Quốc hội đang xin phép (quốc hội) để vay thêm một hoặc hai tỷ đô la khác

Ron Elving | DCVOnline

Việc đó cứ trở đi trở lại như một đồng xu đỏ: Quốc hội sắp sửa phải nâng trần nợ một lần nữa. Gần như là lần thứ 100 quốc hội phải nâng trần nợ như vậy.

Các đảng viên Đảng Dân chủ Hạ viện hôm thứ Ba đã thông qua một dự luật sẽ giữ trần nợ Hoa Kỳ đến tháng 12 năm 2022 và tạm thời tài trợ cho chính phủ để ngăn chặn việc ngừng hoạt động. Bloomberg qua Getty Images

Sau khi đảng Cộng hòa cằn nhằn về trần nợ vào năm 20112013, làm chao đảo thị trường tài chính và gần như đẩy Hoa Kỳ vào tình trạng vỡ nợ, đảng này đã hợp tác với đảng Dân chủ để nâng trần nợ – mà không cần nhiều lời – ba lần dưới thời Tổng thống Trump.

Bây giờ, với việc chính phủ liên bang một lần nữa lại nâng trần nợ, các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện đang mở cuộc thách thức. Họ biết dự luật trần nợ sẽ cần ít nhất 10 phiếu của GOP để thượng viện thông qua, tuy nhiên đảng Cộng hòa đã nói trong nhiều tuần rằng họ sẽ không ủng hộ việc này. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell hôm thứ Hai đã nhắc lại quan điểm này.

“Các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện sẽ ủng hộ một giải pháp tiếp tục gọn gồm cứu trợ thiên tai thích hợp và viện trợ có mục tiêu cho Afghanistan. Chúng tôi sẽ không ủng hộ luật tăng trần nợ.”

Mitch McConnell

Trần nợ là gì?

Đó là giới hạn về số tiền mà chính phủ liên bang có thể vay. Hay nói chính xác hơn, giới hạn mà chính phủ liên bang sẽ được phép thêm vào tổng số nợ tích lũy từ các thế hệ trước. Thường xuyên, Quốc hội bỏ phiếu để nâng giới hạn để nó có thể tiếp tục vay.

Nó không có trong Hiến pháp – hay Kinh thánh

Vậy giới hạn nợ này do đâu mà có?

Nó có do Quốc hội. Nó đã được áp đặt cách đây một thế kỷ, vào năm 1917, khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trần nợ nhằm xoa dịu những thành viên Quốc hội, chính những người phản đối cuộc chiến (như nhiều người Mỹ gốc Đức và người Mỹ gốc Ireland đã làm) hoặc phản đối việc đặt chi phí của nó “trên còng” (ngày nay chúng ta có thể nói “trên thẻ VISA quốc gia của chúng ta”). Mức trần nợ ban đầu – 1 tỷ đô la – là một con số hoàn toàn tùy ý. Nhưng nó đại diện cho một số tiền vô cùng to lớn vào thời điểm đó, nhiều hơn gấp đôi số tiền mà chính phủ đã chi vào năm 1916. Vì vậy, dường như nó chắc chắn có thể trang trải cho mọi trường hợp có thể tưởng tượng được, ngay cả khi nó làm những người bảo thủ về tài chánh ở cả hai đảng phải nhướng mày và phản đối.

Hai mươi năm sau, vào năm 1939, khi Chiến tranh Thế giới thứ hai đang diễn ra ở những nơi khác và đe dọa Hoa Kỳ có thể phải tham gia, Quốc hội đã đồng ý sửa đổi cơ chế trần nợ để cho Kho bạc có thể dễ xoay xở hơn một chút. Và chúng ta đã dùng những phiên bản bổ túc và thay đổi của cơ chế đó kể từ đó đến nay.

Lần gần đây nhất, vào năm 2017, đặt giới hạn là 22 nghìn tỷ đô la. Nhưng nó cũng được phép ngưng giới hạn ở đó, nhưng theo đó Hoa Kỳ đã vay thêm khoảng 6,5 nghìn tỷ đô la kể từ đó.

Từ khi nào thì trần nợ bắt đầu là vấn đề?

Cũng vậy, nợ liên bang – tích lũy của tất cả các khoản thâm hụt hàng năm của chính phủ liên bang – lên tới 1 nghìn tỷ đô la vào khoảng năm 1980 và trở thành một vấn đề vận dộng tranh cử rất lớn đối với Ronald Reagan, người được bầu vào năm đó. TT Reagan nói trong một bài phát biểu từ Phòng Bầu dục vào ngày 5 tháng 2 năm 1981,

Bài phát biểu của Tổng thống Reagan trước Quốc dân về nền kinh tế tại văn phòng bầu dục, 5 tháng 2, 1981. YouTube

“Ngày nay khoản nợ là 934 tỷ đô la. Cái gọi là tăng tạm thời hoặc nâng cao trần nợ đã được cho phép 21 lần trong 10 năm qua, và bây giờ tôi bị buộc phải yêu cầu tăng trần nợ một lầm nữa nếu không chính phủ sẽ không thể hoạt động sau giữa tháng 2 – và tôi chỉ mới làm tổng thống 16 ngày.”

Ronald Reagan, 1981

Reagan đã lý tưởng hóa việc chính phủ suy giảm trong thời kỳ cầm quyền của mình – nhưng không phải vậy. Thậm chí không có chút nào. Chi tiêu tăng lên, nguồn thu bị giảm do cắt giảm thuế. Thâm hụt tiếp tục và mở rộng. Vì vậy, khoản nợ tích lũy ngày càng lớn. Trên thực tế, nợ liên bang đã lên tới 3 nghìn tỷ USD vào cuối những năm 1980 – vẫn là thập kỷ duy nhất trong lịch sử mà nợ quốc gia tăng gấp ba lần.

Giới hạn là lá sung – hay quả bóng bầu dục?

Rõ ràng, có trần nợ ở đó để nâng lên. Nhưng thường bao lâu thì Quốc hội có thể nâng nó lên? Câu trả lời là: Quốc hội được trao quyền để nâng hoặc sửa đổi giới hạn bất cứ khi nào nợ đến trần. Tất nhiên, nhóm diều hâu chống thâm hụt có quyền phản đối mỗi lần giới hạn được nâng cao hơn, điều này làm cho việc nâng trần nợ là quả bóng chính trị, lần nào cũng vậy.

Và cho đến nay, giới hạn nợ của quốc gia đã được nâng lên hoặc sửa đổi hoặc tạm thời bị đình chỉ 98 lần khác nhau, theo Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội. Trong những năm 1980 và 1990, việc nâng giới hạn nợ là thông lệ, được phê chuẩn khi thông qua nghị quyết ngân sách quốc hội mỗi năm. Dễ dàng. Thậm chí không đáng là một bản tin.

Điều đó đã thay đổi khi quyền kiểm soát của Quốc hội chuyển sang GOP vào năm 1994 và Newt Gingrich của Georgia trở thành Chủ tịch Hạ viện. Gingrich đại diện cho một thế hệ mới nổi của những người theo chủ nghĩa bảo thủ trong Hạ viện, những người đang đòi có một trật tự tài chính mới. Họ muốn có đè chiếu sáng vào khoản nợ và phải có một trận chiến đau đớn để nâng mức trần nợ. Và bằng cách này hay cách khác, họ đã mở một trận chiến như vậy mọi cơ hội có được kể từ đó, mặc dù phần lớn là khi đảng Dân chủ ở Tòa Bạch Ốc.

Chuyện gì sẽ  xảy ra nếu Quốc hội không tăng trần nợ?

Nếu chính phủ liên bang đạt đến trần nợ quốc gia, Kho bạc sẽ di chuyển tiền trong vòng một vài tuần để bù đắp sự thiếu hụt trong luồng tiền. Chúng là những gì giới chức Kho bạc gọi là “các biện pháp phi thường” – nhưng họ chỉ nói đến đó, và vào ngày 8 tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen thông báo các biện pháp này sẽ hết hiệu lực vào tháng 10.

Lúc đó sẽ khiến chính phủ không có tiền để trả lương và trả tiền mua hàng của chính phủ và gửi tất cả những chi phiếu cho An sinh xã hội và Medicare và tất cả các chi phí thuộc trách nhiệm liên bang khác.

Trong số những người đang chờ được trả tiền có những người nắm giữ trái phiếu kho bạc và các chứng khoán khác, một số trong số đó đang đáo hạn ngay lúc này. Nợ mới là điều cần thiết để trả tiền cho nhưng chi phí này nói riêng, bởi vì nếu không làm như vậy sẽ tạo thành một vụ vỡ nợ.

Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ vì không chi trả cho những nghĩa vụ quốc gia đang đáo hạn, đó là lý do chính khiến Hoa Kỳ có thể vay tiền dễ dàng với lãi suất thấp. Việc vỡ nợ sẽ khiến việc vay nợ trong tương lai trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.

Vì vậy cần có cơ quan cho vay mới để luồng tiền của chính phủ liên bang có thể tiếp tục lưu chuyển. Nếu không có nó, ít nhất các bộ phận của chính phủ phải đóng cửa, như chúng ta đã thấy trong các cuộc tranh chấp ngân sách năm 2011 và 2013 – và trong thời gian dài hơn vào năm 1995 và 1996.

Liệu chính phủ có thể xóa bỏ trần nợ để tránh những cuộc đấu đá này không?

Có thể cho rằng, việc bỏ giới hạn nợ sẽ chỉ đơn giản là loại bỏ chiếc lá vả đã che giấu thói quen vay mượn ngày càng lớn đang diễn ra. Nhưng nếu chúng ta cho rằng việc nâng giới hạn là điều khó nuốt về mặt chính trị, thì việc loại bỏ hoàn toàn nó có vẻ thực sự khó chịu.

Các cử tri có thể nhận thấy và họ có thể coi đó là sự vô trách nhiệm về tài chính, mặc dù họ không thích chính phủ đóng cửa. Họ cũng không thích khái niệm có một chính phủ không có giới hạn trong việc vay nợ.

Và điều quan trọng cần nói là có rất nhiều nghị sĩ thích mức trần nợ, vừa là biện pháp hạn chế tăng trưởng chi tiêu liên bang, vừa là cơ hội để buộc những thứ gây tranh cãi mà họ muốn làm với thứ mà cuối cùng, mọi người phải bỏ phiếu.

Như vậy, làm thế nào để họ bỏ phiếu để nâng trần nợ lên cao hơn?

Nhiều chiến thuật khác nhau đã được đưa ra để nâng giới hạn nợ mà không cần thông báo quá nhiều hoặc đi đến thất bại bầu cử. Nhưng kể từ năm 1995, khi Gingrich loại bỏ quy tắc tiện dụng “cho là” giới hạn được nâng lên cùng với việc thông qua ngân sách của mỗi năm, thì việc nâng giới hạn thường là một gánh nặng. Đó có thể là việc phải làm có trách nhiệm về mặt tài chính, nhưng nó có vẻ khó hiểu đối với nhiều cử tri.

Những dân biểu và nghị sĩ đương nhiệm không muốn làm điều đó dưới cái nhìn của những kẻ có thể thách thức trong các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới và các cuộc bầu cử mùa thu.

Trong những năm gần đây, Quốc hội đã áp dụng biện pháp treo trần nợ trong một khoảng thời gian hơn là nâng nó lên. Hiệu quả thực tế là như nhau và thời hạn có thể co giãn hơn. Nhưng cách dùng lá sung này đòi hỏi một biện pháp hợp tác lưỡng đảng, hoặc ít nhất là sự nhẫn nhịn. Điều này có thể dễ dàng hơn khi quyền kiểm soát Tòa Bạch Ốc và Điện Capitol được phân chia giữa hai bên, khiến cả hai bên có trách nhiệm chung trong việc ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.

Năm nay, với việc các đảng viên Dân chủ ít nhất trên danh nghĩa nắm quyền kiểm soát Quốc hội và Tòa Bạch Ốc, chỉ mình họ phải chịu trách nhiệm. Đảng Cộng hòa biết rằng họ không cần phải giúp đỡ và họ đã ra hiệu rằng họ sẽ không giúp. Điều này mang lại cho họ một cơ hội khác để coi các đề nghị ngân sách của đảng Dân chủ là quá đắt.

Giới lãnh đạo đảng Dân chủ đã gắn việc tăng trần nợ với luật có thể có thể thu hút hơn đối với đảng Cộng hòa (và một số đảng viên Dân chủ bảo thủ về mặt tài chính): một dự luật tài trợ cho chính phủ cho đến 3 tháng 12, 2021 và gồm cả kinh phí cứu trợ thiên tai khẩn cấp.

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Congress Is Seeking (Its Own) Permission To Borrow Another Trillion Or Two | Ron Elving | NPR | September 24, 2021.