Giáo hoàng sai. Lựa chọn sinh ít con hoặc không có con là ngược với ích kỷ

Alistair Currie | DCVOnline

“Mùa đông” mà chúng ta phải đối diện nếu khôngcó quyết định khôn ngoan hơn về cách chúng ta sống — gồm cả việc chúng ta chọn có bao nhiêu con — không chỉ là vấn đề nhân khẩu mà là vấn đề của quả địa cầu. Giáo hoàng hiểu rõ mối đe dọa đó. Ông có thể và phải đưa các chính sách của giáo hội phù hợp với nó.

Giáo hoàng Francis rời thánh lễ cuối ngày đầu năm mới tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican vào ngày 1 tháng 1 năm 2022.

(CNN) Nhận định của Giáo hoàng Francis trong tuần này cho rằng những cặp vợ chồng chọn nuôi thú cưng thay vì sinh con là hành động ích kỷ, đã khơi dậy một cuộc tranh luận quan trọng và kịp thời về tương lai của nhân loại chúng ta. Tuy nhiên, những bình luận của Giáo hoàng là hoàn toàn sai lầm. Giáo Hoàng nói với một cử tọa tại Vatican Thứ Tư,

“Ngày nay, chúng ta thấy một hình thức ích kỷ. Chúng ta thấy rằng mọi người không muốn có con, hoặc chỉ có một và không có thêm nữa. Và rất nhiều cặp vợ chồng không có con vì họ không muốn, hoặc họ chỉ có một — nhưng họ có hai con chó, hai con mèo … Đúng vậy, chó và mèo thay thế cho trẻ em.”

GH Francis

Giáo hoàng nói thêm:

“Sự chối bỏ cương vị làm cha, làm mẹ này làm chúng ta nhỏ đi, nó lấy đi tính nhân bản của chúng ta.”

GH Francis

Nhận định của Giáo hoàng cho rằng không có con là ích kỷ là điều xa sự thật. Đặc biệt là đối với những người chúng ta sống ở các quốc gia có ảnh hưởng môi trường lớn, lựa chọn có một gia đình nhỏ, hoặc không có gia đình, là một lựa chọn giúp ích cho tất cả mọi người — đặc biệt là trẻ em, tương lai của giới trẻ phụ thuộc vào một quả đất bền vững hơn.

Ngoài ra, giá trị, tư cách đạo đức và tư cách của một người không thể xác định được bằng cương vị làm cha, làm mẹ. Và thể hiện tình yêu đối với động vật chắc chắn là điều gì đó giúp nâng cao và thể hiện tính nhân bản của chúng ta — chứ không phải làm giảm nó đi.

Giáo hoàng là một người ủng hộ mạnh mẽ cho môi trường và đáng được ca ngợi vì đã lên tiếng về những bất bình đẳng, chủ nghĩa tiêu dùng và công bằng xã hội. Ông nhận ra mối đe dọa sâu sắc do biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh thái gây ra. Và trong việc cất lên tiếng nói của mình và thách thức sự tự mãn của các chính khách, Giáo hoàng đã làm được nhiều điều tốt.

Điều mà Giáo hoàng đã không làm là kết nối các dấu chấm giữa sự sụp đổ môi trường và quan điểm của Giáo hội Thiên Chúa giáo về kích cỡ gia đình và biện pháp tránh thai. Thật vậy, những bình luận của Giáo hoàng trong tuần này lặp lại những giáo lý của giáo hội về tầm quan trọng của các cặp vợ chồng sinh con hoặc nuôi dạy con cái — trong khi đưa ra những tuyên bố vô lý về hậu quả nhân khẩu tiềm ẩn của việc không sinh con và nuôi dưỡng con cái.

Nhưng theo các nguồn có thẩm quyền, gia tăng dân số là một trong những động lực chính của cả biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh thái. Một nghiên cứu năm 2017 do Global Environmental Change xuất bản cho thấy nếu tốc độ tăng dân số toàn cầu đạt hoặc vượt mức dự báo trung bình của Liên hiệp quốc (nhiều khả năng là 10,9 tỷ người vào năm 2100), thì sẽ không thể ở dưới ngưỡng quan trọng của sự nóng lên 2 độ C so với độ nóng trước thời kỹ nghệ.

Project Drawdown, một phân tích chính về tất cả các giải pháp chính sách khí hậu hiện có, cho thấy rằng việc đạt được dự báo trung bình thay vì dự báo cao hơn vào năm 2050 (chênh lệch 1 tỷ người) sẽ dẫn đến tiết kiệm phát thải 85,42 Gigatonnes CO2 — khiến nó trở thành một trong những quyết định có ảnh hưởng động mạnh nhất mà chúng ta có thể thực hiện để hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Tất nhiên, không chỉ là dân số. Có một nhu cầu cấp thiết trên nhiều phương diện, đặc biệt là giải quyết sự bất bình đẳng kỳ cục trong tiêu dùng và sự đóng góp không cân xứng vào việc hủy hoại môi trường của những người giàu có theo tiêu chuẩn toàn cầu — những bất bình đẳng mà Giáo hoàng Francis đã đóng góp rất nhiều để nêu bật vấn đề.

Hàng trăm triệu người sống trong cảnh nghèo đói trên toàn thế giới đáng được có nhiều đất, thực phẩm, nước, năng lượng và cơ sở hạ tầng hơn những gì họ hiện có. Và càng có nhiều người đang chém chặt đốt phá thiên nhiên và tạo ra khí thải, thì chúng ta càng khó leo ra khỏi cái hố này.

Trong khi đó, Giáo hoàng kêu gọi sinh nhiều trẻ em hơn. Giáo hoàng đang là một phần của cơn hoảng loạn vì phá sản trẻ em — do Elon Musk , trong số những người khác, hô hoảng — la làng “mùa đông nhân khẩu”, liên quan đến việc giảm tỷ lệ sinh. Hãy đặt việc này vào viễn cảnh. Một nửa dân số thế giới dưới 30 tuổi. Những xã hội lão hóa là một thách thức, nhưng các giải pháp chính sách hiệu quả, giá cả phải chăng hiện đã có.

Những gì chưa có là một giải pháp cho các sông băng tan chảy hoặc các loài đã tuyệt chủng. Điều kiện tiên quyết căn bản của một tương lai tốt đẹp cho trẻ và già là một quả đất khỏe mạnh.

Những gì Giáo hoàng nghĩ có quan trọng hay không? Xét cho cùng, nước Ý Thiên chúa giáo là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh sản thấp nhất ở châu Âu, một điều khó có thể đạt được bằng các biện pháp tránh thai mà Vatican chấp nhận. Nhưng không phải ở đâu cũng là nước Ý. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong khi châu Âu và châu Mỹ vẫn là nơi sinh sống của đa số người theo Thiên chúa giáo trên thế giới, thì tỷ lệ sinh sản đã thấp hơn nhiều so với một thế kỷ trước. Đồng thời, dân số Thiên chúa giáo đã tăng lên rất nhiều ở châu Phi cận Sahara và khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, việc cung cấp các biện pháp tránh thai trên toàn thế giới đang bị thiếu hụt. Nó cần tất cả sự hỗ trợ mà nó có thể nhận được — và Giáo hoàng và giáo hội  có thể làm rất tốt trong việc hỗ trợ, thay vì phản đối.

Trên toàn thế giới, 270 triệu phụ nữ chưa được đáp ứng nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại. Đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình toàn cầu cũng rất đáng đồng tiền. Một đánh giá năm 2014 của Trung tâm Đồng thuận Copenhagen cho thấy mỗi đô la Mỹ được chi tiêu để đạt được khả năng tiếp cận phổ cập với các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục mang lại 120 đô la lợi ích trong việc cải thiện sức khỏe và giảm áp lực lên các dịch vụ khác.

Em mèo con Fiona và chị chó Ethel của gia đình giúp chú mèo con sống lại sau khi nó được cứu lúc mới được 3 ngày. Nguồn: Kelsey Minier

Tính nhân bản của chúng ta được nâng cao bằng cách có những quyết định cẩn thận về kích cỡ gia đình của chúng ta và bằng cách cho người khác quyền và cơ hội để thực hiện những lựa chọn đó. “Mùa đông” mà chúng ta phải đối diện nếu khôngcó quyết định khôn ngoan hơn về cách chúng ta sống — gồm cả việc chúng ta chọn có bao nhiêu con — không chỉ là vấn đề nhân khẩu mà là vấn đề của quả địa cầu. Giáo hoàng hiểu rõ mối đe dọa đó. Ông có thể và phải đưa các chính sách của giáo hội phù hợp với nó.

Tác giả | Alistair Currie là người đứng đầu các chiến dịch và truyền thông tại Tổ chức Dân số Quan trọng (Population Matters), một tổ chức từ thiện tại Anh Quốc, vận động cho Nhân số Bền vững bằng những biện pháp đạo đức, nhằm bảo vệ thiên nhiên và cải thiện cuộc sống của con người. Quan điểm thể hiện trong bài bình luận này là của riêng tác giả.

© 2021 DCVOnline   

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net” 


Nguồn: The Pope is wrong. Choosing to have few or no children is the opposite of selfish | Alistair Currie | CNN | January 9, 2022