Trung Hoa là một cường quốc đang xuống dốc – và đó là vấn đề

Hal Brands, Michael Beckley | Trần Giao Thủy

Hoa Kỳ cần chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn, không phải vì đối thủ của Mỹ đang trỗi dậy mà vì ngược lại.

Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình rời sân khấu sau khi nâng ly chúc mừng trong bữa tiệc chào mừng Diễn đàn Một Vành đai Một Con đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017. WU HONG / GETTY IMAGES

Tại sao các cường quốc đánh nhau trong những cuộc đại chiến? Câu trả lời theo thông lệ là một câu chuyện về những kẻ thách thức đang trỗi dậy và những kẻ bá quyền đang yếu đi. Một quyền lực đang lên, cọ sát với những quy tắc của trật tự hiện có, lấn đất của một quyền lực đã thiết lập, quốc gia đã đưa ra các quy tắc đó. Căng thẳng nhân lên; thách đố đọ sức theo sau. Kết quả là một vòng xoáy của sự sợ hãi và thù địch, gần như chắc chắn, dẫn đến xung đột. Sử gia cổ đại Thucydides viết:

“Sự lớn mạnh của quyền lực của Athens, và sự báo động về việc đó đã truyền cảm hứng cho Sparta, khiến không thể tránh khỏi chiến tranh.”

Thucydides

Thucydides viết một sự thật quá hiển nhiên, đến phát nản, nay dùng để giải thích sự kình địch giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa.

Khái niệm về cái Bẫy Thucydides, do nhà khoa học chính trị Harvard Graham Allison đại chúng hoá, cho rằng nguy cơ chiến tranh sẽ tăng vọt khi một Trung Hoa đang trỗi dậy vượt qua một nước Mỹ đang xuống dốc. Ngay cả Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình cũng tán thành quan điểm cho rằng Washington phải nhường chỗ cho Bắc Kinh. Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa leo thang, niềm tin rằng nguyên nhân căn bản của sự cọ sát là một đám mây “chuyển giao quyền lực” đang bao phủ – sự thay thế bá chủ này bằng một bá chủ khác – đã trở thành quy tắc tiêu chuẩn.

Vấn đề duy nhất với công thức quen thuộc này là nó sai.

Cái Bẫy Thucydides không thực sự giải thích được điều gì đã gây ra Chiến tranh Peloponnesian. Nó không hiểu được các động lực thường thúc đẩy các cường quốc xét lại – cho dù đó là Đức vào năm 1914 hay Nhật Bản vào năm 1941 – để bắt đầu một số cuộc xung đột tàn khốc nhất trong lịch sử. Và nó không giải thích được tại sao chiến tranh lại là một khả năng rất thực tế trong quan hệ Mỹ-Trung ngày nay vì về cơ bản nó đã chẩn đoán sai về lúc mà Trung Hoa hiện đang phát triển – thời điểm mà sức mạnh tương đối của họ đang đạt đến đỉnh cao và sẽ sớm tàn lụi.

Thực sự có một cái bẫy chết người có thể gài bắt được Hoa Kỳ và Trung Hoa. Nhưng nó không phải là sản phẩm của sự chuyển giao quyền lực như lời sáo rỗng của Thucydidean. Thay vào đó, tốt nhất nên coi nó như một “cái bẫy quyền lực tột đỉnh”. Và nếu lịch sử có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước, thì chính sự suy giảm của Trung Hoa – chứ không phải của Hoa Kỳ – có thể khiến nước này đóng cửa, dẹp tiệm.

Sự rút lui của người Athen khỏi Syracuse trong Chiến tranh Peloponnesian được mô tả trong “Lịch sử phổ quát minh họa của Cassell, Vol. I – Lịch sử Hy Lạp sơ khai minh họa.” The Print Collector/Heritage Images Via Getty Images

Có cả một loạt tài liệu, gọi là “lý thuyết chuyển giao quyền lực”, cho rằng chiến tranh giữa các cường quốc thường xảy ra ở giao điểm giữa sự trỗi dậy của một bá chủ và sự suy tàn của một bá chủ khác. Đây là nền tảng lý luận của cái Bẫy Thucydides, và phải thừa nhận rằng đây là một chân lý cốt yếu của khái niệm đó. Sự trỗi dậy của các cường quốc mới luôn gây bất ổn. Trước Chiến tranh Peloponnesian vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, Athens dường như không thể uy hiếp được Sparta nếu nó không xây dựng một đế chế rộng lớn và trở thành một siêu cường về hải quân. Washington và Bắc Kinh sẽ không bị nhốt trong vòng kình địch nếu Trung Hoa vẫn còn nghèo và yếu. Các cường quốc đang lên mở rộng ảnh hưởng của họ và một cách nào đó đe dọa các cường quốc đang trị vì.

Nhưng phép tính tạo ra chiến tranh – đặc biệt là phép tính thúc đẩy các cường quốc xét lại, những quốc gia đang tìm cách khuấy động hệ thống hiện có, tấn công dữ dội – phức tạp hơn. Một quốc gia giàu có và quyền lực đang tăng lên chắc chắn sẽ trở nên quyết đoán và tham vọng hơn. Tất cả mọi thứ đều như nhau, nó sẽ đi tìm ảnh hưởng và uy tín toàn cầu lớn hơn. Nhưng nếu vị thế của nó đang dần được cải thiện, nó nên trì hoãn cuộc đọ sức chết người với bá chủ đang trị vì cho đến khi nó mạnh hơn nữa. Một quốc gia như vậy nên tuân theo mệnh lệnh mà cựu lãnh đạo Trung Hoa Đặng Tiểu Bình đã đặt ra cho một Trung Hoa đang trỗi dậy sau Chiến tranh Lạnh: Trung Hoa này nên giấu khả năng của mình và chờ đợi thời cơ của mình.

Bây giờ hãy tưởng tượng một kịch bản khác. Một quốc gia bất mãn đã và đang xây dựng quyền lực và mở rộng đường chân trời địa chính trị. Nhưng sau đó quốc gia đó đạt đến đỉnh cao, có lẽ vì nền kinh tế của nó tăng trưởng chậm lại, có lẽ vì sự quyết đoán của chính nó kích động một liên minh những đối thủ quyết tâm, hoặc có lẽ vì cả hai điều này xảy ra cùng một lúc. Tương lai bắt đầu có vẻ khá hãm tài; cảm giác nguy hiểm sắp xảy ra bắt đầu thay thế cảm giác về khả năng vô hạn. Trong những trường hợp này, một thế lực theo chủ nghĩa xét lại có thể hành động một cách táo bạo, thậm chí hung hãn, để giành lấy những gì có thể giành được trước khi quá muộn. Quỹ đạo nguy hiểm nhất trong nền chính trị thế giới là một sự trỗi dậy kéo dài, sau đó là viễn cảnh tuột dốc.

Như chúng tôi đã trình bày trong cuốn sách sắp xuất bản, Danger Zone: The Coming Conflict with China | Vùng nguy hiểm: Xung đột sắp tới với Trung Hoa, kịch bản này phổ biến hơn bạn đọc nghĩ. Ví dụ, sử gia Donald Kagan đã cho thấy Athens bắt đầu hành động hiếu chiến hơn trong những năm trước Chiến tranh Peloponnesian vì nó lo ngại những thay đổi bất lợi trong cán cân sức mạnh hải quân – nói cách khác, bởi vì nó đang trên bờ vực mất dần ảnh hưởng đối với Sparta. Chúng tôi cũng thấy điều tương tự trong nhiều trường hợp gần đây.

Những cường quốc đã phát triển nhanh hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới và sau đó bị suy thoái nghiêm trọng, kéo dài thường không biến mất một cách lặng lẽ. Thay vào đó, họ trở nên hỗn láo và hung hãn.

Trong 150 năm qua, các nước lớn mạnh tột đỉnh – những cường quốc đã phát triển nhanh hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới và sau đó bị suy thoái trầm trọng, kéo dài – thường không biến mất một cách lặng lẽ. Thay vào đó, họ trở nên hỗn láo và hung hãn. Họ trấn áp người bất đồng chính kiến ​​ở trong nước và cố lấy lại động lực kinh tế bằng cách tạo ra các vùng ảnh hưởng độc quyền ở nước ngoài. Họ đổ tiền vào quân đội và dùng vũ lực để mở rộng ảnh hưởng. Hành động này thường gây ra căng thẳng giữa các nước lớn. Một số những trường hợp đó có thể dẫn những cuộc chiến thảm khốc.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Giai đoạn tăng trưởng nhanh làm tăng tham vọng của một quốc gia, nâng cao kỳ vọng của người dân và khiến các đối thủ của họ lo lắng. Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế bền vững, các doanh nghiệp được hưởng lợi gia tăng và người dân quen với cuộc sống sung túc. Đất nước trở thành một thế lực lớn hơn trên sân khấu toàn cầu. Rồi sự đình trệ đến gõ cửa.

Tăng trưởng chậm khiến giới lãnh đạo khó giữ được sự hài lòng của công chúng. Kinh tế kém hiệu quả làm suy yếu đất nước trước các đối thủ. Lo sợ có biến động, giới lãnh đạo đàn áp những người bất đồng chính kiến. Họ giở thủ đoạn một cách liều lĩnh để ngăn chặn những kẻ thù địa chính trị. Bành trướng có vẻ như là một giải pháp  – một cách để giành giựt tài nguyên kinh tế và thị trường, biến chủ nghĩa dân tộc trở thành cái nạng cho một chế độ bị thương và phản công những mối đe dọa từ nước ngoài.

Nhiều quốc gia đã đi theo con đường này. Khi sự bùng nổ kinh tế kéo dài sau Nội chiến của Hoa Kỳ kết thúc, Washington đã đàn áp dữ dội các cuộc đình công và bất ổn trong ước, xây dựng một lực lượng Hải quân hùng mạnh, đồng thời tham gia chống lại sự hiếu chiến và bành trướng của đế quốc trong suốt những năm 1890. Sau khi một đế quốc Nga đang trỗi dậy nhanh chóng rơi vào tình trạng sa sút sâu sắc vào đầu thế kỷ 20, chính phủ Nga hoàng đã mạnh tay đàn áp đồng thời phát triển quân đội, đi tìm quyền lợi thuộc địa ở Đông Á và gửi khoảng 170.000 binh sĩ đến chiếm đóng Mãn Châu. Những hành động này đã phản tác dụng một cách ngoạn mục: Họ gây mối thù địch với Nhật Bản, nước đã đánh bại Nga trong cuộc chiến tranh giữa các cường quốc đầu tiên của thế kỷ 20.

Một thế kỷ sau, Nga trở nên hung hăng trong hoàn cảnh tương tự. Đối diện với tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau năm 2008, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xâm lược hai nước láng giềng, tìm cách thành lập một khối kinh tế Á-Âu mới, đưa ra yêu sách của Moscow về một Bắc Cực giàu tài nguyên, và đưa Nga tiến sâu hơn vào chế độ độc tài. Ngay cả nước Pháp dân chủ cũng đi vào tình trạng trầm trọng hóa đầy lo lắng sau khi kết thúc tiến trình phát triển kinh tế hậu chiến vào những năm 1970. Nó đã cố gắng xây dựng lại vùng ảnh hưởng cũ ở châu Phi, đưa 14.000 quân đến các thuộc địa cũ và nhúng tay vào hàng chục cuộc can thiệp quân sự trong hai thập kỷ tiếp theo.

Tất cả những trường hợp này đều phức tạp, nhưng mô hình vẫn rõ ràng. Nếu sự gia tăng nhanh chóng mang lại cho các quốc gia phương tiện để hành động táo bạo, thì nỗi sợ hãi về sự suy giảm sẽ trở thành động cơ mạnh mẽ cho sự bành trướng khẩn cấp hơn. Điều tương tự cũng thường xảy ra khi các cường quốc đang trỗi dậy nhanh chóng gây ra sự be bờ của chính họ do một liên minh thù địch. Trên thực tế, một số cuộc chiến tranh kinh hoàng nhất trong lịch sử đã đến khi các cường quốc xét lại kết luận rằng con đường đến vinh quang của họ sắp bị chặn lại.

Kaiser Wilhelm II của Đức gặp quân đội trong Thế chiến thứ nhất năm 1914. Ảnh: Photoquest/Getty
Nữ sinh Nhật Bản phất cờ trước Cung điện Hoàng gia ở Tokyo vào ngày 12 tháng 12. 15 năm 1937, kỷ niệm ngày Nhật Bản chiếm được thành phố Nam Kinh của Trung Hoa. Ảnh: Photoquest/Getty

Đế quốc Đức và Nhật Bản là những ví dụ đã ghi chép trong lịch sử.

Sự cạnh tranh của Đức với Anh vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thường được coi là tương tự với sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa: Trong cả hai trường hợp đều có một kẻ chuyên quyền thách thức đe dọa một bá chủ tự do. Nhưng song song và nghiêm trọng hơn là điều này: Chiến tranh xảy ra khi một nước Đức bị dồn vào chân tường sẽ không thể vượt qua các đối thủ nếu không có một cuộc chiến.

Trong nhiều chục năm sau khi thống nhất vào năm 1871, nước Đức đã thăng hoa. Những nhà máy của nước này đã đẩy nhanh mức sản xuất sắt và thép, xóa bỏ vị trí dẫn đầu về kinh tế của Anh. Berlin đã xây dựng quân đội và chiến hạm tốt nhất của châu Âu để đe dọa quyền tối cao của Anh trên mặt biển. Vào đầu những năm 1900, Đức là một quốc gia nặng ký của châu Âu đang đi tìm một vùng ảnh hưởng lớn – một Mitteleuropa, hay Trung Âu – trên lục địa. Dưới thời Kaiser Wilhelm II, nó cũng đang theo đuổi một “chính sách thế giới” nhằm vào việc chiếm thuộc địa và quyền lực toàn cầu.

Nhưng trong giai đoạn trước khi xẩy ra cuộc chiến, Kaiser và những người hậu thuẫn của ông ta không cảm thấy tự tin. Hành động thô bạo của Đức đã khiến nước này bị các thế lực thù địch bao vây. London, Paris và St. Petersburg, Nga, đã thành lập một “Thỏa thuận ba bên” để ngăn chặn sự bành trướng của Đức. Đến năm 1914, thời gian không còn nhiều. Đức đang thua thiệt về mặt kinh tế trước một nước Nga đang phát triển nhanh chóng; London và Pháp đang theo đuổi việc kiềm chế kinh tế bằng cách ngăn chặn khả năng mua dầu và quặng sắt của nước này. Đồng minh quan trọng của Berlin, Áo-Hungary, đang bị chia rẽ vì căng thẳng sắc tộc. Ở trong nước, hệ thống chính trị chuyên quyền của Đức đang gặp khó khăn.

Đáng ngại nhất, cán cân quân sự đang thay đổi. Pháp đang phát triển quân đội của họ; Nga đã tuyển mộ thêm 470.000 binh sĩ vào quân đội và cắt giảm thời gian cần thiết để huy động chiến tranh. Cứ mỗi chiếc hạm Berlin chế tạo Anh tuyên bố sẽ đóng hai chiến hạm. Đức lúc này là cường quốc quân sự hàng đầu của châu Âu. Nhưng đến năm 1916 và 1917, nó bị qua mặt một cách vô vọng. Kết quả là tâm lý là bây giờ hoặc không bao giờ: Tham mưu trưởng Helmuth von Moltke tuyên bố, Đức cần “đánh bại kẻ thù trong khi chúng ta vẫn còn cơ hội chiến thắng”, ngay cả khi điều đó có nghĩa là “kích động một cuộc chiến tranh trong tương lai gần.”

Đây là những gì đã xảy ra sau khi những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia ám sát thái tử của Áo vào tháng 6 năm 1914. Chính phủ Kaiser thúc giục Áo-Hungary đánh sập Serbia, mặc dù điều đó có nghĩa là gây chiến với Nga và Pháp. Sau đó, nước này xâm lược nước Bỉ trung lập – chìa khóa trong Kế hoạch Schlieffen cho một cuộc chiến tranh hai mặt trận – bất chấp việc có thể  khiêu kích Anh. Moltke thừa nhận: “Cuộc chiến này sẽ biến thành một cuộc chiến tranh thế giới mà nước Anh cũng sẽ can thiệp.” Sự trỗi dậy của nước Đức đã cho nó sức mạnh để làm liều, mưu đồ cho sự vĩ đại. Sự suy giảm sắp xảy ra đã thúc đẩy Đức đi đến quyết định đẩy thế giới vào chiến tranh.

Đế quốc Nhật Bản cũng đi theo một quỹ đạo tương tự. Trong nửa thế kỷ sau thời Minh Trị Duy tân năm 1868, Nhật Bản đã vững vàng vươn lên. Việc xây dựng một nền kinh tế hiện đại và một quân đội hùng mạnh đã cho phép Tokyo thắng trong hai cuộc chiến tranh lớn và tích lũy các đặc quyền thuộc địa ở Trung Hoa, Đài Loan và Bán đảo Đại Hàn. Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là nước quá hiếu chiến: Trong suốt những năm 1920, Nhật đã hợp tác với Hoa Kỳ, Anh và các quốc gia khác để tạo ra một cấu trúc an ninh hợp tác ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trong suốt thập kỷ đó, mọi thứ đã sụp đổ. Tăng trưởng giảm từ 6,1 phần trăm hàng năm trong giai đoạn 1904-1919 xuống 1,8 phần trăm hàng năm trong những năm 1920; Cuộc Đại suy thoái sau đó đã đóng cửa các thị trường nước ngoài của Nhật Bản. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, và những người nông dân phá sản đã phải bán con gái của họ. Do đó, ảnh hưởng của Nhật Bản tại Trung Hoa đang bị Liên Xô và phong trào dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy dưới thời nhà lãnh đạo Trung Hoa lúc bấy giờ là Tưởng Giới Thạch thách thức. Câu trả lời của Tokyo là chủ nghĩa phát xít trong nước, và hung hãn ở nước ngoài.

Từ cuối những năm 1920 trở đi, quân đội Nhật đã tiến hành một cuộc đảo chính chậm và khai thác nguồn tài nguyên của quốc gia cho “chiến tranh toàn diện”. Nhật Bản đã khởi xướng một đợt tăng cường quân sự lớn và thiết lập một cách thô bạo vùng ảnh hưởng rộng lớn, chiếm Mãn Châu năm 1931, xâm lược Trung Hoa năm 1937 và lên kế hoạch chinh phục các thuộc địa giàu tài nguyên và các đảo chiến lược trên khắp châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu là xây dựng một đế chế tự trị; kết quả là đã tạo ra một sợi dây treo cổ chiến lược quanh Tokyo.

Sự xâm lăng của Nhật Bản vào Trung Hoa cuối cùng đã dẫn đến một cuộc chiến tranh trả đũa với Liên Xô. Các dự án của Nhật Bản ở Đông Nam Á đã khiến Anh lo ngại. Động lực giành vị trí ưu thế trong khu vực cũng khiến nước này trở thành kẻ thù của Hoa Kỳ – quốc gia mà Tokyo nhập cảng gần như toàn bộ dầu hỏa của mình – với một nền kinh tế lớn hơn Nhật Bản rất nhiều. Tokyo đã chống lại một liên minh thù nghịch đông đảo. Sau đó Nhật chấp nhận mất hết hơn là chấp nhận tủi nhục và suy sụp.

Nguyên nhân kết tủa, một lần nữa, là một cánh cửa cơ hội đang đóng lại. Đến năm 1941, Hoa Kỳ đang xây dựng một quân đội không thể đánh  bại. Vào tháng 7, Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó, Franklin Roosevelt, đã ra lệnh cấm vận dầu hỏa đe dọa ngăn chặn sự bành trướng của Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản vẫn có lợi thế quân sự tạm thời ở Thái Bình Dương, nhờ việc tái vũ trang sớm. Vì vậy, Nhật đã dùng lợi thế đó trong một cuộc tấn công chớp nhoáng – chiếm đoạt Đông Ấn của Hòa Lan, Philippines và các vùng lãnh thổ khác từ Singapore đến Đảo Wake cũng như ném bom hạm đội Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng – dẫn đến sự hủy diệt của chính nước Nhật.

Vị tướng Nhật khi đó, Hideki Tojo, thừa nhận rằng triển vọng chiến thắng của Nhật Bản rất mờ mịt. nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài “nhắm mắt và nhảy” Một nước Nhật theo chủ nghĩa xét lại trở nên hung bạo nhất khi thấy rằng thời gian không còn nhiều.

Những người thân dừng lại khi họ đặt tro cốt của một người thân yêu trong một máng kim loại trên một chuyến phà ở Biển Hoa Đông ngoài khơi Thượng Hải vào ngày 22 tháng 3 năm 2014. Một số thành phố của Trung Hoa quảng bá việc chôn cất trên biển như một nỗ lực bù đắp sự thiếu đất cho nghĩa trang vì dân số già nhanh. Kevin Frayer/Getty Images

Đây là cái bẫy thực sự mà Hoa Kỳ nên lo ngại về Trung Hoa ngày nay – cái bẫy trong đó một siêu cường tham vọng đã đạt đỉnh cao và sau đó từ chối gánh chịu những hậu quả đau đớn của việc sa sút.

Sự trỗi dậy của Trung Hoa không phải là ảo ảnh: Hàng chục năm tăng trưởng đã mang lại cho Bắc Kinh sức mạnh kinh tế toàn cầu. Các khoản đầu tư lớn vào những kỹ thuật quan trọng và cơ sở hạ tầng truyền thông đã mang lại một vị thế vững chắc trong cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng địa kinh tế; Trung Hoa đang dùng Sáng kiến Một ​​Vành đai Một Con đường đa lục địa để đưa các quốc gia khác vào quỹ đạo của mình. Đáng báo động nhất, đánh giá của nhóm chuyên gia cố vấn (think tank) và những báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy lực lượng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Hoa hiện có cơ hội thực sự để thắng trong cuộc chiến tranh chống lại Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Hoa cũng đã phát triển tham vọng của một siêu cường: ông Tập ít nhiều tuyên bố rằng Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền của Hoa lục đối với Đài Loan, Biển Đông và các khu vực đang tranh chấp khác, trở thành cường quốc ưu việt của châu Á và thách thức Hoa Kỳ ở vị trí dẫn đầu toàn cầu. Tuy nhiên, nếu cơ hội địa chính trị của Trung Hoa là có thật, thì tương lai đã bắt đầu có vẻ khá ảm đạm vì nước này đang mau đánh mất những lợi thế đã thúc đẩy sự phát triển nhanh của mình.

Từ những năm 1970 đến những năm 2000, Trung Hoa gần như tự túc về nguồn thực phẩm, nước và năng lượng. Nó được hưởng mức cổ tức nhân khẩu lớn nhất lịch sử, với 10 người trưởng thành trong độ tuổi lao động cho mỗi người từ 65 tuổi trở lên. (Ở hầu hết các nền kinh tế lớn, trung bình có gần 5 người trong độ tuổi lao động cho mỗi người cao tuổi). Trung Hoa có một môi trường địa chính trị an toàn và dễ dàng giao tiếp với thị trường và kỹ thuật nước ngoài, tất cả được củng cố bằng quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ. Và chính phủ Trung Hoa đã khéo léo khai thác lợi thế này bằng cách đổi mới và mở cửa kinh tế, đồng thời chuyển chế độ từ chủ nghĩa toàn trị ngột ngạt dưới thời cựu lãnh đạo Trung Hoa Mao Trạch Đông sang một hình thức chủ nghĩa độc tài không ngoan hơn – dù vẫn còn sự đàn áp gay gắt dưới thời những người kế nhiệm Mao. Trung Hoa đã có tất cả từ những năm 1970 đến đầu những năm 2010 – chỉ cần sự kết hợp của tài nguyên, môi trường, con người và các chính sách cần thiết để phát triển.

Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 2000, các động cơ thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Hoa đã bị đình trệ hoặc quay đầu hoàn toàn. Ví dụ, Trung Hoa đang cạn kiệt tài nguyên: Nước trở nên khan hiếm, và quốc gia này đang nhập cảng nhiều năng lượng và lương thực hơn bất kỳ quốc gia nào khác; Trung Hoa đã tàn phá tài nguyên thiên nhiên của chính họ. Do đó, tăng trưởng kinh tế ngày càng trở nên đắt đỏ hơn: Theo dữ liệu từ Ngân hàng DBS, để tạo ra một đơn vị tăng trưởng ngày nay cần gấp ba lần so với đầu những năm 2000.

Trung Hoa cũng đang tiến gần đến vách đứng về nhân khẩu: Từ năm 2020 đến năm 2050, nước này sẽ mất đi một dân số đáng kinh ngạc 200 triệu người trưởng thành trong độ tuổi lao động – bằng dân số Nigeria – và có thêm 200 triệu người cao tuổi. Các hậu quả về kinh tế và tài khóa sẽ rất tàn khốc: Các dự báo hiện tại cho thấy chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội của Trung Hoa sẽ phải tăng gấp ba lần, từ 10% lên 30% GDP, vào năm 2050 chỉ để ngăn cho hàng triệu người cao tuổi không chết vì nghèo và bị bỏ rơi.

Trung Hoa cũng đang tiến gần đến vách đứng về nhân khẩu: Từ năm 2020 đến năm 2050, nước này sẽ mất đi một dân số đáng kinh ngạc 200 triệu người trưởng thành trong độ tuổi lao động – bằng dân số Nigeria – và có thêm 200 triệu người cao tuổi.

Làm cho vấn đề tồi tệ hơn, Trung Hoa đang quay lưng lại với những chính sách thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Dưới thời ông Tập, Bắc Kinh đã quay trở lại chủ nghĩa toàn trị. Ông Tập đã tự bổ nhiệm mình là “chủ tịch của mọi thứ”, phá hủy bất kỳ hình thức nào của quy tắc tập thể chỉ huy và biến việc tuân thủ “tư tưởng Tập Cận Bình” trở thành tư tưởng cốt lõi của một chế độ ngày càng cứng nhắc. Và ông ấy đã không ngừng theo đuổi việc tập trung quyền lực với cái giá phải trả là sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Các công ty thây ma của nhà nước đang được nâng đỡ trong khi các công ty tư nhân bị thiếu vốn. Phân tích kinh tế khách quan đang được thay thế bằng tuyên truyền của chính phủ. Đổi mới ngày càng trở nên khó khăn hơn trong một môi trường tuân theo ý thức hệ bừa bãi. Trong khi đó, chiến dịch chống tham nhũng tàn bạo của ông Tập đã ngăn cản tinh thần kinh doanh và làn sóng các luật lệ mới mang tính chính trị đã xóa hơn 1 nghìn tỷ USD khỏi giá trị vốn hóa thị trường của các công ty kỹ thuật hàng đầu Trung Hoa. Ông Tập không chỉ đơn giản là dừng tiến trình tự do hóa kinh tế đã thúc đẩy sự phát triển của Trung Hoa: Ông đã đẩy kinh tế vào thế ngược lại.

Thiệt hại kinh tế mà những khuynh hướng này đang gây ra đang bắt đầu tích lũy – và nó đang đa hợp vào sự suy thoái thường xảy ra khi nền kinh tế phát triển nhanh trưởng thành. Nền kinh tế Trung Hoa đã sa sút trong hơn mười năm qua: Tốc độ tăng trưởng chính thức của nước này giảm từ 14% năm 2007 xuống còn 6% vào năm 2019, và các nghiên cứu chuyên sâu cho thấy tốc độ tăng trưởng thực sự hiện là gần 2%. Tệ hơn nữa, phần lớn sự tăng trưởng đó bắt nguồn do sự kích thích chi tiêu của chính phủ. Theo dữ liệu từ Conference Board, tổng năng suất các yếu tố giảm trung bình 1,3% mỗi năm từ năm 2008 đến năm 2019, có nghĩa là Trung Hoa đang chi tiêu nhiều hơn để sản xuất ít hơn mỗi năm. Điều này dẫn đến nợ lớn: tổng số nợ của Trung Hoa đã tăng gấp 8 lần từ năm 2008 đến năm 2019 và vượt quá 300% GDP trước dịch COVID-19. Bất kỳ quốc gia nào có nợ tích lũy hoặc mất năng suất ở bất kỳ mức nào gần với tốc độ hiện tại của Trung Hoa, sau đó sẽ phải mất ít nhất một “thập kỷ”, với tăng trưởng kinh tế gần bằng không.

Hơn nữa, tất cả những chuyện này đang diễn ra khi Trung Hoa đối mặt với môi trường thù địch ngày càng gia tăng bên ngoài. Sự kết hợp giữa dịch COVID-19, vi phạm nhân quyền dai dẳng và các chính sách hiếu chiến đã khiến quan điểm tiêu cực về Trung Hoa đạt đến mức chưa từng thấy kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Những quốc gia lo ngại về sự cạnh tranh của Trung Hoa đã áp đặt hàng nghìn rào cản thương mại mới lên hàng hóa của họ kể từ đó 2008. Hơn một chục quốc gia đã từ bỏ Sáng kiến ​​Một Vành đai Một Con đường của ông Tập trong khi Hoa Kỳ thực hiện một chiến dịch toàn cầu chống lại các công ty kỹ thuật chủ chốt của Trung Hoa – đặc biệt là Huawei – và các nền dân chủ phong phú trên nhiều châu lục đang tạo ra rào cản đối với ảnh hưởng kỹ thuật số của Bắc Kinh. Thế giới đang trở nên kém thuận lợi hơn đối với sự phát triển dễ dàng của Trung Hoa, và chế độ của ông Tập ngày càng phải gia tăng đối phó với kiểu bao vây chiến lược từng khiến giới lãnh đạo Đức và Nhật Bản rơi vào tuyệt vọng.

Trường hợp điển hình là chính sách Hoa Kỳ. Trong năm năm qua, hai chính quyền tổng thống Hoa Kỳ các đã cam kết thực hiện chính sách “cạnh tranh” – thực chất là tân kiềm chế – đối với Trung Hoa. Chiến lược quốc phòng Hoa Kỳ hiện tập trung vào việc đánh bại sự xâm lược của Trung Hoa ở Tây Thái Bình Dương; Washington đang dùng một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại và kỹ thuật để kiểm soát ảnh hưởng của Bắc Kinh và hạn chế triển vọng giành ưu thế kinh tế của nước này. Một sĩ quan cao cấp của Giải phóng Quân Nhân dân cảnh cáo,

“Một khi đế quốc Mỹ coi bạn là ‘kẻ thù’ của họ, bạn sẽ gặp rắc rối lớn.”

Trên thực tế, Hoa Kỳ cũng đã cam kết tổ chức sự phản kháng toàn cầu lớn hơn đối với sức mạnh của Trung Hoa, một chiến dịch đang bắt đầu có kết quả khi ngày càng có nhiều quốc gia phản ứng với mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Ở vùng biển châu Á, sự phản kháng trước sức mạnh của Trung Hoa đang trở nên gay gắt. Đài Loan đang đẩy mạnh chi tiêu quân sự và lên kế hoạch biến mình thành một con nhím chiến lược ở Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản đang thực hiện đợt tăng quân lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và đã đồng ý yểm trợ Mỹ nếu Trung Hoa tấn công Đài Loan. Các quốc gia xung quanh Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia, đang tăng cường lực lượng không quân, hải quân và tuần duyên để chống lại các yêu sách bành trướng của Trung Hoa.

Các quốc gia khác cũng đang chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh. Úc đang mở rộng các căn cứ phía bắc để tiếp nhận Hoa Kỳ. tàu và máy bay và chế tạo hỏa tiễn quy ước tầm xa và tàu ngầm tấn công chạy bằng nguyên tử năng. Ấn Độ đang tập trung lực lượng ở biên giới với Trung Hoa trong khi gửi tàu chiến qua Biển Đông. Liên minh châu Âu đã coi Bắc Kinh là “đối thủ có hệ thống” và ba cường quốc lớn nhất của châu Âu – Pháp, Đức và Anh – đã điều động các lực lượng đặc nhiệm hải quân đến Biển Đông và Ấn Độ Dương. Một loạt các sáng kiến ​​đa phương chống Trung Hoa – Đối thoại An ninh Tứ giác; liên minh chuỗi cung ứng; cái gọi là liên minh AUKUS mới với Washington, London và Canberra; và những người khác – đang trong tiến trình hoạt động. “Chiến lược câu lạc bộ đa phương” của Hoa Kỳ, học giả diều hâu và quảng giao Yan Xuetong (Diêm Học Thông) đã thừa nhận vào tháng 7, là “Trung Hoa bị cô lập” và làm thiệt hại đến sự phát triển của nước này.

Không nghi ngờ gì nữa, hợp tác chống Trung Hoa vẫn chưa hoàn hảo. Nhưng khuynh hướng tổng thể đã rõ ràng: Một loạt nhiều nước đang dần hợp lực để kiểm soát sức mạnh của Bắc Kinh và đưa nó vào một chiếc hộp chiến lược. Nói cách khác, Trung Hoa không phải là một quốc gia phát triển mãi mãi. Đó là một quyền lực vốn đã mạnh mẽ, lại vô cùng tham vọng và đang gặp khó khăn sâu sắc mà cơ hội sẽ không còn được bao lâu.

Một ban quân nhạc Trung Hoa chơi sau bài phát biểu của Chủ tịch Trung Hoa Tập Cận Bình tại phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 ở Bắc Kinh vào ngày 10 tháng 10. 18, 2017. Kevin Frayer/Getty Images

Theo một cách nào đó, tất cả những điều nêu trên là một tin đáng mừng đối với Washington: Một Trung Hoa đang phát triển chậm lại về kinh tế và phải đối phó với sự phản kháng ngày càng tăng trên toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn để soán ngôi Hoa Kỳ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới — miễn là Hoa Kỳ không tự hại mình hoặc nói cách khác là đầu hàng. Tuy nhiên, theo những cách khác, tin tức này còn rắc rối hơn. Lịch sử cảnh cáo thế giới nên mong đợi một Trung Hoa đang trên đỉnh cao sẽ hành động táo bạo hơn, thậm chí thất thường hơn trong thập kỷ tới — để giành lấy những giải thưởng chiến lược đã được mong ước từ lâu trước khi vận may của họ tàn lụi.

Tương lai có thể sẽ thế nào? Chúng ta có thể đưa ra những phỏng đoán có học thức dựa trên những gì Trung Hoa hiện đang làm.

Bắc Kinh đang tăng gấp đôi nỗ lực để thiết lập phạm vi ảnh hưởng kinh tế của thế kỷ 21 bằng cách thống trị các kỹ thuật quan trọng — chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và viễn thông 5G — và dùng kết quả làm đòn bẩy để uốn cong các quốc gia khác theo ý mình. Nó cũng sẽ chạy đua để hoàn thiện một “chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số” có thể bảo vệ sự cai trị không an toàn của Đảng Cộng sản Trung Hoa ở Hoa lục trong khi củng cố vị thế ngoại giao của Bắc Kinh bằng cách xuất khẩu mô hình đó cho các đồng minh chuyên quyền trên toàn thế giới.

Điều đáng lo ngại nhất là Trung Hoa sẽ có khuynh hướng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan theo ý của họ trong thập kỷ tới.

Về mặt quân sự, Đảng Cộng sản Trung Hoa có thể ngày càng trở nên mạnh tay hơn trong việc bảo đảm các đường tiếp tế dài, dễ bị thiệt hại và bảo vệ các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung và Tây Nam Á, châu Phi và các khu vực khác, một vai trò mà một số diều hâu trong Giải phóng Quân Nhân dân đã mong muốn giả định. Bắc Kinh cũng có thể trở nên quyết đoán hơn đối với Nhật Bản, Philippines và các quốc gia khác cản trở các tuyên bố chủ quyền của họ đối với Biển Đông và Hoa Đông.

Điều đáng lo ngại nhất là Trung Hoa sẽ có khuynh hướng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan theo ý của họ trong thập kỷ tới trước khi Washington và Đài Bắc có thể hoàn thành việc trang bị lại quân đội để lập tường phòng thủ vững chắc hơn. Giải phóng Quân Nhân dân đang đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự ở eo biển Đài Loan. Ông Tập đã nhiều lần tuyên bố Bắc Kinh không thể chờ đợi mãi cho “tỉnh nổi loạn” của họ trở lại bình thường. Khi cán cân quân sự tạm thời chuyển sang hướng có lợi cho Trung Hoa vào cuối những năm 2020 và khi Ngũ Giác Đài buộc phải thay tàu chiến và chiến đấu cơ cũ, Trung Hoa có thể không bao giờ có cơ hội tốt hơn để chiếm Đài Loan và khiến Washington thất bại nhục nhã.

Để rõ ràng, Trung Hoa có thể sẽ không thực hiện một cuộc tấn công quân sự toàn diện trên toàn châu Á, như Nhật Bản đã làm trong những năm 1930 và đầu những năm 1940. Nhưng Trung Hoa sẽ gặp rủi ro lớn hơn và chấp nhận những căng thẳng lớn hơn khi nó cố gắng khóa lại những lợi ích cốt lõi. Chào mừng bạn đến với địa chính trị trong thời đại Trung Hoa đang ở đỉnh cao: một quốc gia đã có khả năng thách thức một cách thô bạo trật tự hiện có và một quốc gia có thể sẽ chạy nhanh hơn và đẩy mạnh hơn khi họ mất niềm tin rằng thời gian đang ở bên mình.

Khi đó, Hoa Kỳ sẽ không chỉ phải đương đầu với một mà là hai nhiệm vụ trong việc đối phó với Trung Hoa vào những năm 2020. Nó sẽ phải tiếp tục vận động để cạnh tranh lâu dài đồng thời phải nhanh chóng ngăn chặn hành động gây hấn và làm giảm bớt một số động thái mạnh bạo hơn, trong tương lai gần mà Bắc Kinh có thể thực hiện. Nói cách khác, thắt dây an toàn. Hoa Kỳ đã và đang cố gắng để đối phó với một Trung Hoa đang trỗi dậy. Nó sắp phát giác ra rằng một Trung Hoa đang suy giảm có thể còn nguy hiểm hơn.

Tác giả

Hal Brands là giáo sư Henry Kissinger về các vấn đề toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins. Ông cũng là một học giả thường trú tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ và là nhà báo chuyên mục Ý kiến ​​của Bloomberg.

Michael Beckley là phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tufts, một học giả thỉnh giảng Jeane Kirkpatrick tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, và là tác giả của cuốn sách Vô song: Tại sao nước Mỹ vẫn duy trì vị thế siêu cường duy nhất trên thế giới (Unrivaled: Why America Will Remain the World’s Sole Superpower.)

© 2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: China Is a Declining Power–and That’s the Problem | Hal Brands, Michael Beckley | Foreign Policy | Sep 24, 2021.