Dịch Covid-19 nghiêm trọng ở Việt Nam dịu lại nhưng đã gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế
Michael Tatarski | DCVOnline
Hàng ngàn người không đủ tiền ăn cùng lúc thiệt hại kinh tế của đại dịch lộ diện
Hà Nội mở cửa trở lại, nhưng người dân đang đối phó với khó khăn mới về kinh tế. Ảnh: Stringer / Reuters
Tất cả dường như đang diễn ra rất tốt. Trong 18 tháng đầu tiên của đại dịch, Việt Nam là kiểu mẫu cho chiến lược kiểm soát Covid hiệu quả.
Việc đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, kiểm dịch toàn diện và truy tìm liên lạc nghiêm ngặt đồng nghĩa với việc người dân được hưởng quyền tự do mà những người sống ở Mỹ và châu Âu chỉ có thể mơ ước. Và đến tháng 4 năm nay, Việt Nam có ít hơn 4.000 người nhiễm — nhiều người bệnh đến từ nước ngoài và bị cách ly — và chỉ có 35 người chết vì Covid.
Tuy nhiên, biến thể Delta đã xuyên thủng áo giáp của Việt Nam, đưa đến một đợt dịch bùng phát dữ dội đang diễn ra.
Kể từ ngày 27/4, Bộ Y tế ghi nhận hơn 800.000 người mắc bệnh Covid trong nước và gần 20.000 người chết. Thành phố Hồ Chí Minh, trái tim thương mại của Việt Nam, trở thành là tâm chấn, chiếm hơn một nửa số người bệnh và gần 80% số người chết.
Thành phố có ít nhất 10 triệu dân này mở cửa lại sau 3 tháng đóng cửa, kể cả tuần thứ tư của lệnh ‘ở tại chỗ’ chỉ cho phép người dân rời khỏi nhà trong trường hợp khẩn cấp. Hàng tạp hóa phân phối qua một hệ thống do chính phủ hỗ trợ, đã bị hạn chế nghiêm trọng vì nhu cầu. Việc giao thực phẩm mua ở nhà hàng tiếp tục vào giữa tháng 9 sau khi bị cấm trong hơn hai tháng.
Những giới hạn sinh hoạt vẫn chưa được nới lỏng cho đến cuối tháng trước, nhưng Sài Gòn vẫn tiếp tục có hơn 3.000 người nhiễm mỗi ngày. Trong khi đó, số người nhiễm bệnh trên toàn quốc đã giảm từ mức trung bình bảy ngày, hơn 13.000 vào đầu tháng này xuống, còn khoảng 7.000.
Bác sĩ Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết:
“Thách thức lớn nhất là biến thể Delta có khả năng lây truyền cao. Nó đã góp phần vào sự gia tăng số người nhiễm bệnh theo cấp số nhân và đang khiến việc ngăn chặn sự lây lan của virus trở nên khó khăn. Sự gia tăng nhanh chóng của những bệnh nhân này đã làm cho hệ thống y tế bị áp lực quá mức và vượt quá khả năng đã chuẩn bị để cung cấp dịch vụ y tế thích hợp cho những người cần nó nhất.”
Bs Kidong Park
Đồng thời, tình trạng thiếu thuốc chích ngừa toàn cầu đã cản trở kế hoạch chích ngừa của chính phủ Việt Nam cho 97 triệu dân. Cho đến nay, chỉ có 10% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Kết quả của đợt đóng cửa kéo dài này đã gây thiệt hại cho những người dễ bị thiệt hại nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh kỹ nghệ lân cận là Bình Dương và Đồng Nai, hai địa điểm khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Damien Roberts, giám đốc điều hành của Saigon Children, một tổ chức từ thiện tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang tập trung vào viện trợ khẩn cấp cho miền nam Việt Nam, ông cho biết:
“Tình hình ngày càng trở nên tuyệt vọng đối với nhiều người. Nhiều người không có việc làm hoặc không có thu nhập trong ít nhất ba tháng, gây khó khăn cho việc nuôi sống gia đình hoặc trả tiền thuê phòng mà họ đang ở.”
Damien Roberts
Ông Roberts và nhóm của ông đã thấy rằng thứ cần thiết nhất là thứ cơ bản nhất: thực phẩm.
Ông nói:
“Với việc hầu hết các cửa hàng đóng cửa và mọi người không thể rời khỏi nhà của họ, thực phẩm ngày càng khan hiếm hơn, khó tìm hơn và đắt hơn.
Hàng nghìn trẻ em đang đói ngay bây giờ, hàng xóm và những tổ chức từ thiện là nguồn thực phẩm tốt nhất của họ. Chúng tôi thường giao 30 kg gạo, cá hộp, thịt khô và nhiều thứ khác cho mỗi gia đình mà chúng tôi giúp đỡ.”
Damien Roberts
Minh[1] là nhân viên tại một công ty sản xuất đồ gỗ tại Bình Dương. Khi bắt đầu bùng phát dịch, chính phủ đã thực hiện mô hình “ba tại chỗ”, nơi nhân viên sống, ăn uống và làm việc để duy trì hoạt động kỹ nghệ, rất quan trọng đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời bảo vệ nhân viên không bị nhiễm dịch đang lây lan trong cộng đồng.
Nhưng đối với người chủ nhân của Minh, chi phí đáng kể để chuyển đổi xưởng thành nơi ở và sắp xếp cho ba bữa ăn mỗi ngày là rất cao, cũng như nguy cơ truyền bệnh, và ông được cho về nhà vào ngày 26 tháng 7. Việc sản xuất tạm dừng ngay sau đó. Minh đã không làm việc kể từ đó và hiện đang được công ty trả số tiền tương đương 0,88 đô la Mỹ mỗi ngày. Về cuộc sống mưu sinh cho mình và vợ, ông nói,
Minh chưa được chích ngừa và cho biết đơn giản chỉ cần ăn uống đầy đủ đã là một thách thức rất lớn. Không có mốc thời gian cho việc mở cửa trở lại nhà máy mà ông đã làm việc.
Diep Nguyen điều hành một quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng cửa từ ngày 31 tháng 5, mặc dù bây giờ bà đã được phép giao hàng tận nhà cho mọi người. Trong khi chủ nhà đã giảm tiền thuê nhà cho việc kinh doanh của cô, nhưng có rất ít hỗ trợ tài chính của chính phủ thành phố cho các doanh nghiệp nhỏ. Diep Nguyen nói:
“Việc phong tả diễn ra rất khó khăn, nhưng tôi đang chăm sóc cây trồng của mình và cố gắng học hỏi những điều mới. Tôi nấu ăn suốt ngày và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày của mình sẽ chỉ là nấu nướng và dọn dẹp, và nó kéo dài hàng tháng trời.”
Diep Nguyen
Tình hình kinh tế xã hội khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã buộc các giới hữu trách phải suy nghĩ lại về cách họ ứng phó để tiêu diệt Covid. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thừa nhận thực tế đang phải “sống chung với” virus, một sự chuyển dịch từ chiến lược zero-Covid theo đuổi từ đầu, mặc dù tình hình ở miền bắc đã khả quan hơn nhiều.
Hà Nội đã bị phong tỏa nghiêm ngặt nhiều tuần để tránh dịch bùng phát thảm khốc như Thành phố Hồ Chí Minh, đang nới lỏng các hạn chế, trong khi các thành phố lớn khác như Đà Nẵng và Nha Trang cũng đang dần cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng thấp trên toàn quốc vẫn là một vấn đề.
Bác sĩ Park của WHO cho biết:
“Trên toàn cầu và ở Việt Nam, chúng ta đã thấy rõ rằng virus sẽ ở lại với chúng ta trong một thời gian và sẽ tiếp tục lây lan và gây nguy hiểm đến tính mạng của con người. Nó cũng sẽ có những hậu quả tài chính ngắn hạn và dài hạn. Tôi hiểu rằng chính phủ hiện đang đi đầu trong việc phát triển một lộ trình để Việt Nam có thể ‘sống chung với Covid-19.’”
Bs Kidong Park
Theo Roberts, mặc dù cuối cùng việc mở cửa trở lại hoạt động kinh tế sẽ giảm bớt áp lực tài chính đối với một số người, nhưng nhu cầu rất lớn vẫn còn. Ông nói:
“Một khi cuộc phong tỏa này kết thúc, sẽ có nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần và có thể bị đuổi ra khỏi nhà, vì vậy trợ cấp tài chính sẽ rất quan trọng. Mức độ cần thiết quá nghiêm trọng và phổ biến. Người Việt Nam kiên cường và thực dụng, nhưng đây là thời kỳ khó khăn nhất trong hơn 30 năm qua.”
Damien Roberts
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Vietnam’s severe Covid-19 outbreak relents amid huge economic damage | Michael Tatarski | The Telegraph | October 6, 2021.
[1] Tên đã thay đổi theo yêu cầu của người được phỏng vấn