Gia đình trong các xã hội nông nghiệp (Kết)
Bùi Quang Dũng
Tác giả một công trình nghiên cứu về cơ cấu tổ chức của làng cổ truyền Việt Nam cũng cho rằng họ của người Việt thời cận đại chỉ là một hình thức của gia đình mở rộng mà chức năng chủ yếu là tạo ra một niềm cộng cảm dựa trên huyết thống (Nguyễn Từ Chi, 1996).
Tổ chức gia đình như thế được củng cố thêm bằng các công cụ pháp luật. Trong xã hội theo Nho giáo như Trung Quốc truyền thống, vị trí cao hơn của người chồng, người đàn ông là nguyên tắc và người ta có thể nhận thấy rất rõ trong các văn bản luật pháp. Thật thế, với tư cách hệ tư tưởng thống trị, các giáo điều của Nho giáo thể hiện rõ nét chế độ gia trưởng trong gia đình. Trong hệ thống này thì hôn nhân là việc chuyển uy quyền đối với người phụ nữ từ người cha sang người chồng. Mối quan hệ giữa vợ và chồng, trong các bộ luật được viết theo tinh thần Nho giáo, có thể so sánh được với mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Người chồng có đặc quyền pháp lý đối với vợ, anh ta có thể có hành động bạo lực đối với vợ và nếu có xảy ra thương tích hay chết thì mức tội cũng nhẹ đi ba bậc so với mức thông thường. Nhưng nếu người vợ đánh chồng thì đó là tội lỗi nặng và phải đày đi xa. Mức phạt đó, trong thực tế, chỉ nhẹ hơn một bậc so với tội tương tự của con cái đối với cha mẹ. (Insun, 1994).
Nhiều học giả mặc dù gắn liền những đặc điểm của tổ chức xã hội Việt Nam với văn hóa Trung Quốc nhưng vẫn thừa nhận những ảnh hưởng khác từ khung cảnh văn hóa Đông Nam Á. Ví dụ nổi bật là sự khẳng định rằng kiểu gia đình gia trưởng như vừa mô tả thực tế phổ biến hơn cả tại những tầng lớp ưu tú của xã hội Việt Nam. Luật pháp Việt Nam truyền thống ảnh hưởng nhiều các bộ luật Trung Quốc khi nó giới hạn quyền thừa kế chỉ ở con trai, trong khi đó tập tục dân gian lại thừa nhận cả quyền của con gái trong lĩnh vực thừa kế. Khuôn mẫu Nho giáo liên quan tới chế độ gia trưởng trong gia đình gắn liền vơi quyền định đoạt tài sản của người chồng. Nhưng ngay trong luật pháp của các Triều đại Việt Nam (Nhà Lê chẳng hạn) vẫn thừa nhận quyền của người vợ đối với tài sản; điều đó có nghĩa là giới hạn nhiều cái quyền uy tuyệt đối theo kiểu Nho giáo của người chồng đối với vợ. Thậm chí có học giả đã lý giải rằng bộ Luật này (Nhà Lê) không quan niệm quan hệ vợ chồng đến mức mà người chồng là chủ tài sản duy nhất. Quan hệ này được hình dung như một thứ quan hệ liên hiệp (hay bạn bè) mà người chồng hoặc người vợ có thể lấy lại phần tài sản của mình khi cuộc hôn nhân tan vỡ vì lý do nào đó.
Cái khả năng người phụ nữ có quyền thừa kế thể hiện trong tâp tục là bằng chứng cho vị trí nhiều quyền lực của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam, quyền ra quyết định của họ nhiều hơn cái mức thông thường ở Đông Á. Mặt khác, vai trò quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong kinh tế gia đình khiến họ có quyền lực đáng kể trong gia đình. Nên nhớ rằng trong lao động nông nghiệp và thủ công nghiệp, thù lao cho một người phụ nữ cũng cao bằng nam giới. Một quan sát tại Huế vào hai thập kỷ đầu của thể kỷ XIX cho biết “không có sự phân biệt về tiền công lao động giữa đàn ông và đàn bà” (John Crawfurd, dẫn theo Insun: 120). Nên nhớ rằng tiền mà người phụ nữ kiếm được không chỉ là một phần lớn thu nhập của gia đình mà đôi khi còn là nguồn thu nhập tiền mặt duy nhất. Nguyễn Văn Huyên và Trần Từ, viết về quan hệ gia đình Việt Nam trước năm 1954 cũng xác nhận vai trò của các khoản thu nhâp bằng tiền mặt trong việc củng cố uy tín của người phụ nữ nông dân Việt. Theo tinh thần này mà Insun có thể đi tới nhận xét là việc mất vợ thực sự là một sự đe doạ cho kinh tế gia đình. Mặc dù luật pháp hướng nho cấp cho người chồng vị thế cao hơn vợ, song việc anh ta sử dụng như thế nào cái quyền đó trên thực tế lại rất hạn chế (3).
Dòng họ
Dòng họ được các nhà nhân học xã hội và xã hội học nông thôn nghiên cứu nhiều, do nó giữ một vai trò quan trọng ở các xã hội nông nghiệp. Dòng họ thiết lập những mối quan hệ giữa cá nhân và nhóm trên cơ sở các quan hệ sinh học giữa bố mẹ và con cái, giữa anh chị em ruột. Những mối quan hệ được thiết lập bởi hôn nhân tạo nên liên minh giữa những nhóm người không có quan hệ huyết thống, thường được coi như các quan hệ thân thuộc. Một số nhà khoa học xã hội phân biệt nghiên cứu dòng họ với nghiên cứu quan hệ thân thuộc.
Các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái (và mở rộng ra nữa là giữa ông bà và các cháu) quyết định phương thức thừa kế cũng như toàn bộ những quan hệ chính trị giữa các thế hệ. Giống như quan hệ giữa các anh chị em ruột, quan hệ cặp đôi giữa cha mẹ và con cái có thể mang tính quyết định trong việc đề ra những quy định về sự loạn luân (incest) bằng cách chỉ rõ những cặp hôn nhân nào bị cấm. Do mối quan hệ xã hội giữa vợ và chồng tạo nên các quan hệ giữa các nhóm huyết thống tương ứng, nên toàn bộ sự phức tạp của các quan hệ họ hàng và quan hệ thân thuộc có thể được xem là cơ sở để phân tích các quan hệ xã hội, kinh tế, chính trị trong các xã hội không có nhà nước.
Dòng họ không giống như hộ gia đình, hiếm khi là đơn vị cư trú hoặc đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, ngoài quy định về hôn nhân, dòng họ còn đảm đương một loạt chức năng liên quan tới chính trị, tôn giáo và địa vị xã hội. Trong những xã hội cổ sơ, lĩnh vực của các tìm tòi nhân học, nơi mà việc kiểm soát tài sản đất đai không phải là một yếu tố quyết định vị thế xã hội, thì dòng họ, trên thực tế có thể là yếu tố quyết định cơ bản và là chất liệu chính của hệ thống xã hội. Chức năng của dòng họ trong trường hợp đó chủ yếu là về chính trị , quan hệ mật thiết với các hệ thống phân tầng xã hội và toàn bộ việc sản xuất và tái sản xuất. Họ hàng có thể đóng một vai trò hết sức quan trọng do cá nhân ở một số xã hội chỉ có thể tiếp cận với các tư liệu sản xuất (ruộng đất) thông qua hệ thống họ hàng.
Mối quan hệ giữa hệ thống họ hàng và phân tầng xã hội khá rõ nét. Giới tinh hoa nông thôn kết hôn trên một khu vực rộng lớn nhằm củng cố các mối tiếp xúc trong vùng và tăng cường ảnh hưởng, còn người nông dân nghèo chỉ có một ít cuộc hôn nhân vượt ra ngoài làng. Mặt khác, những mô thức giai cấp khác nhau trong hôn nhân này bị lu mờ bởi các nghi thức hôn lễ giống nhau giữa địa chủ và nông dân. Đó có thể coi như sự khẳng định tính thống nhất tượng trưng của dòng họ. Trong khi nông dân ít dính dáng tới những người bên ngoài dòng họ, họ vẫn là người phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào những người thân thuộc giàu có về phía cha. Tại nhiều tộc người ở các nước Nam á hiện nay, đất đai không phải thuộc sở hữu của cá nhân, cũng không phải của gia đình, mà của thị tộc đằng mẹ, và thủ lĩnh ở mỗi làng lập nên các hội đồng để quyết định về các vấn đề căn cứ trên luật tục, còn gia đình thì vẫn là đơn vị cơ bản của cư trú, sản xuất và tái sản xuất.
Đối với các xã hội nông nghiệp mà phân tầng xã hội theo các “tiêu chuẩn” kinh tế, dòng họ tác động qua lại với việc kiểm soát tài sản và những thiết chế khác một cách phức tạp. Tại Bắc ấn, nơi mà các tập hợp nhóm theo nghề nghiệp với tư cách đẳng cấp giữ vai trò quan trọng, thì chức năng của dòng họ bị hạn chế. Trong khi đó, ở Đông Nam Trung Quốc, nơi không có đẳng cấp, các dòng họ trở thành cơ sở cho các hành động chính trị, và việc kiểm soát của cải tạo cho các thành viên của nó những lợi thế mà người ngoài không thể chia sẻ được trong cuộc cạnh tranh chính trị và chế độ thi cử.
Tiến hành các nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong các dòng họ có nhiều chức năng. Tại Triều Tiên, thành viên trong các dòng họ thờ cúng tổ tiên theo mùa được coi là một thuộc tính của giới ưu tú cầm quyền. Sự thờ cúng tổ tiên nhằm hợp thức hóa vị trí trong một nhóm cầm quyền và sự kiện cá nhân là thành viên của nhóm quan trọng đối với vị thế xã hội của anh ta hơn là việc kiểm soát tài sản. Những người trong tầng lớp quý tộc nhỏ thường để riêng những mảnh ruộng để lo cúng lễ hàng năm. Đất đai thường cho một người tá điền nghèo thuê canh tác và nộp lại số hoa lợi cần thiết để thờ cúng. Người tá điền này có trách nhiệm dùng số hoa lợi thu hoạch sửa một lễ thịnh soạn cúng tổ tiên vào tháng mười âm lịch hàng năm. Trong khi đó, ở Việt Nam, một gia đình thường để riêng một khoản ruộng hương hoả để lo việc tế lễ tổ tiên, trong trường hợp này, ruộng đất không nhất thiết phải do nhà con trưởng quản lý, mà thường được phân cho một trong những gia đình của họ. Trong tất cả các hoạt động nghi lễ đó đều có cỗ bàn ăn uống. Những cuộc tụ hợp như vậy, có thể lặp lại vào dịp tết, vào ngày rằm, mồng một, nó biểu thị sức mạnh của tình đoàn kết dòng họ. Tình đoàn kết này là một trong những mạng lưới xã hội bảo hiểm cho thân phận cá nhân.
Về quan hệ họ hàng của Viêt Nam, có nhiều quan điểm khác nhau. Các học giả Pháp viết vào những năm đầu tiên của thế kỷ trước có xu hướng tìm kiếm tiền lệ của gia đình và hệ thống gia tộc Viêt Nam trong lịch sử Trung Quốc thời cổ. Briffault một trong những “tác giả Đông dương” nổi tiếng nhất, khi đề cập đến các mối quan hệ về thân tộc và làng xã, cố gắng chứng minh nguồn gốc của “thành bang An Nam” trong nền văn minh Trung Quốc. Học giả này khẳng định rằng mỗi “cộng đồng làng xã” ở Việt Nam thoạt tiên là một “tập hợp thị tộc”, và chính do ảnh hưởng Trung Quốc mà trở thành một “liên hợp… gồm nhiều gia tộc liên minh với nhau”. (Briffault, 1909). Sự liên hệ này là dễ hiểu, nếu chúng ta nhớ lại rằng cho đến đời Tống (thế kỷ X-XIII), bộ máy quản lý làng mạc Trung Quốc còn dựa phần nào trên các trưởng tộc. Một nhà nghiên cứu khác nhận định rằng về mặt lịch sử thì từng tồn tại từ thời Bắc thuộc ở Việt Nam loại hình công xã mà “Họ và Làng chồng lên nhau, quan hệ huyết thống và quan hệ địa vực chồng lên nhau”. Sang tới thời Lý – Trần thì loại Làng – Họ này còn khá phổ biến, đó là loại làng mang cấu trúc gia tộc phụ hệ, trong đó mối ràng buộc bằng huyết thống rất sâu sắc. Dòng họ tồn tại như một kiểu tổ chức xã hội, làng lấy họ làm cơ sở và các quan hệ họ hàng cũng là nền tảng của quản lý làng xã. Tàn dư loại hình làng này còn lại cho tới tận cuối thế kỷ trước (Phan Đại Doãn,1994).
Trong khi đó, Vũ Quốc Thúc lại khẳng định là những nét căn bản của “gia đình Nho giáo” (quyền tuyệt đối của người cha, sự bất bình đẳng căn bản giữa chồng và vợ, tính chất hết sức thiêng liêng của thờ cúng tổ tiên) thực ra đã bị gán cho gia đình Việt Nam. Sự liên kết đó trong gia đình Trung Quốc, theo tác giả Nền kinh tế công xã Việt Nam, đã làm cho gia đình của họ trở thành một tế bào xã hội thật sự.
Nhiều bằng chứng do một số nhà nghiên cứu khác nêu ra cũng chứng tỏ rằng không giống như ở Trung Quốc, một đặc trưng của làng xã Việt Nam cận đại là ít có các làng chỉ bao gồm những thành viên của cùng một dòng tộc (InSun, 1990; Đỗ Thái Đồng, 1995). Sự thiếu vắng các làng xã bao gồm những nhóm đồng tộc được gắn liền với tình trạng phổ biến các gia đình hạt nhân trong xã hội Việt Nam cận đại và cùng với đó là sự mờ nhạt dần của khái niệm họ hàng. Tác giả một công trình nghiên cứu về cơ cấu tổ chức của làng cổ truyền Việt Nam cũng cho rằng họ của người Việt thời cận đại chỉ là một hình thức của gia đình mở rộng mà chức năng chủ yếu là tạo ra một niềm cộng cảm dựa trên huyết thống (Nguyễn Từ Chi, 1996).
Vẫn theo tác giả này, cuộc cải cách hành chính tại làng xã ở Bắc Bộ do người Pháp tiến hành (năm 1921) không thành công, vì nó dựa trên một đánh giá sai lầm về vai trò của tổ chức họ trong đời sống làng Việt. Đến năm 1927, chính quyền thực dân lại đưa ra một quy chế mới, lần này có chiếu cố đến các thiết chế cổ truyền một cách thiết thực hơn. Sau 15 năm thi hành, quy chế mới ấy đến lượt nó lại bị thay thế vào năm 1941, với mục đích mở rộng hơn nữa việc tham gia của những dân làng có điền sản hay phẩm hàm vào bộ máy hành chính ở cấp xã.
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Tạp chí Xã hội học số 3 -2007, trang 103-112. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
Tài liệu tham khảo
1. Bilton, T. và đồng nghiệp. 1993. Nhập môn xã hội học. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà
Nội.
2. Buttel, Frederick H, Olaf F. Larson, và Gilbert W. Gillespie J. 1990. The Sociology of
Agriculture. Westport, Conn: Greenwood Press.
3. Collin, B and Howard, N. 1972. Community Studies: An Intruduction to the Sociology of the Local Community. New York: Praeger.
4. Evans, G. (chủ biên). 2001. “Tôn ti và thống trị: giai cấp, địa vị và đẳng cấp”, trong Grant
Evans (chủ biên). Bức khảm văn hóa châu Á. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
5. Insun Yu. 2000. “Cấu trúc của làng xã Việt Nam đồng bằng Bắc Bộ và mối quan hệ của nó với nhà nước thời Lê”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 3-4.
6. Insun Yu. 1994. <i.Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII- XVIII. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
7. Konig, R. 1972. Sociologie. Flammarion, Paris.
8. Mai Văn Hai. 2000. Quan hệ dòng họ ở châu thổ sông Hồng. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
9. Meillassoux, C. 1979. Femmes, Greniers and Capitaux. Francois Maspero. 1, place paul- painlevé, Paris.
10. Murdock George Peter. 1949. Sosial Structure. Macmillance New York
11. Popkin, S. 1979. The Rational Peasant – The Political Economy of Rural Society in
Vietnam. University of California Press. Berkeley. Los Angelet. London.
12. Sorensen, C.W. 2001. “Gia đình châu Á: Sự hình thành hộ gia đình”, trong Evant, G. (chủ
biên). Bức khảm văn hóa châu Á. Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
13. Vũ Tuấn Huy (chủ biên). 2004. Xu hướng gia đình ngày nay, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
14. Wolf, E. 1966. Peasants. Prentice-Hall (foundation of modern anthropology series).