Từ chối chăm sóc cho những người chưa chích ngừa là ý nghĩ quá tệ
Ed Yong | DCVOnline
Omicron đang đẩy những bệnh viện đến giới hạn của chúng, nhưng hệ thống y tế vẫn có trách nhiệm đạo đức đối với tất cả bệnh nhân – bất kể họ đã lựa chọn như thế nào.
Hiện nay, nhiều người Mỹ vào bệnh viện vì COVID-19 hơn bao giờ hết. Số bệnh nhân đang ấy áp lực cho những nhân viên y tế, một số đã từ chức và một số khác bị nhiễm bệnh đột ngột. Ở nhiều nơi khắp Hoa Kỳ, bệnh nhân củac mọi loại cấp cứu hiện phải chờ đợi lâu và được chăm sóc kém hơn. Sau khi viết về cuộc khủng hoảng này vào đầu tháng, tôi nghe một số độc giả nói rằng giải pháp rõ ràng là: Không chăm sóc cho những người chưa chích ngừa. Những lập luận như vậy đã được đưa ra vào năm ngoái, khi biến thể Delta nổi lên, và chúng lại xuất hiện khi Omicron lan rộng. Cơ sở lý luận của họ thường đại ý như sau:
“Mọi người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã đủ điều kiện chích ngừa kể từ tháng Tư. Đến lúc này, những người chưa chích ngừa đã thục hiện lựa chọn của họ. Sự lựa chọn đó đang làm tổn thương tất cả những người khác, bằng cách kéo dài đại dịch và bây giờ, bằng cách phá hủy hệ thống y tế. Hầu hết những người vào bệnh viện vì COVID đều chưa được chủng ngừa. Thật là phi đạo đức khi nhân viên y tế phải hy sinh cho những người không chăm sóc bản thân. Và điều đặc biệt là phi đạo đức khi ngay cả những người đã được chích ngừa, những người đã làm mọi thứ đúng, có thể không được chăm sóc khi bị đau tim hoặc đột quỵ vì các phòng cấp cứu chật cứng bệnh nhân COVID chưa chích ngừa.”
Nói rõ hơn, cuộc tranh luận này mang tính lý thuyết: Những nhân viên y tế không được từ chối việc chăm sóc cho những bệnh nhân chưa chích ngừa, mặc dù trớ trêu thay, nhiều người nói với tôi rằng họ đã bị buộc tội làm như vậy do không kê đơn ivermectin hoặc hydroxychloroquine, những thứ không có tác dụng chống lại COVID nhưng thường được đồn thổi sai là thần dược. Tuy nhiên, tôi đã trình bày những lập luận này với một số chuyên gia đạo đức học, bác sĩ lâm sàng và giới y tế công cộng. Nhiều người trong số họ đồng cảm với sự bực tức và sợ hãi của những những người có phản ứng này. Nhưng tất cả họ đều nói rằng đó là ý nghĩ quá tệ – phi đạo đức, không thực tế và dựa trên sự hiểu biết nông cạn về lý do tại sao một số người vẫn chưa chích ngừa.
Matt Wynia, một bác sĩ và chuyên gia đạo đức học tại Đại học Colorado, nói với tôi:
“Đó là một phản ứng dễ hiểu đối với sự thất vọng và tức giận, và nó hoàn toàn trái ngược với các nguyên lý của đạo đức y tế, vốn đã đứng khá vững chắc kể từ Thế chiến thứ hai. Chúng ta không sử dụng hệ thống chăm sóc y tế như một cách để đòi công lý. Chúng ta không dùng nó để trừng phạt mọi người vì những lựa chọn xã hội của họ.”
Bs Matt Wynia
Sara Murray, một bác sĩ bệnh viện tại UC San Francisco, cho biết thêm, vấn đề “khá đơn giản và khô khan”.
“Chúng tôi có trách nhiệm đạo đức là chăm sóc cho mọi người bất kể họ đã lựa chọn như thế nào và điều đó đúng với những bệnh nhân chưa chích ngừa của chúng tôi.”
Bs Sara Murray
Không giống như việc buộc phải chích ngừa, giới hạn công việc mà những người không chích ngừa đượ phép làm hoặc không gian mà họ có thể lui tới, việc không chăm sóc y tế sẽ là vấn đề sinh tử. Và trong những vấn đề như vậy, chăm sóc y tế nên được cung cấp theo nhu cầu khẩn cấp của bệnh nhân, chứ không phải theo các trường hợp dẫn đến nhu cầu đó. Những người có hành động gây nguy hiểm cho bản thân, như người hút thuốc bị ung thư phổi hoặc người lái xe bị tai nạn khi không thắt dây an toàn, vẫn được điều trị. Những người có hành động gây nguy hiểm cho người khác, như lái xe say rượu hoặc khủng bố, cũng được điều trị. Carla Keirns, giáo sư y đức và y học giảm nhẹ tại Trung tâm Y tế Đại học Kansas, nói với tôi,
“Tất cả chúng ta đều là người có tội. Không ai có tất cả những quyết định hoàn hảo, và bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể lâm bệnh.”
Gs Carla Keirns
Một nguyên tắc căn bản của y học hiện đại là Daniel Goldberg, chuyên gia sử học y khoa và đạo đức sức khỏe cộng đồng tại Đại học Colorado , đã nói với tôi, “mọi người đều có quyền bình đẳng trong việc được giảm đau đớn, bất kể họ đã làm gì hoặc chưa làm gì.”
Như các ví dụ lịch sử cho thấy, những người có đặc quyền nhất thường hưởng lợi khi sự chăm sóc y tế bị phân bổ giới hạn. Vào những năm 1960, khi máy lọc máu vẫn còn hiếm, một nhóm bảy người được giao nhiệm vụ quyết định xem bệnh nhân nào nên được điều trị cứu sống. Trong số các yếu tố như tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, sự giàu có và học vấn, cái gọi là Ủy ban Thượng đế cũng xem xét những người nào có “tiềm năng phục vụ xã hội cao nhất” và “hoạt động tích cực trong công việc nhà thờ”. Không có gì đáng ngạc nhiên, như các phân tích sau đó cho thấy, những ủy ban đó ủng hộ những người đàn ông da trắng thuộc tầng lớp trung lưu. Keirns nói với tôi,
“Khi nó được mọi người biết, công chúng Mỹ đã rất phẫn nộ. Họ nhận ra rằng khi cố phân biệt đạo đức, cuối cùng người ta sẽ chống lại mọi người mà hoàn cảnh ở ngoài tầm kiểm soát của họ.”
Gs Carla Keirns
Sự lựa chọn của mọi người luôn bị hạn chế vì hoàn cảnh của họ. Ngay cả bây giờ, những người không chích ngừa không phải là tất cả những người từ chối chủng ngừa. Sử dụng dữ liệu khảo sát gần đây từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, chuyên gia nghiên cứu chính sách y tế Julia Raifman và kinh tế gia Aaron Sojourner đã chỉ ra rằng tỉ những người Mỹ không được chích ngừa là những người nghèo một cách không cân xứng — và trong nhóm có thu nhập thấp nhất, những người muốn hoặc sẽ cân nhắc việc chích ngừa nhiều hơn những người sẽ không bao giờ chích ngừa. Việc họ vẫn chưa được chích ngừa có vẻ không thể giải thích được đối với những người chỉ cần đến tiệm CVS địa phương của họ. Nhưng những người sống trong các khu dân cư nghèo có thể không có hiệu thuốc địa phương, hoặc phương tiện giao thông công cộng đưa họ đến một hoặc truy cập internet cho phép họ lấy hẹn. Những người làm công ăn lương theo giờ có thể không có thời gian cho cuộc hẹn tiêm chủng, hoặc nghỉ ốm được trả lương vì đau ốm vì bị bất kỳ tác dụng phụ nào.
So với những người đã chính ngừa, những người chưa được tiêm phòng có nhiều khả năng sống trong các bang đỏ hơn – một mối tương quan thường được coi là sự phản ánh của sự lựa chọn chính trị. Nhưng họ cũng có thể có những lo lắng cấp bách khác, chẳng hạn như nhu cầu chăm sóc trẻ em, mất an ninh lương thực và nguy cơ bị đuổi ra khỏi nhà. Anne Sosin, một chuyên viên nghiên cứu công bằng sức khỏe tại Dartmouth, nói với tôi
“Ngay cả ở Vermont, tiểu bang chích ngừa nhiều nhất, sự khác biệt về tiêm chủng cũng phản ảnh sự chênh lệch xã hội khác, như thu nhập của gia đình.”
Anne Sosin
Những người chưa được tiêm phòng có thể thiếu bảo hiểm y tế cao gấp đôi so với những người đã chích ngừa, vì vậy ở một mức độ nào đó, Hoa Kỳ đã từ chối, không quan tâm của họ. Keirns cho biết, dựa vào sự phủ nhận đó “sẽ làm tăng thêm sự chênh lệch bất công mà họ đã phải đối phó.”
Rõ ràng là vẫn có những kẻ cương quyết chống chính, và họ có khuynh hướng ồn ào và chống đối. Nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe đã nói với tôi rằng họ đã bị những bệnh nhân như vậy lăng mạ, đe dọa hoặc hành hung, đủ để làm xói mòn lòng trắc ẩn của họ. Những người khác nói rằng những bệnh nhân như vậy khiến họ khó được điều trị hơn vì từ chối chăm sóc y tế và yêu cầu các loại thuốc không hiệu quả. Nhưng ngay cả những thái độ chống đối chích ngừa liều lĩnh nhất cũng có thể phản ảnh những vấn đề xã hội sâu sắc hơn.
Những người nghi ngờ thuốc chích ngừa có thể mất lòng tin về hệ thống chăm sóc sức khỏe mà họ khó tiếp cận. Họ có thể không có bác sĩ gia đình mà họ tin tưởng để được hướng dẫn y tế. Họ có thể bị đắm chìm trong các nguồn tin cánh hữu, những người đã gieo rắc thông tin sai lệch về việc cchisch ngừa, hoặc cộng đồng mà sự chần chừ là tiêu chuẩn. Sosin nói với tôi:
“Chúng ta đã gieo rắc nhiều thông tin sai lệch trong nhiều cộng đồng ở nông thôn của chúng ta hơn là đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục và kinh tế.”
Anne Sosin
Bỏ qua những tranh luận về mặt đạo đức, việc không chăm sóc từ những người chưa chích ngừa cũng là không khả thi về mặt hậu cần. Không amà tôi đã nói chuyện có thể tưởng tượng một bệnh nhân đến có nhu cầu và phải đợi cho nhân viên y tế kiểm tra thẻ chích ngừa của họ. Nhưng nếu cuộc khủng hoảng bệnh viện trở nên tồi tệ hơn, nhu cầu bảo tồn tài nguyên có thể buộc các nhân viên chăm sóc sức khỏe phải có những lựa chọn khó khăn. Những bệnh nhân đã chích ngừa có nhiều khả năng sống sót sau khi bị nhiễm coronavirus hơn những người chưa chích ngừa, và các nhân viên y tế có thể dành cho họ sự quan tâm nhiều hơn như một phán đoán y tế hơn là một đạo đức. (Nhưng phép tính như vậy rất phức tạp, Wynia nói với tôi, “Bạn nên ưu tiên tiêm kháng thể đơn dòng cho những người chưa được chủng ngừa” bởi vì mỗi liều sẽ có nhiều khả năng khiến một người nào đó không phải vào bệnh viện hơn).
Khi nhân viên y tế kiệt sức hơn, mất tinh thần và tức giận, họ cũng có thể ít nỗ lực hơn trong việc điều trị cho những bệnh nhân chưa chích ngừa một cách vô thức. Rốt cuộc, thành kiến ngầm có nghĩa là nhiều nhóm người đã được chăm sóc kém hơn bất chấp các nguyên tắc đạo đức mà y học phải tuân thủ. Những căn bệnh phức tạp ảnh hưởng không cân đối đến phụ nữ, chẳng hạn như viêm cơ tủy, rối loạn chuyển hóa máu và hiện nay là COVID kéo dài, thường bị loại bỏ vì định kiến phụ nữ là quá kích động và quá xúc động. Người da đen được điều trị không đủ để giảm đau vì niềm tin phân biệt chủng tộc dai dẳng rằng họ ít nhạy cảm hơn với nó hoặc họ có làn da dày hơn. Người tàn tật thường nhận được sự chăm sóc tồi tệ hơn vì niềm tin đã ăn sâu rằng cuộc sống của họ kém ý nghĩa hơn. Những thành kiến này vẫn còn – nhưng chúng cần phải được chống lại. Goldberg nói với tôi:
Wynia nói, trong thời kỳ khủng hoảng, việc nới lỏng các tiêu chuẩn đạo đức của con người đặc biệt hấp dẫn, nhưng điều đặc biệt quan trọng là phải giữ những tiêu chuẩn đó ở mức cao. Tuy nhiên, đó là một điều khó chịu đối với các nhân viên y tế. Họ tiếp tục bị kiệt sức, đau khổ về đạo đức và bị quấy rối — và nhiều người sẽ bỏ việc. Việc chăm sóc y tế sẽ còn được dàn trải mỏng hơn. Một số người đã làm mọi cách để tránh COVID có thể chết vì các tình trạng không liên quan. Không điều nào trong những trường hợp này là công bằng. Cũng không phải chỉ là trách nhiệm của những người chưa chích ngừa.
Nhiều bệnh viện cũng có đầy những bệnh nhân khác đã trì hoãn việc chăm sóc của họ từ một năm trở lên, và bây giờ không thể trì hoãn thêm nữa. Một số tổ chức đã ngược đãi nhân viên của họ trong suốt đại dịch, cắt lương, giảm phúc lợi và từ chối thời gian nghỉ việc cho đến khi nhiều nhân viên quyết định nghỉ việc. Nhiễm bệnh đột phát đã buộc một con số kỷ lục nhân viên y tế còn lại phải rời xa giường bệnh. Wynia nói thêm, “Ngay cả khi bạn nói rằng chúng tôi sẽ hạ cấp dịch vụ chăm sóc mà chúng tôi dànhp cho [bệnh nhân COVID chưa chích ngừa], thì điều đó cũng không nhất thiết có thể nâng cấp dịch vụ chăm sóc cho những người khác.”
Quan trọng nhất, những người chưa được chủng ngừa không phải là những người duy nhất lây truyền coronavirus. Họ có nhiều khả năng lây nhiễm hơn những người đã chích ngừa, nhưng những người đã chích ngừa vẫn góp phần vào sự lây lan của virus — và có lẽ về thực chất là như vậy, do khả năng né tránh một phần hệ thống phòng vệ miễn dịch của Omicron. Những người đã chích ngừa có thể vẫn có thể, ở mức thấp hơn, mắc bệnh nặng nhưng họ vẫn có thể truyền virus sang những người dễ bị tổn thương khiến họ sau đó phải vào bệnh viện. Chính họ có thể không chiếm phòng cấp cứu, nhưng họ vẫn có thể giúp lấp đầy những phòng cấp cứu đó bằng hành động của họ.
Khi Tổng thống Joe Biden tiếp tục nói về “đại dịch của những người không chích ngừa”, COVID vẫn là một cuộc khủng hoảng tập thể — và một cuộc khủng hoảng được thúc đẩy nhiều hơn vì không có hành động chính trị hơn là sự vô trách nhiệm cá nhân. Đó là kết quả của một chính quyền trước đó đã coi thường đại dịch; chính quyền hiện tại áp dụng toàn bộ vào thuốc chích ngừa gây thiệt hại cho những các biện pháp can thiệp theo lớp cần thiết để kiểm soát virus; giới tư pháp và lập pháp đã gây khó khăn hơn nếu không muốn nói là là cho chính phủ Hoa Kỳ không thể ban hành các chính sách bảo vệ mọi người khỏi bị lây nhiễm; các nguồn tin tức gieo rắc thông tin sai lệch; và các mạng xã hội đã cho phép nó phát triển tràn lan. Đổ lỗi hoặc bỏ mặc những người chưa chích ngừa sẽ không cứu được hệ thống y tế, ngăn chặn, hoặc kết thúc đại dịch. Nó sẽ chỉ là biểu hiện mới nhất của bản năng trừng phạt cá nhân của nước Mỹ vì những thất bại của xã hội.
Tác giả | Ed Yong là một nhà báo của The Atlantic; ông viết về khoa học.
© 2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: It’s a Terrible Idea to Deny Medical Care to Unvaccinated People | Ed Yong | The Atlantic | January 20, 2022.