Nông Đức Mạnh trả lời phỏng vấn

Kay Johnson | Trà Mi

“Chúng tôi không muốn giữ bí mật nữa” — Nông Đức Mạnh trong cuộc nói chuyện riêng với Kay Johnson, TIME, ASIA Edition, lên mạng 22 tháng 1, 2002

Nông Đức Mạnh: Ở Việt Nam chúng tôi không có tù nhân chính trị. Không ai bị bắt bớ, bỏ tù vì tuyên bố hay quan điểm của họ cả. Nguồn: time.com

Nông Đức Mạnh, 61 tuổi, được xem là người lãnh đạo “phố” nhất của đảng cộng sản Việt Nam — và việc Mạnh sẵn sàng trả lời phỏng vấn cho thấy ông ta cởi mở hơn những người tiền nhiệm. Nhưng khi ngồi xuống nói chuyện với Kay Johnson, phóng viên của TIME tại Hà Nội, người ta thấy rõ Mạnh không phải là người đổi mới chính hiệu con nai vàng, mà là một đảng viên trung thành của đảng cộng sản. Bắt đầu cuộc phỏng vấn, Mạnh đọc một trang tuyên bố chính thức rồi đồng ý trả lời một số câu hỏi ở nhiều đề tài khác nhau. Mạnh vui vẻ, cười luôn miệng, và trả lời thẳng thắn một số vấn đề, kể cả tin đồn cho rằng Hồ Chí Minh là cha đẻ của mình. Sau đây là trích đoạn phỏng vấn (TIME) đã hiệu đính:

TIME: Lịch sử đảng cộng sản là một phong trào cách mạng có gây khó khăn gì trong việc thành lập một hệ thống kinh tế cởi mở và trong sáng không?

Nông Đức Mạnh (Mạnh): Trong thời cách mạng, chúng tôi phải giữ bí mật để bảo đảm thành công và đi tới chiến thắng, giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Bây giờ đảng đã giành được quyền lãnh đạo… Tôi nghĩ tất cả đều phải được cai trị/quản lý bằng luật pháp (governed by law/pháp trị – TM). Chúng tôi không còn muốn giữ bí mật nữa.

TIME: Đảng CSVN là đảng duy nhất trên toàn cõi Việt Nam. Ông có nghĩ rằng trong vòng 10, 20 năm tới đây việc có nhiều chính đảng hoạt động hợp pháp ở Việt Nam là điều cần thiết không?

Mạnh: Vai trò lãnh đạo của đảng (CSVN) là sự công nhận (chiến lợi phẩm cho – TM) cuộc đấu tranh cách mạng hơn nửa thế kỷ. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Những điều ghi trong Hiến pháp là mong muốn, là khát vọng cháy bỏng của toàn dân Việt Nam. Vì thế, trong lúc này, chúng tôi không nghĩ đến các đảng phái đối lập.

Tham nhũng của đảng (CSVN) cũng là phần thưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng hơn nửa thế kỷ. Nguồn: https://towardstransparency.org

TIME: Nhà nước Việt Nam đang bị lên án là vi phạm nhân quyền, một số người đối lập với chính phủ đã bị bỏ tù trong năm qua. Quan điểm của ông ra sao và thế nào là tội làm phương hại tình đoàn kết xã hội.

Mạnh: Quyền của cá nhân luôn luôn đi đôi với quyền của xã hội. Nhân đây tôi muốn nói thêm rằng ở Việt Nam chúng tôi không có tù nhân chính trị. Không ai bị bắt bớ, bỏ tù vì tuyên bố hay quan điểm của họ cả. Họ bị bắt giam vì đã vi phạm luật pháp. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận vấn đề nhân quyền với các quốc gia khác trên cơ sở thông cảm đôi bên và tôn trọng những nguyên tắc căn bản của công pháp quốc tế. Nhưng chúng tôi không chấp nhận sự áp đặt quan điểm từ bên ngoài.

TIME: Linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị tù 13 năm vì “phá vỡ tình đoàn kết quốc gia” sau khi viết thư cho quốc hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Viết thư như thế là đe doạ đến nền an ninh Việt Nam chăng?

Mạnh: Ông ấy không bị tù vì viết thư cho quốc hội Hoa Kỳ. Chúng tôi có chứng cớ ông ta có hành động vi phạm pháp luật. Ông ấy bị bỏ tù như một công dân Việt Nam chứ không phải như một linh mục.

TIME: Ông ấy đã vi phạm luật nào?

Mạnh: Tôi không phải là quan toà nên không thể cho bà biết tất cả những chi tiết. Nhưng phiên xử đã diễn ra công khai theo đúng luật pháp.

TIME: Chính phủ đã đặt tiêu chuẩn tăng trưởng hàng năm là 7% GDP trong vài năm sắp đến, nhưng để thực hiện được điều này, chính phủ các ông phải thi hành cải tổ cơ cấu và làm trong sáng hệ thống tài chánh ở những công ty quốc doanh. Những đổi mới này tiến hành quá chậm trong những năm vừa qua, mực đầu tư đang giảm đi. Chính phủ của ông sẽ làm gì để vực dậy những đổi mới đó?

Mạnh: Đầu tư của nước ngoài là một thành tố quan trọng của nền kinh tế của chúng tôi. Nó giúp kỹ nghệ hoá và tân tiến hoá cơ cấu kinh tế Việt Nam cùng lúc đẩy nhanh hơn diễn trình đổi mới. Trong những năm vừa qua chúng tôi vừa điều chỉnh một số chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài. Và trong tương lai, chúng tôi sẽ làm hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nhân và nhà đầu tư ngoại quốc, chúng tôi hy vọng sẽ giữ được mức phát triển 7% như ở năm 2002.

TIME: Ông có đồng ý rằng sự trong sáng và xuyên suốt hơn là điểm chung trong mọi thay đổi Việt Nam đang theo đuổi? Trong quá khứ, rất nhiều người trong giới đầu tư đã chán nản thất vọng vì những gì họ thấy là cả một xã hội bưng bít?

Mạnh: Kể từ khi đổi mới, chúng tôi không có gì giấu giếm hay bí mật trong mặt kinh tế hay xã hội cả. Từ năm 1988 chúng tôi đã ứng dụng dân chủ cơ sở qua khẩu hiệu/nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” cơ mà.

TIME: Ông nghĩ thế nào về hoạt động quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Afgahanistan, và nó khác với hành động quân sự của Mỹ tại Việt Nam trong những năm 1960 và 70 như thế nào?

Mạnh: Chúng ta không nên so sánh như thế. Tuy nhiên, điều tôi muốn làm sáng tỏ ở đây là chúng tôi chống đối khủng bố dưới mọi hình thức. Tuy thế, bất cứ chiến dịch chống khủng bố nên nằm trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Không nên dùng Chiến tranh chống khủng bố để xen vào nội bộ của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Chúng ta cần xác định chắc chắn, đúng mục tiêu khủng bố và không làm hại đến lương dân.

TIME: Một số quốc gia, điển hình là Việt Nam, đã lên án Hoa Kỳ đã che chở cho những nhóm khủng bố chống lại nhà nước Việt Nam. Hoa Kỳ nên có những ứng xử thế nào, thí dụ, với các nhóm có cơ sở ở California thề sẽ đánh bom các mục tiêu của Việt Nam?

“Tất cả người Việt Nam đều là con cháu Bác Hồ … và tôi cũng thế,” Nông Đức Mạnh. Nguồn: alamy stock photo

Mạnh: Chúng tôi không đồng ý với bất kỳ chính sách nào nuôi dưỡng và cho phép những thế lực phản động hoạt động chống lại Việt Nam. Chúng tôi muốn Hoa Kỳ hợp tác với chúng tôi. Như bà biết đấy, chúng tôi vừa phê chuẩn hiệp định thương mại song phương giữa hai quốc gia. Trên nguyên tắc không can thiệp và tôn trọng độc lập và chủ quyền quốc gia, Hoa Kỳ không có lý do gì để cho phép hay dung dưỡng những thế lực đó hoạt động chống lại Việt Nam. Chúng tôi sẵn sang thảo luận vấn đề này.

TIME: Suốt sự nghiệp chính trị của ông đã có khá nhiều tin đồn. Trong chiều hướng đổi mới và trong sáng, xin ông cho chúng tôi biết rõ ràng: Hồ Chí Minh có phải là cha đẻ của ông hay không?

Mạnh: (Tặc lưỡi) Tôi cần phải lập lại và khẳng định điều đó không đúng. Tôi có thể cho bà biết tên của cha mẹ tôi, nhưng họ đã chết cả rồi. Cứ mỗi tháng ba, tôi đều về làng cũ thăm nom mộ phần của cha mẹ. Chị và em tôi vẫn còn sinh sống ở đó. Tôi không hiểu sao lời đồn đại vẫn còn dai dẳng mãi.

TIME: Ngay cả sau Đại hội đảng, trả lời của ông vẫn không rõ ràng khiến người ta vẫn còn nghi ngờ. Thế thì tên của bố đẻ của ông là gì?

Mạnh: Tên bố tôi là Nông Văn Lai và tên mẹ tôi là Hoàng Thị Nhi. Thông tin này không khó kiểm tra đâu. Về làng tôi thăm hỏi, họ cũng sẽ nói với bà như thế. Nếu người ta cho tôi giống Hồ Chí Minh, tôi nghĩ là trên đời có nhiều người giống nhau thôi (cười).

TIME: Như thế ông không có mảy may liên hệ nào với Hồ Chí Minh?

Mạnh: Tất cả người Việt Nam đều là con cháu Bác Hồ. Tôi nghĩ cả dân tộc Việt Nam xem Hồ Chí Minh như cha tinh thần, và tôi cũng thế.

TIME: Nhưng không phải là cha ruột?

Mạnh: Chắc chắn như thế, (Hồ Chí Minh) không phải là bố đẻ của tôi.

Copyright © 2006-2021 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


Nguồn: Bài đăng lần đầu trên DCVOnline ngày 12/09/2006

Lưu ý của người dịch

Bà Nông Thị Trưng. Nguồn: Nguồn: Hội LHPN

Theo nhiều nguồn tin cùng các nhân chứng đáng tin cậy và qua các bài viết trên DCVOnline thì Nông Đức Mạnh là con của của bà Nông Thị Trưng (tức Nông Thị Bày), không phải là Hoàng Thị Nhi như ông Nông Đức Mạnh nói…

Tuy nhiên, điều này không chỉ được khẳng định từ nhiều nguồn tin, trong tạp chí Thế Giới Mới, cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, số 434 ra ngày 30 tháng 4 năm 2001 có đăng bài Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong ký ức của một người thầy nhân dịp Nông Đức Mạnh lần đầu được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nói về cảm tưởng của thầy giáo cũ La Văn Ngâm dạy cấp 2 về học trò cũ Nông Đức Mạnh. Bài có đoạn tả thầy giáo này tìm đến nhà bà Trưng, thân mẫu Nông Đức Mạnh, trong đó có ghi rõ chú thích của tạp chí: “bà Nông Thị Trưng là thân mẫu đồng chí Nông Đức Mạnh”.

Về bà Nông Thị Trưng, Thông tấn xã Việt Nam (2003) viết như sau:

Bà Nông Thị Trưng qua đời

TTXVN

Hồ Chí Minh (1890-1969) làm việc tại hang Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, miền bắc Bắc Kỳ trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chống Pháp và Nhật, 1941. Nguồn: Age Fotostock

Bà Nông Thị Trưng, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng, người đảng viên do Bác Hồ, Chủ tịch Đảng trực tiếp giới thiệu vào Đảng năm 1941 tại Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng), đã từ trần hồi 8 giờ 40 ngày 26/1/2003 tại thị xã Cao Bằng do bệnh hiểm nghèo, thọ 83 tuổi. Bà được nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Bằng có công với nước, Huân chương Độc lập hạng 3, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Sự ra đi của bà để lại lòng tiếc thương vô hạn của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Bà Nông Thị Trưng (tức Nông Thị Bày), dân tộc Tày, sinh ngày 6/12/1920 tại Phù Ngọc, Hà Quảng, Cao Bằng. Tháng 8/1963, bà tham gia cách mạng, hoạt động trong Tổ chức Thanh niên làm nhiệm vụ giao thông liên lạc bí mật của Đảng. Năm 1941, bà là một trong những cán bộ được liên lạc trực tiếp với Bác Hồ và là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu vào Đảng năm 1941, khi đó bà còn là một thanh niên mới lớn, chưa biết chữ cần phải học. Bác Hồ đã gửi vở cho bà học chữ kèm theo bốn câu thơ mà trước đây đã là một trong những bài tập đọc lớp 1 phổ thông:

Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu gắng công mà học tập
Mai sau xây dựng nước non nhà.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, bà Nông Thị Trưng đã suốt đời học tập, phấn đấu rèn luyện trở thành một cán bộ mẫu mực.”

Nguồn:

Nông Thị Trưng
Nhân Dân mục Thời sự.