Dado. Lãnh chúa đã bỏ đám tay chân của mình và chạy sang Pakistan. “Ông ấy đi rồi,” anh trai của Shakira tiếp tục nói. “Đúng là ông ấy đã bỏ đi.”
Taliban nhanh chóng giải tán tòa án tôn giáo của Dado – giải phóng Sana và chồng cô, những người đang chờ bị xử tử – và loại bỏ các trạm kiểm soát. Sau mười lăm năm, cuối cùng Thung lũng Sangin đã được bình yên.
Khi tôi yêu cầu Shakira và những phụ nữ khác ở thung lũng kể về sự cai trị của Taliban, họ không muốn đánh giá phong trào này dựa trên một số tiêu chuẩn chung – mà chỉ chống lại những gì đã xảy ra trước đó. Pazaro, một phụ nữ sống ở một ngôi làng lân cận, nói, “Họ nhẹ nhàng hơn. Họ đã đối xử với chúng tôi một cách tôn trọng.” Những người phụ nữ mô tả cuộc sống của họ dưới thời Taliban giống hệt cuộc sống của họ dưới thời Dado và Mujahideen – nhưng không có những kẻ lạ mặt xông vào cửa vào ban đêm, những trạm kiểm soát chết người.
Shakira kể lại cho tôi một sự thanh thản mới thấy: những buổi sáng yên tĩnh với trà xanh bốc khói và bánh naan, những buổi tối mùa hè trên sân thượng. Các bà mẹ, cô dì và bà nội bắt đầu kín đáo hỏi về việc cô có ý định cặp kê chưa; ở xóm làng, hôn nhân là sợi dây kết nối hai gia đình. Không lâu sau, cô được hứa hôn với một người họ hàng xa, cha anh ấy đã biến mất, có lẽ là dưới bàn tay của Xô Viết. Lần đầu tiên cô nhìn thấy vị hôn phu của mình là vào ngày cưới: anh ta ngồi bẽn lẽn, xung quanh là những người phụ nữ trong làng, đang thúc vào sườn để biết về kế hoạch của anh ấy trong đêm tân hôn. Shakira bật cười nhớ lại,
“Ồ, anh ấy là một chàng ngốc! Anh ấy rất xấu hổ, đã cố bỏ chạy. Người ta đã phải đi bắt và đưa anh ấy về.”
Shakira
Giống như nhiều thanh niên dám nghĩ dám làm ở thung lũng, anh ấy đi buôn thuốc phiện, và Shakira thích ánh mắt quyết tâm của anh ấy. Tuy nhiên, cô bắt đầu lo ngại rằng chỉ với sự gan góc đó có thể không đủ. Khi Taliban thiết lập sự cai trị, họ đã mở một chiến dịch bắt giữ. Những người đàn ông trẻ được đưa đến miền bắc Afghanistan, để chiến đấu chống lại một nhóm lãnh chúa Mujahideen gọi là Liên minh phương Bắc. Một ngày nọ, Shakira chứng kiến cảnh một chiếc trực thăng hạ cánh trên cánh đồng và đưa về xác của những lính bị bắt đi quân dịch đã tử trận. Đàn ông trong thung lũng bắt đầu đi trốn trong nhà bạn bè, di chuyển từ làng này sang làng khác, rất sợ bị gọi đi quân dịch. Những nông dân, tá điền nghèo khó là những người có nguy cơ cao nhất – những người giàu có thể trả tiền thay cho quân dịch. Shakira nói với tôi “Đây là sự bất công thực sự của Taliban.” Cô càng ngày càng không ưa nhìn những cuộc kiểm soát lưu động của Taliban.
Năm 2000, tỉnh Helmand bị hạn hán nặng nề. Những cánh đồng dưa hấu hư hỏng, và xác chết của những con vật ngổn ngang, rải rác trên những con đường làng. Trong một nháy mắt tàn nhẫn, thủ lĩnh tối cao của Taliban, Mullah Omar, đã chọn thời điểm đó để cấm trồng thuốc phiện. Nền kinh tế của thung lũng sụp đổ. Pazaro nhớ lại,
“Chúng tôi không có gì để ăn, đất đai không cho chúng tôi hoa màu, và những người đàn ông không thể chu cấp cho con cái của chúng tôi. Những đứa trẻ đang khóc, chúng đang la hét, và chúng tôi cảm thấy như mình đã thất bại.”
Pazaro
Shakira, lúc đó đang mang thai, nhúng những miếng naan cũ vào trà xanh để bón cho hai đứa cháu gái và cháu trai ăn. Chồng cô đã đi Pakistan để thử thời vận trên những cánh đồng ở đó. Shakira cảm thấy lo âu khi nghĩ rằng đứa con của cô sẽ chết khi chào đời, chồng cô sẽ không bao giờ trở lại, cô sẽ ở một mình. Mỗi buổi sáng, cô cầu cho mưa, cho sự giải thoát.
Một ngày nọ, một nhân viên viên trên đài phát thanh nói rằng đã có một cuộc tấn công ở Mỹ. Đột nhiên, có tin đồn rằng những người lính từ đất nước giàu có nhất trên trái đất đang đến Afghanistan để lật đổ Taliban. Lần đầu tiên sau nhiều năm, trái tim của Shakira rộn rực với niềm hy vọng.
Vào một đêm năm 2003, Shakira giật mình tỉnh giấc vì giọng nói của những người đàn ông xa lạ. Cô lao mình đi trốn. Khi ra đến phòng khách, Shakira hoảng hốt nhìn thấy những họng súng trường đang chĩa vào mình. Những người đàn ông to lớn hơn cô từng thấy, và họ mặc đồng phục. Cô kinh ngạc nhận ra đây là những người lính Mỹ. Một số người Afghanistan cùng đi với họ, những người đàn ông gầy gò với những khẩu Kalashnikovs và cổ quấn khăn rằn. Một người đàn ông với bộ râu khổng lồ đang ra lệnh; không ai khác, chính là Amir Dado.
Mỹ đã chớp nhoáng lật đổ Taliban sau cuộc xâm lăng của họ, và cài đặt chính phủ Hamid Karzai ở Kabul. Dado, người đã kết bạn với Lực lượng đặc biệt Mỹ, trở thành giám đốc tình báo của tỉnh Helmand. Một trong những người anh em của ông là thống đốc của quận Sangin, và một người anh em khác trở thành cảnh sát trưởng của Sangin.
Ở Helmand, năm đầu tiên của cuộc chiếm đóng của người Mỹ diễn ra yên bình, và những cánh đồng một lần nữa lại nở rộ hoa anh túc.
Shakira hiện có hai con nhỏ, Nilofar và Ahmed. Chồng cô từ Pakistan đã trở về và tìm được việc làm, chở các túi nhựa thuốc phiện đến chợ Sangin. Nhưng giờ đây, với việc Dado trở lại nắm quyền – được người Mỹ cứu thoát khỏi cuộc sống lưu vong – đời sống lại lùi dần về những ngày nội chiến.
Gần như mọi người mà Shakira biết đều có một câu chuyện về Dado. Một lần, các chiến binh của ông ta yêu cầu hai thanh niên phải nộp thuế hoặc tham gia lực lượng dân quân ông ta vẫn duy trì mặc dù đang giữ chức vụ chính thức với chính quyền. Khi họ từ chối, đám tay sai của Dado đánh họ đến chết, cột xác họ trên cây. Một người dân trong làng kể lại:
Ở một ngôi làng khác, lực lượng của Dado đi từng nhà, hành quyết những người bị nghi là Taliban; một học giả lớn tuổi chưa bao giờ ở trong phong trào Taliban đã bị bắn chết.
Shakira hoang mang trước sự lựa chọn đồng minh của người Mỹ. Bà ấy hỏi tôi, “Đây có phải là kế hoạch của họ không? Họ đến để mang lại hòa bình, hay họ có những mục đích khác?”
Shakira khăng khăng yêu cầu chồng đừng đi bán thuốc phiện ở chợ Sangin nữa, vì vậy ông ấy chuyển việc buôn bán xuống phía nam, tới Gereshk. Nhưng vào một buổi chiều, ông ấy trở về với tin tức cho rằng việc này cũng đã trở thành không thể làm được nữa rồi. Thật đáng kinh ngạc, Hoa Kỳ đã hồi sinh Sư đoàn Chín mươi ba – và biến nó trở thành đối tác thân cận nhất của Mỹ trong tỉnh. Các tay súng của Sư đoàn 93 lại bắt đầu ngăn chặn những du khách trên cầu và cướp những gì họ có thể cướp. Tuy nhiên, giờ đây, nỗ lực có lợi nhất của họ là thu tiền thưởng do Hoa Kỳ cung cấp; Theo Mike Martin, một cựu sĩ quan người Anh đã viết về lịch sử Helmand, họ kiếm được tới hai nghìn đô la mỗi khi một viên chỉ huy Taliban bị bắt.
Tuy nhiên, việc này đặt ra một thách thức vì hầu như không có bất kỳ lực lượng Taliban nào đang hoạt động để truy bắt. Shakira nói, “Chúng tôi biết ai là Taliban trong làng của chúng tôi”, và họ không tham dự vào chiến tranh du kích: “Tất cả đều ngồi ở nhà, không làm gì cả.” Một trung tá của Lực lượng Đặc biệt Mỹ, Stuart Farris, người đã được đưa đến khu vực vào thời điểm đó, nói với một sử gia quân đội Hoa Kỳ, “Hầu như không có sự kháng cự nào trong chuyến công tác này.” Vì vậy, các lực lượng dân quân như Sư đoàn Chín mươi ba bắt đầu buộc tội những người vô tội. Vào tháng 2 năm 2003, họ gán nhãn hiệu ‘tên khủng bố’ cho Hajji Bismillah – giám đốc giao thông vận tải của chính phủ Karzai tại Gereshk, có trách nhiệm thu lộ phí trong thành phố – khiến người Mỹ đưa ông ta đến Guantánamo. Bismillah bị loại, Sư đoàn Chín mươi ba độc quyền thu lộ phí.
Dado thậm chí còn đi xa hơn. Vào tháng 3 năm 2003, những người lính Hoa Kỳ đã đến thăm thống đốc của Sangin – anh/em của Dado – để thảo luận về việc tân trang lại một trường học và một bệnh xá. Khi rời đi, đoàn xe của họ bị bắn cháy, và Trung sĩ Jacob Frazier và Trung sĩ Orlando Morales trở thành những người Mỹ đầu tiên chết trận ở Helmand. Nhân viên Mỹ nghi ngờ thủ phạm không phải là Taliban mà là Dado – một trong những chỉ huy dân quân cũ của lãnh chúa đã xác nhận với tôi; ông ta nói rằng sếp của anh ta đã mở cuộc tấn công để khiến người Mỹ phải dựa vào ông ta. Tuy nhiên, khi lực lượng của Dado tuyên bố đã bắt được sát thủ thực sự – một cựu quân nhân Taliban tên là Mullah Jalil – thì người Mỹ đã đưa Jalil đến Guantánamo. Không thể giải thích được tại sao điều này đã xảy ra được mặc dù thực tế là, theo hồ sơ mật của Guantánamo về Jalil, nhà chức trách Hoa Kỳ biết rằng Jalil đã bị chỉ điểm chỉ để “che đậy” sự thật rằng lực lượng của Dado đã “tham gia vào cuộc phục kích.”
Sự vụ đó không ảnh hưởng đến mối quan hệ của Dado với Lực lượng Đặc biệt Mỹ, những người cho rằng ông ta có giá quá để có thể giả làm “quân khủng bố”. Bây giờ họ đang đi tuần với nhau, và cuộc hành quân chung ngay sau cuộc tấn công là lùng soát xóm làng của Shakira để truy lùng những kẻ bị tình nghi là khủng bố. Những người lính không ở nhà cô lâu, nhưng cô không quên được hình ảnh những khẩu súng trường. Sáng hôm sau, cô ấy lấy tấm thảm ra và giặt sạch vết giày.
Bạn bè và hàng xóm của Shakira đã quá hoảng hốt để có thể lên tiếng, nhưng Liên Hiệp Quốc bắt đầu vận động cho việc loại bỏ Dado. Mỹ liên tục ngăn chặn nỗ lực đó và hướng dẫn viên cho Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ lập luận rằng mặc dù Dado “còn lâu mới trở thành một đảng viên Dân chủ kiểu Jeffersonian”, hình thức công lý thô bạo của ông ta là “giải pháp đã được thí nghiệm, thành công trong việc kiểm soát những người Pashtun nổi loạn.”
Chồng của Shakira đã ngừng ra khỏi nhà khi người vùng Helmand tiếp tục bị bắt đi với những lý cớ mỏng manh. Một nông dân ở một ngôi làng gần đó, Mohammed Nasim, đã bị Mỹ bắt và đưa đến Guantánamo vì theo một đánh giá mật, tên của anh ta giống với tên của một tay chỉ huy Taliban. Một quan chức chính phủ Karzai tên là Ehsanullah đã đến thăm một căn cứ của Mỹ để thông báo về hai thành viên Taliban; không có người phiên dịch nào có mặt, và trong lúc bối rối, ông ta đã bị bắt và đưa đến Guantánamo. Nasrullah, một nhân viên thu thuế của chính phủ, đã được gửi đến Guantánamo khi ngẫu nhiên bị kéo xuống xe buýt sau một cuộc giao tranh giữa Lực lượng đặc biệt Mỹ và những bộ lạc địa. Sau đó, ông ta nói tại một tòa án quân sự phương, “Chúng tôi rất bằng lòng với người Mỹ. Tôi không biết rốt cuộc tôi đến Cuba.”
Nasrullah cuối cùng đã trở về nhà, nhưng một số tù nhân đã không bao giờ trở lại. Abdul Wahid, ở Gereshk, bị Sư đoàn Chín mươi ba bắt và bị đánh đập dã man; ông ấy đã được giao cho Hoa Kỳ giam giữ và bị giam ở trong chuồng, và chết ở đó. Những nhân viên quân sự Mỹ ghi nhận có vết bỏng trên ngực và bụng, và bầm tím ở hông và háng của Wahid. Theo một phúc trình cuộc điều tra đã được giải mật, các binh sĩ Lực lượng Đặc biệt cho biết rằng vết thương của Wahid phù hợp với “một phương pháp điều tra/thẩm vấn thông thường” mà Sư đoàn Chín mươi ba sử dụng. Một trung sĩ nói rằng anh ta “có thể cung cấp những bức ảnh của những người bị giam giữ trước đó với những vết thương tương tự.” Tuy nhiên, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Sư đoàn Chín mươi ba – vi phạm Luật Leahy, cấm nhân viên Mỹ cố ý hậu thuẫn cho các đơn vị phạm tội vi phạm nhân quyền.
Năm 2004, Liên Hiệp Quốc đã mở một chương trình giải giáp lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ. Một chỉ huy của Sư đoàn 93 đã biết về kế hoạch đó và đổi tên một bộ phận dân quân thành “công ty an ninh tư nhân” làm việc theo hợp đồng với người Mỹ, cho phép khoảng một phần ba số máy bay chiến đấu của Sư đoàn được duy trì vũ trang. Một phần ba khác giữ vũ khí của họ bằng cách ký hợp đồng với một công ty có trụ sở tại Texas để bảo vệ các đội mở đường. (Khi chính quyền Karzai thay thế những vệ sĩ làm thuê này bằng cảnh sát, thủ lĩnh của Sư đoàn Chín mươi ba đã mở cuộc tấn công giết chết mười lăm cảnh sát, và sau đó khôi phục hợp đồng.) Phần ba còn lại của Sư đoàn 93, nhận thấy mình bị các đồng nghiệp cũ đe dọa tống tiền từ, đã bỏ trốn với vũ khí của họ và gia nhập Taliban.
Tin nhắn của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu có khuynh hướng mô tả cuộc nổi dậy ngày càng tăng như một vấn đề của những kẻ cực đoan đối đầu với tự do, nhưng các tài liệu NATO mà tôi có được thừa nhận rằng Ishaqzais “không có lý do chính đáng” để tin tưởng vào lực lượng liên minh, vì đã phải chịu “sự áp bức dưới bàn tay của Dad Mohammad Khan” tức Amir Dado. Ở Pan Killay, những người lớn tuổi khuyến khích con trai của họ cầm súng để bảo vệ xóm làng, và một số đã tìm đến các cựu thành viên Taliban. Shakira ước rằng chồng mình sẽ làm điều gì đó – giúp bảo vệ xóm làng, hoặc đưa họ sang Pakistan – nhưng ông ta từ chối. Tại một ngôi làng gần đó, khi lực lượng Hoa Kỳ đột kích vào nhà của một bô lão được mến mộ của bộ tộc, giết ông ấy và để lại đứa con trai của anh ta bị liệt nửa người, những người phụ nữ hét vào mặt những người đàn ông của họ, “Mấy ông có những chiếc khăn quấn lớn trên đầu, nhưng các ông đã làm được gì? Các ông thậm chí không thể bảo vệ được chúng tôi. Các ông tự gọi mình là đàn ông à?”
Bây giờ là năm 2005, bốn năm sau cuộc xâm lược của Mỹ, và Shakira đã có đứa con thứ ba sắp sinh. Shakira bù đầu với công việc nội trợ – “sáng đến tối, tôi làm việc và đổ mồ hôi” – nhưng khi tạm dừng bếp núc hoặc cắt tỉa những cây đào, bà ấy nhận ra rằng bà đã mất đi cảm giác hy vọng đã từng cảm thấy. Gần như tuần nào, Shakira cũng nghe nói về một thanh niên khác bị Mỹ hoặc dân quân bắt đi. Chồng bà thất nghiệp và gần đây ông ấy bắt đầu hút thuốc phiện. Đời sống hôn nhân của họ trở nên tồi tệ. Một bầu không khí nghi ngờ đọng trong ngôi nhà, giống như tâm trạng ảm đạm của xóm làng.
Vì vậy, khi một đoàn xe của Taliban lăn bánh vào Pan Killay, với những người đàn ông quấn khăn đen giương cao những lá cờ trắng, Shakira đã quan tâm đến du khách đó bằng sự thích thú, thậm chí là tha thứ. Lần này, bà nghĩ, mọi thứ có thể khác.
Vào năm 2006, Anh Quốc đã gia nhập quân đoàn ngày càng lớn của Lực lượng Chiến dịch Đặc biệt Hoa Kỳ để dập tắt cuộc nổi dậy ở Sangin. Ngay sau đó, Shakira nhớ lại, “địa ngục bắt đầu.” Taliban tấn công các toán quân Mỹ đi tuần, mở những cuộc đột kích vào các tiền đồn phòng thủ và thiết lập các chốt chặn. Trên một đỉnh đồi ở Pan Killay, người Mỹ chiếm đóng ngôi nhà của trùm ma túy, biến nó thành thành trì chắn bao cát, với tháp canh và cuộn rào thép gai. Trước hầu hết các trận chiến, thanh niên Talibs đã đến thăm từng căn nhà, nhắc nhở dân chúng nên rời đi ngay lập tức. Sau đó, Taliban sẽ mở cuộc tấn công, liên minh sẽ đáp trả, và trái đất sẽ rùng mình.
Đôi khi, ngay cả việc chạy trốn cũng không bảo đảm an toàn. Trong một trận chiến, Abdul Salam, một người chú của chồng Shakira, đã trú ẩn tại nhà của một người bạn. Sau khi giao tranh kết thúc, ông đã đến thăm một nhà thờ Hồi giáo để cầu nguyện. Một vài Taliban cũng ở đó. Một cuộc không kích của liên quân đã giết chết gần như tất cả mọi người bên trong nhà thờ. Ngày hôm sau, mọi người tập trung để làm lễ tang; cuộc tấn công thứ hai giết chết thêm hàng chục người nữa. Trong số các thi thể được trao trả cho Pan Killay có thi thể của Abdul Salam, anh họ của ông, và ba cháu trai của ông, từ sáu đến mười lăm tuổi.
Từ thời thơ ấu, Shakira đã không biết bất kỳ ai đã chết vì bị không kích. Bây giờ hai mươi bảy tuổi, cô ấy chỉ ngủ chập chờn, như thể bất cứ lúc nào cũng cần phải chạy đi tìm chỗ nấp. Một đêm nọ, Shakira thức giấc vì một tiếng động kinh hoàng, đến nỗi cô tự hỏi liệu căn nhà có bị nổ tung lên hay không. Chồng cô vẫn còn ngáy ngủ, và Shakira nguyền rủa chồng trong hơi thở của mình. Cô rón rén đi ra sân trước. Những chiếc quân xa của liên quân đang chạy ngang qua, lao vun vút trên đống sắt vụn nằm ngổn ngang phía trước. Cô đã đánh thức cả nhà. Đã quá muộn để di tản, và Shakira cầu nguyện rằng Taliban sẽ không tấn công. Cô đẩy lũ trẻ vào hốc cửa sổ – một cố gắng trong tuyệt vọng để bảo vệ chúng trong trường hợp một cuộc tấn công khiến mái nhà đổ sập – và phủ lên chúng như những tấm chăn dày.
Trở lại sân trước, Shakira thấy một trong những chiếc xe của người nước ngoài đậu bên đường. Một cặp ăng-ten chĩa lên trời. Họ sẽ giết chúng ta, cô nghĩ. Cô trèo lên mái nhà, và thấy chiếc xe trống trơn: những người lính chỉ đậu ở đó và xuống xe đi bộ. Cô nhìn họ đi qua cây cầu nhỏ và biến mất trong đám lau sậy.
Cách đó vài cánh đồng, Taliban và những người nước ngoài bắt đầu nổ súng. Cả gia đình Shakira co ro trong nhà vài giờ đồng hồ. Những bức tường rung chuyển, và những đứa trẻ khóc. Shakira mang những con búp bê vải ra, ôm Ahmed vào ngực đong đưa và ầu ơ kể chuyện. Vào khoảng bình minh, tiếng súng im bặt, Shakira ra ngoài nghe ngóng tình hình. Chiếc xe vẫn ở đó, không có người trong coi. Cô ấy run lên vì tức giận. Cả năm, khoảng mỗi tháng một lần, cô đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng này. Taliban đã mở cuộc tấn công, nhưng phần lớn cơn thịnh nộ của Shakira ta nhắm vào những kẻ gian manh. Tại sao cô và những đứa con nhỏ, phải đau khổ?
Một ý nghĩ hoang đường thoáng qua trong đầu Shakira. Cô lao vào nhà nói chuyện với mẹ chồng. Những người lính vẫn còn ở phía bên kia con kênh. Shakira lấy diêm và mẹ chồng cô đã lấy được một thùng dầu cặn. Trên đường, một người hàng xóm liếc nhìn thùng dầu và ông ta hiểu, vội vàng quay lại với bình dầu thứ hai. Mẹ chồng của Shakira đổ dầu vào bánh xe, sau đó mở mui xe và đổ tiếp vào đầu máy. Shakira đánh một que diêm, và ném vào lốp xe.
Từ trong nhà, họ nhìn bầu trời bốc khói với tro tàn trong ngọn lửa. Không lâu sau, họ nghe thấy tiếng vù vù của một chiếc trực thăng, từ phía nam đang tiến đến. “Nó đang đến bắn chúng ta!” Bà mẹ chồng hét lên. Em chồng của Shakira, đang ở cùng nhà, điên cuồng tập hợp lũ trẻ lại, nhưng Shakira biết rằng đã quá muộn. Cô nghĩ, nếu chúng ta sắp chết, hãy chết ở nhà.
Họ chạy vào một giao thông hào cạn ở sân sau, người lớn nằm che cho trẻ con. Mặt đất rung chuyển dữ dội, sau đó chiếc trực thăng lao đi. Khi nó bay đi, Shakira mới hiểu những người nước ngoài đã bắn vào chiếc xe đang bốc cháy, để không có bộ phận nào của nó rơi vào tay kẻ thù.
Những người phụ nữ của Pan Killay đến chúc mừng Shakira; như một người đã nói, cô ấy là “một anh hùng”. Nhưng cô không cảm thấy tự hào nào chút nào, chỉ có sự nhẹ nhõm. “Tôi đã nghĩ rằng họ sẽ không đến đây nữa. Và chúng tôi sẽ có hòa bình.”
Năm 2008, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã đến Sangin, tăng cường cho Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ và binh lính của Anh Quốc. Các lực lượng của nước Anh đã bị bao vây – một phần ba thương vong của nước này ở Afghanistan xảy ra ở Sangin, khiến một số binh sĩ đặt tên cho chiesn trường này là “Sangingrad”. Nilofar, bấy giờ đã tám tuổi, có thể hòa nhập nhịp điệu của thời chiến. Cô bé hỏi Shakira, “Khi nào chúng ta đến nhà của dì Farzana?” Farzana sống ở sa mạc.
Nhưng sự hỗn loạn không phải lúc nào cũng có thể đoán trước được: một buổi chiều, những người ngoại quốc lại xuất hiện trước khi mọi người kịp chạy trốn, và cả gia đình lại lao vào rãnh trú ẩn sau sân. Cách vài cánh cửa, vợ và con của Abdul Salam đã chết cũng làm vậy, nhưng một quả đạn cối đã giết chết con gái 15 tuổi của ông, Bor Jana.
Cả hai bên trong cuộc chiến đều đã cố gắng để tránh gây thiệt mạng cho dân thường. Ngoài việc cảnh cáo dân phải di tản, Taliban còn thông báo cho dân làng về những khu vực nào có cài đặt mìn tự chế, đồng thời đóng các con đường giao thông dân sự khi nhắm tấn công vào các đoàn xe. Liên quân đã thả bom do laser dẫn đường, sử dụng loa phóng thanh để cảnh cáo dân làng về cuộc chiến sắp xẩy ra và điều động trực thăng đến trước trận chiến. Shakira nhớ lại , “Họ sẽ thả truyền đơn nói rằng, ‘Hãy ở trong nhà của bạn! Hãy tự cứu lấy mình!’” Tuy nhiên, trong một cuộc chiến tranh diễn ra bên ngoài những bức tường đất đầy sự sống, tuy nhiên, không nơi nào thực sự an toàn, và một số lớn thường dân đã thiệt mạng. Đôi khi, những thương vong như vậy đã gây ra sự lên án rộng rãi, như khi một hỏa tiễn của NATO tấn công một đám đông dân làng ở Sangin vào năm 2010, giết chết 53 thường dân. Nhưng phần lớn các sự kiện gây ra một hoặc hai cái chết – những mạng người vô danh chưa bao giờ được báo cáo, không bao giờ được các tổ chức chính thức ghi lại, và do đó không bao giờ được tính là một phần của số thường dân thiệt mạng trong chiến tranh.
Bằng cách này, những bi kịch của Shakira ngày càng chồng chất. Có Muhammad, một người em họ mười lăm tuổi: đã bị một chiếc máy bay không người lái buzzbuzzak giết chết khi đang đi xe máy qua làng với một người bạn. Shakira nhớ lại, “Âm thanh đó ở khắp mọi nơi. Khi chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay không người lái, bọn trẻ sẽ bắt đầu khóc, và tôi không thể nào vỗ về an ủi chúng.”
Muhammad Wali, một người anh họ, đã lớn: Dân làng được liên quân hướng dẫn ở trong nhà trong ba ngày khi họ nở cuộc hành quân, nhưng sau ngày thứ hai nước uống đã cạn kiệt và Wali buộc phải mạo hiểm ra ngoài. Anh ấy bị bắn.
Khan Muhammad, một người em họ 7 tuổi: Gia đình Muhammad đang chạy tránh một cuộc đụng độ bằng ô tô và bị bắm nhầm gần vị trí của liên quân; Khan Muhammad chết.
Bor Agha, em họ 12 tuổi: Đang đi dạo buổi tối thì bị trúng đạn từ căn cứ của Cảnh sát Quốc gia Afghanistan chết. Sáng hôm sau, cha của Agha đến thăm căn cứ, trong sự bàng hoàng đi tìm câu trả lời, và được thông báo rằng cậu bé đã được cảnh cáo trước đó là không được đi đến gần căn cứ. Cha Bor Agha nhớ lại “Chỉ huy của họ đã ra lệnh nhắm bắn vào con tôi.”
Amanullah, một người em họ 16 tuổi: Cậu ta đang làm việc trên vùng đất thì bị một tay súng của Quân đội Afghanistan bắn gục. Không ai đưa ra lời giải thích, gia đình sợ quá không dám đến gần căn cứ Quân đội để hỏi thăm.
Ahmed, một người anh họ, đã lớn: Sau một ngày dài trên cánh đồng, anh ta đang về nhà, mang theo một cái bếp điện, thì bị liên quân tấn công. Gia đình tin rằng những người nước ngoài đã nhầm cái bếp điện với một quả mìn.
Niamatullah, anh của Ahmed: Anh ấy đang hái thuốc phiện khi một cuộc đọ súng nổ ra gần đó; Anh đã cố chạy tránh đạn nhưng đã bị một buzzbuzzak (máy bay không người lái) bắn hạ.
Gul Ahmed, một chú của chồng Shakira: Ông ấy muốn bắt đầu làm việc sớm hơn, vì vậy đã nhờ các con trai mang bữa ăn sáng ra đồng. Khi đến nơi, họ đã thấy xác ông. Các nhân chứng nói rằng ông đã gặp phải một toán quân liên quân đi tuần. Shakira nói, những người lính đó “bỏ mặc anh ta ở đây, như một con vật.”
Tất cả mọi chi trong gia tộc của Shakira, từ những người chú từng kể chuyện cho cô đến những người anh em họ chơi với cô trong hang động, đã biến mất. Tổng cộng, Shakira đã mất mười sáu người trong gia tộc. Tôi tự hỏi không biết các gia đình khác ở Pan Killay có hoàn cảnh giống như vậy không. Tôi đã lấy mẫu một cách ngẫu nhiên hàng chục gia đình trong làng và có những câu hỏi tương tự ở các làng khác, để bảo đảm rằng Pan Killay không phải là ngoại lệ. Ở mỗi gia đình, tôi ghi lại tên của những người chết, kiểm soát lại với giấy chứng tử và lời khai của nhân chứng. Trung bình, tôi nhận thấy, mỗi gia đình mất từ 10 đến 12 người thân trong cái mà người dân địa phương gọi là Chiến tranh của Mỹ.
Kabul, một đô thị nhộn nhịp, nơi người dân có đời sống tương đối an ninh, và không có độ đau khổ như ở Pan Killay và nhưng vùng quê tương tự. Nhưng ở những vùng thôn dã như Sangin, những vụ giết hại dân thường không ngừng khiến nhiều người Afghanistan hướng về Taliban. Đến năm 2010, nhiều gia đình ở các làng Ishaqzai có con trai theo Taliban, hầu hết họ đi theo chỉ để bảo vệ bản thân hoặc để trả thù; phong trào của Taliban đã hòa nhập triệt để hơn vào cuộc sống của Sangin so với những năm 1990. Bây giờ, khi Shakira và bạn bè của bà ấy thảo luận về Taliban, họ thực sự đang nói chuyện về bạn bè, hàng xóm và những người thân yêu của chính họ.
Một số sĩ quan Anh ở hiện trường lo ngại rằng Hoa Kỳ đang giết quá nhiều dân thường và đã vận động không thành công để yêu cầu loại bỏ Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ khỏi khu vực. Thay vào đó, quân đội từ khắp nơi trên thế giới đổ về Helmand, gồm cả người Úc, Canada và Đan Mạch. Nhưng dân làng không thể phân biệt được – đối với họ, những người chiếm đóng chỉ đơn giản là “người Mỹ”. Pazaro, người phụ nữ ở một ngôi làng gần đó, nhớ lại, “Có hai loại người – một loại có khuôn mặt đen và một loại có khuôn mặt hồng. Khi nhìn thấy họ, chúng tôi vô cùng sợ hãi.” Liên minh miêu tả người dân địa phương đang khao khát được giải phóng khỏi Taliban, nhưng một phúc trình mật của tình báo từ năm 2011 đã mô tả nhận thức của cộng đồng về lực lượng liên minh là “không thuận lợi”, với dân làng đã lên tiếng cảnh cáo rằng, nếu liên minh “không rời khỏi khu vực, dân địa phương sẽ buộc phải di tản.”
Để đối phó, liên minh chuyển sang chiến lược lấy lòng dân bằng các chống nổi dậy. Nhưng những nỗ lực của người nước ngoài để đưa người vào cộng đồng địa phương có thể là thô thiển: họ thường chiếm nhà, chỉ khiến dân làng tiếp tục gặp nguy hiểm vì ở giữa hai lằn đạn. Pashtana, một phụ nữ từ một làng Sangin khác, nói với tôi,
“Họ đến bằng vũ lực mà không cần sự cho phép của chúng tôi. Đôi khi, họ đột nhập vào nhà chúng tôi, phá vỡ tất cả các cửa sổ và ở lại cả đêm. Chúng tôi phải chạy trốn, khi Taliban nã đạn vào họ.”
Pashtana
Marzia, một phụ nữ ở Pan Killay, nhớ lại,
“Taliban sẽ bắn một vài phát súng, nhưng người Mỹ sẽ đáp trả bằng súng cối.” Một viên đạn súng cối rơi vào nhà mẹ chồng của Marzia. Cô ấy nói rằng bà ấy sống, nhưng đã “mất tự chủ” – luôn luôn “hét vào những thứ chúng ta không thể nhìn thấy, hét vào những hồn ma.”
Marzia
Với cuộc chinh phục lòng dân đang lúng túng, một số giới chức của NATO đã cố gắng thuyết phục cấp chỉ huy Taliban làm phản. Năm 2010, một nhóm chỉ huy của Taliban ở Sangin, liên lạc với người Anh, hứa sẽ xoay chiều để đổi lấy sự hỗ trợ cho các cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, khi cấp lãnh đạo Taliban gặp nhau để đàm phán thỏa thuận, Lực lượng trong Chiến dịch Đặc biệt – hoạt động độc lập – đã độc lập ném bom – giết chết nhân vật hàng đầu của Taliban đứng sau cuộc vận động hòa bình.
Thủy quân lục chiến cuối cùng đã rời bỏ Sangin vào năm 2014; Quân đội Afghanistan đã giữ vững vị trí của họ trong ba năm, cho đến khi Taliban kiểm soát được phần lớn thung lũng. Mỹ không vận quân đội của Afghanistan ra ngoài và san bằng nhiều căn cứ của chính phủ – rời đi, như một tuyên bố của NATO đã mô tả một cách tán thành, chỉ là “đống đổ nát và bụi bẩn”. Chợ Sangin đã bị xóa sổ theo cách này. Khi Shakira lần đầu tiên nhìn thấy những cửa hàng đổ nát, bàấy nói với chồng mình, “Họ chẳng để lại gì cho chúng ta cả.”
Tuy nhiên, cảm giác lạc quan vẫn còn ở Pan Killay. Chồng của Shakira đã giết thịt một con cừu để ăn mừng chiến tranh kết thúc, và gia đình thảo luận về việc cải tạo khu vườn. Mẹ chồng cô kể về những ngày trước khi có người Nga và người Mỹ, khi các gia đình đi chơi dọc con kênh, đàn ông nằm dài dưới bóng cây đào, còn phụ nữ nằm ngủ trên mái nhà dưới những vì sao.
Nhưng vào năm 2019, khi Hoa Kỳ đang hội đàm với các thủ lĩnh Taliban tại Doha, Qatar, chính phủ Afghanistan và các lực lượng Mỹ đã cùng tiến về Sangin lần cuối. Tháng Giêng năm đó, họ mở cuộc tấn công có lẽ tàn khốc nhất mà thung lũng đã chứng kiến trong toàn bộ cuộc chiến. Shakira và những người dân làng khác chạy trốn đến sa mạc, nhưng không phải ai cũng có thể trốn thoát. Ahmed Noor Mohammad, người chủ một doanh nghiệp điện thoại trả tiền, quyết định đợi để di tản, vì hai con trai sinh đôi của ông bị bệnh. Gia đình ông đi ngủ, xa xa là tiếng đại bác vọng về. Đêm đó, một quả bom của Mỹ dội thẳng vào căn phòng nơi hai cậu con trai sinh đôi đang ngủ, giết họ chết. Một quả bom thứ hai đã rơi trúng một căn phòng cạnh bên, giết chết cha của Mohammad và nhiều người khác, trong đó có 8 trẻ em.
Ngày hôm sau, tại đám tang, một cuộc không kích khác đã giết chết sáu người đưa tang. Tại một ngôi làng gần đó, một chiếc máy bay đã bắn hạ ba đứa trẻ. Ngày hôm sau, bốn đứa trẻ nữa bị bắn chết. Ở những nơi khác ở Sangin, một cuộc không kích đã tấn công vào một trường học Hồi giáo, giết chết một đứa trẻ. Một tuần sau, mười hai vị khách trong một đám cưới đã thiệt mạng trong một cuộc không kích.
Sau vụ đánh bom, anh trai của Mohammad đã đến Kandahar để báo cáo vụ thảm sát với Liên Hiệp Quốc và chính phủ Afghanistan. Khi không tìm được công lý, anh ta gia nhập Taliban.
Với sức mạnh của nguồn cung cấp tân binh dường như vô tận, Taliban không gặp khó khăn gì khi qua mặt liên quân về sức chịu đựng tổn thất. Tuy nhiên, mặc dù cuộc nổi dậy cuối cùng đã mang lại hòa bình cho vùng thôn dã Afghanistan, đó là một nền hòa bình hoang tàn: nhiều ngôi làng chỉ còn là những đống đổ nát. Tái thiết sẽ là một thách thức, nhưng một thử thách lớn hơn sẽ là xóa bỏ những ký ức của hai thập kỷ qua. Pazaro nói: “Con gái tôi thức dậy và hét lên rằng người Mỹ đang đến. Chúng tôi phải tiếp tục nói chuyện nhẹ nhàng với cô ấy, và nói với cô ấy, ‘Không, không, họ sẽ không quay lại đâu.’”
Taliban gọi lãnh thổ của họ là Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan và tuyên bố rằng, một khi người nước ngoài biến mất, họ sẽ làm chủ một kỷ nguyên ổn định yên tĩnh. Khi chính phủ Afghanistan sụp đổ vào mùa hè này, tôi đã đi qua tỉnh Helmand – thủ phủ thực tế của Tiểu vương quốc – để xem một Afghanistan hậu Mỹ sẽ như thế nào.
Tôi khởi hành từ Lashkar Gah, nơi vẫn còn trong sự kiểm soát của chính phủ. Ở vùng ngoại ô, có một tòa nhà xi măng treo cờ của chính phủ Afghanistan – sau trạm kiểm soát này, quyền lực của Kabul đã biến mất. Một chiếc xe bán tải mở máy đậu gần đó; chất đống trên thùng xe là nửa tá thành viên của sangorian, một lực lượng dân quân đáng sợ do cơ quan tình báo Afghanistan trả lương, được sự hậu thuẫn của C.I.A. Hai trong số những dân quân đó không quá mười hai tuổi.
Tôi đã đi cùng hai người dân địa phương, trong một chiếc xe Corolla xập xệ, đi qua qua trạm kiểm soát mà không báo trước. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã ở một chân trời vô tận đất nóng như nung, hầu như không có con đường nào bên dưới chúng tôi. Chúng tôi đi qua các tiền đồn bỏ hoang do người Mỹ và người Anh đã xây dựng cho Quân đội và Cảnh sát Afghanistan. Phía sau họ là một loạt công sự tròn bằng bùn, với một tay súng bắn tỉa Taliban đơn độc nằm sấp trên bụng.
Những lá cờ trắng phấp phới sau lưng, báo hiệu cửa ngõ vào Tiểu vương quốc Hồi giáo.
Sự khác biệt nổi bật nhất giữa đất nước của Taliban và thế giới mà chúng ta bỏ lại là sự khan hiếm tay súng. Ở Afghanistan, tôi đã quen với những cảnh sát có đôi mắt bôi đen trong chiếc quần rộng thùng thình, những người lính dân quân đeo Balaclavas, những nhân viên tình báo kiểm soát ô tô. Tuy nhiên, chúng tôi hiếm khi đi qua trạm kiểm soát của Taliban, và khi chúng tôi qua đó chiến binh Taliban kiểm soát lung tung. Người lái xe của tôi cười nói “Mọi người đều sợ Taliban. Các trạm kiểm soát ở trong trái tim của chúng tôi.”
Nếu mọi người sợ hãi những người cai trị mới thì họ cũng trở nên thân thiết với họ. Đây đó, những nhóm dân làng ngồi dưới những giàn cây ven đường, nhâm nhi tách trà với Talibs. Vùng trời trước mặt mở ra khi chúng tôi đi bộ dọc theo một con đường đất ở vùng quê Sangin. Trong kênh đào, những cậu bé đang bơi đua; Những người đàn ông trong làng và Taliban đang ngâm chân của họ xuống làn nước màu ngọc lam. Chúng tôi đi qua vùng đất trồng trọt xanh tươi và những tán cây ăn quả. Những nhóm phụ nữ đi dọc con đường chợ, và hai cô gái mặc áo choàng cũ nát.
Chúng tôi sắp đến Gereshk, lúc đó đang thuộc thẩm quyền của chính phủ. Vì thị trấn là điểm thu lộ phí béo bở nhất trong khu vực, người ta nói rằng bất cứ ai giữ được nó sẽ kiểm soát toàn bộ Helmand. Taliban đã mở một cuộc tấn công, và những tiếng đại bác vang dội khắp vùng đồng bằng. Một dòng người, những con lừa của họ đang mệt nhọc dưới sức nặng của những gói bọc khổng lồ, đang cố thoát khỏi những gì họ nói là các cuộc không kích. Bên vệ đường, một người phụ nữ mặc áo choàng màu xanh che kín thân người, đứng bên chiếc xe cút kít. Một số Taliban đã tập trung trên một đỉnh đồi, chôn một đồng đội vừa tử trận ở một ngôi mộ.
Tôi đã gặp Wakil, một chỉ huy Taliban đeo kính cận. Giống như nhiều chiến binh mà tôi đã gặp, ông ta xuất thân là một nông dân, đã học vài năm trong trường dòng, và đã mất hàng chục người thân vì Amir Dado, Sư đoàn Chín mươi ba và người Mỹ. Ông ta thảo luận về những tai họa ập đến với gia đình mình không thù oán, như thể Chiến tranh Hoa Kỳ là trật tự tự nhiên của mọi thứ. Ba mươi tuổi, ông lên cấp chỉ huy sau khi một người anh, một chỉ huy Taliban, chết trong trận chiến. Ông ta hầu như không bao giờ rời Helmand, và khuôn mặt ông ta sáng lên với vẻ ngạc nhiên khi nghĩ đến việc chiếm được Gereshk, một thị trấn mà ông đã sống chỉ cách vài dặm, nhưng đã không thể đến thăm trong hai mươi năm. Ông ấy nói và cười khi tôi viết vội các ghi chú, “Quên bài viết của bạn đi. Hãy đến xem tôi lấy thành phố!” Theo dõi một chiếc trực thăng lướt qua đường chân trời, tôi từ chối. Ông ta chạy đi. Một giờ sau, một hình ảnh hiện trên điện thoại của tôi cho thấy Wakil đang kéo một tấm áp phích của một nhân vật chính phủ có liên hệ với Sư đoàn Chín mươi ba xuống. Gereshk đã thất thủ.
Tại nhà của thống đốc quận Taliban, một nhóm người Talib đang ngồi ăn đậu bắp và naan do làng quyên góp. Tôi hỏi họ về kế hoạch hậu chiến. Hầu hết nói rằng họ sẽ quay trở lại làm nông hoặc đi học về tôn giáo. Tôi đã bay đến Afghanistan từ Iraq, một thực tế đã gây ấn tượng với Hamid, một viên chỉ huy trẻ. Ông ấy nói rằng ômg ấy mơ thấy tàn tích Babylon và hỏi, “Ông có nghĩ rằng, khi chiến tranh kết thúc, họ sẽ cấp chiếu khán cho tôi không?”
Rõ ràng là Taliban đang không thống nhất về chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trong chuyến thăm của tôi, hàng chục thành viên từ các vùng khác nhau của Afghanistan đã đưa ra những tầm nhìn tương phản ấn tượng về Tiểu vương quốc của họ. Những người Talibs có đầu óc chính trị, những người đã sống ở nước ngoài và vẫn giữ nhà ở Doha hoặc Pakistan nói với tôi – có lẽ có tính toán – rằng họ có một cái nhìn mang tính quốc tế hơn trước. Một học giả đã dành phần lớn thời gian trong hai thập kỷ qua đi lại giữa Helmand và Pakistan cho biết,
“Có rất nhiều sai lầm mà chúng tôi đã mắc phải trong những năm 1990. Hồi đó, chúng tôi không biết về nhân quyền, giáo dục, chính trị – chúng tôi chỉ nắm lấy mọi thứ bằng quyền lực. Nhưng giờ thì chúng tôi đã hiểu.”
Trong kịch bản màu hồng của vị học giả, Taliban sẽ chia sẻ ghế trong nội các với những kẻ thù cũ, trẻ em gái sẽ đi học và phụ nữ sẽ làm việc “sánh vai” với đàn ông.
Tuy nhiên, ở Helmand, rất khó để tìm thấy loại Talib này. Điển hình hơn là Hamdullah, một viên chỉ huy Taliban mặt hóp đã mất hàng chục người thân trong gia đình trong cuộc chiến tranh của Mỹ, và đã đo lường cuộc sống của mình bằng đám cưới, đám tang và những trận chiến ông đã tham dự. Hamdullah nói rằng cộng đồng của ông đã phải chịu đựng quá nhiều đau thương để có thể chia sẻ quyền lực, và cuộc khủng hoảng của hai mươi năm trước chỉ đưa ra một giải pháp duy nhất: trở về tình trạng trước đó. Ông ấy nói với tôi, với niềm tự hào, rằng ông dự định tham gia cuộc hành quân của Taliban đến Kabul, một thành phố mà ông ta chưa từng thấy. Ông đoán rằng ông sẽ đến đó vào giữa tháng Tám.
Đối với câu hỏi nhạy cảm nhất trong cuộc sống làng xã – quyền của phụ nữ – những người đàn ông như ông ta đã không lay chuyển. Ở nhiều vùng thôn dã ở Helmand, phụ nữ bị cấm đi chợ. Khi một phụ nữ Sangin gần đây đi mua bánh quy cho con ở chợ, Taliban đã đánh cô, chồng cô và chủ tiệm. Các chiến binh Taliban nói với tôi rằng họ dự định cho phép các cô gái đi học, nhưng chỉ khi đến tuổi dậy thì. Như trước đây, phụ nữ sẽ bị cấm làm việc, ngoại trừ nữ hộ sinh. Pazaro nói một cách rầu rĩ, “Họ không hề thay đổi.”
Đi qua Helmand, tôi hầu như không thể nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Taliban là một nhà nước.
Không giống như các phong trào nổi dậy khác, Taliban thực tế không cung cấp dịch vụ tái thiết, không có dịch vụ xã hội nào ngoài các tòa án khắc nghiệt của nó. Nó cũng không có sự phản đối nào: ở Pan Killay, Taliban đã hành quyết một dân làng tên là Shaista Gul sau khi biết rằng anh ta đã tặng bánh mì cho lính của Quân đội Afghanistan. Tuy nhiên, nhiều người dân Helmand dường như thích sự cai trị của Taliban – kể cả những phụ nữ mà tôi đã phỏng vấn. Nó như thể phong trào chỉ thắng một cách mặc định, do những thất bại thảm hại của đối thủ. Đối với người dân địa phương, ở các vùng nông thôn, cuộc sống dưới thời liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu với những đồng minh Afghanistan của họ hoàn toàn trở thành sự may may rủi; thậm chí uống trà trên cánh đồng ngập nắng, hoặc lái xe đến đám cưới của em gái bạn, cũng là một canh bạc có thể gây chết người. Những gì Taliban đưa ra trước các đối thủ của họ là một mặc cả đơn giản: Hãy tuân theo chúng tôi, và chúng tôi sẽ không giết bạn.
Bài toán nghiệt ngã này hiện lên trong mọi cuộc trò chuyện của tôi với dân làng. Tại làng Yakh Chal, tôi thấy tàn tích của một tiền đồn của Quân đội Afghanistan gần đây đã bị Taliban đánh phá. Tất cả những gì còn lại là đống sắt vụn, dây điện, bếp điện, sỏi. Sáng hôm sau, dân làng đổ ra tiền đồn, tìm kiếm thứ gì đó để bán. Abdul Rahman, một nông dân, đang cùng cậu con trai nhỏ đào bới đống rác thì một chiếc máy bay của Quân đội Afghanistan xuất hiện ở phía chân trời. Ông nhớ lại, nó bay thấp đến mức “ngay cả những khẩu Kalashnikov cũng có thể bắn vào nó.” Nhưng xung quanh không có Taliban, chỉ có dân thường. Súng nổ, và dân làng bắt đầu gục ngã sang phải và trái. Sau đó nó vòng lại, tiếp tục tấn công. Một nhân chứng khác cho biết: “Có nhiều thi thể trên mặt đất, chảy máu và rên rỉ. Có nhiều trẻ nhỏ.” Theo dân làng, ít nhất 50 thường dân đã thiệt mạng.
Sau đó, tôi nói chuyện qua điện thoại với một phi công trực thăng của Quân đội Afghanistan, người vừa giải vây cho một tiền đồn vừa bị tấn công. Ông ta nói với tôi,
“Tôi hỏi phi hành đoàn tại sao họ làm điều này, và họ nói, ‘Chúng tôi biết họ là dân thường, nhưng Căn cứ Bastion’ – một căn cứ cũ của Anh đã giao cho người Afghanistan – đã ra lệnh giết hết.”
Khi chúng tôi nói chuyện, trực thăng của Quân đội Afghanistan đã bắn vào khu chợ trung tâm đông đúc ở Gereshk, giết chết rất nhiều thường dân. Một viên chức của một tổ chức quốc tế ở Helmand cho biết, “Khi quân chính phủ mất một khu vực, họ trả thù dân thường.” Viên phi công trực thăng thừa nhận điều này và nói thêm, “Chúng tôi đang làm việc đó theo lệnh của Sami Sadat.”
Tướng Sami Sadat đứng đầu một trong bảy quân đoàn của Quân đội Afghanistan. Không giống như thế hệ cường hào Amir Dado, những người ở tỉnh lẻ và mù chữ, Sadat đã tốt nghiệp cao học về quản lý chiến lược và lãnh đạo tại một trường học ở Anh Quốc và học tại Học viện Quân sự NATO, ở Munich. Ông ấy vừa là sĩ quan trong quân đội và cũng là C.E.O. của Blue Sea Logistics, một tập đoàn có trụ sở tại Kabul chuyên cung cấp cho lực lượng chống Taliban mọi thứ, từ các bộ phận trực thăng cho đến xe bọc thép. Trong chuyến thăm của tôi đến Helmand, trực thăng Black Hawk dưới sự chỉ huy của ông ta đã mở cuộc thảm sát gần như hàng ngày: 12 người Afghanistan bị giết khi đang nhặt phế liệu tại một căn cứ cũ bên ngoài Sangin; bốn mươi người đã bị giết trong một vụ khác gần như giống hệt nhau tại Trại Walid của Quân đội bị bỏ hoang; 20 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng do các cuộc không kích vào chợ Gereshk; Những người lính Afghanistan đang bị Taliban bắt làm tù binh tại một nhà máy điện đã bị chính đồng đội của họ đưa vào tầm ngắm và giết chết trong một cuộc không kích. (Sadat đã nhiều lần từ chối các yêu cầu bình luận.)
Một ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát ở tiền đồn Yakh Chal, CNN đã phát hình một cuộc phỏng vấn với Tướng Sadat. Ông nói, “Helmand rất đẹp – nếu nó yên bình, du lịch có thể đến.”
Ông giải thích binh sĩ của ông có tinh thần cao, và tự tin đánh bại Taliban. Người phỏng vấn của CNN có vẻ nhẹ nhõm, bà ấy nói. “Ông có vẻ rất lạc quan. Thật yên tâm khi nghe ông nói.”
Tôi cho Mohammed Wali, một người bán dạo trên xe đẩy ở một ngôi làng gần Lashkar Gah, xem cuộc phỏng vấn. Vài ngày sau vụ thảm sát Yakh Chal, dân quân chính phủ trong khu vực của ông đã đầu hàng Taliban.
Trực thăng Black Hawk của Tướng Sadat bắt đầu tấn công các ngôi nhà, dường như là một cách ngẫu nhiên. Họ nổ súng vào nhà của Wali, và con gái ông ta bị mảnh đạn vào đầu và chết. Anh của ông ta lao ra sân, ôm cơ thể mềm nhũn của cô gái đến trước trực thăng, hét lên, “Chúng tôi là thường dân!” Những trực thăng đó đã bắn chết ông ta và con trai của Wali. Vợ ông bị mất chân, và một người con gái khác đang hôn mê. Khi Wali xem clip CNN, anh ấy đã khóc nức nở và hỏi, “Tại sao họ làm việc này? Họ đang chế giễu chúng tôi?”
Trong vài giờ trong năm 2006, Taliban đã giết chết 32 người bạn và người thân của Amir Dado, gồm cả con trai của ông ta. Ba năm sau, chính họ giết chết lãnh chúa – người mà lúc đó đã là dân biểu quốc hội – trong một vụ nổ ven đường. Người dàn dựng vụ ám sát đến từ Pan Killay. Nói một cách dễ hiểu, cuộc tấn công là dấu ấn của một cuộc nổi dậy của phe chính thống chiến đấu với một chính phủ được quốc tế công nhận; trong nột vụ khác, một chiến dịch trả thù của những người dân làng nghèo khó chống lại người đã người hành hạ họ; hoặc một cuộc tấn công trong một cuộc chiến tranh bộ lạc âm ỉ kéo dài; hoặc một cuộc tấn công của một băng đảng ma túy chống lại phe đối thủ. Tất cả những điều này có lẽ đúng, cùng một lúc. Điều rõ ràng là Hoa Kỳ đã không cố gắng giải quyết những chia rẽ đó và xây dựng các cơ quan bền vững, gồm cả; thay vào đó, Mỹ can thiệp vào một cuộc nội chiến, ủng hộ phe này chống lại phe kia. Kết quả là, giống như Liên Xô, kết quả là người Mỹ đã tạo ra hai dân tộc Afghanistan: một sa lầy trong cuộc xung đột bất tận, bên kia thịnh vượng và đầy hy vọng.
Afghanistan đầy hy vọng hiện đó đang bị đe dọa, sau khi các chiến binh Taliban tiến vào Kabul vào giữa tháng 8 – đúng như Hamdullah dự đoán. Hàng nghìn người Afghanistan, trong tuyệt vọng, đã mất nhiều tuần vừa qua để cố đến sân bay Kabul, cảm thấy rằng cuộc di tản điên cuồng của người Mỹ có thể là cơ hội cuối cùng để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Người phi công trực thăng, mà tôi đã nói chuyện trước đó, nài nỉ qua điện thoại, “Anh bạn, anh phải giúp tôi.” Lúc đó, anh ta đang chiến đấu với đám đông để đến gần cổng sân bay; khi bánh xe của chiếc máy bay cuối cùng của Hoa Kỳ rời khỏi phi đạo, anh ta đã bị bỏ lại phía sau. Chỉ huy của anh ta, Sami Sadat, được cho là đã trốn sang Anh Quốc.
Cho đến lúc gần đây, Kabul mà Sadat bỏ trốn thường thấy giống như một đất nước khác, thậm chí là một thế kỷ khác so với Sangin. Thủ đô Kabul đã trở thành một thành phố của những ánh đèn bên sườn đồi, những đại sảnh tiệc cưới sáng lung linh và những biển quảng cáo đèn neon thu hút đông đảo phụ nữ: các bà mẹ đi chợ, những đôi thiếu nữ đi học về, nhân viên cảnh sát đi tuần quấn khăn trùm đầu, các nhân viên văn phòng mang những chiếc túi xách hàng hiệu. Những thành quả mà những người phụ nữ này đã có được trong Chiến tranh của Mỹ – và giờ đã mất đi – thật đáng kinh ngạc, và khó có thể hiểu được khi được so sánh với những ngôi làng kham khổ ở Helmand: Quốc hội Afghanistan có tỷ lệ phụ nữ tương tự như Quốc hội của Mỹ, và khoảng một phần tư sinh viên đại học là phái nữ. Hàng ngàn phụ nữ ở Kabul cảm thấy khiếp sợ một cách dễ hiểu rằng Taliban đã không tiến hóa. Vào cuối tháng 8, tôi đã nói chuyện qua điện thoại với một bác sĩ khoa da đang ở nhà bà ấy. Bà đã đi học ở nhiều quốc gia và điều hành một phòng khám lớn có hàng chục phụ nữ. Bà ấy nói với tôi, “Tôi đã làm việc quá nhiều để đến được đây. Tôi đã học quá lâu, tôi tự kinh doanh, tôi tạo ra phòng khám của riêng mình. Đây là giấc mơ của cuộc đời tôi.” Bà ấy đã không bước ra ngoài trời trong hai tuần.
Việc Taliban tiếp quản Afghanistan đã khôi phục lại trật tự cho vùng nông thôn bảo thủ trong khi đẩy các đường phố tương đối tự do ở Kabul vào nỗi sợ hãi và vô vọng. Sự đảo ngược số phận này làm sáng tỏ tiền đề bất thành văn của hai thập kỷ qua: nếu quân đội Hoa Kỳ tiếp tục chiến đấu với Taliban ở nông thôn, thì cuộc sống ở các thành phố có thể nở rộ. Đây có thể là một dự án bền vững – Taliban đã không thể chiếm được các thành phố khi đối phó với hỏa lực của không quân Hoa Kỳ. Nhưng nó công bằng hay không? Quyền của một cộng đồng có thể phụ thuộc vĩnh viễn vào việc tước bỏ quyền sống của cộng đồng khác hay không? Ở Sangin, bất cứ khi nào tôi đưa ra câu hỏi về giới tính, phụ nữ trong làng đều phản ứng bằng sự nhạo báng. Pazaro nói “Họ đang trao quyền cho phụ nữ Kabul, và họ đang giết phụ nữ ở đây. Đây là công lý hay sao?” Marzia, dân ở Pan Killay, nói với tôi, “Đây không phải là ‘quyền của phụ nữ’ khi bạn đang giết chúng tôi, giết anh em chúng tôi, giết cha của chúng tôi.” Khalida, từ một ngôi làng gần đó, nói, “Người Mỹ không mang lại cho chúng tôi bất kỳ loại quyền nào. Họ chỉ đến, chiến đấu, giết chóc, và bỏ đi.”
Những người phụ nữ ở Helmand không đồng ý với nhau về những quyền mà họ nên có. Một số người khao khát các quy tắc làng xã cũ sụp đổ – họ muốn đi chợ hoặc đi dạo bên con kênh mà không gây ra ám chỉ hoặc tệ hơn. Những người khác bám vào cách giải thích truyền thống hơn. Shakira nói với tôi, “Phụ nữ và đàn ông không bình đẳng. Mỗi người đều do Thượng đế tạo ra, và mỗi người đều có vai trò riêng, thế mạnh riêng mà người kia không có.” Đã hơn một lần, khi chồng bà nằm trong cơn mê thuốc phiện, bà đã tưởng tượng đến chuyện bỏ ông ta. Tuy nhiên, Nilofar đã đến tuổi trưởng thành, và một cuộc ly hôn có thể gây ra sự xấu hổ cho gia đình, làm thiệt hại đến tương lai của cô con gái. Qua bạn bè, Shakira nghe những câu chuyện về những thành phố hoang tàn với những cuộc hôn nhân tan vỡ và mại dâm. Shakira nói, “Quá nhiều tự do rất nguy hiểm, bởi vì mọi người sẽ không biết giới hạn.”
Tuy nhiên, tất cả những phụ nữ tôi gặp ở Sangin dường như đồng ý rằng quyền của họ, bất cứ điều gì họ có thể đòi hỏi, không thể tuôn ra từ nòng súng – và chính các cộng đồng Afghanistan phải cải thiện điều kiện sống của phụ nữ. Một số dân làng tin rằng họ có một nguồn tài nguyên văn hóa vững mạnh để tiến hành cuộc đấu tranh đó: chính là đạo Hồi. Pazaro nói với tôi: “Taliban đang nói phụ nữ không được ra ngoài, nhưng thực ra không có luật Hồi giáo nào định như thế. Miễn là chúng tôi mặc y phục che toàn thân, chúng tôi được phép.” Tôi đã hỏi một học giả Taliban hàng đầu ở Helmand rằng chỗ nào trong văn hóa Hồi giáo người ta xác định rằng phụ nữ không được đi chợ hay đi học. Ông thừa nhận, hơi kinh ngạc, rằng đây không phải là một lệnh cấm thực sự của Hồi giáo. Ông nói: “Đó là văn hóa trong làng, không phải đạo Hồi. Những người ở đó có những niềm tin như thế về phụ nữ, và chúng tôi làm theo họ.” Cũng giống như Hồi giáo đưa ra các khuôn mẫu công bằng hơn về hôn nhân, ly hôn và thừa kế so với nhiều tiêu chuẩn của bộ lạc và làng xã, những người phụ nữ này hy vọng có thể sắp xếp đức tin của họ – ngôn ngữ chung trên nhiều vùng đất của đất nước họ – để tạo ra nhiều quyền tự do hơn.
Mặc dù Shakira hầu như không nói về điều đó, nhưng chính bà ấy đã tự ấp ủ những ước mơ như vậy. Trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, bà tiếp tục tự học đọc và hiện đang đọc theo cách của mình bản dịch Kinh Qur’an bằng tiếng Pashto, mỗi lần một thiên xu-ra. Bà nói, “Nó mang lại cho tôi nguồn an ủi rất lớn.” Bà đang dạy con gái út bảng chữ cái, và có một tham vọng táo bạo: tập hợp bạn bè của mình và yêu cầu những người đàn ông xây dựng một trường nữ sinh.
Ngay cả khi Shakira nghĩ về việc đưa Pan Killay tiến về phía trước, bà ấy vẫn quyết tâm ghi nhớ quá khứ của nó. Bà ấy nói với tôi rằng ngôi làng có một nghĩa trang trải rộng trên một vài đỉnh đồi. Không có biển quảng cáo, không có cờ hiệu, chỉ là những đống đá đỏ hồng dưới ánh nắng chiều. Từ mỗi ngôi mộ đều có một phiến đá trống, một phiến đánh dấu đầu, một phiến đánh dấu chân.
Gia đình của Shakira đến thăm mỗi tuần, và bà chỉ vào gò đất nơi ông của bà an nghỉ, nơi anh em họ của bà đang yên giấc, vì bà không muốn con mình quên. Họ buộc những chiếc khăn trên cành cây để thu hút phước lành và cầu nguyện cho những người đã ra đi. Họ dành hàng giờ giữa một vùng địa lý thiêng liêng gồm đá, bụi cây và suối, và Shakira cảm thấy được đổi mới.
Ngay trước khi người Mỹ rời đi, họ đã cho nổ tung ngôi nhà của bà ấy, dường như để đáp trả việc Taliban bắn một quả lựu đạn gần đó. Với hai phòng vẫn còn nguyên, ngôi nhà một nửa có thể ở được, một nửa bị phá hủy, giống như chính Afghanistan. Bà ấy nói với tôi rằng bà sẽ không bận tâm đến việc thiếu căn bếp, hoặc cái lỗ hổng nơi đã kê tủ đựng thức ăn. Thay vào đó, bà chọn nhìn thấy một ngôi làng trong sự tái sinh. Shakira chắc chắn rằng một con đường mới lát đá sẽ sớm chạy ngang qua nhà, đá dăm nóng ran vào những ngày hè. Những con chim duy nhất trên bầu trời sẽ là loại có lông vũ. Nilofar sẽ kết hôn, và các con của cô ấy sẽ đi dọc con kênh để đến trường. Các cô gái sẽ có những con búp bê bằng nhựa, với mái tóc mà họ có thể chải. Shakira sẽ có một cái máy có thể giặt quần áo. Chồng bà sẽ hết nghiện, ông ấy sẽ thừa nhận những thất bại của mình, ông ấy sẽ nói với gia đình rằng ông ấy yêu họ hơn bất cứ điều gì. Họ sẽ đến thăm Kabul, và đứng dưới bóng của những tòa nhà kính khổng lồ. Bà nói,
“Tôi phải tin. Nếu không, tất cả để làm gì?” ♦
Shakira
Tác giả | Anand Gopal nói tiếng Ả Rập, Dari và Pashto, và là Phụ tá Giáo sư Nghiên cứu, Trung tâm về Tương lai của Chiến tranh, Trường Chính trị và Nghiên cứu Toàn cầu tại Arizona State University (ASU). Ông là một nhà báo và chuyên gia xã hội (Tiến sĩ, Đại học Columbia), từng làm việc nhiều ở Afghanistan, Syria và Iraq. Ông viết cho New Yorker, Tạp chí New York Times, và những tạp chí khác. Gopal là tác giả của “Không có người đàn ông tốt nào trong số những người còn sống: Nước Mỹ, Taliban và Cuộc chiến qua đôi mắt Afghanistan” (“No Good Men Among the Living: America, the Taliban, and the War through Afghan Eyes”) lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Pulitzer năm 2015 cho thể loại phi hư cấu nói chung và Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2014. Ông đang viết một cuốn sách về các cuộc cách mạng Ả Rập.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Anand Gopal | The Other Afghan Women | The New Yorker | September 13, 2021 Issue (September 6, 2021).
DCVOnline minh họa. Chú thích của người dịch.
[1] The Islamic Emirate of Afghanistan
[2] Tên thật là Dad Mohammad Khan, dân địa phương gọi là Amir Dado, là một dân biểu trong Quốc hội Afghanistan đại diện cho tỉnh Helmand. Ông từng là giám đốc tình báo của tỉnh Helmand, và không thành công khi tranh cử chức phó tổng thống thứ hai với Sayyed Abdul Hadi Dabir trong cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan năm 2004.